BA CÂU HỎI QUAN TRỌNG CỦA ĐỜI NGƯỜI
BA CÂU HỎI QUAN TRỌNG CỦA ĐỜI NGƯỜIGS Phạm Quang Tâm
Ba cau hỏi của quan trọng của đời người
Trong đời, mỗi người chúng ta đều gặp rất nhiều câu hỏi và tìm cách trả lời. Tuy nhiên không có câu hỏi nào quan trọng bằng 3 câu sau đây, đã làm các triết gia và khoa học gia bối rối từ xưa đến nay. Chắc hẳn chính bạn đôi khi cũng thắc mắc về 3 câu hỏi ấy.
Đó là:
1) Con người từ đâu đến đây?
2) Con người sống trên đời nầy để làm gì?
3) Sau khi qua đời, con người sẽ đi đâu?
Nếu bạn là người biết suy tư, trong những đêm tối mịt, ngước nhìn lên bầu trời bao la lấp lánh hàng triệu triệu ngôi sao,đa số lớn hơn mặt trời chúng ta gấp trăm lần, chắc hẳn bạn cũng nẩy ra câu hỏi:Loài người từ đâu đến đây? Rồi khi bạn chứng kiến những cảnh giết chóc trong chiến tranh, cá lớn nuốt cá bé, những trò tranh dành miếng ăn, địa vị, quyền lợi trên đời thì bạn cũng thắc mắc: Con người sống trên đời nầy để làm gì? Chẳng lẽ chỉ đi làm, kiếm tiền, bon chen, hưởng thụ rồi qua đời? Ý nghĩa cuộc đời là như thế sao? Và khi bạn tiễn người thân ra phần mộ, chắc hẳn trong đầu bạn cũng nẩy ra câu hỏi: Con người chết rồi thì đi đâu nhỉ?
Những ai biết suy tư đều thắc mắc ít nhiều về các câu hỏi ấy. Tùy cách trả lời mà bạn sẽ tìm được lẽ sống trên đời hay không.
1. Con người từ đâu đến đây?
Cho đến thời Trung Cổ, người ta vẫn tin rằng quả đất là trung tâm của vũ trụ, và con người là trung tâm của quả đất. Nhưng ngày nay chúng ta biết quả đất chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ rộng lớn vô cùng, và con người còn nhỏ bé hơn nữa. Càng khám phá sự rộng lớn bao la của vũ trụ bao nhiêu, con người càng thấy mình nhỏ bé bấy nhiêu.
Đến giờ nầy khoa học chưa tìm ra sự sống ở nơi nào khác trong vũ trụ ngoài quả đất của chúng ta. Cho nên bạn thắc mắc: Thế thì con người từ đâu mà ra? Tại sao loài người và sinh vật chỉ có trên quả đất tí teo nầy? Là người biết suy luận và có đôi chút kiến thức khoa học, bạn không thể tin vào thuyết ngẫu sinh (spontaneous generation) chủ trương rằng con người tự nhiên mà có. Tuy nhiên Thánh Kinh cho bạn câu trả lời. Sách Sáng thế chương 1, câu 1 viết như sau: “Ban đầu Thượng Đế dựng nên vũ trụ,” và câu 26 cũng cùng chương ấy viết “Thượng Đế bảo: Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh chúng ta.” Thánh Kinh cho biết thêm chi tiết về việc tạo dựng con người: “Thượng Đế tạo nên con người từ bụi đất, thổi sinh khí vào lỗ mũi thì con người trở thành con người sống.”
Như thế, chúng ta biết con người do Thượng Đế dựng nên chứ không phải tự nhiên mà có. Đấng dựng nên con người và tất cả sinh vật trên quả đất cũng là Đấng dựng nên vũ trụ bao la nầy. Để bạn có một ý niệm về sự bao la của vũ trụ: vận tốc ánh sáng là 300.000 cây số một giây. Dù với vận tốc nhanh kinh khủng như thế ánh sáng cũng phải mất 8 phút để đi từ mặt trời đến trái đất, một khoảng cách là 153 triệu cây số. Một điều kỳ diệu: Khoảng cách giữa quả đất và mặt trời là một khoảng cách vừa đúng để sinh vật sống còn. Nếu quá gần mặt trời chúng ta sẽ bị cháy tiêu, nếu quá xa chúng ta sẽ chết cóng vì lạnh. Ngẫu nhiên? --Không phải! Đấng Tạo Hóa đặt để như thế.
Hiện tại chúng ta vẫn chưa biết giới hạn vũ trụ là bao nhiêu. Láng giềng gần nhất của chúng ta là ngôi sao Alpha Centauri cũng cách chúng ta hơn 4 năm ánh sáng! Với những viễn vọng kính tối tân nhất,chúng ta chỉ mới thấy được những ngôi sao cách chúng ta khoảng 20 tỉ năm ánh sáng mà thôi! Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là giới hạn của vũ trụ! Cho nên sự xuất hiện của con người trên địa cầu nhỏ bé duy nhất nầy giữa biển vũ trụ bao la gồm hàng trăm tỉ ngôi sao quả là một trong những điều mầu nhiệm vĩ đại trên đời mà các khoa học gia đến giờ nầy không thể giải thích nổi.
Đa-vít, một vị vua nổi tiếng của Do-thái xưa kia đã thốt lên như sau khi nhìn vũ trụ bao la và sự chăm sóc kỳ diệu của Thượng Đế dành cho loài người chúng ta, “Khi tôi nhìn bầu trời là công việc của tay Ngài, mặt trăng và các ngôi sao mà Ngài đã tạo nên, thì con người là gì mà Chúa lưu ý, con cái loài người là ai mà Ngài chăm sóc?” Một Thượng Đế cao cả vĩ đại, Đấng đã tạo dựng thế giới và vũ trụ bao la, lại chăm sóc đến một loài người nhỏ bé như chúng ta, điều đó cho thấy một tình yêu thật sự vô hạn của Ngài.
2. Con người sống trên đời nầy để làm gì?
Chưa ai rõ con người đã có mặt trên quả đất bao lâu, nhưng kể từ ngày nhân loại có lịch sử ghi lại bằng chữ viết (khoảng 5.000 năm nay) thì trong hơn 90% thời gian ấy, nghĩa là hơn 4.500 năm, con người luôn luôn chém giết nhau qua chiến tranh, giặc giã. Nghĩa là thời gian con người sống trong chiến tranh, chết chóc, nhiều hơn thời gian hòa bình. Hằng ngày chúng ta đọc báo chí thấy những cảnh giết người, khủng bố, thiên tại khắp nơi khiến cho đời sống con người đã ngắn lại càng ngắn thêm. Rồi bạn nhìn những người xung quanh bạn chạy theo vật chất, tranh dành địa vị, quyền lợi đến nỗi làm hại nhau. Bạn tự hỏi: Ý nghĩa cuộc đời là như thế sao?
Lời Thượng Đế dạy trong Thánh Kinh: “Hãy làm điều công chính và phải lẽ.” Thượng Đế đặt con người trên đất để thờ kính và phục vụ Ngài, không phải để chém giết nhau hay làm hại nhau. Ngài muốn con người cải tiến quả địa cầu mà Ngài đã tạo nên. Một lần nữa Thánh Kinh dạy thêm, “Hãy thực thi công bình cho kẻ cô thế và mồ côi; bảo vệ quyền lợi của người thấp kém và khốn cùng.” Ngoài ra, trách nhiệm con người là “quản trị mọi loài Ngài đã tạo dựng.” Đó là ý nghĩa cuộc đời. Đó là lý do để chúng ta sống trên đất nầy.
Một điều ít ai chối cãi: Cuộc đời nầy thật quá ngắn ngủi so với cõi vô tận! Mô-se, một vị lãnh đạo vĩ đại xưa kia của dân Do-thái viết, “Các năm tháng chúng tôi kết thúc trong tiếng khóc than. Đời chúng tôi dài lắm là 70 tuổi, còn nếu khỏe mạnh thì được 80, nhưng các năm tháng ấy đều đầy lao khổ.”
Vì cuộc đời nầy quá ngắn nên chúng ta hãy làm mọi cách cho nó có ý nghĩa thay vì phung phí nó hay dùng nó để làm hại lẫn nhau. Con cái của Chúa Giê-xu đã vâng theo lời dạy của Ngài và luôn tìm cách cải tiến cuộc đời nầy về phần vật chất cũng như tâm linh. Mục đích của họ trên đời là rao truyền tình yêu của Chúa Giê-xu cho mọi người ở khắp nơi. Nhiều người lặn lội trong rừng sâu, đi đến những bộ lạc bán khai để đem Tin Mừng về sự yêu thương lớn lao mà Thượng Đế dành cho con người. Và đôi khi họ bằng lòng trả giá cho sự yêu thương ấy bằng chính mạng sống mình.
3. Sau khi qua đời,con người sẽ đi đâu?
Hằng ngày chúng ta quá bận rộn với cuộc sống nên ít có thì giờ để nghĩ đến cái chết và quên rằng mỗi một ngày qua đi đưa chúng ta gần đến tận cùng của đời mình! Chỉ khi nào chứng kiến cảnh vĩnh biệt đau buồn của bạn hữu hay thân nhân thì chúng ta mới sực tỉnh và tự hỏi: Chúng ta qua đời rồi sẽ đi đâu?
Nhiều người cho rằng, “Chết là hết.” Tại sao? Vì rằng từ ngày có vũ trụ nầy, hàng bao nhiêu tỉ người đã sinh ra, sống tạm trên đất, rồi qua đời. Không một ai trở về bảo cho chúng ta biết bên kia phần mộ có gì. Tuy nhiên Thánh Kinh cho chúng ta thấy rõ những gì xảy ra sau cái chết: “Theo như đã định, mọi người phải chết một lần rồi chịu xét xử.” Thánh Kinh mô tả thêm, “Tất cả chúng ta đều phải trình diện trước Chúa Cứu Thế để chịu xét xử.Mỗi người sẽ nhận lãnh điều mình đáng lãnh do những việc mình đã làm trong thân xác, dù tốt hay xấu cũng vậy.” Một chỗ khác Thánh Kinh cho biết, “Thượng Đế sẽ phân xử mọi việc, cho đến việc làm lén lút, dù thiện hay ác cũng vậy.”Đó là những gì sẽ xảy ra sau khi chúng ta qua đời. Sách Khải thị của Giăng, một môn đệ của Chúa Giê-xu, mô tả về phương thức xét xử ấy, “Rồi tôi thấy một ngai trắng và lớn cùng Đấng ngự trên ngôi. Trước mặt Ngài trời đất trốn mất hết.Tôi thấy những người chết, cả lớn lẫn nhỏ đều đứng trước ngai. Các sách mở ra,rồi một sách khác là sách sự sống cũng mở ra nữa. Những người chết bị xét xử theo những điều họ đã làm đã được ghi trong các sách. Người nào không có tên trong sách sự sống đều bị ném vào hồ lửa.” Ngoài ra, Thánh Kinh viết thêm về số phận những người bị trừng phạt sau khi ra trước toà án của Thượng Đế, “Những kẻ hèn nhát, kẻ vô tín, kẻ làm ác, kẻ giết người, kẻ dâm dục, kẻ phù phép, kẻ thờ thần thượng và các kẻ nói dối thì chỗ ở của chúng là hồ lửa diêm sinh. Đó là cái chết thứ hai.” Như thế chúng ta thấy có 2 cái chết: một về phần xác,và một về phần hồn nghĩa là chịu khốn khổ trong hỏa ngục. Cái chết phần xác là cái chết tạm, cái chết phần hồn là cái chết vĩnh viễn.
Sứ đồ Giăng cũng mô tả như sau về thiên đàng, nơi những người thuộc về Chúa tức những người không bị xét xử, sẽ sống, “Rồi tôi thấy trời mới, đất mới. Tôi cũng thấy thành thánh là Giê-ru-sa-lem mới từ thiên đàng của Thượng Đế xuống…. Ngài sẽ lau hết nước mắt khỏi mắt họ; sẽ không còn chết chóc, buồn thảm, khóc lóc hay đau đớn nữa vì những việc cũ đã qua rồi.Thành cũng không cần mặt trời, mặt trăng chiếu sáng vì vinh hiển của Thượng Đế là ánh sáng cho thành và Chiên Con (Chúa Giê-xu) là đèn của thành. Các cổng thành không bao giờ đóng vì không có đêm ở đó nữa.” Đó là hình ảnh của thiên đàng, nơi Chúa và các con cái của Ngài sẽ cư ngụ. Như thế cuộc sống trên trần thế nầy là cuộc sống tạm, cuộc sống trên thiên đàng mới là cuộc sống vĩnh viễn.
Bạn có nhận thấy rằng hầu hết các tôn giáo trên thế giới đều tìm hiểu về thế giới bên kia không? Tại sao?Vì đa số con người bình thường đều tin rằng sau cái chết còn một cái gì khác nữa. Tuy nhiên không tôn giáo nào trình bày rõ ràng về các sự việc bên kia phần mộ bằng Thánh Kinh,lời của Thượng Đế, như bạn đã thấy trên đây.
* * *
Bạn thân mến
Nếu trên đây là 3 câu hỏi lớn lao trong đời bạn thì giờ đây bạn đã biết câu trả lời, qua Thánh Kinh. Tất cả chúng ta đều có nhiều lựa chọn khi sống trên đời nầy, tuy nhiên có hai điều chúng ta không thể chọn: ngày sinh và ngày chết của chúng ta.
Nếu chúng ta đã chuẩn bị rất nhiều cho cuộc sống tạm bợ trên đất nầy, chẳng lẽ chúng ta lại không chuẩn bị kỹ hơn cho ngày chúng ta lìa đời sao? Tôi tin rằng bạn rất muốn chuẩn bị.
Chuẩn bị cách nào? Một lần nữa Thánh Kinh vạch con đường cho chúng ta thấy, “Hiện nay không có sự xét xử nào cho những ai ở trong Cứu Chúa Giê-xu.” Nghĩa là những ai ở trong Cứu Chúa Giê-xu đều không phải chịu xét xử sau khi qua đời. Ai được ở trong Cứu Chúa Giê-xu? –Đó là những người đã đặt niềm tin nơi Ngài. Thánh Kinh viết, “Vì Thượng Đế quá yêu nhân loại đến nỗi đã hi sinh Con Một của Ngài (tức Chúa Giê-xu), để hễ ai đặt niềm tin vào Con ấy sẽ không bị chết mất nhưng được sự sống đời đời.” Chúa Giê-xu hi sinh cách nào?—Ngài hi sinh bằng cách chịu chết trên thập tự giá thay cho bạn và tôi.
Sau khi đọc bài tham luận nầy, nếu bạn cũng như tôi là những người đang vấn vương bởi 3 câu hỏi quan trọng vừa nói, và mong muốn tìm ra ý nghĩa cho cuộc đời mình trên đất nầy và để có được một sự an toàn trong đời tương lai vĩnh viễn thì bạn hãy đặt niềm tin mình nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu hôm nay. Đừng chậm trễ. Ngài đang trông chờ bạn. Bạn có thể trực tiếp đến với Ngài bằng lời cầu nguyện chân thành và vắn tắt:
“Lạy Chúa Cứu Thế Giê-xu, con muốn được sự sống đời đời trong Ngài. Con xin đặt niềm tin nơi sự hi sinh của Ngài trên thập tự giá. Con muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa. Xin Ngài tiếp nhận con làm con của Ngài để con được vào nước thiên đàng của Ngài. Nhân danh Chúa Giê-xu, A-men.”
Leave a Comment