BÀI 16: NGÀY ĐỨC CHÚA TRỜI TRẢ LỜI A-MEN!

BÀI 16: NGÀY ĐỨC CHÚA TRỜI TRẢ LỜI A-MEN!
Ngày Đức Chúa Trời Trả Lời

Mời quý vị hãy cùng tham gia một cuộc hành trình với tôi. Chúng ta sẽ có cơ hội nhìn thấy những điều mà chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy trước đây. Chúng ta sẽ nghe những cuộc đàm thoại mà quý vị chưa bao giờ nghe trước đây. Hơn thế nữa,đây sẽ là một kinh nghiệm biến đổi cuộc đời đối với quý vị nữa. Nhưng quý vị cần phải có sự tưởng tượng tốt. Tôi biết rằng đối với một số người thì điều này rất khó. Nhưng ai trong chúng ta thuộc típ người nghệ sĩ, thì điều này rất dễ dàng. Nhưng quý vị  nào thuộc típ người làm việc tay chân thì điều này sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, xin hãy cố gắng tưởng tượng, cố gắng hình dung những quang cảnh như được mô tả cho quý vị.

Chúng ta cũng cần phương diện di chuyển tốc hành, cho nên tôi đã sắp xếp chuyến “xe thời gian” cho cuộc hành trình này. Chúng ta sẽ cùng du hành chung với nhau.Quý vị ngồi bên cạnh tôi. Chúng ta sẽ vượt thời gian và không gian để đến đó.
Chúng ta đã đến nơi. Bây giờ chúng ta đang ở tại xứ Palestine. Thời gian là thế kỷ thứ nhất, vào năm 30 S.C. Địa điểm là thành phố Giê-ru-sa-lem. Quý vị có một cửa hàng ngay trên con đường chính tại trung tâm thành phố Giê-ru-sa-lem. Nếu là Sài Gòn, thì giống như đường Trần Hưng Đạo vậy. Một con đường từ trung tâm thành phố chạy dài ra đến ngọai ô. Nhưng ở đây là đại lộ Bethphage, một loại đường uốn lượn, ngoằn nghoèo chạy từ trên núi Ô-li-ve xuống đến đền thờ. Đại lộ rất bận rộn. Quý vị đang có một cửa hàng trên con đường như thế. Điều này có nghĩa là cửa hàng của quý vị có rất nhiều người qua lại ghé viếng. Được nhiều người ghé có nghĩa là việc buôn bán của quý vị rất tốt. Buôn bán tốt có nghĩa là thu nhập rất nhiều tiền. Điều đó rất quan trọng đối với quý vị. Và có rất nhiều câu chuyện đàm thoại đến với tất cả những điều đó. Thời điểm lúc đó là Lễ Vượt Qua. Những ngày lễ lớn trong thành phố. Rất đông người, việc buôn bán rất bận rộn.
Quý vị làm chủ cửa hàng này lâu rồi. Thật ra thì nó là cửa hàng do gia đình quý vị làm chủ suốt tám chín mươi năm qua rồi. Nhưng quý vị nhận lãnh cửa hàng trên đại lộ Bethphage này chỉ mới khoảng mười hai năm qua thôi. Thật sự khi quý vị nhận cửa hàng này thì nó đang xuống cấp trầm trọng. Quý vị muốn sửa sang lại,nên đã cố gắng tìm tiệm mộc tốt để làm công tác này. Trở ngại là công ty mộc có uy tính lại ở cách Giê-ru-sa-lem khác xa, ở tận khu đồi núi Na-xa-rét, trong tỉnh Ga-li-lê, một công ty do người cha thiết lập và các con cùng làm việc chung. Qua bạn bè quý vị biết đến công ty mộc này. Ngay cả có người còn nói đến việc Người con cả của chủ tiệm không phải là con ruột của ông ta nữa, nhưng là đứa con riêng của vợ ông khi hai người chưa thành hôn với nhau. Quý vị cũng nghe được rằng Người ấy chào đời cách Giê-ru-sa-lem không xa, ngay tại Bết-lê-hem đây thôi. Quý vị không muốn biết chi tiết của những vấn đề này, nên quý vị không đi sâu vào những việc như thế. Bởi vì nó sẽ dẫn đến những câu chuyện về đạo đức, và chuyện đạo đức dĩ nhiên sẽ liên quan đến tôn giáo. Quý vị muốn tránh xa những điều như thế. Bởi nó không tốt cho việc làm ăn buôn bán.Cho nên quý vị bỏ qua những điều như thế.
Lúc bây giờ, ngay bên ngoài đám đông bắt đầu tụ họp lại. Đây là một cuộc tụ tập bất thường. Họ không di chuyển hay mĩm cười giống như người đang nghỉ lễ bình thường trong tuần lễ lớn này. Nhưng đám đông này cứ ở tại đó, trông có vẽ như bắt đầu một cuộc biểu tình hay tuần hành vậy. Thật sự thì nó là một cuộc diễn hành. Có cả con nít và người lớn, cha mẹ nắm tay con cái, mọi người đều cầm cánh chà là trên tay, đang vẫy trong không khí và trải nó ra trên đường phố.
Quý vị ngưng công việc lại, và bước ra bên ngoài để xem chuyện gì đang xảy ra. Quý vị mở cửa và bước ra bên ngoài. “Hô-sa-na, hô-sa-na. Hậu tự vua Đa-vít! Phước cho Đấng nhơn danh Chúa mà đến.” Người đứng ngay bên cạnh quý vị hòa với đám đông hô to như thế. Hắn ta là phần tử trong nhà hội Beth Shalom của quý vị. Hắn là hội viên thuộc nhà hội ấy nhiều năm qua rồi. Hắn đang nói gì thế? Quý vị cứ tưởng là có thể một sĩ quan La-mã đang đi trên xe ngựa diễn hành qua chứ. Họ thường làm như thế, biểu dương uy thế cho dân chúng thấy. Những con ngựa trắng kéo chiếc xe lộng lẫy phía sau, một hình thức thu hút sự chú ý của dân chúng,nhắc nhớ sự kiện rằng họ là những người cai trị ở đây.
Nhưng quý vị không thấy một xe ngựa ở cuối con đường. Cũng không phải là một sĩ quan La-mã. Ngay cả cũng không phải là một quan chức Do-thái. Thường thì quý vị hay nhìn thấy vài người Pha-ri-si vừa đi vừa cầu nguyện lớn tiếng, với áo choàng và tua khua vang với nhau, một hình thức phô bày sự thiêng liêng của họ. Nhưng họ không hề khiến dân chúng hô to lên như thế. Nhưng đây là một loại quang cảnh lễ lộc, trẻ con cầm tay nhau đang nhảy múa chung quanh. Và những người lớn thì hô lớn câu: “Hô-sa-na, hô-sa-na. Hậu tự vua Đa-vít!”
Và quý vị cố nhìn xem, thì thấy từ đàng kia một con lừa, một loại động vật ngu ngơ, đang chở một người cỡi trên lưng, bước đi xuyên trên những cành chà là rải trên đường phố. Một hình thức gây sửng sốt nhiều người. Trông thật buồn cười,và rồi khi con lừa chở người ấy đến gần hơn, quý vị nhìn thấy được mặt người đang cởi lừa. Trông rất giống cậu thanh niên từng đến sửa chữa cửa hàng của quý vị trước đây. Quý vị hỏi một người quen biết lâu năm đang đứng gần đó: “Người ấy là ai vậy?” “Ồ, đó là một người từ Na-xa-rét. Đó là một vị tiên tri đến từ thị trấn Na-xa-rét. Trước đây từng là một người thợ mộc đấy!” Quý vị tự hỏi:“Có thể nào là cậu bé đó chăng?”
Khi người ấy đi ngang qua trước mặt, quý vị thấy cánh tay mềm mại của người ấy đang hướng về quý vị vẫy. Quý vị là một thương gia tốt, cho nên quý vị vẫy lại. Quý vị mĩm cười lại. Nhưng đôi mắt của người ấy có cái nhìn độc đáo! Quý vị chưa hề nhìn thấy cái nhìn như thế từ khi nhân viên thuế vụ đến thăm cửa hàng của quý vị cách đây hai tuần. Người này nhìn thẳng vào tấm lòng quý vị, thẳng vào bên trong linh hồn của quý vị. Nhưng đôi mắt này khác. Đôi mắt chứa đầy sự thông cảm và chấp nhận. Hầu như Ngài gật đầu nói với quý vị rằng: “Ta hiểu con. Ta biết con.” Người thợ mộc cũ từ Na-xa-rét đang ngồi trên lưng một con lừa và vẫy tay với quý vị.
Con lừa đi qua, đám đông từ từ tản hàng ở phía sau, như những lần diễn hành mà quý vị từng tham dự. Không lâu sau đó, đám đông tản vào các đường phố dẫn vào trung tâm thành phố. Quý vị đứng nhìn theo khá lâu sau đó, đến khi đám đông đã tan hết.
Và quý vị chú ý thấy nhóm nhỏ từng đi theo Ngài trong suốt thời gian qua đang bước lên các bậc thang vào đền thờ ở cuối đường. Quý vị tự hỏi không biết Ngài vào đó để làm gì? Sau này quý vị nghe được rằng Ngài đã đuổi người ta ra khỏi đền thờ. Một việc hết sức lạ lùng. Ngài trông không phải là người làm như thế. Ngài trông lực lưỡng, nhưng mềm mại; rắn chắc, nhưng lịch sự.
Tình hình trở nên xáo trộn trong thành phố của quý vị. Luôn có sự xung đột giữa người La-mã và người Do-thái, giữa quan tổng trấn được gửi đến để giữ trật tự đám đông trong ngày Lễ Vượt Qua. Quý vị không bao giờ thích tổng trấn Phi-lát.Quý vị tự hỏi không biết những điều này có liên quan gì đến chuyện đó không.Nhưng quý vị cũng tránh không dính dáng đến chính trị. Không tốt cho việc buôn bán.
Quý vị bước trở vào bên trong cửa hàng của mình, và những ngày sau quý vị như thấy quặn thắt trong lòng, bởi vì quý vị không thể cất khỏi khuôn mặt của vị tiên tri từ Na-xa-rét ấy ra khỏi tâm trí mình.
Đêm xuống. Vài ngày trôi qua. Cũng không có gì xảy ra. Đám đông tiếp tục ghé vào cửa hàng của quý vị, chẳng những có những khuôn mặt mới, mà quý vị còn gặp lại những người hành hương từ các nơi trong nước trở về hàng năm nữa. Họ tiếp tục nói về người Na-xa-rét này, trông dường như Người sẽ chiếm lấy thành phố bằng sức mạnh vậy. Thật ra thì một trong những công nhân của quý vị có lần hỏi quý vị: “Ông có nghe người ấy giảng lần nào chưa? Tôi biết thầy ra-bi ở nhà hội của ông giảng rất hay, nhưng Người này, không hề to tiếng khi giảng, nhưng người nghe nuốt lấy từng lời của Ông ta. Người ấy đâm thấu như lưỡi gươm bén chém vào bùn vậy. Ông ta đi thẳng vào từng khía cạnh của tôn giáo, và xử lý những vấn đề quan trọng. Ngay cả Ông ta nói rõ những gì đang ở trong lòng ông chủ nữa đấy!”Và quý vị nhớ lại cái nhìn ấy. Quý vị ước gì mình sẽ nghe được Người ấy giảng.Quý vị ước gì Người ấy phán dạy gần đây.
Một ngày nữa trôi qua. Quý vị đến cửa hàng vào khoảng giữa sáng, và công nhân của quý vị đã có mặt, làm việc tốt. Quý vị nhìn sang cửa hiệu bên cạnh và gần như muốn lầm bầm khi nhìn thấy Đi-ô-trép, một người Hy Lạp là chủ cửa hàng lều trại bên cạnh. Hắn ta là người rất tự phụ. Hắn rất hảnh diện vì đã học nghề này tại tận Tạt-sơ, và là một người rất sáng chói, luôn nói về việc hắn được huấn luyện tốt về thương nghiệp này. Nhưng đây là cửa hàng chính của hắn tại Giê-ru-sa-lem. Hắn bước vào cửa hàng của quý vị với dáng điệu nghênh ngang và bảo: “Họ đã bắt Ngài rồi. Họ đã bắt được Người Ga-li-lê ấy. Một trong các đệ tử của Người đã nộp Người cho chính quyền.” “Người thợ mộc đó phải không?” “Vâng,đúng vậy. Họ đã bắt Người. Tôi đã biết là chuyện này sẽ xảy ra mà. Anh có biết ai đã phản Người không? Một người Giu-đa. Tôi đã biết mà. Những người Ga-li-lê quả rất đần độn. Hầu hết bọn họ là người Ga-li-lê. Nhưng chính tên người Giu-đa ấy đã phản Người. Hắn là con của Si-môn, tên là Giu-đa. Thật sự thì họ đã làm những điều thật kỳ lạ. Trong khi các ông cầu nguyện trong nhà hội, thì Người này ra bên ngoài cầu nguyện trong một khu vườn u tối tại Ghết-sê-ma-nê. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra tại đó cả. Một đám lính đến, với đèn đuốc sáng rực.Họ mang theo gươm giáo. Có người đã bị người khác chém đứt lổ tai. Quả là một quang cảnh kỳ lạ. Họ đã bắt được người.”
“Tôi thường nghĩ là Na-tha-na-ên sẽ là người phản Ngài. Anh còn nhớ Na-tha-na-ên không?” “Vâng, có. Tôi có gặp Na-tha-na-ên. Tôi có bán đồ cho hắn ta trước đây.” Quý vị chắc còn nhớ câu chuyện đàm thoại giữa Na-tha-na-ên và Phi-líp.Khi Phi-líp hỏi: “Ngươi sẽ không theo Ngài với chúng tôi sao?” Na-tha-na-ên đáp: “Há có gì tốt ra từ Na-xa-rét sao?” “Tôi nghĩ người có khả năng phản Ngài chính là Na-tha-na-ên. Nhưng không ngờ lại là Giu-đa. Thực ra thì hắn là người giữ túi bạc của đoàn.” 
Tôi tự hỏi không biết Ngài đang làm gì hiện giờ? Quý vị không thể hiểu được câu chuyện. Quý vị hỏi: “Họ đang làm gì với Ngài? Ngài đang ở đâu? Họ đang cầm giữ Ngài ở đâu?” “Theo nguồn tin tôi biết được thì Ngài đang bị xét xử trước tòa án. Thật sự thì Ngài đã bị xét xử suốt đêm qua, hết phiên tòa này đến phiên tòa khác. Điều đó không hợp pháp, nhưng họ đã làm như thế, bởi vì họ đang gấp rút muốn đóng đinh Ngài trên thập tự giá.” Bị đóng đinh.
Đúng rồi, bất ngờ trong trí quý vị thoáng hiện hình ảnh khi quý vị vừa 17 tuổi, lần cuối cùng quý vị ở một chỗ gọi là “đồi sọ.” Và quý vị nhìn một vài người đang bị treo trên cây gỗ của người La-mã cho đến khi tắt thở, và quý vị nghĩ: “Mình sẽ không bao giờ nhìn cảnh này lần nữa.” Nó kinh khủng hơn bất cứ câu chuyện kinh dị nào quý vị từng nghe qua. Quý vị không thể hình dung ra được.
Đến khoảng giờ ăn trưa, cho nên quý vị treo bảng nghỉ ăn trưa bên ngoài, và khóa cửa hiệu lại. Quý vị cho người làm nghĩ buổi chiều hôm ấy. Và quý vị bắt đầu đi theo đám đông lúc bấy giờ đang di chuyển như dòng sông đang chảy bên ngoài tường thành. Quý vị nhớ chỗ đó là đâu rồi. Có những cái tên báng bổ, tục tĩu do đám người hỗn tạp đặt cho chỗ ấy. Quý vị đi theo đám đông đến đó, nhưng vẫn giữ ở một khoảng cách xa xa, bởi vì đó là một chỗ không nên tới.
Quý vị nghe một người đang bị đóng đinh trên cây thập tự bên cạnh lớn tiếng rủa sả Đức Chúa Trời của quý vị, đó là một sự xúc phạm. Quý vị cũng nhìn thấy một người khác bị đóng đinh bên phía bên kia, nhưng anh ta nói rất ít. Dường như anh ta sắp chết vật. Nhưng kìa, cây thập tự ngay chính giữa, chính là Ngài rồi!Bây giờ thì quý vị không thể nhìn thấy đôi mắt Ngài được nữa. Mặt Ngài xưng vù lên. Có những chỗ phồng da lên. Quý vị đi quanh ra phía sau và nhìn lên lưng Ngài, nó trông như những mảnh thịt bầy nhầy, máu đang rỉ ra, giống như mũ trong cây gỗ rịn ra vậy. Kết quả của cuộc tra tấn, hỏi cung của cảnh sát. Quý vị cũng nhìn thấy cái mão bằng gai nhọn trên đầu Ngài! Người nào đó đã ấn chiếc mão gai ấy lên đầu Ngài, khiến gai đâm cả vào mắt Ngài nữa.
Và quý vị nghe Ngài kêu thét: “Ê-li, ê-li, lam-ma sa-bách-ta-ni?” Người đứng bên cạnh quý vị tưởng là Ngài kêu tiên tri Ê-li, nhưng quý vị đã buôn bán trong khu trung tâm thành phố lâu đủ để hiểu thêm một số ngoại ngữ. Quý vị biết tiếng A-ram. Nên quý vị đáp: “Đó không phải là kêu Ê-li. Không phải Ngài kêu tiên tri Ê-li đâu. Đó là những lời trong bài cầu nguyện, như là “Đức Chúa Trời tôi ơi,Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?’ Đại khái như thế.” Tại sao Ngài nói như thế? Ngài thật sự đang bị vỡ mộng. Quý vị nhớ lại ngày Sa-bát vừa rồi, khi thầy ra-bi nói về việc cẩn thận trước việc có đủ hạng người sẽ đến tự xưng là Đấng Messiah, hành động như là Đấng Messiah. Và thầy ra-bi cũng đã dùng cuộn sách tiên tri Ê-sai để mô tả về Ngài sẽ như thế nào, và thầy hình dung Đấng Messiah sẽ là người lật đổ chính quyền La-mã, cất cái ách thống trị của La-mã đi! Người này không hề làm việc đó, cho nên có thể nào Ngài là Đấng Messiah?
Có người nào đó bên cạnh hỏi nhỏ quý vị: “Ông có nghe về việc tự tử tối đêm qua không?” “Không.” “Giu-đa đã tự treo cổ tự tử rồi.”
Thế này là thế nào? Chuyện gì đang xảy ra vậy? Có lúc cuộc sống trong thành phố này thật hết sức đơn giản. Quý vị bán hàng của mình, quý vị buôn bán cách thành thật, bên ngoại việc xử lý với anh chàng Đi-ô-trép khoe khoang bên cạnh, thì ngoài ra mọi sự đều rất đơn giản. Và bây giờ quý vị có một người đơn giản ngồi trên lưng một con lừa, và chính những người mấy hôm trước tung hô: “Hô-sa-na,hô-sa-na, Con vua Đa-vít,” thì bây giờ cũng chính những người ấy thét: “Đóng đinh hắn trên cây thập tự! Đóng đinh hắn trên cây thập tự!” Và rồi kẻ phản bội Ngài, nộp Ngài cho chính quyền, bây giờ lại đã treo cổ tự tử. 
Dòng tư tưởng của quý vị bị gián đoạn bởi tiếng kêu: “Ta khát!” Một trong những tên lính đang chơi trò đỏ đen với chiếc áo của Ngài, chạy lấy cây giáo của hắn ghim vào miếng bông và nhún vào giấm đưa lên mặt Ngài, đụng vào má Ngài. Chúa Giê-xu quay mặt sang đấy. Tim quý vị quặn thắt với Ngài. Và rồi Ngài quay lại phun ra bụm máu đã đọng trong miệng Ngài, và quý vị nghe Ngài phán: “Mọi sự đã được trọn!” Điều gì đã được trọn?
Quý vị nhìn sang bên trái và thấy khoảng bốn người đang đứng đó, quý vị thấy mẹ Ngài ôm mặt đứng nhì, bên cạnh bà là một môn đồ thân tín của Ngài tên là Giăng.Quý vị nghĩ: “Thật đáng thương cho người mẹ đã sinh ra Ngài và bây giờ lại chứng kiến Con mình chết ở lứa tuổi còn quá trẻ ấy. Ngài chắc chỉ khoảng 35, 40 tuổi là cùng.” Nhưng bà đang đứng đó trong sự đau khổ.
Quý vị suy nghĩ về câu nói “Mọi sự đã được trọn.” Quý vị không hiểu được tại sao Ngài lại nói như thế. Tại sao Ngài không nói “Ta chết” như mọi người khác? Thật sự thì quý vị đã từng nghe câu này khi một người thợ mộc hoàn tất việc sửa chữa cửa hàng cho quý vị mười mấy năm trước đây, cũng đã nói như thế. Có thể đó là ngôn ngữ của giới thợ mộc chăng? Nó giống như việc quý vị xem lại từng chi tiết trong chương trình hoạt động, từ điều đầu cho đến điều cuối đều đã được thực hiệt tốt, tất cả đã hoàn tất. Đã xong. Và quý vị nhận tiền công, để tiếp tục công tác kế. Hầu như Ngài nói rằng: “Sứ mạng đã hoàn tất.” Sứ mạng gì thế?
Trời hôm đó thật tối tăm một cách thật bất thường. Lúc đó chỉ mới khoảng 3 giờ chiều thôi, nhưng lại tối như đã 8, 9 giờ đêm vậy. “Hỡi Cha, con giao linh hồn lại trong tay Cha.” Nghe như Ngài thét lên vì máu trào ra chận cổ họng Ngài làm nghẹt thở, và Ngài giật mạnh lên. Quý vị không thể chịu đựng được âm thanh ấy.Thật là kinh khủng!
Và tiếp theo quý vị nghe tiếng sứ đồ Giăng cầu nguyện những lời mà quý vị chưa bao giờ nghe trước đây. Hoàn toàn không giống như bài cầu nguyện mà quý vị đã được các thầy ra-bi trong nhà hội dạy từ lúc còn nhỏ. Lời cầu nguyện của Giăng đại loại như sau: “Vâng, Cha của con ơi, xin hãy tiếp Ngài trở về nhà. Đem vị Hoàng tử trở về với nhà Vua. Đem Đức Chúa Con trở về với Đức Chúa Cha, Đem khách hành hương trở về nhà. Ngài đáng được nghỉ ngơi. Hàng muôn thiên sứ hãy đến! Hãy đến đem Người bị thương tích này vào cánh tay yêu thương của Cha Ngài. Từ biệt, hài nhi trong máng cỏ. Phước cho Ngài, vị đại sứ thánh khiết. Hãy yên tịnh, vị chiến sĩ ngọt ngào. Cuộc chiến đã xong. A-men!”
Quý vị chưa hề bao giờ nghe những điều như thế. Giăng biết Đức Chúa Trời một cách mà quý vị chưa bao giờ từng trải. Ông nói chuyện với Ngài như với một người bạn. Có phải điều đó phát xuất từ việc đi theo Con người này trên thập tự giá không? Quý vị bảo, “Tôi tin.” Nhưng làm thế nào tôi có thể giải thích cho thầy ra-bi của tôi, bạn bè của tôi hiểu được đây? Ngài là hậu tự vua Đa-vít! Ngài là Vua! Ngài là Đấng messiah! Tôi tin như thế. Ôi, ước gì tôi có thể nói chuyện với Ngài và biết Ngài nhiều hơn! Bây giờ thì Ngài đã chết!
Trước sự kinh ngạc của quý vị, đang khi quý vị lạc mất trong sự suy nghĩ, thì nền đất bắt đầu rúng động. Động đất thường ít xảy ra chung quanh đây. Ban đầu quý vị nghĩ là đại quân của La-mã đang kéo ngang chuẩn bị cho chiến trận, nhưng không phải thế. Nó là một cơn động đất giữa sự tối tăm. Quý vị nhìn ra xa và thấy những tảng đá rúng động và rơi xuống. Có người nói từ phía sau lưng quý vị rằng:“Xem kìa. Các tảng đá chắn mộ đang lăn ra. Cửa một mở ra kìa. Hình như các xác chết đang đi ra khỏi mộ!”
Sau này quý vị nghe được rằng bức màn nặng nề trong đền thờ dưới phố, từng phân chia nơi thánh và nơi chí thánh, chưa bao giờ được vén lên, thì bây giờ đã bị xé toạc từ trên xuống dưới, và họ không thể vá lại được. Đó là tất cả những gì đã xảy ra ki Ngài chết.
Nhưng điều thật sự khiến quý vị chú ý là câu nói của tên lính gan lì, người đã từng đóng đinh biết bao tội nhân, đến độ không còn nhớ được đây là người thứ mấy.Nhưng hắn đã dừng lại và nhìn những tảng đá rúng động, thấy các ngôi mộ mở ra,và nhìn vào khuôn mặt sưng vù của người thợ mộc, bảo rằng: “Người này quả thật là Con của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã giết người vô tội.” Quý vị không bao giờ quên được những lời ấy khỏi tâm trí mình.
Quý vị trở về nhà đêm đó, ngã dài trên chiếc giường quen thuộc, nhưng mắt cứ mở trừng nhìn lên trấn nhà suy nghĩ, không thể nào chợp mắt được.
Có một điều xảy ra trong đêm đó, nhưng quý vị không biết. Có một nhóm người Pha-ri-si, vài trưởng lão, vài thầy ra-bi, đến gõ cửa nhà quan tổng trấn Phi-lát bảo: “Thưa Ngài, chúng tôi nhớ lại rằng khi kẻ lừa dối này còn sống đã có lần bảo: ‘Sau ba ngày Ta sẽ sống lại.’ Vì vậy, xin quan tổng trấn ra lệnh cho lính canh gác mộ của hắn trong ba ngày. Hầu tránh việc môn đồ hắn đến trộm xác đem đi và rồi loan tin đồn rằng hắn đã sống lại. Lúc ấy sự việc sẽ còn tồi tệ hơn lúc ban đầu nữa.” Phi-lát nhếch miệng cười mỉa mai bảo: “Ta đã không muốn dính dáng gì đến người này cả. Vợ ta cảnh cảnh cáo ta nên tha người và đóng đinh Ba-ra-ba. Nhưng các ngươi nhất quyết đòi đóng đinh Người. Cho nên đó là chuyện của các ngươi. Các ngươi có quân lính riêng. Hãy tự cử lính đi canh gác lấy. Ta không muốn biết gì đến chuyện này nữa cả!” Bọn họ rời dinh tổng trấn và cho người canh gác mộ.
Nhiều giờ trôi qua, ngày Sa-bát đến. Quý vị vẫn còn nhớ câu Ngài bảo: “Mọi sự đã được trọn.”
Sau đó vào những giờ cuối của ngày sa-bát, trước khi binh minh của ngày thứ nhất đến, quý vị bị đánh thức bởi cơn địa chấn. Nền nhà của quý vị bị nứt, tủ bàn ghế trong nhà rung động. Một cơn hậu địa chấn nữa. Và trong cơn điạ chấn này,do vài nguyên do nào đó, bất ngờ quý vị nhớ lại 3 năm, 3 năm rưỡi trước đây,xuất hiện một con người kỳ dị, ăn mặc rất lạ lùng, giảng dạy trong đồng vắng và chuyên làm phép báp-tem. Câu nói nổi tiếng của người ấy là: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.” Nó đến trên tâm trí quý vị,không biết tất cả những điều này có nghĩa gì. Những con chiên. Quý vị đã từng nhìn thấy hàng ngàn con bị giết trên bàn thờ làm của lễ rồi. Huyết của con chiên được dùng làm của lễ chuộc tội, đem lại sự tha thứ. Chợt quý vị hiểu ra:“Đúng rồi! Thì ra là như thế!” Đó chính xác là ý nghĩa của những gì đã xảy ra. Chúa Giê-xu, Chiên con của Đức Chúa Trời, đã chịu chết thay cho tội lỗi của thế gian – của quý vị và tôi. Ngài đã trả giá thay cho tội lỗi của thế gian. Và đã trả tất cả. Giống như Ngài viết một chi phiếu, ký tên, trao cho Đức Chúa Trời,Đức Chúa Trời giữ đó cho đến khi quý vị nghe Ngài sống lại. 
Mọi việc bắt đầu trở nên có ý nghĩa. Được bày tỏ cách rõ ràng. Cơn địa chấn này như là câu trả lời “A-men” của Đức Chúa Trời trước câu nói “Mọi sự đã được trọn.”Nợ tội đã được trả. Sinh tế đã được dâng. Không có bất cứ ai phải chết lần nữa cho tội lỗi của mình cả. Chiên Con đã bị giết. Và bây giờ Ngài đã được làm cho sống lại. Đức Chúa Trời đang nói “a-men!”
Trước sự kinh ngạc của quý vị, đang khi tuổi già đến trên quý vị, trước khi thế kỷ thứ nhất qua đi, quý vị nghe những lời từ bạn bè mình nói về một “Giao ước mới.” Thật ra, thì một trong các trước Phúc Âm là môn đồ của Chúa Giê-xu, một nhân viên thuế vụ trước đây, tên Ma-thi-ơ. Và khi quý vị nhìn thấy công việc của Ma-thi-ơ trong những năm sau này, quý vị gật đầu trong sự hiểu biết, bởi vì quý vị đã từng ở đó.
“Sau ngày Sa-bát, ngày thứ nhứt trong tuần lễ, lúc tưng tưng sáng, có Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác đến thăm mộ.
Và nầy, đất rúng động dữ dội, . . . “ (Mat 28:1-2)
Quý vị từng ở đó. Quý vị sẽ không bao giờ quên nó. Nó quăng xuống từ giường xuống đất, nhưng lúc đó quý vị không hề biết điều gì đang xảy ra.
“.. . vì có thiên sứ của Chúa ở trên trời xuống, đến lăn hòn đá ra mà ngồi ở trên.
Hình dong của thiên sứ giống như chớp nháng, và áo trắng như tuyết.
Vì đó, những lính canh sợ hãi run rẩy, trở nên như người chết.”(28:3-4)
Họ chết đứng, không cử động. “Và thiên sứ nói cùng các người đàn bà rằng: ‘Ngài không ở đây đâu.’”
“.. . Các ngươi đừng sợ chi cả; vì ta biết các ngươi tìm Đức Chúa Jêsus, là Đấng bị đóng đinh trên thập tự giá.
Ngài không ở đây đâu; Ngài sống lại rồi, . . .” (28:5-6)
“Ngài đã sống lại. Ngài đang sống.” 
Như chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình cách bất ngờ, bây giờ chúng ta cũng kết thúc nó như thế. Tôi tin rằng vẫn sẽ có vài người chủ cửa hiệu sẽ quay trở lại với công việc trong tinh thần ‘công việc bình thường’ như mọi ngày. Vẫn có hàng hóa để bán. Vẫn có những bản nhạc cần được sáng tác. Vẫn có bài giảng cần chuẩn bị. Vẫn có con nhỏ cần chăm sóc. Vẫn có những hoạt động cần thực hiện. Tôi sẽ đặt nó vào chỗ trung lập và để nó lắng động vào chỗ của mình. Dù sao thì tôn giáo và thương mại không thể hòa hợp với nhau được. Quý vị đã học được điều đó ở trường. Nhưng tôi cần phải cảnh cáo quý vị rằng, giữ trung lập tức là từ chối lẽ thật, là điều ở trong lời được hà hơi của Đức Chúa Trời.
Ông Max Lucado, trong tác phẩm tuyệt vời tựa đề “Không Lạ Gì Khi Họ Gọi Ngài Là Chúa Cứu Thế”, đã viết những lời sau.
“Việc Chúa Giê-xu bị đóng đinh không thể phớt lờ được. Mọi người phải có một sự chọn lựa. Quý vị không thể trung lập trong vấn đề này. Đây không phải là thời điểm cho sự hửng hờ. Phía này hay phía kia. Tất cả đều phải lựa chọn. Và khi ấy họ cũng đã lựa chọn.”
“Với mỗi một Cai-phe xảo quyệt, thì đều có một Ni-cô-đam can đảm. Với mỗi một Hê-rốt nghi ngờ, thì đều có một Phi-lát chất vấn. Với mỗi một tên trộm mồm miệng độc ác, thì đều có một tên tìm kiếm lẽ thật. Với mỗi một Giu-đa phản bội thì đều có một Giăng trung thành.”
“Và hôm nay, 2000 năm sau, sự vẫn giống nhau. Quý vị hoặc ở phía này, hay ở phía kia. Đòi hỏi phương cách một sự chọn lựa. Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì mình muốn với thập tự giá và ngôi mộ. Chúng ta có thể phân tích lịch sử, nghiên cứu thần học của nó và phản ảnh trên những lời tiên tri. Nhưng có một điều quý vị không thể làm được, đó là bước ra trong sự trung lập. Không cho phép an nhiên tự tại. Thập tự giá, ngôi mộ, trong sự huy hoàng của nó, không cho phép điều đó. Đức Chúa Trời, trong sự thương xót lạ lùng của Ngài, không cho phép điều đó.”
“Quý vị ở phía nào?”
Trên bước đường theo Chúa có khi nào quý vị cảm thấy thối chí, ngã lòng, muốn bỏ cuộc không? Câu hỏi dường như quá thừa phải không quý vị? Ai lại không từng rơi vào những thời điểm ngã lòng, sa sút trong đức tin chứ? Chúng ta nhìn thấy điều đó ngay trong câu chuyện của hai môn đồ làng Em-ma-út được ký thuật trong Phúc Âm Lu 24:13-35. Một câu chuyện rất quen thuộc đối với con cái Chúa. 
“Cũng trong ngày ấy, có hai môn đồ đi đến làng kia, gọi là Em-ma-út, cách thành Giê-ru-sa-lem sáu mươi ếch-ta-đơ;
họ đàm luận về những sự đã xảy ra.
Đang khi nói và cãi lẽ nhau, chính Đức Chúa Jêsus đến gần cùng đi đường với họ.
nhưng mắt hai người ấy bị che khuất không nhìn biết Ngài được.
Ngài phán cùng họ rằng: Các ngươi đương đi đường, nói chuyện gì cùng nhau vậy? Họ dừng lại, buồn bực lắm.
Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-ba, trả lời rằng: Có phải chỉ ngươi là khách lạ ở thành Giê-ru-sa-lem, không hay việc đã xảy đến tại đó cách mấy bữa rày sao?
Ngài hỏi rằng: Việc gì vậy? Họ trả lời rằng: Ấy là việc đã xảy ra cho Jêsus Na-xa-rét, một đấng tiên tri, có quyền phép trong việc làm và trong lời nói,trước mặt Đức Chúa Trời và cả chúng dân;
làm sao mà các thầy tế lễ cả cùng các quan đề hình ta đã nộp Ngài để xử tử, và đã đóng đinh trên cây thập tự.
Chúng tôi trông mong Ngài sẽ cứu lấy dân Y-sơ-ra-ên; dầu thể ấy, việc xảy ra đã được ba ngày rồi.
Thật có mấy người đờn bà trong vòng chúng tôi đã làm cho chúng tôi lấy làm lạ lắm:khi mờ sáng, họ đến mồ,
không thấy xác Ngài, thì về báo rằng có thiên sứ hiện đến, nói Ngài đương sống.
Có mấy người trong vòng chúng tôi cũng đi thăm mồ, thấy mọi điều y như lời họ nói;còn Ngài thì không thấy.
Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hỡi những kẻ dại dột, có lòng chậm tin lời các đấng tiên tri nói!
Há chẳng phải Đấng Christ chịu thương khó thể ấy, mới được vào sự vinh hiển mình sao?
Đoạn,Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh.
Khi hai người đi gần đến làng mình định đi, thì Đức Chúa Jêsus dường như muốn đi xa hơn nữa.
Nhưng họ ép Ngài dừng lại, mà thưa rằng: Xin ở lại với chúng tôi; vì trời đã xế chiều hầu tối. Vậy, Ngài vào ở lại cùng họ.
Đương khi Ngài ngồi ăn cùng hai người, thì lấy bánh, chúc tạ, đoạn, bẻ ra cho họ.
Mắt họ bèn mở ra, mà nhìn biết Ngài; song Ngài thoạt biến đi không thấy.
hai người nói cùng nhau rằng: Khi nãy đi đường, Ngài nói cùng chúng ta và cắt nghĩa Kinh Thánh, lòng chúng ta há chẳng nóng nảy sao?
Nội giờ đó, họ liền đứng dậy, trở về thành Giê-ru-sa-lem, gặp mười một sứ đồ cùng các môn đồ khác đương nhóm lại,
nói với họ rằng: Chúa thật đã sống lại, và hiện ra với Si-môn.
Rồi hai người thuật lại sự đã xảy đến khi đi đường, và nhìn biết Ngài lúc bẻ bánh ra là thể nào.”
Một cô giáo Trường Chúa nhật rất yêu mến Chúa qua đời bất ngờ trong một tai nạn, để lại bao nổi thương tiếc và nhớ nhung cho các tín hữu trong Hội Thánh, nhất là các em trong lớp do cô phụ trách. Một em bé gái trong lớp của cô ngày kia nằm chiêm bao và thấy được lên thiên đàng. Dĩ nhiên người đầu tiên em muốn gặp là cô giáo lớp Trường Chúa nhật yêu quý của mình. Sáng hôm sau thức dậy em hứng khởi kể cho mẹ nghe rằng đêm qua em chiêm bao và thấy được lêm thiên đàng. Mẹ em hỏi: “Con có gặp cô giáo lớp Trường Chúa nhật của con không?” Em đáp: “Dạ có mẹ! Cô giáo của con đang ở thiên đàng. Cô rất vui vể và sung sướng. Cô dẫn còn dẫn con đi giới thiệu với các nhân vật trong Kinh Thánh mà cô dạy chúng con ở lớp Trường Chúa nhật nữa.” Mẹ hỏi: “Con đã gặp những ai?” Em kể: “Con gặp ông Áp-ra-ham nè. Con gặp ông Môi-se nè. Con gặp vua Đa-vít nè! Con gặp ông Xa-chê nè! Con gặp nhiều lắm!” Mẹ ngắt ngang hỏi: “Nhưng con có gặp Chúa Giê-xu không?” Em đáp: “Chúa Giê-xu thì khỏi cần cô giáo giới thiệu, gặp Ngài là con biết ngay đó mẹ!” “Làm sao con biết ngay Chúa Giê-xu được?” Em hảnh diện khoe:“Hễ con thấy ai có bàn tay còn mang dấu đinh, thì con biết ngay đó là Chúa Giê-xu của chúng ta!”
Việc chiêm bao có thể không phải là sự thật, nhưng nhận định của em bé gái thì quả không sai với Kinh Thánh. Câu chuyện trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay rất quen thuộc với con cái Chúa, được nhiều người biết đến với tên "Hai môn đồ làng Em-ma-út." Bác sĩ Lu-ca, một sử gia, một con người rất cẩn thận trong việc ghi chép của mình đã bỏ ra một phần rất dài để ghi lại câu chuyện lý thú này. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy Lu-ca chỉ dùng có một đoạn để ghi lại những biến cố sau ngày lễ Phục Sinh cho đến Chúa Giê-xu thăng thiên (đoạn 24), nhưng ông đã dùng phân nửa đoạn 24 để thuật lại câu này hai môn đồ làng Em-ma-út này. Vì câu chuyện chẳng những là bằng cớ của sự phục sinh của Chúa Giê-xu, nhưng còn đem lại một sự khích lệ, một sức sống mới mảnh liệt cho người đọc, như đã đem lại niềm trông cậy và nóng cháy cho hai người môn đồ trong câu chuyện.
Câu chuyện này cũng cho chúng ta thấy cách Chúa Giê-xu chữa trị bệnh chán nản, ngã lòng, thất vọng, bỏ cuộc của môn đồ Ngài. Câu chuyện được mở đầu với một bức tranh thật u ám. Hai con người đã từng hăng hái, nhiệt thành đi theo một lý tưởng; bây giờ thần tượng sụp đổ, họ trở về làng xưa với bao cay đắng, ê chề.Nhưng rồi bác sĩ Lu-ca kết thúc câu chuyện cũng với hai nhân vật đó, nhưng với một tấm lòng nóng cháy phi thường, không hề e ngại trước hoàn cảnh, trước thời gian và không gian không thích hợp, quyết tâm đứng lên làm chứng nhân cho Chúa Phục Sinh. Điều gì đã thay đổi tâm trạng, thay đổi sự suy nghĩ, biến họ từ những con người sống trong thất vọng, ngã lòng trở nên những con người nóng cháy như vậy?
Nguyện xin Chúa dùng bài học này để đem lại sự nóng cháy, sự phục hưng cho những ai trong ở trong tâm trạng giống như hai môn đồ làng Em-ma-út khi xưa. 

I. TÂM TRẠNG CỦA HAI MÔN ĐỒ 

Muốn hiểu được sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời của hai người này, cũng như để 'phương thuốc' của Chúa Giê-xu có hiệu quả cho riêng mỗi chúng ta, tôi mời quý cùng tìm hiểu qua tâm trạng của hai môn đồ này, xem có điều nào giống tâm trạng của quý vị ngày nay không? Có "đồng bệnh tương ứng" không?
Lu 24:13
“Cũng trong ngày ấy, có hai môn đồ đi đến làng kia, gọi là Em-ma-út, . . .”
Chúng ta không biết chính xác hai môn đồ này là ai, vì Lu-ca không nói rõ, nhưng chắc chắn không phải là 11 sứ đồ. Lu-ca chỉ cho biết một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-ba, còn người kia thì không ai biết danh tính. Có người cho rằng người kia chính là bác sĩ Lu-ca, nên ông mới biết rõ chi tiết như vậy trong khi tác giả các Phúc âm khác không hề ghi lại. Tác giả Nguyễn Sinh, trong bài đăng trên báo Chân Trời Mới số tháng Tư, 1998 do Văn Phẩm Nguồn Sống xuất bản, cho rằng hai môn đồ làng Em-ma-út là hai vợ chồng. 
Tôi nghĩ điểm quan trọng trong câu chuyện này là tâm trạng chán nản, ngã lòng của hai người và sự phục hưng trong đời sống họ. Một điều chắc chắn chúng ta biết được thì hai người này là môn đồ của Chúa Giê-xu, chứ không phải người ngoại.Họ đã từng theo Ngài suốt năm tháng qua. Họ từng nghe những lời dạy dỗ đầy quyền năng của Chúa Giê-xu. Họ từng chứng kiến những phép lạ kỳ diệu do Ngài thực hiện. Chắc chắn họ cũng đã từng ăn những miếng bánh và những con cá do Chúa Giê-xu hóa ra. Họ đặt cả cuộc đời, sự trông cậy và niềm hi vọng nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nhưng bây giờ mọi sự đã sụp đổ hoàn toàn trước mặt họ. 
Trong cuộc đời có lẽ nhiều lần họ bị người khác làm cho mình thất vọng, nhưng chắc chắn không đau bằng lần này, vì tất cả niềm tin họ đều đặt hết vào Chúa Giê-xu.Bây giờ chính Ngài cũng làm cho họ thất vọng nữa. Thần tượng đã sụp đổ hoàn toàn. Thử hỏi không đau sao được? Và từ chỗ thất vọng, ngã lòng dẫn họ đến những kết quả không thể tránh cặp theo. 

1. Đi xuống. 

Suốt mấy năm qua họ đã từ bỏ quê hương, bà con, làng xóm, bỏ mọi sự để đáp tiếng gọi theo Chúa Giê-xu. Bây giờ họ từ bỏ các sứ đồ, các anh chị em môn đồ khác để trở về công việc cũ tại nơi mà họ đã bỏ ra đi, với một tâm trạng bất an, đau khổ,trống vắng. Chúa Giê-xu hiện ra cho các người đàn bà, bảo báo cho anh em Ngài rằng Chúa hẹn gặp họ tại Ga-li-lê, nhưng hai người này lại đi về Em-ma-út.Em-ma-út là một làng ở phía bắc, cách Giê-ru-sa-lem 12 cây số. Con đường từ Giê-ru-sa-lem đi đến làng Em-ma-út là con đường xuống dốc, "con đường đi xuống". 
Một người mang tâm trạng chán nản, ngã lòng là một con người bắt đầu của sự đi xuống, nhất là trên phương diện thuộc linh. Tôi chưa hề thấy, và chắc chắn sẽ không bao giờ thấy một người mang sự cay đắng, ngã lòng là một người có đời sống thuộc linh đi lên bao giờ. Nhiều người tưởng là mình đang đi lên khi thay đổi môi trường, thay đổi vị trí, kể cả thay đổi Hội Thánh. Nhưng nếu chưa giải quyết được các rễ đắng trong lòng thì mỗi bước đi, mỗi hành động kế tiếp là từng bước của sự đi xuống. Vấn đề ở đây không phải là từ bên ngoài, từ những người chung quanh, nhưng là từ sự suy nghĩ, từ tâm trạng bên trong của chính mình.

2. Cãi lẽ.

Tâm trạng chán nản, ngã lòng thường đưa đến một hậu quả khác là cãi cọ. Câu 14,
“họ đàm luận về những sự đã xảy ra.
Đang khi nói và cãi lẽ nhau, chính Đức Chúa Jêsus đến gần cùng đi đường với họ.”
Hai môn đồ làng Em-ma-út vừa đi vừa 'đàm luận' (một từ ngữ thật đẹp), nhưng rồi đi đến chỗ 'cãi lẽ' với nhau. Văn Phẩn Nguồn Sống đi xa khi diễn tả hai người này là hai vợ chồng. Khi ngã lòng thì ngay cả vợ chồng cũng hay cãi cọ với nhau nữa. 
Không biết họ cãi như thế nào, nhưng đề tài của sự đàm luận chắc chắn là sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Có lẽ hai người đang phân tích về những sự kiện đã xảy liên quan đến mồ mả trống và sự biến mất của xác Chúa. Có lẽ họ bất đồng ý kiến với nhau về việc Chúa Giê-xu có sống lại hay không? Nói chung, thì họ đang cãi lẽ với nhau về thần học, về niềm tin.
Một khi người ta không còn nóng cháy vì công việc Chúa thì người ta thường cãi lẽ,lý luận về thần học. Tôi từng gặp những người yếu đuối, sa sút trong đời sống thuộc linh, nhưng khi được người khác khuyên lơn, thì họ quay sang lý luận, bàn cãi về tư cách của Mục sư, của chấp sự, của các tín hữu khác trong Hội Thánh dựa theo những gì Kinh Thánh dạy (theo họ nghĩ).
Một khi ở trong tâm trạng chán nản, thất vọng thì người ta có thể cãi cọ, gây gổ với nhau về bất cứ đề tài gì. 

3. Không nhìn biết Chúa

Một hậu quả khác nguy hiểm hơn của tâm trạng chán nản, ngã lòng là bị mù mắt thuộc linh. 
Câu 16
“nhưng mắt hai người ấy bị che khuất không nhìn biết Ngài được.”
Đang khi họ trên đường đi xuống thì chính Chúa Giê-xu hiện ra và đồng hành với họ,nhưng hai người lại không nhận biết chính Chúa của mình. Họ đang thắc mắc, đang "đàm luận" về việc Chúa Giê-xu có thật đã sống lại không, thì chính Chúa Giê-xu đang ở bên cạnh, nhưng họ không hề nhận biết. Câu giải đáp cho nan đề của họ ở ngay bên cạnh, nhưng họ vẫn không nhìn thấy. Kinh Thánh cho biết "mắt hai người ấy bị che khuất." Đây là điều nguy hiểm hơn hết.
Nhiều tín hữu trong cơn thử thách, trong cơn thất vọng đã không còn nhìn thấy Đức Chúa Trời ở đâu cả. Sách các Quan xét đoạn 6 ghi lại câu chuyện thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra kêu gọi Ghê-đê-ôn đứng lên giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi sự hà hiếp của dân Ma-đi-an, nhưng vì ông đang ở trong tâm trạng thất vọng, ngã lòng nên Ghê-đê-ôn chẳng hề thấy Chúa. Ông nói,
“Hỡi Chúa, nếu Đức Giê-hô-va ở cùng chúng tôi, sao các điều này xảy đến cho chúng tôi?” (Cac 6:13). 
Điều an ủi lớn cho chúng ta là đang khi những con cái Chúa ở trong tâm trạng buồn nãn như vậy thì chính Chúa Phục Sinh cũng đang đồng hành với chúng ta. Bài thơ quen thuộc "Dấu Chân Trên Cát" cũng nói lên điều này.Trong thời Cựu ước, có một lần tiên tri Ê-li-sê và người đầy tớ bị vua Sy-ri đem quân vây kín. Người đầy tớ kinh hãi chạy vào báo cáo với tiên tri Ê-li-sê về tình trạng nguy ngập xủa hai thầy trò. Nhưng ông bình thản cho biết "người ở với chúng ta đông hơn người ở với chúng nó" và ông cầu nguyện xin Chúa mở mắt đầy tớ của mình để anh ta cũng thấy được điều đó. Mời quý vị xem trong IIVua 6:15-17,
“Tôi tớ của người Đức Chúa Trời chổi dậy sáng sớm đi ra, thấy một đạo binh cùng ngựa và xe đương vây thành. Người nói với Ê-li-sê rằng: Hỡi ôi! chúa, chúng ta sẽ làm sao?
Ê-li-sê đáp rằng: Chớ sợ, những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó.
Đoạn,Ê-li-sê cầu nguyện mà rằng: Đức Giê-hô-va ôi, xin mở mắt kẻ tôi tớ tôi, để nó thấy được. Đức Giê-hô-va mở mắt người ra, thì người thấy núi đầy những ngựa và xe bằng lửa ở chung quanh Ê-li-sê.”
Nên nhớ rằng Đức Chúa Trời thấy rõ mỗi hoàn cảnh, mỗi tâm trạng của tất cả quý vị.Dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, Chúa Phục Sinh vẫn đang đồng hành với quý vị.

4. Nghi ngờ (chậm tin) lời Chúa

Thật sự thì điều này là nguyên nhân đầu tiên đưa đến sự chán nản thuộc linh. Nhưng đồng thời nó cũng là hậu quả của sự ngã lòng. Chú ý đến lời họ thuật lại cho 'vị khách đồng hành' nghe về Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ thấy sự hiểu không đúng của họ về Ngài. Họ bảo, Lu 24:19
“.. . Ấy là việc đã xảy ra cho Jêsus Na-xa-rét, (chú ý cái nhìn của họ về Chúa Giê-xu), một đấng tiên tri, có quyền phép trong việc làm và trong lời nói, trước mặt Đức Chúa Trời và cả chúng dân;”
Đó là lý do Chúa Giê-xu quở trách họ, câu 25,
“Hỡi những kẻ dại dột, có lòng chậm tin lời các đấng tiên tri nói!”
Theo nguyên văn ý nghĩa thật của câu nói này của Chúa Giê-xu là "có lòng không tin tất cả lời các đấng tiên tri đã nói." Thật sự thì hai người này cũng có tin nơi lời Chúa, nhưng tin 'chút chút'. Hay nói cách khác họ chỉ tin những gì họ muốn tin; hoặc chỉ tin những gì phù hợp với họ mà thôi. Chứ hai người không tin tất cả những gì Kinh Thánh nói. Và tin một phần Kinh Thánh còn nguy hiểm hơn là hoàn toàn không tin. Cho nên Chúa Giê-xu quở trách họ về điều đó.
Một khi người ta không còn có lòng tin trọn vẹn vào Kinh Thánh, là lời của Đức Chúa Trời, thì chắc chắn sự sa sút sẽ xảy đến. Cho nên xin quý vị cẩn thận về điều này!

II. PHƯƠNG CÁCH CHỮA TRỊ CỦA CHÚA GIÊ-XU

Trước tâm trạng đó của hai môn đồ làng Em-ma-út, cũng như của nhiều con cái Chúa ngày nay, Chúa Giê-xu chữa trị cách nào?
1. Củng cố niềm tin về lời Đức Chúa Trời 
Trước hết Chúa cho họ biết chương trình của Đức Chúa Trời về sự chịu khổ của Chúa Cứu Thế. Để làm việc này, Chúa Giê-xu đem họ trở lại với lời của Đức Chúa Trời. 
“Đoạn,Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh.”(Lu 24:27)
Chúa Giê-xu kiên nhẫn bắt đầu từ những bước căn bản nhất. Từ Môi-se, có nghĩa là từ Sáng-thế ký, từng bước Ngài chứng minh cho họ về chương trình của Đức Chúa Trời trên Chúa Cứu Thế.
Tin cậy tuyệt đối nơi lời Đức Chúa Trời là điều cốt yếu để đưa đến các phước hạnh khác. Vì nếu một người không tin cậy lời Đức Chúa Trời thì không thể nào được chữa lành bệnh thuộc linh cả. Đây là điều căn bản nhất cho niềm tin Cơ-đốc giáo.
 Quyển Kinh Thánh mà quý vị đang có trong tay không phải là quyển sách giáo lý của một tôn giáo như các quyển sách giáo lý của các tôn giáo khác. Nhưng đó là lời của Đức Chúa Trời có một quyền năng vô biên. Phao-Lô khẳng định,
“Vì lời Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến nỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.”(He 4:12).
Mục sư Tiến sĩ Billy Graham, một nhà truyên giảng Tin Lành nổi danh nhất của thế kỷ 20, được Đức Chúa Trời bắt đầu sử dụng ngay khi ông quỳ gối cầu nguyện thưa với Đức Chúa Trời rằng ông tin cậy cách triệt để vào lời Đức Chúa Trời và quyền năng của lời ấy. Kể từ giây phút đó ông được sử dụng và ban phước cho đến ngày nay. Tôi cầu xin Chúa cho tất cả quý ông bà anh chị em đều có sự ham thích lời Đức Chúa Trời và sắp xếp tham gia các lớp học Kinh Thánh của Hội Thánh.

2. Nhắc lại kỷ niệm xưa

Điều thứ hai Chúa Giê-xu làm để chữa trị bệnh ngã lòng và củng cố đức tin của hai môn đồ làng Em-ma-út là gợi lại cho họ những hình ảnh thân thương quen thuộc và đầy kỷ niệm. 
“Đương khi Ngài ngồi ăn cùng hai người, thì lấy bánh, chúc tạ, đoạn, bẻ ra cho họ.”
“Lấy bánh, chúc tạ” là nhắc lại kỷ niệm cũ. Có lẽ hai môn đồ này cũng đã từng tham dự những bữa ăn chung với Chúa Giê-xu ttrg những năm Ngài thi hành chức vụ trên đất. Hình ảnh Chúa Giê-xu cầm lấy bánh đưa lên cầu nguyện cảm tạ Đức Chúa Trời trước khi ăn là hình ảnh rất quen thuộc đối với họ. Cho nên khi nhìn thấy hình ảnh này, họ nhận ra ngay sự quen thuộc của nó.
Quý vị  nào có gia đình thì hiểu rõ giá trị của những kỷ niệm cũng mà hai vợ chồng từng có với nhau. Nhiều đôi vợ chồng lắm khi cãi vã, gây gỗ, tưởng chừng như sắp hát bài “đường ai nấy đi” đến nơi, nhưng rồi nhờ việc nhắc lại những kỷ niệm thân thương hai người từng có với nhau trước đây mà hàn gắn lại được. 

3. Bàn tay mang dấu đinh

Chúa Giê-xu bắt đầu tiến trình chữa trị căn bệnh chán nản ngã lòng bằng việc dùng lời Chúa để giảng cho họ. Câu 27,
“Đoạn,Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh.”
Họ chỉ mới nghe lời Chúa. Nhưng mắt họ chỉ mở ra khi thấy – tức qua kinh nghiệm,và áp dụng. Khi Chúa Giê-xu cầm bánh đưa lên cầu nguyện cảm tạ Đức Chúa Trời,sau đó bẻ ra trao cho họ, Kinh Thánh ghi, câu 30,
“Mắt họ bèn mở ra, mà nhìn biết Ngài; . . .”
Tôi cho rằng khi Chúa Giê-xu cầm bánh đưa lên thì hai môn đồ này đã nhìn thấy bàn tay có dấu đinh của Ngài, cho nên mắt họ mới mở ra. Nghe lời Chúa họ được cảm động, nhưng chưa nhìn thấy bàn tay mang dấu đinh thì chưa thật sự ăn năn. Đây cũng là sự thật đối với quý vị và tôi ngày nay.
Bàn tay mang dấu đinh của Chúa Giê-xu có nghĩa gì đối với những người tin Ngài? Quý vị  nào là con cái Chúa chắc chắn đã hiểu rõ rồi. Bàn tay mang dấu đinh của Chúa Giê-xu nhắc nhở chúng ta tình yêu vô lượng vô biên và ân điển lạ lùng của Ngài trên chúng ta. Vì cớ tội lỗi của quý vị và tôi mà Ngài đã gánh lấy những mũi đinh đóng vào tay trên thập tự giá, để trả thay nợ tội của chúng ta. Cho nên hình ảnh bàn tay mang dấu đinh của Chúa Giê-xu nhắc nhở chúng ta tất cả những điều ấy(AIFL-888, TS). Không một Cơ-đốc nhân thật nào không bị xúc động khi nhìn thấy bàn tay mang dấu đinh của Chúa Giê-xu.
Bằng chứng cụ thể và hùng hồn nhất về điều này là trường hợp của sứ đồ Thô-ma. Trước những lời chứng quả quyết rằng Chúa Giê-xu đã sống lại từ cõi chết, Thô-ma nhất định không tin. Ông quyết định rằng phải tận mắt nhìn thấy bàn tay mang dấu đinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu, và tận tay mình đặt vào đấy, thì ông mới chịu tin. Nhưng Kinh Thánh ghi rằng khi Chúa Giê-xu đưa cho ông xem bàn tay có dấu đinh của Ngài, thì Thô-ma không còn muốn “đặt tay vào hông Ngài nữa.” Ông bị thuyết phục ngay, ông đã tin ngay, và đã tuyên xưng đức tin qua câu nói: “Lạy Chúa tôi, va Đức Chúa Trời tôi!”
Truyền thuyết kể lại rằng ngày kia trước cơn bắt bớ kinh khiếp, trước những áp lực và khó khăn của chức vụ, sứ đồ Phi-e-rơ quyết định trốn khỏi thành Giê-ru-sa-lem.Trên đường đi ra ngoại thành, thì ông gặp Chúa Giê-xu đi ngược hướng. Ông liền “can Chúa Giê-xu” lần nữa: “Thầy ơi, hãy quay trở lại, đừng vào trong đó. Thầy không biết rằng họ đang lùng bắt và giết chóc những người tin Ngài sao?” Chúa Giê-xu đáp: “Không. Ta sẽ đi vào bên trong thành Giê-ru-sa-lem, để chịu đóng đinh lần nữa.” Nghe câu ấy, sứ đồ Phi-e-rơ sực tỉnh và chợt hiểu. Ông quay trở vào thành Giê-ru-sa-lem tiếp tục chức vụ, đối diện với sự bắt bớ, cho đến khi bị bắt và bị đóng đinh trên thập tự giá như Chúa Giê-xu.
Như tôi đã nói trong phần mở đầu bài chia sẻ này về câu chuyện giấc mơ của bé gái lớp Trường Chúa nhật. Nhận định của em: “Nhìn thấy ai là người bàn tay có mang dấu đinh, thì con biết ngay đó là Chúa Giê-xu.” Thật vậy, Chúa Giê-xu sống lại với thân thể đã biến hóa, nhưng tôi tin rằng bàn tay mang dấu đinh của Ngài vẫn chưa lành, vì nó là dấu chứng của sự hi sinh, của tình yêu lớn lao mà Đức Chúa Trời dành cho mỗi chúng ta. Bàn tay ấy đã và đang còn rỉ máu vì cớ tội lỗi của quý vị và tôi. Bàn tay mang dấu đinh của Chúa Giê-xu nói lên sự thống khổ mà Ngài đã gánh chịu vì yêu thương chúng ta. Bàn tay ấy đem lại sự an ủi, thêm sức cho chúng ta khi bị chán nản, ngã lòng, sa sút đức tin. Một bài Thánh ca quen thuộc, mang cùng tựa đề Bàn Tay Mang Dấu Đinh chứa đựng những lời như sau:
“Bạn thân mến, đừng ngã lòng khi giông tố nỗi lên. / Bạn nắm ngay bàn tay mang dấu đinh. / Bạn thân mến, đừng thất vọng khi đau đớn chất thêm. / Bạn nắm ngay bàn tay mang dấu đinh.” 
“Bạn thân mến đừng run sợ khi muôn phía tối đen. / Bạn nắm ngay bàn tay mang dấu đinh. / Bạn thân mến đừng nghi ngờ khi thử thách đảo điên. / Bạn nắm ngay bàn tay Chúa chịu đinh.” 
“Bạn thân mến đừng vấp phạm khi xao xuyến đức tin. / Bạn nắm ngay bàn tay mang dấu đinh. / Bạn thân mến đừng yếu mềm khi cám dỗ đến bên. / Bạn nắm ngay bàn tay Chúa chịu đinh.”
Điệp khúc lập lại câu: “Đi trên lối những nẻo đường gió mưa. / Hãy nắm tay bạn đặt trong tay Chúa. / Ngài đưa dắt đời sống bạn vượt mọi cơn nguy khó. / Hãy bước đi cầm tay Chúa đừng lo.”
Một em gái kia luôn mang mặc cảm vì bàn tay nhăn nheo, đầy thẹo vít, trông rất dễ sợ của mẹ mình. Em luôn bị bạn bè cùng lớp trêu ghẹo về điều này. Chúng gọi em là “con của bà tay thẹo!” Cho nên em rất đau khổ và xấu hổ, vì có một người mẹ với đôi bàn tay kinh khiếp như thế. Dù mẹ em rất mực thương yêu em, chăm sóc em kỹ lưỡng, hi sinh, lo lắng mọi thứ cho em, nhưng em vẫn mặc cảm và ngày càng xa lánh mẹ. 
Lần kia, em nói thẳng với mẹ: “Con ghét mẹ. Con ghét mẹ. Tại sao mẹ có đôi bàn tay kinh khủng như thế chứ? Tại sao mẹ không mang bao tay che giấu nó, mà lại còn để cho mọi người thấy như vậy? Con thật xấu hổ và nhục nhã qua đi!” Mẹ bảo em ngồi xuống, và bà kể: “Khi con chỉ mới 6 tháng, thì ngày kia khu nhà của chúng ta bị hỏa hoạn. Lúc đó con đang ngủ, mẹ đi ra bên ngoài có chút việc. Khi lửa bốc lên, mẹ vội chạy vào để cứu con, dù lửa cháy rất dữ dội. Mọi người đều cố gắng giữ mẹ lại, bảo rằng đã quá trễ rồi, lửa cháy dữ quá, nếu trở vào chẳng những không cứu được con, nhưng mẹ cũng sẽ bị chết vì lửa. Nhưng mẹ đã xô mọi người ra, và chạy xuyên qua ngọn lửa vào bên trong để bồng con. Cám ơm Chúa là mẹ đã cứu được con, nhưng đôi tay của mẹ đã bị lửa đốt phỏng, nên kết quả là nó trở nên dễ sợ như con thấy đấy!” 
Nước mắt lăn dài trên má em bé gái ấy. Em ôm đôi bàn tay đầy thẹo vít của mẹ vào lòng khóc nức nở. Bởi đôi bàn tay đó đã chịu hi sinh vì cứu em. Dĩ nhiên, từ đó em chẳng những không xấu hổ, mà còn hảnh diện làm “con của bà tay thẹo!”
Thưa quý vị  thân mến, bàn tay có dấu đinh của Chúa Giê-xu chẳng những có giá trị để cứu tật bệnh thân thể của chúng ta như tiên tri Ê-sai đã nói, nhưng Kinh Thánh cho biết bàn tay ấy có có giá trị cứu linh hồn những ai tiếp nhận Ngài khỏi quyền lực của Sa-tan và tội lỗi nữa. Chẳng những thế, bàn tay có đấu đinh ấy còn có giá trị chữa lành bệnh suy sụp tinh thần, bệnh chán nản, bệnh ngã lòng của quý vị và tôi nữa. Hãy nắm lấy bàn tay mang dấu đinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Hãy đặt tay quý vị vào trong bày tay Ngài.

No comments

Powered by Blogger.