BẠN HIỂU GÌ VỀ BÀI TÍN ĐIỀU CÁC SỨ ĐỒ ?
BÀI TÍN ĐIỀU CÁC SỨ ĐỒ
Tôi tin Giê-Xu Christ là Con độc sanh của Đức Chúa Trời và là Chúa chúng ta. Ngài được đầu thai (thai dựng) bởi Đức Thánh Linh, sanh bởi nữ đồng trinh Mari, chịu thương khó dưới tay Bôn-xơ Philát, bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết và chôn, Ngài xuống âm phủ; đến ngày thứ ba, Ngài từ kẻ chết sống lại, Ngài thăng thiên, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha; từ đó, Ngài sẽ trở lại để xét đoán kẻ sống và chết.
Tôi tin Đức Thánh Linh; tôi tin Hội Thánh phổ thông; sự cảm thông của thánh đồ; sự tha tội, sự sống lại của thân thể và sự sống đời đời.
TỰA
Nếu bạn dự tính du lịch bằng đường bộ, bạn cần có một tấm bản đồ. Có nhiều loại bản đồ. Có loại bản đồ có tỉ lệ xích nhỏ, ghi ra tất cả các lối đi, bụi rậm, các con dốc và v.v.., thật chi tiết. Vì khách bộ hành cần được thông tin đầy đủ nhất về con đường mình đã chọn đi, người ấy phải có một tấm bản đồ thuộc loại như thế.Nhưng nếu muốn lựa chọn một lộ trình, người ấy có thể được biết nhiều hơn nhờ một tấm bản đồ có tỷ lệ xích lớn, cho thấy cả một vùng địa lý chi tiết hơn, người ấy sẽ thấy nhiều con đường, nhiều lối tắt nối liền địa điểm này với địa điểm khác gần hơn. Muốn chuẩn bị sẵn sàng những người đi bộ cần đến cả hai loại bản đồ vừa kể.
Nếu đời là một cuộc đi bộ thì hàng triệu chữ trong Kinh Thánh là một tấm bản đồ có tỷ lệ xích nhỏ, đầy đủ mọi chi tiết; còn Bài Tín Điều các sứ đồ (sở dĩ gọi như vậy vì bài ấy do các sứ đồ viết ra - mặc dầu có những truyền thuyết về sau này,họ không hề viết ra bài ấy - mà vì bài Tín Điều ấy dạy các giáo lý của các sứ đồ)chỉ gần trên dưới một trăm chữ là một tấm bản đồ đã giản dị hóa con đường bộ qua rất nhiều điều, nhưng có thể giúp bạn chỉ cần nhìn thoáng cũng đủ biết các điểm chính của niềm tin Cơ Đốc. Tín là tin; người theo Anh quốc giáo xưa kia thường gọi bài này là Niềm Tin, còn ở thế kỷ thứ hai, khi Bài Tín Điều xuất hiện lần đầu tiên gần như bài chúng ta có ngày nay, được gọi là Luật Đạo.
Khi người ta muốn tìm hiểu về Cơ Đốc giáo, tự nhiên những người dẫn dắt cần hướng dẫn họ nghiên cứu Kinh Thánh đưa họ đến chỗ tin nhận Đấng Christ hằng sống làm Cứu Chúa của chính mình ngay, làm như thế rất đúng. Nhưng muốn giải quyết cả hai điều phải nhờ đến Bài Tín Điều với cả hai tư cách, vừa là phần định hướng sơ khởi về Kinh Thánh, vừa là phần phân tích đầu tay về các niềm tin làm nền tảng cho đức tin đặt nơi Đấng Christ.
Các niềm tin này được đặt trên nền tảng Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Bài Tín Điều cho chúng ta biết về Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh để khi đã tìm biết được về cả Ba Ngôi ấy, tức chúng ta đã được kinh nghiệm. Sách cầu nguyện giáo lý trả lời cho câu hỏi: Bạn học biết được gì từ Bài tín Điều - tức là “Các điều khoản Niềm Tin của bạn” - như sau:
Thứ nhất: tôi học biết để tin Đức Chúa Cha là Đức Chúa Trời, là Đấng tạo ra tôi và cả thế gian này.
Thứ hai: tin Đức Chúa Con là Đức Chúa Trời, Đấng đã mua chuộc tôi và toàn thể nhân loại.
Thứ ba: Tin Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời, Đấng đã thánh hóa tôi và toàn thể tuyển dân của Đức Chúa Trời”.
Một khi đã học biết được như vậy, người ta không còn xa mấy với nước Đức Chúa Trời nữa.
“Yếu tính của tri thức một khi đã có rồi, hãy áp dụng nó” không có ở đâu, công thức trên đây của Khổng Tử lại đúng hơn trong Cơ Đốc giáo, nơi một khi chân tri thức (trí thức về Đức Chúa Trời chân thật) là sự nhận biết về Đức Chúa Trời được áp dụng. Hiểu biết về Đức Chúa Trời để áp dụng là những gì sẽ được nêu ra, trong những phần nghiên cứu tiếp theo.
TÔI TIN ĐỨC CHÚA TRỜI
Khi được hỏi bạn tin gì, nhiều người trả lời chẳng những khác nhau, mà còn nhiều loại khác nhau nữa. “Tôi tin có Thần Linh” là họ có ý bảo tôi nghĩ là thần linh có thật. “Tôi tin chủ nghĩa xã hội” - nghĩa là tôi tin rằng các nguyên tắc của xã hội chủ nghĩa là công bằng và có lợi. Nhưng điều đó có nghĩa gì khi toàn thể các hội chúng Anh quốc giáo, các giáo hội theo Luther, Trưởng lão, Giám lý,Công giáo La mã, và chính thống giáo đều đồng thanh nói: “Tôi tin Đức Chúa Trời”?Điều này có ý nghĩa hơn đối tượng để tin tưởng là thần linh hay xã hội chủ nghĩa rất nhiều.
Tôi có thể tin có thần linh nhưng không cần săn bắt cho được một vị; và có thể tin vào chủ nghĩa xã hội nhưng không cần phải đầu phiếu cho đảng ấy. Trong các trường hợp đó, tin chỉ là một vấn đề của trí tuệ. Nhưng Bài Tín Điều bắt đầu bằng câu “Tôi tin Đức Chúa Trời” được dịch ra từ câu Hi văn do các trước giả Tân Ước viết,theo nghĩa đen là": “Tôi đang tin cậy vào Đức Chúa Trời”. Câu này có nghĩa là vượt trên tất cả các niềm tin vào một chân lý nào đó về Đức Chúa Trời, tôi đang sống bằng mối liên hệ tận hiến cho Đức Chúa Trời trong sự tin cậy phó thác và kết hợp làm một với Ngài. Khi tôi nói: “Tôi tin Đức Chúa Trời” là tôi xưng nhận niềm tin quả quyết của tôi rằng Đức Chúa Trời đã mời gọi tôi vào sự dấn thân ấy, và công bố rằng tôi đã chấp nhận lời mời gọi đó.
Đức tin
Từ ngữ đức tin (faith) là do danh từ Hi văn Pistis của động từ trong câu “tin nơi”(pisteuo) nói lên ý niệm về lòng tin cậy kết hợp, mạnh hơn là “tin” (belief)trong khi “tin” (belief) chỉ gợi lên ý kiến suông, thì “đức tin” cho dù vào một chiếc xe hơi, một thứ thuốc, một người đỡ đầu, một ông bác sĩ, người bạn đời hay bất luận điều gì bạn có, cũng đều là vấn đề xem người hay vật đáng tin cậy để bạn phó thác, hiến thân. Điều này cũng đúng với đức tin bạn đặt nơi Đức Chúa Trời, nhưng còn có nhiều ý nghĩa sâu xa hơn.
Chính việc đối tượng ban phát hay đòi hỏi xác định trong từng trường hợp, đức tin dấn thân bao gồm những gì. Chẳng hạn, tôi bày tỏ đức tin vào chiếc xe hơi của tôi bằng cách trông cậy vào nó đưa tôi tới chỗ này chỗ nọ; tôi có đức tin vào ông bác sĩ của tôi bằng cách chịu để cho ông ta chữa bệnh cho tôi. Và tôi bày tỏ đức tin của mình vào Đức Chúa Trời bằng việc sắp mình xuống trước đòi hỏi của Ngài muốn cai trị và điều khiển mọi việc của tôi, bằng việc tin nhận Chúa Cứu thế Giê-Xu, Con Ngài làm Chúa và Cứu Chúa của tôi, và bằng việc trông cậy vào lời hứa của Ngài ban phước cho tôi trong đời này và cả đời sau nữa. Đây là ý nghĩa của việc đáp ứng những gì Đức Chúa Trời của Bài Tín Điều ban cho và đòi hỏi.
Có khi đức tin còn được xem ngang hàng với ý thức về “một Đấng ở trên cao” (hay “siêu vượt” hoặc “ở ngay trung tâm mọi sự") thỉnh thoảng, bằng cách xâm nhập cõi thiên nhiên, khoa học, đại nghệ thuật, sự “phải lòng” hoặc bằng bất kỳ cách nào khác, chạm đến tấm lòng những kẻ chai đá nhất (cho dù họ có quan tâm đến việc ấy hay không lại là một vấn đề khác nhưng việc ấy vẫn xảy đến với tất cả mọi người - đó là phần việc Đức Chúa Trời). Nhưng đức tin Cơ Đốc nhân chỉ bắt đầu khi chúng ta đến ra mắt Đức Chúa Trời, Đấng đã tự bày tỏ mình trong Chúa Cứu thế của Kinh điển, nơi chúng ta gặp Ngài với tư cách Đấng Tạo Hóa “bảo mọi người trong mọi nơi đều phải ăn năn” phải tin đến danh Con Ngài là Chúa Cứu thế Giê-Xu...như Ngài đã truyền dạy ta” (Cong 17:30; IGi 3:23; đối chiếu Gi 6:28;và tt). Đức tin Cơ Đốc nhân có nghĩa là lắng nghe, ghi nhận và làm theo những gì Đức Chúa Trời phán dạy.
Nghi ngờ.
Dường như sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh chính là chân lý và thẩm quyền hiển nhiên, và nói cho cùng tôi cũng tin thật như vậy; nhưng tôi biết như bạn,các quan niệm đã có sẵn và các định kiến chưa được đem ra phê phán đều tạo ra nhiều vấn đề cho mọi người chúng ta, và nhiều người có những nghi ngờ những thắc mắc sâu xa về các thành tố trong một bài giảng Kinh Thánh. Những nghi ngờ đó liên hệ với đức tin như thế nào?
Vậy,nghi ngờ là gì? Đó là một tình trạng “phân tâm” theo quan niệm của Giacơ (Gia 1:6-8), và nó có cả bên trong lẫn bên ngoài đức tin. Trong trường hợp trước, đức tin bị nhiễm độc, bệnh hoạn, không còn dùng được nữa; ở trường hợp sau, nó thuộc về một cuộc chiến đấu, hoặc là hướng về đứa tin, hoặc xa lìa một Đức Chúa Trời được cảm thấy là muốn lấn át và đòi hỏi điều ta không bằng lòng đáp ứng. Trong quyển tự thuật tiểu sử thuộc linh của C.S.Lewis nhan đề Kinh ngạc vì niềm vui (Suprised by Joy), bạn có thể quan sát thấy cả hai động cơ thúc đẩy liên tục đó.
Trong những mối nghi ngờ của mình, chúng ta vẫn tưởng mình thành thật, và chắc chắn cũng cố gắng để tỏ ra thành thật. Nhưng sự thành thật hoàn toàn vượt khỏi tầm tay chúng ta khi còn sống trên đời này, và việc không thừa nhận mình không sẵn sàng tin vào lời Đức Chúa Trời về việc này việc nọ, dầu được cho là suy diễn việc học hỏi nghiên cứu, hay sợ bị chê cười hoặc do quá muốn hay do bất cứ một động cơ thúc đẩy nào khác, đều thường ẩn bên dưới mối nghi ngờ của một người về khoản mục này hay một khoản khác của đức tin. Khi hồi tưởng các sự việc nhiều lần, sẽ thấy rõ ràng, tuy ngay lúc ấy chúng ta chưa thấy được.
Làm sao để giúp đỡ những người nghi ngờ? Trước hết? bằng cách giải thích lãnh vực có vấn đề (vì nghi ngờ thường nảy sinh do hiểu lầm); thứ hai, bằng cách trình bày tính cách hữu lý của niềm tin Cơ Đốc giáo về điểm đó, và các nền tảng để chấp nhận (vì các niềm tin Cơ Đốc nhân tuy có siêu lý (vượt trên lý trí) vẫn không hề chống lại, phản lại lý trí, lẽ phải); thứ ba, bằng cách tìm xem điều gì đã nảy sinh nghi ngờ (vì sự nghi ngờ không do lý trí thúc đẩy, và những điều chưa rõ về Cơ Đốc giáo chẳng có gì khác hơn kẻ nghi ngờ ý thức được việc thích hay không thích, bị chạm tự ái, thái độ tự tôn xã hội, trí thức và văn hóa.
Cá nhân.
Trong giờ thờ phượng, Bài Tín Điều được đọc chung, nhưng mấy lời mở đầu là: “Tôi (chớ không phải “chúng tôi") tin”; mỗi người thờ phượng tự nói lên câu ấy cho riêng mình. Như thế, người ấy tự công bố triết lý nhân sinh của mình đồng thời chứng thực cho hạnh phúc của mình: người ấy được nằm trong tay của Đức Chúa Trời là nơi người ấy rất vui mừng, và khi nói “Tôi tin” đó là một hành động ca ngợi tán tụng và cảm tạ của chính mình. Thật ra, đọc được Bài Tín Điều là cả một việc quan trọng.
Nghiên cứu thêm Kinh Thánh
Đức tin biến thành hành động: Ro 4:1-25; He 11:1-40; Mac 5:25-34;
Các câu hỏi để suy gẫm và thảo luận.
1.Nghĩa chính của “đức tin” (Hi văn pitis) là gì?
2.Chữ “Tôi” mở đầu Bài Tín Điều quan trọng như thế nào?
3.Những mối nghi ngờ đối với Cơ Đốc giáo của bạn và người khác mà bạn phải giải quyết là gì? Theo bạn nghĩ, phương pháp giải quyết của tác giả sách này có đầy đủ không?
ĐỨC CHÚA TRỜI - ĐẤNG TÔI TIN
Khi chúng ta đứng giữa Hội Thánh và nói rằng: “Tôi tin Đức Chúa Trời”, điều đó có nghĩa gì? Khi nói như vậy, phải chăng chúng ta cũng chỉ đồng thanh với người Do thái, người Hồi giáo và nhiều người chống vô thần chủ nghĩa khác để tuyên bố có một Đức Chúa Trời (Thượng đế, Thần) phân biệt với chẳng có Đức Chúa Trời (Thượng đế, Thần) nào cả? Không, chúng ta vượt xa điều đó. Chúng ta đang xưng nhận đức tin nơi Đức Chúa Trời của chính Bài Tín Điều là Đức Chúa Trời của Cơ Đốc giáo,là Đấng Tạo Hóa Tối Cao mà “danh theo Cơ Đốc giáo” của Ngài - theo như Karl Barth gọi - là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Nếu đó không phải là Đức Chúa Trời Đấng chúng ta tin, chúng ta sẽ chẳng bận tâm đọc Bài Tín Điều làm gì.
Thần tượng
Chúng ta phải phân biệt điểm này. Ý niệm hiện đại cho rằng điểm phân biệt quan trọng là giữa những người nói “Tôi tin Đức Chúa Trời” theo một ý nghĩa nào đó, với những kẻ không chịu nói như vậy theo một ý nghĩa nào đó. Người ta xem vô thần chủ nghĩa mới là kẻ thù của mình, còn ngoại giáo thì không, và người ta quyết đoán chỗ khác nhau giữa đạo (đức tin) này với đạo (đức tin) nọ thì là thứ yếu. Nhưng trong Kinh Thánh, điểm phân biệt rõ ràng là giữa người tin Đức Chúa Trời của Cơ Đốc giáo với những kẻ phục vụ các thần tượng - tức là các “thần” đó là hình tượng dầu bằng kim khí hay chỉ có trong tinh thần, đều không thể so sánh được với Đấng Tạo Hóa tự-bày-tỏ-mình. Cho nên mong rằng số người đọc “Tôi tin Đức Chúa Trời”,trong nhà thờ mỗi Chúa nhật cũng biết rõ điều họ thật sự muốn nói lên có nghĩa là “Tôi không tin thần tượng (god, idod) cũng là Đức Chúa Trời” nữa.
Danh Ngài
Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời đã mặc khải, tự bày tỏ mình, tự xác lập “lai lịch” của mình (theo như cách người ta vẫn hay nói) bằng cách nói cho chúng ta biết “danh” Ngài. “Danh” này xuất hiện ở ba chỗ.
Thứ nhất, Đức Chúa Trời xưng “tên riêng” của Ngài là GIÊ-HÔ-VA (hay Jahweh như các học giả ngày nay thích gọi) cho Môise tại bụi gai cháy (Xu 3:13; và tt; cũng xem 6:3). Tên này có nghĩa là “Ta tự hữu” hoặc “Ta hằng hữu” (xem bản RSV, cả văn bản chính lẫn ghi chú bên lề). Nó công bố toàn tính năng của Đức Chúa Trời:Con người không thể nào che giấu sự thực hữu của Ngài, cũng không thể ngăn chặn được đều Ngài muốn làm. Các dịch giả bản Authorized Version (AV) có lý khi dịch danh này là CHÚA (LORD). Bài Tín Điều nhấn mạnh tiếng vang ấy khi nói rằng Đức Chúa Trời Toàn năng là Cha.
Thứ hai, Đức Chúa Trời “công bố danh Đức Giêhôva” cho Môise để nhấn mạnh mỹ đức của Ngài - Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thật,ban ơn đến ngàn đời, xá đều gian ác, tội trọng và tội lỗi; nhưng chẳng kể có tội là vô tội...” (Xu 34:5-7). Danh này - bạn có thể thấy có một phần mô tả bằng mặc khải - tiết lộ cả bản tính lẫn vai trò của Đức Chúa Trời. Đây là một lời công bố tiếng vang của nó xuyên suốt Kinh Thánh (xem Xu 20:5; và tt; Dan 14:18; IISu 30:9; Ne 1:5; 9:17,32; Thi 86:5,15; 103:8-18; 111:4-9; 112:4; 116:5;145:8,17,20; Gio 2:13; Gion 4:2; Ro 2:2-6), và tất cả các hành động của Đức Chúa Trời Kinh điển ghi lại đều xác nhận và minh họa cho chân lý đó. Cần lưu ý khi Giăng nhấn mạnh hai phương diện đặc tính của Đức Chúa Trời bằng cách bảo rằng Ngài vừa là ánh sáng vừa là tình yêu thương (IGi 1:5; 4:8) - không phải tình thương không có sự công chính và thuần khiết, cũng không phải sự chánh trực không có lòng nhơn từ thương xót, nhưng là tình yêu thương thánh khiết và sự thánh khiết đầy yêu thương, mỗi mỹ đức ấy đạt tới cấp bậc cao nhất - mỗi lời phát biểu tóm tắt những gì ông đã học hỏi với Chúa Giê-Xu về Đức Chúa Trời.
Ba ngôi hiệp một
Thứ ba, Con Đức Chúa Trời dạy các môn đệ Ngài làm phép Báp-tem “nhơn danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh” (Mat 8:19). Cần lưu ý danh số ít chớ không phải số nhiều. Ba Ngôi hiệp một chỉ là một Đức Chúa Trời. Ở đây, chúng ta gặp chân lý khó hiểu trong tất cả các chân lý về Ba Ngôi Đức Chúa Trời, ba phân đoạn của Bài Tín Điều ("Đức Chúa Cha...Con độc sanh của Ngài...Đức Thánh Linh") cũng làm chứng cho.
Chúng ta phải làm gì đối với chân lý ấy? Ngay chính nó, ba-ngôi-hiệp-một đã là một huyền diệu, một sự kiện siêu vượt trí hiểu của chúng ta không thấu đạt nổi (đối với các thực tại khác của Đức Chúa Trời cũng vậy, tính cách vĩnh hằng, vô hạn,vô sở bất tri và quyền năng kiểm soát thần hựu các hành động tự do của chúng ta; tất nhiên, mọi chân lý về Đức Chúa Trời đều vượt khỏi khả năng lãnh hội của chúng ta, hoặc ít hoặc nhiều). Làm thế nào một Đức Chúa Trời đời đời,đổi dời ở số ít và số nhiều; làm thế nào cả Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con lẫn Đức Thánh Linh đều phân biệt nhau về thân vị (personally) nhưng thiết yếu vẫn là một (cho nên phái Tam thần (tritheism) mới tin vào ba vị thần không phải là một, và phái nhất thần (Unitarianism) lại tin vào Đức Chúa Trời duy nhất chớ không phải là ba, đều sai lầm cả), là điều vượt quá điều chúng ta có thể biết, vượt trên mọi nỗ lực nhằm “giải thích” khi người ta muốn bác bỏ một huyền diệu bằng cách lý luận thay vì chấp nhận nó căn cứ theo
Kinh Thánh, nhất định người ta sẽ ngụy tạo, biến nó thành tà giáo. Ở đây cũng như ở bất kỳ chỗ nào khác, Đức Chúa Trời của chúng ta quá vĩ đại đối với tâm trí nhỏ bé, hẹp hòi của các tạo vật của Ngài.
Nhưng các sử kiện làm nền tảng cho đức tin Cơ Đốc giáo - một người là Đức Chúa Con cầu nguyện với Cha mình và hứa rằng mình với Cha mình sẽ phái một “Đấng Yên ủi khác” đến để tiếp tục thiên chức của mình - và những sự kiện phổ quát về từng trải tận hiến của các Cơ Đốc nhân là thờ phượng một Đức Chúa Cha phía trên mình, nhận biết sự thông công với Con Đức Chúa Trời bên cạnh mình, cả hai việc đều do sự thúc giục của Đức Thánh Linh cũng là Đức Chúa Trời bên trong mình - tất cả đều chỉ ra, không tránh né vào đâu được, tính cách thiết yếu của Ba Ngôi Đức Chúa Trời Hiệp Một. Đó là công tác hoạt động của Ba Ngôi Đức Chúa Trời để cứu chuộc chúng ta: Đức Chúa Cha thiết kế, Đức Chúa Con cung cấp, và Đức Thánh Linh ứng dụng sự cứu chuộc. Nhiều đoạn Kinh Thánh đã làm chứng cho việc này, chẳng hạn hãy đọc Ro 8:1-17; IICo 13:14; Eph 1:3-14; IITe 2:13; và tt; IPhi 1:2;. Khi chúng ta phân tích phúc âm của Chúa Cứu thế , chân lý của Đức Chúa Trời Ba Ngôi được chứng minh là nền tảng và là phần nòng cốt của phúc âm.
Chỉ do công lao của ân điển tập trung vào sự nhập thể mới khiến Đức Chúa Trời duy nhất được nhìn thấy là nhiều người. Cho nên chẳng có gì để ngạc nhiên nếu những người không tin vào công lao của ân điển cũng nghi ngờ chân lý về Ba Ngôi Đức Chúa Trời nữa.
Nhưng đó chính là Đức Chúa Trời của Bài Tín Điều. Vậy phải chăng đó chính là Đức Chúa Trời chúng ta đang thờ phượng? Hay cả chúng ta nữa, cũng trở thành các nạn nhân của việc thờ lạy thần tượng?
Nghiên cứu thêm Kinh Thánh
Đức Chúa Trời tự bày tỏ mình (mặc khải): Gi 1:1-18;.
Các câu hỏi để suy gẫm và thảo luận
1.Tác giả ngụ ý gì khi nói: “Nhưng trong Kinh Thánh, điểm phân biệt rõ ràng nhất vẫn là giữa những người tin Đức Chúa Trời của Cơ Đốc giáo, với những kẻ phục vụ các thần tượng” Bạn đồng ý hay không đồng ý? Tại sao?
2.Ý nghĩa căn bản tên Đức Giêhôva của Đức Chúa Trời là gì? Tên ấy nói gì với chúng ta về Ngài?
3.Tại sao Chúa Cứu thế lại dạy các môn đệ Ngài “nhơn danh (số ít) Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh” mà làm phép Báp-tem?
CHA TOÀN NĂNG
Người tín đồ Anh quốc giáo thờ phượng Chúa thường cầu nguyện vế đầu tiên của bài Tín Điều trước khi xưng nhận điều đó, vì “Toàn Năng và thường phải là Cha nhơn từ”là câu nói đầu tiên của hội chúng khi đọc Bài Cầu Nguyện buổi sáng và Bài Cầu Nguyện buổi chiều. Trong bất luận buổi nhóm nào của một giáo phái có sử dụng Bài Tín Điều, dường như Đức Chúa Trời là Cha vẫn được tôn vinh bằng thánh ca trước khi đọc Bài Tín Điều, vì đây là một chủ đề mà bản năng của các tác giả viết thánh ca luôn luôn đề cao. Nhưng chúng ta phải hiểu việc đó như thế nào?
Công cuộc sáng tạo
Rõ ràng khi Bài Tín Điều đề cập “Đức Chúa Trời là Cha Toàn Năng (theo bản Anh văn), Đấng dựng nên trời đất”, bài tín điều nhìn ngay vào sự kiện chúng ta và muôn loài vạn vật đều trông cậy vào Đức Chúa Trời với tư cách Đấng Tạo Hóa để tồn tại, từng phút từng giây. Vậy gọi công lao sáng tạo là tình phụ tử không hề sai Kinh Thánh: nó được vang lên trong Cựu Ước, sách Ma 2:10;: “Hết thảy chúng ta chẳng phải là có chung một Cha sao? Chẳng phải chỉ có một Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta sao?” và trong Tân Ước, sách Cong 17:28;, khi Phaolô truyền giảng tại A-thên đã trích dẫn lời một thi sĩ Hy lạp mà ông đồng ý: “Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài”. Nhưng cả hai lần trích dẫn đều từ những khúc sách đề cập lời đe dọa đoán phạt của Đức Chúa Trời, và bài truyền giảng Phúc âm của Phaolô tại A-thên vạch ra rất rõ ràng tuy mối liên hệ về dòng dõi hàm ý bó buộc phải tìm cầu,thờ phượng và vâng lời Đức Chúa Trời, để con người phải trả lời cho Ngài vào ngày tận thế, không hề ngụ ý sẽ ban ơn hay vui nhận khi con người không ăn năn tội lỗi của quá khứ về đức tin vào Chúa Cứu thế (xin đọc các bài giảng các câu 17:22-31)
Có một số người nhấn mạnh đến mối liên hệ Cha Con phổ quát của Đức Chúa Trời với loài người, thường xem việc ấy như ngụ ý tất cả mọi người đang và sẽ luôn luôn ở trong tình trạng được cứu rỗi, nhưng đó không phải là quan điểm của Kinh Thánh.Phaolô bảo rằng những kẻ cho rằng “lời giảng về thập tự là điên dại” là “những người hư mất” (ICo 1:18), và cảnh cáo những kẻ “không ăn năn” là “tự chấp chứa cho mình sự giận về ngày thạnh nộ” (Ro 2:25), cho dù họ là dòng dõi của Đức Chúa Trời tới đâu đi chăng nữa.
Bài: Cha và Con
Thật vậy, khi Tân Ước đề cập Đức Chúa Trời là Cha, không hề ám chỉ việc sáng tạo, mà đề cập hai mối liên hệ thiết thân hơn. Thứ nhất là đời sống bên trong của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Bên trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời đời đời có mối liên hệ giữa Cha và Con. Trên đất này, Đức Chúa Con gọi Đấng mà mình phục vụ là “Cha tôi” và gọi Ngài là A-ba - từ ngữ A-ram tương đồng với Cha đáng kính - khi cầu nguyện.
Chính Chúa Giê-Xu từng tuyên bố mối liên hệ đó có nghĩa gì. Một mặt, Đức Chúa Con yêu thương Đức Chúa Cha (Gi 14:21), bao giờ cũng làm đẹp lòng Đức Chúa Cha (8:29).Ngài không hề đi trước, mà luôn luôn lệ thuộc sự hướng dẫn của Đức Chúa Cha từng phút từng giây (5:19,30), nhưng sự kiên trì vâng theo ý chỉ của Đức Chúa Cha là do chính Ngài. “Lạy Cha...song không theo ý muốn Con mà theo ý muốn Cha...xin ý Ngài được nên” (Mat 26:39,42). “Ta há chẳng uống chén mà Cha đã ban cho ta uống sao?” (Gi 18:11).
Mặt khác Đức Chúa Cha yêu thương Đức Chúa Con (Gi 3:35; 5:20), đề cao Ngài bằng cách ban sự vinh hiển và cho Ngài làm nhiều việc vĩ đại (5:20-30; 10:17;17:3-26). Ban sự sống và thi hành sự phán xét là hai nhiệm vụ song sinh đã được phó thác cho Ngài, “đặng ai nấy đều tôn kính Con” (5:23).
Tình phụ tử của Đức Chúa Cha đối với Con đời đời của Ngài vừa là nguyên mẫu của mối liên hệ ân điển giữa Ngài với dân Ngài vừa là khuôn mẫu do đó mà có tình phụ tử Đức Chúa Trời đã tạo ra trong các gia đình loài người. Phaolô đề cập “Đức Chúa Trời là Cha Chúa Cứu thế Giê-Xu chúng ta” là “Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều đặt tên” (Eph 1:3; 3:14; và tt). Bằng chính quy chế nội bộ gia đình của loài người phản ảnh mối liên hệ giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con phải bộc lộ một tình yêu thương tương ứng với tình yêu thương nhau giữa Cha và Con trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
Con thừa nhận
Mối liên hệ thứ hai Tân Ước đề cập Đức Chúa Trời là Cha, liên việc với việc người tín hữu là tội nhân tin Chúa được thừa nhận vào sinh hoạt với gia đình Đức Chúa Trời. Đây là một ân điển siêu nhiên, kết hợp với việc xưng công bình và sự tái sanh, được Đức Chúa Trời ban cho vô điều kiện (không phải trả giá gì cả_ và được tiếp nhận bằng việc lấy đức tin, hạ mình xuống, tin nhận Chúa Cứu thế Giê-Xu làm Cứu Chúa và là Chúa, là Chủ “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài (tin nhận Ngài),thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời...là những kẻ sanh bởi Đức Chúa Trời vậy” (Gia 1:12; và tt). Bức thông điệp Chúa Giê-Xu gởi cho các môn đệ Ngài lúc từ kẻ chết sống lại là : “Ta lên cùng Cha ta và Đức Chúa Trời các ngươi” (Gi 20:17). Là môn đệ Ngài, họ thuộc về gia đình; lẽ dĩ nhiên, theo chính câu nói đó Chúa Giê-Xu đã gọi họ là anh em ta. Tất cả những ai đã được Ngài cứu, đều là anh em Ngài.
Khi Cơ Đốc nhân đọc vế đầu tiên của Bài tín Điều, người ấy xưng nhận Đấng Tạo Hóa mình cả bằng Cha mình lẫn là chính Cha mình qua Chúa Cứu thế Giê-Xu - một người Cha hiện yêu thương mình chẳng kém gì Ngài yêu thương chính con độc sanh của Ngài. Đây quả thật là một lời xưng nhận kỳ diệu mà chúng ta có thể nói lên.
Toàn năng
Đức Chúa Trời là Cha “toàn năng” - nghĩa là Ngài có thể làm được tất cả những gì Ngài muốn. Ngài muốn gì cho các con Ngài? Đáp: muốn họ được chung hưởng mọi sự với Ngài. Các tín hữu chính là “kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Chúa Cứu thế , miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài” (Ro 8:17). Chúng ta sẽ phải chịu đau đớn, nhưng chúng ta sẽ không mất phần vinh hiển: Cha toàn năng sẽ lo việc đó. Đáng chúc tụng danh Ngài.
Nghiên cứu thêm Kinh Thánh
Chúng ta được thừa nhận trong Chúa Cứu thế : Eph 1:3-14; Ga 4:1-7;.
Các câu hỏi để suy gẫm và thảo luận.
1.Câu “chúng ta cũng là dòng dõi Ngài” nói gì về tình phụ tử của Đức Chúa Trời?câu ấy loại ra những gì?
2.Đức Chúa Trời là Cha được nhìn thấy như thế nào trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời?
3.Tại sao Chúa Giê-Xu gọi các Cơ Đốc nhân là “anh em” Ngài?
TOÀN NĂNG
Bài Tín Điều công bố đức tin vào Đức Chúa Trời là Cha toàn năng. Hình dung từ này có quan trọng không? Có, rất quan trọng. Nó cho thấy sự kiện căn bản trong Kinh Thánh, ấy là Đức Chúa Trời là Chúa, là Vua, là Đấng vô sở bất năng đang trị vì thế giới của Ngài. Hãy chú ý niềm vui lớn về sự cầm quyền tể trị của Đức Chúa Trời đã được các Thi thiên (chẳng hạn như) Thi 93:1-5;, 96:1-13;, 97:1-12;,99:1-5; và 103:1-22; công bố và ca tụng. Người ta đem việc cầm quyền tể trị của Đức Chúa Trời làm một chủ đề tranh luận, phản bác; nhưng trong Kinh Thánh, đó là vấn đề quan trọng để mọi người phải thờ phượng Ngài.
Bạn cần biết rằng sẽ không thể nào hiểu đúng được về bất kỳ một điểm nào các đường lối của Đức Chúa Trời trước khi bạn nhìn nó dưới ánh sáng của quyền tể trị của Ngài. Chắc cũng vì thế Bài Tín Điều đã dùng ngay cơ hội đầu tiên để công bố điều đó, qua đó hâm nóng tấm lòng tin tưởng, đây không phải là một chân lý để tâm trí chúng ta lãnh hội cách dễ dàng, và có một số vấn đề đã nảy sinh.
Điều Đức Chúa Trời không làm được
Thứ nhất, phải chăng vô sở bất năng có nghĩa là Đức Chúa Trời có thể làm được bất kỳ việc gì không? Không, ý nghĩa của nó không phải như vậy. Có rất nhiều điều Đức Chúa Trời không thể làm được. Ngài không thể làm những điều tự-mâu-thuẫn-với-chính-mình hay vô nghĩa, như biến hình tròn thành hình vuông. Ngài cũng không thể (và đây là điều tối quan trọng) hành động trái với đặc tính của Ngài. Đặc tính đạo đức trọn vẹn của Ngài không thể tự phủ nhận mình. Ngài không thể hành động bất thường,thiếu tình thương, tùy tiện, bất công, hay tiền hậu bất nhất. Cũng như Ngài không thể tha tội mà không đòi hỏi giá chuộc, vì làm như vậy không phải, không đúng, không công chính, Ngài cũng không thể không “thành tín và công bình” để tha tội cho những ai lấy đức tin xưng chúng ra, và không thể không giữ đúng tất cả các lời hứa của mình, vì nếu không làm như vậy ở đây, Ngài cũng không phải ,không đúng, không công chính nữa. Không ổn định, chao đảo không quyết liệt và không đáng tin cậy về phương diện luân lý đạo đức là những dấu hiệu của sự yếu đuối chớ không phải là của sức mạnh; nhưng Đức Chúa Trời vô sở bất năng là sức mạnh tối cao, khiến Ngài không thể lao mình vào những bất toàn vừa kể.
Ở phương diện tích cực, tuy có nhiều việc Đức Chúa Trời thánh khiết, khôn ngoan không thể muốn làm, nhưng tất cả những gì Ngài đã muốn, đã định làm, Ngài đều thực hiện cả. “Điều nào đẹp ý Đức Giêhôva làm, Ngài bèn làm điều ấy”(Thi 135:6). Như khi định tạo dựng thế gian này , “Ngài phán thì việc liền có” (Thi 33:9; xem Sa 1:1-31), đối với việc khác mà Ngài muốn cũng vậy. Với loài người từ nói đến làm là cả một trời một vực, nhưng với Ngài không phải như vậy.
Ý chí tự do của con người.
Thứ hai, phải chăng quyền năng thực hiện các chủ đích của Đức Chúa Trời hạn chế ý chí tự do của loài người? Không. Khả năng chọn lựa tự phát và có trách nhiệm của con người là việc do Đức Chúa Trời tạo ra, một phương diện huyền nhiệm của bản tính con người thọ tạo, và quyền năng của Đức Chúa Trời để hoàn thành các chủ đích của Ngài không hề bị bất cứ việc gì do Ngài tạo ra hạn chế cả. Như Ngài đã thực hiện ý chỉ Ngài qua việc vận dụng điều hành vật lý làm sao, cũng vậy, Ngài cũng vận dụng cơ cấu tâm lý của chúng ta để thực hiện ý chỉ Ngài. Không có trường hợp nào tính trung thực của vật thọ tạo bị cưỡng chế và người ta luôn luôn có thể “giải thích” được mọi việc xảy ra (ngoại trừ một số phép lạ) không cần phải viện dẫn quyền cai trị của Đức Chúa Trời. Nhưng trong tất cả các trường hợp, Đức Chúa Trời chỉ cần truyền lịnh, mọi việc đều xảy ra.
Cho nên Đức Chúa Trời không cần phải xâm phạm bản tính của các thực tại thọ tạo hay thu hẹp hoạt động của con người cho ngay hàng với cấp bậc người máy, Ngài vẫn “làm mọi sự hiệp với ý quyết đoán (Ngài)” (Eph 1:11)
Nhưng chắc chắn trong trường hợp đó, phải chăng chúng ta nghĩ rằng ý chí tự do của mình sẽ chỉ là ảo tưởng, không có thật? Điều đó tùy thuộc điều bạn muốn nói. Nếu chúng ta nghĩ ý chí chúng ta được tự do nếu hành động ngoài Đức Chúa Trời, chắc chắn điều đó chỉ là ảo tưởng. Nhưng ý chí tự do theo nghĩa “kẻ thừa hành tự do”như các thần học gia đã định nghĩa - nghĩa là phần năng lực tự phát, tự quyết để chọn lựa như đã được đề cập ở phần trên - có thật. Nó có thật như một sự kiện sáng tạo, một góc cạnh của nhân tính chúng ta y như mọi vật thọ tạo có trong Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời nâng đỡ và cầm quyền tể trị trên mọi vật như thế nào để khỏi cưỡng chế tất cả, đó là bí quyết của Ngài; nhưng Ngài đã làm như vậy là điều chắc chắn, căn cứ cả vào chính kinh nghiệm chúng ta ý thức trong việc quyết định và hành động “hoàn toàn theo ý chí tự do của mình”, lẫn căn cứ vào điều nhấn mạnh trang trọng của Kinh Thánh, rằng chúng ta phải trả lời trước mặt Đức Chúa Trời về các
hành động của mình, chính vì theo ý nghĩa luân lý đạo đức, chúng quả thật là của riêng chúng ta.
Điều ác bị chế phục
Thứ ba, phải chăng sự hiện hữu của điều ác - những xấu xa đạo đức, sự đau khổ vô ích, và điều tốt điều thiện bị phung phí gợi ý rằng Đức Chúa Trời không phải là Cha toàn năng? - vì chắc chắn Ngài phải cắt hết mọi điều đó đi, nếu Ngài có thể làm được? Vâng, Ngài sẽ làm, và Ngài đang làm việc ấy! Qua Chúa Cứu thế, những con người xấu xa như bạn với tôi đã được khiến nên tốt lành; những thân thể mới mẻ hoàn toàn được giải phóng khỏi đau khổ bệnh tật đang được hình thành, đồng thời, có cả việc tái tạo cả vũ trụ nữa; và Phaolô bảo đảm rằng: “Những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh được với sự vinh hiển hầu đến sẽ được bày tỏ ra trong chúng ta” (Ro 8:18; đối chiếu 19:23). Nếu Đức Chúa Trời có vận hành chậm hơn điều chúng ta muốn trong việc quét sạch điều ác khỏi thế gian này để đưa vào một trật tự mới, chúng ta hãy tin quyết rằng vì Ngài muốn mở rộng chủ đích đầy ân điển Ngài để đưa thêm vào đó càng nhiều nạn nhân của thế gian xấu xa gian ác này hơn nữa, bằng không Ngài đã làm xong xuôi tất cả mọi việc rồi!(Hãy nghiên cứu IIPhi 3:3-10;, nhất là mấy câu 8 và tt).
Tin lành
Chân lý về Đức Chúa Trời toàn năng trong công cuộc sáng tạo trời đất muôn vật, trong quyền năng thần hựu và trong ân điển, là nền tảng cho tất cả lòng tin cậy, sự bình an, sự vui mừng của chúng ta trong Đức Chúa Trời, và là sự bảo đảm cho mọi hy vọng cho chúng ta về những lời cầu nguyện của mình sẽ được nhậm, được bảo vệ trong hiện tại, và được sự cứu rỗi cuối cùng. Điều đó có nghĩa rằng số mạng,các ngôi sao, sự may rủi mù quáng, sự điên dại của loài người, sự quỉ quyệt của Sa tan không hề điều khiển, kiểm soát thế gian này; trái lại, chính Đức Chúa Trời trọn vẹn về phương diện đạo đức đang cai trị nó, và chẳng có gì có thể truất ngôi Ngài, hay lũng đoạn được các chủ đích do tình yêu thương của Ngài: và nếu tôi đã thuộc về Chúa Cứu thế, thì:
Tôi có một Đấng bảo vệ tể trị, Ngài vô hình, nhưng đời đời vẫn ở gần thành tín bất biến để giải cứu, Toàn năng để cai trị và truyền lịnh...Nếu Ngài là Cái Khiên và Mặt Trời của tôi, thì đêm không còn tối tăm cho tôi nữa, và các khoảnh khắc của đời tôi càng qua nhanh, chúng càng đưa tôi đến gần hơn với Ngài. Phải chăng đó là Tin Lành? Vâng, Tin Lành tốt nhất trên đời!
Nghiên cứu thêm Kinh Thánh
Đức Chúa Trời cầm quyền tể trị: Sa 50:15-26; Thi 93:1-5; Cong 4:23-31;.
Các câu hỏi để suy gẫm và thảo luận
1.Toàn năng có nghĩa gì? Tại sao tin rằng Đức Chúa Tròi toàn năng là điều vô cùng quan trọng? nếu có thì theo ý nghĩa nào, quả thật có một số sự việc cả quyền vô sở bất năng cũng không thể làm được?
2.Ý chí tự do của loài người có hạn chế quyền năng của Đức Chúa Trời không? Tại sao có và tại sao không?
ĐẤNG TẠO HÓA TRỜI VÀ ĐẤT
Kinh Thánh được bắt đầu bằng câu: “Ban đầu, Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”("Trời đất” là cách nói của Kinh Thánh để chỉ “mọi vật đang có").
Người ta có thể tranh luận về vấn đề hai chương 1 và 2 của sách Sáng thế ký đã đề cập nhiều (hay ít) phương pháp sáng tạo - thí dụ hai chương ấy có loại bỏ cái ý niệm về các cơ cấu vật chất có tiến hóa qua nhiều giai đoạn tính bằng nhiều ngàn năm hay không: Tuy nhiên, rõ ràng mục đích chính của hai chương sách ấy không nhằm cho chúng ta biết thế gian này đã được tạo dựng như thế nào, nhưng cho chúng ta biết ai đã tạo dựng nó.
Giới thiệu nhà nghệ sĩ
Có một chương kết thúc một trong những câu chuyện trinh thám của Dorothy Sayers có nhan đề: “Khi bạn biết cách để nhận biết ai”. Tuy nhiên, hai chương 1 và 2 của Sáng thế ký chỉ cho chúng ta biết ai mà không đưa ra những câu trả lời cho cách làm thế nào. Ngày nay, có thể có người cho rằng đó là một khuyết điểm, nhưng trong viễn ảnh lịch sử mối bận tâm có tính cách “khoa học” hiện nay của chúng ta đối với câu hỏi là cách nào, làm thế nào chớ không phải là ai, tự nó có vẻ đã rất cổ lỗ lắm rồi. Thay vì chê trách các chương sách ấy chẳng có gì để bồi bổ cho mối bận tâm rất thế gian của mình, đáng lẽ chúng ta phải thấy ở đó lời trách cứ cần thiết đối với sự đam mê lệch lạc của chúng ta là chỉ muốn biết về cõi thiên nhiên chẳng cần xét xem điều quan trọng nhất, tức là tìm biết Đấng Tạo Hóa cõi thiên nhiên.
Bức thông điệp hai chương sách ấy rao truyền cho chúng ta là: “Bạn đã thấy biển, thấy trời, thấy mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao? Bạn đã nhìn những con chim, con cá? Bạn đã quan sát phong cảnh, thảm thực vật, các loài thú, côn trùng, mọi sự từ lớn tới nhỏ? Bạn đã ngạc nhiên về tính cách phức tạp kỳ diệu của con người;với tất cả năng lực; tài ba, các tình cảm sâu xa có tính cách lôi cuốn, hấp dẫn,tình cảm giữa người nam và người nữ với nhau? Thật là kỳ lạ, phải không thưa bạn?Vậy, bây giờ, bạn hãy chuẩn bị gặp Đấng đang ẩn đàng sau tất cả điều đó!”. Cũng như có người bảo với bạn rằng: Bây giờ, sau khi bạn đã được thưởng thức các công trình nghệ thuật đó, bạn phải bắt tay nhà nghệ sĩ; bạn đã xúc động sâu xa vì bản nhạc, chúng tôi xin giới thiệu nhạc sĩ đã soạn bản nhạc ấy. Chính vì muốn chúng ta thấy Đấng Tạo Hóa chớ không phải công trình sáng tạo trời đất muôn vật,dạy cho chúng ta biết về Đức Chúa Trời chớ không dạy khoa học vật lý, nên Sáng thế ký chương 1 và 2, cùng với những bài ca tụng công cuộc sáng tạo, như Thi thiên 104 và Gióp 38-41 đã được viết.
Trong việc sáng tạo, Đức Chúa Trời là thợ thủ công lành nghề, và còn hơn thế nữa. Người thợ thủ công tác tạo từ vật liệu có sẵn, và bị nó hạn chế mình, nhưng trước khi Đức Chúa Trời phán: “Phải có...” thì chưa có vật liệu nào tồn tại cả. Để nói về điều này, các thần học gia gọi đây là “sự sáng tạo từ hư vô”, không có nghĩa rằng hư vô cũng là một cái gì có(!), nhưng hàm ý khi sáng tạo Đức Chúa Trời hoàn toàn tự do và không hề bị hạn chế, và chẳng có gì quyết định hay phác họa, hình dung trước điều Ngài sắp cho ra đời, trừ ra chính điều mà Ngài nghĩ nó phải như thế nào.
Đấng tạo hóa và loài thọ tạo
Sự phân biệt giữa Đấng Tạo Hóa với loài thọ tạo là nền tảng của quan điểm về quyền làm và chưa làm chủ của Đức Chúa Trời trong sự sắp xếp thần hựu và ban ân điển,và lẽ tất nhiên cũng là tất cả mọi tư tưởng về Đức Chúa Trời và loài người.Chính vì thế nó được ghi trong Bài Tín Điều. Tầm quan trọng của nó ít nhất cũng gồm ba phương diện:
Thứ nhất, nó ngăn chặn sự hiểu lầm về Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã tạo nên chúng ta theo hình tượng Ngài nhưng chúng ta lại có khuynh hướng muốn nghĩ về Ngài theo như hình tượng của chúng ta! ("Con người tạo ra Thượng đế theo hình tượng của chính nó” là một câu nói đùa của Voltaire, chớ không phải là một câu nói đúng). Nhưng sự phân biệt giữa Đấng Tạo Hóa với loài thọ tạo nhắc nhở chúng ta Đức Chúa Trời không hề lệ thuộc chúng ta như chúng ta bị lệ thuộc vào Ngài;cũng không hề hiện hữu do ý muốn của chúng ta thích như thế, chúng ta cũng không thể nghĩ về sự sống cá nhân của Ngài cũng giống như đời sống chúng ta. Là loài thọ tạo, chúng ta bị hạn chế; chúng ta không thể biết được mọi sự; chúng ta không thể hiện diện khắp nơi, cũng không thể làm được mọi sự hoặc tồn tại bất biến qua năm tháng. Nhưng Đấng tạo Hóa không hề bị hạn chế trong các phương diện ấy. Do đó chúng ta nhận thấy mình không thể nào hiểu nổi Ngài - nói như vậy,tôi không hề ngụ ý bảo rằng Ngài là vô nghĩa lý,
nhưng là Ngài vượt quá khả năng lãnh hội của chúng ta. Chúng ta không thể đo lường được Ngài, chẳng khác gì con chó con mèo của chúng ta không thể đo lường được chúng ta vậy. Khi Luther bảo với Erasmus rằng các tư tưởng của ông về Đức Chúa Trời quá có tính cách con người vì ông đã nhổ bật mọi gốc rễ của tất cả các nguyên tắc của tôn giáo duy lý từng gây ô nhiễm cho Hội Thánh - quả đúng như vậy? Khi suy nghĩ về Đức Chúa Trời, chúng ta phải học hỏi để biết tự phê bình.
Thứ hai, sự phân biệt đó ngăn chận sự hiểu lầm về thế giới này. Thế giới này sở dĩ hiện hữu trong tình trạng ổn định hiện có, là nhờ ý chỉ và quyền năng của Đấng Tạo Hóa. Vì đây là thế giới của Ngài, cho nên chúng ta không phải là các chủ nhân ông, được tự do muốn làm gì thì làm tùy thích, nhưng chỉ là những người quản lý, phải trả lời, phải chịu trách nhiệm với Ngài về cách thức chúng ta sử dụng các nguồn tài nguyên của nó. Và vì đây là thế giới của Ngài, chúng ta không thể chê bai nó. Phần lớn các tôn giáo được xây dựng trên ý niệm trật tự vật chất -thực tại như thân xác ta kinh nghiệm cùng với thân xác ta kinh nghiệm được nó -là xấu, do đó, cần phải bị khước từ chẳng đếm xỉa gì đến trong phạm vi của nó.Quan điểm phi nhân hóa những kẻ tôn sùng nó đó, nhiều khi cũng tự xưng là theo Cơ Đốc giáo, nhưng sự thật là nó vốn phi-Cơ Đốc giáo. Vì vật chất vốn do chính Đức Chúa Trời tạo ra, là tốt lành dưới mắt Ngài (Sa 1:31) cho nên dưới con mắt chúng ta sự việc cũng phải như
vậy (ITi 4:4). Chúng ta phục vụ Đức Chúa trời bằng cách sử dụng và hưởng thụ những vật tạm thời đó với tấm lòng biết ơn, với ý thức về giá trị của nó đối với Ngài là Đấng Tạo Hóa chúng, và đối với tấm lòng hào hiệp mà Ngài đã ban cho chúng ta. Tìm cách phục vụ Đấng Tạo Hóa lại chê bai bất cứ một thành phần trong công trình Đấng Tạo Hóa của Ngài, thì kẻ ấy tất nhiên “thiêng liêng quá mấu” và phi nhân.
Thứ ba, sự phân biệt đó ngăn chận sự hiểu lầm về chính mình. Vì con người không phải là kẻ tự tạo chính mình, nên không thể tự cho mình là chủ của bản thân “Đức Chúa Trời đã tạo chúng ta cho chính Ngài, để phục vụ Ngài trên đất này”. Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta là sự kiện đầu tiên trong đời sống chúng ta phải đương đầu; muốn trực diện với nó, chúng ta cần có một ý thức đúng đắn về tính cách thọ tạo của mình.
Nghiên cứu thêm kinh thánh
Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa: Sa 1:1-2:25; Es 45:9-25;
Các câu hỏi để suy gẫm và thảo luận
1.Câu “Phải có..."mà Đức Chúa Trời phán có nghĩa gì?
2.“Sự phân biệt giữa Đấng Tạo Hóa với loài thọ tạo” tác giả bàn đến ở đây có liên hệ gì với việc Đức Chúa Trời tạo dựng con người theo hình tượng Ngài?
3.Tại sao chúng ta dám quả quyết trật tự vật chất không phải là xấu?
TÔI TIN CHÚA CỨU THẾ GIÊ-XU
“Tôi tin Đức Chúa Trời là Cha...và tin Đức Chúa Giê-Xu, Con độc sanh của Ngài và Chúa chúng ta”. Bài Tín Điều công bố như vậy. Khi Bài Tín Điều gọi Đức Chúa Trời là “Đấng dựng nên trời đất”, nói chung bài ấy bắt đầu bằng cách kết bạn với Ấn giáo và các tôn giáo Đông phương. Giờ đây, khi bảo rằng Chúa Cứu thế Giê-Xu là Con một của Đức Chúa Trời, Bài Tín Điều đã chia tay với Do thái giáo và Hồi giáo để đứng riêng một mình. Lời công bố đó về Chúa Giê-Xu là tảng đá làm nền móng cho Cơ Đốc giáo và là chất liệu để khiến Cơ Đốc giáo trở thành độc nhất vô nhị. Vì cả Tân Ước được viết nhằm biện minh cho lời công bố đó, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy Bài Tín Điều nhấn mạnh điều đó với đầy đủ chi tiết hơn khi nhấn mạnh bất kỳ một điểm nào khác.
Chúa Cứu Thế tại tâm điểm
Lời công bố này là tâm điểm của phần trình bày Bài Tín Điều, vì đoạn rất dài đề cập Chúa Cứu thế Giê-Xu nằm giữa hai đoạn yếu hơn đề cập Đức Chúa Cha và Đức Thánh Linh. Nó cũng là ý chính, là tâm điểm của đức tin của Bài Tín Điều, vì chúng ta sẽ không thể hiểu được Ba Ngôi Đức Chúa Trời, sự cứu rỗi, sự sống lại và sự sống đời đời ngoài Chúa Cứu thế Giê-Xu. Chính Chúa Cứu thế Giê-Xu, bằng việc cứu chuộc toàn thể dân sự Đức Chúa trời, là Đấng đã mặc khải tất cả các chân lý kia.
Hãy xem Bài Tín Điều trình bày Ngài như thế nào.
Giê-Xu (từ ngữ Hi văn dành cho Giô-suê có nghĩa là “Đức Chúa Trời là Cứu Tinh")là tên riêng của Ngài. Nói lên rằng Ngài là một nhân vật lịch sử, con trai của Bà Mari, người Naxarét xứ Galilê, một người Do thái, nguyên làm thợ mộc, từng hoạt động ba năm với tư cách là một rabi ở thôn quê, rồi bị nhà cầm quyền La mã xử tử vào khoảng năm 30 SC. Bốn sách Tin Lành mô tả khá chi tiết về chức vụ của Ngài.
Cứu thế (Christ, nghĩa đen: người được xức dầu) không phải là biệt danh, ngoại trừ theo cách gọi thời xưa, chỉ nghề nghiệp của một người. “Christ” có thể người Hội trưởng lão gọi là một “chức sắc”, Chúa Giê-Xu là Đấng được Đức Chúa Trời lập làm nhà-vua-cứu-tinh mà dân Do thái trông đợi từ lâu. Vì mọi người đều mong đợi Chúa Cứu thế sẽ thiết lập quyền cai trị của Đức Chúa Trời và được chào đón như Chúa tể cả thế gian, gọi Chúa Cứu thế Giê-Xu có nghĩa là tôn xưng Ngài vào địa vị quyết định trong lịch sử mà mọi người ở khắp nơi đều phải nhìn nhận. Các Cơ Đốc nhân đầu tiên ý thức rõ ràng điều đó khi gọi Ngài như vậy. Người ta có thể thấy họ có ý đó trong những bài thuyết giảng đã được ghi lại trong Công vụ (xem Cong 2:22-36; 3:12-36; 5:29-32; 10:34-43; 13:26-41; v.v...) “Chúa Cứu thế đã chết và sống lại, ấy là để làm Chúa kẻ chết và kẻ sống” (Ro 14:9). “Hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Giê-Xu, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất thảy đều quì xuống” (Phi 2:10).
Danh hiệu Christ còn nói lên việc Chúa Giê-Xu chu toàn cả ba chức vụ mà người ta được xức dầu trong thời Cựu Ước để làm nhà tiên tri (sứ giả từ Đức Chúa Trời đến),thầy tế lễ (người nhờ của lễ trở thành trung gian giữa Đức Chúa Trời với chúng ta), cũng như để làm vua.
Vinh quang của việc kết hợp các vai trò ấy lại chỉ được thấy rõ khi chúng ta nối liền chúng với các nhu cầu thật sự của mình. Chúng ta là tội nhân, cần gì để phục hồi nối liên hệ phải lẽ và tốt đẹp với Đức Chúa Trời? Trước hết, chúng ta dốt nát về Ngàinên cần được dạy bảo - vì ta không thể nào liên hệ tiếp xúc thỏa đáng với một người mà mình chỉ biết rất ít hay chẳng quen biết gì cả. Thứ hai, chúng ta đã làm mặt lạ với Ngài, cho nên bây giờ cần được làm hòa trở lại - nếu không, kết cuộc chúng ta sẽ chỉ là những kẻ xa lạ, không được tiếp nhận, không được tha tội,không được ban phước đối với Đức Chúa Trời là Đấng vẫn yêu thương chúng ta,chúng ta sẽ chỉ là những kẻ bị lưu đày không được thừa kế phần sản nghiệp đã tích lũy cho người được làm con cái Đức Chúa Trời. Thứ ba, chúng ta chỉ là những kẻ yếu đuối, mù quáng và điên dại khi muốn sống cho Đức Chúa Trời, cho nên chúng ta cần có người hướng dẫn, bảo vệ và tăng cường sức lực - đó là vai trò của nhà vua trong dân Ysơraên vào thời Cựu Ước. Giờ đây, nơi con người và chức vụ con người Chúa Cứu thế Giê-Xu, nhu cầu theo cả ba phương diện đó đều được đáp ứng hoàn toàn! Ha-lê-lu-gia!
Nhà Đại Tiên Tri của Đức Chúa Trời tôi!
Lưỡi tôi sẽ ca tụng danh Ngài;
Nhờ Ngài mà Tin Lành về sự cứu rỗi cho chúng tôi đã đến;
Tin mừng về tội lỗi chúng ta được tha,
Hỏa ngục bị chế phục, và được phục hòa với thiên đàng.
Chúa Giê-Xu, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm lớn của tôi,
Hiến dâng huyết Ngài và chịu chết;
Lương tâm tôi lời của tôi không tìm cầu của lễ nào khác;
Huyết đầy quyền năng của Ngài thực hiện sự cứu chuộc chỉ một lần,
Và bây giờ, thì biện hộ trước ngôi.
Lạy Chúa Toàn Năng yêu dấu
Nhà chinh phục và là Vua tôi,
Tôi ca ngợi cây Vương trượng và thanh gươm Ngài,
Và sự cai trị đầy ân điển Ngài
Quyền phép thuộc về Ngài; hãy nhìn xem,
Tôi ngồi
Tự ý tự nguyện chịu trói buộc dưới chân Ngài.
Chúa là Đức Chúa Trời
Đức Chúa Giê-Xu, là Chúa Cứu thế (theo Bài Tín Điều) là Con độc sanh của Đức Chúa Trời. Điều này nhận diện người con trai của Bà Mari là ngôi thứ hai trong ba Ngôi Đức Chúa Trời đời đời, là Ngôi Lời đại diện của Đức Chúa Cha để tạo dựng và nâng đỡ thế gian này được tốt đẹp cho đến nay (Gi 1:1-14; Cong 1:13-20; He 1:1-3). Đây là điều kinh ngạc quá đỗi? Vâng, chắc chắn như vậy, nhưng việc “kê khai ý lịch” Ngài như vậy, chính là “trái tim” của Cơ Đốc giáo. “Lời của Đức Chúa Trời đã trở thành người và sống giữa chúng ta" (Gi 1:14;, bản dịch Phillips).
Tiếp ngay sau đó, là “Chúa chúng ta”. nếu Chúa Giê-Xu là Con Đức Chúa Trời, Đấng Đồng Tạo Hóa chúng ta, cũng chính là Chúa Cứu thế, là nhà vua được xức dầu, hiện đã từ kẻ chết và đang trị vì (như Bài Tín Điều nói là “ngồi bên hữu Đức Chúa Trời Toàn năng là Cha” là địa vị có uy quyền và đầy quyền năng), Ngài có quyền để cai trị chúng ta, chúng ta chẳng có quyền gì để chống lại sự đòi hỏi đó. Ngài từng xâm chiếm không gian và thời gian tại Palestine gần 2.000 năm trước đây, ngày nay, Ngài cũng xâm nhập không gian của chúng ta như vậy, nhằm cùng một chủ đích do tình yêu thương đến thế gian này lần thứ nhất. Lúc đó, Ngài đã phán: “Hãy đến mà theo ta”, hiện nay cũng vậy.
Vậy Ngài có phải là Chúa chúng ta không? Với tất cả những ai đọc Bài Tín Điều,không thể nào tránh được câu hỏi này, vì làm thế nào bạn nói “Chúa chúng ta” trong nhà thờ trước khi bạn nói “Chúa tôi” trong lòng mình cho được?
Nghiên cứu thêm Kinh Thánh
Giê-Xu:Đức Chúa Trời vừa là người: He 1:1-3:6;
Các câu hỏi để suy gẫm và thảo luận
1.Tên “Giê-Xu” có nghĩa gì trong lịch sử và cho chúng ta ngày nay?
2.Danh hiệu Chúa Cứu thế (Christ) có nghĩa gì đối với dân Do thái đang trông chờ?Nó có nghĩa gì cho chúng ta?
3.Tại sao Chúa Giê-Xu được quyền đòi hỏi để cai trị đời sống bạn?
CON ĐỘC SANH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Khi bạn nghe một thanh niên được giới thiệu “đây là con trai một của tôi”, chắc bạn biết ngay anh ta là “con cưng”, là con ngươi của mắt cha anh ta. Từ ngữ này nói lên sự trìu mến, cưng chìu. Khi Bài Tín Điều gọi Chúa Giê-Xu là “Con độc sanh của Đức Chúa Trời” (âm vang của “con một” trong Gi 1:18; 3:16,18) ngụ ý chính Chúa Giê-Xu, với cương vị Con một của Đức Chúa Trời, rất được Cha Ngài yêu mến. Lúc kể lai lịch của Chúa Giê-Xu khi Ngài chịu phép Báp-tem và hóa hình, Đức Chúa Trời đã tự nói với mình khi phán từ trời xuống: “Này là Con yêu dấu của ta...” (Mat 3:17; 17:5).
Đức Chúa Trời trọn vẹn
Hơn nữa, câu này của Bài Tín Điều là bức chiến lũy chống lại việc hạ thấp và phủ nhận thần tánh của Chúa Giê-Xu, như người ta thấy trong thuyết duy nhất thần và các giáo phái chủ trương thờ phượng (Unitarianism and the cults). Chúa Giê-Xu không phải là một con người thánh thiện được linh cảm của Đức Chúa Trời; Ngài cũng không phải là một siêu thiên sứ đứng đầu và đẹp đẽ nhất trong muôn loài thọ tạo,được gọi xã giao là “thần” vì Ngài vượt trên loài người (đó là cách người Arians hồi thế kỷ thứ tư, và các tín đồ chứng nhân của Đức Giêhôva gọi Ngài hiện nay). Chúa Giê-Xu đã và hiện vẫn còn là Con một của Đức Chúa Trời, vẫn thật sự và trọn vẹn chính là Đức Chúa Trời như Cha Ngài vậy. Chúa Giê-Xu phán ý muốn của Cha ta, ấy là “ai nấy đều tôn kính Con, cũng như tôn kính Cha vậy” (Gi 5:23), một câu nói đã hạ thuyết duy nhất thần đo ván!
Nhưng phải chăng đề cập mối liên hệ Cha Con trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời chỉ là kể chuyện thần thoại? Không đâu, vì chính Chúa Giê-Xu cũng từng nói như vậy. Ngài gọi Đức Chúa Trời là “Cha ta” và tự xưng “Con”. Ngài đề cập một mối liên hệ Cha Con độc nhất vô nhị và đời đời, mà Ngài đã đến là để đưa nhiều người khác vào đó. “Ngoài Cha không có ai biết Con; ngoài Con và người nào Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không ai biết Cha” (Mat 11:27)
Được sanh ra
Bài Tín Điều Nicea viết: “Được Cha Ngài sanh ra trước mọi thế giới...được sanh ra chớ không phải được dựng nên”. Đây là ngôn ngữ tranh luận hồi thế kỷ thứ tư. Vấn đề ở đây là, tuy Đức Chúa Con đã sống một cuộc đời lệ thuộc vào Đức Chúa Cha, vì đó là bản tính Ngài ("Ta sống bởi Cha” Gi 6:57), chính Ngài là Đức Chúa Trời đời đời, chớ không phải là một loài thọ tạo. Câu này không hề gợi ý rằng Đức Chúa Con từ Đức Chúa Cha mà ra, hay Ngài thua kém Đức Chúa Cha.
“Được sanh ra” trong hình dung từ “độc sanh” (hay “con ruột") của sách Giăng không thể chỉ có nghĩa là một biến cố xảy ra trong quá khứ của Đức Chúa Trời,chẳng còn liên hệ gì với hiện tại nữa, vì chỉ có chúng ta là những vật thọ tạo mới sống trong thời gian mà các biến cố chỉ tồn tại tạm thời. Thời gian như chúng ta biết, là một thành phần của một công trình sáng tạo, cho nên Đấng Tạo Hóa không hề bị nó hạn chế cũng như Ngài không hề bị cái không gian mà chính Ngài đã tạo nên hạn chế mình. Với chúng ta đời sống là những khoảnh khắc liên tục,các biến cố tương lai và quá khứ (sanh ra và bất kỳ một biến cố nào khác) đều vượt ngoài tầm tay; nhưng với Đức Chúa Trời (ấy là chúng ta giả thiết như thế,tuy chúng ta không thể nào tưởng tượng ra) tất cả mọi biến cố đều luôn luôn là hiện tại trong Hiện tại đời đời.
Cho nên việc Đức Chúa Con “được sanh ra” nói theo cách người đời (phân biệt với việc “được sanh ra” tạm thời và theo nghĩa bóng của nhà vua trong Thi 2:7; được ứng dụng cho Đấng Christ trong Cong 13:33; và He 1:5;, 5:5;, chỉ có nghĩa đơn giản là nhà vua được tôn lên ngôi) phải được nghỉ đến, không phải như một biến cố tạm thời, bởi đó Đức Chúa Trời trước thuộc số ít, bây giờ lại trở thành số nhiều,nhưng như một mối liên hệ đời đời bởi đó ngôi thứ nhất vẫn luôn luôn là Cha của Đức Chúa Con, còn ngôi thứ hai là Con của Đức Chúa Cha. Hồi thế kỷ thứ ba,Origen đã vui mừng diễn tả tư tưởng đó bằng cách nói về “sự sanh ra đời đời” của Đức Chúa Con. Đây là một phần của sự vinh hiển có một không hai của Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
Huyền nhiệm
Công thức về sự nhập thể - của giáo hội nghị Chalcedon “một con người hai bản tính trọn vẹn là Đức Chúa Trời mà cũng hoàn toàn là con người” hay của Karl Barth “Đức Chúa Trời vì con người và con người vì Đức Chúa Trời” - nghe ra có vẻ đơn giản,nhưng chính sự việc lại rất sâu nhiệm. Đả phá các tà giáo đờixưa cho rằng Đức Chúa Con chỉ mặc lấy thân xác con người nhưng không có tâm hồn của con người,hay như Ngài luôn luôn là hai con người dưới cùng một :lốt” người, cũng như tà giáo hiện đại chủ trương rằng việc “thành nhục thể” của Đức Chúa Con chỉ là một trường hợp ngự trị đặc biệt của Đức Thánh Linh trong lòng mọi người, khiến Chúa Giê-Xu không phải là Đức Chúa Trời, mà chỉ là một-người-được-đổ-đầy-Đức Chúa Trời mà thôi - đả phá các tà giáo như thế rất dễ, nhưng lãnh hội được sự nhập thể là gì với những điều kiện tích cực của nó, quả là vượt hẳn khả năng của chúng ta.Tuy vậy, xin bạn chớ nên lo lắng; bạn không cần phải biết Đức Chúa Trời đã thành người như thế nào rồi mới nhận
biết được Đấng Christ! Cho dù bạn có hiểu hay không, sự kiện vẫn là “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt” (Gi 1:14); đây là một phép lạ tối thượng, khiến tâm trí của chúng ta phải choáng váng; tình yêu thương là nguyên nhân thúc đẩy việc ấy xảy ra; và phần của chúng ta không phải là suy đoán, lý luận để phân tích, mà chỉ là ngưỡng mộ, tôn thờ, yêu thương và tôn cao “Chúa Cứu thế Giê-Xu...hôm qua,ngày nay, và cho đến đời đời, không hề thay đổi” (He 13:8)
Đáp lại kế hoạch nhơn từ thương xót của Ngài Đức Chúa Trời đã nhập thể vì tôi; Tâm linh tôi biến thành ngôi đền thờ sáng chói của Ngài, Thành ánh sáng và sự cứu rỗi tôi; Và qua các bóng tối sự chết vô danh dẫn tôi đến ngôi ngời chói của Ngài.
Nghiên cứu thêm Kinh Thánh
Con Đức Chúa Trời nhập thể: Co 1:13-23;
Các câu hỏi để suy gẫm và thảo luận
1.Tại sao chỉ gọi Chúa Giê-Xu là người được Đức Chúa Trời linh cảm, là một siêu thiên sứ, hoặc cả là thần nữa, vẫn chưa đủ?
2.Sự kiện Đức Chúa Con không phải là một vật thọ tạo, có nghĩa gì?
3.Tại sao đối diện với Cơ Đốc giáo có phải là trực diện với Chúa Cứu thế Giê-Xu không?
SANH RA BỞI NỮ ĐỒNG TRINH MARI
Kinh Thánh nói rằng Con Đức Chúa Trời đi vào và lìa thế gian này bằng các hành động siêu nhiên do quyền phép. Ngài ra khỏi thế gian bằng sự phục sinh, sự thăng thiên, còn Ngài vào thế gian bằng việc được một trinh nữ sanh ra, cả hai đều ứng nghiệm lời tiên báo trong Cựu Ước (xem Es 7:14; về việc được trinh nữ sanh ra,và 53:10-12; về việc phục sinh rồi thăng thiên).
Các phép lạ đưa Ngài vào và ra khỏi thế gian, đều mang đến cùng một bức thông điệp.Thứ nhất, chúng xác nhận rằng Chúa Giê-Xu, chẳng có gì thua kém một người,nhưng hơn hẳn con người. Cuộc đời tại thế của Ngài tuy hoàn toàn là đời sống của một con người, cũng đồng thời là đời sống của chính Đức Chúa Trời. Ngài, Đấng Đồng Tạo Hóa, đã đến thế gian này - thế giới thuộc về Ngài - với tư cách một người khách đến viếng thăm thế gian; Ngài từ Đức Chúa Trời đến, rồi trở về với Đức Chúa Trời.
Các giáo phụ nói đến việc được một trinh nữ sanh ra để làm chứng cứ cho việc không phải Chúa Giê-Xu thật sự là Đức Chúa Trời bởi vì Ngài chỉ là người, nhưng cho việc Ngài quả thật là người, khác hẳn với chủ trương cho rằng Ngài là thần linh hay thiên sứ; rất có thể nhằm làm chứng chống lại Hiện hình thuyết mà việc Ngài được một trinh nữ sanh ra đã được đưa vào trong Bài Tín Điều. Nhưng nó cũng làm chứng cách mạnh mẽ tương tự chống lại thuyết chủ trương rằng Chúa Giê-Xu chỉ là một người tốt (humanitarianism).
Thứ hai, hai phép lạ trên cho thấy Chúa Giê-Xu được tự do đối với tội lỗi. Vì được trinh nữ sanh ra, Ngài không thừa hưởng tình trạng phạm tội rắc rối được gọi là nguyên tội: nhân tính của Ngài không tì vết, kết quả là mọi hành động, thái độ,động cơ thúc đẩy và ước muốn của Ngài đều không tiêm nhiễm tội lỗi. Tân Ước nhấn mạnh sự vô tội của Ngài (xem Gi 8:29,46; Ro 5:18; IICo 5:21; He 4:15; 7:26;IPhi 2:22-24; v.v..). Vì Ngài vốn vô tội, cho nên sự chết không thể cầm giữ được Ngài sau khi Ngài thực hiện xong sinh tế của mình.
Hai câu chuyện
Tân Ước đưa ra hai phần ký thuật bổ túc cho nhau về việc Chúa Giê-Xu được một trinh nữ sanh ra - hai câu chuyện rõ ràng độc lập với nhau nhưng lại rất hài hòa: câu chuyện về ông Giô-sép trong Mathiơ chương 1 và câu chuyện về bà Mari trong Luca hai chương 1 và 2. Cả hai đều có đầy đủ các dấu hiệu cho thấy đó là chính sử.Các sử gia ngày xưa tự xem mình vừa là nghệ sĩ vừa là nhà luân lý học, cho nên thường bỏ qua không cần trưng dẫn nguồn gốc các sự kiện, nhưng Luca có nhiều lần nói bóng gió rằng chính ông là người trực tiếp thâu thập tài liệu cho phần ký thuật về Bà Mari (đối chiếu Lu 2:51; với Lu 1:1-3).
Luca và Mathiơ đưa ra hai bảng gia phổ của Chúa Giê-Xu (Mat 1:2-17; Lu 3:23-38) khiến một số người kinh ngạc; nhưng ít ra cũng có hai cách để hòa giải ngay được những điểm dường như không được hài hòa. Hoặc là bảng gia phổ của Luca đưa ra bảng phổ hệ theo dòng dõi bên Bà Mari, nhưng bắt đầu bằng ông Giô-sép là Cha (phần xác,nuôi) của Chúa Giê-Xu (xem câu 23) vì theo tiêu chuẩn thực tế, người ta công bố hậu duệ qua những người đàn ông, hoặc là Luca kể tên Giô-sép là theo phổ hệ sinh học, phân biệt với dòng dõi nối ngôi vua cho Đavít, dường như là phổ hệ mà Mathiơ đã bám sát (xem giáo sư F.F.Bruce “Phổ hệ của Chúa Giê-Xu” trong The New Bible Dictionary để có đầy đủ chi tiết).
Hoài nghi chủ nghĩa
Trong một thế kỷ rưỡi hoài nghi chủ nghĩa nói cách mạnh mẽ cả đến việc Chúa Giê-Xu do trinh nữ sanh ra lẫn việc thân xác Ngài đã sống lại là hoàn toàn vô lý. Nó đã được bắt đầu như một phần việc trọng tâm của một số người duy lý trí nhằm chứng minh Cơ Đốc giáo không hề có phép lạ, và tuy đến nay trọng tâm đó đã bị cho là lỗi thời rồi (và đó cũng là việc tốt nữa), hoài nghi chủ nghĩa vẫn còn dai dẳng bám vào tâm trí các Cơ Đốc nhân cũng như mùi thuốc lá vẫn còn dai dẳng lưu lại trong phòng sau khi người ta đã dọn thật sạch những cái gạt tàn thuốc. Chẳng có gì để nghi ngờ người ta có thể (tuy không phải là dễ dàng, cũng không phải là điều tự nhiên) tin vào sự nhập thể của Con đời đời của Đức Chúa Trời đã thực hữu từ trước, lại không tin vào các phép lạ đã đưa Ngài vào (thế gian) rồi lại đem Ngài ra; người ta biết nhiều chuyện tiên hậu bất nhất còn rắc rối hơn thế nữa;nhưng chủ trương vì căn cứ vào nhiều nền tảng Chúa Giê-Xu chính là Ngôi Lời nhập thể, hai phép lạ ấy-như là yếu tố của một phép lạ còn lớn hơn nữa là đời sống nhập thể của Chúa Giê-Xu - không phải là vấn đề đặc biệt cần đặt ra phải được xem là hữu lý hơn, và dĩ nhiên là sự việc đã xảy ra như thế mới là diễn biến hợp lý duy nhất.
Điều chắc chắn nếu chúng ta phủ nhận việc trinh nữ sanh con vì đó là một phép lạ,thì luận lý học, chúng ta cũng phải phủ nhận luôn việc thân thể của Chúa Giê-Xu đã sống lại nữa. Cả hai phép lạ ấy đều cùng một phía với nhau, thừa nhận phép lạ này nhưng lại phủ nhận phép lạ kia, là vô lý.
Bà Mari vẫn là trinh nữ cho đến sau khi sanh ra Chúa Giê-Xu, nhưng các ý niệm cho rằng sau đó nữa bà vẫn đồng trinh vĩnh viễn, chỉ là óc tưởng tượng. Các sách Phúc âm chứng minh rằng Chúa Giê-Xu còn có nhiều em trai, em gái (Mac 3:31;6:3).
Câu “(Ngài) được đầu thai (thai dựng) bởi Đức Thánh Linh, sanh bởi nữ đồng trinh Mari” trong Bài Tín Điều làm chứng cho thực tại về sự nhập thể, không phải nhằm tôn vinh mẹ (về phần xác) của Chúa Giê-Xu. Nhưng giáo hội Công giáo La mã lại hỗ trợ cho việc khai triển tai hại lý thuyết về Bà Mari giữa vòng các thần học gia và việc thờ lạy hình tượng giữa vòng các tín đồ. Thuyết đề cao Bà Mari, xem Bà có địa vị ngang hàng với Đấng Cứu Chuộc (đồng-cứu-chuộc) được đặt trên nền tảng không có trong Kinh Thánh, dạy rằng Bà Mari, cũng như Chúa Giê-Xu được sanh ra vô tội (thuyết hoài thai vô nhiễm) nên cũng sống lại ngay sau khi chết (Đức Bà thăng thiên).
Nhưng Bà Mari thật, Bà Mari của Kinh Thánh tự thấy mình chỉ là một tội nhân đã được cứu rỗi: “Tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi” (Lu 1:47). Bà đã nêu một tấm gương tuyệt vời cho chúng ta, không phải chỉ là về đặc quyền (và cái giá phải trả!) được cộng tác trong kế hoạch của Đức Chúa Trời để đem phước hạnh đến cho thế gian (xem Lu 1:38; 2:5), mà còn về việc khiêm hạ đáp lại ân điển của Đức Chúa Trời nữa. Bậc làm cha mẹ thường chậm hiểu những điểm liên quan đến con cái mình, và có lần Chúa Giê-Xu đã phải buồn bã nhận xét rằng”Đấng tiên tri chỉ bị trong xứ mình và người nhà mình khinh dể mà thôi” Mat 13:57); nhưng Bà Mari và cả gia đình, sau thời gian không tin ban đầu (đối chiếu Mat 13:57; Mac 3:20,31-35; Gi 7:3-5), đều sống trong đức tin vào con mình (Cong 1:14). Chúng ta có học được gương của họ không?
Nghiên cứu thêm Kinh Thánh
Tring nữ sanh ra: Mat 1:1-25; Lu 1:26-56;.
Các câu hỏi để suy gẫm và thảo luận
1.Các phép lạ kết hợp với việc Chúa Cứu thế vào và ra khỏi thế gian này cho chúng ta thấy gì về Ngài?
2.Bạn có đồng ý rằng thái độ của một người đối với việc Chúa Giê-Xu được trinh nữ sanh ra và đối với việc phục sinh của Ngài, chỉ là một mà thôi, hay không?
3.Hình ảnh trong Kinh Thánh về Bà Mari so với hình ảnh trong truyền thuyết về Bà của giáo hội Công giáo La mã, khác nhau như thế nào?
CHỊU THƯƠNG KHÓ DƯỚI TAY BÔN-XƠ PHILÁT
Hãy tưởng tượng các nhà khoa học triết gia, hay các thành viên của một đảng phái chính trị cứ luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng nhà sáng lập trường phái, đảng phái của họ đã bị chính quyền xử tử vì bị kết tội là đe dọa pháp luật và trật tự!Đó chính là trường hợp của Cơ Đốc giáo, và thập tự giá của Chúa Giê-Xu là điểm then chốt của Bài Tín Điều “chịu thương khó dưới tay Bôn-xơ Philát, bị đóng đinh trên thập tự giá”. Hãy xét câu này theo thứ tự ngược lại.
“Bị đóng đinh trên thập tự giá”. Đây là cách hành quyết tiêu chuẩn của người La mã dành cho các tội phạm. Bảo rằng “Chúa Giê-Xu bị đóng đinh vào thập tự giá” đồng nghĩa với bảo rằng “Ngài bị xử tử, bị xử treo cổ, xử chém, xử bắn, bị đưa lên ghế điện”.
Philát
“Dưới tay Bôn-xơ Philát”. Hitler sẽ được ghi nhớ là kẻ tàn sát dân Do thái, và Philát, một nhân vật chẳng ra gì như vậy, cũng tồn tại trong lịch sử như kẻ đã giết Chúa Giê-Xu: Dưới thời chiếm đóng của người La mã, các nhà cầm quyền Do thái không được hành quyết ai cả, cho nên, khi họ kết án Chúa Giê-Xu vì Ngài tự xưng lai lịch đúng thật của mình là Nhà Vua Cứu thế của Đức Chúa Trời - tức là Chúa Cứu thế - thì họ giải giao Ngài cho quan tổng đốc để bản án ấy được thi hành (họ cho rằng lời xưng nhận của Ngài là lộng ngôn).
Sau khi rửa tay mình - một hành động cho việc tượng trưng cho việc ông ta vô can trong vụ án ấy và có lẽ cũng bằng một điệu bộ lạnh lùng thản nhiên nhất mọi thời đại - Philát đã bật đèn xanh cho một vụ sát nhân bằng một phiên tòa, truyền lịnh rằng tuy Chúa Giê-Xu vô tội, vẫn phải chịu chết như thường để cho thiên hạ được vui lòng. Philát cho rằng cai trị như vậy là sáng suốt; còn bạn có thấy hành động của ông ta cay cú đến mức nào không?
Thương khó
Từ ngữ “thương khó” chẳng những nói lên ý nghĩa về sự đau khổ thường ngày, mà còn có nghĩa xưa và rộng hơn là đối tượng phải chịu khổ vì hành động của một người khác. Từ ngữ La tinh là passua, do đó mà có danh từ passion. Cả Đức Chúa Trời lẫn loài người đều chủ động trong sự thương khó của Chúa Giê-Xu “Giê-Xu này bị nộp theo ý định trước về sự biết trước của Đức Chúa Trời (còn) các ngươi đã mượn tay độc ác mà đóng đinh người trên thập tự giá” (Cong 2:23;, trong bài giảng đầu tiên của Phierơ). Tại thập tự giá, chủ đích của Đức Chúa Trời cũng rõ ràng như tội lỗi của những kẻ đã đóng đinh Chúa Giê-Xu vào đó.
Chủ đích của Đức Chúa Trời là gì? Là đoán phạt tội lỗi để tỏ lòng thương xót đối với tội nhân. Con người sử dụng công lý cách sai lầm đã hoàn thành công lý của Đức Chúa Trời. Trên thập tự giá, Chúa Giê-Xu đã cảm nhận đầy đủ sự đau đớn cả thế xác lẫn tinh thần, loài người có thể đem đến, và cả cơn thạnh nộ về sự từ bỏ của Đức Chúa Trời cũng đem đến điều mà tội lỗi của tôi xứng đáng phải nhận chịu vì Ngài đã nhận lãnh hình phạt ấy thay cho tôi, để chuộc tội cho tôi “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc...Đức Giêhôva đã làm cho hết thảy tội lỗi chúng ta đều chất trên Ngài” (Es 53:6)
Vì Cứu Chúa vô tội chịu chết, mà linh hồn tội lỗi của tôi được kể là tự do. Vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình đã hài lòng nhìn vào Ngài, để tha tội cho tôi.
Của lễ chuộc tội
Đến đây, chúng ta đạt tới tâm điểm của Cơ Đốc giáo - chúng ta có thể nói là trái tim của chính trái tim Cơ Đốc giáo; vì nếu sự nhập thể là đền thờ, thì sự chuộc tội chắc chắn là nơi chí thánh . Nếu sự nhập thể là phép lạ tối thượng, đó chỉ mới là bước đầu của một loạt những bước đi xuống từ niềm vui vẻ phước hạnh thiên đàng đền tận chỗ thương khó và nhục nhã của đồi Gôgôtha (Phi 2:5-8). Lý do khiến Con Đức Chúa Trời trở thành người, ấy là để đổ huyết mình ra (như lời lẽ trong sách Cầu nguyện) làm “một sinh tế trọn vẹn và đầy đủ để tẩy sạch thỏa đáng tất cả tội lỗi của toàn thế gian “Đức Chúa Trời đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho” (Ro 8:32). Đó là mức độ của tình yêu thương Ngài (đối chiếu 5:5-8).
Cũng chính bằng các từ ngữ ấy - là những từ ngữ không đề cập sự tốt bụng bỏ qua,nhưng nói về sự ban cho quý báu đặc biệt - Giăng đã giải thích đều ông đã tự ý muốn nói trong mấy chữ “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” vĩ đại và quang vinh,nhưng bị hiểu lầm rất nhiều. Ông giải thích: “Đức Chúa Trời yêu chúng ta bày tỏ ra trong điều này: Ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng trong khi chúng ta đã không yêu Ngài, thì Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội (tốt hơn, để thay thế) chúng ta ” (IGi 4:8-10).
Thập tự giá của Chúa Cứu thế có ý nghĩa theo rất nhiều phương diện. Là sinh tế vì tội lỗi chúng ta, là sự thay thế để chuộc tội (Ro 3:25; IGi 2:2; 4:10; đối chiếu He 2:17); nghĩa là một phương tiện để dập tắt cơn thạnh nộ của chính Đức Chúa Trời chống lại chúng ta bằng cách xóa sạch tội lỗi chúng ta khỏi hiện diện Ngài (trong các bản RSV dịch mấy câu trên đây, “chuộc tội” chỉ có nghĩa là “xóa sạch tội lỗi chúng ta mà thôi”, dịch như vậy vẫn chưa đủ nghĩa). Là của lễ chuộc tội cho chúng ta, nó là việc phục hòa chúng ta với Đấng Tạo Hóa mà chúng ta đã xúc phạm, đã làm mặt lạ, đã chọc giận (Ro 5:9-11). Chúng ta đã thiếu khôn ngoan khi khiến cho Đức Chúa Trời chống nghịch chúng ta là tội nhơn; điều đáng lẽ chúng ta phải làm là đề cao công lao Cứu Chứa đã hoàn tất vì chúng ta trong việc đem sự giải hòa, đem hòa bình đến để thay vào chỗ của sự thạnh nộ.
Một lần nữa, để giải hòa, thập tự giá là sự cứu chuộc, cứu vớt khỏi ách nô lệ và sự cùng khốn bằng cách trả một giá để chuộc (xem Eph 1:7; Ro 3:24; Kh 5:9; Mac 10:45), và với tư cách cứu chuộc, đó là sự chiến thắng đối với tất cả các thế lực thù địch kềm giữ chúng ta và vẫn còn muốn cầm giữ chúng ta trong tội lỗi, ngoài phạm vi có thể nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời (Co 2:13-15). Muốn lãnh hội trọn vẹn chân lý này, chúng ta phải khám phá, khai mở tất cả các góc cạnh ấy.
“Con Đức Chúa Trời đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi 'cho nên' tôi hẳn chẳng khoe mình (tự tôn), trừ ra khoe (đề cao) thập tự giá của Đức Chúa Giê-Xu Christ chúng ta” (Ga 2:20; 6:14). Phaolô đã nói như vậy. Tạ ơn Đức Chúa Trời, tôi đã có thể tự nhận diện chính mình. Còn bạn thì sao?
Nghiên cứu thêm Kinh Thánh
Ý nghĩa của thập tự giá: Es 53:1-12; Ro 3:19-26; He 10:1-25;.
Các câu hỏi để suy gẫm và thảo luận
1.Các Cơ Đốc nhân tìm thấy trong từ ngữ “thương khó” (La tinh passus) phần ý nghĩa đầy đủ nào?
2.“Cả Đức Chúa Trời lẫn loài người đều chủ động trong sự thương khó của Chúa Giê-Xu”. Xin giải thích.
3.Sự chết của Chúa Cứu thế có công dụng gì đối với tội lỗi chúng ta?
NGÀI XUỐNG ÂM PHỦ
Sự chết đã được gọi là “điều ghê tởm”, thô tục, không một con người lịch sự nào ngày nay lại chịu đem ra nói trước công chúng. Nhưng cho dù người ta không muốn đề cập, sự chết vẫn là điều không thể tránh né. Có một sự kiện chắc chắn duy nhất ở đời, ấy là có một ngày nào đó, dầu có được báo trước hay không, dầu là nhẹ nhàng hay đau đớn, sự sống của con người phải dừng lại. Vậy, tôi phải đối phó với cái chết ra sao khi đến lượt mình?
Chiến thắng của Cơ Đốc Nhân
Các Cơ Đốc nhân chủ trương rằng Chúa Giê-Xu của Kinh Thánh vẫn còn sống và những ai tin nhận Ngài làm Cứu Chúa, Chúa tể, và là Bạn thân của mình đều tìm thấy trong sự nhận biết một giải pháp cho mọi vấn đề của đời sống mình, kể cả sự chết. Vì “Chúa Cứu thế chẳng đưa tôi qua những căn phòng nào, mà lại tối tăm hơn nơi Ngài từng đi qua trước rồi”. Sau khi đã tự mình nếm trải sự chết, Ngài có thể nâng đỡ chúng ta khi chúng ta sẽ nếm trải nó và đưa chúng ta vượt qua biến chuyển lớn lao đó để tham dự đời sống bên kia cõi chết mà chính Ngài từng vượt qua.Không có Chúa Cứu thế, cái chết là “nhà vua của sự kinh hoàng”, nhưng với Chúa Cứu thế sự chết đã bị mất hết “nọc độc” của nó, là năng lực gây tàn hại, nếu không có Ngài, sẽ vô cùng độc hại.
Nhân vật Thanh giáo là John Preston biết rõ điều này. Lúc ông hấp hối, người ta hỏi ông có sợ chết không, khi giờ đây, ông đang rất gần với nó. Ông Preston thì thào: “Không, tôi sẽ đổi chỗ ở, nhưng không đổi bạn đồng hành” Dường như ông muốn nói rằng: “Tôi sẽ lìa bỏ các bạn thân của mình, nhưng không xa lìa người Bạn Thân của tôi, vì người ấy chẳng bao giờ lìa bỏ tôi”.
Đây là sự chiến thắng - chiến thắng sự chết và nỗi sợ hãi nó đem đến. Chính vì muốn có con đường hướng về chiến thắng ấy nên trước khi thông báo sự phục sinh của Chúa Giê-Xu, Bài Tín Điều tuyên bố: “Ngài xuống âm phủ”. Tuy mãi đến thế kỷ thứ tư mới xác lập ý nghĩa của câu nói này trong Bài Tín Điều, do đó, một số các chi hội đã không dùng đến, nội dung có tầm quan trọng hết sức lớn lao, như chúng ta thấy hiện nay.
Âm phủ - không phải hỏa ngục.
Trong bản dịch Anh văn, đã có sai lầm vì từ “hỏa ngục” (hell) đã đổi nghĩa từ khi hình thức Bài Tín Điều bằng Anh văn được xác định. Từ “địa ngục” (hell) nguyên có nghĩa là nơi người chết ở với từ Hades của Hi văn, và Sheol của Hi bá lai văn. Từ đó có ý nghĩa như vậy, khi Bài Tín Điều nhắc đến câu trong Thi 16:10;“Vì Chúa chẳng bỏ linh hồn tôi trong nơi Âm phủ (Hades theo bản AV dịch là hell đúng ra là hỏa ngục, nhưng theo nghĩa xưa trong Anh văn như trên đã nói, tương đương với “địa ngục” trong Việt ngữ)”, một lời tiên tri được ứng nghiệm khi Chúa Giê-Xu sống lại (xem Cong 2:27-31). Nhưng từ thế kỷ thứ mười bảy trở về sau, từ ngữ “hỏa ngục” (hell) được dùng để nói lên ý nghĩa duy nhất là việc trừng phạt sau cùng đối với những kẻ vô đạo, mà Tân Ước gọi là hỏa ngục (Geheuna).
Tuy nhiên, Bài Tín Điều muốn nói nơi Chúa Giê-Xu đã xuống, không phải là hỏa ngục (Geheuna), nhưng là Âm phủ (Hades) - nghĩa là Ngài đã chết thật sự và đã sống lại sau khi chết thật sự, chớ không phải chỉ giả chết thôi.
Thiết tưởng cần phải nói (tuy nhằm tránh nói quá tỉ mỉ về một việc đã quá hiển nhiên)rằng “xuống” không hề ngụ ý con đường từ Palestine đi Âm phủ (Hades) là đi xuống,đi vào trong lòng đất, cũng như khi bảo sống lại (Anh văn là rose) thì không hề ngụ ý rằng Chúa Giê-Xu đã trở về mặt đất, như ở dưới hầm mỏ lên! Sở dĩ nói “xuống”vì Âm phủ là một nơi vô hình cho nên xem là thấp hơn về giá trị và phẩm giá so với đời sống trên thế gian này, là nơi thân thể và linh hồn sống chung với nhau, và theo nghĩa đó, nhân tính là một toàn thể hiệp nhất.
Chúa Giê-xu ở âm phủ
“Về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần tâm linh (Spirit) thì được sống”(IPhi 3:18) là tình trạng khi Chúa Giê-Xu đến Âm phủ, và Kinh Thánh kể lại cho chúng ta vắn tắt những gì Ngài đang làm tại đó.
Thứ nhất, Ngài hiện diện và đã biến Âm phủ thành thiên đàng (nơi vui vẻ) cho tên trộm cướp biết ăn năn sám hối (xem Lu 23:43), do đó, cùng cho tất cả những người khác đã qua đời có lòng tin nơi Ngài suốt thời gian Ngài thi hành chức vụ trên đất, như Ngài hiện làm cho toàn thể những người trung tín với Ngài khi qua đời (xem Phi 1: 21-23; IICo 5:6-8).
Thứ hai, Ngài khiến tâm linh các tín hữu thời Cựu Ước trở thành trọn vẹn (He 12:23;đối chiếu He 11:40), đưa họ ra khỏi bóng tối âm u mà Âm phủ (Sheol) - “cái hầm”vẫn bao phủ họ - từ trước đến nay (đối chiếu Thi 88:3-6,10-12), để đưa họ vào nếm trải thiên đàng như bao người trước. Đây là tâm điểm của chân lý mà người thời Trung cổ đã tưởng tượng là “dọn sạch (bừa) hỏa ngục”.
Thứ ba, IPhi 3:19; cho chúng ta biết Ngài “công bố (chủ quyền trên nước Ngài và việc Ngài được chỉ định làm Đấng phán xét thế gian) với các “tân binh” bị cầm tù vì đã phản loạn vào thời tiền đại hồng thủy (tức là các thiên sứ sa ngã của IPhi 2:4; và tt, cũng là các con trai của Đức Chúa Trời” trong Sa 6:1-4;. Có một số người chỉ căn cứ vào văn bản này để hi vọng tất cả những người không được nghe Phúc âm trên đời này, hoặc đã nghe nhưng từ chối không tin nhận, sẽ được giảng đạo “vớt” trong đời sau, nhưng lời lẽ của Phierơ không hề có chút bảo đảm nào cho lối suy diễn như thế.
Tuy nhiên, điều khiến việc Chúa Giê-Xu xuống âm phủ trở thành quan trọng đối với chúng ta không nằm trong số các điểm trên, mà chỉ là sự kiện hiện chúng\ta có thể trực diện cái chết ý thức rằng một khi nó đến, chúng ta sẽ không còn cảm thấy mình bị cô đơn nữa. Ngài đã có mặt ở đó trước chúng ta, và Ngài sẽ lo toan để chúng ta được mọi sự an lành.
Nghiên cứu thêm Kinh Thánh
Thái độ của Cơ Đốc nhân đối với cái chết: Phi 1:19-26; IICo 5:1-10; IITi 4:6-18;.
Các câu hỏi để suy gẫm và thảo luận
1.Định nghĩa và phân biệt các từ ngữ Hades, Sheol và Geheuna trong Kinh Thánh .
2.Làm thế nào để chúng ta biết việc Chúa Giê-Xu kinh nghiệm sự chết là sự thật? Sự kiện ấy quan trọng như thế nào?
3.Có gì khác nhau khi chúng ta đối diện với cái chết có Chúa Cứu thế ở với mình,và không có Ngài?
NGÀY THỨ BA
Giả sử sau khi Chúa Giê-Xu chết trên thập tự giá, Ngài chết luôn. Giả sử, Ngài cũng như Socrates hay Khổng tử, đến nay vẫn được người ta nhớ đến, chỉ như một kỷ niệm đẹp suông, thì có gì quan trọng không? Chúng ta vẫn còn có tấm gương và những lời truyền dạy của Ngài; như thế vẫn chưa đủ sao?
Bài Chúa Giê-xu sống lại là tối quan trọng
Sự kiện Chúa Giê-Xu sống lại rất quan trọng. nếu Chúa Giê-Xu không sống lại, vẫn còn nằm chết trong phần mộ, thì Cơ Đốc giáo đã bị mất đi phần nền tảng - như cái túi cái thùng bị mất đi phần đáy - vì bốn điều sau đây:
Thứ nhất, xin trích dẫn Phaolô “Nếu đấng Christ đã chẳng sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô ích” (ICo 15:17).
Thứ hai, chúng ta cũng chẳng có hi vọng gì được sống lại nữa; chúng ta vẫn chờ đợi để cùng chết luôn.
Thứ ba, nếu Chúa Giê-Xu không sống lại, Ngài cũng không cầm quyền cai trị trong hiện tại, rồi cũng sẽ không tái lâm, và tất cả những tiết mục tiếp theo trong Bài Tín Điều “chịu thương khó...bị chôn” đều bị loại bỏ.
Thứ tư, Cơ Đốc giáo không như điều Cơ Đốc nhân đầu tiên vẫn nghĩ - tức là thông công với một Chúa hằng sống đã tự đồng nhất hóa với Chúa Giê-Xu của các sách Phúc âm. Nhân vật Giê-Xu của các sách Phúc âm có thể vẫn còn là vị anh hùng của bạn, nhưng không thể làm Cứu Chúa của bạn được.
Một sự kiện lịch sử
Để chứng minh việc Chúa Giê-Xu phục sinh là một sự kiện, Bài Tín Điều thật sự minh định thời gian của sự việc ấy - “đến ngày thứ ba”, gồm luôn việc tính ngày (theo lối xưa) từ ngày Chúa Giê-Xu “bị đóng đinh dưới tay Bôn-xơ Philát” vào khoảng năm 30 SC. Đúng vào ngày ấy, tại Giêrusalem, thủ đô xứ Palestine, Chúa Giê-Xu đã sống lại, ra khỏi phần mộ đá, và cái chết bị chinh phục vĩnh viễn.
Chúng ta có biết chắc việc ấy đã xảy ra không? Chứng cứ hiển nhiên thật là vững chắc.Phần mộ trống không, và đã không có ai phát giác được thi thể của Ngài. Suốt hơn một tháng từ đó trở về sau, các môn đệ của Chúa Giê-Xu còn được gặp Ngài sau khi đã sống lại, thường là từng nhóm (từ hai cho đến năm trăm người), và luôn luôn ở trong trường hợp hết sức bất ngờ. Nếu là ảo giác, làm sao xảy ra như thế được?.
Về phần các môn đệ của Chúa, họ đều tin quyết việc Chúa Cứu thế sống lại không phải do tưởng tượng, nên đã không mệt mỏi loan báo sự sống lại của Ngài trước sự chế giễu, bách hại và cả cái chết nữa, đó là phương pháp hữu hiệu nhất để dập tắt tiếng đồn quỉ quyệt rằng họ đã ăn trộm xác của Chúa Giê-Xu (Mat 28:11-15).
Từng trải tập thể của Hội thánh Cơ Đốc qua hơn mười chín thế kỷ đã củng cố niềm tin Chúa Giê-Xu đã sống lại, vì Chúa phục sinh quả thật đã “cùng đi và trò chuyện với tôi suốt nẻo đường nhỏ hẹp của cuộc đời”, và tương giao với Ngài là ý thức căn bản của Cơ Đốc nhân trong đời sống.
Căn cứ vào các bằng chứng hiển nhiên đó, không còn cách nói nào ý nghĩa hơn cho rằng Chúa Giê-Xu đã thật sự sống lại.
Cho nên giáo sư C.F.D.Moule đã rất đúng khi đưa ra lời thách thức: “Nếu sự ra đời của nhân vật người Naxarét, một hiện tượng đã được Tân Ước chứng thực không thể chối cãi, tạo ra một lỗ hổng lớn trong lịch sử, mà kích thước của nó tương đương với sự phục sinh, thì sử gia đời này có thể làm gì để vá nó lại?” Người ta không thể nào hiểu nổi hậu quả thật sự đã xảy ra trong lịch sử, nếu không có việc Chúa Giê-Xu sống lại là nguyên nhân khách quan của lịch sử.
Đối diện với bằng chứng
Trong một cuộc tranh luận công khai, một Cơ Đốc nhân đã tố cáo đối thủ hoài nghi của mình là có nhiều đức tin hơn mình - ông ta nói: “vì đứng trước một bằng chứng hiển nhiên, tôi không thể tin được là Chúa Giê-Xu đã không sống lại, nhưng ông ta thì lại có thể tin!” Quả thật không tin Chúa Giê-Xu đã phục sinh, còn rất khó hơn là tin nhận điều đó. bạn đã nhìn thấy như vậy chưa? Tin rằng Chúa Cứu thế Giê-Xu là Con Đức Chúa Trời và là Cứu Chúa hằng sống, để nhắc lại câu nói của con người nghi ngờ trước kia là Thô-ma rằng: “Lạy Chúa tôi và là Đức Chúa Trời tôi” chắc chắn hơn hẳn việc phải vận dụng lý trí, nhưng đối diện những bằng chứng hiển nhiên về điều đó, tin như vậy là điều hợp lý duy nhất mà con người có thể làm.
Chúa Giê-xu sống lại có nghĩa gì?
Chúa Giê-Xu sống lại có nghĩa gì? Nói tóm tắt, là làm nổi bật sự kiện Chúa Giê-Xu là Con Đức Chúa Trời (Ro 1:4); đề cao sự công chính của Ngài (Gi 16:10); chứng minh sự chiến thắng đối với sự chết (Cong 2:24); bảo đảm người tín hữu được tha tội và xưng công bình (ICo 15:17; Ro 4:25) và cho sự sống lại của người ấy trong tương lai (ICo 15:18); cũng đưa người ấy vào trong thực tại của đời sống phục sinh hiện nay nữa (Ro 6:4). Thật kỳ diệu biết bao! Bạn có thể nói về sự phục sinh của Chúa Giê-Xu như điều đầy dẫy hi vọng hơn hết, điều chưa hề xảy ra - và bạn làm như thế là tất phải lẽ.
Nghiên cứu thêm Kinh Thánh
Sự phục sinh của Chúa Giê-Xu: Gi 20:1-18; ICo 15:1-26;
Các câu hỏi để suy gẫm và thảo luận
1.Nếu Chúa Giê-Xu không sống lại, Cơ Đốc giáo sẽ khác hẳn đi như thế nào?
2.Có bằng chứng nào cho sự sống lại của Chúa Giê-Xu?
3.Tại sao tác giả nói rằng tin Chúa Giê-Xu sống lại là “điều hợp lý duy nhất mà con người có thể làm được”? Bạn đồng ý không?
NGÀI THĂNG THIÊN
“Ngài thăng...” lập lại câu Chúa Giê-Xu phán: “Ta lên” (Gi 20:17; đối chiếu 6:62).“Thiên” là âm vang của câu “được cất lên trời khỏi giữa các ngươi” các vị thiên sứ đã nói trong câu chuyện Chúa thăng thiên (Cong 1:10). Nhưng “thiên” là gì?Đó là bầu trời, hay vùng ngoại tầng không gian? Phải chăng Bài Tín Điều ngụ ý bảo rằng Chúa Giê-Xu là phi hành gia vũ trụ đầu tiên? Không phải, cả hai việc trên và Kinh Thánh đều đề cập một vấn đề khác hẳn nhau.
Thiên có nghĩa gì?
Trong Kinh Thánh, từ ngữ “trời”, hay “thiên” có ba nghĩa: 1) Sự sống vô cùng vô tận,tự hữu của Đức Chúa Trời. Theo nghĩa này, Đức Chúa Trời luôn luôn ngự trên trời ngay khi chưa có thế gian (đất) này. 2) Tình trạng của các thiên sứ hay những người được chia xẻ sự sống của Đức Chúa Trời, dầu chỉ nếm trải trước trong đời này hay trọn vẹn, đầy đủ trong đời sau. Theo nghĩa này, tất cả phần thưởng, kho báu và gia tài của Cơ Đốc nhân ở “trên trời” và “thiên đàng” là cách nói tắt về niềm hi vọng cuối cùng của Cơ Đốc nhân. 3) Bầu trời phía trên chúng ta thật vô hạn hơn bất luận điều gì chúng được biết là một biểu tượng cho sự sống đời đời của Đức Chúa Trời trong không gian và thời gian, như cái mống (cầu vồng) là biểu tượng của giao ước đời đời vậy (xem Sa 9:8-17).
Kinh Thánh và Bài Tín Điều công bố rằng bốn mươi ngày sau khi sống lại, Chúa Giê-Xu thăng thiên, nghĩa là lên trời theo nghĩa thứ hai. Sự việc đã xảy ra thật mới mẻ và chỉ trong chớp mắt. Từ đó, “Ngài ngồi bên hữu Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha”, cai trị mọi sự nhân danh Cha Ngài và bằng quyền thế toàn năng của Cha Ngài, để đời đời những người thuộc về Ngài được lợi ích. “Bên hữu Đức Chúa Trời”không có nghĩa là một nơi chốn có cung điện nguy nga tráng lệ, nhưng là một chức vị thuộc nhà vua: xem Cong 2:33; Ro 8: 34; Eph 1:20; He 1:3,13; 10:12; 12:2;.Ngài “lên trên hết các từng trời” (nghĩa là trở vào cuộc sống tiền-nhập thể, một đời sống chẳng hề bị một vật thọ tạo nào hạn chế) “để làm cho đầy dẫy mọi sự”(nghĩa là để khiến cho vương quyền của Ngài có hiệu lực khắp nơi; xem Eph 4:10)“thăng” dĩ nhiên là một từ ngữ gợi hình, ngụ ý được đề cao, tôn cao (vinh thăng!), đặt vào một địa vị có phẩm giá và thế lực tối cao.
Sự thăng thiên
Như vậy, việc xảy ra khi Chúa Giê-Xu thăng thiên không phải là Chúa Giê-Xu đã trở thành một con người của vũ trụ, nhưng là việc của các môn đệ Ngài được chỉ cho thấy một dấu hiệu như khi Ngài biến hình. Như C.S.Lewis viết: “trước hết họ nhìn thấy một sự di chuyển thẳng đứng ngắc ngủi và sau đó là một làn ánh sáng mơ hồ (như “mây” vậy) rồi không còn thấy gì nữa cả”. Nói khác đi, việc Chúa Giê-Xu ra đi lần cuối cùng và người ta không còn trông thấy Ngài nữa để cầm quyền cai trị cho đến lúc Ngài trở lại để thi hành việc phán xét, đã được trình bày dưới những đôi mắt xác thịt của các môn đệ Ngài, như là việc lên trời theo nghĩa thứ ba. Chúng ta đừng nên ngạc nhiên về điều đó. Dầu sao Ngài cũng phải ra đi, còn đi lên, đi xuống hay đi ngang, không hiện ra nữa hay bỗng dưng biến mất, tất cả đều chỉ là những cách có thể xảy ra. Có gì ý nghĩa hơn từ nay trở đi, Chúa Giê-Xu sẽ cai trị cầm quyền cai trị vinh hiển? Chính điều đó mới là câu trả lời.
Cho nên bức thông điệp của Chúa thăng thiên là: “Cứu Chúa Giê-Xu đang trị vì!”
Lòng chúng ta để ở trên trời
Trong thế giới suy nhược ở đó các triết gia nghiêm trọng nhất vẫn khuyên rằng tự tử là cách chọn lựa khôn ngoan nhất cho con người, chủ nghĩa lạc quan bất khả chuyển lay, khuynh đảo, của các Cơ Đốc nhân đầu tiên dường như đã tạo được ấn tượng mạnh họ cảm thấy mình đang đứng trên thế gian cho dù thế gian đang đè ép mình (ấn tượng ấy vẫn còn cho đến khi các Cơ Đốc nhân thật sự đủ tư cách Cơ Đốc nhân để chứng minh điều đó). Bí quyết của việc đó, là ba điều chắc chắn sau đây:
Thứ nhất liên quan đến thế gian này của Đức Chúa Trời. Chính Chúa Cứu thế đang thực sự cai trị nó; Ngài đã thắng trận quyết định trên các thế lực của sự tối tăm và đã chế phục nó; và khi nào sự kiện ấy lộ ra chỉ còn là vấn đề thời gian. Hiện nay cuộc chiến tranh giữa Đức Chúa Trời với Sa tan cũng giống như một ván cờ trong đó ai thắng ai bại đã rõ rồi, nhưng bên thua vẫn chưa chịu bỏ cuộc, hay như đang vào giai đoạn cuối cùng của hai kẻ đánh nhau, trong đó địch thủ sắp bại trận đang ngoan cố phản công, tuy có dữ dội và thường xuyên, nhưng sẽ không thể nào thành công và đang bị chiến lược của người chiến thắng bao vây cho nên chỉ bị xem như trò múa rối mà thôi. Có người muốn rằng cách định niên lịch của chúng ta (theo người Tây phương là A.D., nghĩa là anno Domini: năm của Chúa chúng ta mà chúng ta viết là SC: sau Chúa) được bắt đầu với ý định đánh dấu Ngày sanh của Chúa Giê-Xu (tuy có lẽ bị trễ đi vài năm) đáng lẽ phải được tính từ năm Chúa Giê-Xu bị đóng đinh vào thập tự giá, sống
lại rồi thăng thiên; vì đó mới chính là lúc quyền làm Chúa tể của Chúa Giê-Xu trở thành một sự kiện nổi bật toàn cầu như hiện nay.
Điều chắc chắn thứ hai liên quan đến Chúa Cứu thế của Đức Chúa Trời. Chính Chúa chúng ta đang cai trị, đang “cầu thay” cho chúng ta (Ro 8:34; He 7:25) theo nghĩa Ngài đang xuất hiện “trước hiện diện của Đức Chúa Trời” để “bệnh vực, bào chữa, biện hộ” cho chúng ta (IGi 2:1) để bảo đảm cho chúng ta nhận được” ân điển để giúp đỡ khi chúng ta có nhu cầu (He 4:16), do đó, cũng được gìn giữ đến cùng trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời (lời biện hộ của Đấng Chăn Chiên Hiền Lành trong Gi 10:27-29). “Cầu thay” không nói lên việc van xin kêu gọi bố thí,nhưng là sự can thiệp của một Đấng có quyền thế và năng lực tể trị, đòi hỏi và hành động vì quyền lợi của một người khác. Có người đã nói rất đúng rằng chính Chúa hiện diện và đời sống của Chúa chúng ta trên thiên đàng với cương vị nhà vua thầy tế lễ được tôn vương, đích thân Đấng đến chuộc tội cho chúng ta, tự nó đã là lời cầu thay của Ngài rồi; chính vì Ngài đang có mặt ở đó đã đủ bảo đảm để chúng ta nhận được đủ các ân huệ và cả sự vinh hiển nữa.
Một bài hát rao hồi thế kỷ thứ mười tám nói lên sự chắc chắn ấy bằng những lời lẽ khiến con tim hồi hộp reo mừng:
Tình yêu thương đã khiến Ngài chịu chết; và tôi nương cậy tình yêu ấy. Cứu Chúa đã yêu tôi, tôi không hiểu vì sao, nhưng có thể nhận thấy. Tôi và Ngài kết hợp với nhau, Ngài sẽ không vui hưởng vinh hiển bỏ tôi lại đàng sau.
Điều chắc chắn thứ ba liên quan đến dân sự của Đức Chúa Trời. Đây là vấn đề kinh nghiệm Chúa ban cũng như sự thông hiểu do Ngài truyền dạy. Ấy là các Cơ Đốc nhân được hưởng ngay trong đời này, và ngay bây giờ một đời sống thông công kín giấu với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà chẳng có gì - kể cả chính sự chết - có thể đụng chạm đến, vì đó là đời sống trong thế giới hầu đến nhưng đã bắt đầu rồi,đời sống thiên đàng được nếm trước ngay trên đất này. Cách giải nghĩa kinh nghiệm mà toàn thể dân Đức Chúa Trời đều biết trong một chừng mực nào đó, ấy là các tín hữu đã thật sự từng trải qua sự chết (không phải như một biến cố thuộc thể,nhưng có tính cách cá nhân và tâm lý) để vào sự sống đời đời ở phía bên kia:“Anh em đã chết, sự sống mình đã giấu với Chúa Cứu thế trong Đức Chúa Trời” (Co 3:3; đối chiếu 2:12; Ro 6:3,4) “Đang khi chúng ta chết...Ngài (ĐứcChúa Trời)làm cho chúng ta sống (lại) với Đấng Christ và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Chúa Cứu thế Giê-Xu” (Eph 2:4; và tt).
Sách cầu nguyện sưu tập cho ngày lễ thăng thiên những lời cầu xin Đức Chúa Trời “ban cho...như điều chúng con tin nơi Con một Ngài là Đức Chúa Giê-Xu Christ, đã thăng thiên, để cả tấm lòng và tâm trí chúng con cũng có thể bay lên và cùng ở với Ngài luôn”. Nguyện chúng ta có thể làm được chính việc ấy nhờ quyền năng của ba điều chắc chắn này.
Nghiên cứu thêm Kinh Thánh
Ý nghĩa của việc Chúa thăng thiên: Cong 1:1-11; Eph 1:15-2:10;
Các câu hỏi để suy gẫm và thảo luận
1.Chúa Giê-Xu đã thăng thiên theo ý nghĩa nào? Ngài sẽ trở lại (tái lâm) theo ý nghĩa nào?
2.Hiện nay Chúa Cứu thế đang làm gì? Chức vụ đó của Ngài trên thiên đàng quan trọng như thế nào đối với chúng ta?
NGÀI SẼ TRỞ LẠI
Tâm điểm của Bài Tín Điều là làm chứng về quá khứ, hiện tại và tương lai của Chúa Cứu thế Giê-Xu: sự giáng sanh, chịu chết, sống lại và thăng thiên trong quá khứ; sự trị vì của Ngài trong hiện tại; và việc Ngài sẽ tái lâm trong tương lai để phán xét, “kẻ sống và kẻ chết”. Kinh Thánh cho chúng ta biết rồi đây thân thể chúng ta sẽ sống lại và được sự sống đời đời trọn vẹn như Bài Tín Điều nói. Bấy giờ một trật tự vũ trụ mới cũng sẽ bắt đầu. Sẽ có một ngày tái lâm trọng đại (Mat 25:14-46; Gia 5:25-29; Ro 8:18-24; IIPhi 3:10-13; Kh 20:11-21:4).
Hi vọng của cơ đốc nhân
Không có chỗ nào, sức mạnh của Bài tín Điều như một hiến chương cho đời sống được vạch ra rõ ràng hơn ở đây. Trên thế giới ngày nay, bi quan chủ nghĩa sở dĩ lan tràn,vì người ta thiếu mất hi vọng. Trước mắt họ chỉ có bom đạn, sự phá sản, và sự yếu đuối mòn mỏi của tuổi già - chẳng có gì còn giá trị cả. Người cộng sản và những người theo chứng nhân của Đức Giêhôva lôi cuốn thiên hạ bằng các đề nghị sáng sủa là tạo ra thiên đàng ngay trên đất này - trường hợp trước tiếp sau một cuộc Cách mạng, và trường hợp sau tiếp theo trận Hamaghêđôn; nhưng niềm hi vọng Cơ Đốc giáo vượt hơn cả hai - niềm hi vọng của nhân vật kiên định của John Bunyan bảo rằng “cứ suy nghĩ về con đường tôi đang đi...trong lòng tôi như có cục than đang cháy rực” Bài Tín Điều cũng nêu cao niềm hy vọng ấy khi tuyên bố rằng ”Ngài sẽ trở lại”
Theo một ý nghĩa, Chúa Cứu thế sẽ đến với từng Cơ Đốc nhân khi người ấy qua đời,nhưng bài tín Điều nhìn về ngày Ngài sẽ công khai lật đổ lịch sử và phán xét mọi người: Với tư cách các Cơ Đốc nhân đã được tiếp nhận, với một “phần thưởng nhưng không được mua bằng huyết” đang chờ đợi những người đã trung tín trong chức vụ của mình; những kẻ phản loạn sẽ bị Ông Chủ chối bỏ vì họ đã chối bỏ Ngài trước.Cuộc phán xét của Chúa Giê-Xu là “quan án công bình” (IITi 4:8; đối chiếu 2:5-11) sẽ không nêu ra các vấn đề về luân lý đạo đức.
Chắc chắn và vinh quang
Có một số người nghĩ rằng điều ấy sẽ không xảy ra - nhưng chúng ta có lời của Đức Chúa Trời đề cập việc ấy, và các nhà khoa học ngày nay cho chúng ta biết một cuộc chiến tranh hạt nhân hay đại họa tận thế là điều thật sự có thể xảy ra. Chúa Cứu thế tái lâm là chuyện không thể hình dung nổi, nhưng óc tưởng tượng của con người cũng không thể nào theo kịp quyền phép của Đức Chúa Trời, và Chúa Giê-Xu đang đồng thời hiện diện với triệu triệu người hiện nay, lúc ấy, cũng sẽ hiện diện một cách hữu hình cho cả nhân loại phục sinh nhìn thấy. Chúng ta không biết bao giờ Ngài sẽ tái lâm (cho nên chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng), cũng không biết Ngài sẽ đến như thế nào (tại sao không phải là lúc quả bom nổ?) - nhưng “Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy” (IGi 3:2) - và đó chính là sự hiểu biết vậy! “Lạy Chúa Giê-Xu, xin hãy đến!” (Kh 22:20)
Tình trạng mù mờ
Niềm hi vọng về Chúa Cứu thế tái lâm từng khiến cho các Cơ Đốc nhân Tân Ước nức lòng mừng rỡ, bằng chứng đã có trên 300 câu người ta có thể dùng làm tài liệu tham khảo - trung bình có một trên mười ba câu. Nhưng với chúng ta việc ấy đã không gây được phấn khởi nhưng làm lo âu bối rối nhiều hơn. Tại sao lại có tình trạng mù mờ như vậy? Dường như chỉ bốn lý do chính:
Thứ nhất, vì đây là thời kỳ phản kháng một thế kỷ rưỡi nghiên cứu ráo riết lời tiên tri, nói lên một tinh thần bi quan thiếu cầu nguyện của Hội Thánh và tách rời khỏi thế gian sự chờ đợi của một số phận. Tinh thần ấy cùng với chủ nghĩa giáo điều độc đoán đi đôi với nó liên hệ cả đến dấu hiệu lẫn ngày giờ Chúa Cứu thế tái lâm (bất chấp Mac 13:32; và Cong 1:7) là việc làm không thể biện minh và đã gây tiếng xấu cho vấn đề ấy.
Thứ hai, đây là thời kỳ của hoài nghi chủ nghĩa, thắc mắc chính Chúa Cứu thế có sống lại và thăng thiên với cả phần thân xác hay không, nên theo lẽ tự nhiên, việc ấy làm nảy sinh nghi ngờ, chúng ta có hi vọng còn thấy lại Ngài được nữa hay không.
Thứ ba, đây là một thời kỳ của sự nhút nhát, trong đó các Cơ Đốc nhân khi tranh cãi với chủ nghĩa duy vật tự túc tự mãn thế tục của Tây phương và các ý thức hệ Mác-xít, lại phân vân không dám đối đầu việc quá chú trọng vào “thế gian này” của họ, e rằng họ sẽ tố ngược lại bằng cách châm chọc các Cơ Đốc nhân đã chẳng quan tâm gì đến công bằng xã hội và kinh tế. Do đó sự kiện Đấng Christ sẽ kết thúc thế gian này và thành phần tốt đẹp nhất nơi niềm hi vọng của Cơ Đốc nhân vượt ra ngoài mối bận tâm đó, nên bị loại trừ.
Thứ tư, đây là thời kỳ lo nghĩ đến chuyện đời, ít ra cũng giữa vòng các Cơ Đốc nhân giàu có bên Tây phương. Chúng ta ngày càng suy nghĩ ít hơn về những điều tốt hơn mà Chúa Cứu thế sẽ đem đến cho chúng ta khi Ngài trở lại, bởi vì tư tưởng chúng ta ngày càng bị những điều tốt đẹp chúng ta hưởng thụ dưới đất này thu hút. Chẳng có ai muốn ngược đãi hay làm hại người khác, nhưng ai phủ nhận được làm như vậy, họ đã không làm ích lợi gì cho chúng ta cả?
Cả bốn thái độ trên không lành mạnh và không xứng đáng. Xin Chúa giúp chúng ta vượt qua những điểm đó.
Hãy sẵn sàng
Cứu Chúa từng dạy các môn đệ Ngài: “Các ngươi cũng hãy chực cho sẵn, vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ” (Mat 24:44). Chúng ta phải chực cho sẵn như thế nào? Bằng cách tính sổ ngắn hạn với Đức Chúa Trời và loài người; bằng cách chỉ lo sống ngày nào đủ cho ngày ấy, như Chúa Giê-Xu từng dạy (Mat 6:34), và bằng cách lưu ý tới lời khuyên của bài thánh ca của giám mục Ken: “hãy sống hằng ngày như đó là ngày cuối cùng”. hãy lập ngân quỹ và kế hoạch cho thời gian một năm, nhưng về tinh thần, hãy thu xếp sao cho có thể sẵn sàng từ bỏ đời này bất cứ lúc nào. Đây phải là phần kỷ luật dành cho thì giờ tĩnh nguyện để bồi linh hằng ngày. Lúc Chúa đến, Ngài muốn thấy người thuộc về Ngài đang cầu nguyện cho sự phục hưng và lập kế hoạch cho việc truyền giảng Tin Lành cho cả thế gian -nhưng phải thu xếp để dầu sao cũng phải có thể từ bỏ tất cả. Nếu các hướng đạo sinh có thể học tập sống thực tế theo câu khẩu hiệu “Hãy sẵn sàng” đối với mọi việc bình thường có thể xảy ra, tại sao các Cơ Đốc nhân lại chậm chạp, không chịu học bài học đó, liên quan với biến cố Chúa Cứu thế sẽ tái lâm chỉ trong chớp mắt?”
Nghiên cứu thêm Kinh Thánh
Thái độ của Cơ Đốc nhân đối với sự tái lâm của Chúa Cứu thế: Lu 12:35-48; ITe 4:13-5:11; IIPhi 3:1-22;.
Câu hỏi để suy gẫm và thảo luận
1.Vì sao chúng ta đặt hi vọng nơi sự tái lâm của Chúa Cứu thế trong tương lai?
2.Khi Chúa Cứu thế trở lại, Ngài sẽ làm gì? bạn phản ứng ra sao khi biết như vậy?
3.Kinh Thánh không nói gì liên hệ đến thời điểm Chúa Cứu thế tái lâm? Theo bạn nghĩ, Tại sao Đức Chúa Trời lại giữ lại phần thông tin đó?
TÔI TIN ĐỨC THÁNH LINH
Từ ngữ “linh” (ghost) nguyên nghĩa là năng lực tâm lý trong một người, còn niềm tin vào các linh (ma quỉ thần thánh theo nghĩa hiện đại) phản ảnh niềm tin mà phần năng lực đó của con người vẫn còn có thể hành động khi thân thể không còn nữa. Theo nghĩa này, “linh” là một từ ngữ tốt nói lên ý niệm linh (spirit)trong Kinh Thánh, vì các từ ngữ Hi bá lai (ruach) và Hy lạp (pneuma) chỉ gió, đều có nghĩa là năng lực cá nhân của cả loài người lẫn Đức Chúa Trời. Nhưng, như hiện nay từ ngữ “ma quỉ thần thánh” gợi ý về một điều gì đáng ghê sợ, cho nên tốt hơn hết chúng ta nên gọi người thứ ba của Ba Ngôi Đức Chúa trời là Đức Thánh Linh.
Phân đoạn thứ ba của Bài Tín Điều bắt đầu bằng câu “Tôi tin Đức Thánh Linh”. Từ công trình sáng tạo muôn vật của Đức Chúa Cha, công lao cứu chuộc của Đức Chúa Con,bài tín điều chuyển sang đề cập công tác tái tạo của Đức Thánh Linh, nhờ đó loài người thật sự được dựng nên mới qua trung gian Đấng Christ. Cho nên chúng ta được nghe nói về Hội Thánh (cộng đồng mới) sự tha tội (mối liên hệ mới) sự sống lại (đời sống mới) và sự sống đời đời (sự hoàn thiện mới). Nhưng trước hết, hãy đến với lời xưng nhận đức tin đến chính Đức Thánh Linh.
Linh của Đấng Christ
Ngài là Đấng thánh khiết. Ngài là một ngôi hoạt động tích cực, Ngôi Chấp Hành trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Nhưng hành động và nhằm mục tiêu nào? Ở đây có rất nhiều sai lầm. Có người kết hợp Đức Thánh Linh với tình trạng cảm hứng thần bí và nghệ thuật - số người này gồm cả Cơ Đốc nhân lẫn người ngoại đạo. Có người chỉ kết hợp Đức Thánh Linh với kinh nghiệm bất thường của Cơ Đốc nhân mà thôi - cảm thấy những điều cao siêu, thấy khải tượng, được mặc khải, nói tiếng lạ, chữa bệnh. Nhưng các hành động ấy chỉ là yếu tố thứ yếu trong công tác của Đức Thánh Linh, tuy tất cả do Đức Thánh Linh mà ra.
Cựu Ước đề cập Đức Thánh Linh kết hợp với công cuộc sáng tạo trời đất muôn vật, cả về phương diện Đức Chúa Trời (Sa 1:2) lẫn về phương diện loài người (Xu 31:1-6);về việc Đức Chúa Trời linh cảm các phát ngôn nhân của Ngài (Es 6:1;, Bài Tín Điều vạch rõ Đức Thánh Linh “nhờ các nhà tiên tri nói ra"); về việc trang bị cho các tôi tớ Đức Chúa Trời (Các quan xét, Các vua,v.v..; chẳng hạn Cac 13:25;14:19; Es 11:2; Xa 4:6); về việc kêu gọi lòng tin kính nơi các cá nhân và cộng đồng (Exe 36:26; 37:1-14; Xa 12:10). Tất cả những điều đó có ý nghĩa sâu nhiệm hơn trong Tân Ước, là nơi Đức Thánh Linh được trình bày như một thân vị đại diện Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, và được đề cập với tư cách “Thánh Linh của Đấng Christ” (Ro 8:9; IPhi 1:11).
Chìa khóa để thấu hiểu quan điểm của Tân Ước về công tác của Đức Thánh Linh, là phải thấy chủ đích của Ngài hoàn toàn đồng nhất với Đức Chúa Cha, nghĩa là muốn thấy Đức Chúa Con được vinh hiển và ca ngợi.
Thứ nhất, Đức Thánh Linh đã phục vụ Đức Chúa Con qua suốt cuộc đời tại thế của Ngài bắt đầu từ lúc Bài tín Điều nói là Ngài được đầu thai bởi Đức Thánh Linh” (Mat 1:20). Đức Thánh Linh lấy hình chim bồ câu giáng xuống trên Ngài lúc chịu phép Báp-tem chẳng những chứng minh rằng Ngài là Đấng ban Thánh Linh, mà còn cho thấy rằng chính Ngài được đổ đầy Đức Thánh Linh nữa (Lu 4:1; đối chiếu các câu Lu 4:14,18). Ấy là “nhờ Đức Thánh Linh đời đời” mà Ngài đã dâng mình làm sinh tế cho chúng ta (He 9:14).
Thứ hai, Đức Thánh Linh hiện hành động với tư cách người đại diện cho Chúa Giê-Xu,một “Đấng Yên ủi (giúp đỡ, nâng đỡ, bênh vực, khích lệ) khác”. Ngài chỉ cho chúng ta thấy Chúa Giê-Xu trong Phúc âm, kết hợp chúng ta với Ngài bởi đức tin,và ngự trong chúng ta để biến đổi chúng ta trở nên “giống như Ngài” bằng cách khiến “trái của Thánh linh” tăng trưởng trong chúng ta (IICo 3:18; Ga 5:22; và tt).
“Ngài sẽ làm sáng danh ta (chớ không phải chính Ngài), vì Ngài sẽ lấy đều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi” (Gi 16:14). Những lời nói trên đây của Chúa Giê-Xu vạch rõ đặc tính tự-giấu-mình-đi của Đức Thánh Linh; các nhiệm vụ của Ngài là rọi ra những tia sáng chói rạng trên Đấng Christ, để chính Đấng Christ chớ không phải Đức Thánh Linh, Đấng được chúng ta nhìn thấy trong thông điệp Phúc âm, Chúa Giê-Xu đứng đợi chúng ta, để bảo rằng: “Hãy đến cùng ta; hãy theo ta”. Trong lương tâm mình, khi chúng ta lắng nghe Phúc âm bằng lỗ tai bên trong của đức tin, thì Đức Thánh Linh đứng sau lưng chúng ta dường như để chiếu ánh sáng qua vai chúng ta vào Chúa Giê-Xu, và thường xuyên khuyến giục: Hãy đến với Ngài;hãy giải quyết mọi nan đề với Ngài; Chúng ta đang làm theo, và chính điều đó khiến chúng ta trở thành Cơ Đốc nhân.
Lời chứng và chức vụ
Đức Thánh Linh là chứng nhân và là giáo sư (IGi 5:7; 2:27; đối chiếu 4:2; và tt) vì trước hết, Ngài thuyết phục chúng ta rằng Chúa Giê-Xu của Phúc âm, Đấng Christ của Tân Ước, quả có thật, và Ngài sở dĩ có mặt, là “vì loài người chúng ta và vì sự cứu rỗi chúng ta”; thứ hai, Ngài bảo đảm với chúng ta rằng với cương vị các tín hữu, chúng ta đều là con cái Đức Chúa Trời và đồng kế tự với Đấng Christ (Ro 8:16; và tt) thứ ba, Ngài cảm động, thúc giục chúng ta làm chứng nhân cho Đấng Christ, Đấng mà lời chứng của Ngài đã dẫn chúng ta tới chỗ nhận biết (xrm Gi 15:26). Nhưng điều Đức Thánh Linh làm chứng, không phải là sự mặc khải riêng về những gì cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ, nhưng là những gì chính Ngài đã tiếp nhận từ lời chứng công khai của Đức Chúa Trời đã “có” qua suốt Kinh Thánh, nhưng vẫn chưa được quan tâm chú ý. Phaolô đã mô tả công tác làm chứng của Đức Thánh Linh khi ông nói về việc “soi sáng con mắt của lòng anh em”(Eph 1:18).
Thứ ba, Đức Thánh Linh ban cho mỗi Cơ Đốc nhân một hoặc nhiều ân tứ (nghĩa là những khả năng giới thiệu, trình bày về Đấng Christ để phục vụ Đức Chúa Trời và người ta) sao cho “chức vụ của từng chi thể” trong Hội Thánh, là thân thể Đấng Christ, đều trở thành thực tại (ICo 12:4-7; Eph 4:11-16). Chức vụ đa phương này cũng chính là chức vụ của Đấng Christ tuy đã về trời nhưng vẫn được tiếp tục qua trung gian chúng ta, là tay là chân, là môi miệng Ngài; và người được Đức Thánh Linh ban ân tứ phải xem như mình đang phục vụ và làm sáng danh Đấng Christ nhiều hơn nữa, cũng như Ngài là phương tiện qua đó chính chức vụ của Đấng Christ đối với loài người có thể cứ được tiếp tục.
Các dấu hiệu của Đức Thánh Linh
Vậy,đâu là các dấu hiệu cho thấy Đức Thánh Linh tự giấu mặt của Đấng Christ vẫn đang hành động? Không phải là những cảnh nhảy múa reo vui thần bí, cũng không phải là các khải tượng, hay những điều được cho là sự mặc khải, cũng không phải cả đến quyền phép chữa bệnh, nói tiếng lạ hay các phép lạ rõ ràng; vì Sa tan vẫn hay lợi dụng tình trạng tâm sinh lý phức tạp và dễ sa ngã, thất bại của chúng ta để tạo ra những điều đó (xem IITe 2:9; Co 2:18). Chỉ có các dấu hiệu chắc chắn duy nhất, ấy là Đấng Christ của Kinh Thánh được mọi người tin nhận, nương cậy,yêu thương, vì cớ ân điển Ngài và được phục vụ để tôn vinh, và các tín hữu thật sự xây khỏi tội lỗi để sống thánh khiết, trở thành hình tượng của Đấng Christ giữa dân Ngài (xem ICo 12:3,2; IICo 3:17). Trên đây là các tiêu chuẩn chúng ta phải căn cứ vào để phê phán, chẳng hạn như “phong trào phục hưng tình thương”(the charismatic renewal) hiện đại, và Cơ Đốc giáo khoa học (Christian Science)có lẽ là hai trường hợp sẽ được phán xử rất khác nhau.
Vậy khi với tư cách Cơ Đốc nhân, tôi nói: “Tôi tin Đức Thánh Linh”, ý tôi muốn nói rằng, thứ nhất, tôi tin sự thông công cá nhân qua không gian và thời gian, với Đấng Christ hằng sống của Tân Ước là có thật mà tôi có thể tìm thấy qua Đức Thánh Linh; thứ hai - tôi đang mở lòng ra để được Đức Thánh Linh hiện đang ngự trong tôi hướng dẫn mình, để tôi có thể đi vào sự nhận biết, vâng lời và phục vụ Chúa, và tôi trông mong mình được chỉ dẫn hằng ngày; và thứ ba - tôi ca ngợi chúc tụng Ngài là tác giả của lòng tin quyết trong tôi rằng một là con cái và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ. Vậy tin Đức Thánh Linh là điều vô cùng quang vinh.
Nghiên cứu thêm Kinh Thánh
Chức vụ của Đức Thánh Linh: Gi 7:37-39; 14:15-26; 16:7-15; Ro 8:1-17;
Các câu hỏi để suy gẫm
1.Công tác của Đức Thánh linh khác công tác của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con như thế nào?
2.Là “đại diện cho Chúa Giê-Xu” Đức Thánh Linh đang làm gì?
3.Bạn sẽ nói gì với một người tự xưng là Cơ Đốc nhân nhưng nghi ngờ không biết mình có kinh nghiệm gì về chức vụ của Đức Thánh Linh hay chưa?
HỘI THÁNH PHỔ THÔNG
Chính vì muốn triệt để bám sát luận lý thần học, nên Bài Tín Điều xưng nhận đức tin vào Đức Thánh Linh trước khi xưng nhận đức tin đặt vào Hội Thánh, và đề cập Hội Thánh trước khi bàn đến sự cứu rỗi cá nhân (tha tội, sống lại, sống đời đời).Vì trong Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con đã yêu thương Hội Thánh, Đức Chúa Con đã cứu chuộc Hội Thánh, chính Đức Thánh Linh mới tạo lập Hội Thánh bằng cách ban cho người ta có đức tin; và chính trong Hội thánh, qua chức vụ và sự thông công, người ta mới hưởng được sự cứu rỗi cá nhân một cách bình thường.
Rủi thay, ngay tại điểm này đã có sự khác biệt. Cả người Công giáo La mã lẫn các tín đồ Tin Lành đều đọc Bài Tín Điều, nhưng họ lại chia rẽ nhau. tại sao vậy? Về căn bản, ấy là vì cách hiểu khác nhau câu “Tôi tin Hội Thánh phổ thông” - “một Hội Thánh phổ thông và của các sứ đồ”, như thật Bài tín Điều đã ghi như vậy.
Không thống nhất giữa la mã giáo và tin lành
Lời truyền dạy chính thức của Công giáo La mã giới thiệu Hội thánh Đấng Christ như là một tổ chức (Organised body) duy nhất gồm những người đã chịu phép Báp-tem,tương giao với Giáo hoàng và thừa nhận lời truyền dạy cũng như thẩm quyền cai trị của hàng giáo phẩm. Sở dĩ nó là thánh vì nó tạo ra những con người thánh thiện, được bảo vệ khỏi phần tội lỗi căn bản; sở dĩ nó là phổ thông (công giáo,catholic) vì khi lan tràn khắp thế gian, giáo hội ấy vẫn phó thác cùng một đức tin đầy đủ trọn vẹn cho mọi người giữ làm của tin; và sở dĩ bảo là của các sứ đồ bởi vì các phẩm trật của hàng chức sắc bắt nguồn từ các sứ đồ, và đức tin của các giáo hội ấy (gồm luôn các tiết mục không thấy có trong Kinh Thánh như sự thăng thiên của bà Mari và sự hoài thai vô nhiễm của bà, thánh lễ Misa, và sự vô ngộ của Giáo hoàng) là sự tăng trưởng thuần chánh (sound) từ nguồn gốc là các sứ đồ. Các tổ chức không phải La mã giáo, tuy có giống với hội Thánh đến đâu đi chăng nữa, nhất thiết điều không thuộc về Hội Thánh.
Người Tin Lành dựa vào Kinh thánh để thánh thức chủ trương đó. Họ bảo rằng theo Kinh Thánh dạy, Hội Thánh là toàn khối duy nhất những người tin rằng Đấng Christ là Đầu mình trên khắp thế giới và đang thông công với nhau. Sở dĩ nó là thánh vì đã được cung hiến cho Đức Chúa Trời (tuy không phải là nó không có thể phạm tội trầm trọng); sở dĩ nó là phổ thông vì bao gồm toàn thể các Cơ Đốc nhân ở khắp nơi; và sở dĩ nó là của các sứ đồ vì nó luôn luôn tìm cách duy trì các giáo lý của các sứ đồ cho khỏi bị pha trộn. Giáo hoàng, giáo phẩm và các giáo thuyết ngoài Kinh Thánh chẳng những không phải là thiết yếu mà thật ra còn lệch lạc,làm biến dạng Hội Thánh nữa; nếu La mã là một Hội thánh (điều mà một số các nhà Cải Chánh nghi ngờ) thì nó là một Hội Thánh bất chấp những gì được thêm vào, chớ không phải vì những điều đã được thêm vào đó. Đặc biệt là vô ngộ tính chỉ thuộc về một mình Đức Chúa Trời phán dạy trong Kinh Thánh, chớ không thuộc về Hội Thánh hay bất kỳ một chức sắc nào trong Hội Thánh, và bất luận trong một lời truyền dạy nào được đưa ra trong Hội Thánh hay bởi Hội thánh đều có thể chịu sửa sai do điều mà Điều khoản XX của bài điều lệ Anh quốc giáo gọi là “lời thành văn của Đức Chúa Trời”
Một số người Tin Lành đã lấy vế “sự thông công của các thánh đồ” tiếp sau “Hội Thánh phổ thông” làm điểm soi sáng cho chính Bài Tín Điều về Hội Thánh là gì, tức là vác Cơ Đốc nhân thông công với nhau - và chỉ có việc ấy mà thôi, bất chấp một cơ cấu giáo phẩm đặc biệt nào khác. Nhưng thông thường nên xem câu này, như lời xác nhận sự hiệp một thật sự trong Đấng Christ của Hội thánh “đang chiến đấu trên đất này” với Hội thánh đang chiến thắng khải hoàn, như He 12:22-24; đã vạch rõ; và rất có thể là vế ấy nguyên có nghĩa là sự thông công trong những việc thánh (lời lẽ, thánh lễ, sự thờ phượng, lời cầu nguyện) nói lên sự thật nhưng điểm phân biệt, là trong Hội Thánh, đã thật sự chia xẻ với nhau trong sự sống của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, quan điểm “thuộc linh” chủ trương rằng Hội thánh là một sự thông công trước hơn là một tổ chức đã được Kinh Thánh xác nhận mà không cần gì phải nhờ đến vế này, dù ý nghĩa của nó cũng rất cần thiết
Tân ước.
Bảo rằng Tân Ước trình bày quan điểm Tin Lành thì khó ai tranh cãi gì được (vấn đề tranh luận là tân Ước có phải là uy quyền tối hậu, dứt khoát hay không!) Hội Thánh xuất hiện trong mối liên hệ ba Ngôi, như là gia đình của Đức Chúa Cha, thân thể của Đấng Christ là Đức Chúa Con, và là đền thờ (nơi ngự) của Đức Thánh Linh, và bao lâu các thánh lễ chính còn được cử hành về việc quản lý về chức vụ còn được thực thi, không thể cứ đòi hỏi phải có một số mẫu mực về tổ chức nào cả. Hội Thánh là xã hội siêu nhiên của những người đã được Đức Chúa Trời cứu chuộc và đã chịu phép Báp-tem đang nhìn trở về thời Đấng Christ giáng lâm lần thứ nhất với tấm lòng tri ân, và nhìn tới ngày Ngài tái lâm, với tấm lòng tràn đầy hi vọng. “Sự sống của (anh em) đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời. Khi nào Đấng Christ là sự sống của anh em sẽ hiện ra, bấy giờ anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh hiển” (Co 3:3; và tt) - đó là Hội Thánh trong tình hình hiện tại và trong viễn ảnh tương lai. Hướng về niềm hi vọng ấy, cả hai thánh lễ đều - phép Báp-tem hình bóng về sự sống lại sau cùng, còn Tiệc Thánh thì báo trước “tiệc cưới Chiên Con” (Kh 19:9).
Tuy nhiên, hiện tại tất cả các Hội Thánh (như các Hội Thánh tại Côrinhtô, Côlôse,Galati, và Têsalônica, không cần phải kể thêm) đều có thể sai lầm cả trong đức tin lẫn các vấn đề về đạo đức, và đều cần luôn luôn được sửa sai và cải cách về một bình diện (tri thức, bồi linh, tổ chức, giáo nghi) bởi Đức Thánh Linh qua Lời Đức Chúa Trời.
Nền thần học Tin Lành về sự phục hưng lần đầu tiên được đề cập vào các thế kỷ thứ mười bảy và mười tám, với sự dấy lên của “cuộc phục hưng tình thương”(charismatic renewal) trên phạm vi toàn thế giới, nhắc chúng ta nhớ lại về điều mà Giáo hội Công giáo La mã và Giáo hội Tin lành tranh cãi với nhau, khi vì quá chú trọng vào chân lý của giáo lý, đã có khuynh hướng nhằm sai mục tiêu - tức là các Hội thánh phải luôn luôn mở rộng cửa cho quyền làm chúa trực tiếp của Đức Thánh Linh, và thà có một hội chúng đầy sinh lực nhưng thiếu trật tự, còn hơn là một hội chúng đâu vào đấy nhưng đã chết cứng.
Chi hội địa phương
Sự thử nghiệm quyết định để biết tình trạng trong một Hội Thánh là những gì xảy ra trong một chi hội địa phương. Mỗi hội chúng địa phương là kết quả thấy được của một giáo hội phổ thông, được kêu gọi để phục vụ Đức Chúa Trời và người ta trong sự khiêm hạ, và có lẽ là còn cần phải chịu sỉ nhục nữa, trong khi sống chờ đợi sự vinh hiển. Được đổ đầy Đức Thánh Linh để thờ phượng và làm chứng đạo, tích cực trong tình yêu thương và lo lắng chăm sóc cho cả người bên trong lẫn bên ngoài như nhau, tự-trị tự-túc và tự-bành-trướng, mỗi hội chúng phải là một mũi nhọn trong cuộc phân công của Đức Chúa Trời nhằm chinh phục thế gian phản loạn này.
Một câu hỏi nhỏ để kết thúc: hội chúng của bạn đang tiến triển ra sao?
Nghiên cứu thêm Kinh Thánh
Bản tính và vận mệnh của Hội Thánh: IPhi 2:1-24; Eph 2:11-4:16;.
Các câu hỏi để suy gẫm và thảo luận
1.Người Công giáo La mã sử dụng Tân Ước khác với người Tin Lành như thế nào? Việc làm đó ảnh hưởng đến quan điểm mà mỗi giáo hội chủ trương như thế nào?
2.Tác giả định nghĩa “sự thông công của các thánh đồ” như thế nào? bạn có đồng ý với điều ông nói không? Tại sao có, tại sao không?
3.Chức năng của một chi hội Cơ Đốc địa phương trong mối liên hệ với giáo hội phổ thông là gì?
SỰ THA TỘI
Tội là gì? Sách yếu lý ngắn hơn Westminster nói tội là “bất cứ việc gì không phù hợp hay vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời”. Đây là âm vang của IGi 3:4; “phạm tội tức là trái luật pháp”. Nó còn nhiều khía cạnh khác nữa. Nó là trái luật trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời là Đấng ban bố luật pháp, là phản loạn đối với Đức Chúa Trời là nhà vua, nhà cầm quyền hợp pháp; là sai trật mục tiêu trong mối liên hệ kế hoạch khi tạo dựng chúng ta; là phạm tội đối với Đức Chúa Trời với tư cách quan tòa; và là ô uế bất khiết đối với Đức Chúa Trời là Đấng Thánh.
Tội là sự sai lệch đụng chạm đến mọi người chúng ta về mọi mặt trong đời sống chúng ta. Ngoài Chúa Giê-Xu, không hề có người nào khỏi bị ô nhiễm. Nó xuất hiện trong các ước muốn, dục vọng cũng như trong hành động, trong các động lực thúc đẩy cũng như trong việc làm. Cho nên Sách cầu nguyện của Anh quốc giáo đã dạy chúng ta rất đúng rằng: “Chúng ta đã noi theo các mưu định và dục vọng của chính lòng ta quá nhiều...Chúng ta đã bỏ qua không làm những việc đáng lẽ chúng ta phải làm, nhưng lại làm những việc mà đáng lẽ chúng ta không nên làm, cho nên (về phương diện thuộc linh mà nói) chúng ta không có sức khỏe”
Trước mặt Đức Chúa Trời, tôi là vấn đề của tất cả mọi người, vì Ngài có “đôi mắt thánh sạch chẳng nhìn sự dữ” và “chẳng có thể nhìn được sự trái ngược” (Ha 1:12). Nhưng chúng ta nhận thấy đời sống là một bãi mìn đạo đức càng cố tìm cách trốn tránh tội lỗi, chúng ta lại càng thương gặp hơn - và khi nhận ra mình đang bước đi trên con đường không nên đi thì đã quá muộn, chúng ta bị tan tành thành từng mảnh vụn nếu căn cứ vào sự đòi hỏi là chúng ta phải yêu mến Đức Chúa Trời và người lân cận mình. Sự việc đó sẽ đưa chúng ta đến đâu? “Cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình” (Ro 1:18).
Tuy nhiên, Tin Lành, tin mừng là “tội lỗi có thể được tha thứ”. Tâm điểm của Phúc âm là “nhưng” của Thi 130:3; “Hỡi Đức Giêhôva, nếu Ngài cố chấp sự gian ác,thì Chúa ôi, ai sẽ còn sống? Nhưng Chúa có lòng tha thứ cho, để người ta kính sợ Chúa” - nghĩa là để người ta lấy lòng ngay thật thờ phượng Ngài (vì đó chính là ý nghĩa của từ ngữ kính sợ Đức Chúa Trời).
Quan trọng và có thật
Tha tội là tha thứ trong bối cảnh con người với nhau. Đó là nhận lại một người chống lại mình, gây tổn hại cho mình, tự gây chuyện một cách sai trái với mình, lẫn bạn.Đó là lòng khoan dung (tỏ ra tử tế với kẻ làm quấy không đáng được đối xử tử tế như vậy), là hành động xây dựng (tái lập mối liên hệ đã bị phá hủy) - và điều không thể trốn khỏi, là nó đòi hỏi phải trả giá.
Sự tha tội của Đức Chúa Trời là một thí dụ tối cao về việc ấy, vì bởi tình yêu thương Ngài, Đức Chúa Trời đã phục hồi sự thông công với loài người với giá phải trả là thập tự giá.
Nếu tội lỗi chúng ta không được tha, chúng ta sẽ ra sao? Một lương tâm xấu (bị cắn rứt) là kinh nghiệm hết sức phổ quát, và gây đau khổ nhiều nhất. Chẳng hề có sự thay đổi bên ngoài nào xoa dịu được; bạn phải mang nó theo mình suốt những giờ thao thức không tài nào ngủ được. Bạn càng “có lương tâm”, càng biết rõ là mình đối xử sai quấy với tha nhân, và với Đức Chúa Trời nữa, bạn sẽ càng bị “ám ảnh”nặng nề hơn. Nếu không được tha tội, bạn sẽ không bao giờ được bình an. Một lương tâm cắn rứt bạn với toàn thể sức lực của nó, sẽ nhân danh Đức Chúa Trời để xé tan bạn ra từng mảnh vụn - và đó tất nhiên là hỏa ngục, ngay trong đời này và cả ở đời sau nữa.
Luther biết rất rõ.
Một người bối rối lo lắng về tội, đã viết thư cho Luther. Bản thân nhà Cải chánh cũng vô cùng đau khổ từ lâu về vấn đề ấy, đã trả lời: “Hãy học biết về Đấng Christ, và Đấng Christ đã bị đóng đinh vào thập tự giá. Hãy học tập ca ngợi Ngài, rằng: Lạy Chúa Giê-Xu, Ngài là sự công chính của con, còn con là tội lỗi của Ngài. Ngài nhận cho mình điều của con để con nhận lấy điều của Ngài. Ngài đã trở thành người vốn không phải là Ngài, để con trở thành người vốn không phải là con”. Hãy đối chiếu với Phaolô: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (IICo 5:21). Hãy tự buộc chặt mình vào với Chúa Giê-Xu là Đấng hằng sống bởi đức tin, thì cuộc trao đổi quan trọng sẽ được hoàn tất. Bởi sự chết chuộc tội của Chúa Giê-Xu, Đức Chúa Trời sẽ vui nhận bạn với tư cách người công chính, và quăng xa các tội lỗi của bạn. Đó là sự xưng công bình, là tha tội, là bình an.
Phaolô trong hai thư tín Rôma và Galati, và sau ông là các nhà cải chánh, từng đề cập sự xưng công bình mà không nói về sự tha tội. Sở dĩ như vậy, vì xưng công bình có nghĩa là tha tội cộng với...; nó không phải chỉ có nghĩa là xóa đi quá khứ mà thôi, nhưng còn là được cứu và được ban cho quy chế dành cho con người công chính trong tương lai nữa. Hơn nữa, sự công bình có tính cách quyết định dứt khoát, là điều mà Đức Chúa Trời không bao giờ đổi ý, do đó, nó là nền tảng của sự bảo đảm chắc chắn, trong khi sự tha tội hiện tại không nhất thiết có nghĩa gì hơn là sự chịu đựng tạm thời. Cho nên sự xưng công bình - việc được công khai tuyên án tha bổng và phục hồi địa vị trước tòa án của Đức Chúa Trời - thật ra là một ý niệm rất phong phú.
Chỉ bởi đức tin mà thôi
Trong quá khứ (hiện nay sự việc kém rõ ràng hơn) người Công giáo la mã không lãnh hội được tính cách quyết định của sự xưng công bình trong hiện tại, cũng không nhìn thấy sự công chính của Đấng Christ ("sự vâng lời và huyết của Cứu Chúatôi”như Toplady nói) chính là nền tảng trọn vẹn của nó, cũng không nhận thức được rằng về phần chúng ta phải thôi cố công ra sức để chiếm đoạt nó, mà chỉ nhận lấy như món quà tặng không của ân điển Đức Chúa Trời. Cho nên họ nhấn mạnh rằng các thánh lễ, “những việc lành”, và sự đau đớn trong ngục luyện tội ở đời sau là các phương tiện vần thiết để cuối cùng tội nhơn mới được cứu, bởi vì những điều đó thuộc trong số các nền tảng phải có để được cứu rỗi. Nhưng các nhà cải chánh Tin Lành, cũng như Phaolô tin rằng tội nhơn được cứu rỗi trọn vẹn và dứt khoát nhờ hành động quyết định tha tội ngay hiện đây, và họ bảo rằng chỉ nhờ đức tin mà thôi.
Tại sao lại chỉ nhờ đức tin mà thôi? Bởi vì chỉ có sự công chính của Đấng Christ là nền tảng duy nhất để tội nhơn được tha tội và được bình an, Đấng Christ và các ân tứ Ngài chỉ được nhận lãnh bằng cách lấy đức tin tiếp nhận cho mình mà thôi.Đức tin không những chỉ có nghĩa là tin vào chân lý của Đức Chúa Trời, mà còn tin cậy Đấng Christ nhận lấy điều Ngài ban cho, rồi vui mừng cách đắc thắng vì biết những gì mình đã nhận.
Quà tặng là sự tha tội bởi đức tin của Đức Chúa Trời, đã trở thành của riêng của bạn chưa? Người ta rất dễ đánh mất nó. Phaolô bảo là dân Do thái đã bị hụt mất; tấn thảm kịch của họ, ấy là lòng sốt sắng của họ về Đức Chúa Trời đã đưa họ tới chỗ cố công ra sức thiết lập lấy sự công bình riêng (nghĩa là muốn cố công ra sức để tự chiếm đoạt lấy sự cứu rỗi nơi Đức Chúa Trời), chớ họ “không chịu đầu phục sự công chính của Đức Chúa Trời” (nghĩa là thuận phục phương pháp tha tội và xưng công bình của Ngài, là chỉ bởi đức tin vào Đấng Christ mà thôi): xin xem Ro 10:2; và tt. Sự thật đau thương ấy là tội nhân chúng ta đều-tự-cho-mình-là-công-bình tận tâm can, và chúng ta luôn luôn tự bào chữa, tự xưng mình là công chính;chúng ta thù ghét việc thừa nhận trong chúng ta có điều gì sai quấy, một cái gì đó khiến cho Đức Chúa Trời hoặc loài người phải chống lại chúng ta; và chúng ta phải dùng võ lực đối với các bản năng lệch lạc của chúng ta trong vấn đề này,trước khi chúng ta có thể nhận được đức tin. Đức Chúa Trời cứu rỗi tất cả chúng ta, đều bằng cách là diễn tấn thảm kịch của dân Do thái trong đời sống chúng ta.
Nghiên cứu thêm Kinh Thánh
Nhờ Đấng Christ được xưng công bình bởi đức tin, chớ không phải bởi việc làm: Ro 5:1-21; 10:1-13; Ga 2:15-3:29; Phi 3:4-16;
Các câu hỏi để suy gẫm và thảo luận
1.Tha thứ là gì, và nó có hiệu quả như thế nào đối với kẻ được tha thứ trên bình diện loài người với nhau?
2.Luther ngụ ý gì khi ông nói: “Ngài đã trở thành người vốn không phải là Ngài, để con trở thành người vốn không phải là con?”
3.Tại sao sự tha tội có hiệu lực chỉ bởi đức tin mà thôi?
SỰ SỐNG LẠI CỦA THÂN THỂ
Kinh Thánh xem sự chết - là điều chắc chắn phải xảy đến cho đời sống con người -không như một bạn thân nhưng như một kẻ hủy diệt. Khi thân thể và linh hồn tôi chưa rõ nhau, tôi sẽ chỉ còn là cái bóng của chính tôi trước kia. Thân xác tôi là một thành phần của tôi, một bộ phận để chính tôi tự bộ lộ chính mình; nếu không có nó, mọi năng lực của tôi để làm việc nọ, việc kia và để bắt liên lạc với đồng bào tôi đều không còn. hãy nghĩ về một người tận dụng được mọi tài năng của mình, so với một kẻ bại liệt; rồi hãy so sánh một kẻ bại liệt với một ai đó hoàn toàn không có thân xác, bạn sẽ hiểu điều tôi muốn nói. Những người bại liệt có thể làm việc này việc nọ, tuy rất ít; người không có thân xác lại càng làm ít hơn nữa. Như vậy, sự chết, tuy chưa chấm dứt nhưng đã vô hiệu hóa đời sống của chúng ta, và theo một ý nghĩa thật sự, là đã tiêu diệt nó.
Đối phó với sự chết
Sự chết là vấn đề căn bản của con người, vì nếu chết thật ra là hết, sẽ chẳng còn gì có ý nghĩa, có giá trị nữa, ngoài ra việc tự do phóng túng, tự buông thả bản thân. “Nếu kẻ chết chẳng sống lại, thì hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết” (ICo 15:32). Và không có triết lý hay tôn giáo nào không giải quyết được vấn đề sự chết, mà lại thật sự chẳng đem lại ích lợi cho chúng ta.
Tuy nhiên, trong vấn đề này Cơ Đốc giáo vượt trội hơn hết. Trong số các đạo và các triết thuyết trên thế gian này, chỉ duy có Cơ Đốc giáo mới nhìn thấy sự chết đã bị chinh phục, bị đánh bại. Ví Cơ Đốc giáo là hi vọng căn cứ trên sự kiện - sự kiện là thân thể Chúa Giê-Xu đã từ phần mộ sống lại, và hiện sống đời đời trên thiên đàng. Niềm hi vọng đó, ấy là khi Chúa Giê-Xu trở lại - ngày mà lịch sử dừng lại và thế gian này kết thúc - Ngài sẽ “biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài” (Phi 3:21; đối chiếu IGi 3:2). Niềm hi vọng này bao gồm toàn thể những người đã chết trong Đấng Christ luôn với các Cơ Đốc nhân hãy còn sống khi Ngài hiện đến: “vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi; ai đã làm lành thì sống lại để được sống,ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét đoán” (Gi 5:28; và tt). Và việc thân thể sống lại có nghĩa là cả con người được phục hồi - không phải chỉ là một phần của con người tôi mà thôi, nhưng là toàn thể con người - để sống một cuộc đời hoạt động, sáng tạo cho Đức Chúa Trời và với Đức Chúa Trời, nghĩa là sẽ chẳng bao giờ còn phải chết nữa.
Thân thể mới.
Khi khiến các tín hữu sống lại, Đức Chúa Trời kiện toàn việc cứu chuộc họ - không phải bằng cách sửa chữa lại các thân xác cũ của họ theo một cách thức nào đó -nhưng là ban cho họ những thân thể mới phù hợp với những con người mới. Qua việc tái sanh và thánh hóa, Đức Chúa Trời đã tái tạo bề trong của họ rồi; bấy giờ, họ sẽ nhận được các thân thể tương xứng. Thân thể mới liên hệ chặt chẽ với thân thể cũ, nhưng khác hẳn với thân thể cũ, như những cái này liên hệ mật thiết, nhưng cũng khác hẳn với các hột giống mà chúng từ đó mọc lên (xem ICo 15:35-44). Thân thể hiện tại của tôi - mà Francis of Assisi muốn tôi gọi là “người anh em như con lừa ngốc nghếch” của tôi - cũng giống như chiếc xe cổ lỗ thời sinh viên của mình, cho dù tôi o bế chăm chút đến đâu đi chăng nữa, nó vẫn sẽ cứ là chiếc xe cà tòng chẳng bao giờ có thể chạy thật tốt cả và thường bỏ tôi với Thầy tôi giữa đường (thật đáng chán!) Nhưng thân thể mới của tôi sẽ có hình dáng và khả năng của một chiếc xe tốt nhất và sự phục vụ của tôi sẽ không còn bị nó phá hỏng nữa.
Chẳng có gì để nghi ngờ là cũng như tôi, bạn vừa yêu thích chính thân thể mình, bởi vì nó chính là một phần của bản thân bạn, mà cũng vừa giận điên lên vì nó kềm chế, giới hạn mình. Chúng ta đều phải cam chịu như vậy. Nhưng thật là điều hay khi biết được rằng mục đích của Đức Chúa Trời khi ban cho chúng ta những thân thể hạng nhì như vậy trên đời này, ấy là để chuẩn bị cho chúng ta biết điều khiển,vận dụng tốt hơn các thân thể trong đời sau. Như C.S.Lewis có nói ở đâu đó rằng,người ta sở dĩ đưa cho bạn một con ngựa chẳng ra gì để tập cỡi, là để một khi đã cỡi được nó rồi, bạn sẽ được cấp cho một con ngựa khác biết phi nước đại và biết nhảy vượt rào.
Tôi biết có một người lùn đã khóc vì vui sướng khi nghĩ đến thân thể Đức Chúa Trời đang để dành cho anh ta vào ngày mọi người sống lại, và khi nghĩ đến nhiều Cơ Đốc nhân khác tôi biết, có một khuyết tật nào đó trên thân thể - dị dạng, ốm yếu, bại liệt, các tuyến nội tiết bị mất thăng bằng hay gặp trở ngại về một mặt nào đó -tôi cũng phát khóc vì niềm vui đặc biệt sẽ dành cho họ đó - và cả cho bạn, cho tôi nữa - khi ngày ấy hiện ra.
Hồn và xác
Có lẽ Bài Tín Điều đưa vào mấy chữ ngắn ngủi này để xua đuổi ý niệm (rất phổ biến suốt ba trăm năm sau thời Đấng Christ và không phải là không có hiện nay) rằng niềm hi vọng về bất tử bất diệt của con người là cho linh hồn (người ta đã nghĩ như vậy) nếu được thoát ly khỏi thân xác sẽ tốt hơn. Đã có một câu nói ngắn tóm tắt quan điểm này: “Thân thể là một phần mộ”. Nhưng câu đó đã bị chứng minh là sai,cả đối với vật chất (mà Đức Chúa Trời đã tạo ra nó lấy làm thích thú, và tuyên bố là tốt lành) lẫn đối với con người (không phải là một linh hồn cao thượng có thể tự chữa mình về những điều đáng xấu hổ mình làm bằng cách trách cứ chúng là do phần vỏ vật chất thô vụng của mình, nhưng là một đơn vị tâm sinh lý mà tình trạng đạo đức trực tiếp bộc lộ qua chính cách ăn ở cư xử của thân thể). Hậu quả gây rối loạn của tội lỗi được thấy rất rõ ràng qua những tham muốn của thể xác tôi (xin miễn nói thêm); nhưng vì tất cả những dục vọng đó đều là một phần của chính tôi, tôi phải nhận trách nhiệm đạo đức về bất cứ cách bộc lộ tích cực nào của chúng. Giáo lý về đoán xét của Kinh Thánh, là “mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt” (IICo 5:10).
Giống như Đấng Christ
Lời hứa rằng có ngày chúng ta sẽ có những thân thể “giống như thân thể vinh hiển Ngài” (Phi 3:20; và tt) là điều thách thức chúng ta: Có quả thật là tự thâm tâm, chúng ta hoan nghinh và tiếp nhận số phận đã được hứa cho chúng ta, là sẽ trở nên giống như Đấng Christ không? (xem IGi 3:2; và tt). Trực diện với vấn đề này có thể là khoảnh khắc để chúng ta thành thật với chính mình. Với một số người,thấy rằng cả cuộc đời của họ chỉ làm thỏa mãn các thú vui thể xác (trụy lạc, ăn ngủ, vui chơi, bạo động, nghiện rượu hay các chất ma túy “nặng” khác, hoặc bất cứ làm gì - cho nên cảm thấy nếu bị cất hết những điều đó họ sẽ chỉ còn là khổ đau mà thôi - khổ thay, sự việc cũng quả đúng như vậy; và họ nhìn thấy Chúa Giê-Xu, Đấng không hề bị dẫn vào các thú vui thể xác như vậy, như là “con người Galilê xanh xao” mà hơi thở khiến thế gian này trở nên lạnh lẽo - theo Swinburne; còn D.H.Lawrence muốn nhân hóa (hermanize) Ngài (tôi dùng động từ nhân hóa này theo cách nói của Lawrence, dầu đây là chữ vô nghĩa phi lý nhất mà tôi viết ra) bằng cách tưởng tượng ra sinh hoạt tình dục của Ngài với một nữ tư tế ngoại đạo. Một cách nhìn như vậy khiến cho ý niệm trở nên giống như Chúa Giê-Xu - chỉ dừng ở đó chớ không có gì hơn nữa - nghe ra như một bản án tử hình nhưng vẫn để cho còn sống. Vậy, tự thâm tâm, bạn nghĩ về những điều đó như thế nào?
Nếu bạn cũng nghĩ như thế, chỉ còn một điều nữa để nói với bạn mà thôi. Hãy cầu nguyện xin Đức Chúa Trời chỉ cho bạn hiểu được đời sống của Chúa Giê-Xu, cả xác lẫn hồn, là đời sống đầy đủ trọn vẹn nhất của một con người tự cố chí kim, để bạn cứ chăm nhìn xem Ngài khi bạn gặp Ngài trong các sách Phúc âm, cho đến khi nào bạn đã nếm biết rõ như vậy. Lúc đó, viễn ảnh muốn trở nên giống như ngài - chỉ điều đó thôi, chớ không phải điều gì kém hơn thế - đối với bạn, sẽ trở thành số phận cao thượng và huy hoàng nhất có thể có, và một khi chấp nhận nữa, bạn sẽ trở thành mộ đệ chân chính của Ngài. Nhưng đến khi nào bạn thấy được điều đó -xin bạn hãy tin tôi: tôi không lừa gạt bạn đâu: sẽ chẳng còn chút hi vọng gì cho bạn cả.
Nghiên cứu thêm Kinh Thánh
Niềm hy vọng về sự phục sinh: Mac 12:18-27; ICo 15:35-58; Phi 3:4-16;
Các câu hỏi để suy gẫm và thảo luận
1.Tại sao một tôn giáo không giải quyết được vấn đề sự chết là vô giá trị đối với chúng ta?
2.Có bằng cớ hiển nhiên nào kinh Thánh đưa ra để chứng minh rằng sự chết đã bị chinh phục?
3.Chúng ta có thể nói gì về điều mình được biết liên hệ đến tình trạng người được sống lại?
SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Những người hoài nghi như Fred Hayle và Bertrand Russell đã quá cố, nói với chúng ta rằng về một tương lai vô cùng vô tận khiến họ kinh hoàng; vì (họ bảo rằng) như thế thì phiền lắm! Rõ ràng, họ nhận đời sống trên đất này thật phiền phức, nên không thể tưởng tượng nổi làm thế nào để đời đời sống con người có thể mãi mãi thích thú đáng sống và có giá trị. Thật là những con người khốn khổ! Ở đây,chúng ta thấy các hậu quả tai hại của đời sống bất kính vô đạo, và bi quan chủ nghĩa đen tối nó dẫn người ta tới.
Nhưng không phải tất cả những người hiện đại đều giống như Hayle và Russell. Có người rất muốn sống mãi không chết. Do đó mà họ quan tâm đến các hiện tượng thông linh học, cho rằng đó là bằng cớ về sự tồn tại (sau khi người ta đã chết rồi).Nhưng có ba sự kiện cần lưu ý. Thứ nhất “các thông điệp” từ những người đã khuất chẳng có gì quan trọng và chỉ là những gì mà kẻ tin vào đó bị ám ảnh mà thôi.Thứ hai, “các thông điệp” ấy không đến từ những người từng bước đi thật gần gũi với Đức Chúa Trời khi còn sống. Thứ ba, đồng bóng và những kẻ bị họ “sai khiến”đều bối rối khi nghe đến danh Chúa Giê-Xu. Các sự kiện ấy cảnh cáo chúng ta rằng các hiện tượng thông linh học, dầu có được giải thích đúng đi nữa, đều chỉ là việc tin tưởng mù quáng muốn tra vấn tìm hiểu về “niềm hy vọng phước hạnh của sự sống đời đời” mà thôi.
Hiện diện của Chúa Gie-xu tạo ra thiên đàng
Khi Bài Tín Điều nói về sự sống đời đời” không ngụ ý chỉ đề cập sự tồn tại vô cùng vô tận mà thôi (ma quỉ và các linh hồn bị chết mất cũng tồn tại đời đời), nhưng nói về niềm vui tối hậu mà Chúa Giê-Xu đã đi vào (He 12:2) mà Ngài đã hứa và cầu nguyện một ngày kia những người theo Ngài sẽ cùng được chung hưởng với Ngài. “Nếu...ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt sẽ tôn quí người. Cha ôi, Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha đã giao cho Con cũng sẽ ở đó với Con, để họ ngắm xem sự vinh hiển của Con” (Gi 12:26,17-24)
Ở với Chúa Giê-Xu là yếu tính của thiên đàng, đó là sự sống đời đời. Nhân vật kiên định của Bunyan nói: “Trước kia, tôi sống theo điều mình nghe người ta nói và tin theo; bây giờ thì tôi sống bằng mắt thấy, và tôi sẽ được ở với Ngài, mà chỉ cần được đi cùng, được kết bạn, là tôi đã thỏa nguyện rồi”. Chúng ta sẽ làm gì trên thiên đàng? Không phải chỉ đi dạo chơi quanh quẩn khắp đó đây! nhưng là để thờ phượng, làm việc, suy nghĩ, và tương giao, vui vẻ hoạt động, thưởng thức vẻ đẹp với những con người thánh thiện, và với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên trước nhất và sau cùng, chúng ta sẽ được nhìn thấy và yêu thương Chúa Giê-Xu, là Cứu Chúa, là Thầy, là Chủ và là Bạn thân của chúng ta.
Niềm vui bất tận
Tính cách “đời đời bất diệt” của đời sống ấy được một nhân vật vô danh, nói lên cách sinh động hơn hết khi thêm vào bài thơ nhan đề “Ân điển diệu kỳ” của John Newton mấy câu sau đây: “Khi chúng ta được ở đó muôn năm. Chói sáng như mặt trời,chúng ta cũng sẽ không thiếu những ngày ca hát tán tụng Đức Chúa Trời, hơn điều chúng ta đã làm khi mới bắt đầu”.
Tôi rất phấn khởi khi viết mấy dòng này, vì sự sống đời đời là điều tôi đang trông đợi. Tại sao vậy? Không phải vì tôi đã chán ngán cuộc sống tôi trên đời này -trái lại! Đời sống tôi tràn đầy niềm vui từ bốn nguồn mạch: được biết Đức Chúa Trời và người ta, được hưởng những điều tốt lành, lý thú mà Đức Chúa Trời và những người quyền Ngài đã sáng tạo, được làm những công việc mà Đức Chúa Trời xem là có giá trị, và bản thân tôi được làm người của Đức Chúa Trời. Nhưng những gì được dành cho tôi vượt quá những điều tôi có thể nắm bắt được. Các mối liên hệ tiếp xúc của tôi với Đức Chúa Trời và mọi người chưa bao giờ được phong phú và đầy đủ như ý tôi muốn, và tôi luôn luôn muốn tìm nhiều hơn điều mình nghĩ là có ở đó về những gì vĩ đại liên hệ đến âm nhạc, thi ca, sách vở và con người, và chiếc kính vạn hoa để nhìn trật tự thiên nhiên này. Jelly-Roll-Morton ca ngợi nhạc jazz: “Dường như càng có được bao nhiêu, tôi càng muốn có nhiều hơn nữa...” -và có 1001 điều (kể cả nhạc jazz của Morton nữa) mà chính tôi có thể nói y như Morton đã nói về nhạc jazz vậy.
Càng cao tuổi, tôi nhận thấy mình càng tôn kính Đức Chúa Trời, tất cả mọi người, những điều tốt lành, xinh đẹp và cao quý, càng nhiều hơn; cho nên tôi rất thích thú khi nghĩ rằng niềm vui ấy sẽ cứ được tiếp tục và gia tăng theo một hình thức nào đó (hình thức nào thì chính Đức Chúa Trời biết rõ, tôi sẵn sàng chờ xem) đời đời vô cùng. Thật ra, các Cơ Đốc nhân sẽ thừa hưởng được cái số phận ở các câu chuyện thần tiên đã hình dung bằng óc tưởng tượng: chúng ta (vâng, bạn và tôi,những tội nhân ngốc nghếch đã được cứu rỗi) đang sống và sống hạnh phúc, và nhờ lòng nhơn từ thương xót vô cùng của Đức Chúa Trời chúng ta sẽ sống hạnh phúc đời đời trong đời sau.
Chúng ta không thể hình trước cảnh sống thiên đàng, mà người khôn ngoan thì không hề cố gắng để hình dung. Trái lại, chúng ta sẽ sống với giáo lý về thiên đàng là nơi người được cứu chuộc sẽ tìm tất cả những gì lòng mình ao ước: niềm vui được ở với Chúa, niềm vui được sống chung với dân Ngài, và niềm vui vì tất cả thất vọng chán chường, những khổ nạn tai ương đều không còn nữa, và chúng ta sẽ được cung ứng mọi điều cần thiết. Những gì người ta đã nói với trẻ con: “Khi lên thiên đàng nếu các con muốn có kẹo bánh hay những loài thú quý hiếm trên đó đều có cả”không phải chỉ là nói cho qua chuyện, nhưng là một lời chứng cho chân lý trên thiên đàng không có gì chúng ta thấy cần hoặc ao ước, mà không được thỏa mãn.Tuy nhiên, chúng tôi không biết thật ra bạn sẽ muốn gì, ngoại trừ điều đầu tiên và là cuối cùng mà chúng ta muốn, là “được ở cùng Chúa luôn luôn” (ITe 4:17)
Thường thường hiện nay, vào những lúc gặp chuyện thật vui, chúng ta hay nói: “Ước gì giờ phút này chẳng bao giờ chấm dứt” - nhưng rồi nó cũng trôi qua. Tuy nhiên,trên thiên đàng thì khác. Nguyện các niềm vui thiên đàng sẽ thuộc về bạn và tôi.
Nghiên cứu thêm Kinh Thánh
Nơi đến của chúng ta: Kh 21:1-22:5;
Các câu hỏi để suy gẫm và thảo luận
1.Tại sao tác giả hoài nghi các hiện tượng thông tinh học?
2.Tại sao thiên đàng sẽ rất thích thú? Bạn thân bạn có trông mong được vào thiên đàng không? Tại sao có và tại sao không?
3.Những người ở thiên đàng sẽ làm gì?
Leave a Comment