BÀI 12: TA KHÁT

BÀI 12: TA KHÁT
Ta khát


Cuộc hành trình trên đất của Chúa Giê-xu kết thúc trong nỗi đớn đau khôn tả. Trên hầu cuộc hành trình, hầu Cứu Chúa đã bước đi gần như đơn độc. Trước tiên là trải qua những ngày dài Chúa chịu cám dỗ trong đồng vắng, tiếp sau là những giây phút một mình nguyện cầu khẩn thiết trong vườn giữa những cây Ô-li-ve. Và,dĩ nhiên, những giây phút kinh hoàng cuối cùng trên thập giá, Chúa vẫn chỉ có một mình. 
Nhân tính của Chúa Giê-xu được nhấn mạnh bởi bảy lời phán cuối cùng Ngài thốt lên trên thập giá trước khi trút hơi thở cuối cùng; chúng minh chứng rõ ràng rằng Chúa Cứu Thế cũng giống như mỗi một người trong chúng ta. Không nghi ngờ gì nữa, Ngài chẳng những là Đức Chúa Trời, mà Ngài còn là một con người trọn vẹn.
Quý vị có thể nhớ lại lời nói thứ năm Ngài nói trên thập giá, “Ta khát.” Nó nói lên nỗi đau đớn tột bật về thể xác của Ngài. Tiếng kêu khẩn thiết đó vang lên khi Chúa Cứu Thế bị treo lơ lửng giữa trời và đất. Trong tiếng kêu đó, Ngài bày tỏ một trong những nhu cầu thiết yếu nhất của nhân loại – nhu cầu được thỏa cơn khát! Sứ đồ Giăng viết về điều này ở trong Phúc âm Gi 19:28-29. 
“Sau đó, Đức Chúa Giê-xu biết mọi việc đã được trọn rồi, hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, thì phán rằng: Ta khát.
Tại đó, có một cái bình đựng đầy giấm. Vậy, họ lấy một miếng bông đá thấm đầy giấm,buộc vào cây ngưu tất đưa kề miệng Ngài.”
Tác giả Judith Mattison cho chúng ta một vài suy nghĩ – một sự quan sát đáng buồn về khía cạnh con người về cái chết của Chúa chúng ta. Mời quý vị lắng nghe những lời bà nói.
“Gần như suốt con đường Giê-ru-sa-lem hướng về ngọn đồi hành hình, Chúa Giê-xu đã một mình lê bước vác thập tự giá. Không có người nào ở gần để động viên Ngài,để làm cho Ngài vui. Hơn thế nữa, họ còn giễu cợt Ngài; bao sĩ nhục và xa lánh đổ ập lên vầng trán rướm máu của Ngài. Si-môn, người Sy-ren được gọi đến để giúp Ngài vác cây thập giá nặng nề đó. Đó cũng là niềm an ủi duy nhất Ngài nhận được. Sau đó, lúc Ngài bị treo trên cây gỗ, yêu cầu giản đơn xin nước uống của Ngài được đáp ứng bằng giấm. Một hành động độc ác. Tại sao vậy? Tại sao Chúa Giê-xu lại không có lấy một người bạn đồng hành trên con đường đi đến chỗ chết,tại sao không có lấy một người bạn xót thương?”
“Tại sao Ngài chỉ có một mình trong trận chiến cuối cùng này? Đức Chúa Trời để cho chúng ta nhận biết điều gì trong việc vén lên tấn bi kịch về sự bỏ rơi, ngược đãi và khổ đau nầy?”
“Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết rằng khi Chúa Giê-xu hỏi xin nước, Ngài cũng là một con người như chúng ta. Ngài khát. Ngài là người. Ngài nếm biết nỗi cô đơn.Ngài bị thương, và Ngài cần năng lực từ tình yêu của Đức Chúa Trời.” Bà Judith Mattison viết tiếp: “Chúa Giê-xu cũng là một con người như chúng ta.” 
Tôi có thể nói thêm điều này ở đây, bởi vì Ngài là một con người như chúng ta, Ngài hiểu tận tường chúng ta. Nỗi sợ hãi của chúng ta. Những nghi ngờ. Và những lo lắng bất an. Những ảo tưởng tan vỡ của chúng ta. Những hố sâu đau khổ. Không có gì chúng ta từng cảm nhận, mà Chúa Giê-xu không nhận biết. Ngài biết chúng ta,và hơn hết mọi điều, Ngài yêu thương chúng ta. Và đó là một sự kết hợp đầy hy vọng. 
Nhiều năm trước đây tôi có đọc một bài thơ. Bài thơ nầy tôi rất thích đọc vào mỗi mùa Giáng sinh hàng năm. Tôi phát hiện ra rằng bài thơ giúp cho người ta thấy được một điều nghịch lý kỳ diệu trong Chúa Giê-xu – làm thế nào mà thần tánh và nhân tánh tồn tại riêng biệt trong một Đấng mà chúng ta gọi là Chúa Giê-xu. Xin cùng tôi nghe lại đoạn thơ nầy.
“Đấng sáng tạo nên vũ trụ / Vì cớ loài người, Ngài trở nên một người nhận lấy điều rủa sả. / Đấng ban bố lời luật pháp. / Nợ cuối cùng Ngài đã trả. / Ngón tay thánh khiết Ngài tạo ra cành cây. / Cành cây trở nên mão gai đội trên trán Ngài. / Mũi đinh nào đâm xuyên tay Ngài chính là của tôi, / Trong chỗ bí mật Ngài đã hoạch định. / Ngài đã tạo nên rừng rậm nơi sẽ đâm chồi nảy lộc, / Từ đó mọc lên cành cây nào Ngài phải treo thân / Ngài chết trên một cây thập giá. /Nhưng Ngài lại làm nên ngọn đồi cho thập giá dựng lên! / Bầu trời phủ trùm bóng trên đầu Ngài, / Là bầu trời mà chính Ngài đã trải rộng ra; / Mặt trời lẫn trốn trước mặt Ngài, / Chính là vầng dương bởi lời phán Ngài được treo trong vũ trụ!/ Ngọn giáo làm đổ huyết báu Ngài ra / Chính là ngọn giáo được luyện trong ngọn lửa Chúa ban; / Phần mộ nơi thi hài Ngài nằm đó / Được đẽo ra từ tảng đá tay Ngài đã làm ra. / Cây gai đội trên đầu Ngài / Là thuộc về Ngài từ những năm rất lâu! / Nhưng có một vinh quang mới tỏa soi quanh trán Ngài / Và mọi gối sẽ quỳ xuống trước Ngài!”
Có lẽ cũng đến lúc chúng ta nên điểm lướt qua thực tế. Cuộc hành trình chúng ta đi với Chúa xuyên qua bóng tối đau khổ của Ngài thật không dễ chịu, cũng chẳng dễ dàng. Mục đích của cuộc hành trình không phải như thế. Đây không phải là một thực tế ảo, nơi mà mọi thứ đều dựa trên trí tưởng tượng, và được nối vào một trò chơi điện tử. Trong câu chuyện nầy con người là thực hữu và sự đau đớn thật. Cốt truyện không phải do tưởng tượng, và những kết quả cuối cùng càng không phải mang tính tạm thời. 
Ỏ đây chúng ta đang xử lý với thực tế của một hổn hợp những điều chủ yếu tạo nên sự khác biệt. Nếu được xem xét một cách nghiêm túc, chúng có thể biến đổi cách suy nghĩ của chúng ta, và thật ra chúng có thể thay đổi số phận của đời đời của quý vị. Đây không phải là cuộc dạo chơi vui thú bước vào số phận với một cái cần điều khiển được thiết kế để giải trí và làm cho chúng ta vui cười. Dòng máu của Ngài là dòng máu thật; chứ không phải giả tạo. Cây thập tự. Nó được làm bằng gỗ thật, không phải bằng nhựa mềm; và những lời nói của Ngài – chúng là những lời nói thật sự, không phải là những âm thanh được tạo ra bởi thiết bị kỹ thuật cao.
Xin đừng để bị chệch hướng bởi nhân tố thời gian. Chỉ vì tất cả những sự việc này đã xảy ra hơn hai thiên niên kỷ qua, không có nghĩa là chúng không còn thích hợp và liên quan đến chúng ta. Thật sự là không giống như câu chuyện về loài khủng long cổ. Những gì đã xảy ra lúc đó giờ vẫn còn tác động trên chúng ta. Và nếu như điều này không là sự thật, tin tôi đi, tôi sẽ không phải phí thời gian của quý vị để nói về chúng đâu.
Tất cả điều này nhằm nói lên rằng, đã đến lúc chúng ta khởi sự suy nghĩ một cách sâu sắc hơn. Việc hạ thấp một chân giá trị sẽ không mổ xẻ chúng theo những chủ đề như thế này. Cũng không có lý do nào để tôi phải khiến quý vị thấy nhàm chán với những đánh đố mang tính Thần học nhàm chán. Nhưng để trực diện với vấn đề,đòi hỏi chúng ta phải có sự tập trung tư tưởng, và tôi thật sự có ý nói đến việc tập trung tinh thần vào đó. Nếu không, thì cuộc hành trình đi từ bóng tối đến bình minh này sẽ lại đi theo lối mòn không dẫn đến đâu cả. Vì vậy chúng ta hãy đồng ý với nhau rằng, chúng ta sẽ đi đến một nơi nào đó với tất cả những điều này. Nếu quý vị nán lại với tôi lâu hơn một chút, chúng ta sẽ thấy được mục đích của tất cả bóng tối đau buồn này, khi chúng dẫn chúng ta đến ánh sáng bình minh rực rỡ. Tôi hứa rằng tôi sẽ cố gắng hết sức để giữ cho tất cả vấn đề thần học này trở nên thú vị.
Ông Phil Yancey nói cách rất tốt rằng: “Những sách thần học có xu hướng sử dụng những từ ngữ nặng nề – vô sở toàn tri, vô sở bất năng, vô thời biếnn cải, - để mô tả đức tính của Đức Chúa Trời, nhưng Kinh Thánh nói về Đức Chúa Trời bằng nhiều từ ngữ khác nhau, nhưng không hề mang tính nặng nề. Đức Chúa Trời nầy bước vào lịch sử, bênh vực người thế cô, tranh luận với con người (đôi khi để con người chiến thắng), và có thể hoặc phô bày quyền năng Ngài, hoặc không làm gì cả. Trong Kinh Thánh, cuộc đời bước đi với Chúa được mô tả giống như một câu chuyện thần kỳ, hay là một câu chuyện lãng mạn, hơn là một bản văn thần học.”Ông kết lại những gì mình nói rằng: “Những gì tôi tìm thấy trong những trang Kinh Thánh đánh dấu sự khác nhau so với những gì tôi trông đợi, và so với những gì hầu hết mọi người mong đợi trong việc tìm biết Chúa.”
Ông Philip Yancey nói đúng. Và không có gì giống như việc một tác giả, người lờ mờ cảm nhận được ngưỡng cửa của “câu chuyện bí mật” nầy, để khiến người đọc nghĩ rằng đó là một mớ hổ lốn nhạt nhẽo dài dòng, tầm thường, không thích thú. Tôi hứa rằng tôi sẽ hết sức cố gắng để không rơi vào tình trạng đó!
Cho nên với tất cả những điều đó trong trí, tôi và quý vị hãy quay trở lại bước vào trong bóng tối, nhằm mục đích có được một sự hiểu biết tốt hơn hơn về Nhân Vật đang bị treo trên cây thập tự này.
Những nhà thần học bảo thủ đã phát triển một thuật ngữ mô tả về con người Chúa Cứu Thế theo một cách khá hoàn hảo và đầy hình ảnh. Họ gọi Ngài là Thần Nhân (Theanthropic Person). Từ nầy bắt nguồn từ hai từ trfg nguyên ngữ Hy Lạp: theos nghĩa là “Đức Chúa Trời,” và anthroposnghĩa là “người.” Vì vậy khi quý vị ghép chúng lại với nhau, nó có nghĩa là Thần Nhân. Và dường như nó là tên gọi tốt nhất dành cho Chúa Cứu Thế – Thần Nhân! 
Chúng ta, những người yêu mến Đức Chúa Trời không gặp mấy khó khăn để tin rằng trước khi Chúa Cứu Thế Giê-xu trở thành hài nhi nằm trong máng cỏ, Ngài đã ở với Cha ở cõi đời đời của quá khứ, và Ngài tự hữu, nghĩa là không hề có một khoảng thời gian nào mà không có sự tồn tại của Ngài. Tuy nhiên, nan đề nảy sinh khi Ngài trở thành con người. Và Ngài đã sống trên đất trong hơn 33 năm thi hành chức vụ trên đất. Lúc đó thì sao? Có vẻ như mặc dù nó thật sự là một chiến trường trong thời đại chúng ta để phát triển và giải thích về Con người Chúa Cứu Thế, Đấng Thần Nhân trong suốt cuộc đời trên đất của Ngài. Và nhiều người gặp phải vô vàn khó khăn để hiểu được làm thế nào hai bản chất có thể tồn tại trong cùng một con người, như đã từng tồn tại trong Chúa Giê-xu. Mặc dù Ngài là một con người,Ngài cũng là Đức Chúa Trời. Ví dụ như trong thư Phi-líp đoạn 2, mô tả vấn đề nầy như sau.
“Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có,
Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ;
Chính Ngài đã tự bỏ mình đi lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người;
Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.” (Phi 2:5-8)
“Tự bỏ mình đi” có nghĩa là gì? Làm sao chúng ta có thể mô tả một Đấng Thần Nhân y như thể Ngài vẫn là Đức Chúa Trời, khi mà Ngài đã “tự bỏ mình đi”? Làm thế nào chúng ta có thể thật sự tin rằng Ngài là Đức Chúa Trời, và là người trong một con người, vì Thánh Kinh có nói rằng Ngài “tự bỏ mình đi”? Quý vị thấy đấy, đây là một trong những nan đề thật trong việc tin và giữ được đức tin chúng ta nơi Đấng Thần Nhân, Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Những gì chúng ta tin trong vị thế một Hội Thánh và những gì chúng ta tin Thánh Kinh dạy là, mặc dù Ngài đã trở nên một con người, Ngài luôn luôn không bao giờ kém hơn Đức Chúa Trời chút nào như khi Ngài luôn luôn từng có và luôn luôn sẽ như thế. Nhưng Chúa đã tự bỏ việc sử dụng thần quyền của mình đi. Nói cách khác,trong mảng đời 33 năm rưỡi đó, Ngài đã tự nguyện từ bỏ Thần quyền của một Đức Chúa Trời, và đầu phục mỗi một hành động của mình trước Đức Chúa Cha, vì thế mỗi một phép lạ được làm ra là bởi ý muốn của Đức Chúa Cha muốn Ngài làm thế.
Ví dụ, là con người, Ngài mệt và ngủ trong khoang tàu, nhưng chỉ sau đó vài phút,là một Đức Chúa Trời, Ngài đã có thể khiến sóng biển và gió yên lặng. Là một con người, Ngài đau đớn và than khóc trước mộ La-xa-rơ, nhưng vài phút sau, là Đức Chúa Trời, Ngài gọi La-xa-rơ sống dậy. Là con người, Ngài chịu đựng nỗi đau đớn cùng cực trên thập giá, nhưng là Đức Chúa Trời, Ngài đắc thắng cõi chết. 
Một trong những lý do khiến tôi bắt đầu sứ điệp với Gi 19:28-30 như thế này là vì trong đoạn nầy chúng ta có một mô tả rất rõ ràng về Chúa Giê-xu là một con người. Không nghi ngời gì nữa rằng trong đầu của bất kỳ người nào, Chúa Giê-xu không chỉ là Đức Chúa Trời, mà còn là một người rất người khi Ngài sống trên đất. Và dường như đoạn nầy phát triển ý về phần kinh nghiệm thập giá tốt nhất. 
Xin hiểu rằng khi chúng ta mở lại trong Gi 19:28, là chúng ta đang trở lại với những sự kiện đã xảy ra trong thời của Ngài khi Ngài bị treo trên thập giá.Những điều mà chúng ta đang đọc đã diễn ra trong khoảng thời gian sáu giờ đồng hồ. Ngài bị treo trên cây thập tự lúc 9 giờ sáng. Ngài chết lúc 3 giờ chiều.Thi thể Ngài được đặt vào phần mộ trước 6 giờ chiều ngày hôm đó, tuân thủ theo những gì luật pháp quy định. Nhưng khoảng thời gian 6 giờ đồng hồ đó đã cho chúng ta rất nhiều ánh sáng về bản chất của Chúa Giê-xu.
Chúng ta đọc thấy trong câu 28 rằng, 
Sau đó, Đức Chúa Giê-xu biết mọi việc đã được trọn rồi, hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, thì phán rằng: Ta khát.
Đây là câu nói thứ năm Chúa Giê-xu thốt lên trong lúc Ngài bị treo trên thập giá.Chúng ta đã học qua bốn câu nói đầu rồi. Và đây là câu nói thứ năm, có thể câu này đã nói nhiều về nỗi đau đớn của Chúa Giê-xu hơn cả những câu khác, ngoại trừ câu nói thứ nhất: “Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi?,” câu nói mô tả nỗi đau đớn trong tâm hồn của Chúa Giê-xu. Câu nói thứ năm này hơn những câu khác, vì nó nói lên nỗi đau đớn thể xác của Chúa Giê-xu. “Ta khát.” (AIFL-878,TS).
Bây giờ, điều lôi cuốn tôi ngay khi mở đầu câu nói là cụm từ,
“Sau đó, Đức Chúa Giê-xu biết mọi việc đã được trọn rồi, . . .”
Từ ngữ được Sứ đồ Giăng sử dụng để mô tả kinh nghiệm này trong trí Chúa Giê-xu là một từ không có nghĩa là biết bởi kinh nghiệm hay là sẽ đi đến chỗ biết được một điều gì đó, giống như việc quý vị đi đến chỗ quen biết với một người bạn.Từ này có nghĩa là biết bằng trực giác, bẩm sinh, có những sự kiện sẵn trong đầu, và sau đó hồi tưởng lại chúng. Ý ở đây là như vậy. Và đối với tôi, nó là một lời mô tả thích hợp về thần tánh của Chúa Cứu Thế. Trong đầu Ngài chứa đầy lời Kinh Thánh, bởi vì Ngài, mặc dù Ngài là con người, Ngài còn là Đức Chúa Trời. Và Ngài đã có sẵn tham khảo mỗi một lời Thánh Kinh khi nó từng được viết ra. Và vì thế khi Ngài bị treo trên thập giá, những gì ôn lại trong đầu Ngài chính là những lời Kinh Thánh nầy. Chúng lần lượt được ôn lại. Và Ngài đi từ lời tiên tri nầy đến lời tiên tri khác, từng lời một, và Ngài đi đến một cảm nhận sâu sắc rằng chúng đang dần được ứng nghiệm. Không bỏ sót một điều nào. Đó là điều câu Kinh Thánh này muốn nói khi chép rằng: “Đức Chúa Giê-xu biết mọi việc đã được trọn rồi.”
Để làm cho sự kiện này trở nên sinh động, tôi có một danh sách gồm trên 20 câu trưng dẫn Kinh Thánh Cựu Ước đã ứng nghiệm với 24 giờ cuối cùng của cuộc đời Chúa Giê-xu trên đất. Thậm chí bao gồm cả lời cuối cùng, những lời Kinh Thánh mà Chúa Giê-xu đang ôn lại trong đầu khi Ngài bị treo trên thập giá. Và vì thế có thể Ngài cũng đã ôn lại những lời này khi bị treo trên cây gỗ. “‘Bị bán với giá 30 nén bạc.’ Điếu đó đã ứng nghiệm. ‘Bị bạn bè chối bỏ.’ Đã ứng nghiệm.‘Các môn đồ đã bỏ Ta.’ Đã ứng nghiệm. ‘Ta bị vu oan.’ Cũng đã ứng nghiệm.  ‘Bị làm nhục, bị thương, bị đánh bầm, nín lặng trước những kẻ vu cáo, tay và chân bị đóng đinh.’” Cho đến điều cuối cùng. Quý vị hãy thử tìm trong Kinh Thánh và viết ra xem. Và trong lúc Ngài bị treo trên thập tự, những lời Kinh Thánh nầy lại lướt qua trong trí Ngài. Từ “biết” được dùng ở trong Giăng 19 cũng được dùng trong Giăng 13, có chỗ ghi
“.. . Đức Chúa Giê-xu biết giờ mình phải lìa thế gian đặng trở về cùng Đức Chúa Cha đến rồi; Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng.”
Biết những điều này, nên sau đó Ngài bèn rửa chân cho các môn đồ. Công việc đó phải được làm đồng thời với sự nhận biết rằng mọi sự đã được trọn, đã được định, đã hoàn tất.
Bấy giờ, khi Chúa Giê-xu bị treo trên thập giá, và để lời Kinh Thánh có thể được ứng nghiệm, Ngài nói rằng, “Ta khát.” Khát là một trong những nỗi đau đớn kinh khủng của việc từng trải cái chết bị đóng đinh. Mỗi khi dự Tiệc Thánh, chúng ta thường nhắc nhở về câu khác, hoặc về sự chết bằng việc bị đóng đinh của Chúa Giê-xu. Chúng ta chưa thật sự phát triển vấn đề khát nầy, vì vậy tôi nghĩ rằng nó là một phần trong nghi thức thờ phượng của chúng ta mỗi khi dự Tiệc Thánh.Khi Chúa Giê-xu bị treo trên thập giá, Ngài đã trải qua cơn khát đau đớn và kinh khủng nầy. 
Một người nghiên cứu về cách hành hình đóng đinh có nói rằng: “Miệng và cổ họng của tất cả những người bị treo trên thập tự đều kêu xin nước. Khi phạm nhân bị nhận chìm trong cơn choáng váng, anh ta bị mất nhiều nước và da anh ta trở nên đặc biệt ẩm ướt. Môi nứt và chảy máu và mắt mờ đi. Luỡi phồng lên trong miệng và nước bọt trở nên giống chất keo khô dính trong cổ họng.” 
Tôi nhớ lại kinh nghiệm này trong lần vượt biển, khi tàu chúng tôi chết máy, trôi lênh đênh giữa biển khơi trong 6 ngày dài. Mọi người đều khát. Một cơn khát kinh khiếp phủ trên mọi người. Mỗi khi có cơn mưa chợt đến, và hứng được vài giọt nước thôi, thì nó quả trở nên quý báu như những viên ngọc lúc ấy. Tôi có một người chú bà con, khi vượt biển ông cũng đã từng trải kinh nghiệm khát khinh khủng đó. Chú bảo rằng mỗi sáng , người ta tranh nhau để liếm những giọt sương đọng trên mui tàu. Có người đã phải uống nước biển và đã chết. Còn một số người thì bị mất trí. Một số khác thì phải uống chính nước thải của mình. Trong cơn khát khủng khiếp và đáng sợ của những ngày cô độc đó, tôi nghĩ ít nhất thì chúng ta cũng một phần thấu hiểu được kinh nghiệm của Chúa Giê-xu như thế nào khi Ngài thốt lên rằng: “Ta khát.”
Theo tôi, chính những chi tiết nhỏ mà các trước giả Phúc âm đã thêm vào làm cho nền tảng Kinh Thánh càng thêm đứng vững như ngày nay, và chính sự chịu đựng của Cứu Chúa chúng ta càng thêm quý báu.
Khi nói “Kinh Thánh đã được ứng nghiệm” thì chắc chắn một điều rằng Chúa Giê-xu đã có trong đầu phân đọan Kinh Thánh trong Thi Thiên 69, và tôi muốn quý vị hãy quay trở lại và mở ra xem một hoặc hai câu Kinh Thánh trong Thi Thiên 69, trước khi chúng ta quay lại Ma-thi-ơ 27 để đặt tất cả những điều này chung lại với nhau. Thi 69:20. Hãy hiểu rằng khi chúng ta nghĩ về Đấng Thần Nhân, tức Chúa Cứu Thế, rằng khi Ngài nói “Ta khát,” tức Đấng Thánh không khát, nhưng là con người đang khát. Tôi xin nhắc quý vị rằng, một lần nữa điều này được mô tả rất chân thật rằng Chúa Giê-xu là con người thật, là con người thật sự. Thân thể Ngài đau đớn vì khát cũng giống như chúng ta. Trong Thi 69:20 có nói rằng,
“Sự sỉ nhục làm đau thương lòng tôi, tôi đầy sự khổ nhọc; Tôi trông đợi có người thương xót tôi, nhưng chẳng có ai; Tôi mong chờ người an ủi, song nào có gặp.”
Hãy suy nghĩ về điều này. Đây là một trong những đoạn mà chúng ta gọi là dự ngôn về Chúa Cứu Thế. Có những lúc mỗi lần trước giả mặc dù dường như dìm mình trong đoạn Thánh Kinh mang nghĩa kép này. Nó không chỉ mô tả nhu cầu, sự đói khát, vết thương của ông, mà còn là bản mô tả thích hợp nói về Đấng Cứu Thế. Tất cả những điều này đã xảy ra trong hàng thế kỷ sau đó. Đây là một điểm chính yếu. Trước giả của Thi Thiên thứ 69 mô tả chính mình như là một bệnh nhân và đang tìm kiếm sự thương xót, nhưng lại chẳng tìm ra người ủi an. Và đó cũng là bản mô tả hoàn hảo về Chúa Cứu Thế Giê-xu tại Gô-gô-tha, đặc biệt là ở câu 21,
“Chúng nó ban mật đắng làm vật thực tôi, Và cho tôi uống giấm trong khi khát.”
Bây giờ chúng ta sẽ quay trở lại Phúc Âm Ma-thi-ơ 27, bởi vì tôi muốn quý vị chú ý đến một vài điều. Không phải người ta cho Chúa uống một lần, mà là những hai lần. Và mỗi lần là một thức uống khác nhau. Lần thứ hai họ mời Ngài uống một thứ khác hẳn lần thứ nhất. Chúng ta cùng xem trong Mat 27:32,
“Khi họ đi ra, gặp một người ở thành Sy-ren tên là Simôn; thì bắt người vác cây thập tự của Chúa Giê-xu.
Đã đi tới một chỗ gọi là Gô-gô-tha, nghĩa là chỗ cái Sọ,
Họ cho Ngài uống rượu trộn với mật đắng; song Ngài nếm, thì không chịu uống.
Họ đã đóng đinh Ngài trên cây thập tự rồi, thì bắt thăm mà chia nhau áo xống của Ngài.”
Tôi đọc mấy câu nầy như thế là vì tôi muốn quý vị chú ý rằng lần nầy họ đưa cho Ngài thức uống khác với lần được chép trong Giăng 19. Sự việc này diễn ra khi tay Ngài chưa bị đóng đinh trên thập tự giá. Họ gọi một người nam tên là Si-môn đến để vác cây thập tự cho Ngài. Họ đến đồi Gô-gô-tha và thanh gỗ được đặt xuống đất, theo như cách họ thường làm khi đóng đinh một ai đó. Thanh gỗ được đặt đó, và trước khi Ngài được đặt nằm lên trên và tay Ngài bị đóng đinh, họ cho Ngài uống mật đắng pha với rượu.
Thật thú vị là họ trao cho Ngài một hổn hợp nước uống. Và tôi phát hiện ra rằng hổn hợp này có tác dụng gây mê. Nó có công dụng làm tê liệt các giác quan. Phúc âm Mác nói rằng nó là một dược. Dường như đó là hỗn hợp gồm một dược, mật đắng với oinos, tức là rượu. Và rượu làm cho thức uống dễ uống hơn. Và họ trộn chúng lại với nhau để Ngài có thể uống dễ dàng hơn. Và khi uống vào nó sẽ làm tê liệt các giác quan. Hổn hợp này làm cho công dụng đó được phát huy. Và họ cho Ngài uống thức uống sẽ làm Ngài mê man và quên đi những đau đớn trước khi họ đóng đinh lên tay Ngài. 
Nhưng một lần nữa trở lại với Giăng 19, và quý vị chú ý rằng sự việc này không xảy ra trước khi Ngài bị đóng đinh. Tuy nhiên, nó xảy ra ngay trong lúc sắp kết thúc quá trình của việc bị đóng đinh. Sự cống hiến không giống nhau. Thậm chí cũng không phải cùng một thức uống. Và tôi thấy rằng đây là điểm đáng quan tâm. Gi 19:29 cho chúng ta biết rằng: “Tại đó, có một cái bình đựng đầy giấm.” Và đây không phải oinos, mà là oxos, một từ hoàn toàn khác. Và vì thế ở đoạn nầy, từ đó được dịch ra là “rượu chua.” Trong Cựu Ước gọi nó là giấm. Có thể nó có vị giống như loại rượu được đề cập trong Ma-thi-ơ 27.
Những tôi đang nói ở đây là khi đến lúc cuối cùng của nỗi khổ đau của Chúa Giê-xu và Ngài kêu lớn tiếng lên, hay ít nhất Ngài nói rằng, “Ta khát,” họ lấy thức uống trong một cái bình, một cái hũ để ở gần những người bị đóng đinh. Đó là một cái bình chứa toàn rượu chua. Ở đây không đề cập đến mật, không đề cập đến một dược. Nó chỉ gọi đó là “rượu chua.” Và cái đó là cái gì vậy? Thưa, đây là một thức uống rẻ tiền nhất trong thời đó. Nó là thức uống thường được những người lính uống lúc không phải làm nhiệm vụ. Thức uống này dành cho những người không được khá giả. Nói tóm lại, nó là thức uống thông thường và rẻ tiền trong thời đó. Nó rất phổ thông giống như nước trong thời đại chúng ta ngày nay vậy. Không nghi ngờ gì cả, cái bình chứa giấm được đặt ở đó với hai mục đích, cho những người lính uống cho đỡ khát và cũng dành cho các phạm nhân. Hãy nhớ rằng, một trong những lý do sử dụng cách tử hình đóng đinh, là vì cách này sẽ làm cho phạm nhân chết một cách từ từ, kéo dài thời gian đau đớn. Và nó là một cách thức tàn ác khiến cho những tên lính muốn cho các phạm nhân kéo dài thời gian sống trong tình trạng kinh khủng của họ. Và cũng vì thế cái bình được đặt ở đó.
Và điều này giải thích lý do tại sao khi họ lấy miếng bông đá thấm vào giấm và đưa lên miệng Ngài. Ngài nếm nó, Ngài uống nó. Điều này chẳng có gì là bất thường.Nó thức uống rất thông dụng vào thời đó. Họ để nó lên miệng Ngài và Ngài uống giấm đó. 
Ẩn giấu trong Gi 19:29 là một điều làm tôi vui thích. Kinh Thánh rằng, 
“.. . họ lấy một miếng bông đá thấm đầy giấm, buộc vào cây ngưu tất đưa kề miệng Ngài.”
Tôi nghe nhiều người nói và giảng về cây ngưu tất này và cách người ta sử dụng chúng trong kỳ lễ Vượt qua, và tôi chắc rằng có một giá trị chân lý ở đây.Nhưng điều làm tôi thích thú là bản chất hiện thực. Một cành ngưu tất không bao giờ cao quá 0,6 mét. Thường nó cao khoảng 0,5 mét. Vì thế điều này cho chúng ta một số nhận thức về việc thân thể bị treo cao bao nhiêu trên cây thập tự. Một cánh tay vươn dài ra cũng khoảng 0,5 mét, và không quá 0,6 mét, và quý vị đã có kết quả độ cao mà người ta treo phạm nhân lên. Không có nghĩa là Chúa bị treo cao chót vót trên không. Nhưng Ngài chỉ bị treo cao quá tầm tay, vì vậy họ phải dùng một nhành cây ngưu tất để với tới miệng Ngài. Và chỉ cần nhún vai một cái họ đã nhúng cây ngưu tất vào giấm, và sau đó đưa lên miệng cho Chúa Giê-xu, rồi Ngài nếm miếng bông đá đó cho cổ họng được đôi phút dễ chịu bởi cơn khát cháy cổ.
Giờ đây chúng ta nên có ít phút dừng lại trước bức tranh sinh động mủi lòng này.Tôi nghĩ đến những sự kiện trên thập giá như thế. Chúng ta dừng lại và xem xét cái sườn, làm như chúng ta nhấn nút dừng trên máy quay phim vậy. Cử động đang tiếp diễn và rồi bất thình lình chúng ta dừng nó lại. Tôi nói điều này bởi vì khi Ngài nói “Ta khát,” Ngài đang ở những phút sắp trút hơi thở cuối cùng. Và có một lý do mà Ngài nói như thế. Có một lý do mà Ngài muốn uống cho thỏa cơn khát. Ngài có hai điều nữa để nói, mà rõ ràng Ngài không thể nói nếu không có cái gì đó làm dịu cổ họng cháy khô của Ngài. Và vì thế Ngài nói với họ, “Ta khát.” Và Ngài nếm giấm đó, rồi nói: “Mọi việc đã được trọn! Con giao linh hồn lại trong tay Cha.”
Nhưng chiếc máy chiếu phim mà chúng ta sử dụng ở đây nhắm vào một phần nhỏ sự kiện diễn ra không đầy nửa giây để nói rằng, “Ta khát,” và sau đó là một vài giây để làm dịu cơn khát, và sau đó nó lại tiếp tục họat động trở lại.
Tôi tìm thấy ba bài học thực hành ở đoạn Kinh Thánh ngắn ngủi này hôm nay. Bài học thứ nhất tôi học được là thế này. Tôi nhìn thấy một Đấng Cứu Thế khổ đau trong hình hài con người. Tôi không biết rằng điều đó có ảnh hưởng gì lên đức tin của quý vị, nhưng nó đã tác động rất nhiều trên đức tin của tôi khi nhận ra rằng Đấng Cứu Chuộc tôi cũng là một con người thật. Khi tôi đọc trong thư Hê-bơ-rơ 4 rằng: “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội,” thì nó yên ủi lòng tôi, vì biết rằng khi tôi trải qua những thử thách trong đời, và tôi đọc thấy có một Đấng đã đau đớn như tôi từng đau đớn. Lúc đó tôi biết rằng Ngài hiểu thấu lòng tôi và Ngài bước vào bên trong cảm xúc của tôi, vì Ngài cũng là một con người thật.
Có một sự kiện nữa ở đây là Ngài không thể trở thành một thầy tế lễ thượng phẩm nếu Ngài chưa từng là một con người thật sự. Quý vị nhận ra rằng một thầy tế lễ là đại diện cho cả hai đối tượng, và trong trường hợp này, Ngài phải là duy nhất, bởi vì Ngài phải đại diện cho Đức Chúa Trời và Ngài lại phải đại diện cho con người. Đây là lý do tại sao chúng ta đã bắt đầu sứ điệp với một điểm quan trọng, Ngài là Đấng Thần Nhân. Ngài là thành viên của nhóm đầu tiên, và cũng là thành viên của nhóm thứ hai. Khi Ngài đã về với Đức Chúa Trời, Ngài là Đức Chúa Trời thật sự; và khi Ngài sống giữa nhân lọai, Ngài cũng là một con người thật thụ. Và điều đó hài hòa với nhau như thế này: Ngài trong một con người là Đức Chúa Trời trọn vẹn và là con người thật, trọn vẹn trong cùng một thân vị đến đời đời. Và đó không chỉ là một thực tế thần học và thực tiễn, mà là một chân lý tuyệt vời, rằng khi quý vị đến với Đấng Cứu Chuộc của chúng ta trong lời cầu nguyện, và khi quý vị có nhu cầu, quý vị đến với Đấng mà trái tim của Ngài đang hòa nhịp với quý vị, bởi vì Ngài đã từng bị khát, bị mắng nhiếc, bị sĩ nhục, bị ghét bỏ, bị làm ngơ và bị chối từ. Khi Ngài kêu lên: “Ta khát,” chúng ta có một sự nhắc nhở thực tế. Ngài là một con người thật, rất thật (AIFL-879, TS).
Điểm thứ hai tôi muốn đề cập trong phân đọan Kinh Thánh này là tôi thấy có một sự trái nghịch ở đây. Tôi không biết quý vị có bao giờ nghĩ đến điều này hay chưa,nhưng Chúa Giê-xu khi bắt đầu chức vụ của Ngài là lúc Ngài đang đói, và Ngài chấm dứt chức vụ của Ngài trong lúc Ngài bị khát. Quý vị có còn nhớ lúc Chúa Giê-xu bị cám dỗ trong đồng vắng theo như được chép trong Phúc âm Mác và Ngài đã đau đớn không? Bởi vì Ngài đã kiêng ăn trong 40 ngày. Sau đó Sa-tan đã đến với Ngài và cám dỗ Ngài với những lời tinh vi khéo léo và gieo vào tư tưởng không? Quý vị có nhớ sau 40 ngày chịu cám dỗ, Đức Chúa Cha đã đến và mục vụ Con Ngài qua sự hiện diện của thiên sứ không? Tại sao như thế? Vì Ngài đang đói.Điều này không mâu thuẫn sao, Ngài bắt đầu chức vụ của Ngài trong cơn đói; và kết thúc cuộc đời chức vụ của Ngài trong cơn khát. 
Ông Merrill Tenney đã nói về điều này như sau: “Chính Ngài đã ban cho con người nguồn nước sống, nhưng lại chịu chết trong cơn khát.” Khi quý vị nghiên cứu về việc Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá, thì quý vị sẽ tìm thấy rất nhiều điểm trái ngược. Trên thực tế, quý vị sẽ tìm thấy rằng Con Người này vô tội,nhưng đang đứng trong im lặng. Còn những người có tội thì thường hay la lên,hoặc phân bua đủ điều. Đấng có quyền năng để gọi các binh đoàn thiên sứ từ thiên đàng xuống, thì bị treo trên cây gỗ, mệt mỏi, nạn nhân của sự đói khát.Đó là một nghich lý. Và tôi thấy điều đó ở đây.
Nhưng có lẽ hơn hai điều đó nữa, tôi tìm thấy điều tuyệt diệu nhất trong đoạn Kinh Thánh này mà chúng ta đang xem hôm nay, sự kiện ở đây là sự không ích kỷ. Gi 19:28
“Sau đó, Đức Chúa Giê-xu biết mọi việc đã được trọn rồi, hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, thì phán rằng: Ta khát.”
Tôi muốn quý vị hãy nghĩ về nó giống điều này. Ngài đã bị khát ngay từ lúc ban đầu.Thực ra, nếu quý vị nghiên cứu cẩn thận về sự kiện Chúa Giê-xu bị đóng đinh,thì chắc chắn quý vị sẽ tìm thấy rằng việc xét xử Chúa tại các phiên tòa cộng với việc đóng đinh Chúa trên cây thập tự thì đã kéo dài hơn 12 giờ đồng hồ. Và Ngài đã bị đánh bằng roi, bị vả, bị thoi, bị nhổ vào mặt, bị sĩ nhục, bị lột trần, bị chế giễu. Tất cả khoảng thời gian dài đó đã không cho Ngài được một giây phút nghỉ ngơi, được thư giản hay được uống gì hết. Nhưng điều lý thú là không phải đến phút cuối cùng thì Ngài cũng đã yêu cầu cho thứ gì đó để làm dịu cơn khá. Không một chút ích kỷ trong Chúa Cứu Thế của chúng ta. Trải suốt thời điểm qua, Ngài chỉ nghĩ về người khác và về sự ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 
Quý vị hãy đặt mình vào trong hoàn cảnh của Ngài thử xem. Quý vị sẽ không bao giờ bị đóng đinh trên thập tự giá như Ngài, nhưng hãy thử ném bỏ những quyền lợi cơ bản mà quý vị và tôi đã từng hưởng thụ một cách cá nhân xem. Nếu không có quyền lợi thì chúng ta sẽ làm được điều đó bao lâu trước khi chúng ta trở nên cáu gắt thực sự? 
Một người bạn thân của Mục sư Chuck Swindoll tên Dennis Repko, và Denny có một công tác lý thú với một tổ chức Cơ-đốc, là nơi mà anh ta đang làm việc và vẫn còn làm việc tại đó. Anh ta đã đến Trung đông để huấn luyện cho một nhóm người Li-ban, dân địa phương của vùng đất này. Họ rất quan tâm đến những điều thuộc về Đức Chúa Trời, và đang tăng trưởng trong đời sống Cơ-đốc nhân. Và ông Denny đã có một khoảng thời gian dài ở với họ, tôi không nhớ chính xác là bao lâu, có lẽ là vài tuần, vài tháng gì đó. Và khi anh ta đang huấn luyện cho những người anh em này, thì anh tự hỏi là phải làm gì để đến những lãnh vực yếu đuốu trong đời sống của họ có thể đang phát triển. Chắc chắn là họ phải làm nhiều việc hơn là chỉ ngồi quây quần, và cùng học Kinh Thánh với nhau mà thôi. Đó chính là điểm chính. 
Và vì thế, tất cả họ đã có một khoảng thời gian rảnh rỗi. Rồi ông Denny quyết định rằng kế hoạch mà họ phải thực hiện sẽ là việc xây dựng một bức tường. Một người trong nhóm có biết một người đang cần một bức tường xây xung quanh chỗ họ. Và cuối cùng, chính nhóm người này khoảng 6-8 anh em, cùng với ông Dennis bắt đầu xây bức tường. Và Dennis nói rằng: “Mục sư biết không, quả là một điều kỳ diệu khi thấy những người anh em này làm việc tốt như thế nào, cho đến khi họ khát nước và khi họ mệt. Lúc đó thì bản chất thật của từng người đã lộ ra.” Và anh ta đã nói: “Mục sư biết không, tôi cố ý để cho chúng tôi làm việc mà không có một tiến trình xây dựng đàng hoàn là để Đức Chúa Trời chỉ ra cho chúng ta thấy cá tính của từng người trong chúng tôi.”
Tôi sẽ không để nhiều thì giờ về nó, nhưng anh ta kể lại hết sự kiện này đến sự kiện khác liên tiếp xảy đến, khi những Cơ-đốc nhân này từng cảm thấy như họ làm việc với nhau thật tốt đẹp và trưởng thành thật nhanh trong đời sống Cơ-đốc,nhưng mọi sự dường như thay đổi. Và họ trở nên gắt gỏng, đòi hỏi, thiếu kiên nhẫn. Tại sao vậy? Yếu tố thật đơn giản. Họ bị khát và họ mệt mỏi.
Đây là điều lạ lùng về cái chết của Chúa Cứu Thế. Sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng,
“Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, . . .”
“.. . Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng.”
Ngài đã đứng, Ngài đã ngồi và rồi Ngài đã bị treo lên. Ngay tại thời điểm cuối cùng chỉ một yêu cầi yên lặng, “Ta khát.”
Thức uống được ban cho. “Mọi sự đã được trọn! Tôi phó linh hồn mình trong tay Cha.”Như thế đấy! Đó là lý do tại sao Ngài muốn uống. Hầu hai lời phán cuối cùng có thể được nói ra và Ngài có thể đi vào sự chết.
Quý vị có biết tôi nhìn thấy gì trong câu nói “Ta khát” không? Tôi nhìn thấy cả Đức Chúa Trời và con người trong ấy. “Ta là” – chính giống từ mà Chúa đã nói Môi-se khi ông hỏi: “Khi tôi đến với dân sự của Ngài tại Ai Cập, thì tôi sẽ nói Chúa là ai?” Chúa bảo: “Hãy nói với chúng rằng chính ta đã sai ngươi. Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Con đời đời của Đức Chúa Trời đã sai ngươi.”
Cùng từ cũng được dùng lần khác trong Phúc Âm Giăng 8, khi những người Pha-ri-si chống đối đứng xung quanh Chúa Giê-xu bảo: “Ồ, Thầy là con của một người thợ mộc, Thầy chỉ là người Na-xa-rét.” Và Ngài đáp: “Trước khi có Áp-ra-ham, đã có TA.” Đó chính là Đức Chúa Trời! Và khi Ngài quay lại nói “Ta khát,” thì đó chính là con người.
Kính mời quý vị cúi đầu nhắm mắt lắng lòng yên lặng trong giây lát.Có lẽ sự nhắc nhở ngắn ngủi này hôm nay đã đem sự chú ý của quý vị đến với sự kiện quý vị có một con đường rất dài để đi trong sự kiên nhẫn, trong ân điển và trong sự đau đớn lâu dài của quý vị. Có thể một số quý vị đã trở nên gắt gỏng,hay cáu kỉnh trong thời gian gần đây. Mặc dù nó không phải là một miếng ăn hay một thức uống, nó có thể là một đặc quyền mà quý vị nghĩ rằng thuộc về mình, và nó trở thành một tình trạng bực dọc, tức tối khiến quý vị không thể nhận lấy nó và vui hưởng nó. Có thể nói là sự vui hưởng một chút nghĩ xã hơi do bởi áp lực của công việc, hoặc sự vui hưởng của việc được thoát khỏi những trách nhiệm do nhu cầu to lớn của gia đình quý vị. Có thể quý vị sẽ được vui hưởng mối thông công với con cái quý vị nhưng rồi vì lý do nào đó điều này không xảy ra. Có lẽ quý vị đang cách xa cha mẹ mình và quý vị không có khả năng vui hưởng sự phước hạnh của sự có mặt của họ và quý vị rất thương nhớ họ. Có thể nó là việc thiếu sức khỏe. Có lẽ quý vị đã bắt đầu uống sự bực tức của sự cay đắng do bởi sự đau khổ.
Cứu Chúa của chúng ta để lại cho chúng ta một gương tuyệt vời. Ngài nghĩ về mình sau hết. Không phải đợi đến lúc cái tích tắc cuối cùng của 6 tiếng đồng hồ đau đớn ấy trôi qua thì Ngài mới được nhắc nhở về sự khát của mình. Tôi tự hỏi nếu hôm nay quý vị sẵn sàng từ bỏ đặc quyền đó và được thỏa mãn với Chúa, rút ra từ tình yêu và sự hiện diện của Ngài tất cả những gì Ngài muốn quý vị có. Có thể một tin tức bất ngờ xảy đến trong kinh nghiệm của quý vị và khiến quý vị bị sốc, và quý vị phải đặt mọi sự lại với nhau. Và nó dường như không phù hợp. Bất cứ nhu cầu đó là gì hôm nay, thì điều cần yếu trước tiên là việc quý vị nhận biết Chúa Cứu Thế Giê-xu cách cá nhân, và quý vị chưa từng có sự khám phá ấy.Đó là lý do tại sao Chúa Cứu Thế đã đến, hầu Ngài có thể thuộc về quý vị bởi đức tin, hầu có thể giúp đỡ quý vị với những khó khăn, những kinh nghiệm cáu gắt này. Có lẽ hôm nay quý vị nói rằng: “Tôi khát. Tôi ước gì có thể được giải tỏa, nhưng vì nguyên do nào đó, Đức Chúa Trời chưa vui lòng ban nó cho tôi.”Tôi trông đợi quý vị có sự kiên nhẫn, thỏa mãn trong việc biết rằng quý vị có Chúa Cứu Thế với mình.
“cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, . . “
Trong sự yên lặng, tại sao quý vị không từ bỏ những đặc quyền ấy trước khi chúng ta cùng cầu nguyện với nhau.
Kính lạy Cha yêu thương, chúng con cám ơn Cha về việc với Chúa Cứu Thế chúng con có tất cả mọi sự giàu có để vui hưởng. Dầu những điều trong thời này dường như vượt quá sự hiểu biết của chúng con, với Cha là đầy đủ mục đích và ý nghĩa trong tất cả những gì chúng con gánh chịu. Hôm nay chúng con sẽ thông công với Ngài trong sự đau đớn, hôm nay chúng con nhận thức rằng không có bất cứ phần nào trong cuộc đời mà chúng con sống trong sự cô đơn, nhưng Chúa muốn có phần thực tế nhất trong kinh nghiệm của chúng con. Có đó là lý do mà Chúa muốn chúng con suy nghĩ về hai chữ “Ta khát” hôm nay. Cầu xin thì giờ thờ phượng này của chúng con được đầy trọn, ý nghĩa và toàn vẹn đang khi chúng con suy nghĩ về Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng đã khát, Đấng đã chịu đau đớn, Đấng đã chết thay cho chúng con.Trong danh quý báu của Đấng ấy chúng con thành tâm cầu nguyện. A-men!"

No comments

Powered by Blogger.