ĐỨC CHÚA TRỜI NHƯ MỘT CÔNG LÝ
ĐỨC CHÚA TRỜI NHƯ MỘT CÔNG LÝ
Nữ giáo sư trung học người Anh Anne Sweeney khẳng định rằng xã hội của chúng ta đang ở trên đà sắp lao vào một nếp sống hoàn toàn mới. Bà thấy bằng cớ hiển nhiên chứng minh cho điều đó trong lớp học,nơi chiếc máy tính bỏ túi đang làm đảo lộn – điều đáng lẽ Bà có thể và phải dạy theo chuyên ngành của mình: môn Toán học.
Là giáo sư trung học, bà rất thích “Ngày của các bậc Cha Mẹ” hằng năm – khi các ông cha, bà mẹ và các phụ huynh học sinh đến để thảo luận về sự tiến bộ của các học trò của bà. Nhưng bà biết là một số người trong đám họ bao giờ cũng than phiền rằng con cái họ không còn được học tập điều mà chính họ đã được truyền dạy ở nhà trường. Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy việc sử dụng các máy tính dù sao cũng là việc “nuông chiều” bọn trẻ, và môn Toán học không còn là “Toán học đích thực” nữa.
Bà Anne vạch rõ rằng tinh thần chống lại sự thay đổi vốn chẳng có gì mới mẻ cả. Chúa Cứu Thế Giê-xu từng nhận xét rằng con người ta cũng giống như các bầu rượu cũ vậy; cứ thử đổ rượu mới (những điều canh tân, cải cách) vào mà xem, tất cả sẽ bị thủng, bể hết. Bức thông điệp của Ngài là “Phải đựng rượu mới trong những bầu rượu mới”.
Bản thân bà Anne đã được đổi mới – cả bên ngoài lẫn bên trong – sau khi nhận thức được rằng Đức Chúa Trời không phải là một định lý (theorem) cần được chứng minh trước khi người ta có thể tin cậy Ngài –nhưng là một công lý (axiom), một chân lý một thực tại, cho dù Ngài có được tin cậy hay không. Bây giờ thì bà đã hiểu thế nào và tại sao có nhiều người tin cậy Ngài đang rất sẵn sàng cả để chịu chết vì đức tin (tử vì đạo của mình) nữa.
Bà Anne Sweeney ra đời tại Alberdeen,Tô-cách-lan. Bà hiện đang dạy Toán học tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Chichester tại miền Nam Anh quốc.
Sau khi học và tốt nghiệp môn Toán và Khoa học tại Đại học đường Aberdeen, bà được cấp Chứng chỉ Hậu đại học và cấp bằng Giáo dục của Trường Cao đẳng giáo dục Aberdeen. Bà đã dạy học một năm tại Tô-cách-lan trước khi cùng di chuyển về phía Nam với chồng bà là David, cũng là một người “được trọng vọng”. Ông là Trưởng phòng vi tính của Viện Nghiên cứu Ngũ Cốc trong Nhà Kính tại Lihlehampton, Sussex, Anh quốc.
Họ đều là thành viên tích cực của Hội Thánh Báp-tít Angmering gần đó.
Trở lại với thời xa xưa mà tôi còn nhớ được,tôi luôn luôn muốn trở thành cô giáo. Toán học đã luôn luôn có một vẻ đẹp cá biệt đối với tôi, một thứ lô-gic thoả đáng về đủ mọi phương diện. Khác với các bạn gái khác, tôi luôn luôn thích đem các sự vật riêng ra, để quan sát xem chúng hoạt động như thế nào. Chẳng có gì cuốn hút tôi hơn là khi biết được rằng thế nào kiến thức toán học vốn bắt nguồn từ một vài công lý đơn giản ít oi, đã được xây lên thành những cấu trúc phức tạp khó có thể tin nổi.
Bản tính của tôi là thích thắc mắc đặt vấn đề về mọi sự mọi vật, đòi hỏi các chứng cứ, và đánh vật với các câu đố nát óc. Năm tôi chỉ mới lên mười một tuổi và học năm đầu cấp trung học (lớp sáu), tôi đã chạm mặt với điều “bí mật” đầu tiên của Toán học, khiến tôi vừa bị kích thích vừa lấy làm thích thú. Tôi được chỉ cách tính đường chéo của một hình vuông. Tôi lập tức vẽ một hình vuông một phân Anh (inch) và khám phá ra rằng tôi có thể đo đường chéo của nó, nhưng không thể tính ra nó, vì căn 2 là một con số “vô tỉ” mà người ta không thể biểu diễn chính xác, hoặc là bằng một phân số hay bằng một số lẻ.Theo trí óc non nớt của tôi, thì sự việc ấy cũng giống như việc tôi có thể vẽ một đường dài mà không thể có một con số nào “đại diện” được cho nó cả! Tôi vô cùng kinh ngạc, nhưng cũng rất bối rối.
Kể từ đó, tôi biết được nhiều “định lý” quan trọng của Toán học. Và tôi cũng nhiều lần học biết được rằng không phải chỉ vì tôi không “chứng minh” được một định lý cho thoả mãn mà điều đó có nghĩa là định lý ấy sai. Tôi thường bị bắt buộc phải nhờ đến nhiều người giỏi hơn tôi để trả lời và giải thích cho tôi. Nhưng thật đáng tiếc là vẫn còn một số điều mà tôi không hiểu hết được. Dù vậy, điều đó đã không dập tắt được lòng hăng say của tôi đối với đề tài của mình: Tôi vẫn thích mùi hương của điều bí mật.
Cha tôi cũng có một thời dạy Toán, và chính ông là người đầu tiên đã dạy tôi yêu thích môn này. Trong khi đó thì mẹ tôi dạy tôi yêu mến Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, tôi đã lớn lên và chuyển phần tâm trí hay thắc mắc của tôi sang việc tra xét tất cả những gì tôi được học biết về tôn giáo. Tôi có thể tự chứng minh cho mình thấy rằng nhiều lời mà cha tôi nói về Toán học đều đúng; nhưng về những lời mẹ tôi dạy về Đức Chúa Trời thì thế nào?
Nếu quả thật tôi tin vào những gì bà đã nói là đúng, là thật thì kết luận hợp lý – theo như tôi thấy – ấy là tôi phải chuẩn bị sẵn sàng để chịu chết, vì đức tin của mình mà thôi. Tôi đọc thấy trong Thánh Kinh có nhiều vị thánh đã tử vì đạo. Một số Cơ Đốc nhân từng bị hành hạ tra tấn vì không chịu chối bỏ đạo của mình. Nhiều người khác phải chịu chế giễu, đánh đòn, và thậm chí bị xiềng xích, giam cầm nữa.
Tôi tự hỏi: “Nếu tôi bị hành hạ tra tấn, tôi có chấp nhận chối bỏ Đức Chúa Trời để được thả tự do không?”
Tôi biết là mình sẽ chấp nhận.
Do đó, tôi đi đến kết luận rằng phải có một điều gì đó khác hẳn về cơ bản giữa đức tin của các vị thánh đã tử đạo với đức tin của tôi. Nếu cũng chịu thử nghiệm giống như thế, thì kết quả của đức tin của họ với đức tin của tôi cũng hoàn toàn khác. Tôi trăn trở với vấn đề này rất lâu. Tôi rất chăm chỉ học hỏi và quan sát các vấn đề về tôn giáo. Tôi ngày càng quen thuộc hơn với các giáo lý của Hội Thánh. Tôi thường xuyên cầu nguyện.Nhưng tôi có dám từ bỏ mọi sự vì Chúa Giê-xu hay không? Câu trả lời vẫn đến với lòng tôi là: Không, chẳng bao giờ!
Một biến cố bất ngờ xảy ra đã đẩy tôi vào tình trạng trưởng thành. Tôi đã lấy chồng trong khi nhà tôi vẫn còn là sinh viên đại học. Tôi hoàn toàn trông mong rằng sau khi tốt nghiệp, chồng tôi sẽ tìm được việc làm ngay tại địa phương nơi chúng tôi đang ở. Nhưng tôi đã vô cùng bối rối khi anh nhận một việc làm tại một nơi xa đến sáu trăm dặm, tại đầu bên kia của nước Anh. Các bản đồ về thời tiết trên TV, thì miền Nam nước Anh có vẻ như một thế giới khác hẳn với miền Bắc Tô-cách-lan, nơi tôi đã lớn lên. Tôi sẽ phải xa quê nhà như thế đó! Cho nên việc di chuyển của tôi có nghĩa là tôi phải bỏ lại sau lưng tất cả các bạn bè là Cơ Đốc nhân trước đó, cũng như áp lực từ các bạn cùng trang lứa buộc tôi phải sống đúng với các chuẩn mực của Thánh Kinh. Trong cảnh cô đơn mới mẻ này của mình, tôi tuyên bố là mình đã bị hướng dẫn sai lầm để tin rằng có một Đức Chúa Trời đầy tình yêu trên thiên đàng. Hoặc là Ngài không hiện hữu, hoặc Ngài chỉ là một vị thần linh vô ngã, chẳng quan tâm gì đến tôi cả!
Nhưng Đức Chúa Trời vốn rất mạnh sức. Ngài chiến đấu với chúng ta cho đến khi nào chúng ta chịu đầu phục sức mạnh hơn của Ngài. Ngài chẳng hề bị lệ thuộc vào các tư tưởng của chúng ta để tồn tại. Loài người không thể suy nghĩ để Đức Chúa Trời hiện hữu – hay tưởng tượng là Ngài không hiện hữu.
Tin Đức Chúa Trời thì không phải là điều tự nhiên đối với tâm trí của người duy vật, nhưng Đức Chúa Trời tự bày tỏ mình ra cho tâm trí người tìm cầu Ngài. Khi một người quay lại với Chúa Giê-xu và gọi Ngài là Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu sẽ đáp: “Bấy giờ, Đức Chúa Giê-xu phán cùng người rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều này đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy” (Mat 16:17).
Lần lần, sự việc bắt đầu loé lên trong tôi là tôi đang nỗ lực làm chuyện bất khả thi. Tôi đang cố muốn chứng minh sự hiện hữu của Đức Chúa Trời như một định lý Toán học vậy, trong khi Ngài lại giống với công lý, một chân lý tự nó đã là hiển nhiên rồi, chẳng cần gì phải chứng minh nữa!
Tôi cũng bắt đầu nhận thức được rằng hằng ngày, tôi phải tiếp xúc với những điều trừu tượng, không thể sờ nắn, nắm bắt được.Thí dụ là nhà Toán học, tôi chẳng bao giờ “chạm” tới được con số 2. Tôi chẳng bao giờ nhìn thấy nó thật là khó định nghĩa được nó nếu không nhờ đến những con số khác. Thế nhưng tôi vẫn tin vào các đặc tính của “số hai”; nó là một phần tối quan trọng không thể thiếu được của toàn thể hệ thống các con số.
Tại sao lại là kém lô-gic hơn khi chúng ta cũng tin Đức Chúa Trời y như thế, tuy Ngài là vô hình, không thể sờ nắn nắm bắt bằng các giác quan thuộc thể của chúng ta?
Do đó, tôi quyết định tin vào sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, và cố tìm cách bắt liên lạc, tiếp xúc với Ngài bằng sự cầu nguyện.Ngài đã ban thưởng cho sự tìm kiếm của tôi bằng cách bảo đảm chắc chắn cho sự hiện hữu của Ngài. Một sự bảo đảm như thế không thể được nói ra thành lời; nó không thể cầm nắm, ngửi, nếm, hay nghe thấy. Nói cho đúng hơn, thì đó là một chút gì đó của chính Đức Chúa Trời mà Ngài ban cho chúng ta về phương diện tâm lý hay tâm linh, khiến cho việc phủ nhận sự hiện hữu của Ngài sẽ trở thành không tự nhiên đối với chúng ta y như phủ nhận sự hiện hữu của chính chúng ta vậy.
Tôi đã tin quyết rằng Đức Chúa Trời hiện hữu theo cách đó. Theo định nghĩa thì Ngài hiện hữu trước cả loài người và tất nhiên là Đấng đã dựng nên chúng ta. Do đó, nếu Ngài đã dựng nên chúng ta, thì Ngài phải có quyền sở hữu trên chúng ta. Nếu Ngài đã có chủ quyền trên chúng ta, thì Ngài phải cai trị chúng ta. Cho nên, tôi xin thuận phục Đức Chúa Trời –trước hết không phải vì tôi yêu Ngài, nhưng vì tôi biết mình không có cách chọn lựa nào khác. Ngài là Đấng cầm quyền cai trị tối cao trên tôi – khi học Sử ký,tôi từng được nghe những chuyện kinh hoàng chờ đợi những kẻ phản bội! Cho nên tôi quyết định tự nguyện phục vụ Ngài.
Tôi đọc lại về các thánh tử đạo. Tôi tự hỏi:Tại sao các vị ấy lại làm như thế? Làm thế nào để các vị ấy từng trải được về Đức Chúa Trời một cách sống động như thế, đến nỗi ý chỉ Ngài còn quan trọng cho họ hơn cả chính mạng sống của họ? Làm thế nào để Đức Chúa Trời trở hành quan trọng đối với họ, đến nỗi họ đã tự chọn phó mạng sống mình, hơn là bất trung với Ngài? Tôi bắt đầu hiểu tại sao nhiều người lại phục vụ Đức Chúa Trời trên đất này; chẳng hay họ có bị bắt buộc phải làm như thế hay không? Nhưng còn chịu chết vì Ngài? Tôi vẫn chưa chấp nhận cũng chưa hiểu nổi điều đó.
Điều cuối cùng đã làm thay đổi quan điểm của tôi là khi đọc đến những lời Chúa Giê-xu đã nói trước khi Ngài chịu đóng đinh vào thập tự giá. Ngài nói tiên tri rằng rồi đây Ngài sẽ trở lại, làm mới lại Địa Cầu, để kết thúc quả địa cầu này.
Công trình sáng tạo thứ nhất của Đức Chúa Trời có khả năng cho cả điều thiện lẫn điều ác, nhưng công trình sáng tạo thứ hai của Ngài sẽ chỉ có điều thiện mà thôi. Tôi bỗng dưng nhận thức ra rằng mình không thể có phần chi vào cái thế gian thứ hai của Ngài cả, vì tôi vốn xấu xa gian ác bẩm sinh và ngay từ bên trong: tôi vẫn còn đặt mình lên hàng đầu, trước hết tất cả.
Tôi thường oán trách Đức Chúa Trời về tất cả những điều đau khổ trên trần gian này. Bây giờ, tôi mới nhận thức ra rằng chính chúng ta, những kẻ muốn sống cho chính mình, mới là những người gây ra đau khổ,chứ không phải là Đức Chúa Trời. Phải chăng Đức Chúa Trời làm cho mẹ tôi khóc khi tôi cãi lại bà? Không, đó là chính tôi đã xúc phạm bà. Phải chăng Đức Chúa Trời làm cho bà cụ nằm bên vệ đường kia chết vì đói lạnh? Không, mà là chính tôi. Vì đáng lẽ ra tôi phải đem thức ăn, đem lửa than đến cho bà ta, nhưng tôi đã không quan tâm đủ.
Từng hành động trong đời sống tôi đều dường như quay trở lại tố cáo tôi. Tôi tự hỏi chẳng hay mình có bị hư vong cùng với phần còn lại của vũ trụ này khi Chúa Cứu Thế tái lâm hay không?
Rồi tôi lại nghĩ về các thánh tử đạo. Các vị cũng là những con người như tôi, nên chắc các vị cũng từng làm điều xấu xa gian ác như tôi. Thế nhưng rõ ràng là các vị ấy không hề sợ phải gặp mặt Đức Chúa Trời bằng cái chết? Tại sao?
Lần đầu tiên, tôi nhìn kỹ hơn vào cái chết của chính Chúa Giê-xu, và kết luận rằng phải có một chủ đích cho việc ấy. Nếu Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, đã quá mệt mỏi vì cái thân xác con người của Ngài, thì Ngài có thể đơn giản là vứt bỏ cái thân xác ấy lại sau lưng một ngày nào đó, để rồi trở lại thành một thần linh. Thế tại sao Ngài lại phải chịu đựng một cái chết kéo dài và đau đớn như thế?
Khi nghĩ như thế, tôi nhận thức được một điều kỳ diệu. Chúa Giê-xu con người trọn lành toàn hảo, đã chịu trừng phạt vì những tội ác mà Ngài chẳng hề vi phạm; Ngài đã tự nguyện chịu chết, sẵn lòng chịu chết để chúng ta được miễn trừ sự trừng phạt đúng lẽ công bằng về các tội ác mà chính chúng ta đã vi phạm!
Tôi rất sợ rằng lúc tôi nhìn thấy Đức Chúa Trời sau khi tôi chết, Ngài sẽ cho quay lại cuộn băng ghi hình thính thị cả cuộc đời tôi, buộc tôi phải xem dưới sự giám sát tỉ mỉ và thái độ không tán thưởng của Ngài. Tôi run sợ khi nghĩ lại một số sự việc tôi đã làm, và nhận thức được rằng chúng sẽ buộc tội tôi phải hối hận cắn rứt đời đời. Tôi cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ cho mình vì Chúa Giê-xu đã chịu chết vì tôi.
Khi tôi lại nhìn vào đời sống của mình, thì dường như cuộn băng ghi hình đã được phát hành, và chỉ có những phần tốt đẹp là được chừa lại. Tôi nhận thấy Đức Chúa Trời hiện diện gần bên tôi, ban thưởng cho tôi về những điều tốt đẹp trong đời sống của tôi, khiến tôi phải kêu lên:“Không phải như thế đâu! Như thế thật là bất công. Tôi đã làm nhiều việc sai trái cũng như phải lẽ!”.
Nhưng chính Đức Chúa Trời đã cho tôi xem cuộn băng mới ấy và nói: “Ta chẳng thấy có điều sai trái nào. Chúa Giê-xu đã xoá sạch cuộn băng cũ rồi”.
Tại sao các thánh tử đạo kia đã chịu chết?Cũng như tôi, các vị ấy đã kết luận rằng chỉ chối bỏ Đức Chúa Trời vì không nhìn thấy được Ngài thì thật là dại dột. Người ta tuy không nhìn thấy được Ngài, nhưng hơn cả điều đó, họ hiểu được tình yêu và lòng nhân từ khoan dung của Đức Chúa Trời, nhận thức được rằng sự đau khổ trên trần gian chỉ tồn tại một thời gian tương đối ngắn mà thôi. Họ phải hướng về ngôi nhà vĩnh cửu mà Chúa Giê-xu đang chuẩn bị cho họ, ngôi nhà mà về nó, Thánh Kinh dạy rằng “sẽ chẳng còn có đau buồn nữa”. Giờ đây, chính tôi cũng có thể hướng về một cõi vĩnh hằng được sống với Ngài – và nếu cần phải chết vì Ngài, tôi sẽ rât sẵn sàng.
Tôi tin vào môn Toán học mà tôi dạy, tuy tất cả đều được đặt trên nền tảng là những công lý không chứng minh được. Nhưng một công lý có thể được định nghĩa là “một chân lý tự nó đã hiển nhiên”. Sau khi đã chấp nhận một công lý, cái chân lý tự nó đã hiển nhiên về sự thực hữu của Đức Chúa Trời, tôi đã có được một đức tin cũng quan trọng hơn nhiều. Tôi đã tin vào Đức Chúa Trời hằng sống mà vì Ngài, tôi đang chuẩn bị sẵn sàng để sống – và cả để chết nữa.
Câu Chuyện 7: “TÔI KHÔNG THỂ GIÚP THA NHÂN VÌ ĐÃ KHÔNG TỰ GIÚP ĐƯỢC MÌNH”
Susan Steinmetz là một khoa học rất hạnh phúc trong công tác của mình. Cô nói: “Khí tượng học là điều đặc biệt trong mối liên hệ giữa tôi với Chúa. Nó là một sản phẩm của đời sống tôi – và là một phương tiện Đức Chúa Trời dùng để dạy tôi càng nhiều hơn về Ngài”.
Công trình nghiên cứu của cô là về nước trong bầu khí quyển. Ngay đến những khu vực khô hạn nhất trên thế giới, cũng vẫn có nước trong không khí. Nhưng nó chỉ tưới cho mặt đất và đem sự sống đến khi cô đọng lại và rơi xuống thành mưa. Nó cô đọng lại như thế nào? Cô Sue giải thích: “Chung quanh những phân tử ‘bụi’ tí ti, có ái lực đối với nước. Thánh Kinh dạy con người vốn là ‘bụi đất’ – còn Chúa Giê-xu là ‘nước hằng sống’. Khi ái lực của chúng ta đối với Ngài được thoả mãn, chúng ta cũng có thể góp phần làm tươi mát cái thế giới thuộc linh đang hoang vắng này nữa”
Bản thân tôi đặc biệt bị biểu tượng về cái mống (cầu vồng) cuốn hút. Về phương diện vật lý học cái mống là kết quả của tác dụng mà mặt trời một lăng kính trên ánh sáng và trong thời của Nô-ê, lần đầu tiên Đức Chúa Trời đã dùng nó như một biểu tượng thuộc linh rằng Ngài sẽ chẳng bao giờ còn đe doạ phán xét cả thế gian bằng nước vì cớ tội lỗi nữa. Sự soi sáng của Ngài được chiếu ra xuyên qua các tín hữu, tất cả chúng ta đều là chứng nhân cho ân điển và sự tốt lành thiện hảo của Ngài. Nhưng thiết tưởng cần nhớ cho đúng rằng,vào thời của Nô-ê, chỉ có một số ít người đã được cứu mà thôi. Họ đã được cứu như thế nào? Nhờ làm theo điều Đức Chúa Trời đã dạy họ làm”.
Susan Steinmetz là một nhà nghiên cứu khí tượng học của Phòng thí nghiệm Ứng dụng của Cơ quan Quản trị Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) tại Washington D.C. Chương trình nghiên cứu thường xuyên của cô nhằm vào việc tìm hiểu cặn kẽ hơn các dữ kiện nhờ các dụng cụ khảo sát trắc diện thẳng đứng đặt trên một loạt các vệ tinh khí tượng của NOAA. Cô còn tham gia nhiều chương trình giảng dạy, đào tạo các đội khảo sát tại các trung tâm khí tượng địa phương khắp nước Mỹ về các kỹ thuật mới nhằm thu thập và phân tích các dữ kiện về thời tiết từ các vệ tinh.
Cô Steinmetz đỗ bằng Cử nhân Khoa học về Khí tượng học, Toán học, và Vật lý học tại Đại học đường Tiểu bang Pennsylvania, và công tác tại NOAA trong một kế hoạch cộng tác nghiên cứu trước khi gia nhập ban lãnh đạo tại Trung tâm Nghiên cứu Thời tiết Thế giới để cộng tác lâu dài hơn vào năm 1979.
Cô Sue đã chia sẻ lời làm chứng này của mình với Tiến sĩ Eric Barnett, Hiệu trưởng RADAS nhân một lần đến viếng NOAA vì nghề nghiệp với cương vị một người ký hợp đồng với dự án ứng dụng các vệ tinh.
Hội Thánh của cô là Cộng đồng Cơ Đốc giáo giao ước mới tại College Park, Maryland.
Hãy tưởng tượng một phòng thí nghiệm khoa học hàng đầu trong một tổ chức của chính phủ – một điểm nóng thật sự về các sáng kiến và phương pháp tiên tiến. Cũng hãy tưởng tượng đặc biệt về một phòng thí nghiệm được thiết kế lộ thiên, lập ra để khuyến khích việc trao đổi thông tin và luận cứ sốt dẻo – nơi mà một hoạt động không ngừng nghỉ cả về hai phương diện tinh thần lẫn thể chất đều được khuyến khích. Phòng Nghiên cứu Ứng dụng thuộc Sở Vệ tinh, Dữ kiện và Thông tin về Môi trường Quốc gia của Tiểu bang Thương mại Hoa Kỳ, nằm tại ngoại ô Washington DC, chính là một nơi như thế.
Nhưng bên trong trụ sở ấy, chúng ta thấy có một góc thật yên tịnh. Xin chúng ta hãy đến gặp người chiếm dụng nó, cô Susan Steinmetz để phỏng vấn cô về nguồn gốc của thái độ yên tịnh đó của cô. Và cũng phỏng vấn cô về vấn đề tại sao các bạn đồng nghiệp của cô, phần lớn đều là các nhà khoa học lớp đàn anh của cô, cũng thường đến nhờ cô giúp đỡ để giải quyết các vấn đề cá nhân của họ?
Radas:: Thưa cô Susan, chúng tôi biết cô đang nghiên cứu về một phương diện của khí tượng học thuộc thời đại không gian hiện nay, có đúng như thế không?
Steinmetz: Vâng. Tôi đang tiếp tục lý giải các hình ảnh do vệ tinh cung cấp về hơi nước trong bầu không khí quyển nhằm cải tiến các bản tin dự báo thời tiết tại các khu vực chúng tôi đang quan sát nhờ các trạm hay khinh khí cầu quan sát thời tiết trên mặt đất. Không khí thường vô hình trong khí quyển, nhưng trên các vệ tinh ngày nay có những bộ máy cảm ứng hồng nội tuyến có thể chỉ ra nơi mà số nước có hình thức là chất khí đó tập trung.Chúng làm việc ấy bằng cách đo bức xạ của năng lượng vô hình do các phân tử li ti của nước phát ra.
Radas:: Điều đó nghe ra có vẻ rất lý thú.Cao vọng của cô phải chăng luôn luôn là muốn trở thành một nhà nghiên cứu khí tượng học?
Steinmetz: Không, chắc chắn là không. Tôi luôn luôn chuyên tâm trong vấn đề muốn làm một việc gì thực tế, giúp ích được cho người khác, và làm một điều gì đó có ý nghĩa bằng đời sống của mình, nhưng qua nhiều năm rồi, tôi cảm thấy là mình đã bị thất bại thảm hại. Hồi ở trung học,thành tâm lớn lao nhất của tôi là một chiến dịch năm năm rất thành công cho việc quảng cáo một cổ máy của Coca-cola! Cả trong thời đó, tôi vẫn biết là đáng lẽ mình phải dùng cuộc đời mình làm những việc tốt hơn thế. Nhưng có vẻ như tôi không thể nào giúp ích gì được cho người khác mà không gây tổn thương cho họ.Tôi có nhiều ý định tốt, nhưng tôi đã không giữ được các lời hứa của mình, nên nhiều cố gắng của tôi đều kết thúc bằng thất bại.
Tuy nhiên, tôi được điểm cao trong các môn học,và theo học hai năm tại trường Cao đẳng Tiểu bang Millersville, tại Pennsylvania, trước khi chuyển đến Đại học đường Tiểu bang Pennsylvania để học bằng Cử nhân Khoa học. Nhưng điều còn quan trọng hơn là tôi đã càng khôn ngoan đủ để nhờ Đức Chúa Trời giúp tôi khiến cuộc đời mình đạt thành công.
Radas:: Ý cô muốn nói là cô đã quyết định trở thành một Cơ Đốc nhân, và điều đó đã tạo ra một sự thay đổi tối quan trọng?
Steinmetz: Đúng thế. Tôi đã được trưởng dưỡng trong một gia đình có tình yêu thương và “đạo đức” nhờ “tôn giáo” của cha mẹ tôi. Nhưng tôi không nói là bản thân tôi đã nhận biết Đức Chúa Trời. Lẽ dĩ nhiên là tôi ít hay chẳng bao giờ tiếp xúc với các Cơ Đốc nhân chân chính.Chúng tôi “cầu nguyện cảm tạ” trước bữa ăn, nhưng không hề thật sự cầu nguyện.Cha mẹ tôi không đến nhà thờ – và tôi chẳng nhìn thấy được đầy đủ nơi những người mà tôi nghĩ họ là các Cơ Đốc nhân để tự mình tôi có thể đến nhà thờ.
Năm tôi lên mười lăm hay mười sáu tuổi, tôi mới thật sự được nghe nói về những con người đã sống những cuộc đời Cơ Đốc nhân năng động thật sự, nên tôi cũng muốn làm như thế nữa. Nhưng tôi đã chẳng quen biết ai trong số những người ấy, hay làm thế nào để có được phần quyền năng mà tôi biết là bản thân tôi không hề có đó. Tôi bắt đầu đọc Thánh Kinh một mình,vì tôi nghĩ rằng dù sao thì bộ sách ấy cũng nắm giữ trong nó những lời giải đáp. Nhưng sau đó, vì quá bận việc học hành ở trường trung học và cao đẳng nên tôi chẳng có thì giờ để theo đuổi việc đi tìm một điều vừa viễn vông vừa mơ hồ như là đức tin vào Đức Chúa Trời.
Khi vào trường cao đẳng, tôi thật sự thất vọng vì mọi nỗ lực muốn giúp đỡ tha nhân của tôi đều thất bại. Tôi có ý định tốt nhưng chúng đều kết thúc bằng việc gây thương tổn cho người khác. Tôi thiếu khôn ngoan và sức lực để làm điều tốt nhất mình có thể làm được. Bỗng dưng tôi bị tràn ngập bởi cái nhận thức rằng sở dĩ mình không giúp gì được cho người khác, là vì bản thân tôi chẳng biết phải làm gì với chính cuộc đời mình.
Cuối cùng, tôi đã cầu xin Đức Chúa Trời hướng dẫn đời sống tôi, tuy lúc ấy tôi chẳng biết gì nhiều về Ngài cả. Với tôi, Ngài không phải là Đấng mà tôi có khả năng để với tới. Nhưng tôi sẵn sàng tin rằng vì Ngài đã dựng nên tôi, do đó, Ngài rất yêu tôi. Chắc chắn là Ngài có thể hiểu tôi hơn cả chính tôi hiểu tôi nữa – tôi đã nghĩ như thế. Chính Ngài phải biết cuộc đời tôi có thể trở thành có giá trị như thế nào!
Radas:: Cô có nghĩ là chính Đức Chúa Trời đã hướng dẫn cô vào nghề khí tượng học này không?
Steinmetz: Tôi chắc chắn là như thế! Và cách thức Ngài làm việc ấy đã thuyết phục được tôi rằng Ngài vốn cũng có óc trào lộng nữa. Lúc ấy tôi đang đi ngang qua một hành lang thuộc phòng khí tượng học của trường cao đẳng. Thình lình tôi nhận thấy mình tự nhiên cười to lên. Tôi nghĩ:Phải chăng mình lấy làm thích thú khi nghĩ rằng mình sẽ trở thành một nhà khí tượng học?
Tôi theo một khoá học về ngành ấy, chỉ để đáp ứng phần đòi hỏi về khoa học tổng quát mà thôi, và cảm thấy yêu thích bầu không khí khi học môn ấy. Đối với tôi thì nó thật toàn hảo – có phần nào đáng sợ,có sự thách thức về phương diện khoa học, và có giá trị cho cộng đồng theo ý nghĩa thực tế. Tôi tin quyết rằng Đức Chúa Trời đã dẫn tôi đến chỗ quyết định như thế.
Radas:: Sau đó, cô có hi vọng được chuyển sang một trong các nhà trường hàng đầu về khí tượng học tại Hoa Kỳ để tiếp tục việc học tập nghiên cứu?
Steinmetz: Vâng, và chính tại Đại học đường tiểu bang Pennsylvania, tôi đã được biết Đức Chúa Trời như đã biết hiện nay –nghĩa là với tư cách một người giúp đỡ, và là một bạn thân thật sự cho cá nhân tôi. Dưới quyền chỉ dẫn và kiểm soát của Ngài, tôi đã trở thành một con người mới.Cho nên chính là nhờ sự chỉ dạy của Ngài để tôi học môn khí tượng học – và tôi đã vâng theo – mà tôi biết được rằng Ngài có thể giúp đỡ tôi về mọi phương diện của đời sống. Cũng chính nhờ môn khí tượng học mà tôi đã gặp những người quan trọng giúp tôi tăng trưởng trong sự hiểu biết và thông biết Ngài. Bây giờ, tôi đang cố gắng – và tôi nghĩ là mình sẽ thành công – để cũng giúp đỡ nhiều người khác nữa. Tôi mong là có càng nhiều người hơn nữa sẽ có thể nhận biết và yêu mến Ngài y như tôi vậy.
Radas:: Và chính vì thế mà cô đã đến công tác về một vấn đề thực tế tại một trong các trung tâm tiên tiến nhất của ngành nghiên cứu về khí tượng học ứng dụng trên thế giới.
Steinmetz: Vâng, Phòng Nghiên cứu Ứng dụng này quả thật là một nơi gây nhiều phấn khởi. Chỉ trong nhóm của tôi thôi, còn có bốn nhà khoa học khác nữa, tất cả đều nghiên cứu về việc ứng dụng các dữ kiện từ vệ tinh trong những lãnh vực như dự báo lũ lụt bùng nổ, dự báo sương mù trên duyên hải, theo dõi bức xạ và nhiệt độ để dự kiến về các mùa vụ. Nhiều nhóm khác đối phó với nhiều vấn đề khác – theo dõi băng và tuyết, cháy rừng, các điều kiện dịch bệnh trong nông nghiệp, những cơn bão lốc thình lình – có thể nói cả một bảng liệt kê vô tâm. Chúng tôi thường thảo luận về các lãnh vực ấy trong những cuộc hội thảo của chúng tôi. Tôi thật sự tạ ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã ban cho lòng tôi sự bình an và nhiều cơ hội để tôi làm chứng đạo, cũng như cho tôi một công việc làm có giá trị thực tiễn.
Radas:: Còn chúng tôi thì tạ ơn Ngài vì đã lợi dụng lời làm chứng và gương tốt của cô trong phòng thí nghiệm đầy sôi động này.Chúng tôi cũng tin chắc rằng Đức Chúa Trời ban cho mọi người chúng ta những lời giải đáp cần thiết cho các vấn đề bức bách nhất của đời sống. Chính nhờ Ngài mà chúng ta có thể trở thành hữu ích, hữu dụng hơn cho nhiều người khác. Có rất nhiều điều mà Ngài có thể làm thay đổi. Và những thay đổi ấy không thể nói là hiếm hoi, vì một thay đổi hết sức đột ngột có thể được trông mong là sẽ xảy ra trong đời sống của bất cứ một người nào đã trở thành một công cụ của Đức Chúa Trời.
Sứ đồ Phao-lô cũng từng trải một cuộc thay đổi hết sức bất ngờ trong cuộc đời ông, khi ông tận hiến chính ông cho sự quan tâm chăm sóc và tình yêu thương trìu mến của Ngài. Chính ông đã viết: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hoá bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Ro 12:1-2).
Leave a Comment