NGƯỜI MẶT TRĂNG TẠI MOSCOW
NGƯỜI MẶT TRĂNG TẠI MOSCOW
Người mặt trăng tại moscow
Có hai cuộc truy tìm hoàn toàn khác nhau đang làm bận tâm nhọc trí nhiều công dân Hoa Kỳ và Xô-viết hiện nay. Một là con người thám hiểm không gian; cái kia là việc truy tìm Thượng Đế riêng của mỗi người.
Hồi tháng Sáu 1979, một phi hành gia Hoa Kỳ đã nhập chung hai cuộc truy tìm kia lại nhân một lần phát biểu độc nhất vô nhị tại Liên bang Xô-viết. Đại tá James B. Irwin hoa tiêu của chiếc Phi thuyền bay lên Mặt trăng trong chuyến bay Apollo 15 kể lại các kinh nghiệm của ông trên mặt trăng và thế nào ông đã thấy rõ ràng là Đức Chúa Trời đang có mặt tại đó. Nói chuyện với một hội chúng khép kín trong Nhà thờ Tin Lành Cơ Đốc giáo theo hệ phái Báp-tít tại Moscow, Đại tá Jim đã kể lại cuộc gặp gỡ đặc biệt với Đức Chúa Trời ấy đã làm thay đổi hẳn đời sống tiếp theo đó của ông như thế nào.
Bài rút gọn bức thông điệp của ông tại Moscow này được soạn thảo theo một bài tường thuật cuộc nói chuyện của ông, đã được in lại trong tờ nhật báo chính thức của Hội Thánh Báp-tít Nga Bratski Vestnik (Sứ giả Huynh đệ).
Đại tá James B. Irwin là một trong mười hai người từng được bước đi trên mặt trăng. Là hoa tiêu của Phi thuyền Mặt trăng của chuyến bay Apollo 15, ông đã được cất lên khỏi Cape Kennedy ngày 26 tháng Bảy 1971 và đáp xuống mặt trăng bốn ngày sau đó với kỷ lục ở lại đó sáu mươi bảy giờ.
Đại tái Irwin nói: “Tôi đã quá bị thu hút vào việc chuẩn bị cho chuyến bay khoa học đến nỗi thậm chí chẳng bao giờ quan tâm đến chuyến bay thuộc linh ấy có thể sẽ cao đến đâu nữa”. Trong lúc ở trên mặt trăng, ông đã ý thức được về Đức Chúa Trời còn nhiều hơn cả những gì ông đã được biết qua rất nhiều năm. Ông đã nghỉ hưu ở NASA năm 1972 để thiết lập Quỹ Bay Cao (High Flight Foundation), một tổ chức truyền bá Phúc Âm đặt trụ sở tại Colorado Springs, Colorado. Ông đã trải qua hơn một triệu dặm đường để đi diễn thuyết về các từng trải của mình trên mặt trăng và về đức tin của mình – gấp đôi quãng đường ông đã du hành chung quanh mặt trăng.
Đại tá Irwin nói: “Tôi là người duy nhất đã trải nghiệm được những gì mà mình thích tham gia. Đây là một chuyến đi vĩ đại nhất tôi từng thực hiện, và vì mọi người đều phải trả tiền cho nó, nên tôi cảm thấy họ xứng đáng để bản thân tôi phải báo cáo lại chuyến đi ấy. Đó chính là điều tôi đang tường thuật lại cho họ đây”.
Hôm nay, tôi sẽ nói với tư cách một người đã được cơ hội thực hiện một chuyến đi dài. Từ hành tinh của chúng ta là Địa cầu lên mặt trăng. Trong Sáng Thế Ký, Thánh Kinh đã cho chúng ta biết về mặt trời và mặt trăng rằng: “Đức Chúa Trời làm nên hai vì sáng lớn; vì lớn hơn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm; Ngài cũng làm các ngôi sao”(Thi 1:16).
Hồi hãy còn là một cậu bé, mặt trăng đã có sức thu hút rất mạnh đối với tôi, và vì một lý do này hay một lý do khác, quả thật là tôi rất mong có ngày mình sẽ được bay lên trên đó. Sau đó, tôi từng hối tiếc là đã nói về cái ý niệm đó cho bạn bè và những người bà con thân thuộc của mình, vì họ đã cười nhạo tôi về điều đó. Hậu quả là từ đó trở đi, tôi đã giữ im lặng, nhưng vẫn âm thầm tin và mơ ước nó như thường.
Tôi được sinh ra trong một gia đình mà cha và mẹ tôi đều nhận biết Đức Chúa Trời. Tôi học biết về Chúa Cứu Thế Giê-xu từ mẹ tôi và tôi tri ân bà về điều đó. Tôi chẳng bao giờ quên cái ngày tôi đã đến một ngôi nhà thờ của Hội Thánh Tin Lành Báp-tít lần đầu tiên. Dường như Đức Chúa Trời đã phán với tôi: “Bây giờ là đến lượt con. Ta muốn bước vào cuộc đời con và khiến nó đầy dẫy chính ta”.
Cho nên tôi đã quay sang với Chúa, và Ngài bắt đầu cai trị đời sống tôi theo cách thức toàn tri và yêu thương của Ngài. Tôi không biết Chúa sẽ đưa tôi đi đâu, nhưng hoài bão của tôi là đó sẽ là hướng đi lên!
Tuy nhiên vẫn có những lần thối lui trong đời sống tôi. Tôi rất yêu thích máy bay, nên tôi gia nhập Không lực Hoa Kỳ. Với thời gian, tôi thu thập được nhiều kinh nghiệm. Tôi lái nhiều loại phi cơ, và bay cao hơn, nhanh hơn bất cứ ai khác từng bay trước đó. Nhưng lúc ấy, tôi đã đi lệch khỏi đời sống thuộc linh.
Chẳng bao lâu tôi gặp rủi ro. Cùng với một bạn thân, tôi đã bị rớt máy bay. Chiếc phi cơ của chúng tôi rơi xuống đất, nhưng nhờ một phép lạ, nó đã chẳng bị nổ tung. Cả hai ống chân tôi đều gãy, hàm dưới của tôi bị vỡ. Các bác sĩ muốn cưa chân phải của tôi. Khi tỉnh lại, tôi không hiểu tại sao một việc như thế lại có thể xảy đến cho mình – Jim Irwin, nhà hoa tiêu siêu hạng!
Rồi tôi nhớ lại Đức Chúa Trời và bắt đầu cầu nguyện: “Lạy Chúa, tại sao Ngài đã nâng con lên quá cao, rồi lại hạ con xuống quá thấp như thế?” Tôi hỏi Ngài: “Phải chăng Chúa muốn dạy con một điều gì đó?”Tôi thật sự muốn được một lời giải đáp cho thắc mắc ấy. Tôi cũng cầu nguyện xin được bình phục và Đức Chúa Trời đã nhậm những lời cầu nguyện của tôi. Bốn tháng sau tôi đi được, lành hẳn, và xuất viện.
Tôi muốn bay nữa, nhưng thật là khó xin được giấy phép của các cấp có thẩm quyền của Quân lực. Cuối cùng, họ cũng đã cho, và tôi bắt đầu lại sự nghiệp trên không trung của mình.
Tuy nhiên, lúc đó một kỷ nguyên mới đã bắt đầu.Yuri Gagarin, một phi hành gia người Nga, đã mở đường đi vào không gian. Chẳng bao lâu, người Mỹ cũng có cơ hội thực hiện một chuyến du hành vào không gian,nên tôi đăng ký để trở thành một phi hành gia. Tôi đã phải chờ rất lâu, và tôi vừa đúng vào tuổi giới hạn lúc được chấp nhận. Tôi đã phải học thêm nhiều đề tài mới và phải chịu huấn luyện vượt mức. Tôi chuẩn bị thân thể, tâm trí và tâm linh tôi cho các chuyến du hành vào không gian. Mỗi ngày tôi cầu nguyện xin Đức Chúa Trời giúp tôi trong nỗ lực này.
Sau năm năm, đến tháng Bảy 1971 ba người chúng tôi – Alfred Worden, David Scott và tôi – được chuẩn bị cho chuyến bay Apollo 15 đến mặt trăng.
Thì giờ trôi thật chậm chạp lúc chúng tôi chờ đợi cái ngày trọng đại ấy. Nhưng những phút cuối cùng bay qua nhanh chóng và “cả hệ thống xuất phát!” – chúng tôi cảm thấy năng lực phi thường của chiếc tên lửa ép sát lưng chúng tôi vào những chiếc ghế ngồi. Chúng tôi đang rời Địa cầu.Chuyến đi lên mặt trăng đã bắt đầu. Chúng tôi trông cậy vào sự kiện có rất nhiều người đang cầu nguyện cho chúng tôi – gia đình, con cái, và bè bạn chúng tôi.Chúng tôi cám ơn tất cả những ai đã cầu nguyện cho chúng tôi lúc ấy.
Sau khi rời quỹ đạo Địa cầu, khi chiếc phi thuyền còn song song với trái đất, chúng tôi nhìn thấy hành tinh yêu dấu của chúng ta qua khung cửa sổ của phi thuyền. Nó đi qua thật uy nghi, thật khải hoàn bên dưới chúng ta. Trong nó khiến ta phải kinh ngạc. Địa cầu được mặt trời chiếu sáng, và chúng tôi thấy các lục địa và các quốc gia thật rõ. Chúng tôi có thể phân biệt các màu ửng đỏ của đất, màu xám sáng của sa mạc và núi non, màu lam lục của các biển và đại dương, và những đám mây trắng.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hướng về phía mặt trăng thì dường như trái đất thay đổi độ lớn khiến chúng tôi có thể ghi nhận được.Thoạt đầu, nó có độ lớn của một trái dưa gang, rồi nhỏ dần đến chỉ còn bằng trái cam. Cuối cùng, nó lơ lửng như một viên ngọc trong không gian đen ngồm, vô tận. Thật khó nhận ra được đó là hành tinh trên đó chúng ta đang sống. Mọi sự mà tôi yêu mến, suy nghĩ đến và quan tâm lo lắng cho đều nằm ở dưới đó. Tôi ngạc nhiên tự hỏi chẳng hay chính Đấng Tạo Hoá Địa cầu nhìn hành tinh của chúng ta như thế nào?
Càng bay xa khỏi Địa cầu bao nhiêu, tôi càng cảm thấy gần sự hiện diện của Đức Chúa Trời Toàn Năng bấy nhiêu – thấy sự thân cận và quyền cai trị kiểm soát của Ngài. Sau ba ngày trên Trái Đất, David Scott và tôi đã có thể đổ bộ xuống mặt trăng, trong khi Al Worden tiếp tục bay theo quỹ đạo chung quanh mặt trăng.
Trong chiếc phi thuyền “Falcon” chúng tôi thực hiện cuộc đổ bộ tại vùng rặng núi Apen. Núi non vây quanh chúng tôi từ ba phía,trong khi ở phía thứ tư nằm về hướng Đông, có một hẻm núi lớn, một chiếc hố sâu. Các cảm xúc đầu tiên của tôi liên quan với các rặng núi. Tôi tự nhiên nhớ lại lời lẽ của Thi 121:1-2 “Tôi ngước mắt lên trên núi, sự tiếp trợ tôi đến từ đâu, sự tiếp trợ tôi đền từ Đức Giê-hô-va là Đấng dựng nên trời và đất”.
Núi non màu xám nhạt khiến chúng tôi chú ý.Bấy giờ là một buổi sáng đẹp đẽ đầy ánh nắng mặt trời, nhưng khác nhiều với một ngày như thế trên Trái đất, vì trên mặt trăng không có sự sống.
Trong khi chu toàn các sứ mạng khoa học của mình, tôi cảm thấy môt sự gần gũi đặc biệt với Đức Chúa Trời trong mọi sự, và thường cầu nguyện với Ngài. Chúng tôi có những khó khăn riêng, nhưng Chúa đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Tôi cảm thấy một thứ cảm thông trực tiếp với Đức Chúa Trời và thấy Ngài hiện diện gần tôi hơn hẳn lúc tôi còn trên Trái đất. Đây là một sự thức tỉnh thuộc linh thực sự đối với tôi. Kể từ lúc đó, Đức Chúa Trời đã ban cho tôi một hoài bão và sự thúc giục rất mạnh, là muốn chia sẻ đức tin của mình với nhiều người khác nữa.
Sau ba ngày, chúng tôi từ giã mặt trăng cho chuyến trở về, và nhiều điều đã được lặp lại theo thứ tự trái ngược. Nhưng khi chiếc dù thứ ba của chúng tôi không chịu mở ra, chúng tôi đã quay trở về Trái đất sớm hơn dự kiến của chuyến bay một chút. Lẽ tự nhiên, chiếc vỏ phi thuyền không gian của chúng tôi đã rơi nhanh hơn bình thường, như đáng lẽ ra nó phải rơi xuống.Chiếc vỏ phi thuyền của chúng tôi chỉ rơi xuống với hai chiếc dù, ngay vào lòng đại dương. Nhưng chúng tôi đã trải qua mọi việc thật an toàn, mà chẳng gặp vấn đề thật sự nào cả.
Giờ đây, tôi cảm tạ Đức Chúa Trời vì đã được đến thăm mặt trăng, như điều tôi từng hi vọng sẽ làm lúc hãy còn là một cậu bé.Tôi cũng tạ ơn Ngài vì đã giúp chúng tôi trở về Trái đất an toàn. Tôi tạ ơn Ngài vì đã cho tôi cơ hội được làm kẻ tôi tớ Ngài, và là tôi tớ của cả quý vị nữa.
Để kết thúc, tôi muốn nói với toàn thể quý vị rằng Đức Chúa Trời vẫn đang sống. Ngài đang ở trên mặt trăng cũng như ngay trên Địa cầu này. Ngài có mặt khắp nơi cho dù con người ta có ở đâu đi chăng nữa.Chính Ngài đã tạo ra cái hành tinh mà chúng ta đang sống đây. Trái đất cũng như một con tàu không gian nguy nga tráng lệ, hoàn toàn nằm trong sự quan tâm chăm sóc của Ngài.
Đức Chúa Trời yêu chúng ta bằng một tình yêu đời đời mà Ngài đã chứng minh cho chúng ta thấy trong Con Ngài, là Cứu Chúa chúng ta, Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vì yêu thương loài người cho nên Chúa Cứu Thế đã chịu chết thay cho mỗi người chúng ta. Chỉ một mình Ngài mới có thể tha tội cho chúng ta và thay đổi tấm lòng của chúng ta. Ngài có thể ngự vào đời sống của mỗi người chúng ta và tự đổ đầy chính Ngài vào đó. Ngài ban sức lực cho người mệt mỏi và khiến chúng ta chiến thắng sự chết.
Chính Chúa Giê-xu đang chuẩn bị mọi sự cho tất cả những ai trong chúng ta là những người yêu mến Ngài một chuyến du hành xa xôi nhất – xa hơn cả chuyến đi lên mặt trăng nữa. Rồi đây, sẽ có ngày chúng ta sẽ lên đường cho chuyến đi đầy vui mừng ấy. Chúa muốn cho chúng ta được cùng ở với Ngài tại nơi mà chính Ngài đang ở suốt cõi vĩnh hằng.
Leave a Comment