BÀI GIẢNG TRÊN NÚI (GIỚI THIỆU)
BÀI GIẢNG TRÊN NÚI
Mat 5:1-7:29
Tác giả:Dick Woodward
Cuộc Tĩnh Tâm Cơ Đốc Nhân Đầu Tiên
Mat 4:23-5:1
Ngay cả những người không tỏ ra vẻ gì là Cơ Đốc Nhân cũng sẽ hết lời tán thưởng những lời dạy dỗ của Chúa Giê-xu trong “Bài giảng trên núi”. Nhiều nhà trí thức, chính trị gia, nhà thơ trải qua các thời đại đã trích dẫn bài giảng nầy của Ngài mà không hề biết đến Đấng đã rao giảng nó. Có lẽ không chỗ nào trong Kinh Thánh lại được trích dẫn nhiều mà lại được hiểu ít như bài giảng này của Chúa Giê-xu, bài giảng mà chúng ta sẽ tìm hiểu tìm hiểu sau đây.
Bối cảnh của Bài giảng trên núi
Trước khi tìm hiểu nội dung của bài giảng trên núi,chúng ta cần hiểu được bối cảnh của cuộc tĩnh tâm vĩ đại này. Chúng ta có thể tìm thấy sự mô tả của Ma-thi-ơ về bối cảnh của bài giảng nầy trong Mat 4:23-5:1: “Đức Chúa Giê-xu đi khắp xứ Ga-li-lê, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng Tin Lành của nước Đức Chúa Trời, và chữa lành mọi thứ tật bệnh trong dân. Vậy, danh tiếng Ngài đồn ra khắp cả xứ Sy-ri, người ta đem cho Ngài mọi người đau ốm, hay là mắc bệnh nọ tật kia, những kẻ bị quỷ ám,điên cuồng, bại xuội, thì Ngài chữa cho họ được lành cả. Vả lại, từ xứ Ga-li-lê, xứ Đê-ca-bô-lơ, thành Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê, cho đến xứ bên kia sông Giô-đanh, thiên hạ kéo nhau rất đông mà theo Ngài. Đức Chúa Giê-xu xem thấy đoàn dân đông, bèn lên núi kia; khi Ngài đã ngồi, thì các môn đồ đến gần.Ngài bèn mở miệng mà truyền dạy rằng…”
Kế đó chúng ta hãy xem Phúc âm Mat 5:1-7:29 tường thuật lại sự giảng dạy sâu sắc của Chúa Giê-xu trong bối cảnh đó. Bạn có nhận thức rõ bối cảnh của bài giảng này không? Tôi gọi đó là “Cuộc tĩnh tâm Cơ Đốc đầu tiên”. Đây không hẳn là một bài giảng như những bài giảng chúng ta nghĩ đến ngày hôm nay nhưng là sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu dưới hình thức có thể được xem như một cuộc thuyết giảng trên đỉnh núi.
Cuối ba năm thi hành chức vụ, trước khi bị bắt và chết trên cây thập tự, Chúa Giê-xu đã biệt riêng những giờ phút cuối cùng của mình trên trên phòng cao cùng với các môn đệ mà Ngài đã kêu gọi và huấn luyện. Trong bối cảnh đó, Ngài chia sẻ với họ bài giảng được xem là dài nhất của Ngài. Tôi gọi đó là “Cuộc tĩnh tâm Cơ Đốc cuối cùng” của Chúa Giê-xu với các môn đồ của mình.
Tôi đã trích dẫn lời mô tả của Ma-thi-ơ về bối cảnh của cuộc thuyết giảng Cơ Đốc đầu tiên này. Lúc này Chúa Giê-xu đang chữa lành những căn bệnh nan y của đoàn dân tụ tập tại những triền đồi ven biển Ga-li-lê. Theo Ma-thi-ơ, họ là “…người đau ốm, hay là mắc bệnh nọ tật kia, những kẻ bị quỷ ám, điên cuồng, bại xuội, thì Ngài chữa cho họ được lành cả.” (Mat 4:24)
Chúng ta đọc thấy rằng những người tụ tập quanh vùng bờ biển Ga-li-lê đã “từ xứ Ga-li-lê, xứ Đê-ca-bô-lơ, thành Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê, cho đến xứ bên kia sông Giô-đanh.” (Mat 4:25) Phải mất 4 ngày để đi bộ từ bên kia sông Giô-đanh đến Ga-li-lê là nơi Chúa Giê-xu đang chữa bệnh.
Trong xã hội văn minh ngày nay những người người bệnh tật, người sắp chết, người tâm thần, người già cả hoặc thương bệnh binh thường được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội nên chúng ta thường không nhìn thấy và cũng không nghĩ đến họ nữa. Khi Chúa Giê-xu thực hiện cuộc thuyết giảng này, tất cả các đối tượng trên đều hiện diện trong đoàn dân đang tụ tập xung quanh bờ biển Ga-li-lê.
Nếu bạn đã từng tham dự các chương trình đào tạo hoặc các hội thảo chuyên đề về cách thức để trở thành một nhà quản trị hiệu quả, bạn sẽ được dạy rằng để trở thành một nhà quản trị giỏi bạn phải học cách thống kê,tổ chức, phân quyền, giám sát, kế đến là cách chịu đựng áp lực và đương đầu với thách thức.
Chúa Giê-xu đã không chọn cách chữa lành cho tất cả những con người đó. Ngài kêu một số môn đồ đi cùng Ngài lên một nơi cao gần đỉnh của những ngọn đồi nhô lên dần từ phía bờ biển Ga-li-lê (Mac 3:13). Tại đó, đám đông chia làm 2 nhóm; tại chân núi là những con người đang mang nặng các vấn đề trên. Ở nơi cao hơn cùng với Chúa Giê-xu là những người muốn dự phần cùng với Ngài để giải quyết tất cả những nan đề ở dưới chân núi.
Chúa Giê-xu nhận ra rằng bởi vì Ngài đã chấp nhận mang lấy những giới hạn của một con người và vì khoảng thời gian ngắn ngủi Ngài có ở trên đất nên Ngài không bao giờ có thể tự mình giải quyết hết được tất cả những nan đề đó. Chính vì thế Ngài đã “phân tích” dù rằng chúng ta đã biết chương trình của Ngài ngay từ buổi ban đầu là dùng những con người yếu đuối để dự phần trong Kế Hoạch Vĩ Đại của Ngài. Và rồi Ngài đã tổ chức cuộc tĩnh tâm Cơ đốc đầu tiên này. Sách Mác thuật lại rằng Chúa Giê-xu đã mời những người tham dự cuộc giảng thuyết này một cách cá nhân “để ở cùng Ngài và sai đi giảng đạo.” (Mac 3:13,14).
Trong cách thức tổ chức cuộc tĩnh tâm này, Chúa Giê-xu muốn đưa ra lời thách thức với họ: “Các ngươi là người đang gánh nặng bởi cách nan đề hay là người dự phần giải quyết các nan đề?” Kế hoạch của Chúa Giê-xu là bày tỏ cho những người tham dự cuộc tĩnh tâm này thấy được cách họ có thể dự phần giải quyết tất cả những nan đề đang hiển hiện trong những con người tụ tập dưới chân núi.
Giăng chỉ ký thuật sơ quát về bối cảnh của bài giảng này. Ông viết rằng khi đám đông đến cùng Chúa Giê-xu để được chữa lành, Ngài đang ngồi trên một ngọn đồi cùng với các môn đồ mình (Gi 6:1-3).Sách Tin Lành Giăng được viết nhiều thập kỷ sau Tin Lành Ma-thi-ơ và Mác. Có thể ông cũng biết về những điều Ma-thi-ơ đã viết, nhưng ông ưu tiên nhấn mạnh đến các vấn đề khác nên đã không nói chi tiết về bối cảnh của bài giảng này.Ma-thi-ơ là người đã thuật lại chi tiết nhất bối cảnh cũng như nội dung của Bài giảng trên núi.
Một học giả đã tóm lược bối cảnh của bài giảng vĩ đại này bằng cách cho chúng ta biết rằng Chúa Giê-xu đang trình bày ba lẽ thật sâu nhiệm khi Ngài tạo ra khung cảnh cho bài giảng của mình. Khi Chúa Giê-xu kêu gọi các môn đồ ra khỏi đám đông để dự phần vào trong giải pháp của Ngài, chúng ta thấy được sự khủng hoảng liên quan đến việc trở thành một Cơ Đốc Nhân. Tám phước lành là một bài giảng mô tả đặc điểm của việc trở thành Cơ Đốc Nhân. Bốn câu chuyện ẩn dụ tiếp theo sau các phước lành và tất cả phần còn lại của bài giảng trong đoạn 5, 6, 7 trình bày về thách thức mà Cơ Đốc nhân phải đối diện khi đặc tính Cơ Đốc tác động đến văn hoá của dân ngoại.
Với lời giới thiệu ngắn gọn này, nguyện xin Đức Chúa Trời giúp đỡ tất cả chúng ta hiểu Lời Của Đức Chúa Trời và Lời Ngài đi sâu vào trong chúng ta. Tôi mời gọi bạn học về Bài giảng trên núi bởi vì tôi tin chắc đời sống của bạn sẽ được thay đổi qua bài giảng này cũng như những người đã được nghe thời bấy giờ và rồi chính họ đã đem đến sự thay đổi hoàn toàn thế giới của mình.
Leave a Comment