BÀI 11: SAO NGÀI LÌA BỎ TÔI?
BÀI 11: SAO NGÀI LÌA BỎ TÔI?
sao ngài lìa bỏ tôi?
Thiên nhiên đã làm nhiệm vụ của nó buổi trưa hôm ấy, cung cấp một tấm màn thích hợp cho quang cảnh thê lương. Một bầu trời trong xanh, chói chan ánh nắng sẽ là điều không phù hợp cho màn kịch đang diễn ra trước mặt chúng ta. Cho nên Đức Chúa Trời chọn một hậu cảnh đen tối để nhấn mạnh sự đen tối của thời điểm ấy.
Sự bí mật vĩ đại đang nằm trong sự thống khổ sâu xa mà Chúa Giê-xu đã bày tỏ qua câu nói: “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” Sự tối tăm Chúa Giê-xu đang cảm thấy rất thật và có thể sờ được, đang khi Đức Chúa Cha xây lưng khỏi Con Ngài, lúc đang mang tội lỗi của cả thế gian trên thập tự giá. Trong một thời khoản, ánh sáng vĩ đại của thế gian nhấp nháy và cuối cùng tắt liệm.
Đang khi chúng ta vật lộn với phân đoạn khó khăn này, tôi tin rằng chúng ta sẽ nhận được một cảm xúc của sự đau đớn mà Chúa Giê-xu đã gánh chịu vì cớ tội lỗi của chúng ta. Và chúng ta cũng sẽ khám phá ra tại sao Đức Chúa Cha, trong chương trình bí mật và đời đời của Ngài, đã cho phép sự đen tối vĩ đại ấy phủ trùm trên sự sáng kỳ diệu của Con Ngài trong một thời khoảng ngắn.
Bởi vì như quý vị thấy đấy, tội lỗi che phủ con người khỏi sự thánh khiết của Đức Chúa Cha. Tại thời điểm Chúa Giê-xu trở nên sinh tế cho tội lỗi của thế gian,Ngài bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời. Những lời thống thiết của Chúa Giê-xu đem lại một tiếng kêu xuyên thủng sự thê lương thực tế ấy. Đơn giản là vì Đức Chúa Trời không thể và không bao giờ thông công với tội lỗi.
Tiến sĩ D. A. Carson viết: “Nếu chúng ta hỏi trong quang cảnh siêu hình nào Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con phân cách nhau, thì câu trả lời chắc chắn là chúng ta không biết, bởi vì chúng ta không được cho biết điều đó. Nếu chúng ta hỏi mục đích nào Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con phân rẽ nhau, thì câu trả lời tối hậu phải liên kết với Ghết-sê-ma-nê, với Tiệc Thánh, với những phân đoạn thống khổ như Mat 1:21 20:28, và sự giải thích thần học phù hợp từ Phao-lô trong thư Ro 3:21-26. Trong tiếng kêu của việc bị bỏ rơi này, sự kinh khiếp của tội lỗi thế gian và giá phải trả cho sự cứu rỗi của chúng ta được bày tỏ ra.”
Và vì vậy tôi có thể thêm, trong sự chết của Ngài, Chúa Cứu Thế đã kinh nghiệm cái giá tuyệt đỉnh của tội lỗi, sự phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời, là sự thống khổ vĩ đại nhất trong tất cả sự thống khổ. Là Cơ-đốc nhân, chúng ta không bao giờ biết đến sự thống khổ như thế. Và chúng ta được sự bảo đảm rằng ngay cả khi Đức Chúa Trời thử thách chúng ta, Ngài sẽ không bao giờ xây lưng khỏi chúng ta. Chúa Cứu Thế đã gánh chịu sự thống khổ bị phân rẽ ấy một lần đủ cả, hầu cho chúng ta sẽ không bao giờ phải trải qua điều ấy nữa.
Chương trình phát thanh ÁNH SÁNG CHO CUỘC ĐỜI, đến với những thính giả tại những chỗ mà tôi không thể nào đến được, nên chúng tôi thường nhận được những bức thư đầy kinh ngạc. Có những lúc tim chúng tôi quặn thắt khi đọc những bức thư ấy của thính giả.
Trong những lá thư đau buồn nhất viết cho đài, là thư từ những tù nhân đang bị giam giữ. Một số câu chuyện của họ nói lên những thảm trạng không đủ lời diễn tả. Và giữa những kinh nghiệm ngã lòng nhất là kinh nghiệm của những những người bị biệt giam. Bị cất khỏi tất cả mọi liên hệ với người khác, lắm khi trải qua hàng tuần, hàng tháng dài, họ hiện hữu với điều kiện tối thiểu nhất: một chiếc giường hẹp và cứng, một cái chậu, một chỗ tiêu tiểu và bóng tối. Lắm lúc hoàn toàn không có ánh sáng – không có gì khác ngoài sự yên lặng và bóng tối vô tận.
Những từ ngữ mà các tù nhân này sử dụng sau sự kiện ấy để diễn tả cảm xúc của họ trong hoàn cảnh ấy là những từ đầy tuyệt vọng. Những từ như: bị ruồng bỏ, điên loạn, cô đơn, vô vọng, lạc mất, bối rối, bị lãng quên, bị từ bỏ. Một người nói đến việc trở nên hoàn toàn mất cảm giác với thời gian. Anh ta quên tên của con cái mình, và không nhận biết vị trí của vài điều ít oi trong phòng giam của mình. Anh ta dùng tay và chân quờ quạng trong bóng tối để tìm chỗ tiểu tiện.Nhưng từ đáng nói nhất mà anh ta dùng để mô tả cảm xúc của mình khi ở tận đáy vực thẩm ấy là chữ “bị bỏ rơi.”
Quý vị có thể hình dung, một sự ớn lạnh chạy dài trên xương sống tôi khi tôi bắt đầu việc nghiên cứu những giờ phút đen tối nhất mà Chúa Giê-xu đã gánh chịu, và tôi đến với lời thống thiết Ngài phát ra từ thập tự giá là chữ “bị bỏ.” Do việc mới đọc thư của tù nhân vừa kể trong thời gian gần đây, nên từ ngữ ấy mang một ý nghĩa sâu xa hơn bất cứ thời điểm nào trước đây trong đời sống của tôi. Tầm cở của sự thống khổ của Chúa chúng ta không thể hình dung được, như đang khi Ngài rên rĩ trong tiếng mẹ đẽ của mình: “Ê-li, Ê-li, la-ma sa-bách-tha-ni?” Có nghĩa là “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?”
Cho phép tôi để giây lát ôn lại biến cố này, hầu chúng ta có thể thiết lập bối cảnh cho kỷ nguyên thống khổ này của cảm xúc.
Có vài điều hết sức kinh hoàng về việc đóng đinh Chúa Giê-xu. Bất cứ ai để thì giờ đọc sự ký thuật trong sách Phúc Âm và để chút thì giờ hình dung ra chính mình ở trong chỗ ấy, thì sẽ sớm khám phá ra mình bị cảm xúc nuốt lấy. Tôi thật sự không thể giải thích tại sao điều đó xảy ra, nhưng mỗi khi tôi đọc sự ký thuật,thì luôn có điều gì đó chiếm lấy lòng tôi, và trong một cách rất mới mẻ, khiến tôi cảm kích về những gì Ngài đã chịu thay cho tôi.
Người đọc bình thường khi mới liếc qua sẽ nghĩ rằng điều này chỉ diễn ra trong 10,hay tối đa là 15 phút. Nhưng các trước giả Phúc Âm nói với chúng ta trong một sự chú tâm vĩ đại về chi tiết của toàn bộ sự chết của Chúa Giê-xu đã diễn ra trong suốt 6 tiếng đồng hồ. Tay và chân Ngài bị đóng đinh vào cây gỗ lúc 9 giờ sáng. Ngài phán ba câu nói và rồi bóng tối phủ trùm xuống. Và tiếp theo là một sự yên lặng cho đến giờ thứ chín, tính theo cách của người Do-thái thời đó, tức 3 giờ trưa của chúng ta ngày nay. Sự tối tăm phủ trùm trên mặt đất như một cái mền dầy và nóng, cùng với sự im lặng. Sau đó, trước khi lìa trần, Chúa Giê-xu lại phán vài câu nữa.
Các sử gia cho chúng ta biết rằng việc các tử tội bị đóng đinh trên thập tự giá thường phát ra những lời nguyền rủa, chửi bới, tục tĩu không tưởng tượng được là chuyện rất bình thường. Dường như loại ngôn ngữ ngu xuẩn thích hợp cho việc diễn tả cái chết ngu xuẩn nhất ấy. Bởi vì, như quý vị biết, không một ai sống còn sau khi bị đóng đinh cả. Không hề có chuyện tồn tại trải qua việc đó. Cái chết không tránh được chắc chắn sẽ đến.
Nhưng điều này không đúng trong trường hợp của Chúa Giê-xu, về việc ngôn ngữ phát ra tại thời điểm ấy. Sứ đồ Phi-e-rơ, một nhân chứng tận mắt, nói cho chúng ta biết rằng,
“Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, . . .”(IPhi 2:23)
Tiên tri Ê-sai nói với chúng ta rằng,
“.. . như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng.” (Es 53:7)
Ngài chẳng hề rủa, nhưng đã phán ra nhiều lời nói – chính xác là bảy lời.
1.Lời đầu tiên hướng về những người đã đóng đinh Ngài. Ngài phán: “Lạy Cha, xin tha cho họ; bởi họ không biết mình làm điều gì.”
2.Lời thứ hai Ngài phán cho kẻ trộm cướp cùng bị đóng đinh trên thập tự giá gần Ngài, Chúa bảo hắn rằng: “Hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong Ba-ra-đi.”
3.Câu nói thứ ba được nói cùng mẹ Ngài, rằng: “Hỡi người đờn bà kia, đó là con của ngươi,” đoạn Ngài phán với sứ đồ Giăng đang đứng gần đó rằng: “Đó là mẹ ngươi.”
4.Câu nói thứ thư là những lời thống khổ nhất, và đó chính là câu sứ đồ Ma-thi-ơ ký thuật lại trong Mat 27:46, được một người gọi là câu gây choáng váng nhất trong các sách Phúc Âm. Có lẽ đúng vậy. “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?”
Chúng ta từng ở đó, tôi nghĩ nó càng trở nên ý nghĩa hơn nữa đối với chúng ta bởi vì sự tối tăm đang phủ vây xung quanh. Như là thiên nhiên cúi đầu trong sự thương cảm khi Đấng tạo hóa của chúng đang chịu chết. Như là trái tim của nó bị tan vỡ và không chiếu ra được ánh sáng trên đối tượng. Và trong sự tối tăm, từ giữa nơi sự chết hiện diện, từ mão miện ấy tại Gô-gô-tha, phát ra câu nói: “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?”
Xin chú ý trong 27:45, sứ đồ Ma-thi-ơ chuẩn bị quang cảnh cho chúng ta.
Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt.”
Từ giữa trưa cho đến 3 giờ chiều có hai điều hiện diện: sự tối tăm và sự im lặng.Sau đó, trong câu 46, khoảng giờ thứ 9, tức khoảng 3 giờ chiều, Ma-thi-ơ ký thuật câu nói này của Chúa Giê-xu. Có ba điều đập vào mắt tôi đang khi đọc qua nó, và đó là chủ yếu của sứ điệp mà tôi muốn dùng để chia sẻ cho quý vị hôm nay.
1 Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là việc Chúa Giê-xu kêu lớn tiếng (thét) lên câu nói này. Điều này không đúng với sáu lời phán kia, nhưng là sự thật đối với lời phán này. Từ “kêu lớn tiếng”được dùng trong câu 46, trong nguyên ngữ bao gồm hai chữ “la lớn,” và tiếp vĩ ngữ của nó là “lên.” “La lớn” hay “thét lớn lên.” Nó thường được dùng trong Kinh Thánh để chỉ việc thét, rống lên từ yết hầu.
Thật sự thì trong Thi Thiên 22 sử dụng từ này và chỉ việc “rống,” khi được dịch ra.Thi Thiên 22 là một trong những Thi Thiên vĩ đại nhất nói tiên tri về Đấng Messiah.Thi Thiên này nói tiên tri về sự chết của Đấng Messiah. Có rất Thi Thiên nói tiên tri về sự giáng sinh hay sự chết của Chúa Cứu Thế. Đây có lẽ là sự ký thuật rõ ràng nhất về thân vị của Chúa Giê-xu tại Gô-gô-tha. Thật ngạc nhiên làm sao, nhiều thế kỷ trước khi Chúa Cứu Thế lên thập tự giá, thì vua Đa-vít đã ký thuật cho chúng ta những kinh nghiệm của Ngài rồi
Thi 22:14-18
“Tôi bị đổ ra như nước, Các xương cốt tôi đều rời rã; Trái tim tôi như sáp, Tan ra trong mình tôi.
Sức lực tôi khô như miếng gốm, Và lưỡi tôi dính nơi ổ gà; Chúa đã để tôi nằm trong bụi tro sự chết.
Vì những chó bao quanh tôi, Một lũ hung ác vây phủ tôi; Chúng nó đâm lủng tay và chơn tôi;
Tôi đếm được các xương tôi. Chúng nó xem và ngó chơn tôi;
Chúng nó chia nhau áo xống tôi, Bắt thăm về áo dài tôi.”
Bất kể các nhà chỉ trích Thánh Kinh trên thế giới nói gì, thì quý vị không thể chối bỏ sự kiện rằng Thi Thiên 22 được viết cho Đấng Messiah chịu khổ.
Bây giờ mời quý vị đọc câu 1, cùng những chữ chúng ta đọc thấy trong Phúc Âm Ma-thi-ơ đã được viết cách lạ lùng trước đó hàng bao thế kỷ trước khi Chúa Cứu Thế đến trong
Thi 22:1.
“Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! sao Ngài lìa bỏ tôi? Nhơn sao Ngài đứng xa, không giúp đỡ tôi, và chẳng nghe lời rên siết tôi?”
Nghĩa đen của chữ “rên siết” là “rống.” Thật lý thú đối với tôi thường thì nhiều chỗ trong Cựu ước dùng từ ngữ “rống” trong quang cảnh một con sư tử đang rống. Cùng từ này được dùng để mổ tả sự kêu thét, hay ‘rống,’ tiếng rống của một con sư tử.
Ông Gióp cũng sử dụng từ này trong sách của ông, viết về câu chuyện của chính ông trong đoạn 3. Trong tình trạng gớm ghiếc, kinh khủng của linh hồn mình, ông mô tả rằng ông đã “rên siếc” hay “kêu vang” khi thức ăn đặt trước mặt mình (Giop 3:24). Ông nói rằng: “Vì trước khi ăn, tôi đã than siếc; Tiếng kêu vang tôi tuôn tôi như nước.” Thân thể ông tràn ngập sự đau đớn. Ông không muốn ăn.
Bây giờ chúng ta trở lại với Ma-thi-ơ 27. Đó chính là từ được dùng để mô tả tiếng kêu lớn của Chúa Giê-xu. Và cách sứ đồ Ma-thi-ơ viết nói lên một sự bất ngờ,đột ngột vang lên. Quý vị hãy tưởng tượng quang cảnh ấy xem. Trong sự đen tối phủ trùm, có một sự yên lặng hoàn toàn, ngoại trừ tiếng xào xạt của đám đông,và một số đã lắc đầu, nhúng vai rời nơi ấy, cũng chỉ là việc thêm một tội phạm nữa bị chết mà thôi. Một số dân chúng đã đến chỗ công cộng ấy, chỗ Đồi Sọ. Bên cạnh tiếng di chuyển đi lại và xì xầm của dân chúng, còn lại thì là một sự im lặng hoàn toàn. Và rồi bất ngờ, người ta nghe tiếng kêu thét phá vỡ sự im lặng ấy phát ra từ môi miệng của Chúa chúng ta: “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” Điều đó dường như là bối cảnh rất thích hợp cho lời phán thứ tư này của Chúa Giê-xu.
2.Có một điều nữa đập mạnh vào mắt tôi, đó là lời phán này được ghi lại cho chúng ta chính xác y như khi Chúa Giê-xu nói ra.Điều này thật bất thường. Quý vị có chú ý là toàn bộ câu nói ấy của Chúa Giê-xu được ký thuật lại cho chúng ta trong một ngôn ngữ khác không? Quý vị có thể tự hỏi không biết tại sao trong khi những câu nói khác đều được dịch sang tiếng Việt, trong khi câu này thì được giữ y theo ngôn ngữ lúc nó được nói ra không?Nhưng Chúa Thánh Linh đã bảo quản nó trải qua nhiều thế kỷ hầu vẫn được đọc y như trong nguyên ngữ: “Ê-li, Ê-li; lam-ma-sa-bách-tha-mi.” Tại sao nó xuất hiện như cách này?
Trước hết, tôi xin trả lời rằng nó là tiếng A-ram, chứ không phải tiếng Hy Lạp. Chúa Giê-xu nói tiếng A-ram. Trong thời gian thi hành chức vụ trên trên, đó là loại ngôn ngữ Chúa Giê-xu sử dụng nói chuyện với các môn đồ Ngài, cũng như với mọi người chung quanh thời đó. Tiếng Hy Lạp là “thế giới ngữ” thời đó, nhưng thường được dùng trong hành chánh, còn ngôn ngữ mẹ đẻ của người Do-thái tại xứ Palestine thời đó là tiếng A-ram. Cho nên chúng ta có câu nói này được giữ nguyên trong ngôn ngữ mẹ đẻ của Chúa Giê-xu. Lý do tại sao thì chúng ta không chắc, nhưng theo ý tôi, đây chỉ là một sự gợi ý thôi. Ấy là nó dường như nói lên được cảm xúc sâu xa của Ngài lúc đó. Qua việc giữ y câu nói trong cùng loại ngôn ngữ mà Chúa Giê-xu đã dùng, dường như nó bắt lấy sự chú ý của chúng ta và đem lại cho chúng ta cảm xúc, sự đau thương đã trải qua trong trí Chúa Giê-xu tại thời điểm ấy. Không gì bằng khi diễn tả cảm xúc bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, và rất dễ truyền đạt nó ra.
Mỗi khi có dịp hội họp với người ngoại quốc, và khi được mời cầu nguyện, dĩ nhiên là tôi cầu nguyện bằng tiếng Anh. Nhưng cũng có lúc người hướng dẫn bảo, nếu muốn, tôi có thể cầu nguyện bằng tiếng Việt, và họ sẽ hiệp ý bằng. . . đức tin!Trong những lúc như thế, tôi cầu nguyện bằng tiếng Việt, và thấy thật thoải mái khi bày tỏ lòng mình, bày tỏ cảm xúc ra trước mặt Chúa bằng ngôn ngữ mẹ đẻ mà Ngài đã ban cho. Tôi cũng từng ở trong những buổi hội họp có tính cách đa văn hóa, và cũng từng nghe những lời cầu nguyện bằng loại ngôn ngữ mà tôi không hiểu một tiếng. Nhưng tôi, cũng như tất cả mọi người có mặt, đều cảm nhận được xúc cảm trong những lời cầu nguyện tuôn đổ cảm xúc bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của người cầu nguyện.
Điều này dường cũng đã đúng với trường hợp của Chúa Giê-xu. Ngôn ngữ mẹ đẻ thu hút được cảm xúc. Vì vậy Ngài đã kêu lớn tiếng câu này như thế. Và tiếng kêu ấy được ghi lại chính xác y như khi nó được nói ra.
3.Nhưng cũng có điều thứ ba nữa thu hút tư tưởng của tôi ở đây. Ấy là tiếng kêu này bày tỏ một khoảng cách, một sự ly cách giữa Đức Chúa Con và Đức Chúa Cha. Tôi ghi nhận điều đó bởi vì hai điều. Thứ nhất, tôi ghi nhận một khoảnh cách trong cách Ngài bày tỏ với Đức Chúa Cha. Chú ý quý vị sẽ thấy rằng Chúa Giê-xu nói với Đức Chúa Cha ba lần trong bảy lời phán từ thập tự giá. Ba lần Ngài nói với Đức Chúa Cha. Hai trong ba lần ấy Ngài gọi Đức Chúa Trời là “Cha.” Nhưng đây là lần duy nhất Ngài gọi là “Đức Chúa Trời.” Điều này hầu như giống việc quý vị thức giấc trong vòng tay cha mình và rồi gọi cha bằng Ông, thay vì “Ba” hay “Bố” vậy! Có một khoảng cách, một sự xa lạ ở đây. Chúa Giê-xu nói với Đức Chúa Trời như là Ngài đang bị cất đi khỏi Đức Chúa Trời vậy, sự thật thì đúng thế! Ngài nói: “Đức Chúa Trời tôi ơi!” Nghĩa đen là: “Tại sao Tôi, bị Ngài lìa bỏ?”
Châm ngôn đoạn 8 nói về sự khôn ngoan, và nó dường như nhân cách hóa sự khôn ngoan như là một thân vị. Nhiều người tin rằng sự khôn ngoan được nói đến trong Châm ngôn 8, trong một khía cạnh, là hình ảnh về sự thông công giữa Chúa Giê-xu và Cha Ngài trong cõi đời đời của quá khứ. Nếu đó là sự thật, thì có một phần trong Châm ngôn 8 chỉ về kinh nghiệm của Chúa Giê-xu, khi Ngài nói “Hằng ngày Ta là sự khoái lạc Ngài.” Có thể quý vị đã từng đọc câu này trước đây. Chúa Giê-xu chưa hề một lần biết đến việc có thời điểm nào đó Ngài không phải là sự khoái lạc của Đức Chúa Cha. Ngài chưa hề biết đến việc có thời điểm nào đó mối thông công với Đức Chúa Cha bị gảy vở. Nhưng bây giờ thì Ngài kinh nghiệm điều ấy.
Điều thứ hai nói cho tôi biết rằng có một sự xa lạ là từ “bỏ.” “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” Cùng từ sứ đồ Phao-lô đã dùng khi nói về việc Đê-ma bỏ ông. Hướng về phần cuối của cuộc đời sứ đồ Phao-lô,ông phản ảnh lại những ngày trong quá khứ và nhớ đến một người bạn đồng hành từ phục vụ Chúa với ông và có lẽ từng mục vụ chi ông nữa. Nhưng rồi ông nói:“Đê-ma đã lìa bỏ ta rồi. Hắn đã bỏ rơi ta. Hắn đã rời ta! Bởi vì hắn ham hố đời này.” Cùng từng được Chúa Giê-xu sử dụng để nói với Đức Chúa Cha. “Ngài đã bỏ tôi.”
Dĩ nhiêu câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Đức Chúa Cha đã lìa bỏ Ngài? Quý vị có từng tự hỏi như thế không? Có thể quý vị tự hỏi như thế hôm nay. Nếu có bất cứ thời điểm nà Chúa Giê-xu cần Đức Chúa Cha nhất, thì đây chính là thời điểm đó.Thế tại sao Ngài không có mặt ở đó với Chúa Giê-xu?
Có hai câu Kinh Thánh sẽ trả lời câu hỏi này cho chúng ta. Mời quý vị cùng mở ra trong thư IICo 5:21 và Thi 22:3. Khi quý vị so sánh hai câu Kinh Thánh này với nhau, quý vị sẽ tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi tại sao Đức Chúa Trời bỏ quên Chúa Giê-xu? Tại sao Ngài đã để Chúa Giê-xu một mình cô đơn trong thời điểm ấy?
Bây giờ trong IICo 5:21,
“Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta,hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.”
“Đấng”ở trong câu này chính là Chúa Giê-xu. “Đức Chúa Cha đã làm cho Đức Chúa Con,Đấng vốn chẳng biết tội lỗi, trở nên tội lỗi thay cho chúng ta.” Hãy bỏ ra hai chữ “trở nên,” trong câu này. Hai chữ ấy do các học giả Kinh Thánh thêm vào,chứ không có trong nguyên ngữ. “Đức Chúa Trời đã làm cho Ngài, Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng vốn chẳng biết tội lỗi, tội lỗi vì chúng ta.” Tại sao vậy? “Hầu cho chúng ta trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời trong Ngài.” Nói cách khác,tại thời điểm ấy trên thập tự giá, tất cả mọi tội lỗi của thế gian đều trút trên Ngài và Ngài mang lấy nó. Tất cả mọi tội lỗi của con người, từ khi khởi đầu cho đến khi chấm dứt thời gian, đều được Chúa Cứu Thế mang lấy tại thời điểm ấy. Đức Chúa Trời đã làm cho Chúa Cứu Thế Giê-xu mang hết những tội lỗi ấy. Tất cả tội lỗi của nhân loại được trút trên Ngài, là Đấng vốn chẳng biết tội lỗi, tại thời điểm đó của thời gian mang lấy tất cả mọi tội lỗi. Xin quý vị nhớ rằng, chính tại thời điểm đó Chúa Cứu Thế đã mang lấy những tội lỗi của chúng ta – khi Ngài phán ra câu nói này.
Thi Thiên 22 nói cho chúng ta biết tại sao Đức Chúa Trời không thể thông công với Ngài. Thi 22:3,
“Còn Chúa là thánh, Ngài là Đấng ngự giữa sự khen ngợi của Y-sơ-ra-ên.”
Chữ “thánh” có nghĩa gì? Nó có nghĩa là được phân cách khỏi tội lỗi. Hoàn toàn trong sạch. Cho nên khi Đức Chúa Trời chất trên Ngài “hết thảy tội lỗi của chúng ta,”như tiên tri Ê-sai cho biết, khi điều đó xảy ra, thì đó chính là lúc Đức Chúa Cha thánh khiết không thể thông công với Con Ngài, nhưng đã lìa khỏi Ngài tại thời điểm ấy. Đó là một ý tưởng vô hạn. Tôi không thể hiểu hết ý nghĩa của nó,cho nên tôi cũng không thể giải thích nó cách đầy trọn được. Làm thế nào Đức Chúa Trời lại có thể quay lưng khỏi Con Ngài? Nhưng trong cách không dò được nào đó, có một sự cách ly, đã có một sự xa lạ, cho nên toàn bộ gánh nặng của tội lỗi được Chúa Cứu Thế mang lấy một mình, không có Đức Chúa Cha.
Ông Ben H. Price nói về nó qua những lời sau: “Chúa Cứu Thế đã cầu nguyện trong sự cô đơn trong vườn Ghết-sê-ma-nê; / Một mình cô đơn Ngài uống chén đắng cay và chịu khổ tại đó vì tôi. / Trong sự cô đơn Chúa Cứu Thế đã đứng trong tòa án Phi-lát; / Một mình cô đơn Ngài đã đội mão gai, bị bỏ quên bởi tất cả mọi người. / Cô đơn, cô đơn, cô đơn khi bị trên trên thập tự giá, hầu người khác có thể được cứu; / Bị bỏ quên bởi Đức Chúa Cha và con người, Ngài dâng hiến sự sáng một mình trong cô đơn. / Một mình, một mình Ngài mang lấy tất cả trong cô đơn; Ngài đã dâng chính mình để cứu kẻ thuộc về mình, / Ngài chịu khổ, tuồn huyết và chết, tất cả trong cô đơn, một mình.”
Bây giờ đang khi quý vị đọc điều này và suy, có thể quý vị tự hỏi:Những điều này nói gì với tôi hôm nay? Để trả lời câu hỏi ấy, tôi muốn chúng ta kết thúc ý tưởng hôm nay qua thư tín Hê-bơ-rơ, trước nhất trong đoạn 10. Chúng ta quay trở lại với thư tín này trong Tân ước, đoạn thứ mười. Tôi muốn quý vị nhìn thấy cách nào nó tạo nên tất cả sự khác biệt về việc Chúa Cứu Thế mang lấy tội lỗi của chúng ta và bị Đức Chúa Cha lìa bỏ, bởi vì đó chính là thời điểm đánh dấu sự liên hiệp của chúng ta với Ngài hôm nay. Theo ý kiến tôi, thì Hê-bơ-rơ 10, hay toàn bộ sách Hê-bơ-rơ, là phần khó hiểu nhất trong Tân ước. Nó chứa đầy những câu nói khó hiểu và rắc rối khó cho sự giải thích. Nhưng một trong những phần có khả năng để hiểu nhất chính là chỗ chúng ta đang có đây,
He 10:10-12
“Ấy là theo ý muốn đó mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả.
Phàm thầy tế lễ mỗi ngày đứng hầu việc và năng dâng của lễ đồng một thức, là của lễ không bao giờ cất tội lỗi được,
còn như Đấng nầy, đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời.
từ rày về sau đương đợi những kẻ thù nghịch Ngài bị để làm bệ dưới chơn Ngài vậy.”
Chú ý phần cuối của câu 10, “sự dâng thân thể của Đức Chúa Giê-xu Christ một lần đủ cả.” Câu 12, “Còn như Đấng này, đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ (chỉ một lần duy nhất cho mọi thời đại).” Sẽ không hề bao giờ cần đến một của lễ chuộc tội nữa. Sẽ không hề bao giờ có một cuộc dâng tế lễ nữa hi sinh nữa. Câu 12 cho chúng ta biết rằng chỉ một của lễ cho mọi thời đại. Và sau khi Ngài đã dâng của lễ ấy, sau thập tự giá, sau sự chết, Ngài đã trở về thiên đàng và ngồi bên hữu Đức Chúa Cha.
He 13:5 cho biết nguyên do của việc Chúa Cứu Thế Giê-xu mang tất cả tội lỗi chúng ta một lần đủ cả, và người đã mang lấy nó một mình trong cô đơn.
Trước khi chúng ta đọc âu ấy, cho phép tôi giải thích với quý vị sự ứng dụng của những gì chúng ta đã nói hôm nay. Đức Chúa Cha đã lìa bỏ Con Ngài lúc đó, hầu để Ngài có thể không bao giờ lìa bỏ chúng ta bây giờ. Đối với tôi, đó là ý nghĩa được tóm tắt trong một câu của tiếnh kêu “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” Đức Chúa Cha đã lìa bò Đức Chúa Con một lần đủ cả, hầu để Ngài có thể không bao giờ phải lìa bỏ con cái của Ngài từ quá khứ, hiện tại và tương lại.
He 13:5,
“Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu.”
Quý vị có nhìn thấy những gì vừa đọc không? Tôi không thể giải thích rõ ràng hơn những gì theo nghĩa đen chúng ta vừa đọc. Nhưng trong nguyên ngữ, ý nghĩa của nó còn mạnh hơn nữa. “Ta sẽ không, không bao giờ, không với bất cứ hình thức nào, lìa bỏ ngươi. Không, cũng không bao giờ,qua bất cứ hình thức nào, Ta sẽ quên ngươi.” Đó là điều tốt nhất chúng ta có thể làm. Nguyên do Ngài có thể nói điều đó với dân sự Ngài lúc đó, cũng như chúng ta chúng ta bây giờ, là bởi vì Đức Chúa Cha đã lìa bỏ Ngài đang khi Ngài mang tất cả tội lỗi của chúng ta một lần đủ cả (AIFL-876, TS).
Có rất nhiều câu chuyện được kể lại vể Thế Chiến thứ hai, nhưng tôi nghĩ câu chuyện khó quên nhất là câu chuyện câu bé trên đường phố Luân Đôn. Tôi nghe kể lại khi Thế chiến thứ hai chấm dứt, thủ đô Luân Đôn của Anh ở trong cảnh hoang tàn, đổ nát vì bom đạn của Đức quốc xã. Vì vậy có rất nhiều trẻ em bơ vơ lang thang trên đường phố, không cha mẹ, không gia đình. Một đứa trẻ trong nhóm đó trèo qua những đóng gạnh vụ đổ nát, khập khiễng bước đi trên đường phố Luân Đôn vào một buổi sáng sớm, với cái bụng đang đói cồn cào. Em đi đến một góc đường,và nhìn xuyên qua đường phố đầy sương mù. Và em thấy một ánh sáng yếu ớt chiếu xuyên qua màn sương ở đầu kia đường. Em tự hỏi: “Chỗ đó là cái gì vậy.” Em khập khiễng lê từng bước tiến về phía chỗ ánh sáng ấy, và đến nơi mới biết đó là một tiệm bán loại bánh bột chiên. Cửa sổ của tiệm bị đóng sương phủ kín. Bên ngoài trời rất lạnh, nhưng bên trong thì rất ấm áp. Trong tiệm đang chiên những chiếc bánh nóng hổi. Em kê mũi vào sát cửa sổ ngửi lấy mùi thơm tỏa ra từ những chiếc bánh ấy và nghĩ: “Ước gì mình được một chiếc bánh nhỉ. Mình đó quá rồi!”
Có một phóng viên báo chí người Mỹ đang ngồi ăn sáng bên trong với những chiếc bánh ngọt và tách cà phê nóng bên cạnh. Và anh ta nhìn thấy đứa trẻ bơ vơ ấy.Anh mua nửa tá bánh bột chiên nóng, bỏ vào bịt, cầm phía sau lưng và bước ra bên ngoài đứng bên cạnh em bé. Đứa trẻ không nhìn thấy và cũng không biết có người đang đứng bên cạnh mình. Người ký giả đặt tay lên vai đứa trẻ, em quay lại ngước nhìn lên. Người ký giả hỏi: “Con đói lắm phải không?” “Thưa ông, đúng vậy!” “Em có muốn một chiếc bánh bột chiên không?” “Ô, thưa ông, con rất muốn,nhưng con không có tiền.” Và rồi người ký giả đưa chiếc bịt từ phía sau lưng trước mặt em bảo: “Đây này!” Đứa trẻ cầm lấy cái bịt ôm xác vào lòng. Em mở bịt ra, nhìn vào bên trong, và em thấy những chiếc bánh nóng hổi, tỏa mùi thơm phức. Em ngước nhìn lên mặt người ký giả và nói: “Thưa ông, ông có phải là Thượng Đế không?”
Tôi cảm thấy chúng ta, là những tội nhân, trong đống đổ nát hoang tàn của đời sống, vẫn tiếp tục đứng bên ngoài cửa sổ nhìn vào đời sống trong chỗ có thể ban sự sống. Nhưng bởi vì chính Đức Chúa Trời đã đi vào bên trong và thực hiện những công tác cần thiết với Đức Chúa Cha, Đấng đòi hỏi trả giá công bình cho tội lỗi, Ngài đã quay trở lại và bảo: “Đây là thức ăn của con.” Và chúng ta có thể nhìn lên Ngài hôm nay và nói rằng: Ngài là Đức Chúa Trời.” Ngài đã cung cấp đường đi (AIFL-877,TS).Ngài ban cho chúng ta những điều để ăn, Ngài ban cho chúng ta điều gì đó để nếm và để uống. Bởi vì trong sự gần gũi của mùi vị, miệng, uống, ăn, nên có một kinh nghiệm và kỷ niệm không thể liên kết với nó. Vì vậy Ngài phán: “Hãy tiếp tục làm điều này, và làm điều này để nhớ đến Ta, Đấng sẽ không bao giờ lìa ngươi, không bao giờ bỏ ngươi.”
Kính mời quý vị cúi đầu nhắm mắt lắng lòng yên lặng trong giây lát. Tôi muốn quý vị hãy ngồi thư thả, yên lặng, dò xét lòng mình. Ngài không hề lìa bỏ quý vị, nhưng quý vị có lìa bỏ Ngài không? Chúa phán: “Chiên Ta nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo ta. Và Ta ban cho chúng sự sống đời đời. Chúng sẽ không bao giờ bị hư mất, cũng không ai cất chúng khỏi tay ta được.” Quý vị thấy đấy, Ngài không hề lìa bỏ quý vị.
Có lẽ tôi đang nói chuyện với một số quý vị, là người chưa từng bao giờ nhận biết Chúa Cứu Thế Giê-xu cách cá nhân. Quý vị vừa nghe trong sứ điệp nói rằng Ngài đã dâng chính mình làm của lễ chuộc tội cho quý vị một lần đủ cả, một lần cho mọi thời đại. Của lễ chuộc tội cho tội lỗi của quý vị đã được trả giá rồi. Bây giờ thì điều duy nhất ngăn chận giữa quý vị và Chúa là sự không tin của quý vị.Quả là một cơ hội tuyệt vời hôm nay để quý vị dâng tấm lòng và đời sống mình cho Chúa Cứu Thế.
Thưa quý vị là những Cơ-đốc nhân, thường thì mỗi Chúa nhật đầu tháng chúng ta đều có dự Lệ Tiệc Thánh. Quý vị sẽ được nhắc nhở lần nữa tầm quan trọng của giờ phút ấy. Tôi xin quý vị hãy nhớ đến tiếng kêu ấy của Chúa Giê-xu, và dọn lòng mình cách cẩn trọng trước khi nhận bánh và chén. Nếu có bất cứ điều gì ngăn chận giữa mối thông công của quý vị với Đức Chúa Trời, hãy xưng nhận nó ra. Hãy xưng nó ra và Ngài sẽ tha thứ cho quý vị.
Để kết thúc thì giờ của chúng ta hôm nay, tôi kính mời quý vị hãy cùng đọc lại Thi Thiên 22, và suy gẫm nó. Đây là lời tiên tri mô tả sự thống khổ của Chúa Giê-xu. Nó là một bài cầu nguyện. Ông Ken Gire viết: “Chúa Cứu Thế tuyệt vời ơi, Cám ơn Chúa về bức tranh qua lời tiên tri về sự thống khổ của Ngài được báo trước qua cuộc đời của đầy tớ thánh của Ngài là vua Đa-vít. Chắc chắn đây là những lời ở trong lòng Ngài đang khi bị trên trên cây thập tự bị Đức Chúa Trời lìa bỏ tại Gô-gô-tha. Chúa çi xin ban cho con vài phút để thấu hiểu bức tranh ấy, hầu con có thể đứng yên lặng trước mặt Ngài theo cách của những tên lính đã đứng nhiều thế kỷ trước đây. Và từ từ, cho mắt con đọc thấy lời cầu nguyện thánh khiết nhất này.
“Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! sao Ngài lìa bỏ tôi? Nhơn sao Ngài đứng xa, không giúp đỡ tôi, và chẳng nghe lời rên siết tôi?
Đức Chúa Trời tôi ôi! tôi kêu cầu ban ngày, nhưng Chúa chẳng đáp lại; Ban đêm cũng vậy, song tôi nào có được an nghỉ đâu
Còn Chúa là thánh, Ngài là Đấng ngự giữa sự khen ngợi của Y-sơ-ra-ên.
Tổ phụ chúng tôi nhờ cậy nơi Chúa, Họ nhờ cậy Chúa bèn giải cứu cho.
Họ kêu cầu cùng Chúa, và được giải cứu; Họ nhờ cậy nơi Chúa, không bị hổ thẹn.
Nhưng tôi là một con trùng, chớ chẳng phải người đâu, Là điều ô nhục của loài người,và vật khinh dể của dân sự.
Hễ kẻ nào thấy tôi đều nhạo cười tôi. Trề môi, lắc đầu, mà rằng:
Người phú thác mình cho Đức Giê-hô-va, Ngài khá giải cứu người; Ngài khá giải cứu người, vì Ngài yêu mến người!
Phải,ấy là Chúa rút tôi khỏi lòng mẹ, Khiến tôi tin cậy khi nằm trên vú của mẹ tôi.
Từ trong tử cung tôi đã được giao cho Chúa; Chúa là Đức Chúa Trời tôi từ khi tôi lọt lòng mẹ.
Xin chớ đứng xa tôi, vì sự gian truân hầu gần, Chẳng có ai tiếp cứu cho.
Có nhiều bò đực bao quanh tôi, Những bò đực hung mạnh của Ba-san vây phủ tôi.
Chúng nó hả miệng ra cùng tôi, Khác nào sư tử hay cắn xé và gầm hét.
Tôi bị đổ ra như nước, Các xương cốt tôi đều rời rã; Trái tim tôi như sáp, Tan ra trong mình tôi.
Sức lực tôi khô như miếng gốm, Và lưỡi tôi dính nơi ổ gà; Chúa đã để tôi nằm trong bụi tro sự chết.
Vì những chó bao quanh tôi, Một lũ hung ác vây phủ tôi; Chúng nó đâm lủng tay và chơn tôi;
Tôi đếm được các xương tôi. Chúng nó xem và ngó chơn tôi;
Chúng nó chia nhau áo xống tôi, Bắt thăm về áo dài tôi.
Đức Giê-hô-va ôi! chớ đứng xa tôi; Hỡi Đấng cứu tiếp tôi ôi! hãy mau mau đến giúp đỡ tôi.
Hãy giải cứu linh hồn tôi khỏi gươm, Và mạng sống tôi khỏi loài chó.
Hãy cứu tôi khỏi họng sư tử, Từ các sừng của trâu rừng, Chúa đã nhậm lời tôi.
Tôi sẽ rao truyền danh Chúa cho anh em tôi, Và ngợi khen Chúa giữa hội chúng.
Hỡi các người kính sợ Đức Giê-hô-va, hãy ngợi khen Ngài; Ớ hết thảy dòng dõi Y-sơ-ra-ên, hãy kính sợ Ngài;
Vì Ngài không khinh bỉ, chẳng gớm ghiếc sự hoạn nạn của kẻ khốn khổ, Cũng không giấu mặt Ngài cùng người; Nhưng khi người kêu cầu cùng Ngài, thì bèn nhậm lời.”
Thiên nhiên đã làm nhiệm vụ của nó buổi trưa hôm ấy, cung cấp một tấm màn thích hợp cho quang cảnh thê lương.Một bầu trời trong xanh, chói chan ánh nắng sẽ là điều không phù hợp cho màn kịch đang diễn ra trước mặt chúng ta. Cho nên Đức Chúa Trời chọn một hậu cảnh đen tối để nhấn mạnh sự đen tối của thời điểm ấy.
Sự bí mật vĩ đại đang nằm trong sự thống khổ sâu xa mà Chúa Giê-xu đã bày tỏ qua câu nói: “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” Sự tối tăm Chúa Giê-xu đang cảm thấy rất thật và có thể sờ được, đang khi Đức Chúa Cha xây lưng khỏi Con Ngài, lúc đang mang tội lỗi của cả thế gian trên thập tự giá. Trong một thời khoản, ánh sáng vĩ đại của thế gian nhấp nháy và cuối cùng tắt liệm.
Đang khi chúng ta vật lộn với phân đoạn khó khăn này, tôi tin rằng chúng ta sẽ nhận được một cảm xúc của sự đau đớn mà Chúa Giê-xu đã gánh chịu vì cớ tội lỗi của chúng ta. Và chúng ta cũng sẽ khám phá ra tại sao Đức Chúa Cha, trong chương trình bí mật và đời đời của Ngài, đã cho phép sự đen tối vĩ đại ấy phủ trùm trên sự sáng kỳ diệu của Con Ngài trong một thời khoảng ngắn.
Bởi vì như quý vị thấy đấy, tội lỗi che phủ con người khỏi sự thánh khiết của Đức Chúa Cha. Tại thời điểm Chúa Giê-xu trở nên sinh tế cho tội lỗi của thế gian,Ngài bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời. Những lời thống thiết của Chúa Giê-xu đem lại một tiếng kêu xuyên thủng sự thê lương thực tế ấy. Đơn giản là vì Đức Chúa Trời không thể và không bao giờ thông công với tội lỗi.
Xin quý vị hãy cúi đầu hiệp ý với tôi trong sự cầu nguyện. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa về sứ đồ và sự thương xót của Ngài được ban cho chúng ta qua sự sự chết Chúa Cứu Thế trên đồi Gô-gô-tha. Và tiếp theo chúng ta làm tươi mới lại sự cam kết của mình, quyết tâm bước đi trong cách xứng đáng với giá vô cùng vĩ đại mà Ngài đã trả cho chúng ta.
Kính lạy Cha yêu thương, chúng con cúi đầu và cúi cả tấm lòng mình trước mặt Ngài.Chúng con cúi đầu trong sự cảm tạ về ân điển vĩ đại và sự thương xót không ngừng nghỉ của Ngài. Chúng con cảm tạ Ngài về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Về sự hi sinh, để trả trọn giá của tội lỗi tại thập tự giá. Cha ơi, chúng con tái dâng hiến chính mình cho Ngài. Chúng con hứa nguyện với Cha trong giờ phút trọng thể này rằng sẽ quyết tâm bước đi trong cách xứng đáng với giá vô cùng vĩ đại mà Ngài đã trả thay cho chúng con. Cám ơn Chúa vì Ngài đang mang sự hình phạt tội lỗi hầu để chúng con không bao giờ cần phải chịu như thế nữa. Cám ơn Cha về những thời điểm phản ảnh giây phút khi Ngài xây lưng và Chúa Cứu Thế mang lấy tội lỗi của thế gian một lần đủ cả. Cám ơn Cha, Chúng con thành tâm cầu nguyện trong danh quý báu của Chúa Cứu Thế Giê-xu. A-men!
Leave a Comment