Chương 4: Sự Công Bình Thật
Chương 4: Sự Công Bình Thật
“Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn. Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn. Vậy, ai huỷ một điều cực nhỏ nào trong những điều răn này, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước thiên đàng; còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong nước thiên đàng.
Vì ta phán cho các ngươi rằng,nếu sự công bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng.” (Mat 5:17-20)
Chúng ta đang đi đến phần khó nhất và dài nhất của Bài giảng trên núi (Mat 5:17-48). Đoạn Kinh Thánh bắt đầu với việc Chúa Giê-xu tuyên bố mạnh mẽ về suy nghĩ của Ngài đối với luật pháp của Đức Chúa Trời và sự công bình cá nhân. Một vài người nghĩ rằng Chúa Giê-xu đang đối đầu với Môi-se trong những câu Kinh Thánh nầy. Vì thế họ hỏi: “Tại sao phải đọc Cựu Ước nếu Chúa Giê-xu khiến Cựu Ước trở nên lỗi thời?” Chúa Giê-xu không làm cho Cựu Ước trở nên lỗi thời. Ngài không đối đầu với Môi-se trong các câu Kinh Thánh này. Ngài đang đối đầu với lời dạy của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si.
Khi Chúa Giê-xu nói đến “luật pháp và lời tiên tri”,Ngài đang nói đến Cựu Ước. Ngài đang khẳng định với các môn đồ: “Mọi điều ta dạy các ngươi đều được tìm thấy trong Lời của Đức Chúa Trời, nhưng những gì ta dạy hoàn toàn nghịch lại với những gì các nhà lãnh đạo tôn giáo đã từng dạy các ngươi.” Ngài cũng nói với các môn đồ rằng: “Khi các ngươi đi xuống dưới núi và sống giữa những con người đó, nếu các ngươi muốn dự phần vào giải pháp của ta,các ngươi phải hiểu được cách áp dụng Lời của Đức Chúa Trời vào trong đời sống của con người.”
Ngài bắt đầu bằng việc tuyên bố rằng Ngài không đến để huỷ bỏ luật lệ của Đức Chúa Trời và rằng mọi điều Ngài đang dạy hoàn toàn phù hợp và làm trọn luật pháp của Đức Chúa Trời. Trong 28 câu tiếp theo, Ngài sẽ nói chi tiết về những sự khác biệt trong cách tiếp cận của Ngài đối với Lời của Đức Chúa Trời so với sự giảng dạy của thầy thông giáo và người Pha-ri-si. Cốt lõi của sự khác biệt đó được tập trung bởi lời tuyên bố của Chúa Giê-xu rằng Ngài đến để làm trọn luật pháp của Đức Chúa Trời, và rằng mỗi ký tự trong từng từ Hê-bơ- rơ của Luật pháp sẽ được thực hiện thông qua lời dạy của Ngài.
Sứ đồ Phao-lô gọi đây là sự khác biệt giữa “giao ước về Thánh Linh” với “giao ước về chữ” (IICo 3:6). Phao-lô viết rằng Thánh linh của Luật pháp mang đến sự sống nhưng chữ viết của luật pháp thì mang đến sự chết.Tinh thần của luật pháp mang đến sự sống bởi vì tinh thần của luật pháp là tình yêu thương. Tinh thần của luật pháp nhắc nhở chúng ta rằng tất cả luật lệ của Đức Chúa Trời, hay lời của Đức Chúa Trời, đều được hình thành từ trong tấm lòng tràn ngập tình yêu của Đức Chúa Trời đối với con người. Chúa Giê-xu luôn luôn nhấn mạnh đến điều đó.
Chúa Giê-xu làm trọn mục đích của luật pháp, hay lời của Đức Chúa Trời, bằng việc luôn luôn giải thích và áp dụng tinh thần của luật pháp. Hay nói cách khác Ngài nhìn luật pháp của Đức Chúa Trời thông qua lăng kính là tình yêu của Đức Chúa Trời trước khi Ngài áp dụng luật pháp đó cho đời sống của con dân Đức Chúa Trời. Cả thầy thông giáo lẫn người Pha-ri-si đều không biết là họ phải làm điều đó, hay, họ quên rằng sở dĩ có luật pháp của Đức Chúa Trời là vì lợi ích của con dân Đức Chúa Trời. Họ huỷ phá con dân Đức Chúa Trời bằng cách sử những chữ được viết trong luật lệ của Đức Chúa Trời hay Lời của Đức Chúa Trời để đối xử cách tàn nhẫn đối với dân sự của Ngài.
Chúa Giê-xu tuyên bố rằng sự công bình cá nhân, hay cách sống đúng đắn của môn đồ Ngài phải trổi hơn sự công bình của thầy thông giáo và người Pha-ri-si. Ngài cảnh báo nếu bất kỳ môn đồ nào phạm vào điều nhỏ nhất trong mạng lệnh của Đức Chúa Trời và dạy người khác làm như vậy thì sẽ bị xem là nhỏ nhất trong nước thiên đàng. Ngài nói rằng nếu môn đồ Ngài không làm cũng như không dạy người khác làm theo mạng lệnh của Luật pháp thì họ cũng không được xem là lớn trong vương quốc mà Ngài nói đến trong lời dạy của mình.
Khi Chúa Giê-xu áp dụng các phước lành vào trong phần còn lại của bài giảng (Mat 5:17-7:27), Ngài cho thấy sự tương phản giữa sự công bình mà Ngài dạy và đòi hỏi nơi các môn đồ khác với “sự công bình”giả tạo của các nhà lãnh đạo tôn giáo lúc đó. “Sự công bình” của thầy thông giáo và người Pha-ri-si (chúng ta nên luôn để trong ngoặc kép khi nói về sự công bình của những người này) là sự công bình bề ngoài nhưng sự công bình của môn đồ Chúa Giê-xu phải được thể hiện ở bên trong. Chúa Giê-xu chống đối lại với các lãnh đạo tôn giáo này bởi vì họ chỉ nhấn mạnh đến hình thức bề ngoài của tôn giáo mà bỏ qua những vấn đề then chốt ở trong tấm lòng (Mac 7:8,15).
Sự công bình của giới tôn giáo chủ yếu chỉ theo chiều ngang. Họ nhấn mạnh đến hình thức bề ngoài, rằng họ có thể xuất hiện trước người khác với vẻ thiêng liêng. Đó chỉ là một màn trình diễn vì lợi ích của con người, rằng người ta có thể thấy họ khi họ bố thí hay cầu nguyện. Nhưng điều quan trọng Chúa Giê-xu đang dạy cho các môn đồ là: “Sự công bình của các ngươi không được đi theo chiều ngang, mà phải theo chiều thẳng đứng. Nó phải được thể hiện trước bên ngoài cũng như khi đối diện với Đức Chúa Trời.” Đó là lý do tại sao Ngài dạy môn đồ mình không ra bộ công bình trước mặt người khác (Mat 6:1).
Sự công bình Chúa Giê-xu dạy là sự công bình theo Thánh Kinh, trong khi sự công bình của các nhà lãnh đạo tôn giáo phần lớn chỉ là truyền thống. Sự công bình của người Pha-ri-si không thật sự dựa trên Kinh Thánh, và cho dù nó thuộc về Kinh Thánh thì nó cũng không được diễn giải một cách đúng đắn.
Chúa Giê-xu tóm tắt sự khác biệt giữa sự công bình mà Ngài dạy với sự công bình của giới tôn giáo khi Ngài gọi họ là “kẻ giả hình”.Đây là một từ Hy Lạp chỉ về khuôn mặt giả hay mặt nạ được đeo bởi diễn viên trong các vở kịch Hy Lạp, các vở kịch này thuộc về Đế quốc Hy Lạp trước khi tới Đế quốc La Mã. Khi Chúa Giê-xu chọn cái tên đó để mô tả về các nhà lãnh đạo này, Ngài đang tuyên bố rằng sự công bình của họ là giả tạo trong khi sự công bình của môn đồ Ngài mới là sự công bình thật.
Khi chúng ta hiểu được những gì Chúa Giê-xu đang nói trong các câu này về Kinh Thánh cũng như về sự công bình, chúng ta sẽ nhận ra được lý do tại sao Ngài luôn đối nghịch lại với các thầy thông giáo và người Pha-ri-si. Chúng ta cũng sẽ đi qua phần giới thiệu về phân đoạn Kinh Thánh vừa dài và vừa khó nầy.
Trong 28 câu Kinh Thánh này, sẽ có 6 lần chúng ta nghe Chúa Giê-xu nói một điều tương tự như: “Các ngươi có nghe lời phán rằng”, hay “Họ đã từng dạy các ngươi từ rất lâu, nhưng bây giờ hãy nghe những gì Lời Đức Chúa Trời thật sự dạy các ngươi.” Sáu lần Ngài đề cập đến lời dạy của các nhà lãnh đạo tôn giáo, và rồi Ngài dạy lời của Ngài.
Có những lần Chúa Giê-xu không đồng ý với cách các nhà lãnh đạo tôn giáo giải thích cũng như áp dụng Lời của Đức Chúa Trời. Khi đó Ngài sẽ làm trọn Luật pháp của Đức Chúa Trời bằng cách dạy về tinh thần của Luật pháp. Đôi khi Chúa Giê-xu phản đối thẳng thừng một lời dạy truyền thống của luật pháp Do Thái, mà lời dạy đó không có trong Lời của Đức Chúa Trời. Cả Ma-thi-ơ và Mác đều miêu tả Chúa Giê-xu trong sự đối đầu với các nhà lãnh đạo tôn giáo bởi vì họ xem truyền thống của họ có quyền lực hơn là Lời Đức Chúa Trời (Mat 15:3-6; Mac 7:9-13).
Với những khái niệm đó, chúng ta hãy xem xét sáu lời dạy của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si bị Chúa Giê-xu đem ra thách thức:
Anh em của các ngươi
“Các ngươi có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ giết ai; và rằng: Hễ ai giết người thì đáng bị toà xử đoán. Song ta phán cho các ngươi: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị toà án xử đoán; ai mắng anh em mình rằng: Ra-ca, thì đáng bị toà công luận xử đoán; ai mắng anh em mình là đồ điên, thì đáng bị lửa địa ngục hành phạt. Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của lễ nơi bàn thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hoà với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của lễ.” (Mat 5:21-24)
Trong suốt Kinh Thánh, có năm từ tóm tắt về lẽ thật mà Đức Chúa Trời đang dạy cho con dân của Ngài. Năm từ đó là: “Đức Chúa Trời trước hết!” Trong đoạn Kinh Thánh này, chúng ta có một ngoại lệ cho điều đó. Khi Chúa Giê-xu chỉ cho chúng ta cách ứng dụng các phước lành đối với anh em mình hay các tín hữu khác, Ngài dạy rằng: “Trước tiên…anh em các ngươi, rồi đến Đức Chúa Trời.”
Chúa Giê-xu đang nhấn mạnh đặc biệt đến tầm quan trọng thiết yếu của mối quan hệ của chúng ta với anh em trong Chúa. Đặc biệt, Ngài đang dạy rằng chúng ta phải biết áp dụng phước lành thứ năm và thứ sáu của một môn đồ hay thương xót, người không có gì trong lòng mình ngoại trừ tình yêu của Đức Chúa Trời, đối với những người mà chúng ta cùng thờ phượng,sống và hầu việc Đức Chúa Trời. Chúng ta thậm chí không được phép bước vào trong sự thờ phượng cá nhân với Đức Chúa Trời nếu như có bất cứ điều gì ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với người mà Chúa Giê-xu cũng gọi là “anh em”.
Ở một chỗ khác Ngài dạy rằng nếu chúng ta là anh em mà có điều gì nghịch với nhau thì phải hoà giải với anh em của mình (Mac 11:25).Ngài cũng dạy về sự kỷ luật thuộc linh này trong bối cảnh của một tập thể hội thánh (Mat 18:15-17).
Tôi đã từng nghe một người đứng đầu của một tổ chức truyền giáo nói với vài trăm giáo sĩ của mình: “Chúng ta không thể chinh phục được thế gian nếu như chúng ta xa cách nhau!” Sau đó ông đưa cho họ một quyển sách khác thường. Tựa đề của cuốn sách là: Nan đề lớn nhất của các giáo sĩ. Khi ông mở quyển sách, bên trong chỉ vỏn vẹn bốn chữ: “Các giáo sĩ khác!”
Có lẽ đó là gánh nặng của Chúa Giê-xu khi Ngài giảng dạy mạnh mẽ về tầm quan trọng thiết yếu của việc các Cơ Đốc Nhân phải nuôi dưỡng và duy trì mối quan hệ yêu thương với nhau.
Các lãnh đạo tôn giáo dạy là cho đến chừng nào bạn chưa giết người hay làm hại đến thân thể người khác thì mối quan hệ của bạn với anh em mình vẫn được Đức Chúa Trời chấp nhận. Chúa Giê-xu đi đến tận căn cơ của mối xung đột giữa hai con người của Đức Chúa Trời bằng việc chỉ ra rằng chính sự giận dữ là nguyên nhân của những xung đột này. Ngài dạy rằng sự giận dữ và cảm giác gớm ghét anh chị em mình đó phải được giải quyết nếu chúng ta muốn mối quan hệ của mình với các tín hữu khác được Đức Chúa Trời chấp nhận.
Kẻ nghịch cùng các ngươi
“Khi ngươi đi đường với kẻ nghịch mình, phải lập tức hoà với họ, kẻo họ nộp ngươi cho quan án, quan án giao ngươi cho thầy đội, mà ngươi phải ở tù. Quả thật, ta nói cùng ngươi, ngươi trả còn thiếu một đồng tiền, thì không ra khỏi tù được.” (Mat 5:25,26)
Trong những câu cuối cùng của chương này,Chúa Giê-xu sẽ chỉ cho chúng ta cách để áp dụng các phước lành đối với kẻ thù nghịch mình. Chữ “kẻ nghịch” ở đây chúng ta có thể gọi là “đối thủ” của chúng ta. Chúng ta sống trong một thế giới cạnh tranh. Khi chúng ta kinh doanh với một ai đó, họ luôn luôn kiếm được tiền và chúng ta thì luôn luôn có được kinh nghiệm. Kẻ nghịch ở đây là một trong những người được xác định là lấy tiền của chúng ta và để lại cho chúng ta một kinh nghiệm.
Đôi khi mối quan hệ của chúng ta với những người này trở nên thù địch và họ kiện chúng ta, hay thậm chí khiến chúng ta ngồi tù. Phước lành Chúa Giê-xu muốn chúng ta áp dụng đối với kẻ nghịch cũng như kẻ thù mình rõ ràng là: “Phước cho kẻ làm cho người hoà thuận.” Môn đồ có phước lành thứ bảy và thứ tám sẽ không giận dữ, thậm chí khi kẻ đối nghịch chúng ta cho thấy một thực tế khắc nghiệt là những người này chẳng mong ước điều gì tốt đẹp cho chúng ta cả.
Mặc dù chúng ta không thể kiểm soát được việc làm của người đối nghịch với chúng ta, một môn đồ của Chúa Giê-xu sẽ chấp nhận trách nhiệm của việc nhìn thấy rằng anh ta không phải là nguyên nhân của mối xung đột với những người đối nghịch với mình. Phaolô viết rằng cho đến chừng nào chúng ta còn giữ lấy trách nhiệm của mình, chúng ta phải sống hoà thuận với mọi người (Ro 12:18). Trách nhiệm của chúng ta trong các mối quan hệ này có một điểm bắt đầu, và đó cũng luôn là nơi trách nhiệm của chúng ta kết thúc. Chúng ta không thể kiểm soát, và do đó không có trách nhiệm, cho những gì kẻ đối nghịch với chúng ta đang làm.
Phụ nữ
“Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể bị ném vào địa ngục. Lại nếu tay hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy chặt mà liệng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể vào địa ngục.” (Mat 5:27-30)
Bởi vì lời dạy này nói về người nam nên chúng ta có thể tưởng rằng điều này chỉ dành cho người nam. Nhưng rõ ràng lời dạy này còn áp dụng cho những phụ nữ sốt sắng muốn là muối và ánh sáng cho Chúa Giê-xu. Lời dạy này được giải thích và áp dụng cho mối quan hệ của chúng ta với người khác phái.
Cũng như khi nói về kẻ giết người và sự giận dữ, Chúa Giê-xu đi đến tận nguồn gốc của tội tà dâm. Ngài không dạy rằng sự tham dục,hay cái mà Chúa Giê-xu gọi là sự phạm tội tà dâm ở trong lòng, là một tội tương đương với tội tà dâm thật sự. Điều Ngài nhấn mạnh ở đây là nếu chúng ta thật sự muốn dự phần vào giải pháp và sự trả lời của Ngài, và có tác động như muối và ánh sáng, chúng ta phải học cách kiểm soát ham muốn tình dục của mình.
Nếu chúng ta không muốn phạm vào tội tà dâm, chúng ta phải thắng được trận chiến này bằng cách chỉ ra những vấn đề dẫn đến sự phạm tội này đó là nhìn người khác với sự tham dục và nghĩ những ý nghĩ dâm dục.Người em của Chúa Giê-xu là Gia-cơ đã mổ xẻ chi tiết về một tội trong thơ Giacơ. Ông viết rằng theo sau cái nhìn là một sự ham muốn rất mạnh mẽ, hay sự tham dục. Lòng tham dục dẫn đến cám dỗ, theo sau là tội lỗi, và tội lỗi thì luôn luôn dẫn tới một hậu quả khủng khiếp mà Thánh Kinh gọi là “sự chết” (Gia 1:13-15 Ro 6:23).
Chúa Giê-xu và em Ngài là Gia-cơ dạy rằng việc chế ngự tội về tình dục sẽ dễ dàng hơn trước khi nó chuyển bước sang bước thứ hai, nghĩ những điều bất khiết và nuôi dưỡng lòng tham dục. Chúng ta nên chiến thắng trước khi lòng tham dục khiến chúng ta phải đối diện với sự cám dỗ. Chúa Giê-xu dạy các môn đồ Ngài nên cầu nguyện mỗi ngày để họ có thể tránh được cám dỗ (Mat 6:13).
Lời dạy của Chúa Giê-xu về việc móc mắt phải hay chặt cánh tay phải không nên được ứng dụng theo nghĩa đen. Tinh thần của lời dạy này là nếu cái chúng ta đang nhìn khiến chúng ta phạm tội thì đừng nhìn nữa. Chỉ có Chúa mới biết tội lỗi được tạo nên trong thế giới chúng ta ngày nay vì người ta chỉ nhìn vào những phim ảnh khiêu dâm kích thích họ nảy sinh lòng tham dục và phạm tội tà dâm.
Tương tự như thế, Ngài dạy rằng nếu tay chúng ta đang làm điều khiến chúng ta phạm tội thì đừng làm nữa. Ở một chỗ khác, Ngài nói về bàn chân và ứng dụng của nó là nếu đôi chân chúng ta đang dẫn chúng ta đến chỗ phạm tội thì đừng đi đến đó nữa (Mat 18:8).
Người vợ của các ngươi
“Lại có nói rằng: Nếu người nào để vợ mình, thì hãy cho vợ cái tờ để. Song ta phán cùng các ngươi: Nếu người nào để vợ mà không vì cớ ngoại tình, thì người ấy làm cho vợ mình ra người tà dâm;lại nếu người nào cưới đờn bà bị để, thì cũng phạm tội tà dâm.” (Mat 5:31,32)
Tất cả những lời dạy của Chúa Giê-xu trên núi đều nên được giải thích và áp dụng dựa theo bối cảnh thời bấy giờ. Kế hoạch của Chúa Giê-xu là huấn luyện các môn đồ, những người sẽ được sai đi để họ đem đến tác động của muối và ánh sáng cho những con người đang chìm ngập trong nan đề ở dưới chân núi. Chúng ta phải nhớ rằng đám người đó đại diện cho thế giới của những người hư mất.
Vua Sa-lô-môn viết rằng trẻ con giống như mũi tên còn cha mẹ chúng giống như cây cung bắn những mũi tên đó vào trong cuộc sống (Thi 127:3-5). Các giá trị, mục đích và hướng đi trong đời sống bọn trẻ đều tuỳ thuộc vào cây cung sẽ bắn chúng vào cuộc sống. Ngày nay, trên khắp thế giới, ma quỷ đang cố gắng để cắt đi sợi dây cung đó. Sự ly dị và ly thân đang như một nạn dịch ở nhiều nền văn hoá. Trong đoạn Kinh Thánh này Chúa Giê-xu đang dạy rằng nếu chúng ta muốn dự phần vào giải pháp và sự trả lời của Ngài,chúng ta phải áp dụng các thái độ được chúc phước của Ngài vào trong mối quan hệ của chúng ta với người bạn đời của mình.
Đây là một ví dụ mà các thầy thông giáo và người Pha-ri-si trích dẫn luật lệ của Môi-se, nhưng Chúa Giê-xu không đồng ý với cách giải thích và áp dụng của họ về những điều Môi-se dạy. Môi-se thật sự có ra lệnh rằng nếu một người nam muốn ly dị vợ thì “viết một tờ để, trao vào tay nàng” (Phu 24:1-4).
Chúa Giê-xu chỉ ra cho các nhà lãnh đạo tôn giáo này trong một tình huống khác, Môi-se chấp nhận việc viết giấy để vợ chỉ vì ông nhượng bộ trước sự cứng lòng của họ (Mat 19:7-8). Quay trở lại thời Cựu Ước giai đoạn lịch sử Do Thái, các nhà lãnh đạo thuộc linh Do Thái diễn giải luật lệ Môi-se như thế này: nếu một người nam không hài lòng vợ mình về hầu hết mọi điều, anh ta có thể ly dị vợ và chỉ việc đuổi vợ đi. Người chồng không cần phải nói cho vợ mình hay bất cứ ai về lý do anh ta ly dị vợ. Anh ta có thể nói bóng gió là người vợ không chung thuỷ với anh ta.
Chính vì thế Môi-se đã ra lệnh rằng: “Nếu ngươi ly dị vợ mình, ngươi phải đưa cho cô ấy tờ ly dị.” Trong tờ ly dị phải trình bày lý do ly dị và yêu cầu người chồng phải có một sự chu cấp nào đó cho người vợ anh ta ly dị. Bởi vì một người phụ nữ khó có thể tồn tại trong văn hoá Do Thái nếu không có chồng, Môi-se thật sự đang cố gắng bảo vệ người phụ nữ khi yêu cầu phải có tờ ly dị vợ.
Chúa Giê-xu không dạy là việc ly dị có thể được chấp nhận.Đức Chúa Trời ghét sự ly dị (Ma 2:16). Chúa Giê-xu đang dạy rằng nếu có lý do phải ly dị thì môn đồ Ngài nên công bình ngay cả trong việc này. (Có thể xem thêm trong Quyển 6,7 và 13 về Vấn đề hôn nhân và gia đình, và I và II Cô-rinh-tô)
Lời nói của các ngươi
“Các ngươi còn có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ thề dối, nhưng đối với Chúa, phải giữ vẹn lời thề mình. Song ta phán cùng các ngươi rằng đừng thề chi hết: đừng chỉ trời mà thề,vì là ngôi của Đức Chúa Trời; đừng chỉ đất mà thề, vì là bệ chân của Đức Chúa Trời; đừng chỉ thành Giê-ru-sa-lem mà thề, vì là thành của Vua lớn; lại cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì tự ngươi không thể làm cho một sợi tóc nên trắng hay là đen được. Song ngươi phải nói rằng: phải, phải; không, không. Còn điều người ta nói thêm đó, bởi nơi quỉ dữ mà ra.” (Mat 5:33-37)
Bây giờ chúng ta quay lại với một lời dạy của các nhà lãnh đạo thuộc linh Do Thái mà không nằm trong Luật lệ của Đức Chúa Trời. Theo truyền thống, họ có một hệ thống phức tạp đề cập đến các lời thề có ràng buộc và lời thề không ràng buộc (Mat 23:16). Họ nói: “Tôi chỉ đền thờ mà thề”, hay “Tôi chỉ vàng của đền thờ mà thề”. Hay “Tôi chỉ bàn thờ mà thề”, hay “Tôi chỉ của lễ trên bàn thờ mà thề.” Họ chỉ nước thiên đàng, hay chỉ đất, hay chỉ thành Giê-ru-sa-lem mà thề.
Những người có quyền lực này biết khi nào thì lời thề có ràng buộc, khi nào thì không. Những người dân vô tội không hiểu gì về những sự khác biệt phức tạp này sẽ bị sốc khi khám phá ra rằng điều mà họ nghĩ là một thoả thuận trang trọng thật ra chẳng có ràng buộc gì cả.
Hệ thống này phức tạp tới mức vô lý và lố bịch. Điều này rõ ràng là mâu thuẫn với mạng lệnh là chúng ta không được thề dối. Không cần phải thắc mắc việc Chúa Giê-xu đã đánh đổ tất cả những chuyện vô lý này với lời tuyên bố mạnh mẽ của Ngài rằng tất cả những điều gì ngoại trừ lời nói “phải” hay “không” của bạn đều đến từ ma quỷ! Tinh thần của lời dạy này là môn đồ của Ngài phải được biết đến như là người của Lời Đức Chúa Trời và người ngay thật trong lời nói của mình.
Người phạm tội
“Các ngươi có nghe lời phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ.Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên tả cho họ luôn; nếu ai muốn kiên ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa; nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ. Ai xin của ngươi, hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ.” (Mat 5:38-42)
Một lần nữa Chúa Giê-xu lại không đồng ý với cách các thầy thông giáo và người Pha-ri-si giải thích và áp dụng luật pháp của Môi- se.Các nhà lãnh đạo tôn giáo này dạy rằng: “Mắt đền mắt, răng đền răng.” Bạn sẽ tìm thấy điều này được nói đến trong Xuất Ê–díp-tô ký, Lê-vi ký, và Phục truyền luật lệ ký. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu đang công bố rằng: “Ta không đồng ý với tinh thần của luật dạy rằng ‘mắt đền mắt và răng đền răng’”.
Cũng giống như việc cho phép ly dị vợ, khi Môi-se ra lệnh “mắt đền mắt và răng đền răng”, ông đang lập ra một giới hạn cho sự cứng lòng của những con người ương ngạnh và khó chịu. Ông đang giới hạn sự ham muốn trả thù đầy tội lỗi của họ. Nếu có ai đó đánh họ gãy răng, thái độ của họ là:“Tao sẽ bẻ cổ mày!” Nếu ai lấy đi một mắt của họ, thái độ của họ là: “Tao sẽ cắt đầu mày!” Đó không phải là sự công bằng mà là một ham muốn trả thù xấu xa.Sự công bằng sẽ là một mắt đền cho một mắt, một răng đền cho một răng. Điều này thường là cái linh của sự ham muốn dẫn tới việc kiện tụng. Vì vậy Chúa Giê-xu nói đến cách chúng ta nên áp dụng các phước lành của Ngài khi chúng ta bị đem đến toà và bị kiện. Khi chúng ta nghe nói đến các quốc gia như Hoa Kỳ, về những người đi kiện để có được hàng triệu đô-la, rõ ràng là những người đó đã vượt quá hơn sự công bằng; họ đang tìm kiếm sự trả thù hay lợi nhuận ích kỷ. Cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào, các quan toà và hệ thống luật pháp sẽ ra sao nếu chúng ta áp dụng lời dạy này của Chúa Giê-xu một cách nghiêm túc?
Chúa Giê-xu đang thực hiện và còn đi xa hơn tinh thần của Luật pháp Môi-se khi Ngài dạy: “Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ.” Ngài đang nói tỉ mỉ về trường hợp này và rõ ràng là đang áp dụng phước lành của người giảng hoà bị bắt bớ khi Ngài dạy các môn đồ đưa luôn má bên kia cho người ta vả, đưa cả cái áo dài khi bị kiện về cái áo ngắn, đi xa hơn quảng đường được yêu cầu, ban cho một cái rộng rãi và đừng từ chối khi có ai mượn tiền mình. Chúa Giê-xu đang dạy gì trong đoạn Kinh Thánh khó hiểu này?
Khi tôi hỏi một doanh nhân rằng công việc của ông trong một thế giới kinh doanh cạnh tranh cao độ này như thế nào thì ông ta trả lời: “Chúng tôi không bỏ tù ai cũng không bắn ai bị thương cả!” Có một câu thơ nói rằng: “Mọi thứ đều có răng và vuốt màu đỏ.”
Cuộc sống có thể vô cùng bon chen, hay theo một cách nói khác thì cuộc sống giống như một cuộc chiến giữa những con chó và việc cạnh tranh thì giống như cuộc chạy thi của những con chuột. Cuộc sống chỉ là như vậy nếu chúng ta chỉ là “chó” hay “chuột”. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu đang dạy rằng khi môn đồ Ngài sống theo tám thái độ được chúc phước với người thế gian, họ sẽ cho người ta thấy rằng cuộc sống không nhất thiết phải như thế.
Trong thời bấy giờ, những người La Mã xâm chiếm có thể bắt một công dân Do Thái vác hành lý cho họ 2 ki-lô-mét. Người Do Thái phải tuân theo khi bị bắt làm điều đó, nhưng họ không cần phải làm với một thái độ đau khổ. Chúa Giê-xu dạy: “Nếu họ bắt các ngươi đi một ki-lô-mét, hãy đi hai ki-lô-mét.” Trong hội thánh đầu tiên, một vài người được cải đạo là những người lính La Mã, họ tin Chúa bởi vì những môn đồ sốt sắng của Chúa Giê-xu đã thể hiện ra các phước lành trong cách tiếp xúc của họ đối với những người đang xâm lược đất nước mình.
Kẻ thù của các ngươi
“Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi,hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.
Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu? Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao?Lại nếu các ngươi tiếp đãi anh em mình mà thôi, thì có lạ gì hơn ai? Người ngoại há chẳng làm như vậy sao? Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.” (Mat 5:43-48)
Tôi tin sáu câu Kinh Thánh này là những câu khó giải nghĩa và áp dụng nhất trong lời dạy của Chúa Giê-xu. Hội thánh chẳng bao giờ đồng ý với ý nghĩa của những câu này, hay cách áp dụng chúng. Chúng nói về nguyên tắc xử thế cao cả nhất mà thế gian từng nghe đến.
Sáu lần trong đoạn Kinh Thánh này Chúa Giê-xu bắt đầu lời dạy của Ngài bằng cách đề cập đến lời dạy của các thầy thông giáo. Lần này Chúa Giê-xu dạy: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình.” Một nửa của điều răn này là dựa theo luật pháp Môi-se, còn một nửa là phần thêm vào theo cách dạy truyền thống của họ. Môi-se quả thật có dạy: “…hãy thương yêu kẻ lân cận ngươi…”(Le 19:18), nhưng ông không dạy: “Hãy ghét của thù ngươi”. Trong Thi-thiênchúng ta thấy vua Đa-vít, người luôn ở trong lòng Đức Chúa Trời, nói rằng ông ghét kẻ thù của Đức Chúa Trời.Nhưng Lời của Đức Chúa Trời không hề dạy chúng ta phải ghét kẻ thù của mình.
Khi chúng ta đọc 11 câu cuối của đoạn Kinh Thánh này,điều quan trọng chúng ta phải nhớ đó là lời dạy trong “Bài giảng đầu tiên” này không dành cho những người ở dưới chân núi. Chúa Giê-xu đang dạy những điều này cho những người mà thông qua sự hiện diện của họ trên núi đang nói lên rằng họ là môn đồ của Chúa Giê-xu. Thực tế của việc họ được gọi là “môn đồ” có nghĩa là họ có một sự kết ước cao độ với Chúa Giê-xu khi họ có mặt trong buổi dạy đó.
Đây là sự kết ước tuyệt đối mà Chúa Giê-xu đòi hỏi nơi một môn đồ: “Nếu ngươi muốn theo Ta,nhưng không sẵn sàng vác thập tự giá mình và chết cho Ta, ngươi không thể nào là môn đồ Ta. Nếu ngươi không sẵn sàng đặt Ta lên trên hết những con người trong cuộc đời ngươi, chồng, vợ, cha, mẹ, con cái, ngươi không thể là môn đồ Ta. Nếu ngươi không sẵn lòng từ bỏ tài sản của ngươi, ngươi không thể là môn đồ Ta.” (Lu 14:25-35)
Những người có mặt trong bài giảng này đã cam kết như thế với Chúa Giê-xu. Họ nói với Chúa Giê-xu họ sẵn sàng mang lấy thập tự giá và theo Ngài. Có thể họ đã nhìn thấy những nạn nhân thảm hại bởi hình phạt đóng đinh của La Mã và phải vác thập tự giá đi đến nơi hành hình. Họ biết ý nghĩa của sự ẩn dụ đáng sợ này. Khi Chúa Giê- xu dạy về sáu câu Kinh Thánh này, đơn giản Ngài chỉ nói cho họ biết nguyên nhân, nơi chốn và hình ảnh cây thập tự giá mà họ hứa mang lấy khi theo Chúa Giê-xu.
Lời dạy này cũng thách thức cách mà các nhà lãnh đạo tôn giáo giải nghĩa và áp dụng luật pháp của Môise. Bạn có nhớ câu hỏi của một thầy dạy luật đã hỏi Chúa Giê-xu được chép trong “Thí dụ về người Sa-ma-ri nhơn lành không”? Câu hỏi đó là: “Ai là người lân cận tôi?” (Lu 20:29) Đó là một câu hỏi rất thâm thuý, bởi vì theo cách đối xử truyền thống được dạy bởi các thầy thông giáo và người Pha-ri- si thì kẻ lân cận của họ chính là người mang dòng máu Do Thái, còn tất cả những người không phải là người Do Thái trên thế gian này đều là kẻ thù của họ. Khi đó, việc áp dụng của lối dạy truyền thống này là: Hãy yêu những anh em Do Thái của ngươi, nhưng hãy ghét tất cả những người khác. Hãy xác quyết rằng động cơ trong việc yêu kẻ thù của chúng ta là: “hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời.” Đây là lời hứa Chúa Giê-xu dành cho những ai sống theo phước lành thứ bảy và thứ tám như là người đem đến sự hoà thuận bị bắt bớ.
Có ít nhất một nguyên tắc kết ước khác phải được thực hiện nếu chúng ta đón nhận lời dạy của Chúa Giê-xu một cách nghiêm túc. Nếu chúng ta đọc những câu Kinh Thánh này và nói: “Nếu chúng ta làm như thế, chúng ta sẽ bị mất rất nhiều thứ”, thì khi đó lời dạy này chẳng có ý nghĩa gì với chúng ta nữa. Chúng ta phải nhận ra rằng sự tự bảo toàn cho bản thân không phải là nguyên tắc ứng xử cao nhất của một môn đồ Chúa Giê-xu.
Sứ đồ Phao-lô hiểu được sự kết ước của một môn đồ khi ông viết: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga 2:20)
Bị đóng đinh với Đấng Christ nghĩa là gì? Nó có nghĩa là sẵn sàng mang lấy thập tự giá và bước đi theo Ngài. Khi Chúa Giê-xu đối diện với thập tư giá mà Ngài phải mang lấy, Ngài nói: “Nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình;nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều.” Và rồi Ngài cầu nguyện: “Hiện nay tâm thần ta bối rối; ta sẽ nói gì?…Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ nầy! Nhưng ấy cũng vì sự đó mà con đến giờ nầy!” Và vì thế Ngài cầu nguyện: “Cha ơi, xin làm sáng danh Cha.” Bấy giờ có tiếng từ trên trời phán xuống rằng: “Ta đã làm sáng danh rồi, Ta còn làm cho sáng danh nữa.” (Gi 12:23-28) Trong sự khủng hoảng của mình, Chúa Giê-xu đã lệnh cho các môn đồ cùng với Ngài chấp nhận sự kết ước tuyệt đối mà Ngài đã làm gương khi đối diện với thập tự giá (Gi 12:25,26).
Một vị mục sư rất mẫu mực đã cổ vũ từng môn đồ của Chúa Giê- xu cầu nguyện giống như Ngài như thế này: “Cha ơi, xin làm sáng danh Cha và hãy cho con biết cái giá của nó. Bất cứ điều gì thưa Cha. Đơn giản chỉ là để làm sáng danh Cha!” Chỉ đến khi chúng ta hoà cùng Chúa trong lời cầu nguyện của Ngài trước bóng thập tự giá thì chúng ta mới hiểu được, chấp nhận và làm theo tiêu chuẩn ứng xử cao cả nhất mà thế giới này từng được nghe.
Trong suốt các cuộc Thánh chiến, ông Francis ở Assisi đã chăm sóc cho một người Thổ Nhĩ Kỳ bị thương. Một thập tự quân cưỡi ngựa đi ngang và nói: “Nếu con người này mà khoẻ lại, Francis à, hắn sẽ giết anh!” Francis trả lời: “Ồ, thế thì anh ta sẽ được biết đến tình yêu thiên thượng trước khi làm điều đó!”
Hãy xem cách Chúa Giê-xu kết thúc lời dạy này: “Thế thì, các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.” (Mat 5:48) Chữ “trọn vẹn” không có nghĩa là hoàn toàn không có tội. Nó có nghĩa là: “Hãy trưởng thành, hoàn hảo, trong tất cả những điều Đức Chúa Trời tạo nên nơi ngươi.” Nếu chữ “trọn vẹn” làm bạn băn khoăn lo lắng, hãy bỏ đi chữ đó trong phần đầu và cuối câu. Như là một lời tóm tắt cho sự dạy dỗ của mình về tinh thần của luật lệ, Chúa Giê-xu đang dạy rằng chúng ta phải như vậy, thậm chí giống như Cha trên trời. Chúa Giê-xu đang dạy rằng, là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta phải giống như Đức Chúa Trời. Vậy thì Ngài như thế nào?
Sứ đồ Phao-lô dạy người chồng phải yêu vợ mình thậm chí như Đấng Christ đã yêu hội thánh đến nỗi đã phó chính mình Ngài (Eph 5:25). Khi Phao-lô hướng dẫn người chồng yêu, thậm chí như Đấng Christ yêu, và ban cho thậm chí như Đấng Christ ban cho, ông thật sự đang dạy giống như điều mà Chúa Giê-xu đang dạy ở đây: chúng ta phải như vậy, thậm chí như Đấng Christ là như vậy. Điều đó có khả thi không?
Lời dạy có động lực nhất trong Tân Ước là gì? Theo tôi, đó là: “Đấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển.” Theo nghĩa đen, Phao-lô viết rằng: “Tôi đã được Đức Chúa Trời nâng lên để chia sẻ với Hội thánh một bí quyết. Và bí quyết đó đơn giản là: Đấng Christ trong lòng anh em là sự trông cậy duy nhất của anh em” (Co 1:27).
Lời dạy về cách đối nhân xử thế của Chúa Giê-xu hoàn toàn không thể thực hiện được, thậm chí còn buồn cười, nếu như không có phép lạ này xảy ra: “Đấng Christ ở trong bạn; bạn ở trong Đấng Christ,” và “đồng công với Ngài.” Nhưng lời dạy có động lực nhất trong Tân Ước đã xảy ra rồi! Vì thế chúng ta có thể đón nhận lời dạy này một cách nghiêm túc và can đảm để trả lời những câu hỏi sau: “Chúa Giê-xu đã nói gì? Ngài có ý gì?” và “Điều đó có ý nghĩa gì đối với tôi?”
Câu Kinh Thánh sâu sắc nhất trong đoạn Kinh Thánh đầy năng quyền này phù hợp với kế hoạch và mục tiêu sứ mạng của Chúa Giê- xu khi Ngài thực hiện bài giảng này. Chúa Giê-xu đã hỏi câu hỏi này: “Các ngươi có làm gì trổi hơn những người khác chăng?”
Như tôi đã nhận xét trước đó, muối phải khác với miếng thịt mà nó được ướp vào để bảo quản miếng thịt khỏi bị hư hoại. Một bản dịch khác thì chép rằng: “Nếu các ngươi chỉ yêu những kẻ yêu mình, thì các ngươi đang thực hành loại ân điển gì?” (Mat 5:46). Ý nghĩa của câu này là sẽ chẳng có ân điển gì nếu chúng ta chỉ yêu người yêu chúng ta, nhưng sẽ có ân điển siêu nhiên nếu chúng ta yêu kẻ thù nghịch mình.
Phân đoạn Kinh Thánh rất khó này, thật ra là cả đoạn Kinh Thánh này, thách thức chúng ta câu hỏi sau: “Trong đời sống của chúng ta có điều gì chỉ có thể được giải thích bởi một bí quyết thuộc linh là Chúa Giê-xu Christ của chúng ta, là Đấng sống lại, đang sống trong lòng chúng ta hay không?
Leave a Comment