BÀI 10: “ĐÂY LÀ CON CỦA MẸ! ĐÂY LÀ MẸ CỦA NGƯƠI!”

BÀI 10: “ĐÂY LÀ CON CỦA MẸ! ĐÂY LÀ MẸ CỦA NGƯƠI!”
đây là con của mẹ, đây là mẹ của ngươi


Vua Sa-lô-môn, người được coi là ‘khôn ngoan nhất thế gian’ đưa ra lời khuyên trong Ch 23:22 rằng, 
“Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, Chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu.”
Đối với những ai trong chúng ta từng có những kỷ niệm đau thương trong thời thơ ấu khi đã phải trải qua những năm cay đắng và tức giận cha, mẹ hoặc cả hai, thì đây quả là những lời nhức nhối đâm thấu lòng phải không quý vị? Những trở ngại trong gia đình để lại cho chúng ta những vết thương, ngay cả sự vỡ mộng, sự thất vọng và lo sợ khi vươn tay ra liên hệ với người khác, do bởi lo sợ bị chối từ.
Đáng buồn thay, trong nền văn hóa của những xã hội đầy đủ vật chất như Âu Úc Mỹ, thì sự cô đơn thường là nguyên nhân đứng đầu dẫn đến việc trầm cảm, chán nản và ngay cả sự chết nữa của những người già. Vô số các Viện dưỡng và nhà Hưu trí được thiết lập khắp nơi ở những nước ấy, hầu để cung cấp chỗ ở và sự chăm sóc cho những con người cô đơn và bị bỏ quên trên hành tinh này. Hầu hết những người này đều có con cái còn sống, hay những phần tử khác trong gia đình còn sống.Tuy nhiên, những người thân này thường quá bận rộn, hay ngay cả tôi có thể nói rằng họ cay đắng nữa, khi để thì giờ thăm viếng hay điện thoại cho thân nhân của mình. Trong xã hội ở các nước này, con cái thường “gửi” cha mẹ lớn tuổi vào Viện dưỡng lão, và rồi phủi tay, trút hết trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cho Viện. Điều này đã tạo ra những sự cố của các căn bệnh như vừa kể.
Nhưng Kinh Thánh dạy rất rõ rằng Đức Chúa Trời tôn kính những ai chăm sóc, hiếu kính cha mẹ mình. Xu 20:12 chứa đựng mạng lệnh này,
“Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.”
Đây là điều răn đầu tiên trong Mười Điều răn có chứa đựng một lời hứa: Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho quý vị khi quý vị hiếu kính cha mẹ mình!
Bây giờ xin quý vị hãy tưởng tượng mình ngược dòng thời gian quay trở lại tại Gô-gô-tha, nơi gọi là Đồi Sọ. Nếu quý vị hiện diện trong buổi trưa không ánh mặt trời khi Chúa Giê-xu tắt hơi, thì quý vị có ở giữa đám đông dân chúng trố mắt kinh ngạc trong cảm xúc kinh sợ không? Hay quý vị ẩn mình trong bóng mờ,nửa tin rằng Chúa Giê-xu vô tội, nhưng rất cảm thương trước sự đau đớn kinh khiếp của Ngài? Hoặc là quý vị tụm lại với toán lính La-mã, hăng hái chơi trò đỏ đen, hy vọng được sự may mắn? Cũng có thể quý vị ở giữa đám đông du khách tò mò ở Giê-ru-sa-lem tại thời điểm Lễ Vượt Qua, chứng kiến một sự tử hình trên thập tự giá của người La-mã? Quý vị sẽ ở trong nhóm người nào?
Có thể quý vị ở bên cạnh mẹ của Chúa Giê-xu và dì của Ngài, cùng với bà Ma-ri Ma-đơ-len và sứ đồ Giăng, đứng trung tín bên cạnh thập tự giá, hầu cho Chúa không chết trong cô đơn.
Chắc chắn sứ đồ Giăng, người viết Phúc Âm, đã hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ vật lộn với câu hỏi chúng ta sẽ ở đâu trong ngày đen tối ấy. Bởi vì trong câu chuyện sầu thảm này, chúng ta có được một sự nhận thức sâu hơn về sự hi sinh kỳ diệu, lạ lùng của Chúa Cứu Thế cho tội lỗi của chúng ta. Và chúng ta cũng khám phá ra một bức tranh rõ ràng về chính mình.
Mời quý vị chú ý trong Phúc Âm Gi 19:23-27.
“Quân lính đã đóng đinh Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá rồi, bèn lấy áo xống của Ngài chia làm bốn phần, mỗi tên lính chiếm một phần. Họ cũng lấy áo dài của Ngài,nhưng áo dài đó không có đường may, nguyên một tấm vải dệt ra, từ trên chí dưới.
Vậy,họ nói với nhau rằng: Đừng xé áo nầy ra, song chúng ta hãy bắt thăm, ai trúng nấy được. Ấy để cho được ứng nghiệm lời Kinh Thánh nầy: Chúng đã chia nhau áo xống của ta, Lại bắt thăm lấy áo dài ta. Đó là việc quân lính làm.
Tại một bên thập tự giá của Đức Chúa Jêsus, có mẹ Ngài đứng đó, với chị mẹ Ngài là Ma-ri vợ Cơ-lê-ô-ba, và Ma-ri Ma-đơ-len nữa.
Đức Chúa Jêsus thấy mẹ mình, và một môn đồ Ngài yêu đứng gần người, thì nói cùng mẹ rằng: Hỡi đờn bà kia, đó là con của ngươi!
Đoạn,Ngài lại phán cùng người môn đồ rằng: Đó là mẹ ngươi! Bắt đầu từ bấy giờ, môn đồ ấy rước người về nhà mình.”
Chính tại Đồi Sọ mà Chúa Giê-xu đã trải qua sáu tiếng đồng hồ của sự đau đớn trước khi bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời, trước khi Ngài giao phó linh hồn mình vào tay Đức Chúa Trời, hay nói theo ngôn ngữ của chúng ta, Ngài chết. Trong suốt những giờ đau đớn kinh khủng đó, thân thể của Ngài treo lơ lửng trong không gian, theo nghĩa đen, bị kềm giữ với ba mũi đinh to lớn, mỗi mũi trên mỗi bàn tay và một mũi trên cả hai chân của Ngài. Thật lạ lùng thay, giữa hoàn cảnh đau đớn cùng cực ấy, Chúa Giê-xu không nghĩ đến cá nhân mình, mà Ngài đã nghĩ đến người khác. Chúng ta nhìn thấy điều này đang khi cùng học về những lời phán của Ngài từ thập tự giá. Với những người đã đóng đinh Ngài đang đứng chung quanh, Chúa Giê-xu phán lời đầu tiên rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ; bởi họ không biết những gì mình làm.” Và rồi khi Ngài nhìn tên cướp bị đóng đinh bên cạnh, khi anh ta xin Ngài nhớ đến mình khi vào nước của Ngài, Chúa Giê-xu hứa với anh ta: “Hôm nay ngươi sẽ ở với Ta trong Ba-ra-đi.”
Tiếp theo chúng ta đến với quang cảnh cảm động và êm dịu nhất trong tất cả những cảnh xảy ra tại Gô-gô-tha, là khi chúng ta nhìn thất Chúa Giê-xu đối diện với mẹ Ngài, người gần gũi nhất trên đất mà Ngài có. Và trong lời phán thứ ba, Ngài phán với mẹ của mình và người đang đứng gần bà. Sứ đồ Giăng kể lại cho chúng ta kinh nghiệm này trong Phúc Âm của ông đoạn 19:23-27, nơi ghi lại lời phán thứ ba từ thập tự giá của Chúa Giê-xu.
Và hôm nay chúng ta dọn mình đang khi suy nghĩ về những gì Chúa Giê-xu phán, những gì Ngài đã làm và ý nghĩa của nó, thì chúng ta hãy nhớ rằng tất cả những sự kiện đều đưa chúng ta đến mục tiêu tối hậu là chuẩn bị chúng ta cho việc thông công với Ngài qua lễ Tiệc Thánh. Mời quý vị cùng hiệp ý với tôi trong sự cầu nguyện.
Kính lạy Cha yêu thương, đang khi chúng con suy nghĩ về Chúa Cứu Thế, và đang khi chúng con suy gẫm về những gì đã xảy ra trong giây phút đau đớn cực kỳ ấy, con cầu xin cho hôm nay tất cả chúng con đều được ban cho sự tự do, thoát khỏi những gì xâm nhập vào tâm trí chúng con, rằng chúng con được giải thoát khỏi tâm trí chúng con những gì có thể chi phối chúng con, hầu chúng con có thể suy nghĩ và hình dung ra cách rõ ràng trong trí mình về những quanh cảnh tại Gô-gô-tha. Cha ơi, xin làm cho điều này xảy ra. Xin đừng để bất cứ điều gì làm ngăn trở chúng con hướng về mục tiêu tối hậu của Lễ Tiệc Thánh, khi chúng con cùng cầm bánh và chén với nhau. Chúng con thành tâm cầu nguyện trong danh quý báu của Chúa Cứu Thế Giê-xu. A-men!.
Chúng ta đọc thấy trong Gi 19:23 nói rằng,
“Quân lính đã đóng đinh Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá rồi, bèn lấy áo xống của Ngài chia làm bốn phần, mỗi tên lính chiếm một phần. Họ cũng lấy áo dài của Ngài,nhưng áo dài đó không có đường may, nguyên một tấm vải dệt ra, từ trên chí dưới.”
Một lần nữa, chúng ta đến với đoạn văn không quen thuộc; bởi vì, như tôi đã nói,chúng ta không quen thuộc với việc đóng đinh trên thập tự giá, cho nên vì vậy chúng ta cũng không quen thuộc với những tập tục trong thời của việc đóng đinh.
Trước hết là có một phong tục của người La-mã. Có năm người lính được giao phó trách nhiệm thực hiện việc đóng đinh. Bốn người lính hiệp lại thành một đội, và có một người chỉ huy họ, được gọi là một thầy đội. Bốn người này có trách nhiệm canh giữa nạn nhân, không để cho quần chúng can thiệp vào qua bất cứ hành động nào, đang khi họ đi từ chỗ nạn nhân bị tuyên án đến chỗ họ bị đóng đinh. Họ đi chung quanh để bảo vệ nạn nhân. Khi đội lính đến đồi Sọ, thì họ có trách nhiệm nhiệm canh gác tại hiện trường cho đến khi nạn nhân thật sự chết.
Họ có được điều lợi trong việc này, ấy là họ được quyền lấy cho mình quần áo mà nạn nhân mặc. Quý vị thấy đấy, nạn nhân bị đóng đinh trên thập tự giá hoàn toàn trần trụi. Không có một mảnh vải trên thân thể của nạn nhân. Tất cả quần áo của nạn nhân được bỏ lại tại dưới chân cây thập tự, nơi mà người ấy bị hành hình.Đó là tình trạng thật của Chúa Giê-xu. Ngài bị treo trong tình trạng ấy, đang khi quần áo của Ngài bị bỏ dưới chân cây thập tự. Cho nên khi chúng ta đến với việc các tên lính La-mã bắt thăm chia áo xống của Chúa Giê-xu, thì phải hiểu rằng đó là đặc quyền hợp pháp của họ khi nhận lấy quần áo ấy cho riêng mình.Nhưng trong cách thô bỉ của họ, họ đã chơi trò bốc thăm, hên xui, may rủi.Nhưng rồi họ đã gặp một sự khó khăn. Có bốn tên lính tại chân thập tự giá. Viên đội trưởng, người chỉ huy toàn bộ tiến trình, không nhận áo xống. Nhưng bốn người họ lại có đến năm mảnh quần áo. Bởi vì theo phong tục của người Do-thái,thì họ mặc quần áo với con số ấy.
Thí dụ, trước hết là có một mảnh khăn quấn đầu, một loại khăn quấn chung quanh đầu,thường để giữ tóc không sổ bung ra. Cho nên có một mảnh dùng cho đầu. Mảnh thứ hai là giầy. Thời đó người ta thường mang dép hay giầy xăng-đan. Chúa Giê-xu cũng mang loại giầy đó. Thứ ba là chiếc áo choàng bên ngoài. Thường rất dài và rộng, khoát trên thân thể, không cày nút, từ trên chấm đến mắc cá. Kế đến là dây thắt lưng, chúng ta thường gọi là dây nịt, dùng quấn ngang thắt lưng xung quanh thân thể, để áo choàng bó sát thân mình. Chúng thường được gọi là ‘áo ngoài.’ Đó chính là những gì chúng ta đọc thấy họ muốn trong câu 23. Họ “ấy áo xống của Ngài chia làm bốn phần.” Không có nghĩa là họ xé ra làm bốn phần, nhưng có nghĩa là họ chia nhau – một người lấy giầy, một người lấy khăn quấn đầu, một người lấy áo choàng, một người lấy thắt lưng.
Nhưng còn dư lại một mảnh. Mảnh thứ năm chúng ta gọi là “áo dài.” Nhưng chính xác là áo trong. Người Do-thái mặc chiếc áo này như một loại áo choàng lót bên trong,bó sát vào thân thể, từ trên vai xuống đến khoảng trên đầu gối. Loại áo này được gọi theo tiếng Hê-bơ-rơ là chiton. Trong trường hợp của Chúa Giê-xu thì chiếc áo này không có đường may, mà nó được dệt thành nguyên một mảnh. Chiếc áo này được dệt cách đặc biệt, từ trên xuống dưới, không có đường ráp lại giữa các mảnh vải như quần áo chúng ta thường thấy. Cho nên chiếc áo này của Chúa Giê-xu được gọi là chiton.
Bây giờ thì điều này đem chúng ta đến một sự kiện cực kỳ quan trọng. Trước hết, từ chitonlà cùng từ chỉ về áo xống của thầy tế lễ thượng phẩm. Chúa Giê-xu mặc chiếc áo không có đường may. Từ “thấy tế lễ” trong tiếng La-tinh là pontifex,và nó có nghĩa là “người bắt cầu.” Một thầy tế lễ là người bắt nhịp cầu. Ông ta bắt nhịp cầu giữa Đức Chúa Trời và con người. Trước Chúa Cứu Thế Giê-xu chưa hề có ai làm điều đó. Chúa Giê-xu, trong vị thế thầy tế lễ thượng phẩm của đức tin, mở đường cho chúng ta đến với Đức Chúa Trời. Chúng ta đọc trong thư He 4:14rằng,
“.. . vì chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời, tức là Đức Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời, thì hãy bền giữ đạo chúng ta đã nhận tin.
Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, . . .”
Lời hứa đó nói với chúng ta rằng Chúa Giê-xu là pontifex của chúng ta. Ngài là Đấng bắt cầu cho chúng ta. Ngay cả Ngài đã mặc loại áo quen thuộc của thầy tế lễ.
Nhưng còn một điều hơn thế nữa. Và tôi đã nghĩ đến ý tưởng này suốt cả tuần để xây dựng bài chia sẻ hôm nay. Chiếc áo không đường may này, chiếc chiton này,thường do người mẹ Do-thái dệt cho một đứa con trai của mình trước khi nó ra sinh sống với thế giới bên ngoài. Nó là một điều thuộc truyền thống, có lẽ giống như món quà của mẹ tặng cho con trai khi lần đầu tiên xa gia đình vậy. Có thể nói như thế. Người mẹ Do-thái, khi con trai mình đến tuổi trưởng thành,hoặc nó thành hôn, hoặc nó ra đi làm ăn, trong trường hợp của Chúa Giê-xu, thì trong chức vụ, khi đứa con rời mái gia đình, người mẹ tặng cho nó chiếc áo chiton. Truyền thống cho chúng ta biết rằng đó chính là chiếc áo do tự tay bà Ma-ri đã dệt. Và tôi cho rằng đó là sự thật trong trường hợp này. Không phải bởi vì do truyền thống lưu lại, nhưng vì điều đó giúp phân đoạn này trở nên thích hợp hơn.
Tôi xin chỉ cho quý vị điều tôi muốn nói có nghĩa gì. Mời quý vị xem Gi 19:23 lần nữa. Tôi muốn quý vị theo xác với sự ký thuật này.
“Quân lính đã đóng đinh Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá rồi, bèn lấy áo xống của Ngài chia làm bốn phần, mỗi tên lính chiếm một phần. Họ cũng lấy áo dài của Ngài,nhưng áo dài đó không có đường may, nguyên một tấm vải dệt ra, từ trên chí dưới.
Vậy,họ nói với nhau rằng: Đừng xé áo nầy ra, song chúng ta hãy bắt thăm, ai trúng nấy được. . . .”
Kế đến sứ đồ Giăng thêm phần kế của câu ấy, cũng như câu tiếp theo. Sự trích đoạn chấm dứt với lời nói của bọn lính.
“.. . chúng ta hãy bắt thăm, ai trúng nấy được (sứ đồ Giăng thêm phần này khi viết Phúc Âm 60 năm sau). Ấy cho được ứng nghiệm lời Kinh Thánh . . . “
Và rồi ông trích dẫn từ trong Thi Thiên 22,
“.. . . Chúng đã chia nhau áo xống của ta, Lại bắt thăm lấy áo dài ta. Đó là việc quân lính làm.
Tại một bên thập tự giá của Đức Chúa Jêsus, có mẹ Ngài đứng đó, với chị mẹ Ngài là Ma-ri vợ Cơ-lê-ô-ba, và Ma-ri Ma-đơ-len nữa.”
Và rồi sự ký thuật bắt đầu trở lại với những lời này,
“Đức Chúa Jêsus thấy mẹ mình, . . .”
Không phải tôi đang cố gắng nói quá nhiều hơn những gì Kinh Thánh nói. Mà tôi chỉ cố gắng giúp quý vị nhìn thấy những gì thật sự ở đây. Nếu bỏ qua phần cuối của câu 24 và cả câu 25, quý vị có thể nhìn thấy sự tuôn chảy của ý tưởng khi quý vị thấy mắt của Chúa Giê-xu liên kết với mắt của mẹ Ngài khi nhắc đến chiếc áo dài ấy. Bởi vì tôi cho rằng chính bà là người đã tặng chiếc áo ấy cho Ngài. Mời quý vị xem câu 24 lần nữa.
“Vậy,họ nói với nhau rằng: Đừng xé áo nầy ra, song chúng ta hãy bắt thăm, ai trúng nấy được. . . .”
Câu 26,
“Đức Chúa Jêsus thấy mẹ mình, . . .”
Đúng theo nguyên ngữ thì câu này là: “Vì vậy khi Chúa Giê-xu nhìn thấy mẹ mình.” Quý vị thấy đấy, quý vị có thể tự hỏi: Tại sao lúc bấy giờ Chúa Giê-xu nhìn mẹ Ngài? Tại sao Chúa Giê-xu không phán lời đầu tiên từ thập tự giá liên hệ đến mẹ mình, thay vì đến những người đóng đinh Ngài, khi nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ; bởi họ không biết mình đang làm gì”? Tôi cho rằng đó là vì chiếc áo dài.Khi họ chia áo xống, và đây là chiếc áo quan trọng đầy ý nghĩa. Nó là vật dụng cá nhân đã giữ Ngài được ấm trong suốt thời gian thi hành chức vụ trên đất của Ngài. Nhưng khi đụng đến chiếc áo, là họ đã đụng đến vật rất gần với con tim của Ngài. Và nó là nguyên do tại sao khi họ đụng đến chiếc áo, Chúa Giê-xu nhìn mẹ Ngài và nói với bà. Có rất nhiều bài học ứng dụng ở đây, và tôi nghĩ rằng không có tấm lòng của một vị thính giả nào là người mẹ, mà không chịu cảm động trước cảnh này. Nếu không, thì chắc chắn có điều gì đó sai trật với người mẹ ấy.
Tôi muốn đề nghị nhiều điều ở đây. Trước hết, tôi muốn quý vị nhận thức sự tương phản chúng ta có tại quang cảnh thập tự giá. Chúng ta có Chiên Con của Đức Chúa Trời đang bị treo trong sự đau đớn kinh khiếp trước khi bóng tối phủ xuống. Ngài đang đổ huyết, đổ sự sống của mình ra cho tội lỗi của cả thế giới. Thiên đàng nín thở, như đã có, với đỉnh của sự sống và chết đang đứng giữa khoảng cách tại đây. Toàn bộ chương trình cứu chuộc bây giờ được hoàn tất. Tột đỉnh của lịch sử thế giới đang diễn ra. Đó là Chúa Cứu Thế ở tại Gô-gô-tha. Và tại chân của Chúa Cứu Thế Giê-xu, bốn tên lính cứng lòng, chai lì, bận rộn với tội lỗi đang bốc thăm chia áo xống (AIFL-874, TS). Một sự tương phản to lớn phải không quý vị? 
Tôi ngắm một bức tranh mô tả một cảnh thật ý nghĩa. Bức tranh vẽ cảnh Chúa Giê-xu đứng giữa một thành phố bận rộn với biết bao tòa cao ốc vây quanh, và Ngài đang dang hai cánh tay ra với bàn tay có dấu đinh, như muốn nói rằng,
“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ.” (Mat 11:28)
Chúa Giê-xu đang đứng với cánh tay mở rộng ra trước thành phố để chận lại sự bận rộn, thờ ơ và mời gọi đến cùng Ngài. Và chỉ có một y tá tại một bệnh viện nhỏ đang đứng nhìn lên gương mặt Ngài. Tại đáy của quang cảnh này là những lời trích từ Ca 1:12. 
“Hỡi mọi người đi qua, há chẳng lấy làm quan hệ sao? Xét xem có sự buồn bực nào đọ được sự buồn bực đã làm cho ta, Mà Đức Giê-hô-va đã làm khốn cho ta nơi ngày Ngài nổi giận phừng phừng.”
Quả là một câu thật thích hợp. Há chẳng quan hệ với những người đi qua sao? Tại quang cảnh của đồi Gô-gô-tha khi xưa cũng giống vậy, khi Chúa Giê-xu nhìn xuống những người lính đang chơi trò đỏ đen với áo xống của Ngài bảo: “Há chẳng quan hệ gì đến các ngươi sao? Các ngươi quan tâm đến chiếc áo dài không đường may hơn là tội lỗi của các ngươi và sự tha thứ sao?”
Một nhà thơ không nổi tiếng đã viết những lời độc đáo liên hệ đến quang cảnh này như sau.
“Họ ngồi đó mà canh giữ Ngài, / Các tên lính đã làm như thế; / Tại đó trong khi họ chơi đùa với sự bốc thăm, / Ngài đã làm sự hi sinh, / Và chết trên thập tự giá để thanh tẩy tội lỗi của thế gian. / Trong cách nào đó, Ngài cũng đã đánh cuộc,Chúa Cứu Thế của tôi, / Ngài lấy sự sống của mình và quăng ra cho sự cứu chuộc của thế gian. / Và trước khi sự thống khổ của Ngài xong, / trước khi ánh mặt trời hướng tây tắt lặn, / Ngày đó đội lên vươn miệng đỏ thẩm của mình, / Ngài đã biết rõ rằng Ngài đã thắng.”
Đó chính xác là những gì đã xảy ra tại Gô-gô-tha. Ngài ném chính mình ra cho thế gian và Ngài đã biết rõ rằng qua việc làm ấy, Ngài đã chiến thắng. Và để những người đi qua không thể không quan tâm đến.
Bây giờ chúng ta quay trở lại với quang cảnh thật cảm động trong Phúc Âm Giăng 19,khi nói đến chiếc ‘áo dài’ của Chúa Giê-xu. Chiếc chiton đã bị đem ra chơi trò đỏ đen và một trong các tên lính đã thắng nó. Nhưng đó không phải là tất cả những gì về nó. Gi 19:26 ghi rằng,
“Đức Chúa Jêsus thấy mẹ mình, và một môn đồ Ngài yêu đứng gần người, thì nói cùng mẹ rằng: Hỡi đờn bà kia, đó là con của ngươi!”
Tôi nghĩ rằng trong cách nhìn của chúng ta, là những người Tin Lành, trong cách nào đó chúng ta đã làm giảm đi sự can đảm của mẹ của Chúa Giê-xu. Trong khi người Công giáo nâng bà Ma-ri lên địa vị tột đỉnh, không đúng với Thánh Kinh, thì chúng ta lại cố gắng đặt bà vào cùng vị trí giống như tất cả mọi người đàn bà khác. Không phải là người trung gian, không phải là người cầu thay, không phải là người bắt nhịp cầu giữa Chúa và con người, thì tôi sợ rằng chúng ta đã hạ bà Ma-ri xuống ở bậc mà thật sự chúng ta không nên có trong đầu óc mình. Ở đây cho thấy sự can đảm của bà. Tôi khám phá ra động từ “đứng” diễn tả những hành động của bà. Khi Chúa Giê-xu nhìn thấy mẹ Ngài, và động từ mô tả những gì bà đang làm theo sau đó, chính là chữ “đứng.” Chúa Giê-xu nhìn thấy mẹ Ngài đang đứng.
Thưa quý bà là những người mẹ đang lắng nghe tôi hiện giờ, tôi muốn quý bà hãy tưởng tượng trước mắt mình hình ảnh đứa con trai quý báu bé bỏng mà Đức Chúa Trời đã ban cho quý bà, đứa con bây giờ đã trưởng thành và mục tiêu tối hậu cho đời sống của nó là tử vì đạo, nói theo ngôn ngữ của chúng ta ngày nay, tuận đạo. Và Đức Chúa Trời kêu gọi quý vị đến đứng trước quang cảnh ấy và chứng kiến nó. Tôi xin nói với quý bà rằng, điều đó sẽ đụng mạnh đến lòng của quý vị khi nghĩ đến quang cảnh tại Gô-gô-tha.
Ông A. W. Pink đã nói về điều này tốt hơn tôi rằng: “Sau những ngày của thời thơ ấu và thiếu nhi của Ngài, và trong suốt thời gian thi hành chức vụ công khai của Chúa Giê-xu, chúng ta rất ít thấy và nghe về bà Ma-ri. Đời sống của bà chìm trong bóng mờ và phía sau hậu trường. Nhưng bây giờ, khi giờ tuyệt điểm phủ trùm sự thống khổ trên Con của bà, khi thế gian chà đạp đứa con của tử cung bà,bà đứng bên cạnh thập tự giá! Ai có thể mô tả cách thích hợp một bức tranh như thế? Bà Ma-ri ở gần Cây kinh khiếp ấy nhất. Bị tước đi đức tin và hy vọng, tê tái với quang cảnh đau thương, nhưng được buộc chặt với sợi dây xiềng bằng vàng của sự yêu thương với Đấng đang chết, nơi đó bà đang đứng! Hãy thử đọc những tư tưởng và cảm xúc của tấm lòng người mẹ ấy. Quả là một thanh gươm đâm thấu và linh hồn bà! Chưa hề bao giờ có sự vui sướng như thế tại sự sanh ra của con người, chưa hề bao giờ có một sự đau thương như thế trong sự chết của con người.”
“Tại đây chúng ta nhìn thấy tấm lòng của người mẹ được phô bày. Bà là mẹ của Người đang chết. Bà là người thống khổ trên thập tự giá cho Con mình. Chính bà là người đặt chiếc hôn đầu tiên trên chiếc đầu bây giờ đang đội mão gai ấy. Chính bà là người đã hướng dẫn đôi bàn tay và đôi bàn chân trong những bước chập chững đầu tiên. Chưa hề có người mẹ nào bị đau đớn như bà đã chịu (AIFL-875, TS).Môn đồ của Ngài có thể bỏ Ngài, bạn bè của Ngài có thể quên Ngài, quốc gia của Ngài có thể khinh dễ Ngài, nhưng mẹ Ngài thì đứng đó tại chân thập tự. Ô, ai có thể đo lường hay phân tích được tấm lòng người mẹ của bà Ma-ri.”
Bà đã đứng tại đó. Tôi rất cảm kích điều đó. Và rồi Chúa Giê-xu nói với bà rằng:“Mẹ ơi, đó là con của mẹ.” Tiếp theo Ngài phán với người môn đồ đang đứng gần bên, tên của ông là Giăng, môn đồ thân tín của Ngài rằng: “Giăng ơi, đó là mẹ của ngươi.” Mời quý vị hãy xem lại những câu này, “Hỡi người đàn bà kia, đó là con của ngươi.” (câu 26)Và “Đó là mẹ ngươi.” (câu27) Câu nói của Chúa Giê-xu mang ý nghĩa: “Giăng, từ nay ngươi nhận người đàn bà này làm mẹ mình. Ngươi đem bà về nhà ngươi, vào trong cuộc đời ngươi, yêu thương bà và chăm sóc bà như ta vậy. Và bà sẽ trở nên quý báu và thân yêu đối với ngươi như bà đã từng quý báu và thân yêu đối với ta trong những năm qua vậy.”
Có hai câu hỏi đến trong trí chúng ta. Tại sao Chúa Giê-xu không giao bà cho các em của Ngài? Nếu chúng ta tin vào sự hiệp một của gia đình, và chắc chắn Chúa Giê-xu đã tin và dạy như thế, thế thì tại sao Ngài không giao mẹ cho các em chăm sóc, thay vì giao bà cho một môn đồ? Mời quý vị xem trong Phúc Âm Ma-thi-ơ 13, quý vị sẽ hiểu lý do tại sao. Một nhóm người tin rằng bà Ma-ri tiếp tục đồng trinh sau khi sanh Chúa Giê-xu. Giáo lý này gọi là sự đồng trinh trọn đời của bà Ma-ri. Điều này không đúng với Kinh Thánh. Bà có những người con khác nữa ngoài Chúa Giê-xu. Sự đồng trinh của bà không hề tiếp tục sau khi hạ sinh Chúa Giê-xu. Phúc Âm Ma-thi-ơ xác minh điều này, 
Mat 13:53-58
“Đức Chúa Giê-xu phán các lời ví dụ ấy rồi, thì đi khỏi chỗ đó.
Ngài về đến quê hương, rồi dạy dỗ trong nhà hội, . . .”
Xin chú ý là Ngài đi đến quê hương của mình, chỗ mà Ngài được nuôi dưỡng.
“.. . đến nỗi ai nghe cũng lấy làm lạ, mà nói rằng: Bởi đâu mà người nầy được khôn ngoan và những phép lạ nầy?
Có phải là con người thợ mộc chăng? Mẹ người có phải là Ma-ri, và anh em người là Gia-cơ, Giô-sép, Si-môn, Giu-đê chăng?”
Có bốn người em được gọi là anh em của Chúa Giê-xu, con Ma-ri. Bà đã có những người con khác. Và họ kinh ngạc trước sự kiện nhân vật này trở về quê hương với một sự khôn ngoan như thế. “Đây há không phải là một người con khác của người thợ mộc sao? Một đứa con trong một gia đình lớn sao?” Ngay cả trong câu 56 cũng cho chúng ta biết rằng Ngài có các em gái nữa. “Chị em của Ngài há không ở với chúng ta đây sao?” Họ sống ở địa phương ấy. “Người này làm sao thế?”
“.. . Bởi đâu mà người nầy được mọi điều ấy như vậy?
Họ bèn vì cớ Ngài mà vấp phạm. Song Đức Chúa Jêsus phán cùng họ rằng: Đấng tiên tri chỉ bị trong xứ mình và người nhà mình khinh dể mà thôi.
Ở đó, Ngài không làm nhiều phép lạ, vì chúng không có lòng tin.”
Nói trên phương diện thực tế, quý vị cũng thấy rằng đó là sự thật. Thật dễ hơn khi mục vụ ở một chỗ khác hơn quê hương. Dễ có sự kính trọng giữa những người xa lạ hơn là người quanh nhà trong chức vụ của quý vị. Chúa Giê-xu xác minh điều đó với câu nói rằng một tiên tri không được tôn trọng nơi quê hương mình. Nhưng những gì khiến tôi thấy thích thú là những lời của Ngài liên hệ đến việc vô tín của họ. “Vì chúng không có lòng tin.” Tại sao Chúa Giê-xu đã không giao mẹ Ngài cho các con trai khác của bà Ma-ri? Bởi vì họ không tin Chúa. Họ sống trong sự chống đối Chúa Cứu Thế.
Để nói cách cụ thể hơn, mời quý vị hãy quay trở lại Phúc Âm Giăng, đoạn 7, và quý vị sẽ nhìn thấy trong Gi 7:1-5,
“Kế đó, Đức Chúa Jêsus đi khắp xứ Ga-li-lê. Ngài không ưng đi trong xứ Giu-đê, bởi dân Giu-đa vẫn tìm phương giết Ngài.
Và,ngày lễ của dân Giu-đa, gọi là lễ Lều Tạm gần đến.
Anh em Ngài (các em ruột của Ngài) nói rằng: Hãy đi khỏi đây, và qua xứ Giu-đê, để cho các môn đồ cũng được xem công việc thầy làm. (đó là một lời nói mỉa mai).
Khi nào người ta muốn tỏ mình ra, thì không làm kín giấu việc gì(một lời mỉa mai khác). Vì thầy làm những sự đó, hãy tỏ mình cho thiên hạ.”
“Nếu Thầy thật sự là Đấng Messiah hả. Hãy đứng lên, đi rao ra khắp cùng thế giới đi.”
“Bởi chưng chính các anh em Ngài không tin Ngài.”
Tôi xin mở ngoặc ở đây để nói thêm rằng có một số người trong quý vị khám phá thấy quý vị không thể mục vụ, hay tin rằng quý vị không thể mục vụ nếu không có sự hổ trợ hoàn toàn của gia đình mình. Toàn bộ chức vụ của Chúa Giê-xu hoàn toàn trái ngược với sự suy nghĩ đó. Trong suốt thời gian thi hành chức vụ trên đất của Ngài, ngay cả đến thời điểm của sự chết, các em của Chúa Giê-xu đã không tin Ngài, họ đã không hổ trợ Ngài. Có bằng chứng cho thấy mẹ của Ngài thì tin,nhưng các em của Ngài thì không. Cho nên điều đó hổ trợ cho nguyên nhân khi đặt mẹ mình vào bàn tay của người yêu thương và chăm sóc bà, thì Ngài đã trao bà trong tay của một môn đồ đã yêu thương và chấp nhận Ngài.
Một câu hỏi nữa, ông Giô-sép ở đâu? Quý vị có chú ý là ông Giô-sép không hề được nhắc đến trong Kinh Thánh sau Lu-ca đoạn 2 không? Quý vị có nhận thức là Giô-sép được nói đến lần cuối cùng khi Con của bà Ma-ri, tức Chúa Giê-xu, Con của vợ ông, không phải là Con của ông, bị lạc tại đền thờ trong lần lên Giê-ru-sa-lem lúc Ngài 12 tuổi không? Đó là lần cuối cùng Giô-sép được nói đến.Ngay cả trong tiệc cưới tại Ca-na cũng không nhắc đến Giô-sép. Tôi cho rằng tại thời điểm này thì ông Giô-sép đã qua đời, nếu không thì Ngài đã trao trách nhiệm chăm sóc bà Ma-ri lại cho . . . chồng của bà. Nhưng trong sự trả lời câu hỏi “Giô-sép ở đâu?” thì có sự ám chỉ, nhất là sự ám chỉ trong sự im lặng, rằng lúc bấy giờ thì Giô-sép đã chết. Rõ ràng là ông đã chết trong khoảng rất sớm của đời sống Chúa Giê-xu.
Bây giờ thì chúng ta quay trở lại với Phúc Âm Giăng 19, và sắp đặt mọi ý lại với nhau. Chúa Giê-xu 
“.. . nói cùng mẹ rằng: Hỡi đờn bà kia, đó là con của ngươi!
Đoạn,Ngài lại phán cùng người môn đồ rằng: Đó là mẹ ngươi! . . .”
Điều này giúp chúng ta hiểu rằng bà Ma-ri không phải là người cầu thay cho tội nhân,cũng như không phải là “Nữ Vương trên trời” như một nhánh Cơ-đốc tin. Bà là một người có nhu cầu và nương dựa người khác. Bà không thiêng liêng hơn bất cứ người đàn bàn thiêng liêng nào đang lắng nghe chương trình phát thanh này hôm nay. Bà không gần ngôi thi ân hơn bất cứ người đàn bà nào đang lắng nghe hôm nay. Bà cũng có nhu cầu về sự cứu rỗi, sự tha thứ và ân điển như bất cứ người đàn bà nào đang lắng nghe hôm nay. Do bởi những nhu cầu của bà, nên Chúa Giê-xu phán với môn đồ thân tín ấy rằng: “Hãy yêu thương bà. Đem bà về nhà ngươi và chăm sóc kỹ lưỡng bà.”
Và sau đó chúng ta có một trong những cảnh gần gũi thân mật nhất trong toàn bộ Kinh Thánh Gi 19:27,
“.. . Bắt đầu từ bấy giờ, môn đồ ấy rước người về nhà mình.”
Trong một số bản dịch tiếng Anh, từ “nhà” được dùng chữ nghiêng. Việc dùng chữ nghiêng cho chúng ta biết rằng nó không có trong nguyên ngữ. Theo nghĩa đen, từ này là “những điều thuộc về mình.” Nói cách khác, tất cả mọi sự sứ đồ Giăng có đã trở nên của bà để vui hưởng. Cùng từ này được dùng trong Gi 1:11.  
“Ngài đã đến trong xứ (riêng của) mình (ta idia),song dân mình chẳng hề nhận lấy.”
Tại đây chúng ta thấy Giăng, vị sứ đồ thân tín, đem bà Ma-ri về “trong những điều thuộc về mình.” Những gì đã xảy ra cho bà Ma-ri, chúng ta không được biết.Nhưng cứ bà ở với sứ đồ Giăng bao lâu, thì hoàn toàn không có chuyện gì giấu kín tấm lòng của sứ đồ Giăng với tấm lòng của bà Ma-ri, mẹ của Chúa Giê-xu cả.Có một cảm xúc thân mật, gần gũi ở đây phải không quý vị? Và Chúa Giê-xu đã chăm sóc mẹ mình cho đến thời điểm cuối cùng.
Tôi nhìn thấy ba lẽ thật tuyệt vời không thể quên được dành cho chúng ta đang khi chúng ta suy nghĩ về sứ điệp này của Thánh Kinh, liên hệ đến Chúa Giê-xu, sứ đồ Giăng và bà Ma-ri.
1.Trước hết, tôi nhìn thấy: Ân điển được trải rộng ra cho những ai thất bại. Có thể quý vị bảo: Tôi không nhìn thấy điều đó? Tôi nhìn thấy trong trường hợp của sứ đồ Giăng. Quý vị có nhận thức rằng trong Phúc Âm Mac 14:15 nói rằng mọi người đều bỏ Ngài mà trốn đi không?. Tất cả đều bỏ Ngài mà trốn đi. Điều đó xảy ra khi nào vậy? Đây là lúc khi ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê, khi người ta đến bắt Chúa Giê-xu. Tất cả các môn đồ đều bỏ chạy trốn như chuột khi nhà bị cháy vậy. Họ bỏ Ngài chạy tản lạc khắp nơi. Họ bỏ rơi Ngài, kể cả Giăng, vị sứ đồ thân tín. Ông đã bỏ rơi Ngài tại đó. Thật ra thì khi làm như thế ông đã làm ứng nghiệm Kinh Thánh, bởi vì Lời của Đức Chúa Trời trước đó hàng bao thế kỷ đã nói rằng điều đó sẽ xảy ra.Nhưng sứ đồ Giăng đang ở tại đây. Ông đã quay trở lại khi nào, chúng ta không được cho Chúa. Nhưng bất ngờ khi Chúa Giê-xu bị treo trên thập tự giá, sứ đồ Giăng quay trở lại. Và Chúa Giê-xu đã làm gì? Ngài nhìn sứ đồ Giăng và làm phấn chấn ông trong ân điển với một vị trí kỳ diệu. “Ngươi sẽ chăm sóc mẹ của Ta.”Ân điển được trải rộng ra cho người thất bại.
Chúng ta có thể để toàn bộ thì giờ để nói về Chúa Cứu Thế Giê-xu và Ngài là đối tượng của sự thờ phượng của chúng ta, nhưng cho phép tôi nói về quý vị trong giây lát. Đây có phải là một tuần mà quý vị đã thất bại không? Có phải quý vị đang khám phá ra rằng mình đã kinh nghiệm sự không vâng phục trong tuần qua không?Trong một thời điểm mà quý vị đã quên Chúa và sự thông công với Ngài phải không? Quý vị đã đi theo đường lối riêng của mình phải không? Có thể điều đó đã bắt đầu từ Thứ Hai, khi điều gì đó đã xảy ra và biến quý vị trở thành chua chát phải không? Và quý vị là người khó sống chung với trong tuần qua phải không? Có thể nó chỉ vừa mới xảy ra hôm qua, hay hôm kia phải không? Và rồi vài lãnh vực của sự ích kỷ và tội lỗi lộ ra phải không? Để rồi hiện giờ quý vị đang cảm thấy mình là một người thất bại phải không? Quý vị đã thất bại cách khốn đốn. Để rồi khi nghĩ đến Tiệc Thánh, quý vị tự nhũ: “Mình phải thành thật trước mặt Chúa,mình không thể nhận Tiệc Thánh được.” 
Không,xin hãy khoan đã. Một trong sự kỳ diệu của sự dạy dỗ về ân điển của Đức Chúa Trời là ân điển của Ngài được cung ứng cho những ai thất bại, cho những ai trong chúng ta là những tội nhân. Nếu không phải như vậy, thì không một ai trong chúng ta có thể dự Tiệc Thánh được hết. Cho nên mỗi khi dự Tiệc Thánh,chúng ta đều để thì giờ cho sự ăn năn, dọn lòng. Trong thì giờ đó, quý vị hãy đặt trước mặt Chúa những sự thất bại của quý vị, sự yếu đuối của quý vị, tội lỗi của quý vị. Và rồi quý vị nắm lấy sự tha thứ của Chúa, sau đó thì quý vị có thể dự Tiệc Thánh như tất cả mọi người. Bởi vì huyết của Chúa Cứu Thế Giê-xu,Con Ngài, làm sạch mọi tội lỗi của chúng ta, ngay cả Giăng, vị sứ đồ thân tín của Chúa.
2.Có một bài học thứ hai nữa: Sự ràng buộc thuộc linh mạnh hơn sự ràng buộc thuộc thể. Quý vị có nhận thức điều đó gần đây không? Một số quý vị có thể đang xa gia đình. Trong Hội Thánh của chúng ta có những du học sinh xa nhà. Và rồi quý vị nhận thức rằng dù quý vị đang cách xa cha mẹ thuộc thể, thì quý vị vẫn tìm thấy sự hiệp một thật và sự ruột thịt trong những điều trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Một số du học sinh trong Hội Thánh còn gần gũi với tôi hơn cả những người trong gia đình nữa. Trong một số trường hợp, Hội Thánh còn gần gũi thân mật hơn cả ruột thịt nữa.
Tôi nghĩ đó cũng là nguyên do Đức Chúa Trời di chuyển các Mục sư khỏi quê hương của mình. Rất ít người thi hành chức vụ Mục sư ngay tại nơi mình lớn lên. Cho nên các Mục sư di chuyển từ nơi này đến nơi khác, và mục vụ cho những người mới này đến những người mới khác, trong một bối cảnh mới. Đức Chúa Trời nhắc nhở cá nhân tôi cũng như gia đình tôi rằng mối dây liên kết ấy, nói trên phương diện thuộc linh, trở nên mạnh mẽ lạ lùng, hơn cả những người thân mà chúng tôi ít gặp nữa. Đó là một trong những điều kỳ diệu của Cơ-đốc giáo. Đức Chúa Trời vẫn muốn chúng ta gần gũi với gia đình mình, và chúng ta sẽ nói đến điều này trong sự ứng dụng thứ ba ở đây. Tuy nhiên, quý vị sẽ tìm thấy mối dây liên kết thuộc linh mạnh hơn cả mối dây liên kết tự nhiên của gia đình nữa.
3.Bài học thứ ba tôi khám phá từ phân đoạn Kinh Thánh nơi Chúa Giê-xu nói với mẹ Ngài: “Thưa mẹ, đó là con của mẹ” và sau đó với sứ đồ Giăng: “Đó là mẹ ngươi.” Nguyên tắc của sự hiếu kính cha mẹ vĩnh viễn là sự vâng phục. Đừng quên điều đó. Tại đây, dù Chúa Giê-xu đang sắp chết,nhưng Ngài đã quan tâm đến ai? Ngài đã quan tâm đến người đang sinh ra mình.Vua Sa-lô-môn đã viết điều này và tôi xin trích dẫn nó cho quý vị, Ch 23:22
“Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, Chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu.”
Quý vị có đang khinh bỉ cha mẹ mình không? Hãy thành thật trước mặt Đức Chúa Trời,mối quan hệ của quý vị với cha mẹ có như đáng phải có không? Chúa Cứu Thế quý báu của chúng ta, ngay trong giờ phút lâm chung, đã quan tâm đến sự sinh sống của mẹ Ngài. Bà nói rất ít trong suốt chức vụ của Ngài. Ngay cả bà cũng không ở trong nhóm những người ủng hộ Ngài công khai nữa. Bà từng là một người bị quên lãng. Nhưng khi Ngài đến với thời điểm ấy của sự chết, đã phán với sứ đồ Giăng rằng: “Hãy chăm sóc bà. Lo lắng cho bà. Yêu thương bà. Phục vụ bà.” Sự kính trọng cha mẹ. Nó là điều xa lạ trong xã hội ngày nay. Có lẽ một số quý vị đã tin sự lếu láo của xã hội rằng, khi cha mẹ già, hãy giao cho Viện Dưỡng lão, và tiếp tục với cuộc đời của mình. Tôi xin nói với quý vị rằng Đức Chúa Trời sẽ tôn trọng quý vị khi quý vị tôn kính cha mẹ mình. Và tôi xin nói lại lần nữa,quý vị sẽ không bao giờ trở nên quá già để thực hiện chức vụ tôn kính người đã sinh thành ra mình.
Với sự trao những trách nhiệm, Chúa Giê-xu bị rỏ lại một mình trong cô đơn – hoàn toàn cô đơn. Không có một nơi nương tựa nào từ con người hết, chỉ Ngài với Đức Chúa Cha mà thôi. Có thể đó là chỗ của quý vị hôm nay. Có thể một số quý vị đang lắng nghe chương trình phát thanh này nói rằng: “Mục sư biết không, tôi thật sự không có ai gần gũi hết.” Chúa Giê-xu phán: “Khi cha mẹ ngươi quên ngươi, thì Chúa sẽ nhận lấy ngươi. Ngài sẽ ở gần bên ngươi.” Và có lẽ trong việc cất đi hết mọi nơi nương tựa, Ngài đang phán với quý vị rằng: “Hãy lắng nghe Ta. Hãy đến cùng ta. Hãy quay trở lại với Ta.”
Kính mời quý vị cúi đầu nhắm mắt lắng lòng yên lặng trong giây lát.Với những gì chúng ta đã nghe hôm nay, tôi muốn nói với quý vị rằng không phải:“Đây là con của mẹ,” hay “Đây là mẹ của ngươi,” nhưng là “Đây là Chúa Cứu Thế của các ngươi. Đây là Chúa Cứu Thế của các ngươi.” Xin hãy để những phút tiếp theo đây trong sự hiện diện của Chúa, trở nên những giây phút quan trọng và ý nghĩa nhất trong suốt thì giờ của chúng ta hôm nay, có lẽ trong suốt cả tuần qua nữa. Bất cứ điều gì quý vị cần nói, quý vị hãy nói với Chúa ngay bây giờ trong sự dọn lòng.
Cha thánh ơi, Cha đã nghe lời khẩn thiết nài xin của các thánh đồ trình dâng lên,lời cầu nguyện đã trở nên thức hương có mùi thơm trước mặt Cha. Một số là lời cầu nguyện của sự xưng tội, một số là lời cầu nguyện của sự ngợi khen. Một số đã nói với Cha về những phần kín giấu nhất trong cuộc đời của họ, và họ đã phơi bày những lãnh vực yếu đuối mà Cha khiến họ chú ý đến. Cha ơi, con thật vô cùng cảm tạ Cha về việc Cha có khả năng giải quyết hết mọi lời cầu nguyện dâng trình lên Cha, và Cha có đôi vai to lớn đủ để gánh hết mọi gánh nặng của nhu cầu của chúng con, và hướng lòng của hội chúng, sự đam mê của chúng con, hướng về Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Cha ơi, xin giúp chúng con trong giây phút này quên đi thời gian, quên đi những người xung quanh, đã hoà mình vào những lời chúng con hát, những lời chf nghe từ Kinh Thánh. Cha ơi, trong sự yên tỉnh của sự thờ phượng, xin làm cho chúng con yêu mến Cha như chưa từng có trước đây. Chúng con thành tâm cầu nguyện trong danh quý báu của Chúa Cứu Thế Giê-xu. A-men!
BÀI 9

No comments

Powered by Blogger.