BÀI 13: MỌI SỰ ĐÃ ĐƯỢC TRỌN!

BÀI 13: MỌI SỰ ĐÃ ĐƯỢC TRỌN!
mọi sự đã được trọn


Mục sư Chuck Swindoll kể lại kinh nghiệm cá nhân như sau: “Chấm dứt! Hai chữ ấy chiếm một chỗ đặc biệt trong lòng tôi trong vai trò một Mục sư. Tôi đã nghe hai chữ ấy được nói ra, thường là qua điện thoại, trong rất nhiều trường hợp trong 30 năm chức vụ của tôi. Hầu như không có trường hợp ngoại lệ, giọng của người gọi mang một sự pha lẫn của sự mệt mỏi và giải tỏa. Hầu như trong mỗi trường hợp, nó là một căn bệnh kéo dài, một chứng bệnh truyền nhiễm dây dưa, từng hồi từng lúc gậm nhấm sức khỏe của người được yêu thương. Nhưng bây giờ thì sự kết thúc đã đến. Sự chết đã chiến thắng cuộc chiến dai dẳng, đầy khó khăn, và bây giờ thì đã chấm dứt. Sự đau đớn đã ra đi và sự bình an đã trở lại trên gương mặt người chịu khổ.
Những người còn lại có toàn bộ của những cảm xúc để giải quyết, nhưng ít nhất thì sự chờ đợi lâu dài về sự giải tỏa đã đến, bởi vì nó đã ‘chấm dứt.’ Những lọ thuốc không còn cần đến nữa. Nó đã xong. Sự cuối cùng đã đến – một sự cam chịu yên lặng trong những chữ đó!”
Điều lý thú là tôi chưa bao giờ nghe người chết sử dụng hai chữ đó cả, chỉ những ai đã bỏ thì giờ bên cạnh người chết, chăm sóc họ và mục vụ cho họ. Có lẽ đó là một trong những nguyên do khiến lời nói của Chúa Giê-xu: “Mọi sự đã được trọn,”chiếm ngụ vững vàng trong tâm trí của chúng ta. Những lời đó phát xuất từ môi miệng của Ngài, mang theo vài hơi thở cuối cùng trong phổi Ngài.
Nhưng xin chúng ta hiểu rằng tiếng kêu thứ sáu của Chúa Giê-xu trên thập tự giá ấy không phải là tiếng kêu của sự thống khổ; mà nó là lời công bố chiến thắng.Ngài đã đạt đến mục tiêu và có thể nói lên được rằng: “Mọi sự đã được trọn.”Như là nói rằng: “Công tác đã hoàn tất. Chấm dứt!”
Hai câu xuất hiện trong chương thứ mười ba của sách Châm ngôn thường ở trong tâm trí tôi, và dường như rất thích hợp để trở thành lời giới thiệu cho sứ điệp hôm nay về tiếng kêu thứ sáu trên thập tự giá của Chúa Giê-xu: “Mọi sự đã được trọn!”Cho nên tôi mời quý vị cùng mở ra với tôi trong Ch 13:12,19 Hai câu này rất quen thuộc. Chúng hầu như giống nhau. Và có thể quý vị thích thú khi biết rằng chúng trở nên một loại ngạn ngữ trong gia đình của chúng tôi trong nhiều tháng qua, đến nay hầu như một năm rồi. Chúng ta thường trích đoạn hai câu này trong những thời điểm đặc biệt tại gia đình. Ch 13:12 ghi,
“Sự trông cậy trì hưỡn khiến lòng bị đau đớn; Nhưng khi sự ước ao được thành, thì giống như một cây sự sống.”
Xin chú ý phần cuối của câu 12, “sự ước ao được thành, thì giống như một cây sự sống.”Và cây sự sống nói lên ý tưởng của việc đem đến sự thỏa mãn. Ước ao được thành là thỏa mãn.
Ch 12:19,
“Sự ước ao mà được thành lấy làm êm dịu cho linh hồn; Còn lìa bỏ điều dữ, quả là sự gớm ghiếc cho kẻ ngu muội.”
Phần đầu của câu 19, “Sự ước ao được thành lấy làm êm dịu (ngọt ngào) cho linh hồn.”Câu 12 trong Bản Dịch Mới nói là: “Hy vọng bị trì hoãn làm lòng dạ đau đớn.” Và câu 19 là: “Ước vọng được thành là điều ngọt ngào cho linh hồn.”
Điều đó có nghĩa gì? Thưa, có thể một thí dụ minh họa sẽ giúp dễ hiểu hơn. Khi ở Việt Nam chúng tôi có được ngôi nhà riêng, dù nhà ván đơn sơ, nhưng thuộc quyền sở hữu của mình. Khi ra ngoại quốc, chúng tôi phải ở từ căn nhà mướn này đến căn nhà mướn khác. Mười hai năm ở Âu châu chúng tôi dù rất muốn, nhưng không bao giờ dám mơ ước có được căn nhà riêng. Một lần kia,trong một khải tượng, hay chiêm bao, tôi thấy mình có được một căn nhà riêng,bốn phòng ngủ, lại có khu đất sân trước và phía sân sau nữa. Quý vị biết là đối với hoàn cảnh sống ở Âu châu thì điều này thuộc loại bất khả thi. Sau đó chúng tôi di chuyển sang Úc, quả thật chúng tôi ở trong một căn nhà riêng bốn phòng,có sân trước và sân sau như trong giấc mơ, chỉ có điều là nó cũng thuộc loại nhà mướn. Rồi chúng tôi di chuyển đến ở tư thất của Hội Thánh, cũng hình thức nhà riêng giống như thế, nhưng là nhà của Hội Thánh, chứ không phải của chúng tôi. Thế rồi hơn năm năm sau khi đến Úc, cuối cùng Chúa cho chúng tôi mua được căn nhà đầu tiên sau 17 năm ở hải ngoại, vượt quá điều chúng ta từng mơ ước,hay cầu xin và suy tưởng. Mỗi khi nhìn căn nhà tôi thường nhớ đến câu Kinh Thánh này: “Ước vọng được thành là điều ngọt ngào cho linh hồn.” Bây giờ thì xin quý vị ghi nhớ điều đó. Ước vọng được thành là điều ngọt ngào cho linh hồn.
Quý vị có từng trông đợi điều gì đó trong một thời gian dài và nó vừa mới xảy ra không? Tôi chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều có, trong những hình thức nào đó.Quý vị từng trông đợi điều gì đó xảy ra. Có thể đó là việc lập gia đình, và quý vị chưa gặo được người trong mộng. Hoặc có thể quý vị đã gặp rồi, nhưng người ấy không nhận thức được rằng chàng, hay nàng sẽ là người phối ngẫu của quý vị, cho nên quý vị tiếp tục chờ đợi cho ước vọng được thành. Khi điều đó xảy ra, nó sẽ là một kinh nghiệm ngọt ngào cho quý vị.
Có lẽ nó là vài kết quả của một sự chuẩn bị và học hành lâu dài. Có thể nó là việc xong đại học của quý vị. Có thể nó là một vào kế hoạch nào đó tại nhà của quý vị.Có thể nó là vào mục tiêu nào đó mà quý vị muốn đoạt đến từ rất lâu rồi. Cho đến khi mục tiêu ấy đạt được, câu 12 nói rằng lòng quý vị bị vài sự đau đớn. Đó chính là ý nghĩa của câu Kinh Thánh ấy. “Hy vọng bị trì hoãn làm lòng dạ đau đớn.”Giống như quý vị chờ đợi lâu để đạt được mục đích vậy. Quý vị hiểu ý ấy chưa?
Bây giờ thì tôi tin rằng do kết quả của việc nghiên cứu hai câu Kinh Thánh ấy, tôi đi đến sự nhận thức rằng tiếng kêu thứ sáu của Chúa Giê-xu trên thập tự giá không phải là tiếng kêu của sự thống khổ. Tôi thật sự tin rằng đó là tiếng kêu của sự chiến thắng. Tôi nghĩ rằng Ngài đã đạt đến mục đích, cho nên nó là một sự ngọt ngào đối với linh hồn của Ngài để có thể thốt lên rằng: “Mọi sự đã được trọn. Nó đã được hoàn tất. Nó đã xong.”
Bây giờ mời quý vị cùng mở ra với tôi trong Phúc Âm Giăng, đoạn 4. Và tôi muốn nhặt một câu chỗ này, một câu chỗ kia trong Phúc Âm của sứ đồ Giăng để giúp cho quý vị hiểu được việc `Chúa Giê-xu có một mục tiêu, Ngài có một kế hoạch,’ nếu chúng ta muốn gọi như thế. 
Gi 4:34,
“Đức Chúa Jêsus phán rằng: Đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai ta đến,và làm trọn công việc Ngài.”
Chữ làm trọn có nghĩa là “đem đến một sự kết thúc, hoàn tất, làm xong.” Chúa Giê-xu phán: “Đồ ăn của Ta là làm xong công việc của Ngài.”
Gi 5:36,
“Nhưng ta có một chứng lớn hơn chứng của Giăng; vì các việc Cha đã giao cho ta làm trọn,tức là các việc ta làm đó, làm chứng cho ta rằng Cha đã sai ta.”
Xin chú ý cụm từ “việc ta làm đó, làm chứng cho Ta” (Gi 5:36). “Có những việc Cha ta giao cho ta để hoàn tất, để làm xong. Ta có một mục tiêu. Ta có một nơi đến.Ta có một mục đích. Nhưng nó chưa hoàn tất.”
Nhưng bây giờ thì sự việc thay đổi trong Gi 17:4, Chú Giê-xu phán
“Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm.”
Cùng chữ mà Ngài đã sử dụng trong đoạn 4 và đoạn 5. Ngài phán: “Ta đã làm xongcông việc. Ta đã hoàn tất sứ mạng.” Cho nên tại thời điểm này thì mọi việc đều ở trong một tình trạng hoàn tất, ngoại trừ sự chết của Ngài. Là điều đem chúng ta đến đoạn 19, là kinh nghiệm tối hậu trên đất của Ngài. 
Gi 19:28,
“Sau đó, Đức Chúa Jêsus (bây giờ xin chú ý) biết mọi việc đã được trọn rồi, hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, thì phán rằng: Ta khát.”
Câu 30,
“Khi Đức Chúa Jêsus chịu lấy giấm ấy rồi, bèn phán rằng: Mọi việc đã được trọn; . ..”
Tôi không biết tại sao ở đây dịch là “đã được trọn” trong khi tất cả những chỗ khác thì đều dịch là “làm xong,” bởi vì nó đều xuất phát từ cùng chữ gốc tetelestaitrong nguyên ngữ Hy Lạp, có nghĩa là “Nó hoàn tất. Mục tiêu của cuộc đời ta được làm xong.” Bây giờ đây là chỗ của sự hoàn tất. Không còn điều gì cần phải làm nữa cả. Chấm dứt. Đã xong. Và tôi nghĩ, như tôi đã nói, nó đem lại sự ngọt ngào cho linh hồn Ngài.
Bây giờ câu hỏi được đặt ta là, những gì đã hoàn tất, đã làm xong, đã được trọn? Chữ “việc” chỉ về điều gì? Nó có nghĩa gì? Tôi muốn trả lời câu hỏi này qua sứ điệp hôm nay, trong những phút tới đây một cách tổng quát, và rồi sai đó tôi sẽ trả lời một cách chi tiết và cụ thể hơn. Về tổng quát thì mời quý vị cùng xem với tôi trong thư Hê-bơ-rơ đoạn 10, và quý vị sẽ thấy Chúa nói cho chúng ta biết trong đoạn này rằng mục tiêu của Chúa Giê-xu là gì. He 10:4. Chúa Giê-xu phán:“Mọi sự đã được trọn. Nó đã hoàn tất.” Bây giờ thì chúng ta trả lời câu hỏi hoàn tất điều gì. 
He 10:4,
“Vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được.
Bởi vậy cho nên, Đấng Christ khi vào thế gian, phán rằng: Chúa chẳng muốn hy sinh,cũng chẳng muốn lễ vật, Nhưng Chúa đã sắm sửa một thân thể cho tôi.”
Xin chú ý chữ “một thân thể” có liên hệ đến sự hoàn tất này – thân thể đó.
“Chúa chẳng nhậm của lễ thiêu, cũng chẳng nhậm của lễ chuộc tội.
Tôi bèn nói: Hỡi Đức Chúa Trời, nầy tôi đến. Trong sách có chép về tôi. Tôi đến để làm theo ý muốn Chúa.”
Câu 8,
 .. . sau lại nói: Đây nầy, tôi đến để  làm theo ý muốn Chúa. . .
Đó chính là mục tiêu – ý muốn của Đức Chúa Trời. Khi Chúa Giê-xu bị treo trên thập tự giá và khi Ngài nói: “Nó được hoàn tất,” thì Ngài muốn nói đến ý muốn trọn vẹn của Đức Chúa Trời cho chức vụ trên đất của Ngài. Ngài đã hoàn tất nó ngay đến chữ cuối cùng, (AIFL-645,TS),và Ngài biết rõ điều đó. Cho nên Ngài có thể nói trong chiến thắng rằng: “Điều này đem lại sự ngọt ngào cho linh hồn ta, bởi vì ước muốn của Đức Chúa Trời đã được hoàn tất.” “Ước vọng được thành đạt là điều ngọt ngào cho linh hồn.”
Bây giờ chúng ta hãy đi đến chi tiết, cụ thể hơn. Có bốn lãnh vực cụ thể về ý muốn của Đức Chúa Trời đã được thỏa mãn, hay được trọn khi Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá. Và tôi tin với tất cả tấm lòng mình rằng bốn điều này ở trong trí Chúa Giê-xu khi Ngài tuyên bố: “Mọi sự đã được trọn.”
1.Trước hết, ý muốn của Đức Chúa Trời liên quan đến sự chuộc tội. Tôi sẽ giải thích điều này trong chốc lát đây, nhưng chúng ta hãy xem trở lại phân đoạn Kinh Thánh trong He 10:5. Khi Ngài đến trong quyết định này, Ngài phán,
“.. . Chúa chẳng muốn hy sinh, cũng chẳng muốn lễ vật, Nhưng Chúa đã sắm sửa một thân thể cho tôi.”
Bây giờ chúng tôi lướt đến câu 8.
“.. . Chúa chẳng muốn, chẳng nhậm những hi sinh, lễ vật, của lễ thiêu, của lễ chuộc tội, đó là theo luật pháp dạy; sau lại nói: Đây nầy, tôi đến để làm theo ý muốn Chúa.”
Câu 10,
“Ấy là theo ý muốn đó (tức ý muốn Đức Chúa Trời – sự chết của Chúa Giê-xu) mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả.”
Chý ý chữ “thân thể.” Đức Chúa Trời ban cho Chúa Cứu Thế một thân thể, trong câu 5.Ngài chuẩn thân thể làm nơi Đức Chúa Trời sẽ ngự. Đức Chúa Trời đóng trại trên đất trong 33 năm, và trong thân thể ấy Đức Chúa Trời tìm thấy sự thỏa mãn cho tội lỗi. Lắm lúc chúng ta ám chỉ điều này là sự đền tội thế của Chúa Cứu Thế. Câu này rất đơn giản, nhưng nghe có vẽ rất khó hiểu. Khi điều gì đó đóng vai trò thay thế, thì nó đơn giản có nghĩa là điều đó, hay người nào đó nhận lấy chỗ của người nào hay điều nào khác. Chữ đền tội có nghĩa “phủ lấp lên,”và nước được sử dụng trong Cựu ước qua nhiều cách thời điểm khác nhau. Cho nên khi chúng ta nói về sự đền tội thay, chúng ta muốn nói rằng: Cái chết của Chúa Giê-xu tại Gô-gô-tha là một sự hoàn tất sự che phủ lấp trên tội lỗi thay chỗ cho chúng ta. Chúa chết thay chỗ của chúng ta, và trong sự chết của Ngài, Ngài phủ lấp vấn đề tội lỗi.
Mời quý vị xem trong IICo-rinh-tô đoạn 5. Nó sẽ là sáng tỏ thêm những gì Ngài nói trong Hê-bơ-rơ 10.
IICo 5:15,21 dạy chúng ta về sự chết thay của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Câu 15,
“lại Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình.”
Đó là sự chết thay – chỗ của chúng ta. Ngài đã chết và đã sống lại trong chỗ của chúng ta. Quý vị thấy đấy, Luật pháp bảo, nơi nào có tội lỗi, thì phải có sự chết.Tội lỗi bị rủa sả với hậu quả không rời là sự chết. Khi Chúa Giê-xu bị treo trên thập tự giá, trong một thời điểm của thời gian, Ngài gánh lấy tất cả tội lỗi của tất cả mọi người trong tất cả mọi thời đại, và tất cả những tội lỗi đó đều chất trên Ngài. Và trong chỗ của chúng ta, Ngài mang lấy sự rủa sả của tội lỗi.Đó là lý do tại sao phân đoạn Kinh Thánh ấy trong thư Hê-bơ-rơ rất quan trọng.Đức Chúa Trời tìm thấy sự vui lòng trong thân thể của Ngài, bởi vì đó là thân thể mà tội lỗi của chúng ta được đền thay, hay được che phủ.
Bây giờ thì câu 21 đem chúng ta đến gần với vấn đề này hơn bất cứ câu nào khác mà tôi biết được
He 5:21,
“Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.”
Điều đó thật to lớn. Điều đó thật vĩ đại. Cụm từ quan trọng nhất là “vì chúng ta,”hay thay mặt chúng ta. Khi Chúa Cứu Thế chết trên đồi Gô-gô-tha, Ngài chết thay chỗ của quý vị, thay chỗ của tôi. Cho nên nó không phải chỉ vĩ đại, mà nó còn là hy vọng duy nhất của chúng ta. Ngài là sinh tế toàn hảo. Đức Chúa Trời gửi Ngài đến để mang lấy mọi tội lỗi của thế gian. Các sinh tế bằng thú vật chỉ làm được những gì chúng có thể, nhưng chúng không bao giờ có thể cất tội lỗi đi vĩnh viễn được. Nhưng khi Chúa Giê-xu mang lấy tội lỗi của chúng ta trên thập tự giá, thì nó được vĩnh viễn, đời đời che lấp, chuộc thay cho.
Làm sao chúng ta biết được rằng Đức Chúa Trời vui lòng với sự chết của Con Ngài?Trước hết, bức màn trong đề thờ xé đôi, mở ra lối vào mà trước đây không bao giờ được mở. Bức tường phân cách giữa Đức Chúa Trời và con người không còn nữa.Bức màn bi xé đôi, lối vào được cung cấp. Thứ hai, Đức Chúa Trời khiến Con Ngài sống lại từ cõi chết. Nếu Đức Chúa Trời không thỏa mãn với sự chết của Con Ngài, thì Đức Chúa Con vẫn còn nằm trong mồ mã. Thứ ba, Khi Chúa Cứu Thế thăng thiên trở lại thiên đàng, Đức Chúa Trời đã đặt Ngài ngồi bên hữu mình. Và ngay tại thời điểm phi thường ấy (chúng ta không thể hình dung được bằng trí mình),Đức Chúa Cha phán: “Ta thỏa mãn với sự hi sinh của Con,” và rồi Ngài gửi Chúa Thánh Linh xuống thế gian. Ngài phán: “Khi Ta về cùng Cha, Ta sẽ ban Thánh Linh xuống,” và điều đó chứng minh rằng Ngài đã vào trong thiên đàng trở lại lần nữa.
Đây không phải là lẽ thật thuộc thần học. Đây là một lẽ thật thực nghiệm rất vĩ đại. Một thi sĩ người Anh đặt điều này trong những vần thơ đại ý như sau: “Trên một sự Chết tôi đã không chết, / Trên một Sự sống tôi đã không sống, / Cái chết của một Người khác – Sự sống của một người khác, / tôi đặt linh hồn mình đời đời vào.”
Nếu quý vị sẽ bước vào thiên đàng sau khi chết, thì cách duy nhất quý vị có thể bước vào được là trên những công lao, sự chết và sự sống của một người khác.Ông Ian Thomas đã nói điều đó trong cách này: “Sự sống mà Chúa Giê-xu đã sống đủ điều kiện cho sự chết mà Ngài đã chết, và sự chết mà Ngài đã chết đủ điều kiện cho chúng ta có được sự sống mà Ngài đã sống!” Đây không phải là cách nói chơi chữ, đó là một thần học tuyệt vời.
Cho nên khi Chúa Giê-xu nói: “Mọi sự đã được trọn,” tức Ngài muốn nói đến sự hi sinh cho tội lỗi hoàn toàn được che lấp, phủ kín. Điều đó có nghĩa là không có gì để lại cho quý vị và tôi để thêm vào, hầu được trọn vẹn.
2.Bây giờ cũng có một phân đoạn khác về ý muốn của Đức Chúa Trời liên quan đến Kinh Thánh. Gi 19:28 nói rất rõ điều này
“.. .Đức Chúa Jêsus biết mọi việc đã được trọn rồi, hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, thì phán rằng: Ta khát.”
Và chúng ta đã thấy có một bình giấm ở đó, họ thấm vào miếng bông và đưa lên miệng Ngài.
“Khi Đức Chúa Giê-xu chịu lấy giấm rồi, . . . .”
Trong nguyên ngữ có chữ “Vậy” trước câu này. Cho nên chữ “vậy” rất quan trọng ở đây.“Vậy,” sau khi việc đó được hoàn tất, Ngài phán: “Xong rồi! Mọi sự đã được trọn.”
Nếu quý vị sống vào thời đó, hay quý vị từng là một học giả nghiên cứu, đào sâu vào trong Cựu ước, phân tích từng chấm từng nét của Cựu ước, thì quý vị không thể tìm được bất cứ một lời tiên tri nào nói về sự chết của Đấng Messiah mà không được ứng nghiệm cả. Không có bất cứ lời nào hết. Bởi vì tại phần cuối được đóng lại bằng chữ “vậy,” Chúa Giê-xu đã biết rằng không có bất cứ một lời Kinh Thánh nào mà chưa được ứng nghiệm.
Bây giờ thì tôi xin nói với quý vị rằng nếu Chúa Giê-xu đã hết sức cẩn thận bảo đảm rằng mỗi phần, dù là rất nhỏ, liên quan đến cái chết của Ngài đã được ứng nghiệm trong lúc ấy, thì Ngài cũng sẽ giữ lời hứa của mình cho ngày nay. Ngài là Đấng đáng tin cậy. Quý vị thấy đấy, sự chân thật của Kinh Thánh được nhìn thấy ngay tại đây trong sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài không cho phép linh hồn mình rời khỏi thể xác cho đến khi chi tiết cuối cùng được ứng nghiệm. Mỗi lời trong Kinh Thánh đều được ứng nghiệm trọn vẹn. 
Có thể một số quý vị thính giả đang nghe đã không hề nhận thức rằng Cựu ước liên tục nói về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Thật sự có biết bao phân đoạn Kinh Thánh Cựu ước nói về sự sinh ra của Ngài, cuộc đời của Ngài, sự chết của Ngài, ngay cả sự sống lại của Ngài nữa. Nếu quý vị được thách thức để nói cho một người Do-thái chỉ chấp nhận Cựu ước mà thôi, thì quý vị có thể chỉ cho người ấy những chỗ xứng hiệp trong Thánh Kinh Cựu ước để chỉ cho người ấy thấy Đấng Messiah, Con của Đức Chúa Trời không? Đó là một sứ mạng cho quý vị.Quý vị cần nên có khả năng làm điều đó. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta những phân đoạn Kinh Thánh đủ ở đó để giữ chúng ta bận rộn lâu dài với một người bạn không chấp nhận Thánh Kinh Tân ước. Những lời tiên tri trong Cựu ước đã hoàn toàn được ứng nghiệm.
Và bây giờ tôi cũng xin nhắc quý vị lần nữa rằng, trong một ý nghĩa thực tế, Đức Chúa Trời giữ Lời hứa của Ngài. Một trong những lý do chúng ta tin sự vô ngộ của kinh văn, tin sự hà hơi của Kinh Thánh, là bởi vì rất nhiều, rất nhiều phần Kinh Thánh đó đã ứng nghiệm đang khi Kinh Thánh được kinh điển hóa. Không phải chỉ vì chúng ta tin Đức Chúa Trời sẽ làm ứng nghiệm Kinh Thánh trong tương lai,nhưng vì sự ứng nghiệm các lời tiên tri ngay trong khoảng thời gian Kinh Thánh được sắp lại với nhau.
“Mọi sự đã được trọn.” Trước hết, nó có nghĩa là sự chết đền tội thay của Chúa Cứu Thế Giê-xu đã hoàn tất. Thứ hai, nó có nghĩa là tất cả lời Kinh Thánh đều đã được ứng nghiệm. Đã được hoàn tất. Đã được trọn.
3.Đây là điều thứ ba. Ý muốn của Đức Chúa Trời liên hệ đến Luật pháp đã được hoàn tất.Mời quý vị mở ra trong Phúc Âm Ma-thi-ơ đoạn 5. Tôi muốn chỉ cho quý vị ba sách khác nhau trong Kinh Thánh cho thấy ba khía cạnh của Luật pháp đã được làm trọn trong sự chết của Chúa Giê-xu. Trước hết, trong Phúc Âm Mat 5:17. Ý muốn của Đức Chúa Trời liên hệ đến sự đền tội đã được trọn. Ý muốn của Đức Chúa Trời liên hệ đến Thánh Kinh đến Kinh Thánh đã làm xong. Bây giờ thì ý muốn của Đức Chúa Trời liên hệ đến Luật pháp đã trọn vẹn. Mọi sự đều được ứng nghiệm. 
Mat 5:17,
“Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song (đây từ ấy một lần nữa) để làm cho trọn.”
Cũng chữ gốc như được thấy trong Phúc Âm Gi 19:30, 
“Mọi sự đã được trọn!” “Ta đến để làm trọn Luật pháp.”
Có một vấn đề mà tôi muốn xin được làm sáng tỏ ở đây. Ấy là Luật pháp hoàn toàn không có gì sai trật cả. Luật pháp được truyền lại qua Môi-se là thánh khiết,công bình và tốt đẹp y như Kinh Thánh dạy chúng ta. Không có gì sai trật về Luật pháp cả. Nhưng trong khi đó thì có rất nhiều điều sai trật đối với con người. Con người không bao giờ có thể giữ trọn Luật pháp được. Thật sự thì tôi nghĩ rằng Luật pháp không bao giờ được ban cho để con người phải tuân giữ.Nhưng Luật pháp được ban cho để chỉ cho con người thấy rằng họ không bao giờ giữ nó được. Con người không bao giờ có thể có được sự công bình của Đức Chúa Trời bằng bất cứ năng lực nào của xác thịt được cả, ngay cả người đó là một Cơ-đốc nhân. Một người không thể giữ được Luật pháp. Người ấy không thể nào có được sự công bình của Đức Chúa Trời bằng bất cứ việc làm bằng bàn tay riêng của mình được cả, ngoại trừ Chúa Giê-xu. Ngài đã đến, và ngay cả một chấm nhỏ nhất,một nét nhỏ nhất của Luật pháp đều cũng được Ngài làm trọn.
Bây giờ từ Phúc Âm Ma-thi-ơ 5, tôi kính mời quý vị cùng mở sang thư Ga 3:21-24. Tôi muốn quý vị cùng suy nghĩ với tôi điều này hôm nay. Nó rất là quan trọng, cho nên xin quý vị hãy chú tâm, đừng để trí mình đi lang thang trong những giây phút tới đây.
Ga 3:21-24
“Vậy thì luật pháp nghịch cùng lời hứa của Đức Chúa Trời hay sao? chẳng hề như vậy;vì nếu đã ban cho một luật pháp có thể làm cho sống, thì sự công bình chắc bởi luật pháp mà đến.
Nhưng Kinh Thánh đã nhốt hết thảy mọi sự dưới tội lỗi (tại sao vậy?), hầu cho điều chi đã hứa, bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ mà được ban cho những kẻ tin.”
Xin quý vị chú ý đến việc lời hứa của sự công bình và đức tin “được ban cho những kẻ tin.”
“Trước khi đức tin chưa đến, chúng ta bị nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp . . .”
Một sự phiên dịch thật tuyệt vời! Chúng ta bị giữ trong xiềng xích, bị điều tra,đang bị bắt. Bởi ai? Bởi luật pháp.
“.. . bị nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp mà chờ đức tin phải bày ra(đó là sự chết của Chúa Cứu Thế).
Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ (tại sao), hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình.”
Có rất nhiều sự dạy dỗ ngày nay liên quan đến việc giữ Luật pháp. Rất nhiều người sẽ bảo quý vị cần phải giữ theo Luật pháp. Nếu quý vị muốn làm vui lòng Đức Chúa Trời và có được sự công bình, thì quý vị phải sống theo Luật pháp. Nghe rất đúng, nhưng phân đoạn Kinh Thánh chúng ta vừa đọc nói rằng quý vị không thể làm được như thế. Luật pháp được thiết lập với mục đích trở thành một thầy giáo để dẫn chúng ta đến cùng Chúa Cứu Thế.
Một thầy giáo trong thời sứ đồ Phao-lô không phải là người dạy quý vị học làm toán,dạy quý vị học chữ, học văn phạm, dạy quý vị làm bài tập, hay những bài làm khác.Nhưng thầy giáo thời sứ đồ Phao-lô là một người hộ tống, một người cai quản trong gia đình. Một gia đình khi giàu có đủ để có thể mướn một thầy giáo và giao đứa con của mình trong bàn tay chăm sóc của người thầy ấy. Người thầy có trách nhiệm dẫn đứa trẻ đến trường học, chờ nó trong khi học, quan sát nó khi ra chơi, tan học dẫn nó về nhà, dạy dỗ, kỷ luật về những điều căn bản của cuộc đời. Đó là công tác của một thầy giáo trong thời của sứ đồ Phao-lô. Đó cũng chính là những gì Luật pháp làm. Luật pháp dẫn chúng ta, hộ tống chúng ta đến cùng Chúa Cứu Thế. Trong suốt quá trình ấy, luật pháp nhắc nhở chúng ta rằng “ngươi không thể sống cuộc đời mình. Ngươi không thể chiếm được sự công bình.Ngươi không thể trở nên công bình như Đức Chúa Trời muốn được. Đó là lý do tại sao ta có mặt ở đây, bởi vì ta muốn ngươi gặp Đấng có thể ban cho ngươi sự công bình này.” Đấng đó là ai vậy? Chính là Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Bây giờ mời quý vị nhìn lại lần nữa những gì chúng ta vừa đọc. Ga 3:24,
Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, . . .
Xin quý vị chú ý cụm từ “đặng dẫn chúng ta.” Nó là chữ nghiêng. Nó được thêm vào.Điều đó cũng tốt, nhưng nó làm giảm đi sự nhấn mạnh ý chính ở đây. Luật pháp là thầy giáo hướng về Chúa Cứu Thế, “để chúng ta được xưng công bình bởi việc làm”không phải? Không! Không bao giờ! “Bởi đức tin,” trong phân đoạn này nói như thế.
Bây giờ chúng ta xem trong Ga 4:4,
“Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp, 
để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài.”
Cái chết của Chúa Cứu Thế khiến cho sự rủa sả của Luật pháp có thể được cất đi, để chúng ta vui hưởng việc được nhận làm con vào trong gia đình, là điều chúng ta không thể nào đạt được do việc làm. (AIFL-646, TS).
Cũng chính điều này, và sự liên hệ đến một phân đoạn trong thư Rô-ma, đã khiến cho Mục sư Martin Luther bất ngờ nhận thức sự thiếu sót của những gì ông đang giảng dạy.Trong nhiều tháng dài, vị tu sĩ đầy tin kính này, tại căn phòng nhỏ của mình,đã thật sự vật vả dưới đất kêu than: “Ôi, tội lỗi của tôi! Tội lỗi của tôi! Tội lỗi của tôi!” cho đến khi ông đi đến chỗ nhận thức ra được Chúa Cứu Thế đã giải phóng ông khỏi sự rủa sả của tội lỗi. Và khi ông đã nhận ra điều đó, ông đã thay đổi những lời kêu than đó thành: “Ô, Chúa Cứu Thế của tôi! Chúa Cứu Thế của tôi! Chúa Cứu Thế của tôi!” Luật pháp sẽ tiếp tục khiến quý vị nhận thức sự sai trật của mình, tội lỗi của mình, nhưng Chúa Cứu Thế, bởi đức tin, sẽ dẫn quý vị đến sự công bình.
Thứ nhất, khi nói đến sự chết của Chúa Cứu Thế, thì ý muốn của Đức Chúa Trời liên hệ đến sự đền tội đã hoàn tất. Thứ hai, ý muốn của Đức Chúa Trời liên hệ đến Kinh Thánh đã hoàn tất. Thứ ba, ý của của Đức Chúa Trời liên hệ đến Luật pháp cũng đã hoàn tất, vì vậy chúng ta được hướng dẫn đến một lối sống mới, đời sống của Chúa Thánh Linh, chứ ko đời sống của Luật pháp.
Tôi cũng muốn quý vị hãy mở ra trong thư Rô-ma với tôi, để tôi chỉ cho quý vị thấy rằng sự công bình của Luật pháp đã được trọn vẹn trong chúng ta là những người bước theo Chúa Thánh Linh, chứ không phải bởi chúng ta. Đây là một giới từ rất quan trọng. Sự công bình của Luật pháp trong thời đại này được hoàn tất trongchúng ta, chứ không phải bởi chúng ta, bởi Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta.
4.Bây giờ sau hết trong thư Hê-bơ-rơ 12. Có một chỗ Kinh Thánh khác nữa liên quan đến điều này mà tôi không muốn quý vị bị thiếu mất. Khi Chúa Giê-xu nói: “Mọi sự đã được trọn,” nó liên hệ đến ý muốn của Đức Chúa Trời về ma quỷ (He 12:14). Đây là phân đoạn Kinh Thánh không làm cho thỏa mãn lổ tai, nhưng nó ban sức mạnh cho nền tảng thuộc linh của chúng ta. “Mọi sự đã được trọn,” đó là bản án về ngày tàn của ma quỷ. 
He 12:14,
Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó (Đó là thân thể vật lý một lần nữa. Tại sao vậy?), hầu cho Ngài bởi sự chết mình (đó là cái chết trên Gô-gô-tha) mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ,
Chúng ta hãy đọc phần cuối của câu này một lần nữa.
“.. . hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ,
lại cho giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời.”
Ha-lê-lu-gia!Cảm tạ Chúa! Từ trước cho đến thời điểm sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu, ma quỷluôn vây chặt con người, kềm kẹp họ khiến không thể được giải thoát trong bất cứ hình thức nào. Nhiều lúc con người tin rằng sự sự giải phóng đã đến, nhưng không hề có, mãi cho đến khi sự chết của Chúa Cứu Thế trên Gô-gô-tha, thì sự kềm kẹp của ma quỷ mới thật sự chấm dứt. Ở đây nói rằng bởi sự chết của Chúa Cứu Thế đã “phá diệt kẻ cầm quyền sự chết,” và bởi sự chết của Chúa Cứu Thế “giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi nó trọn đời.”
Tôi thích so sánh ma quỷ và sự cuối cùng của nó giống như việc chơi cờ tướng với một ‘cờ gia.’ Tôi cũng xin khuyên quý vị rằng một khi biết người chơi cờ tướng với mình thuộc loại ‘cờ gia,’ loại ‘cao thủ,’ thì tốt hơn đừng chơi người ấy. Bởi vì đó là một kinh nghiệm thật đáng sợ. Thí dụ, mỗi khi quý vị đi một nước cờ,thì người ấy thường xuyên chắc lưỡi. Hoặc gục gặc đầu bảo: “Um hum! Hừ. . . hừ!”Quý vị có biết điều đó có nghĩa gì không? Nó có nghĩa là quý vị đang tiến gần hơn đến chỗ bị chiếu bí. Quý vị không thể thắng được! Đó cũng là cách xảy ra cho ma quỷ. Mỗi ngày trôi qua, Đức Chúa Trời phán: “Um hum! Ngươi ngày càng gần hơn điểm cuối cùng rồi.” Không ai biết rõ điều này hơn ma quỷ. Nó đang đánh trận với một “chuyên gia.” Nó biết rõ điều đó. Mỗi một ngày hắn đều được nhắc nhở về sự mất quyền lực của mình. Nếu quý vị muốn đánh bại ma quỷ, thì quý vị không thể thực hiện điều đó trong xác thịt; quý vị sẽ làm điều đó trong quyền năng của sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Huyết của Ngài sẽ chiến thắng và phá hủy quyền lực của ma quỷ.
Bây giờ thì chúng ta có tất cả những điều này. “Mọi sự đã được trọn!” Sự đền tội thay – Chúa Cứu Thế đã che phủ hết mọi tội lỗi của chúng ta. Hoàn tất. Kinh Thánh của đã hoàn tất. Luật pháp đã bị bãi bỏ và một con đường sự sống mới đã được mở ra, con đường sự sống của ân điển. Luật pháp đến bởi Môi-se, nhưng ân điển và lẽ thật đã đến bởi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Thứ tư, ma quỷ đã đến ngày tàn.Dù nó vẫn còn đang sinh động, nhưng nó biết rằng nó đã bị đánh bại và đã bị định cho sự cuối cùng. Khía cạnh thực dụng của tất cả điều này rất đơn giản. Không còn có bất cứ điều gì khác cần đến con người hoàn thành cả.
Mục sư Chuck Swindoll kể lại một kỷ niệm thời thơ ấu không bao giờ phai mờ trong trí với bà dì của Mục sư, một họa sĩ nghiệp dư. Dì dượng của Mục sư không có con, cho nên mỗi khi có dịp về thăm quê, cậu bé Chuck đều để thì giờ sang thăm dì. Những lần như thế luôn luôn là một kinh nghiệm đầy căng thẳng cho bà dì,bởi vì khắp trong nhà đâu đâu cũng có giá vẽ với những bức tranh chưa xong nằm trên ấy. Lần kia khi cậu Chuck đến thăm thì ngay lúc bà dì vừa hoàn thành một bức tranh to lớn, một bức tranh rất đẹp vẽ nhiều người trong một bối cảnh. Nếu quý vị thính giả nào từng vẽ tranh thì biết rõ việc cẩn thận gìn giữ trong khi chờ màu sơn khô là quan trọng như thế nào. Dĩ nhiên là cậu Chuck của chúng ta lạng qua, lạng lại bức tranh, đến thật gần ghé mắt nhìn một cách đầy tò mò. Bà dì nói ngay: “Không được đụng vào!” Và như quý vị biết, đó là một câu không bao giờ nên nói cho một cậu bé tò mò cả. Cho nên khi bà dì vừa bước ra bên ngoài,là cậu Chuck của chúng ta đã nhanh tay đặt ngón tay vào mặt một nhân vật trong tranh. Cậu trân trối nhìn vào gương mặt nhân vật ấy, và rồi tiếp tục chấm ngón tay vào ba bốn gương mặt khác trong tranh nữa. Dĩ nhiên quý vị biết cậu đã phải nhận lấy hình phạt gì cho hành động ngỗ nghịch ấy rồi. Sau đó bà dì của Mục sư đã hết sức cố gắng để sửa lại, nhưng nó không bao giờ chính xác giống như lúc nguyên thủy cả. Mục sư Chuck Swindoll cho biết mỗi lần có dịp về quê, ông đều nhớ đến kỷ niệm ấy, nó nhắc chúng ta nhớ rằng một khi việc gì đã xong, thì quý vị nên để nó y nguyên như thế, đừng đụng đến, đừng thêm thắt vào. Quý vị cần chấp nhận và vui thỏa nói những điều đó.
Khi còn ở Âu Châu, tôi đã từng có dịp ngắm xem nhiều pho tượng cổ trong các Bảo tàng viện, hay những bức tượng nổi tiếng được đặt tại các công viên, hay trong những chỗ đặc biệt. Nhưng tôi nghe nói bức tượng vua Đa-vít do điêu khắc gia người lừng danh người Ý Michelangelo tạc thật độc đáo và sinh động. Tôi ước khi có dịp đến nước Ý lần nữa, chắc chắn tôi sẽ tìm cách đến ngắm pho tượng này.Người ta bảo pho tượng này rất sống động, khi nhìn thấy tưởng chừng như là người thật vậy. Nhưng quả ngu xuẩn như thế nào, nếu như khi đến ngắm pho tượng trứ danh ấy, tôi lại đem theo búa, đục, giũa để thêm vào những gì mà điêu khắc gia vĩ đại Michelangelo đã hoàn tất phải không quý vị? Nhưng đó lại chính là những gì quý vị làm nếu khi quý vị nhìn vào sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu và khỉ: “Tôi cần thêm điều gì?” Không cần thêm điều gì cả? Nó đã xong. Đã hoàn tất. Mọi sự đã được trọn. Mọi sự đã được trọn.
Tetelestai. Đó chính xác là từ xuất hiện trong các sách Phúc Âm.Nó có nghĩa là “Mọi sự đã hoán tất!” Nó là một từ được sử dụng rất phổ thông thời Chúa Giê-xu. Dù từ “tetelestai” không được hầu hết người trong xã hội chúng ta hiện nay nhận biết, nhưng nó là một từ rất quen thuộc khi Chúa Giê-xu thi hành chức vụ trên đất.
Nó được các người đầy đớ dùng để cho chủ biết một công tác được giao phó đã hoàn thành. Nó được các thầy tế lễ sử dụng như một phần trong sự thờ phượng tại đền thờ, cho biết một của lễ hi sinh đã hoàn tất. Và thú vị hơn nữa, nó được các hoạ sĩ sử dụng sau khi vẽ xong một bức tranh, ngồi nhìn vào tác phẩm của mình và bảo “tetelestai – đã hoàn tất!” Sau khi đã hoàn tất sứ mạng thiên thượng trong việc cứu chuộc thế gian, vị Vua trên muôn vua tuyên bố là nó đã hoàn tất, bằng loại ngôn ngữ mà ngay cả một người nô lệ hèn hạ nhất cũng có thể hiểu được.
Khi Chúa Giê-xu nói: “Mọi sự đã được trọn,” Ngài cũng nói rằng ý muốn của Đức Chúa Trời liên hệ đến sô phận của ma quỷ. Việc “mọi sự đã được trọn” của Chúa Giê-xu là một lần đủ cả đóng dấu sự tận cùng của Satan. Chúng ta đọc thấy những lời này trong thư He 2:14-15,
“Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ,
lại cho giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời.”
Quả là một lời tuyên bố rất quan trọng. Lẽ thật của phân đoạn Thánh Kinh đó làm vững mạnh nền tảng thuộc linh của chúng ta. “Nên chính Đức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó,” – tức là thịt và huyết, thân thể của Chúa Cứu Thế – “hầu cho Ngài bởi sự chết mình” (trên thập tự giá) “mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ.”
Do bởi cớ ấy, tất cả có thể la lớn lên “Ha-lê-lu-gia!” Từ trước đó cho đến thời điểm sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu, ma quỷ như bầy chim đói, vây chung quanh, kềm kẹp nhân loại vô dụng, vô vọng dưới bàn tay của nó. Và rồi sau đó, qua sự chết của Chúa Cứu Thế trên Gô-gô-tha, ma quỷ bị mất hết quyền lực, đang khi sự chết của Chúa Cứu Thế “giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời.”
Xin quý vị hãy tin tôi, không có bất cứ ai hiểu rõ điều này hơn ma quỷ.  Nó đang đánh cờ với một “cờ gia,” và nó biết rõ điều đó. Mỗi nước nó đi, là càng dẫn nó đến sự bị bại gần hơn nữa. Cho nên nếu quý vị muốn chiến thắng ma quỷ, quý vị không thể làm được việc đó bằng xác thịt; quý vị phải thực hiện bằng quyền năng của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Huyết của Ngài sẽ chiến thắng và làm mất đi quyền lực của ma quỷ.
“Mọi sự đã được trọn!” Tất cả đã xong! Sự đền tội đã hoàn tất. Thánh Kinh đã ứng nghiệm. Luật pháp, một lần đủ cả, đã bị bãi bỏ. Ma quỷ đã bị đánh bại. Dĩ nhiên là nó vẫn còn sinh động, nhưng nó biết nó đã bị đánh bại và ngày tàn của nó đã được đóng ấn.
Khía cạnh thực nghiệm của tất cả những điều này rất đơn giản: Không còn có bất cứ điều gì để cần được hoàn tất bởi bất cứ con nào cả.Chúng ta không thể thêm bất cứ điều gì vào sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu được cả. Xin quý vị hãy nhớ từ tetelestai. Mọi sự đã được trọn. Mọi sự đã được trọn!
Kính mời quý vị cúi đầu nhắm mắt lắng lòng yên lặng trong giây lát.Lời cầu nguyện của tôi là những lẽ thật chúng ta vừa nghe sẽ trở nên một thực tế trong cuộc đời của tất cả chúng ta.
Kính lạy Cha yêu thương, con cám ơn Cha hôm nay về lẽ thật của lời công bố đầy chiến thắng này. Sự hoàn tất của sự chết của Chúa Cứu Thế trên thập tự giá. Cám ơn Cha về sự chuộc tội, sự đền tội thay đã hoàn tất. Thánh Kinh đã ứng nghiệm. Rằng ma quỷ đã bị đánh bại, dù còn sinh động, nhưng nó bị hủy diệt cho đến đời đời.Cám ơn Cha đã đem lẽ thật đến với lòng chúng con trong nhiều cách rất thực tế.Rằng Cha sẽ nhắc nhỡ chúng con không sống một cuộc đời bị đánh bại, nhưng là một đời sống chinh phục, chiến thắng, do bởi sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu khiến cho điều đó khả thi. Cha ơi, chúng con tin rằng Cha sẽ làm ứng nghiệm trọn vẹn Lời Ngài trong tương lai, khi Chúa Giê-xu sẽ trở lại trên đám mây, và tất cả chúng con sẽ gặp Ngài tại không trung. Lúc đó chúng con sẽ nhìn mặt tận mặt về sự hoàn tất sự sự hy vọng vĩ đại đó mà sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu đã làm trọn, để bây giờ cửa đời đời mở ra trước mặt chúng con. Con cầu xin Cha dùng những lời này làm vững mạnh chúng con, và sự hy vọng mà chúng con có trong Chúa Cứu Thế. Chúng con thành tâm cầu nguyện trong danh quý báu của Chúa Cứu Thế Giê-xu.A-men.

No comments

Powered by Blogger.