CÓ TỐT LÀNH ĐỦ ĐỐI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG?
CÓ TỐT LÀNH ĐỦ ĐỐI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG?
Khi bạn vào một cửa hàng để mua một sản phẩm, làm thế nào để bạn biết chắc rằng sản phẩm mà bạn mua đó sẽ phục vụ tốt cho mình?
Câu hỏi này là mối bận tâm nghề nghiệp của một ngành cơ khí mới, gọi là “kiểm tra chất lượng kỹ nghệ”.
Robert Pech đã dành phần lớn cuộc đời ông để bảo vệ người tiêu dùng. Tầm nhìn của ông vào vấn đề kiểm tra chất lượng là toàn thế giới – mục tiêu tối hậu là cả một loạt các tiêu chuẩn cho từng sản phẩm một,ở khắp nơi.
Robert Peach lý luận rằng một tiêu chuẩn toàn cầu như thế đã có sẵn trong lãnh vực thuộc linh rồi. Ngoài chợ, áp lực đối với việc phải bảo đảm phẩm chất đến từ phía người sử dụng, người tiêu dùng. Còn trong lãnh vực thuộc linh, thì ở về phía Đấng Chế Tạo hay Đấng Tạo Hoá, đòi hỏi các sản phẩm của Ngài phải hoàn thiện.
Robert Peach chia sẻ một vài điều trong bài làm chứng này của ông, và nhân sinh quan của ông là tổng quát, chung chung, với Viện trưởng RADAS, Tiến sĩ Eric Barrett, trong tuần lễ của SGA tại Trung tâm Hội nghị về Thánh Kinh và Công tác Truyền giáo ở Gull Lake, Michigan năm 1981.
Robert Peach đỗ bằng Cử nhân khoa học tại một trong những trường dạy về cơ khí nổi tiếng nhất trên thế giới – Viện Kỹ thuật Massachusetts. Ông đã học thi cấp bằng này đồng thời với bằng M.B.A. (Master of Business Affairs: Thạc sĩ về Dịch vụ Kinh doanh) của Đại học đường Chicago. Ông hiện là Giám đốc cơ sở tư vấn của riêng ông, đã từng cộng tác ba mươi ba năm với Sears, Roebuck & Co, sáng lập và tổ chức Tiểu ban Bảo đảm Chất lượng của họ trong những năm giữa 1950.
Là một Hội viên của Hiệp hội Kiểm tra Chất lượng Hoa Kỳ (ASQC), ông là thành viên thường trực của Tiểu ban Hoa Kỳ của Tổ chức về cái Tiêu chuẩn Quốc tế, nơi ông giữ chức vụ Tư vấn của Nhóm Công tác phụ trách việc chuẩn bị một tiêu chuẩn quốc tế bao trùm Hệ thống các Yếu tố Bảo đảm Chất lượng Sản phẩm.
Năm 1980, Robert Peach được tặng Huy chương Edwards của ASQC để tưởng thưởng cho sự đóng góp lâu dài và nổi trội của ông cho chính ngành cơ khí đã được chuyên môn hoá này.
Ông rất quan tâm đến công tác Truyền bá Cơ Đốc giáo quốc tế, là chủ tịch ban trị sự của Hội Thánh mình, và tham gia tích cực vào hoạt động lập Hội Thánh mới tại địa phương.
Radas: Thưa ông Bob, tôi tin rằng ông đang công tác trong một lãnh vực ít được biết đến nhưng tối quan trọng của khoa học ứng dụng – một công tác có ảnh hưởng đến hầu hết mọi người chúng ta hằng ngày.
Robert Peach: Vâng, đúng thế. Chúng ta đều sử dụng các chế phẩm hằng ngày. Phần lớn, chúng ta đều hài lòng về chúng. Nhưng chúng ta cũng rất thường kinh ngạc vì gặp những sản phẩm có chất lượng xấu! Một số vật dụng của chúng ta không dạy tốt – chẳng hạn chiếc máy thu hình hay thu thanh. Mọi người chúng ta đều chán ngán khi việc ấy xảy ra với một sản phẩm chỉ mới mua rất gần đây mà thôi – nhất là khi đó không phải là lỗi của chúng ta nếu sản phẩm ấy không đáp ứng được nhu cầu của chúng ta, mà rõ ràng là lỗi lầm của nhà chế tạo ra nó. Công tác của tôi là cố tìm cách loại trừ con số các vấn đề thuộc loại ấy.
Radas: Ông là một thành viên của Viện định chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ, và là một hội viên của Hiệp hội Kiểm tra Chất lượng Hoa Kỳ. Xin ông vui lòng giải thích cho chúng tôi “các hệ thống kiểm tra chất lượng”là gì?
R.Peach: Nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm tồi, điều quan trọng là phải thi hành, việc kiểm tra trên các vật được các kỹ nghệ chế tạo sản xuất. Mỗi một sản phẩm đều phải có thể hoàn thành chủ đích do đó nó đã được làm ra. Điều đó có nghĩa là sự an toàn độ tin cậy và khả năng phục vụ của nó phải được người tiêu dùng chấp nhận. Một “hệ thống chất lượng” cung cấp một phương tiện kiến hiệu và kinh tế nhằm đánh giá bất luận một loại sản phẩm nào – dĩ nhiên là kể cả một vật phẩm được chế tạo ra dù là hết sức đơn giản.
Radas: Thật là một đòi hỏi bức thiết nhất!Xin cho chúng tôi biết làm thế nào ông lại dấn thân vào loại công tác như thế này?
R.Peach: Vâng, thoạt đầu, tôi vốn được đào tạo để trở thành một kỹ sư tại Viện Kỹ thuật Massachusetts. Rồi tôi tốt nghiệp môn học về nghiên cứu công việc kinh doanh tại Đại học đường Chicago. Ngay sau đó,tôi tham gia một nhóm nghiên cứu nhỏ làm việc cho Sears, Poebuck and Company,là công ty bán lẻ tạo hoá lớn nhất thế giới. Những người đến viếng Chicago chẳng bao lâu đều được biêt về công ty Sears – toà cao ốc Sears Tower là trụ sở có các văn phòng của tổ chức của công ty này. Chẳng những nó là ngôi nhà chọc trời cao nhất thành phố có nhiều hội chợ triển lãm nhất, mà còn là toà nhà cao nhất thế giới nữa.
Công tác được giao cho tôi trong những năm làm việc với công ty Sears là phát triển phần nền móng cho một kế hoạch bảo đảm cho các sản phẩm mà công ty Sears mua và được bán trong các cửa hàng của mình,sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn và đặc điểm đã được đề ra cho chúng. Ngay từ hồi đó,công ty Sears đã có một phòng thứ nghiệm lớn để thử nghiệm các sản phẩm ấy. Nhiệm vụ của tôi là thiết lập một hệ thống trong đó các nhân viên của phòng thí nghiệm và người mua hàng có thể làm công việc của họ hữu hiệu nhất. Những ý niệm như thế đều mới mẻ vào thời đó, nên công tác ấy quả thật là một thách thức.
Radas: Đâu là những phương diện quan trọng nhất của hệ thống mà ông phát triển?
R.Peach: Tôi nhận ngay ra rằng chỉ đơn giản kiểm tra các sản phẩm được nhập vào các nhà kho của chúng tôi thì chưa đủ. Phần lớn các nhà sản xuất đều có tinh thần trách nhiệm cao trong các vấn đề thực tiễn và máy móc. Nhưng nhiều người trong số họ chưa hiểu thật thấu đáo các đòi hỏi về phẩm chất của khách mua hàng.
Chúng tôi rất ngạc nhiên nhận thấy rằng đã chẳng hề có một “bộ” các tiêu chuẩn về phẩm chất nào hướng dẫn cho nhà chế tạo và để bảo đảm một chất lượng cao cho người mua hàng. Cho nên chúng tôi phải bắt tay tạo ra một hệ thống rất hình thức để bảo đảm rằng, hằng ngày, hằng giờ, các sản phẩm được chế tạo theo khối lượng lớn phải tốt đủ để bán ra cho quảng đại quần chúng.
Radas: Chắc ông đã rất thành công! Tôi được biết các bản tường trình được soạn thảo dưới quyền chủ tịch của ông đã được Viện Tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ chấp nhận, và bây giờ, ông là một thành viên của Uỷ ban Chứng nhận của Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế. Vai trò của Uỷ ban ấy là gì?
R.Peach: Mối quan tâm đến các hệ thống chất lượng đã được phát triển trong nhiều nước kỹ nghệ hoá. Các hệ thống phẩm chất đã được soạn thảo tại các quốc gia như Canada, Pháp, Anh, và Nam Phi. Tổ công tác của tôi do Tổ chức Định chuẩn Quốc tế lập ra nhằm hài hoà nhiều hệ thống về chất lượng đã được phát triển rồi. Mục tiêu của chúng tôi là hoàn tất một tài liệu duy nhất sẽ cung cấp một định chuẩn duy nhất để sử dụng tại tất cả các quốc gia trên thế giới.
Radas: Chắc ông rất hài lòng rằng công tác tiên phong của ông đã được noi theo thật rộng rãi như thế! Làm thế nào để ông lại quan tâm đến một nghề có tính cách cách tân như thế?
R.Peach: Tôi không tự xem mình là người đi tiên phong trong việc đưa ra các định chuẩn này! Hồi hãy còn là một cậu bé, tôi đã nhận thức được lần đầu tiên rằng Đức Chúa Trời đã đặt ra một định chuẩn mà tất cả mọi người đều phải thoả mãn.
Hình thức về chuẩn mực của Đức Chúa Trời (cho người thế gian) được biết rõ nhất là trong Mười Điều Răn. Tuy các đường hướng chỉ đạo đó đã được ban bố từ nhiều ngàn năm rồi, chúng vẫn còn thích hợp cho ngày nay. Lẽ dĩ nhiên chúng cấu thành phần nền móng cho các bộ luật tại nhiều nước. Nhiều điều răn vốn được biết rất rõ, và rõ ràng là chúng có tầm quan trọng sinh tử cho việc điều hành xã hội loài người một cách êm xuôi – cho dù chúng ta có tin Đức Chúa Trời hay không. Một trong số đó là “ngươi chớ giết người”. Những điều răn khác nữa là “Ngươi chớ trộm cắp” và “ngươi chớ tà dâm”. Lúc Chúa Cứu Thế Giê-xu, Con Đức Chúa Trời còn tại thế, Ngài đã chứng minh rằng người ta không thể nào theo đúng các định chuẩn ấy để sống một cuộc đời hoàn thiện trên thế gian này.
Tôi chịu phép báp-tem và trở thành tín đồ Cơ Đốc giáo năm lên mười tuổi. Kể từ lúc ấy, tôi đã thử, nhờ sự trợ giúp của Đức Chúa Trời, để thoả mãn các định chuẩn của Ngài trong đời sống tôi. Tôi nghĩ thật là điều tự nhiên khi tôi tiếp tục đem ra ứng dụng các tiêu chuẩn thật chính xác tương tự như thế cho việc làm của tôi và cho việc làm của nhiều người khác nữa.
Radas: Suy nghĩ thật nhanh chóng, thì dường như chẳng những Đức Chúa Trời chỉ có một bộ các định chuẩn cho chúng ta thi hành, mà còn có cả một “hệ thống về phẩm chất” để phân biệt tốt xấu, thiện ác khi chọn lựa để hành động nữa.
R.Peach: Chính xác là như thế. Điều quan trọng trong lãnh vực thuộc linh là chẳng hay đời sống chúng ta có đẹp lòng Đức Chúa Trời hay không. Chúa Cứu Thế Giê-xu không phải là một chứng minh cho một đời sống toàn thiện toàn mỹ – Ngài còn là mẫu mực để chúng ta noi theo mà thôi, nếu chúng ta được hưởng được lợi ích nhờ tình bạn và sự trợ giúp của Đức Chúa Trời.
Trong kỹ nghệ, các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn dẫn tới trước hết là những lời than phiền, rồi sau đó, nếu là những người nghiêm túc đủ, là từ chối các vật phẩm ấy. Cũng thế, Đức Chúa Trời có quyền than phiền chúng ta về đời sống của chúng ta, nếu chúng không đạt các định chuẩn rất chính xác của Ngài. Ngài cũng có quyền hoàn toàn chối bỏ chúng ta, nếu chúng ta không chỉ tin cậy vào một mình Ngài mà thôi để chính mình có thể được cứu rỗi.
Các định chuẩn của Đức Chúa Trời vốn chính xác đến mức chúng ta không thể nào tự mình thực hiện được. Chúng ta cần có sự trợ giúp của Ngài. Ngài hứa sẽ trợ giúp cho bất cứ ai cầu xin Ngài tha thứ cho các lỗi lầm của họ để tái tạo họ theo cách mà Ngài chọn và tán thưởng. Tôi đã trước hết cầu xin Ngài giúp đỡ tôi như thế khi tôi chỉ mới lên bảy tuổi mà thôi.
Radas: Làm thế nào để người tín đồ Cơ Đốc giáo hồi đó phát giác được chi tiết đâu là các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời cho phần còn lại của đời sống mình?
R.Peach: Người ấy có thể khám phá ra chúng nhờ đọc Thánh Kinh. Thánh Kinh là quyển sách chỉ nam quốc tế của Hệ thống Kiểm tra Chất lượng của Đức Chúa Trời cho đời sống con người ta!
Nếu không có các định chuẩn cho cách ăn ở cư xử trong một xã hội, chúng ta sẽ lâm vào tình trạng vô chính phủ. Nếu không có các định chuẩn thuộc linh, chúng ta sẽ là những kẻ phản loạn chống lại Đức Chúa Trời. Thánh Kinh dạy rằng mọi người chúng ta đều cần phải biết các định chuẩn mà chúng ta có bổn phận phải thi hành. Chúng ta cần nhìn vào chính Đức Chúa Trời để được hướng dẫn và có khả năng cần thiết để đáp ứng lại với chúng và do đó,là làm đẹp lòng Ngài.
Một ông chủ hãng có lương tâm luôn luôn tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, và như thế, sẽ khiến cho các khách hàng của mình hài lòng hơn. Tôi biết rằng, là Cơ Đốc nhân tôi thường làm cho Đức Chúa Trời thất vọng. Nhưng như tất cả các Cơ Đốc nhân quyết tâm sống đạo đều phải làm, tôi luôn luôn tận tâm tận lực để ngày càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời hơn. Tôi càng cố gắng, thì Ngài sẽ càng giúp đỡ tôi nhiều hơn. Cho nên chủ đích chính của đời sống tôi hiện nay là giúp được nhiều người khác cũng đạt được các định chuẩn thuộc linh của Đức Chúa Trời nữa, bằng cách nhờ vào sự trợ giúp của Ngài.
Leave a Comment