BÀI 19: CHỮA LÀNH TAI VẠ CỦA SỰ CHẾT
BÀI 19: CHỮA LÀNH TAI VẠ CỦA SỰ CHẾT
Chửa lành tai vạ của sự chết
Một tai vạ dịch lệ kinh khiếp đã phủ trùm thủ đô Luân Đôn của Anh trong thế thế thứ 17, được gọi là “Cái Chết Đen” (Black Death). Nó đến trên các con đường của thành phố to lớn đó như là một kẻ giết người tàn bạo lúc ban đêm. Khi nó mới xảy ra, mọi người đều coi thường. Vào tháng 5 năm 1664 khi chỉ có vài người chết vì bệnh dịch được báo cáo, thì hầu như mọi người đều phớt lờ. Đến tháng 5 năm sau, con số người mắc bệnh lên đến 600 người. Sang tháng 6 lên đến 6,000.Qua tháng 7 lên đến 17,000, và vào tháng 8 đã lên đến con số 31,000 người chết trong tháng, những ai sống vào thời điểm ấy không bao giờ quên được con số tử vong ấy. Người ta thi nhau chạy trốn khỏi thành phố như chuột bị cháy nhà vậy,nhưng căn bệnh dịch độc hại ấy đã lan truyền trên khắp Âu Châu.
Vào thời ấy người ta tin rằng sở dĩ cơn dịch được gọi là “Cái Chết Đen” vì hai nguyên do. Thứ nhất, bởi vì trên thân thể người chết nổi đầy những đốm đen. Thứ hai, bởi vì sự ngu dốt đen tối vây quanh nguyên nhân gây bệnh. Thời ấy người ta nghĩ cách ngu dại rằng nguyên nhân gây nên cơn dịch lệ ấy là do không khí ô nhiễm từ khói của cơn hỏa hoạn cách đó 300 năm đã đọng lại trên bầu trời Luân Đôn, khiến trời luôn u ám. Ngày nay thì chúng ta biết rõ rằng nguyên nhân chính gây nên cơn dịch ấy là do chuột, bọ chét từ chuột chính là bệnh dịch. Nhưng vào thời đó người ta tin rằng do không khí bị ô nhiễm. Cho nên họ đã thực hiện một nghi thức lạ lùng để chữa bệnh dịch ấy.
Họ đem những người mắc bệnh dịch ra bên ngoài một khu đất trống, có rải đầy hoa hồng tươi chung quanh. Những người bệnh cầm tay nhau thành vòng tròn và đi chung quanh bãi hoa hồng rải trên đất, hít thở mùi thơm tỏa lên từ hoa hồng,hầu trong cách nào đó cảm thấy không khí thơm tho, trong sạch từ hoa sẽ đẩy không bị ô nhiễm trong phổi họ ra và sẽ được chữa lành. Một số người mắc bệnh quá nặng không thể đi ra bên ngoài được, thì các bác sĩ, y tá sẽ lấy những cánh hoa hồng bỏ đầy vào túi. Đoạn họ đi vào phòng bệnh nhân, rải các cánh hoa ấy chung quanh phòng, như các thầy tư tế rải nước thánh vậy, hầu bệnh nhân có thể hít thở mùi thơm của hoa và không khí trong lành, hầu có thể được chữa lành.
Còn những người gần chết thì được chữa trị bằng cách khác. Bác sĩ sẽ đốt những cánh hoa hồng và đem tro đưa gần vào mũi của người bệnh, hầu có thể hít tro ấy và hy vọng sẽ sặc hay nhảy mũi tống không khí ô nhiễm trong phổi ra. Nhưng dĩ nhiên là họ đã chết và thêm một con số vào bảng thống kê.
Điều mỉa mai là cũng trong thời gian đó, một người làm công tác đẩy xe đầy xác chết của người bị dịch từ nhà thương ra nghĩa địa đã sáng tác một bài hát trong đó có câu: “Đi chung quanh những đóa hoa hồng, một túi đầy những đóa hoa, / Tro bụi, tro bụi, tất cả chúng ta đều nằm xuống!”
Bài hát ấy đã trở nên vô nghĩa, nhưng phần đúng nhất cho đến ngày nay là cụm từ “tất cả chúng ta đều nằm xuống.” Mời quý vị hãy lắng nghe những gì Đức Chúa Trời phán,
“ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.”(Sa 3:19).
“Ai là người sống mà sẽ chẳng thấy sự chết? Ai sẽ cứu linh hồn mình khỏi quyền âm phủ?” (Thi 89:48).
“.. . Năm chúng tôi tan mất nơi hơi thở.
Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, Còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; Song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, Vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi.” (Thi 90:9-10).
“Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết. . .” (Ex 18:20).
“Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, . . .” (Ro 5:12).
“vì chưng bởi một người mà có sự chết, . . .
. .. trong A-đam mọi người đều chết, . . . “ (ICo 15:21-22).
“.. . theo như đã định cho loài người phải chết một lần . . . .” (He 9:27).
“song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết! Vì sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay.” (Gia 4:14).
“Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Đấng đương ngồi ở trên; . . .
Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, . . .những kẻ chết bị xử đoán” (Kh 20:11)
“Tất cả chúng ta đều nằm xuống.” Sự chết là thực tế.Đức Chúa Trời không nói dối – Ngài nói sự thật. Đức Chúa Trời không hăm dọa –Ngài hứa. Từ Sáng thế ký đến Khải huyền, chủ đề thảm họa của sự chết được đan dệt trong ấy, và con người phải đối diện với nó (AIFL-893, TS). Trở nên con người như chúng ta,chúng ta không muốn đối diện nó. Chúng ta đặt cho nó một cái tên khác. Các thi sĩ đã làm điều đó. Trong văn chương cũng dùng nhiều từ ngữ khác nhau để gọi nó.
Chúng ta thường nghe các cụm từ như “qua bên kia thế giới,” “trở về với cát bụi.”Kịch tác gia Shakespeare gọi nó là “hồi chuông gọi chúng ta hoặc lên thiên đàng, hoặc xuống địa ngục.” Euripedes, thi sĩ Hy Lạp, gọi nó là “món nợ mà chúng ta phải trả.” Một bác sĩ tâm sĩ nói rằng hầu như hầu hết mọi người đều không thể nào hình dung được việc chính mình nằm trong quan tài tại một lễ tang.
Bà Elisabeth Kubler-Ross trong tác phẩm tựa đề “Trước Cái Chết.” Bà đã đụng đến điểm kiêng kỵ này – cách nào chúng ta không muốn đối diện với nó. Bà mô tả một loạt các hạng người khi được báo cho biết: “Ông bà đang mang bệnh nan y. Ông/bà không sống được. Ông/bà sẽ chết.” Và điều đầu tiên bà ghi trong tác phẩm tuyệt vời ấy là sự từ chối, không chấp nhận.” Phản ứng đầu tiên trước sự kiện cái chết là: “Điều đó sẽ không xảy ra cho tôi đâu. Tôi không thể chết sớm như vậy.”
Sự chết là thực tế. “Tất cả chúng ta đều nằm xuống.” Cho nên việc con người cố gắng tránh né nó cũng vô nghĩa và luống công như việc nắm tay đi xung quanh một vòng tròn đầy hoa hồng, cố gắng xua đuổi tai vạ, và hát lên “Đi xung quanh vòng tròn hoa hồng, một cái túi đầy những đóa hoa.” Bài hát của người y tá xưa không phải được gọi đến điều như thế. Nó được gọi đến những triết lý của con người.Và ngay cả người khôn ngoan nhất trong xã hội chúng ta nắm lấy chúng như là sự thật, thì thật sự cũng chỉ là sự dối trá mà thôi.
Tôi muốn rút ra từ Truyền đạo đoạn 3 này sáu triết lý liên hệ đến sự chết cũng vô nghĩa như việc hát lên điệu nhạc của người y tá xưa vậy.
1.Trong Tr 3:1-9, chúng ta có triết lý của thuyết định mệnh. Đó là triết lý thứ nhất. Có lẽ nó là triết lý ảm đạm nhất. Những người đi theo triết lý này gọi nó là “giáo lý của sự tuyệt vọng.”Thuyết định mệnh nói rằng: “Các sự kiện đều đã được sắp xếp trước. Chúng đi theo một hình thức mù quáng, phi lý và con người không có trách nhiệm với nó.Con người không có nghĩa lý gì cả. Con người giống như một quân lính mang ba-lô trên vai, và nó được buộc chặt khi sinh ra, để rồi bước đi xuyên qua đời sống với bước đi vô nghĩa kết thúc tại cái chết vô nghĩa, và đó là cuộc đời.”
Vua Sa-lô-môn phản ảnh điều này trong những lời như sau,
Câu 1-2
“Phàm sự gì có thì tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định.
Có kỳ sanh ra, và có kỳ chết; có kỳ trồng, và có kỳ nhổ vật đã trồng;”
Câu 3,
“Có kỳ giết, và có kỳ chữa lành; có kỳ phá dỡ, và có kỳ xây cất;”
Câu 8,
“có kỳ yêu, có kỳ ghét; có kỳ đánh giặc, và có kỳ hòa bình.”
Cho nên ở giữa khái niệm của thuyết định mệnh này con người nói rằng: “Mục đích cho đời sống là gì? Tại sao phải tiếp tục sống? Thế hệ của tôi, hàng trăm thế hệ trước tôi và những thế hệ sau tôi đều sẽ trải qua cùng một vòng tròn vô nghĩa của thời gian. Ích lợi gì chứ?” Câu 9 hỏi câu hỏi đó.
“Kẻ làm việc có được ích lợi gì về lao khổ mình chăng?”
“Có gì hay để tham gia vào đời sống khi mà không có gì để đối diện ngoài sự vô nghĩa hay vô mục đích không tránh được chứ?” Cho nên con người khi mang lấy lối sống được gọi là buông trôi theo định mệnh nói rằng: “Cuộc đời tôi là thế đấy.Đó chính là chỗ của tôi hiện giờ.”
2.Nếu quý vị nắm lấy triết lý ấy, thì quý vị không xa mấy với chủ thuyết hoài nghi, được ghi trong hai câu kế. Tr 3:10-11
“Ta đã thấy công việc mà Đức Chúa Trời ban cho loài người là loài người dùng tập rèn lấy mình.
Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt lành trong thì nó. Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người; . . .”
Bây giờ mời quý vị xem phần cuối của câu 11,
“.. . dầu vậy, công việc Đức Chúa Trời làm từ ban đầu đến cuối cùng, người không thế hiểu được.”
Chủ thuyết hoài nghi nói rằng: “Không có điều gì có thể biết chắc chắn cả.” Nó đạt đến đỉnh cao của thuyết bất khả tri, là chủ thuyết nói rằng: “Không có bất cứ ai có thể biết bất cứ điều gì cách chắc chắn cả. Người nào chấp nhận câu trả lời cuối cùng là đang tự cắt đầu mình, tự tử trí thức.” Người được coi là hiểu biết trong thế giới chúng ta ngày nay là người tiếp tục tìm kiếm, không bao giờ có kết luận cuối cùng. Thiên tài lỗi lạc của xã hội chúng ta ngày nay nói rằng:“Những người giáo điều là những người ngu dốt nhất. Còn những ai chấp nhận sự ngu dốt của mình và tiếp tục tìm kiếm chính là những người thông sáng nhất.” Đó là thuyết hoài nghi. Trong trường hợp này, khi đến với Đức Chúa Trời, thì nói rằng: “Chúng tôi muốn hiểu biết hơn, nhưng không thể được. Chúng ta không thể biết Chúa được. Dường như Đức Chúa Trời là một người tàn bạo vĩ đại, ngồi trên thiên đàng bất ngờ tra tấn con người với hành động bất công từ cánh tay Ngài.”Người hoài nghi nói rằng: “Quý vị thấy chưa, đó là Đức Chúa Trời cho quý vị.Chúng ta sẽ để Ngài yên ở đó. Không ai có thể hiểu biết Ngài.”
3.Nếu quý vị nắm lấy chủ thuyết đó, nó sẽ đưa quý vị đến với thuyết khoái lạc,ghi trong hai câu kế. Tr 3:12,
“Vậy,ta nhìn biết chẳng có điều gì tốt cho loài người hơn là vui vẻ, và làm lành trọn đời mình.”
“Sống vui! Làm điều lành!”
“Lại,ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời.”
Tôi có thể nhìn thấy triết lý sống này hiện nay. Nó là lối sống của thời đại này,triết lý hưởng thụ. “Đời sống là để hưởng thụ. Hãy sống cách vui vẻ! Mọi sự đang dành sẵn!” Sa-lô-môn nắm lấy chủ nghĩa khoái lạc này với tất cả phương diện của nó nói lên với con người rằng: “Hãy làm thỏa mãn ước muốn của bạn! Hãy sống! Hãy quên ngày mai đi! Hãy ăn, uống và vui vẻ!”
Ông Oliver Wendell Holmes nói về nó cách chính xác rằng: “Có sự vinh quang của chủ nghĩa khoái lạc được bạn tôi, một sử gia, trong thời điểm thoáng qua nói rằng:‘Hãy cho chúng tôi một đời sống sang cả, thì chúng tôi sẽ làm biến mất mọi sự túng quẫn.’” Ý ông muốn nói rằng: “Chỉ hãy đem đến cho tôi những gì vui thú và chúng ta sẽ thoát khỏi những điều gây đau đớn.”
Nhiều năm trước đây các phóng viên phỏng vấn ông Jerry Lewis, một nhân vật nổi tiếng ở Mỹ, đang khi ông ta ở trong phòng thay quần áo tại thành phố Las Vegas. Họ hỏi: “Thưa ông Lewis, triết lý sống của ông là gì ạ?” Ông đáp: “Các anh có thấy câu treo trên tường đó không? Đó là triết lý sống của tôi đấy.” Khi họ nhìn lên tường thì thấy một mảnh gỗ đã sờn mà ông luôn mang theo từ chỗ này đến chỗ kia khi đi trình diễn khắp nơi trên thế giới. Câu ấy ghi thế này: “Có ba điều là thật thôi: Đức Chúa Trời, sự điên rồ của con người, và nụ cười. Do bởi hai điều đầu vượt quá sự hiểu biết của chúng ta, cho nên chúng ta phải làm tất cả những gì có thể được với điều thứ ba.” Ông Lewis nói: “Các anh có tin như thế không?Tôi sống theo triết lý ấy đấy!”
Quý vị có từng nghe triết lý ấy không? “Hai điều vượt trên sự hiểu biết của chúng ta – Đức Chúa Trời và tội lỗi. Chúng ta hãy cười về nó. Chúng ta cần phải làm bất cứ điều gì có thể được với việc cười. Nó là điều duy nhất chúng ta có thể hiểu được.” Đó chính là những gì chủ nghĩa khoái lạc nói. “Sống, hãy sống, hãy vui thỏa, bởi vì thì giờ qua mau. Cho nên đừng lo lắng về ngày mai.”
4.Để làm cho có vẽ tôn giáo, có người đã thêm vào triết lý thần thánh. Điều này nằm trong ba câu kế. Vua Sa-lô-môn nói rằng,
“Ta biết rằng mọi việc Đức Chúa Trời làm nên còn có đời đời: người ta chẳng thêm gì được, cũng không bớt chi đặng; Đức Chúa Trời làm như thế, để loài người kính sợ trước mặt Ngài.
Điều chi hiện có, đã có ngày xưa; điều chi sẽ xảy đến, đã xảy đến từ lâu rồi: Đức Chúa Trời lại tìm kiếm việc gì đã qua.” (Tr 3:14-15)
Quý vị thấy đấy, trong triết lý của sự lý luận này, lý lẽ của con người vượt trổi trên sự khải thị thiên thượng, nhưng có sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Thật ra thì Đức Chúa Trời có thể ngăn chận con người, như chúng ta thấy trong câu 16-17
“Ta lại còn thấy dưới mặt trời, trong nơi công đàng có sự gian ác, và tại chốn công bình có sự bất nghĩa.
Ta bèn nói trong lòng rằng: Đức Chúa Trời sẽ đoán xét kẻ công bình và người gian ác; vì ở đó có kỳ định cho mọi sự mọi việc.”
Chủ nghĩa thần thánh nói rằng: “Không có chỗ cho phép lạ. Mọi điều xảy ra đều xảy ra bởi sự giải thích của con người. Điểm cao nhất trong sự hiện diện trên đất này là trí óc của con người. Chắc chắn là có một Đức Chúa Trời, nhưng Ngài không hề can thiệp vào. Ngài có thể phán xét, nhưng rồi cuối cùng tất cả chúng ta sẽ tốt đẹp.” Nhiều vĩ nhân của thế giới đã ôm lấy triết lý ấy, tin triết lý ấy, sống theo triết lý ấy.
5.Thời gian trôi qua. Điều này sinh sản ra chủ thuyết tiến hóa, chúng ta thấy trong hai câu tiếp theo (Tr 3:18-19)
“Ta lại nói trong lòng rằng: Phải như vậy, bởi vì Đức Chúa Trời muốn thử thách con loài người, và chỉ cho chúng biết rằng họ không hơn gì loài thú.”
Hãy xem câu kế. Quý vị không thể tin rằng nó lại nằm trong Kinh Thánh của chúng ta.
“Vì việc xảy đến cho con loài người làm sao, thì xảy đến cho loài thú cũng vậy; sự xảy đến cho hai loài giống hẳn với nhau. Sự chết của loài nầy cũng như sự chết của loài kia; hai loài đều thở một thứ hơi, loài người chẳng hơn gì loài thú;vì thảy đều hư không.”
Vua Sa-lô-môn đang nói gì vậy? Ông đang nói chính điều mà ông Darwin đã phát triển và gọi là một thuyết, hay ít nhất là một thực tế như trong sách của ông ta. Vua Sa-lô-môn nói rằng con người đang trải qua một quá trình tiến hóa kiên định. Và tiến trình đó lan rộng ra đến cực điểm, từ thời nguyên thủy của quá khứ đến điều kiện con người như hiện nay. Nếu quý vị truy nguyên xa đủ, quý vị sẽ liên kết chúng ta với loài thú trong quá khứ. Nhà Truyền đạo nói rằng: “Điều khác biệt giữa loài người và loài thú là gì? Không có gì hết. Tại sao lại phải lo lắng hôm nay khi mà quý vị sẽ chết như một con thú chứ? Loài thú trên cánh đồng nào đó hiện thời điểm này không tốt hơn con người, hay tệ hơn con người khi sự chết đến. Và đó là cách ta xử lý nó.” Và nó cũng vô nghĩa như việc nắm tay nạn nhân bệnh dịch khác và hát điệu nhạc của người y tá, bước đi vòng vòng nghĩ rằng trong cách nào đó sẽ giúp tôi thoát khỏi sự chết. Quý vị thấy đấy, đặc tính của một triết lý không phải trong sự sống của nó, mà là trong việc chết với nó. Đó chính là chỗ nó đứng với thử thách, và bị khiếm khuyết.
6.Vì vậy cho nên con người vẫy tay mình trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời nói rằng: “Có một câu trả lời cuối cùng – thuyết phổ thông.” Nó đã đến trong thế kỷ thứ mười tám, và ở đây nói như thế.
Câu20,
“Cả thảy đều qui vào một chỗ; cả thảy do bụi đất mà ra, cả thảy sẽ trở về bụi đất.
Ai biết hoặc thần của loài người thăng lên, hoặc hồn của loài thú sa xuống dưới đất?
Thế thì, ta thấy chẳng chi tốt cho loài người hơn là vui vẻ trong công việc mình;ấy là kỷ phần mình; vì ai sẽ đem mình trở lại đặng xem thấy điều sẽ xảy ra sau mình?”
Với nét chữ cuối cùng, trước khi khô mực, Sa-lô-môn đã thêm tình trạng vui thỏa của tất cả mọi người. “Chúng ta đã bắt đầu giống nhau. Chúng ta sẽ kết thúc giống nhau. Sẽ có một sự sống lại vĩ đại và Đức Chúa Trời sẽ ôm lấy con người phán rằng: ‘Ô, thật tuyệt vời, công dân thiên đàng có những người như các ngươi.’”Chủ nghĩa phổ thông bảo: “Hãy chú tâm, quý vị sẽ có khả năng đạt đến đó.”
Các nhà văn, các triết gia, những nhà tư tưởng nổi tiếng của thế giới cũng đều nằm trong chỗ nào đó của Truyền đạo đoạn 3. Và thời kỳ của họ chưa kết thúc. Họ được làm cho trọn vẹn, họ được tinh luyện, họ được đặt vào trong sách, biến họ trở nên “sự kiện,” và bây giờ được được phát hành và được con người nắm lấy.Tôi xin nói với quý vị rằng không có bất cứ điều gì trong các triết lý của con người vượt lên trên chân giá trị, khả năng, quyền lực của con người, tình trạng hạnh phúc, vượt qua được sự can thiệp của Đức Chúa Trời. Bất kể nó trông có vẽ tốt đẹp như thế nào, thì nó cũng không hiệu quả hơn việc đi vòng vòng và hát rằng: “Đi chung quanh những đóa hoa hồng, một cái túi đầy những đóa hoa,” bởi vì “tất cả chúng ta đều nằm xuống.”
Bởi tôi nghĩ rằng có thể có một số môn đồ của các triết gia vừa đề cập đến đang lắng nghe tôi giờ này, tôi muốn quý vị nhìn thấy sự thẩm định của Đức Chúa Trời trên tất cả những điều đó gom lại. Thuyết định mệnh. Thuyết hoài nghi. Thuyết khoái lạc. Thuyết thần thánh. Thuyết tiến hóa. Thuyết phổ thông. Sự đánh giá của Đức Chúa Trời là gì? Ch 14:12 nói rằng: “Có một con đường coi dường chính đáng cho loài người.” Quý vị có nhìn thấy chữ “chính đáng” không? Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ nó có nghĩa là “trơn tru, có thể chấp nhận, có thể đồng ý với.”“Có một con đường trông dường như có thể đồng ý với.” Nó dường như rất hợp lý.Nó nghe có lý. Nhưng câu 12 không hề chấm dứt như cách nó bắt đầu. Nó chấm dứt với cụm từ “nhưng cuối cùng của nó thành ra nẻo sự chết.” Điều duy nhất mà người dân Luân Đôn trong thế kỷ 17 nghĩ đến và là sự thật là “tất cả chúng ta đều nằm xuống.” Đó là sự thật. Kinh Thánh có một chủ đề chính từ đầu đến cuối,bên cạnh tin tức vinh hiển và sự chữa lành. Nó là sự thật về tai vạ, và tất cả con người đều sẽ chết.
Điều đó trông có vẽ lạ lùng để bắt đầu phần thứ nhất của một sứ điệp trong mùa Phục sinh. Dĩ nhiên, nền tảng chính yếu là mở ra những phân đoạn vĩ đại của Thánh Kinh Tân ước và công bố sự sống lại vinh hiển của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Và chúng ta sẽ làm điều đó trong phần hai của sứ điệp này. Nhưng tôi nghĩ điều đó giống như công bố sự chữa trị trước khi quý vị nhận thức sự trầm trọng của cơn bệnh dịch lệ. Quý vị không thể vui thích một viên kim cương khi nó ở giữa hàng trăm viên kim cương khác, nhưng khi quý vị đặt nó vào trong chiếc hộp bằng nhung đen, nó chiếu rọi một cách rực rỡ. Trong sự đen tối của sự thất kinh hoàng ấy,con người nằm xuống. Và sự trống vắng của những triết lý gào thét: “Điều này sẽ giúp quý vị vượt qua.” Đức Chúa Trời quay trở lại phán rằng: “Ồ, Ta có một kế hoạch tốt hơn. Thật ra thì ta có một kế hoạch duy nhất sẽ hiệu quả mà thôi.”
Từ Châm ngôn 14, kính mời quý vị cùng mở sang với tôi trong thư Rô-ma đoạn 5, và chúng ta cùng lắng nghe kế hoạch của Ngài. Rô-ma 5 là một đoạn tuyệt vời của hy vọng. Trong phần đầu của sứ điệp này tôi đã để thì giờ nói cho quý vị biết những gì về Rô-ma đoạn 1 đến đoạn 4. Nó công bố một sự kiện đơn giản, và rồi tóm tắc cho chúng ta trong chữ “vậy” trong câu 1, nói cho chúng ta biết đoạn 5 là sự kết luận của ý tưởng. Đơn cử như Ro 5:12,
“Cho nên, như bởi một người (tức là A-đam, người đầu tiên trên đất) mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.”
Lẽ thật trong câu này là gì? Lẽ thật trong đoạn Kinh Thánh này là gì? Trước hết,lẽ thật là bởi con người mà tội lỗi vào trong thế gian. Bởi tội lỗi mà sự chết đã đến. Bởi sự chết tai họa đã đến. Công thức ở đây là gì? Ấy là, con người cộng tội lỗi, bằng hư mất. Quý vị có từng nghe điều đó không? Ngày nay người ta tránh nói đến điều này. Từ tòa giảng thường đơn giản nói về tin mừng sự sống lại, nhưng tôi muốn quý vị biết rằng một tai vạ đang bắt lấy con người và làm mù mắt họ. Chỉ việc sinh ra làm người thôi, quý vị đã trở nên một tội nhân rồi.Và một khi là tội nhân, quý vị đang hư mất. Điều đó có nghĩa là trước mặt Đức Chúa Trời Toàn năng, quý vị là những con người hư mất, xấu xa. Nhưng nếu sứ điệp chấm dứt với công thức đó, thì sẽ không có nhiều hy vọng.
Tôi xin chỉ cho quý vị thấy sự khốn khổ của con người khi không có Chúa Cứu Thế,“khi chúng ta còn yếu đuối” (không có hy vọng) (Câu 6). “khi chúng ta còn là người có tội.” (Câu 8), “khi chúng ta còn là thù nghịch.” (Câu 10)
Đức Chúa Trời mô tả con người trong ba điều, mà không điều nào nghe hấp dẫn hay thu hút cả, nhưng chúng là lẽ thật. Con người không có Chúa Cứu Thế – vô vọng. Con người không có Chúa Cứu Thế – tội lỗi. Con người không có Chúa Cứu Thế – kẻ thù nghịch. Đó là sự thật. Nhưng sau khi cho thấy sự thật,Đức Chúa Trời phán với chúng ta rằng: “Ồ, có sự hy vọng!” (AIFL-894, TS). Chắc chắn quý vị có bệnh dịch. Chắc chắn quý vị có tai vạ. Và xin đừng tự lừa dối mình, nó sẽ không bao giờ được giải quyết bằng việc hát những bài ca của chủ nghĩa nhân bản trong thời đại của chúng ta hay trong quá khứ cả. Câu trả lời duy nhất, phép chữa trị duy nhất cho tai vạ của sự chết được tỏ ra trong phần cuối của đoạn Kinh Thánh này. Tôi muốn quý vị xem nó với tôi.
Hãy nghĩ đến những hình ảnh hai sự tương phản. Chúng ta sẽ nêu lên năm điều này trong Ro 5:17-21. Bên cột bên trái trong trí của quý vị, đặt A-đam và sự chết.Trên cột bên phải, đặt Chúa Cứu Thế và sự sống. Hãy xem 5:17,
“Vả,nếu bởi tội một người mà sự chết đã cai trị bởi một người ấy, thì huống chi những kẻ nhận ân điển và sự ban cho của sự công bình cách dư dật, họ sẽ nhờ một mình Đức Chúa Jêsus Christ mà cai trị trong sự sống là dường nào!”
Sự sống cai trị! Nếu quý vị thính giả nào đang lắng nghe mà không có Chúa Cứu Thế Giê-xu trong cuộc đời mình, quý vị đang sống trong lãnh vực cai trị của sự chết! Nếu quý vị có Chúa Giê-xu, quý vị đang sống trong lãnh vực cai trị của sự sống ngay hiện giờ.
Câu 18 cho thấy một sự tương phản khác.
“Vậy,như bởi chỉ một tội mà sự đoán phạt rải khắp hết thảy mọi người . . .”
Một bên có sự đoán phạt. Nhưng bên phía khác, do hành động của sự công bình, có sự xưng công bình. Đức Chúa Trời tuyên bố con người là công bình trong khi vẫn còn ở trong tình trạng tội lỗi của mình. Quả là một sứ điệp kỳ diệu! Ngoài Chúa Cứu Thế, bị đoán phạt. Được xưng công bình khi ở trong Chúa Cứu Thế. Đó chính là sự hy vọng. Đó chính là câu trả lời cho tai vạ. Cho nên tôi không đối diện với sự chết mà không có sự chuẩn bị. Thật sự thì thập tự giá chuẩn bị cho tôi để chết.Một người chưa thật sự sẵn sàng để sống, cho đến khi người ấy sẵn sàng để chết.Và trong sự hy vọng của kế hoạch vĩ đại mà Đức Chúa Trời đã thiết lập, có Chúa Cứu Thế Giê-xu, sẵn sàng chấp nhận những ai kêu cầu Ngài.
Sự tương phản thứ ba ở trong câu 19.
“Vì,như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, . . .”
Điều đó ở cột bên trái.
“.. . thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình.”
Câu 20,
“Vả,luật pháp đã xen vào, hầu cho tội lỗi gia thêm; nhưng nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa,”
Và cuối cùng,
“hầu cho tội lỗi đã cai trị làm nên sự chết thể nào, thì ân điển cũng cai trị bởi sự công bình thể ấy, đặng ban cho sự sống đời đời bởi Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta.”
Tôi xin tóm tắc Rô-ma 5 để quý vị thấy rõ hơn. Chúng ta có nhân loại ở trong hai chỗ – không phải ba, không phải chín, không phải mười lăm triết lý, nhưng trong hai chỗ: hư mất và được cứu. Trong Chúa Cứu Thế và ngoài Chúa Cứu Thế. Sẵn sàng – không chuẩn bị cho sự chết.
Bên phía trái chúng ta có con người không có Chúa Giê-xu. Người ấy ở trong A-đam.Tội lỗi đã bước vào, và bởi tội lỗi có sự chết. Và sự chết phủ trùm trên tất cả quý vị là người không có Chúa Cứu Thế. Bây giờ ở đây nói rằng: “Chúng ta yếu đuối, tội lỗi và kẻ thù nghịch.” Và kết quả của điều đó là sự chết, sự đoán phạt, tình trạng tội lỗi, và bị tội lỗi cai trị.
Nhưng trong Chúa Cứu Thế, hãy nhìn sang bên phải. Người ở trong Chúa Cứu Thế được tuyên bố là công bình. Người ấy có sự bình an. Người ấy được cứu khỏi cơn thạnh nộ và vì vậy người ấy sống trong lãnh vực của sự sống, sự công bình và ân điển.
Tôi muốn chỉ cho quý vị thấy cách nào Cơ-đốc giáo là tôn giáo duy nhất trên thế giới tuyên bố có một giáo chủ sống. Phật Thích ca không thể tuyên bố như thế.Đức Khổng tử không thể tuyên bố như thế. Tất cả tôn giáo trên thế giới này không thể tuyên bố như thế, kể cả Do-thái giáo. Quý vị có thể chỉ vào chỗ đó và nói rằng: “Áp-ra-ham đã được chôn ở đó.” Nhưng với Chúa Giê-xu vẫn sống, (đây chính là chỗ sự sống đóng một vai trò to lớn).
Mời quý vị xem xuống đoạn 6:9. Tôi xin buộc nó lại ở đây.
Ro 6:9,
“bởi biết rằng Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì chẳng chết nữa; sự chết không còn cai trị trên Ngài.
Vì nếu Ngài đã chết, ấy là chết cho tội lỗi một lần đủ cả; . . .”
Đó là tại đồi Gô-gô-tha. Đó là tại thập tự giá.
“.. . nhưng hiện nay Ngài sống, ấy là sống cho Đức Chúa Trời.”
Quý vị thấy đấy, khi Chúa Cứu Thế Giê-xu sống lại từ cỗi chết, Đức Chúa Trời đã đặt chữ “A-men” bên trên cụm từ “Mọi sự đã được trọn.” Đức Chúa Trời phán với Con Ngài rằng: “Ta chấp nhận sự chết của Con như là một sự chết thay cho nhân loại trên thập tự giá. Và những ai tin nhận Con tức là tin nhận Ta. Những ai từ chối Con sẽ bị Ta từ chối lại.” Cho nên trong câu 11 nói rằng,
“Vậy anh em cũng hãy coi mình như chết về tội lỗi và như sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ.”
Quả là một sứ điệp kỳ diệu của sự hy vọng. Quý vị đã nghe qua chưa? “Đối với những ai ở trong Chúa Cứu Thế, thì không còn có sự sợ hãi sự chết, tử thần, mồ mã nữa. Nọc của nó đã bị cất đi. Bây giờ thì chỉ còn hy vọng và chiến thắng thôi.”Nhưng rồi triết nhân bảo: “Hãy khoan đã! Làm thế nào chúng ta có thể nói được rằng người sống theo những triết lý trong Truyền đạo 3 là không sẵn sàng để chết? Làm thế nào chúng ta biết rằng nó không đưa người ấy trải xuyên qua thời gian và vào trong hố thẳm của ngày mai chứ?” Thời gian không cho phép thôi giải thích nhiều, nhưng tôi có vài thí dụ của những người sống theo triết lý ấy. Hãy lắng nghe họ.
Nhà văn Voltaire của Pháp được người trong thời ông gọi là người hoài nghi vĩ đại nhất Âu Châu. Ông lấy việc du lịch vòng quan thế giới và tấn công và điều mà ông gọi là tôn giáo ngu xuẩn nhất – tức Cơ-đốc giáo – làm vui thích. Viết viết tiểu sử của ông, Giáo sư Cairns, nói rằng lời nói cuối cùng của Voltaire trên đất là một tiếng than trống rỗng.
Anatole France từng là người theo chủ nghĩa duy lý nổi tiếng nhất của Pháp, có lẽ là nhà văn sáng chói nhất mà Pháp từng sản xuất ra. Điều thú vị là ông giữ một loạt lời viết cá nhân về cuộc đời mình, tựa đề “Những Ký ức Của France.” Thư ký riêng của ông cho phát hành ra công chúng cách đây không lâu. Trong những ký ức, ông nói đến tình trạng thật của linh hồn mình. Mời quý vị hãy lắng nghe tiếng nói từ đáy lòng của ông: “Tạo vật đau khổ nhất trên thế giới là con người. Đủ rồi! Đủ rồi! Ô, nếu quý vị có thể đọc thấy tận linh hồn hồn, quý vị sẽ kinh khiếp! Không có một tạo vật nào trên thế giới này đau khổ hơn tôi.Người ta nghĩ rằng tôi hạnh phúc. Tôi chưa hề hạnh phúc bao giờ cả. Không một ngày. Không một giờ!”
Ông H. G. Wells, môn đồ của chủ nghĩa cận đại, viết những lời tương tự về sự hoài nghi của mình khi sự chết đến. “Thời điểm đến cho tôi tái tổ chức lại đời sống,sự bình an của mình – tôi kêu than. Tôi không thể điều chỉnh cuộc đời mình để bảo đảm được bất cứ quả bình an nào. Đây, một người 64 tuổi, vẫn đang tìm kiếm sự bình an. Nó là một giấc mơ vô vọng.”
Nếu quý vị nhẫn nại với tôi, tôi xin kể thêm một người nữa – ông Robert Ingersoll.Tôi cố tình chọn ông ta với mục đích. Một nhà hùng biện của thế kỷ mười chín,một luật sự bạn dạn, và là một người hoài nghi không tin kính, đã tìm thấy hứng thú trong việc tấn công Cơ-đốc giáo từ cực này đến cực kia của nước Mỹ. Ngày ông chết, thì những lời sau đâu phát ra từ môi miệng ông ta: “Đời sống là một bức màn mỏng giữa hai cõi đời đời lạnh lẽo và khô cằn. Tôi đã cố gắng luống công để nhìn vượt lên trên những chiều cao. Tôi kêu gào lớn tiếng, nhưng câu trả lời duy nhất là tiếng vọng của sự kêu gào đau kgổ của tôi.”
“Đi xung quanh những đóa hoa hồng, một túi đầy những cành hoa, / Tro bụi, tro bụi,. . .” Một cái nhảy mũi, và cõi đời đời đến. Và rồi nhà hiền triết không có được gì cả, không có gì hết ngoài sự chết. Và quý vị cũng vậy, nếu như quý vị ở ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Trải qua những năm trong cuộc đời, tôi đã chứng kiến biết bao người hấp hối, chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa sự chết, cũng như những người ra đi cách bất thình lình mà không hề có sự chuẩn bị nào. Nhưng cái chết của một người bà con không tin Chúa của tôi, là hình ảnh mà tôi luôn nhớ trong trí, dù điều ấy đã xảy ra cách đây hơn 20 năm rồi. Vào thời điểm ấy, người bà con của tôi chưa đầy 30 tuổi,nhưng đã mang chứng bệnh ung thư gan vào giai đoạn chót. Bác sĩ từ chối chữa trị, gia đình chở anh từ bệnh viện về nhà, chờ ngày bước vào sự chết. Tôi đến thăm, nhìn người vợ trẻ với ba đứa con mọn và bà mẹ già mà anh phải để lại, tôi thật xót thương. Lúc đó chúng tôi có bán thuốc tây để sinh sống, anh nói với tôi cách khẩn thiết rằng hãy cố gắng tìm loại thuốc nào đó giúp anh kéo dài sự sống, dù đắt bao nhiêu cũng được. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh đó!
Một người bạn thân, cũng là hội viên trong Hội Thánh chúng tôi, đến thăm chúng tôi và kể lại rằng anh vừa đi dự đám tang của một người bạn thân, là một thương gia thành công, người có ảnh hưởng rất nhiều trên anh. Thương gia ấy chết vì bệnh ung thư, được tẩn liệm, đặt vào quan tài và chôn xuống lòng đất cách đây không lâu. Đang khi nghe anh kể về nhiều chuyện buồn về con người tốt đẹp, sáng chói ấy, cùng những lời nói trống vắng của anh ta, tôi không thể không nghĩ đến hình ảnh tương phản giữa hai hạng người khi đến với cái chết. Những lời nói tại lễ an táng và những lời nói tiếp theo đó cũng trống vắng giống như việc đi xung quanh những đóa hoa hồng, hay rải những cánh hoa trong phòng của bệnh nhân sắp chết.
Ông bà Bill và Gloria Gaither đã làm rung động biết bao tấm lòng trải qua bao thế hệ của chúng ta với những bài Thánh ca do ông bà sáng tác. Một trong những bài đầy rung cảm và sức mạnh là bài “Vì Giê-xu Sống,” một bài rất quen thuộc với chúng ta, thường được hát mỗi dịp Phục sinh. Ông bà Bill và Gloria Gaither viết:
“Trên trời vinh quang, Vua Thánh xuống dương trần, / Xót thương con người sống trong tuyệt vọng. / Thân vàng hi sinh, chịu đau thương cứu người, / Hiện Ngài đang sống để đón muôn người tìm nguồn thái an.”
“Vì Giê-xu sống, tôi bước đi với hy vọng, / bóng đêm xa dần, lòng luôn vững tin. /Vì tôi biết rõ. Chúa sống quyền uy trên khắp trời, / vì Giê-xu sống luôn với tôi, tôi vui sống trong Ngài.”
Đó chính là cách để chết. Không phải đi xung quanh vòng tròn, lẩm bẩm những điều không phải là sự thật, nhưng đứng vững vàng, chắc chắn trên Vầng Đá và nói rằng: “Bởi vì Ngài sống, nên tôi cũng sẽ sống.”
Kính mời quý vị cúi đầu nhắm mắt lắng lòng yên lặng trong giây lát.Vấn đề đối với tôi không phải là quý vị sống theo triết lý nào. Những gì thật sự khiến tôi quan tâm là việc quý vị chết với triết lý nào kìa. Bởi vì trong thế giới của tôi nó thật sự không phải vấn đề quan trọng về điều gì làm cho quý vị cảm thấy tốt đẹp. Điều thật sự đáng quan tâm là những gì làm cho quý vị chết cách tốt đẹp kìa. Thưa quý vị thính giả thân mến, với tất cả sự thành thật tận đáy lòng, xin đừng nghĩ rằng tôi chia sẻ những điều này chỉ dành cho người lớn tuổi đang lắng nghe mà thôi. Tôi chia sẻ cho tất cả mọi người. Sự chết là điều chắc chắn. Cõi đời đời có thật. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời là vĩ đại.Ngài đang sẵn sàng ban nó cho quý vị hiện giờ. Ngay tại chỗ quý vị hiện đang ngồi, hãy nghĩ xem quý vị đang ở phía nào của thập tự giá? Nếu vì vài nguyên do bí mật nào đó, Đức Chúa Trời cất đi sự sống của quý vị hôm nay, quý vị sẽ đi về đâu? Chúa Giê-xu phán,
“Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta,thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét(không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ), song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống.”
Ngay tại chỗ quý vị đang ngồi, ngay bây giờ, Đức Chúa Trời muốn quý vị nghe những gì quý vị vừa nghe. Ngài muốn quý vị tin những gì quý vị biết đó là lẽ thật. Quý vị há sẽ không mời Ngài ngự vào cuộc đời của quý vị sao? Hãy tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đức Chúa Trời sẽ ban cho quý vị món quà của Ngài, là chính Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Tôi sẽ không xâm phạm vào sự riêng tư cá nhân của quý vị trong việc có quyết định,nhưng tôi dạn dĩ nói với quý vị rằng quý vị sẽ không bao giờ có được một cơ hội tốt hơn như bây giờ đâu, hãy đặt đức tin của quý vị nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu.Thưa quý vị là con cái Chúa đang nghe, xin quý vị hãy cầu nguyện cho những ai chưa có Chúa Cứu Thế trong cuộc đời, hãy cầu nguyện để những người ấy sẽ quyết định tiếp nhận Ngài giờ này.
Ngay bây giờ quý vị có thể cầu nguyện ngắn gọn như thế này: “Kính lạy Đức Chúa Trời toàn năng, con tiếp nhận Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu trong giờ này.Con đã quá mệt mỏi trong việc chạy trốn sự sợ hãi rồi. Con muốn có sự đảm bảo.Cám ơn Chúa Giê-xu đã bước vào cuộc đời con.”
Cha yêu thương, hôm nay con cầu nguyện đặc biệt xin Cha phán với những tấm lòng đang có sự cảm động sâu xa trong giờ này. Xin Cha hãy phán với họ ngay bây giờ,ngay thời điểm này. Cha ơi, xin nhắc chúng con nhớ thực tế của quan tài đang chờ đợi chúng con ngày mai. Xin cho chúng con đối diện với sự kiện đời sống của Chúa Cứu Thế Giê-xu có nghĩa gì đối với chúng con hiện giờ. Xin Cha phán với những ai đối diện Ngài trên thập tự giá, trong ngôi mộ, hiện sống hôm nay, và đem họ đến với sự hiểu biết Con Ngài. Cha ơi, cầu xin cho quyết định ấy sẽ có ngay thời điểm này. Chúng con thành tâm cầu nguyện trong danh quý báu của Chúa Cứu Thế Giê-xu. A-men!
Leave a Comment