ÂN TỨ( PHẦN MỘT: CHÚ GIẢI)

ÂN TỨ
ân tứ thuộc linh
Ân Tứ

PHẦN MỘT: CHÚ GIẢI

Dẫn Nhập

Để có một nền thần học thích hợp cho Hội thánh, chúng ta phải hiểu được vai trò của các ân tứ thuộc linh trong việc gây dựng, ban quyền năng, hướng dẫn, uốn nắn, và làm cho Hội thánh sống động. Tiền đồ của Hội thánh bao gồm cả sự thờ phượng tương giao và yêu thương, ấy là sự chăm sóc lẫn nhau. Một số tín hữu có chức vụ hoặc trách nhiệm nặng nề hơn những người khác, nhưng mọi người đều quan trọng như nhau. Mọi tín hữu đều có một chức vụ.

Chương 1: ICo 12:1-11

ICo 12:1-3
Quá khứ và hiện tại trong lãnh vực thuộc linh
1Hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết về các sự ban cho thiêng liêng. 2Anh em biết khi mình còn là người ngoại đạo, bị khuyên dỗ hướng về các thần tượng câm, tùy ý người ta dẫn dụ mình. 3Bởi đó, tôi tỏ cùng anh em, chẳng ai cảm Thánh Linh của Đức Chúa Trời mà nói rằng: Đức Chúa Giê-xu đáng nguyền rủa ! Nếu không cảm Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng Đức Chúa Giê-xu là Chúa.
Thư tín Côrinhtô thứ nhất được viết để trả lời một số nan đề của Hội thánh tại Côrinhtô. Một số học giả ngày nấy nhìn nhận rằng nan đề mấu chốt ở Côrinhtô là một trong những thuyết mạt thế. Điều nầy có nghĩa là một số tín hữu tại Côrinhtô tin rằng các phước hạnh của Vương quốc đã ứng nghiệm và cá nhân họ đã bắt đầu bước vào các sự kín nhiệm của Vương quốc ấy. Giáo lý của họ có lẽ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hai mặt Hellenis mà nó hạ thấp sự hiện diện thuộc thể và tôn cao sự mặc khải thuộc linh. Họ tuyên bố là “nói được các thứ tiếng ... thiên sứ”(13:1) và chối bỏ sự sống lại của thân thể (15:12-34) bởi vì họ đã đạt đến tầm vóc thuộc linh. Họ ngăn chặn những mối quan hệ tình dục trong hôn nhân (7:1-7) và xem thường sự chịu khổ cũng như chức vụ của Phao-lô (4:8-13).1 Sự phân biệt thuộc linh nầy đã gây ra sự chia rẽ giữa vòng họ cũng như giữa một nhóm người trong số họ và Phao-lô.
Phao-lô trả lời cho mỗi vấn đề họ nêu lên cách hết sức kỷ lưỡng, nhưng ông cũng nói rằng những nan đề khác hãy đợi khi ông đến mới giải quyết (11:34). Bây giờ, Phao-lô cho rằng điều cần thiết hơn là ông sẽ trả lời họ về vấn đề những ân tứ thuộc linh. Một số người nghĩ rằng việc thực hành các ân tứ cho thấy mức độ thuộc linh cao hơn. Những người khác nghi ngờ về thái độ và hành vi xác thịt của những người quản trị các ân tứ.Phao-lô muốn giải tỏa bất kỳ một sự hiểu lầm nào về các ân tứ thuộc linh. Sự thông hiểu vấn đề rất quan trọng, còn sự lẫn tránh sẽ chẳng đem lại một ích lợi nào.
Frederic Godlet nói rằng: “Thuật ngữ Charismata hàm ý về nguồn gốc của chúng nghĩa là của các ân tứ, còn thuật ngữ Pneumatika (14:1) chỉ về bản chất của chúng”. Nói cách khác, các ân tứ bắt nguồn từ Đức Chúa Trời, và bản chất của chúng từ Đức Thánh Linh. Từ ngữ Charismata không có trong bản Bảy Mươi hoặc trong các bản Kinh thánh chép tay Hy lạp. Hầu hết chúng được tìm thấy trong các thư tín của Phao-lô (một nơi khác nữa ở trong IPhierơ). Phao-lô xem Hội thánh và các ân tứ là điều hỗ tương nhau: Nếu đây là Hội thánh, thì các điều nầy là những ân tứ. Nếu những điều nầy là các ân tứ,chúng sẽ tôn cao Hội thánh.
Một số học giả nêu lên rằng bởi vì những tín hữu Côrinhtô đã đánh giá quá cao một số biểu hiện thuộc linh khác nhau, họ đã sử dụng từ ngữ Pneumatika (thuộc linh) và Phao-lô đã sửa lại bằng từ ngữ của ông là Charismata (ân tứ). Họ nhận thấy rằng khi Phao-lô tập trung trên những vấn đề trong chương 14, ông chuyểng sang dùng từ Pneumatika (14:1). Phao-lô cũng nói rằng: “Anh em đã ao ước nhận lãnh ân tứ Thánh Linh pneumaton ... để gây dựng Hội thánh”(ICo 14:12 BDY).
Tuy nhiên, những học giả có quan điểm nầy cũng đưa ra một phương pháp tập chú vào nan đề các ân tứ ở Côrinhtô. Mặc dầu Phao-lô phải đương đầu với những vấn đề nan giải nầy, sự bẽ trách của ông vẫn mang tính tích cực ngỏ hầu người Côrinhtô sẽ lớn lên trong việc thực hành các ân tứ. Vì vậy, Ralph Martin không xem hai thuật ngữ nầy là tiêu cực. Ông cho rằng thuật ngữ Charismata mang nghĩa rộng hơn, liên hệ đến những hành động hiển nhiên của Đức Chúa Trời, còn thuật ngữ Pneumatika mang nghĩa hẹp hơn, liên quan đến sự thực hành các ân tứ trong sự thờ phượng chung. Thật ra, Phao-lô đã sử dụng từ ngữ “thuộc linh”theo nghĩa tích cực (chẳng hạn trong ICo 2:15; 3:1,9:11), và cứ tiếp tục dùng lại thuật ngữ nầy (14:1,12). Mặc dầu những tín hữu tại Côrinhtô nghĩ rằng họ thuộc linh hơn, thật khó mà xem các mức độ thuộc linh là những đặc tính riêng của họ.
Phao-lô đối chiếu tình trạng trước đây và hiện tại của họ (12:2, cũng xem Eph 2). Là dân ngoại, họ đã thờ phượng thần tượng và bị dẫn dụ vào những sự cuồng tín. Họ đã có lần nhận thấy rằng khi một linh càng vận động trên một người chừng nào, người ấy càng trở nên ít tự chủ chừng ấy. Khi càng ít tự chủ, người ấy càng sở hữu linh nhiều hơn. Godet giải thích rằng:
Nguyên tắc của họ là: càng nhiều pneuma (linh) càng ít nous (trí khôn). Nguyên tắc nầy phù hợp với định kiến của người Hy lạp và thậm chí của người Giu-đa. Plato nói trong tác phẩm Phardrus rằng:
“Bởi sự lơ lững (sự ca ngợi do sự hà hơi) mà những phước hạnh cao trọng nhất được ban cho chúng ta”, và trong tác phẩm Timaeus ông nói rằng: “Không một ai bởi trí khôn của mình có thể đạt đến sự ca ngợi thật và thiên thượng.”
Bằng cách nầy, người Giu-đa thường cảm nhận các tiên tri của họ là những người mà lời nói dường như theo cảm xúc hoặc ở trong trạng thái lơ lững nhiều hơn. Tất nhiên, người Côrinhtô cũng như vậy. Kết quả là, có lẽ một số người đã tin rằng các giáo sư không thuộc linh bằng các tiên tri và các tiên tri không thuộc linh bằng những người nói tiếng thiên sứ.Vấn đề của Phao-lô là làm thế nào để trả lời cho những người biện hộ cho việc làm của họ bằng cách nói rằng “Đức Thánh Linh đã phán với tôi”hoặc “Đức Chúa Trời đã dạy tôi phải làm điều ấy”. Phao-lô nhấn mạnh rằng bây giờ chúng ta càng ở trong sự kiểm soát nhiều hơn với cương vị là những tạo vật mới trong Đấng Christ hơn là khi chúng ta còn là những người ngoại không có Đấng Christ.
Có một sự tương phản nhau giữa các thần tượng câm điếc và một Đức Chúa Trời Đấng phán với và qua chúng ta. Đức Chúa Trời không xâm phạm hoặc phá vỡ đặc tính của một người nào, nhưng đem con người vào trong quyền năng của Ngài. Như thể các tiên tri của Ba-anh khơi động sự cuồng loạn trên núi Cạt-mên, những người ngoại nầy cũng ở bên cạnh họ, cố gắng nêu lên câu trả lời cho mình. Họ mang đầy sự cuồng tín cũng như sự thiếu hiểu biết.
Động từ và quá khứ động từ thụ động khiếm khuyết trong 12:2 nhấn mạnh việc họ đã mất tự chủ (egesthe apagomenoi - “bị hướng dẫn lầm lạc”BDY). Lối sử dụng thì khuyếm khuyết cho thấy một thói quen sống của những người trước khi trở thành Cơ Đốc nhân, thậm chí có thể là một số cung cách sở hữu của ma quỉ, dường như họ phải chịu một nguồn sức mạnh nào đó điều khiển. “Dân ngoại bị dẫn dụ bởi không có sự hướng dẫn khôn ngoan và của lương tâm, nhưng bởi một quyền lực huyền bí đằng sau các thần tượng”.
Bằng cách sử dụng mệnh đề: “Bởi đó, tôi tỏ cùng anh em làm cho anh em biết được”(12:3), Phao-lô đã nói cách thẳng thắng và đầy uy quyền. Phao-lô đã nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề và trình bày những điểm khác nhau cơ bản giữa sự thờ phượng ngoại giáo và các ân tứ của Thánh Linh. Những tín hữu Côrinhtô đã hỏi ông, bây giờ ông, bằng uy quyền của mình,trả lời cho họ.
Đồng cốt ngoại giáo làm cho con người có thể nói được rất nhiều điều. Nếu một người qua sự thuật lại một khải tượng siêu nhiên nào đó dạy dỗ một tin lành khác, thì Phao-lô nói rằng: “người ấy đáng bị a-na-them”(Ga 1:8). Bất kỳ một linh nào chối bỏ thần tánh trọn vẹn và nhân tánh trọn vẹn cũng như sự hóa thân của Đức Chúa Giê-xu đều là kẻ chống lại Đấng Christ (IGi 4:2-3). Nói cách khác, không một ai bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời mà nói rằng Đức Chúa Giê-xu đáng bị rủa sả. Đức Thánh Linh khiến chúng ta càng yêu mến Đấng Christ hơn và xây dựng những nền tảng thích hợp theo Kinh thánh. Thử nghiệm tính chân thật là quyền tể trị của Đấng Christ trong đạo đức và cung cách sống, không phải trong việc sở hữu một ân tứ hoặc nói ra một lời nói “bởi Đức Thánh Linh”. Đối với Cơ Đốc nhân, những thần tượng ngoại giáo vô tri không bao giờ có thể là Chúa được. Mọi đầu gối phải quỳ xuống và mọi lưỡi đều xưng Giê-xu Christ là Chúa (Phi 2:10-11).
Mọi tôn giáo trong đế quốc La mã đều được xem là hợp pháp nếu chúng có cả sự thờ phượng Sê-sa. Chỉ có người Giu-đa mới được phép hầu việc Đức Chúa Trời mà không phải thờ phượng Sê-sa. Vì vậy, đức tin của Cơ Đốc nhân càng bị thử luyện nhiều hơn. Phao-lô đã cố gắng giành lấy quyền lợi của Cơ Đốc nhân là chỉ thờ phượng một mình Đức Chúa Trời nhưng vẫn là những công dân trung thành với chính quyền. Ông luôn tìm cách đặt chính quyền bên cạnh Cơ Đốc giáo (trong tù tại Philíp, trước mặt Phê-tu, trước mặt Ac-ríp-ba).
Mặc dầu Hội thánh thờ Tân ước lúc đầu chưa phải chịu nhiều sự bách hại, nhưng tuyên xưng Đức Chúa Giê-xu là Chúa thường phải chịu các rắc rối từ phía chính quyền. Trong khi những người khác gọi Sê-sa là Chúa bởi luật định như vậy, Cơ Đốc nhân lại mạnh dạn tuyên bố đức tin của mình bằng cách gọi Đức Chúa Giê-xu là Chúa. Sự bách hại chính trị lần đầu tiên xảy ra ở Rô ma khoảng năm 49 A.D. khi một số người Giu-đa nổi loạn “do sự xúi giục của Chrestus.”12 Sự bách hại lần thứ hai xảy ra vào thời của Nero giữa khoảng 62 và 65 A.D. Thư tín Côrinhtô thứ nhất được viết giữa hai cuộc bách hại, khoảng năm 55 A.D.
Câu hỏi quan trọng được đặt ra cho đoạn Kinh thánh nầy là: Ai trong Hội thánh Côrinhtô nói rằng Chúa Giê-xu đáng bị nguyền rủa? Người Hy lạp ít khi dùng thuật ngữ anathema. Phải chăng đó là những người Giu-đa đối kháng? Những người Giu-đa thuộc phái Pharisi có thể nói về Đấng Mê-si, Đấng Christ. Những giáo lý kiên quan đến sự sống lại từ kẻ chết, các thiên sứ, đuổi quỉ, nói tiên tri, sự cứu chuộc, và Vương quốc của Đức Chúa Trời thường được chấp nhận trong các nhà hội trên khắp đế quốc La mã. Tuy nhiên đối với một số người Do thái, Đấng Mê-si không của thể bị treo trên cây thập tự. Bởi cây thập tự, đối với họ Chúa Giê-xu bị rủa sả.Họ vẫn chờ đợi Đấng Christ.
Một khả năng thứ hai của lời nguyền rủa nầy có thể là ảnh hưởng của chủ nghĩa Gnostic, tương tự như các quan điểm Cerinthus và Ophites tám mươi năm sau đó. Chủ nghĩa nầy cho rằng xác thịt là xấu xa và linh là tốt lành. Vì vậy, Chúa Giê-xu, đã trở nên xác thịt, đã bị rủa sả.Đấng Christ, theo quan điểm của họ, là một linh thánh khiết và vì thế sẽ được chúc phước. Những người theo chủ nghĩa Gnostic nầy tuyên bố rằng họ rất thuộc linh, đồng thời cũng nói rằng Chúa Giê-xu đáng bị rủa sả.
Những người khác cho rằng Phao-lô chỉ phỏng định như vậy, rằng việc gọi Chúa Giê-xu đáng bị rủa sả không có thật ở Hội thánh Côrinhtô. Nếu đây là một vấn đề có thật, Phao-lô đã trả lời cách rõ ràng hơn. Có lẽ Phao-lô đang nhấn mạnh đến khía cạnh hóa thân của các ân tứ bằng cách ngụ ý rằng giáo lý, hành vi và sự xưng nhận phải hòa hợp với nhau. Một người không thể đưa ra những lời lẽ cực đoan, kỳ cục mà chúng không có cơ sở Kinh thánh, cho chúng có vẻ “thuộc linh”đến đâu đi nữa.
Hoặc vấn đề là sự bách hại người Giu-đa, hoặc chủ nghĩa Đối kháng phôi thai, hoặc chỉ là những lời nói cực đoan không có căn cứ, Phao-lô đã cẩn thận dạy rằng sự xưng nhận và lời nói của Cơ Đốc nhân trong đời sống phải là Giê-xu là Chúa. Origen nói rằng những người theo phái Ophite bị buộc phải gọi Chúa Giê-xu là quỷ. Tuy nhiên, nếu một người không nói rằng Giê-xu là Chúa và là Đức Chúa Trời trọn vẹn thì người ấy là người theo tà giáo.
ICo 12:4-6
Các ân tứ, Sự phục vụ,Công việc
4Có nhiều ân tứ khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Linh. 5Có nhiều cách phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. 6Có nhiều công việc khác nhau, nhưng chỉ có một Thượng Đế thực hiện mọi việc trong mọi người (BDY).
Phao-lô mở đầu cho sự bàn luận “các ân tứ của Chúa Thánh Linh”của ông bằng cách nhấn mạnh trên ba từ ngữ: “các ân tứ”,“phục vụ”, “công việc”. “Các ân tứ”là những công cụ. “Nhiều cách phục vụ”liên hệ đến các vai trò khác nhau của các thành viên trong thân thể Đấng Christ,16 các phương cách mà những công cụ có thể được sử dụng để công việc được thực hiện.Hai từ ngữ nầy (“các ân tứ”và “các chức vụ”BKJ) thường được dùng cách lẫn lộn trong Hội thánh ngày nấy nhưng cần phải phân biệt sự khác nhau: “phục vụ”(“chức vụ”BKJ) xuất phát từ tiếng Hy lạp là diakonia, nói đến một phương cách phục vụ.Hội thánh đầu tiên đã chọn bảy người nam chịu trách nhiệm phân phát lương thực trong khi các sứ đồ chuyên lo cầu nguyện và dạy dỗ (Cong 6:1-4). Mỗi người có một chức vụ khác nhau và vì vậy có thể nói người ấy sở hữu chức vụ đó. Tuy nhiên,các ân tứ là những công cụ được ban phát cách không hạn chế hầu cho chúng ta hoàn thành chức vụ của mình.
Có hai quan điểm được đưa ra khi bàn về các ân tứ và các chức vụ. Có phải những ân tứ quyết định những chức vụ, hoặc phải chăng những chức vụ được tôn cao bởi bất kỳ một ân tứ nào mà Đức Chúa Trời ban phát? Nếu là quan điểm đầu tiên, vậy thì chúng ta cần phải xác định những ân tứ của chúng ta, xắp xếp chúng lại với nhau, rồi tìm xem ở nơi nào chúng ta với những chức vụ của mình sẽ thích hợp nhất. Trọng tâm là công việc. Bằng cách trả lời rằng đặc trưng của mỗi ân tứ là gì, một người có thể xác định được những ân tứ mà người ấy có. Hậu thuẫn cho quan điểm nầy là các phân đoạn Kinh thánh như Eph 4:11, nơi các ân tứ được liệt kê là những con người, và Ro 12:6-8, nơi mà dường như chúng ta biết chúng ta có những ân tứ nào và được khuyến khích thực hành chúng để đạt được ích lợi cao nhất. Các động từ trong ICo 12:30 được dùng ở thì hiện tại, có lẽ hàm ý rằng một số người thường xuyên sử dụng một số ân tứ nào đó. Một số người thường xuyên sử dụng ân tứ chữa bịnh, một số người thường xuyên nói các thứ tiếng mới khác nhau, một số người khác thường xuyên thông giải tiếng mới.
Quan điểm thứ hai ấy là mỗi thành viên trong thân thể Đấng Christ cần phải mở lòng đón nhận bất cứ ân tứ nào mà Đức Chúa Trời ban phát. Dĩ nhiên, khi một người đã mở lòng để sử dụng ân tứ một lần rồi, sẽ dễ dàng hơn cho người ấy có đức tin để sử dụng ân tứ đó lần nữa. Tuy nhiên mọi ân tứ có thể được sử dụng cách sáng tạo trong bất kỳ một tình huống chức vụ nào. Cơ Đốc nhân cần phải năng động trong chức vụ của mình, và Đức Thánh Linh sẽ tuôn đổ ân tứ trên họ. Mặc dầu Đức Chúa Trời sẽ dùng cả thân thể của Đấng Christ để quản trị tất cả các ân tứ, mỗi ân tứ đều có sẵn cách dư dật cho bất kỳ tín hữu nào. Chẳng hạn như một thầy tư tế cũng có thể sử dụng lời khôn ngoan tốt như một sứ đồ sử dụng.
Theo quan điểm nầy, không ai có một ân tứ nào cả, mọi người đều có một chức vụ. Bởi vì một người được ban cho một lời tiên tri không nhất thiết người ấy phải có chức vụ tiên tri. Cũng vậy, một người có thể đuổi quỉ không có nghĩa người ấy có chức vụ đuổi quỉ. Tuy nhiên, bởi loại chức vụ mà một số người có được, họ có thể thực hành những ân tứ mà người khác mong muốn. Nếu vậy, các ân tứ bổ sung cho các chức vụ. Bởi vì “nguồn gốc của một ân tứ không nằm trong con người, nhưng ở trong ân điển của Đức Chúa Trời là điều phủ che con người. Điều cần thiết là phải ghi nhớ nguồn gốc nầy bất cứ lúc nào ân tứ được xét đến hay được sử dụng.”
Từ ngữ mà Phao-lô dùng cho “những ân tứ thuộc linh”là Charisma. Ông sử dụng từ ngữ domata chỉ để chỉ về các ân tứ thuộc linh khi trưng dẫn Thi 68:18 trong Eph 4:8. Trong đoạn văn, từ ngữ Charisma không được dùng để chỉ về một điều gì đó mà Cơ Đốc nhân luôn luôn có. Thay vào đó, sự nhấn mạnh là trên đấng ban cho, trên bản chất tuyệt vời của các ân tứ,và trên các mục đích của Đức Chúa Trời trong sự phân phát của Ngài.
Mặc khác, từ ngữ mà Lu-ca dùng để chỉ về ân tứ là “Dorean”,nhấn mạnh trên sự bảo đảm mà chúng ta nhận lãnh khi chúng ta được đổ đầy Đức Thánh Linh (Cong 2:38; 8:20; 10:45; 11:17). Phao-lô cũng liên hệ đến kinh nghiệm đó như là một của cầm (Eph 1:14). Vì vậy, việc bắt đầu tuôn đổ Đức Thánh Linh được nói đến như một cơ nghiệp, nhưng sự sử dụng các ân tứ tùy thuộc vào sự ban phát liên tục của Đức Chúa Trời.
Hậu thuẩn cho quan điểm rằng không ai sở hữu các ân tứ là trong ICo 12:7-11, là nơi Đức Thánh Linh liên tục ban các ân tứ cho Hội thánh theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Không ai được xem là người có ân tứ nói tiếng mới trong Hội thánh. Và mặc dầu tất cả có thể nói tiên tri, tất cả không phải là những tiên tri. Sự chữa lành có thể đến qua lời cầu nguyện của các trưởng lão, qua hai người đồng ý với nhau, hoặc qua thân thể của Đấng Christ, chứ không phải chỉ qua một người có ân tứ chữa bịnh.
Hội thánh trong Công vụ các sứ đồ không tìm kiếm những ân tứ đặc biệt để phát huy những chức vụ. Trong tiến trình của chức vụ, các ân tứ phát xuất cách tự nhiên, ngay cả khi chức vụ thay đổi. Một số người chọn việc phục vụ bàn tiệc đã trở thành những giáo sĩ. Những người khác,như Ép-ba-phô-đích tại Philíp, đã trở thành những người giúp đỡ đặc biệt (xem 12:28) trong chức vụ của Phao-lô. Sứ đồ Giăng trở thành một mục sư huynh trưởng của Hội thánh tại Ê-phê-sô. Phao-lô, người đã phụ tá cho Hội thánh tại An-ti-ốt,đã trở thành một sứ đồ.
Ý niệm mơ hồ nầy phát xuất từ việc Phao-lô xáo trộn những thuật ngữ của ông. Ông xem mọi điều là những sự ban cho (ân điển). Chúng ta nhận biết các ân tứ mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta và có trách nhiệm sử dụng chúng hầu đạt được ích lợi cao nhất. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời liên tục ban phát các ân tứ. Có lẽ quan điểm rằng ân tứ xác định chức vụ và ân tứ tôn cao chức vụ nằm đâu đó trong bản chất thật của các ân tứ.
Vậy thì có phải tín hữu sẽ tìm kiếm những ân tứ của họ và rồi phát huy những chức vụ của họ? Hoặc là tín hữu phải nắm giữ những chức vụ rồi phát hiện ra những ân tứ theo sau? Có lẽ câu trả lời sẽ là đúng cho cả hai câu hỏi. Vấn đề ở đây, liên quan đến thuật ngữ của Phao-lô,không phải là một vấn đề trên lý thuyết, nhưng là một vấn đề thiết thực và thực tế.
Ví dụ, chữ “công việc”(“việc làm”BKJ)ra từ tiếng Hy lạp có nghĩa là một năng lực nhấn mạnh trên những kết quả cuối cùng (energema). Các kết quả khác nhau có thể xảy ra bất kỳ khi nào các ân tứ được sử dụng, tuỳ thuộc vào thời điểm, hoàn cảnh và con người. Cả Phao-lô và Phierơ đều sử dụng những ân tứ giống nhau trong những hoàn cảnh khác nhau. Một người là một sứ đồ tiên phong, rao truyền phúc âm cho dân ngoại là những người biết rất ít hoặc không biết gì về cơ nghiệp của Cơ Đốc nhân-Hêbơrơ. Người kia là một sứ đồ cho dân Giu-đa và là một người lãnh đạo của Hội thánh đầu tiên, là người rất ít đi ra (dĩ nhiên ngoại trừ chức vụ của ông tại lễ Ngũ tuần và tại nhà Cọt nây). Một người sử dụng các ân tứ chủ yếu cho các mục đích truyền giáo,người kia chủ yếu cho việc thành lập Hội thánh.
Đức Thánh Linh ban cho chúng ta những ân tứ quyền năng đặc biệt và sự xức dầu. Đức Chúa Con thành lập các chức vụ khi Ngài uốn nắn chúng ta giống với ảnh tượng của Ngài; chúng ta tìm được vị trí phục vụ của chúng ta trong Ngài. Đức Chúa Cha giám sát các kết quả cuối cùng và sự vận hành của ân tứ và chức vụ. Tuy nhiên, những điều nầy không được phân chia cách rỏ ràng; nhưng bổ túc cho nhau. Ví dụ trong 12:6 “nhiều công việc khác nhau”được xem là thuộc về Đức Chúa Cha, nhưng trong 12:11 “Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh”(BKJ). Sự hợp nhất và sự đa dạng của Đức Chúa Trời Ba Ngôi hòa quyện vào nhau các diệu kỳ.
Từ ngữ diaireseis (“nhiều cách ... khác nhau”trong 12:4-6 nên dịch là “những sự phân phát.”Nó xuất phát từ một từ ngữ Hy lạp tương tự được dùng trong 12:11 cho từ “phân phát”(diaroun). Đức Chúa Trời là nguồn của chúng ta. Hội thánh của Đức Chúa Giê-xu Christ sẽ phản chiếu sự đa dạng trong sự hiệp nhất mà nó tượng trưng cho chính Đức Chúa Trời. Phần cuối của chương nầy và chương kế tiếp sẽ cho thấy lẽ thật nầy. Hội thánh là một tập thể đa dạng, tuy nhiên phải hành động trong một sự hiệp nhất. Hội thánh là một,nhưng phải bày tỏ được sự đa dạng của mình.
Tuy nhiên, có thể Phao-lô có một động cơ khác trong việc sử dụng từ ngữ nầy. Từ gốc có thể có nghĩa là “phá hủy, cắt đứt”. Có lẽ Phao-lô ám chỉ về những chia rẽ trong vòng họ bởi chính các ân tứ mà Đức Chúa Trời phân phát. Có thể ông cũng đã làm như vậy trong 12:25, nơi mà,bằng việc các ân tứ trong Thân thể, ông nói rằng không nên có một sự chia rẽ (schrism) nào xảy ra. Ông đã đề cập đến những sự chia rẽ (scharismata) trong 1:10 và 11:18. Hội thánh hiệp nhất là sự phản chiếu vinh quang của Đức Chúa Trời.Chúng ta làm việc trong cách mà chúng ta đang làm bởi vì Đức Chúa Trời làm việc trong cách mà Ngài đang làm.
Sự hiệp nhất được thấy trong phần cuối của 12:6: “mọi việc trong mọi người”. Từ ngữ “mọi”đầu chỉ về toàn bộ lãnh vực của sự ban cho thiêng liêng: các ân tứ, các chức vụ, các công việc. Phần cuối “trong mọi người”chỉ về thân thể của Đấng Christ. Đây là một câu đầy vinh quang. Đức Chúa Trời vận hành các ân tứ; không một người nào có thể sinh ra chúng. Dầu vậy Đức Chúa Trời chọn lựa để hành động qua mỗi thành viên trong thân thể của Đấng Christ. Điều nầy được bày tỏ cách đặc biệt qua những câu Kinh thánh tiếp theo.
ICo 12:7-11
Nhiều Ân tứ, Một Đức Thánh Linh
7Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi người, cho ai nấy đều được sự ích chung. 8Vả,người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức. 9Bởi một Đức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh. 10Người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri;người thì phân biệt được các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau,người thì được thông giải các thứ tiếng ấy. 11Mọi điều đó đều là công việc của một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người.
Đức Thánh Linh ban phát và khởi động các ân tứ. Mỗi tín hữu chỉ cần trở thành tác nhân của những sự bày tỏ của Đức Thánh Linh. Phao-lô không nói rằng mọi ân tứ sẽ được ban cho bất cứ một người nào, hoặc được ban cho cùng một lần. Đức Chúa Trời liên tục ban phát cách đặc biệt và có mục đích theo ý Ngài muốn (12:11). Phao-lô sử dụng những đại từ khác nhau để nhấn mạnh sự phong phú nầy.
Phép báp têm trong Đức Thánh Linh chủ yếu không phải là một kinh nghiệm chứng tỏ có đủ khả năng nhưng là một kinh nghiệm chứng tỏ được trang bị. Nó cho phép Cơ Đốc nhân thực hiện trách nhiệm của mình cách hiệu quả hơn. Một người hoàn toàn đầu phục Đức Thánh Linh sẽ thấy được tầm cỡ chức vụ vĩ đại hơn người ấy có thể nhận biết nếu không có sự đổ đầy của Thánh Linh. Tuy nhiên điều nầy không phủ nhận tầm quan trọng hoặc chức vụ của bất cứ người nào chưa kinh nghiệm được phước hạnh nầy.23 Điều đó sẽ làm què quặt nguyên tắc của chức vụ của Thân thể. Những người đó phải được khích lệ để tuyên bố lời hứa về Đức Thánh Linh. Các ân tứ được ban cho mọi chi thể. Khi chúng ta đầu phục Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ được ban quyền năng để phục vụ.
Thông thường thì chín ân tứ liệt kê trong 12:8-10 được chia thành ba lãnh vực. “Lời khôn ngoan,”“lời tri thức,”và “phân biệt các thần”gợi ý về lãnh vực của sự khải thị (hoặc tâm trí). “Đức tin,”các ân tứ chữa bịnh,”và “các quyền năng phép lạ”gợi ý về một lãnh vực quyền năng. “lời tiên tri,”“các thứ tiếng,”và “thông giải các thứ tiếng”gợi ý về lãnh vực thuộc lời nói.
Sự phân chia nầy rất thuận tiện (và tôi không chống đối với điều nầy). Tuy nhiên, Phao-lô dường như không phân biệt như vậy. Hơn nữa, mặc dầu ông dùng từ Hy lạp là heteros: “cái kia của thứ khác loại”trong 12:9 và 12:10, dường như ông đưa ra sự phân chia theo chức năng.
“Lời khôn ngoan”và “lời tri thức”thuộc về sự dạy dỗ (xem ICo 14:6-12). “Đức tin, các ân tứ chữa bịnh,”“các quyền năng phép lạ,”“lời tiên tri”và “phân biệt các thần”thuộc về chức vụ với nhau và với thế gian (xem ICo 14:26-40). “Các thứ tiếng”và “thông giải các thứ tiếng”dành cho sự thờ phượng (xem ICo 14:13-19). (Xem hình 2).

ÂN TỨ LOẠI THAM CỨU

Lời khôn ngoan
Lời tri thứcDạy dỗICo 14:6-12
Đức tin
Chữa bịnh
Phép lạ
tiên tri
phân biệt các thầnChức vụ đối với Hội thánh và thế gianICo 14:26-40
Các thứ tiếng
Thông giảiThờ phượngICo 14:13-19

Hình 2. Các ân tứ: Sự phân chia theo chức năng
Chữ mà Phao-lô dùng ở đây là allos:“cái kia của thứ khác loại.”Vì vậy, các ân tứ trong mỗi lãnh vực đều ít nhiều liên quan với nhau. Một số nhà phê bình không tin rằng ở đây thật sự Phao-lô không có ý định phân chia giữa từ heteros và allos, nhưng đơn giản là chỉ sử dụng những từ khác nhau để nhấn mạnh sự đa dạng của các ân tứ và tín hữu trong Hội thánh. Tuy nhiên, một nghiên cứu về việc sử dụng những từ ngữ nầy trong các thư tín của Phao-lô lại đưa đến một kết luận khác. Phao-lô luôn sử dụng từ heteros để nói về một cái khác của thứ khác loại. ngay cả trong cùng một đoạn văn nó được sử dụng để chỉ về những thứ tiếng khác, một ngôn ngữ khác hơn tiếng mẹ đẻ của một người. ICo 12:12-27 là một phân đoạn Kinh thánh khác chứng minh cho quan điểm về sự phân chia theo chức năng. Chẳng phải Phao-lô đang nói về các chức năng khác nhau của các ân tứ trong sự phân tích của ông giữa những tín hữu và thân thể con người hay sao?
Tôi cho rằng lãnh vực thứ nhất liên quan đến những ân tứ dạy dỗ. Cả Gee và Riggs đều nói rằng đây là những ân tứ mà một giáo sư được Đức Thánh Linh hướng dẫn thường sử dụng nhất. “Khi một người nói ra một lời tri thức dưới quyền năng của Đức Thánh Linh để đem tri thức đến cho những người khác, người ấy đang vận hành trong ân tứ dạy dỗ.”Những giáo sư tại Côrinhtô tự phụ rằng sự khôn ngoan và tri thức trong những vấn đề thuộc linh của họ cao hơn những người khác và thậm chí cao hơn cả Phao-lô.
ICo 14:6-12 nhấn mạnh tầm quan trọng của sự truyền đạt các ân tứ rõ ràng để Hội thánh được gây dựng. Bối cảnh dạy dỗ rộng hơn những cơ hội dạy dỗ thông thường. Mỗi tình huống tham vấn, truyền giáo, buổi nhóm cầu nguyện, và buổi nhóm về công việc của Hội thánh có thể là một kinh nghiệm học hỏi phước hạnh. ngay cả sự thực hành nói các thứ tiếng và tông giải cũng có thể trở thành sự dạy dỗ cho Hội thánh. Tiếng mới luôn tôn cao những thuộc tính và công việc của Đức Chúa Trời, và sự sử dụng những ân tứ nầy có thể trở thành khuôn mẫu cho những ân tứ khác của loại nầy trong những biểu hiện của Đức Thánh Linh.
Năm ân tứ tiếp theo dường như quyền năng và hấp dẫn hơn những ân tứ khác. (Ân tứ đầu tiên được kể đến trong lãnh vực nầy là đức tin, rồi đến bốn ân tứ kế tiếp, theo như hầu hết các nhà phê bình gợi ý.) ngay cả việc phân biệt các thần luôn đi kèm bằng những hành động rõ ràng,như trục (các) linh gian ác. Câu hỏi được nêu lên là: Tại sao ân tứ lời tiên tri lại ở trong nhóm nầy chứ không phải là nhóm kế tiếp? Rõ ràng những lời tiên tri liên quan đến hầu hết, nếu không nói là tất cả, cách ân tứ trong lãnh vực nầy và chính ân tứ nầy cũng là một ân tứ quyền năng. Tuy nhiên, nói tiên tri là hướng về chiều ngang; trong khi tiếng mới hướng về chiều đứng. Mọi người có thể nói tiên tri; và các ân tứ trong lãnh vực nầy là trách nhiệm của toàn bộ thân thể Đấng Christ. Những ân tứ nầy đều hướng về chiều ngang trong chức vụ đối với Cơ Đốc nhân và đối với thế gian.
Hai ân tứ cuối trong danh sách nầy, nói các thứ tiếng và thông giải, thuộc vào một lãnh vực khác của sự thờ phượng. Tiếng mới rất quan trọng trong việc bồi linh. Khi một người nói tiếng mới là nói với Đức Chúa Trời, gây dựng chính mình, cầu nguyện, ca hát, chúc tụng, cảm tạ và nói ra những công việc kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Không nên lẫn lộn giữa mục đích của tiếng mới và sự thông giải với mục đich của sứ điệp tiên tri. Ân tứ tiếng mới và thông giải thường được sử dụng trong những gì mà nó là biểu hiện của ân tứ lời tiên tri. Một số người có quan điểm rằng tiếng mới luôn luôn là để bồi linh vì vậy bất kỳ một sự thông giải nào cũng phải phản chiếu khía cạnh đó. Mặc dầu không có gì bảo đảm cho quan điểm nầy, Kinh thánh nhấn mạnh trên khía cạnh bồi linh của ân tứ tiếng mới.
Những người Ngũ tuần nói rằng tiếng mới và thông giải tiếng mới tương đương với nói tiên tri. Phải chăng sự kết hợp hai ân tứ đó bằng với ân tứ tiên tri hoặc một ân tứ chức vụ có giá trị như ân tứ tiên tri? Tại sao Đức Chúa Trời lại dùng hai ân tứ để làm công việc mà một ân tứ sẽ đạt được kết quả như vậy nếu được sử dụng thích hợp? Tiếng mới và thông giải tiếng mới là một ân tứ chức vụ có giá trị như ân tứ tiên tri bởi chúng đem lại sự hiểu biết trong giờ thờ phượng và sự gây dựng, nhưng mục đích chính của chúng là ca ngợi những công việc kỳ diệu của Đức Chúa Trời.
Mặc dầu chủ đích của tiếng mới không phải là dành cho sự mặc khải, tri thức, lời tiên tri, hay một lời chỉ dẫn (14:6),chúng ta cũng không nên giới hạn Đức Chúa Trời. Sự tôn vinh hay sự ca ngợi với sự xức dầu của Đức Thánh Linh trong sự thờ phượng có thể dẫn một người đến một sự mặc khải về bản tánh của Đức Chúa Trời, biết Ngài cách rõ ràng hơn, được hướng dẫn qua việc học hỏi làm thể nào để thực hành các ân tứ, và để giải phóng các ân tứ tiên tri. Thật sự, tiếng mới có thể rất ích lợi cho cả bốn lãnh vực chức năng trong ICo 14: dạy dỗ, thờ phượng, các dấu, và chức vụ của thân thể.
Nhưng điều mà Phao-lô nhấn mạnh với những người Côrinhtô, những người quá nhiệt tâm với tiếng mới, ấy là họ phải dành chổ cho nhiều ân tứ khác được truyền đạt trong một ngôn ngữ có thể hiểu được. Ân tứ tiếng mới có ích lợi nhất và trực tiếp trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời,trong việc khích lệ người khác thờ phượng, và như là một dấu hiệu cho người chưa tin. Tuy nhiên, những ân tứ trong ngôn ngữ hiểu được ích lợi hơn trong sự dạy dỗ, sự cải đạo thật của những người chưa tin, và chức vụ của tín hữu. Chúng cũng ích lợi trong sự thờ phượng. ICo 14 đối chiếu tiếng mới với những ân tứ trong ngôn ngữ hiểu được. Hội thánh cần tự do hơn với những ân tứ nầy. Trong giờ nhóm, nên hạn chế việc thực hành những ân tứ nầy ít hơn việc thực hành tiếng mới và sự thông giải. sử dụng các ân tứ đó cách tự do giúp đỡ chúng ta thấy được vai trò đặc biệt của tiếng mới trong giờ thờ phượng.
(Để có những bằng chứng Kinh thánh khác nhằm cũng cố cho sự phân loại các ân tứ nầy, xem phần thảo luận trong sách Côrinhtô thứ nhất chương 14. Mỗi lãnh vực là một chủ đề quan trọng của một đoạn trong chương đó.30Cũng hãy xem ICo 13:8-9, những lãnh vực dạy dỗ, chức vụ của thân thể, và thờ phượng được đại diện bởi ân tứ tri thức, tiên tri và tiếng mới.)
Nếu chúng ta cẩn thận nghiên cứu bản chất thực tiễn của những lãnh vực ân tứ nầy, chúng ta sẽ thấy tại sao Phao-lô sử dụng chúng để dạy dỗ Hội thánh về sự sống và các mục đích của Hội thánh. Tất cả các lãnh vực đều cần thiết.
Nếu một Hội thánh có sự dạy dỗ và thờ phượng tốt, nhưng các chức vụ chỉ do một số ít người nắm giữ, làm sao những người khác có cơ hội để lớn lên? Do đó, tiềm năng của việc huấn luyện một đội quân hùng hậu để vươn đến vì những người lạc mất sẽ bị giảm đi. Hội thánh nầy chỉ tập trung trên phong cách lãnh đạo và phong cách thờ phượng. Bằng cách sử dụng công thức: G = giảng dạy, T = thờ phượng,  C = chức vụ, quan điểm của tôi sẽ như thế nầy:
G + T - C = thiếu sự huấn luyện môn đệ và đi ra
Nếu Hội thánh có sự giảng dạy tốt, phát triển con người cho chức vụ, nhưng không kinh nghiệm được sự thờ phượng trọn vẹn,Hội thánh đã bỏ qua một trong những lý do quan trọng nhất của sự nhóm lại. Bởi vì trong buổi lễ, qua những hoàn cảnh không thuận lợi, chúng ta có thể thấy được Đức Chúa Trời. Ngài là nguồn của sự hiệp nhất và sứ mạng của chúng ta. Chúng ta mong muốn làm trọn kế hoạch của Ngài. Nhưng nếu không có Ngài thăm viếng ban sức,Hội thánh sẽ đầy dẫy những lo âu và nản lòng. Do đó
G + C - T = không có sự nhóm lại
Một Hội thánh mà ai cũng dự phần trong chức vụ và rất tự do trong sự thờ phượng có thể rất tốt trong một thời gian,nhưng việc thiếu sự giảng dạy căn bản sẽ dẫn đến tình trạng chia rẽ, lãnh đạo độc quyền, và mọi thứ giáo lý và hành động sai lầm. (Ấy là lý do khiến Phao-lô nói rằng ông không muốn người Côrinhtô thiếu sự hiểu biết về các sự ban cho thiêng liêng.)
C + T - G = lộn xộn và lung lạc
Nếu sự phân loại và phân tích các ân tứ nầy là đúng, thì tất cả các ân tứ đều cần thiết trong chức vụ của Hội thánh,nhưng cho những mục đích thiết yếu khác nhau. (Sự trùng lặp trong chức năng sẽ được thảo luận trong phần chú giải ICo 14, chương 4.) Cả ba lãnh vực nầy phải hoạt động trong sự cân bằng của một đoàn thể tăng trưởng và lớn mạnh. Đôi khi,một lãnh vực có thể được nhấn mạnh hơn những lãnh vực còn lại, nhưng xét cho cùng thì cả ba đều cần thiết.
Trong sách Côrinhtô thứ nhất chương 14, chúng ta thấy một lãnh vực thứ tư mà Phao-lô không đưa vào trong Ico 12:8-10,ấy là, các ân tứ như là những dấu hiệu. Những học giả trong việc phát triển Hội thánh luôn luôn xem phong trào ân tứ Ngũ tuần như là sức mạnh quyền năng nhất trong Cơ Đốc giáo ngày nấy. Mặc dù có những thiếu xót của phong trào, những dấu hiệu và những phép lạ là chìa khóa cho sự tăng trưởng của Hội thánh trênkhắp thế giới. Các ân tứ không phải để bị giam hãm trong các bức tường của nhà thờ. Nơi đó chúng ta học hỏi. Và rồi chúng ta đi ra và phục vụ với những người khác.

NHỮNG ÂN TỨ RAO GIẢNG VÀ GIẢNG DẠY

Chúng ta hãy nghiên cứu các ân tứ kỷ hơn. Trong suốt Kinh thánh, tri thức và sự khôn ngoan chủ yếu chỉ về đặc tính của Đức Chúa Trời, những đường lối và mục đích đời đời của Ngài. Chương trình tối thượng của Đức Chúa Trời liên quan đến sự chết của Đấng Christ vì cớ tội lỗi của chúng ta, vì vậy những ân tứ nầy, bằng cách nầy hay cách khác, sẽ chỉ ra hoặc phản chiếu chưong trình vinh hiển đó của Đức Chúa Trời cho dân sự của Ngài.
Một lời khôn ngoan
Mọi lời khôn ngoan thật sẽ phản chiếu những chương trình, mục đích và đường lối của Đức Chúa Trời. Châm ngôn giục giã chúng ta tìm kiếm sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Sự giảng dạy, sự tìm kiếm sự hướng dẫn thiên thượng, sự khải đạo, và sự chú tâm vào những nhu cầu thực tế trong bộ máy điều hành của Hội thánh sẽ tạo cơ hội cho lời khôn ngoan. Ân tứ nầy,hơn là ân tứ tiên tri, bởi tính chất thực tiễn của nó, là ân tứ cho sự hướng dẫn.31 Nó dạy dỗ dân sự tăng trưởng phần thuộc linh khi họ nghe theo sự khôn ngoan và hướng đến sự trưởng thành. Nếu chúng ta thiếu sự khôn ngoan, chúng ta được khuyên giục cầu xin Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự khôn ngoan hơn là ân tứ nào khác.32 (Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng ân tứ nầy không phải là sự phú ban sự khôn ngoan nhưng là một lời khôn ngoan và những người quản trị ân tứ nầy không nhất thiết phải khôn ngoan hơn những người khác.)
Một số ví dụ trong sách Công vụ bao gồm quyết định chọn lựa bảy trưởng lão để hầu việc bàn tiệc (Cong 6:1-7), sự tranh luận của Ê-tiên tại Nhà hội (Cong 6:8-10), nhu cầu cần được báp têm lập tức của nhà Cọt nây vì cớ những tín hữu dân ngoại (Cong 10:47), quyết định của Gia-cơ tại hội nghị Giêrusalem về các đòi hỏi mà tín hữu dân ngoại phải giữ (Cong 15:13-21), việc Phao-lô sử dụng quyền công dân La mã để minh oan cho duyên cớ của Cơ Đốc nhân (Cong 16:35-40), và quyết định của Phao-lô đi đến thành Giêrusalem cho dù giá phải trả là gì đi nữa (Cong 21:12-14).
Mặc dầu một số người có thể nói rằng chỉ có mục sư mới cần đến sự khôn ngoan và giáo sư mới cần đến tri thức, sự phân biệt đó không rõ ràng chút nào. Eph 4:11 dưòng như kể mục sư-giáo sư là một chức vụ.Nói cách khác, một số trường hợp đòi hỏi mục sư phải đảm nhiệm chức năng dạy dỗ và một số trường hợp khác đòi hỏi giáo sư phải đảm nhiệm vai trò của mục sư, bởi vì cả hai đều chăn giữ dân sự.
Nói chung, tri thức cho chúng ta biết điều gì, và khôn ngoan cho chúng ta biết như thế nào. Chúng ta cần cả hai từ Đức Chúa Trời. Donald A. Carson nói rằng việc Phao-lô sử dụng thuật ngữ “khôn ngoan”và “tri thức”trong 1Côrinhtô không hề dẫn đến một sự phân biệt rõ ràng.
Trong ánh sáng của ICo 2:6 và những câu tiếp theo, “khôn ngoan”có thể là những giáo lý quan trọng và lời khôn ngoan có thể là sứ điệp nền tảng của Cơ Đốc giáo; trong ánh sáng của 8:10-11,tri thức là những điều hết sức thiết thực.
Rõ ràng những người Côrinhtô nói về “một sự hùng biện hoặc sự khôn ngoan cấp cao”(2:1, so sánh với 1:17). Đức tin của chúng ta không nên đặt trên sự khôn ngoan của con người như vậy (2:5). Sự khôn ngoan đó chống đối Phúc âm, cũng như chống đối chức vụ của Phao-lô. Mặc khác, Đức Chúa Trời là Đấng ban sứ điệp khôn ngoan. Chúa Giê-xu hứa ban cho các môn đệ của Ngài rằng “lời lẽ và sự khôn ngoan, mà kẻ nghịch không chống cự và bẻ bác được”(Lu 21:15). Mặc dầu Phierơ khuyên chúng ta phải “thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em”(IPhi 3:15), Đức Chúa Trời cũng có thể ban sự khôn ngoan trong những tình huống đặc biệt mà chúng ta không thể chuẩn bị được. Chúa Giê-xu phán về sự khôn ngoan không định trước để đối diện với sự bắt bớ sẽ xảy đến.

Lời tri thức

Các tín hữu Côrinhtô tin cậy sự khôn ngoan và tri thức. Những triết gia Hy lạp đã ảnh hưởng rất nhiều trên lối suy nghĩ của người Hy lạp về tri thức. Plato cho rằng sự thiếu hiểu biết là nguyên nhân của mọi nỗi đau và thất bại của loài người. Nếu cầu nguyện chỉ cần được khai sáng, họ sẽ sống và hành động cách thích hợp: “biết là làm”. Những người Côrinhtô trong thời của Phao-lô lấy sự tri thức của họ để bào chữa cho việc họ ăn những thức ăn đã cúng tế thần tượng (là điều làm cho những Cơ Đốc nhân yếu đuối hơn vấp phạm). Nhưng Ro 7:14-25 trực tiếp phủ nhận quan điểm của Plato rằng sự tri thức đúng sẽ dẫn đến hành vi đúng. Phao-lô nhận thấy rằng điều tốt mà một người muốn làm, thì người ấy không thể làm được. Phao-lô không đồng ý với sự kiêu ngạo của người Côrinhtô cũng như sự sử dụng tri thức sai lầm của họ.
Ân tứ lời tri thức của Đức Thánh Linh liên quan đến việc giảng dạy lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời.34 Sự tỏ bày của ân tứ nầy không phải là sản phẩm của sự học hỏi, nhưng là những lời đặc biệt của Đức Chúa Trời qua vị giáo sư, truyền đạt những lẽ thật mà Hội thánh có cần. Gee mô tả điều nầy như là “những tia chớp của sự hiểu biết sâu sắc về chân lý mà chúng vượt quá trí khôn của chính họ.” Ân tứ nầy thường xảy ra vào khoảng giữa của một bài học được chuẩn bị như thể đem chân lý đến cho những người nghe.
Ân tứ nầy cũng có thể được biểu hiện cách siêu nhiên hơn. Đức Chúa Trời tỏ những điều kín nhiệm của Ngài với các tiên tri (như là khi nào sẽ mưa, kế hoạch của quân thù, những tội lỗi kín dấu của vua và các tôi tớ). Đôi khi Đức Chúa Trời mặc khải cho một người về tội lỗi hoặc nhu cầu đặc biệt của một người nào đó hay công việc của chính Ngài.36 Đây là những điều mà chỉ một mình Đức Chúa Trời biết. Khi ấy sự vinh quang phải thuộc về những lẽ thật diệu kỳ của tin lành, về tri thức siêu việt của Đức Chúa Trời, và về cách mà chúng ta đáp ứng với những lẽ thật đó, hơn là về ân tứ cá nhân của một người.
Một số ví dụ về các ân tứ nầy trong sách Công vụ như việc Phierơ nhận biết sự lừa dối của A-na-nia và Sa-phi-ra,Phao-lô tuyên bố sự đoán phạt Ê-ly-ma. Ân tứ nầy cũng kết hợp với những phép lạ trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ chương 3 khi Phierơ và Giăng bởi đức tin cầu nguyện cho người què. Và trong sách Khải huyền Giăng ký thuật lại những lời đặc biệt cho Hội thánh.
Khi xếp những ân tứ nầy vào trong lãnhvực rao giảng và giảng dạy, chúng ta không nên giới hạn chúng chỉ trong sự thờ phượng của Hội thánh hoặc trong những lớp học. Bất cứ khi nào những ân tứ nầy được sử dụng chúng đều bày tỏ rằng Đấng Christ đang hiện diện và đang tham gia vì cớ sự vinh hiển của Ngài. Biểu hiện của những ân tứ nầy bày tỏ đặc tánh của Đức Chúa Trời và công việc của Ngài đối với dân sự. Trong thời Cựu ước, ứng dụng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời trên những vấn đề thực tế hằng ngày được coi trọng đến nỗi đã nổi lên phong trào của sự khôn ngoan (Gióp, Châm ngôn, và Truyền đạo là một phần của phong trào nầy). Ngày nay, hơn bao giờ hết, Hội thánh cần những con người được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời đụng đến để dạy dỗ chúng ta ý muốn của Đức Chúa Trời trong từng hoàn cảnh.

CHỨC VỤ ĐỐI VỚI HỘI THÁNH VÀ ĐỐI THẾ GIAN

Qua việc sử dụng từ ngữ Hy lạp heteros trong 12:9, Phao-lô bắt đầu với lãnh vực ân tứ mang chức vụ đối với Hội thánh và đối với thế gian. Mọi tín hữu đều có thể tiếp nhận các ân tứ. Tuy nhiên, rất ít người tham gia trong chức vụ rao giảng-dạy dỗ hoặc không phải tất cả sẽ nói tiếng mới và thông giải tiếng mới trong Hội thánh. Nhiều người thấy rằng lãnh vực ân tứ thứ hai là nơi mà họ có thể bắt đầu. Mọi tín hữu đều sẵn sàng sử dụng những ân tứ nầy trong chức vụ của họ: Tin Đức Chúa Trời trong những thử thách hoặc nhu cầu đặc biệt, cầu nguyện cho kẻ bịnh, làm phép lạ, nói tiên tri, và phân biệt một công việc là từ Đức Chúa Trời hay từ ma quỉ - mọi người đều có trách nhiệm đối với thân thể của Đấng Christ. Khi Đức Thánh Linh bày tỏ những ân tứ nầy qua chúng ta, chúng ta sẽ tăng trưởng, Hội thánh sẽ tăng trưởng, và thế gian sẽ được quyền năng của tin lành đụng đến. Dĩ nhiên đức tin đứng đầu trong lãnh vực nầy.
Đức tin
Ân tứ đức tin là một đức tin đặc biệt trong một tình huống hay một cơ hội đặc biệt. Đây không phải là đức tin cứu rỗi hay sự trung tín được phát huy như là trái của Thánh Linh. Một Cơ Đốc nhân năng nổ sẽ luôn sử dụng ân tứ nầy khi người ấy công bố quyền năng của Đức Chúa Trời cho những nhu cầu hiện tại. Sự cầu nguyện sốt sắng, sự vui mừng hớn hở, và sự can đảm kỳ lạ là những biểu hiện đi kèm với ân tứ đức tin. Nó cũng có thể bao gồm khả năng đặc biệt trong việc truyền đức tin cho những người khác, như điều Phao-lô đã làm (Cong 27:25). Đức tin tượng trưng cho toàn bộ lãnh vực ân tứ nầy.
Hội thánh đầu tiên đã chứng kiến ân tứ nầy. Thay vì cầu nguyện để được cứu khỏi sự bách hại, họ đã cầu xin sự can đảm để công bố phúc âm. Đức tin đòi hỏi sự bắt đầu hơn là tìm kiếm sự rút lui. He 11 liệt kê những con người của đức tin là những người không nghĩ đến việc cứu mạng sống họ nhưng đến việc hoàn thành các mục đích của Đức Chúa Trời. Đây không phải là một đức tin ích kỷ, nhưng là một đức tin dám tin rằng Đức Chúa Trời có một chương trình cho những nhu cầu của dân sự Ngài. Đức tin như vậy sẽ đi kèm với mọi biểu hiện thật của Đức Thánh Linh. Quản trị bất kỳ một ân tứ nào ấy là một sự công bố đức tin rằng Đấng Christ đang ở trên ngai và rằng Lời của Đức Chúa Trời đang được thực hiện.
Hai ví dụ về ân tứ đức tin là việc Ê-li đối diện với các tiên tri Ba-anh (1Vua 18:33-35) và việc Chúa Giê-xu chữa lành cho đứa con trai bị quỉ ám (Mat 17:19-20).

Các ân tứ chữa bịnh

Trong Công vụ, sự chữa lành xảy ra cách diệu kỳ trước khi người ta cải đạo. Hầu hết những người được chữa lành không biết đến sự cứu rỗi của Đấng Christ. Sau khi chứng kiến những phép lạ, nhiều người đã đáp ứng lại với tin lành và được cứu.
Trong bản Kinh thánh Hy lạp, dạng số nhiều được thấy trong câu 9-10: “các ân tứ chữa các bịnh,”“các phép lạ,”và “những sự phân biệt các thần”(theo những ghi chú bên lề của bản Kinh thánh NASB). Rõ ràng không ai có ân tứ chữa bịnh. Tuy nhiên những ân tứ nầy được ban xuống trong những trường hợp đặc biệt tại những thời điểm đặc biệt.37 Đôi khi Đức Chúa Trời dùng quyền tể trị của Ngài để chữa lành nhưng những lúc khác Ngài chữa lành tùy theo lượng đức tin của người bịnh. Nói khác đi, người cầu nguyện cho người bịnh không nhận được ân tứ; người nhận ân tứ là người bịnh. Người cầu nguyện chỉ là tác nhân. Trong mọi trường hợp, chỉ một mình Đức Chúa Trời đáng nhận sự vinh hiển.
Bản chất của sự chữa bịnh là trong danh xưng, bổn tánh, và công việc của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời - Đấng chữa lành (Jehovah-Ropheka). Từ giao ước bảo vệ dân sự Ngài khỏi những bịnh tật giáng trên dân Ê-díp-tô (Xu 15:26), đến lời cầu nguyện của Hội thánh đầu tiên trong danh Chúa Giê-xu (Cong 3:16), qua đức tin trong danh của Ngài mà sự chữa lành xảy ra. Chúa Giê-xu phán: “Nếu các ngươi nhơn danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho”(Gi 14:14). Mọi phước hạnh mà Hội thánh vui hưởng là kết quả của Chúa Giê-xu đền tội cho chúng ta tại Gô-gô-tha. Thật sự, sự hiện diện của Hội thánh, chưa nói đến việc trang bị các ân tứ, là bởi cái giá mà Đấng Cứu Rỗi đã trả cho sự cứu chuộc chúng ta.
Câu hỏi đặt ra là: Phải chăng Đức Chúa Trời sẽ chữa lành hết thảy mọi người? Những người chưa được chữa lành thì sao?Nhiều người trong số họ là những Cơ Đốc nhân trung tín, tận hiến cho Chúa và không có tội lỗi kín dấu nào trong đời sống họ. Phao-lô để Trô-phim đang đau ốm tại Mi-lê (ITi 4:20). Timôthê bị yếu tì vị và thường bị bịnh (ITi 5:23).Và cho dù mũi gai nhọn đâm vào da thịt của Phao-lô là gì đi nữa, Đức Chúa Trời không muốn cất nó lìa khỏi ông.
Ý muốn của Đức Chúa Trời là chữa lành,trừ khi Ngài có một ý muốn cao hơn cho những thời điểm hay hoàn cảnh thích hợp.Hê-bê-rơ11 cho thấy những gương các thánh chịu khổ nạn, bắt bớ, và sự chết vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Họ theo gương của Chủ mình, Đấng, vì cớ sự vui mừng ở trước mặt Ngài, gánh chịu thập tự giá, bỏ qua những điều vinh hiển hiện tại. Đức Chúa Trời tôn vinh sự hy sinh đó. Và sự ưu tiên cao nhất của Ngài ấy là chúng ta được theo gương Con Ngài.
Cuối cùng, sự cứu rỗi và sự phát triển thuộc linh của một người là giá trị cao hơn hết thảy những sự chữa lành của người ấy. Hơn nữa, qua sự chịu khổ của một người, nhiều người khác có thể đến với Đấng Christ. Chúng ta đừng nên cho rằng những đau đớn, nan đề, thử thách và sự chịu khổ là những điều ác, và vì vậy chúng nằm ngoài ý muốn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời có thể chuyển những điều đó trở thành ích lợi cho Ngài. Sự chữa lành thân thể luôn sẵn sàng, nhưng nếu nó chưa xảy đến tức thì, người bịnh chẳng nên ngã lòng. Thay vào đó, chúng ta hãy chờ đợi những điều tốt nhất từ Đức Chúa Trời,vì chỉ một mình Ngài mới có thể nhìn thấy những việc cao trọng qua một ân tứ chữa bịnh hơn là qua sự yếu đuối của chúng ta.
Một người nói vui rằng: “Chữa lành là cất đi những trở ngại dẫn đến Thập tự giá.”Mong ước rằng chúng ta sẽ nhìn thấy sự đầy trọn của Thập tự giá! Đức Chúa Trời có thể xây dựng chiều sâu của đặc tính,phát triển sự giống Đấng Christ, và sử dụng một hoàn cảnh để đem người khác đến với Ngài. Và rồi chúng ta sẽ thấy được quyền năng vĩ đại và sự vinh hiển thuộc về Ngài. Ngài có quyền lực trong cả cõi vũ trụ. Nước Ngài sẽ đến, và ý Ngài sẽ được thực hiện. Vấn đề là, Điều gì sẽ là sự vinh hiển vĩ đại nhất cho vương quốc của Đức Chúa Trời trong hoàn cảnh hiện tại? Bởi cớ bịnh tật, câu trả lời bình thường sẽ là sự chữa lành. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời có thể làm một phép lạ vĩ đại hơn. Và chỉ có cõi đời đời mới có thể trả lời.
Đức Chúa Trời muốn con người khỏe mạnh cả về phần thể xác cũng như cảm xúc. Nhưng chưa đủ sự nhấn mạnh trên khía cạnh nầy của sự chữa lành. Mặc dầu một số người có thể nhận được sự chữa lành cho những cảm xúc của họ, có lẽ hầu hết những sự chữa lành đó xảy ra trong tình yêu thương Cơ Đốc; loại chữa lành nầy xảy ra trong ý nghĩa của một thân thể các tín hữu quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Không phải chỉ có những kẻ bịnh, những giáo sĩ hoặc mục sư mới có trách nhiệm có đức tin. Tất cả chúng ta đều có đức tin, và tất cả chúng ta nâng cao tình yêu và sự tiếp nhận nhau để sự chữa lành tuôn chảy.38 Thân thể của Đấng Christ có quyền năng và sức mạnh để đáp ứng những nhu cầu của những chi thể đang gắng sức. Đây là khía cạnh hóa thân của sự chữa lành.
Tin vào sự chữa lành không phải là phủ nhận khả năng có thể chết. Chúng ta nên nhớ rằng sự chữa lành cuối cùng là ở thiên đàng (Kh 21:4-5). Một số người đã sống đời sống đầy trọn và đã bắt đầu phần vĩ đại nhất mà Đức Chúa Trời dành cho họ trong kế hoạch của Ngài. Cũng có lẽ đó là lúc Đức Chúa Trời đem chúng ta vào nhà của Ngài. Chúng ta phải nhạy bén với những gì đang phán trong từng trường hợp “bịnh đến nỗi chết”(Gi 11:4). Nhiệm vụ của chúng ta đối với những người đang hấp hối là khích lệ họ tìm kiếm ý muốn trọn lành của Đức Chúa Trời cho họ. Vì với một số người có thể là sự chữa lành tức thì. Và đối với một số khác là thiên đàng.

Các quyền năng phép lạ

Để nhấn mạnh quyền năng của Đức Chúa Trời mà nó làm trọn những kết quả chủ định của nó, Phao-lô đã kết hợp hai từ ngữ Hy lạp (dunamis: năng động, chủ động, quyền năng và energema: những kết quả hiệu nghiệm) mà nó được các bản dịch khác nhau là: “làm các phép lạ”(Bản KJ), “thực hành phép lạ”(Bản NASB), “các quyền năng phép lạ”(Bản NIV). Các phép lạ không phải là những cách lý giải của con người lên những sự kiện thiên nhiên; chúng cũng không phải là một sự mơ hồ hay một sự can thiệp vào trật tự thiên nhiên.Lãnh vực của Đức Chúa Trời nằm ngoài sự hiểu biết của con người. Ngài không cần phải thay đổi các tiến trình hay các luật định của Ngài để giúp đỡ chúng ta. Vì thế, chúng ta nói rằng các phép lạ can thiệp vào trật tự của thiên nhiên theo như chúng ta hiểu chúng.
Những quyền năng phép lạ là một lãnh vực rộng hơn các ân tứ chữa các bịnh. Phép lạ có thể liên quan đến việc cung cấp sự bảo vệ, đem đến sự quan phòng, đuổi quỉ, thay đổi hoàn cảnh, hoặc vượt qua sự phán xét. Các sách Tin lành ký thuật lại nhiều phép lạ, tất cả trong sự bày tỏ vương quốc của Đấng Mê-si, sự thất bại của Sa-tan, quyền năng của Đức Chúa Trời,con người và công tác của Chúa Giê-xu. Từ ngữ Hy lạp “phép lạ”trong Tin lành Giăng nhấn mạnh đến giá trị dấu hiệu của nó để chỉ về niềm tin.
Sách Công vụ nhấn mạnh sự tiếp tục của công tác đó trong Hội thánh. Khi Phierơ được giải thoát khỏi ngục tù cách kỳ diệu,Hội thánh được khích lệ. Khi Phao-lô cầu nguyện cho kẻ bịnh, nhiều người được chữa lành, và dân chúng trở lại tin Chúa rất đông. A-na-nia và Sa-phi-ra đã ngã chết bởi sự phán xét lạ lùng của Đức Chúa Trời. Ê-ly-ma, vị thuật sĩ, đã bị mù lòa. Phao-lô được bảo vệ khỏi đàn rắn tại đảo Man-ta.

Ân tứ tiên tri

Trong ICo 14 thuật ngữ “ân tứ tiên tri”bao gồm nhiều ân tứ được Thánh Linh xức dầu bày tỏ qua ngôn ngữ (hiểu được)của người nói / người nghe. Phao-lô đang nói về sự ban sứ điệp tức thời và được Đức Thánh Linh hà hơi, không phải là việc nói ra những bài giảng. Có một mối liên quan giữa sự khải thị và lời tiên tri: Đức Thánh Linh soi sáng chúng ta thấy được sự phát triển của vương quốc Đức Chúa Trời; những điều kín dấu của lòng người bị bày ra; tội nhân bị cáo trách (ICo 14:24-25). Những tiên tri thời Cựu ước rao truyền những điều mà dân sự phải làm trong sự công bình. ngay cả những lời tiên báo nhìn chung được ban xuống nhằm thúc đẩy sự công chính. Điều nầy cũng đúng trong thời Tân ước. Peter Hocken nói rằng ân tứ tiên tri luôn luôn:“trong một cách nào đó là một sự công bố mục đích của Đức Chúa Trời trong Con Ngài.”
Bất cứ tín hữu nào cũng có thể sử dụng ân tứ tiên tri. Một cách lý tưởng, người nói tiên tri phải là một phần trong Hội thánh địa phương, hoặc ít nhất phải được Hội thánh biết đến thanh danh của người ấy. Chúng ta được khuyên giục xét xem những lời tiên tri, bởi vì những lỗi lầm,sai trật, hoặc sự pha trộn những ý tưởng của con người có thể làm cho lời tiên tri trở thành sự hướng dẫn sai lầm. Nếu thiếu sự lượng giá đó, lời tiên tri có thể gây ra sự lầm lẫn và lộn xộn. Nếu chấp nhận không qua sự phân biệt, dân sự có thể phải nếm chịu những hậu quả tai hại. Do đó những tín hữu Côrinhtô khác,bởi cớ sợ hãi những kết hậu quả tương tự, đã lẫn trách bất kỳ sự sử dụng nào ân tứ nầy. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu Cơ Đốc nhân cầu xin được nhiều ân tứ lời tiên tri hơn - tuy nhiên nó lại trở thành tệ hại hơn nếu không biết phân biệt những lời tiên tri ấy. Cùng với sự lượng giá lời tiên tri, mọi tín hữu đều có thể học hỏi và được ích lợi từ nó.

Phân biệt các thần

Phân biệt các thần là một ân tứ rất khó hiểu. Nhiều học giả cho rằng ân tứ nầy đôi với ân tứ tiên tri. Như thể ân tứ nói tiếng mới phải đi chung với ân tứ thông giải, các lời tiên tri phải có sự lượng giá hay sự phân biệt đi kèm (14:27-29)  ITe 5:20-21 cũng nói đến lời tiên tri và việc thử lời tiên tri. Mặc dầu mọi tín hữu sẽ phải thực hành sự phân biệt cà thử các thần,không phải ất cả đều có ân tứ nầy. L.Thomas Holdcrft nói rằng:
Bởi ân tứ nầy, những giác quan tự nhiên của con người được bổ sung bởi những quyền năng thiên thượng thích hợp, hầu cho con người có thể hiểu được thế giới linh. Ân tứ Phân biệt các thần không phải để làm cho con người có khả năng phân biệt con người; nó không phải là “sự phân biệt”theo nghĩa trừu tượng, đơn giản ân tứ nầy chỉ là: phân biệt hoặc xếp loại và xem xét các linh.
Hầu hết các nhà phê bình đều nói rằng ân tứ nầy phân biệt giữa những sự vận hành của Thánh Linh Đức Chúa Trời, các linh gian ác, hoặc linh của con người, nhưng Holdcroft chỉ nhấn mạnh trên việc nhận diện những linh ác. Trong trận chiến thuộc linh, biết được kẻ thù thật là ai là điều rất quan trọng. Chúng ta có những sự thử nghiệm của lẽ thật giúp chúng ta đánh giá linh con người: Chúng ta có thể áp dụng sự dạy dỗ của Kinh thánh, quan sát đời sống của một người, tìm kiếm sự xác nhận của người khác trong thân thể của Đấng Christ, và xét xem lời nói của người ấy có giá trị gây dựng hay không. Chúng ta cần ân tứ phân biệt các thần nhằm giúp chúng ta không chỉ biết được điều chúng ta không thể biết, nhưng còn có thể làm được điều gì đó về nó - bởi vì đó là ý nghĩa của tri thức như vậy. Vì vậy, việc phân biệt các thần có thể trở thành một chiếc thuẩn chống đỡ những tấn công của Sa-tan cũng như là một thứ vũ khí để chiến thắng nó. Một mình tri thức chỉ có thể dẫn đến sự kiêu ngạo thuộc linh hoặc sự sợ hãi. Nhưng ân tứ nầy giúp chúng ta tận dụng tất cả các ân tứ khác để chống lại Sa-tan và công bố phúc âm cách mạnh mẽ và tự do.
Liên quan đến việc phân biệt các thần là vấn đề tín hữu có thể bị quỉ ám hay không. Có ba quan điểm trên vấn đề nầy.Quan điểm thứ nhất cho rằng đằng sau một thái độ hay một sự diễn đạt cảm xúc sai lầm là ma quỉ. Chẳng hạn như ghen tị, bất an, hoặc ích kỷ tiêu biểu cho những linh cần phải bị trục xuất. Quan điểm nầy làm cho nhiều cách từ ngữ “linh”được sử dụng trong Kinh thánh bị lẫn lộn. Ví dụ chữ “linh”có thể nói về một thái độ - một động lực thúc đẩy trong con người, mà nó khác xa với những thể thức vật lý khác như tâm trạng, hơi thở, thiên sứ, ma quỉ, hoặc Đức Thánh Linh. Vì vậy,khi Phao-lô nói về một “tâm thần nhút nhát”(ITi 1:7), ông không hàm ý về ma quỉ.
Quan điểm thứ hai nói rằng ma quỉ có thể ở trong tính xác thịt của tín hữu. Unger liên hệ đến những tập tục ở Châu Á nơi mà con người lớn lên trong thuyết vạn vật hữu linh, là thuyết dạy dỗ con người thuận phục quyền lực của các quỉ.44 Những người mới cải đạo có thể tỏ ra nhiều dấu hiệu bị quỉ ám như trước khi cải đạo. Dựa vào Rô-ma chương 7, Unger cho rằng các quỉ có thể sống trong bản tánh tội lỗi của Cơ Đốc nhân nếu người ấy còn sống cho mình. Vì vậy, Đấng Christ ở trong linh của con người và ma quỉ ở trong bản tánh tội lỗi của con người.
Những người theo hai quan điểm nầy nói rằng, theo Kinh thánh, thù ngữ “bị quỉ ám”được sử dụng để mộ tả mọi điều từ sự tấn công của ma quỉ. Đối với họ, câu hỏi hết sức thực tế: Phải chăng một người thực sự được giải phóng khỏi nan đề, thói quen, hoặc những ý tưởng lầm lạc?Quan điểm nầy nói rằng cuộc đấu tranh không phải là vấn đề ngữ nghĩa học hoặc thuật ngữ học, nhưng là sự chiến thắng cho người ấy.
Sức mạnh của quan điểm nầy nằm trong tính thẳng thắng của nó đối với cuộc chiến thuộc linh. Thế giới Phương Tây nói chung, và đặc biệt là những thần học gia Phương Tây, bị buộc phải biện minh về thế giới linh.45 Mặc khác, những người Châu Á, Châu Phi và La-tinh thừa nhận những điều lạ lùng và thuộc về ma quỉ trong những hoạt động của cuộc sống. Quan điểm nầy tập trung trên yếu tố kỳ lạ của tiến trình chữa bịnh.
Tuy nhiên bất kỳ quan điểm nào cho rằng ma quỉ có thể sống trong tín hữu sẽ có những hiểm họa của nó. Trước tiên, cả quan điểm của Phương Tây và Phương Đông về thế giới linh đều sai lầm. Trong thời Chúa Giê-xu, nhiều người Do thái nghĩ rằng Chúa Giê-xu bị quỉ ám (Mac 3:20-30).Đây là quan điểm và sự suy đoán của họ.
Thứ hai, một số người bị cuốn hút bởi ý tưởng rằng sự giải cứu các nhân là phương thức chống lại Sa-tan. Nhưng cho rằng hầu hết các nan đề đều do ma quỉ là điều quá đơn giản và có hại. Nếu biểu hiện của một vài dấu hiệu nào đó ngụ ý rằng đó là sự quỉ ám, rồi thì mỗi khi những dấu hiệu ấy tái diễn trong một người, người ấy sẽ nghĩ rằng bị quỉ ám trở lại. Người ấy sẽ dành cả cuộc đời mình để chiến đấu với ma quỉ hơn là lớn lên trong ân điển của Đức Chúa Trời.
Thứ ba, Kinh thánh không chỉ chứa đựng chức vụ giải thoát như những người quá khích theo quan điểm nầy đưa ra. Ân tứ phân biệt các thần được dùng để giữ cho Hội thánh thánh khiết (Công 5), để ngăn chặn những điều huyền hoặc (Công 8), và để truyền giáo cho những lãnh địa mới (Công 16). Mặc dầu các sách Tin lành ký thuật lại sự chữa lành những người bị quỉ ám,chúng chỉ chứa đựng năm sự bàn cải chi tiết về việc bị quỉ ám (một trong năm là sự kết tội Chúa Giê-xu).
Thứ tư, quan điểm cho rằng ma quỉ có thể ám các tín hữu không làm nên sự công bình trong công tác cứu rỗi vĩ đại của Đức Chúa Trời và sự giải cứu của chúng ta từ tăm tối qua sự sáng. Kinh nghiệm của chúng ta phải đặt trên nền thần học vững vàng. Nền thần học có thể bị thay đổi bởi, nhưng không xây dựng trên, kinh nghiệm.
Thứ năm, mặc dầu Sa-tan có thể sử dụng nền tảng huyền bí của một người để lừa dối hoặc làm nản lòng người ấy, đây không phải là chứng cớ của sự bị quỉ ám hay thậm chí là bị ma quỉ kiểm soát. Tín hữu chỉ cần công bố sự chiến thắng của mình.
Quan điểm thứ ba trên vấn đề Cơ Đốc nhân có thể bị quỉ ám hay không cho rằng ma quỉ có thể lấn ép nhưng không bao giờ có thể ám các tín hữu. Quan điểm nầy đem lại sự công nghĩa cho công tác ân điển của Đức Chúa Trời, sự cứu chuộc và sự giải phóng trong Đấng Christ. Trong trận chiến nầy, Đấng Christ là Đấng chiến thắng. Vấn đề là: Điều gì làm nên sự cứu rỗi? Nếu sự ăn năn và sự cứu rỗi là thật, thì sự bị quỉ ám không phải là vấn đề.
Thay vì cứ luôn cho rằng nguồn gốc những nan đề của Cơ Đốc nhân là sự chi phối của Satan, chúng ta cần một sự hiểu biết rõ ràng hơn về sự ăn năn và trận chiến thuộc linh. Những người với thái độ sai lầm, thiếu sự tha thứ, bị tổn thương về mặt cảm xúc, và một quá khứ huyền hoặc cần ăn năn từ trong đáy lòng, đoạn tuyệt với kẻ thù. Điều quan trọng là chúng ta phải áp dụng quyền năng của Đức Chúa Trời vào trong những nan đề của và chống lại những phương cách mà Satan sử dụng để làm chúng ta vấp ngã.
Phải thừa nhận rằng, một số tín hữu dễ dàng bị ảnh hưởng bở sự tấn công của ma quỉ hoặc biến dộng tâm lý bởi họ có bản tính yếu đuối hay trước đây đã từng làm những điều huyền hoặc. Một vài giờ đồng hồ khải đạo đem lại ảnh hưởng nào trên những cuộc đời như vậy. Từ đo, những người nghiên cứu vội vàng kết luận rằng họ bị quỉ ám.
Tuy nhiên, từ then chốt cho phần thảo luận nầy không phải là “sự bị quỉ ám”hay “sự bị lấn ép”nhưng là “ràng buộc”. Những nhà tâm lý học và xã hội học nói về những mối liên hệ ràng buộc trong gia đình và cọng đồng. Những em bé có mối liên hệ ràng buộc với mẹ chúng. Những người có một quá khứ là người ngoại giáo có thể có một sự rằng buộc với nó cần được phá vỡ. Điều nầy có thể giải thích tại sao các thần tượng và sách vỡ liên quan đến những khoa pháp thuật đã bị đốt đi tại Ê-phê-sô. Những tín hữu nầy đã phải đập đỗ quá khứ của họ và công khai chống lại Satan. Có thể đây là lý do Phao-lô đã nói rất dài về việc ăn của cúng thần tượng (ICo 8-10). Những anh em yếu đuối hơn đang bị ràng buộc bởi quá khứ ngoại giáo của họ có lẽ không hiểu được sự tự do của những người kia trong việc dự tiệc tại những đền thờ tà thần. Sự giải phóng có thể được kêu gọi mà nó không đòi hỏi phải trục xuất các quỉ, nhưng là công bố chiến thắng trên quá khứ với những thói quen và ý tưởng gian ác mà chúng có thể trói buộc một người.
Loại giải phóng đó phải bao gồm sự dạy dỗ Kinh thánh vững vàng, sự cầu nguyện hết lòng, sự kiểm soát tư tưởng (ICo 10:4), sử dụng quyền năng của Đức Chúa Trời và ý chí để thương yêu (ITi 1:7), sự khải đạo Cơ Đốc, tập trung trên những vấn đề về thiên đàng (Co 3:1), sự tăng trưởng thuộc linh (Phi 3:14), hỗ trợ lẫn nhau (ICo 12:26), thuận phục để dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời (IICo 12:7).
Trong những trường hợp quỉ ám thật sự,một người phải dâng nộp ý chí của mình cho ma quỉ. Và nếu ý chí không còn ảnh hưởng, người ấy có thể thành thật mà nói rằng “Ma quỉ biểu tôi làm điều đó -tôi không thể không làm.”Vì vậy, không thể kết án cho một người bị quỉ ám trách nhiệm đạo đức. Nhưng tất cả chúng ta đều có một ý chí và chịu trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời. Một người bị quỉ ám tạo ra một giọng và cá tính mới, phải gánh chịu việc xóa bỏ các cá tính của mình trong một thời gian. Trong những trường hợp nầy, sự giải phóng là tuyệt đối cần thiết.

NHỮNG ÂN TỨ THỜ PHƯỢNG

Tiếng mới và sự thông giải tiếng mới
Tiếng mới và sự thông giải tiếng mới được kể chung với nhau bởi vì hiệu quả của ân tứ tiếng mới trong buổi nhóm sẽ phụ thuộc vào việc chúng được thông giải. Một số người cho rằng bởi vì hai ân tứ nầy được liệt kê cuối cùng nên chúng ít quan trọng nhất. Sự kết luận đó là thiếu căn cứ. Tất cả năm phân đoạn Kinh thánh liệt kê các ân tứ trong Tân ước đưa ra các ân tứ trong thứ tự khác nhau. Một số người khác gợi ý rằng bởi vì tiếng mới là một ân tứ gây ra nan đề ở Côrinhtô, nên Phao-lô liệt kê chúng cuối cùng để ông có thể tập trung trên việc bàn luận các ân tứ nầy.
Có người sẽ hỏi: Tại sao chúng ta lại cần hai ân tứ phải đi đôi với nhau? Câu trả lời nằm trong bản chất của tiếng mới. Đức Thánh Linh đụng đến linh của chúng ta. Chúng ta mong muốn ca tôn vinh Đức Chúa Trời. Chúng ta tìm cách ca ngợi sự nhơn từ của Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta. Chúng ta có thể ca ngợi Đức Chúa Trời dựa vào một lẽ thật thần học về đặc tánh của Ngài, công tác cứu chuộc của Ngài, hoặc sự chăm sóc đặc biệt của Ngài đối với chúng ta. “Vì người nào nói tiếng lạ, thì không phải nói với người ta, bèn là với Đức Chúa Trời, bởi chẳng có ai hiểu (ấy là trong tâm thần mà người kia nói lời mầu nhiệm)”(ICo 14:2). Lời thách đố từ phía người nói tiếng mới cho Thân thể qua việc người ấy nói tiếng mới là “Nguyện Đức Chúa Trời đụng đến linh của bạn như Ngài đã đụng đến linh của tôi.”hocken nói rằng: “Nếu ân tứ tiếng mới là sự ca ngợi Đức Chúa Trời trọn vẹn, thì sự nhận lãnh ân tứ nầy nhất thiết là một sự hiểu biết sâu sắc hơn về Đức Chúa Trời.”50
Khi sự thông giải cho phép Hội thánh đang nhóm lại hiểu được điều gì đang được nói ra, họ được khích lệ thờ phượng.Vì vậy, mặc dầu ân tứ tiếng mới có mối tương quan chiều ngang, mục đích của nó là hướng dẫn Thân thể đến sự thờ phượng (theo chiều dọc). Sự ca ngợi sẽ dễ dàng theo sau ân tứ tiếng mới và thông giải tiếng mới hơn là ân tứ tiên tri. Các lời tiên tri có thể khuyên răn, gây dựng, hoặc an ủi; chúng nghiêng về sự hướng dẫn nhiều hơn.
Hơn nữa, chúng ta phải nhận biết rằng sự thông giải không phải là sự diễn dịch. vì vậy, ân tứ thông giải có thể được bày tỏ cách độc lập từ người nầy qua người khác trong buổi nhóm. Ngược lại, sự ca ngợi và cầu nguyện bằng tiếng mới phải luôn luôn do một người nói ra. Sự thông giải sẽ là đối tượng bị phán xét bởi vì chúng được biểu lộ qua ngôn từ của chúng ta, và chúng ta sử dụng những câu và từ ngữ quen thuộc của mình.
Sự khác nhau cơ bản giữa hiện tượng các thứ tiếng trong sách Công vụ và trong sách 1Côrinhtô là mục đích. Tiếng mới trong sách Công vụ là để tự gây dựng và là sự ban cho cá nhân. Chúng không cần phải có sự thông giải đi kèm. Trường hợp của những người Côrinhtô liên quan đến việc ban phước cho những người khác trong buổi nhóm, khiến sự truyền đạt trở nên cần thiết.
Bây giờ, chúng ta hãy tóm tắt những điều Phao-lô dạy dỗ về các ân tứ. Cả Đức Chúa Trời và con người đều có phần trong các ân tứ. Các ân tứ có bản chất hóa thân. Vai trò của Ba Ngôi không chỉ phản chiếu phần của Đức Chúa Trời, nhưng còn cho thấy khuôn mẫu của khái niệm về sự hiệp nhất trong sự đa dạng.
Đức Thánh Linh ban phát các ân tứ tuỳ theo mục đích sáng tạo và quyền tể trị của Ngài. Từ ngữ “muốn”(12:11 -bouletai) được dùng ở thì hiện tại và hàm ý về một cá tính sáng tạo cách liên tục.Đức Chúa Trời dự phần từ lúc bắt đầu cho đến khi chấm dứt.
Mặc dầu ba lãnh vực chức năng của các ân tứ được đề xuất, những lãnh vực nầy không thể được xem là độc lập với nhau.Biết được mục đích thiết yếu của mỗi ân tứ là điều rất quan trọng hầu cho chúng ta có thể sử dụng chúng cách hiệu quả nhất, nhưng một ân tứ trong lãnh vực nầy cũng có thể có ích lợi trong lãnh vực khác. Hơn nữa, những cá nhân khác nhau sẽ bày tỏ các ân tứ cách khác nhau trong sự đa dạng của chức vụ.

 Chương 2: ICô-rinh-tô 12:12-31

 ICo 12:12-14
Sự Hiệp Nhất Thật Dẫn Đến Sự Đa Dạng
12Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy. 13 Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-rét, hoặc tôi-mọi, hoặc tự-chủ,đều đã chịu phép báp têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa. 14Thân cũng chẳng phải có một chi thể, bèn là nhiều chi thể.
Từ ngữ “thân thể”được dùng mười bảy lần trong 12:12-27. Hầu hết các triết gia Hy lạp đều xem thường thân thể vật lý (chẳng hạn như Socrates, Plato). Phao-lô không có như vậy. Mặc dầu việc Phao-lô so sánh thân thể và sự phụ thuộc lẫn nhau của nó rất quen thuộc với suy nghĩ của những người theo phái Khắc kỷ cũng như người Giu-đa, Phao-lô không ngần ngại sử dụng những so sánh tương đồng của những triết gia và tôn giáo khác nếu chúng phù hợp với luận lý của ông. Tư tưởng của người Giu-đa thể hiện qua ý niệm về sự liên kết những cá tính và một giọng nói cho tất cả. Ví dụ: Ađam là đại diện của dòng giống loài người, và Ap-ra-ham, Môi-se, “Đầy tớ”của Ê-sai là những đại diện của dân sự của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Phao-lô suy nghĩ xa hơn: Thân thể nầy có nhiều chi thể mà chúng nói được; Phao-lô tập trung trên sự đa dạng.
Kinh nghiệm cải đạo của Phao-lô trên đường đi đến Đa-mách đã ảnh hưởng rất nhiều trên quan niệm của ông về Hội thánh là thân thể của Đấng Christ. Khi Phao-lô tìm cách hãm hại Hội thánh non trẻ, Chúa xem Hội thánh chính là Ngài khi trả lời cho Phao-lô: “Ta là Giêxu mà ngươi đang bắt bớ”(Cong 9:5). Vì vậy, khi dạy dỗ về việc phân biệt thân Chúa lúc dự Tiệc thánh, Phao-lô đang nói đến Hội thánh Cơ Đốc (ICo 11:23-24,27,29).52 Dự Tiệc thánh cách sai lầm ấy là không quan tâm đến nhu cần của những chi thể yếu đuối, bịnh tật. và đang hấp hối. Bản án nghiêm trọng nhất cho Hội thánh Cơ Đốc ấy là các thành viên trong Hội thánh không chờ đợi nhau (ICo 11:33), không thuận phục nhau (Eph 5:21), hoặc không chăm sóc nhau (Phi 2:4). Ai còn muốn gia nhập một cọng đồng như vậy? Phao-lô còn nói thêm rằng Đấng Christ là đầu của Thân thể nầy (Co 1:18). Mối liên hệ sống còn giữa đầu và thân thể bày tỏ rằng Đấng Christ là nguồn của sự sống và có quyền trên Thân thể.
Phao-lô sử dụng từ ngữ “thân thể”trong ý nghĩa là sự biểu lộ tính cách của một người. Thân thể của Đấng Christ là công cụ mà qua đó Ngài hành động trên đất. Cùng lúc, Hội thánh toàn cầu nhận biết được sự biểu lộ tốt nhất của nó qua mỗi Hội thánh địa phương. (Hầu hết những chổ dùng từ “Hội thánh”trong Tân ước có ý nói đến Hội thánh địa phương hoặc những Hội thánh địa phương. Những trường hợp cá biệt với ý nghĩa nầy là trong Mat 16:18;Eph 1:22,3:10,5:23,27,29,32; và Co 1:18,24.) Đức Chúa Trời định rằng Ngài sẽ làm trọn ý muốn trọn vẹn của Ngài qua dân sự Ngài trong một vị trí hoặc một vùng định trước.54 Đây là lý do Phao-lô nói đến tầm quan trọng của sự hiệp nhất.Thân thể không thể bị xem thường - không thuộc về một tổ chức riêng rẽ hay một cá nhân nào - bởi vì Thân thể thuộc về Đấng Christ. Chúng ta không nen cố gắng so sánh Thân thể nầy với bất kỳ một tổ chức con người nào hoặc thậm chí với một cọng đồng tín hữu nào khác, nhưng chỉ với chính mình Đấng Christ (xem ICo 12:12).
Chúng ta không biết chắc có phải Phao-lô đang trả lời cho Chủ nghĩa Đối kháng, những người Giu-đa đối kháng cho rằng Chúa Giê-xu không phải là Đấng Christ, hoặc cho một nhóm người siêu-thuộc linh là những người nghĩ rằng họ đã đạt tầm vóc thuộc linh (thậm chí đến chổ không cần đến thân thể phục sinh nữa).Cho dù trong trường hợp nào, tất cả những người đối nghịch với Phao-lô đều nhận được câu trả lời cho họ. Đối với những người Đối kháng, Phao-lô nói rằng không thể tách rời Chúa Giê-xu. một con người, khỏi Đấng Christ, một thần linh. Thân thể không có gì xấu cả, bởi vì nó được so sánh với Đấng Christ. Đối với những người Giu-đa vô tín ông nói rằng Đức Chúa Trời đã trở thành Đấng Mê-si nhục thể. Ngoài Chúa Giê-xu không còn Đấng Christ nào khác.Chúa Giê-xu là Đấng Christ, là con của Đức Chúa Trời hằng sống. Đối với những người siêu thuộc linh, Phao-lô nói rằng Thân thể nầy, Hội thánh, vẫn còn có những yếu đuối, thiếu xót, phải chịu đau đớn, và nhiều điều khác. Tóm lại, Phao-lô nói rằng Hội thánh chưa đạt đến chổ vinh hiển của nó. Đồng thời, sự đa dạng của Hội thánh không phải là điều tiêu cực, nhưng nó phản chiếu phương cách mà Đức Chúa Trời hành động.
Một trong những câu Kinh thánh tuyệt diệu nhất là ICo 12:13. Người Giu-đa hay Dân ngoại, người tôi mọi hay tự chủ, đều là một trong Đấng Christ. Mọi rào chắn, chủng tộc, nền văn hóa, hoặc kinh tế đều được nối bằng cây cầu là Chúa Giê-xu Christ. Mọi người đều bước vào mối thông công như nhau. Đó không phải bởi danh xưng hay học vấn, kinh nghiệm huyền bí hay luận lý triết lý, nhưng đơn giản là công tác của Đức Thánh Linh tái tạo chúng ta.
Trong ICo 12:13, chữ được nhấn mạnh là “một và tất cả chúng ta”: “tất cả chúng ta đều chịu báp têm . . . vào một thân thể. Tất cả chúng ta . . . đều nhận lãnh (uống) một Đức Thánh Linh”(Bản Diễn Ý). Nhưng những từ ngữ nầy có ý nghĩa gì? Nhiều sự diễn dịch xuất hiện. Có bốn khuynh hướng diễn dịch được tóm lược ở đây:
1. Phần trưng dẫn nầy chỉ về phép báp têm và Buổi tiệc của Chúa, bởi vì những thuật ngữ “chịu báp têm”và “uống”liên hệ đến những lễ nghi nầy. Thật dễ hiểu tại sao những nhà cải chánh Tin lành dựa vào bản dịch nầy, đặc biệt là chổ nó nói đến việc tất cả mọi tín hữu đều uống,hơn là chỉ một người, đặc biệt là thầy tế lễ. Tuy nhiên, bằng chứng cho sự diễn dịch hai khía cạnh nầy không được mạnh mẽ lắm. Augustin, Luther, và Calvin giữ quan điểm nầy. Do những dịch giả đương thời có quan điểm nầy, nó có thể được xem như nền tảng Kinh thánh của một người trong Hội thánh.
2. Một số người chỉ ra sự dạy dỗ tà giáo của một nhóm người tại Côrinhtô: Mọi điều Đấng Christ cung cấp sẽ được ban cho những người thông sáng vào thời điểm báp têm - thật sự, họ không phải chịu bịnh tật, đau khổ, hay sự chết! Một ngàn năm bình an sẽ đến vào thời điểm của phép báp têm đặc biệt nầy.55 Lúc ấy, một người có thể lý giải việc Phao-lô sử dụng thuật ngữ “phép báp têm”để chống đối họ, bởi vì phép báp têm nầy đem mọi người vào trong thân thể của Đấng Christ, chứ không chỉ có một số người thông sáng mà thôi. Không có hai phép báp têm bằng nước, một để soi sáng một số ít người và một cho những Cơ Đốc nhân ít thông sáng hơn.56 Quan điểm nầy ngụ ý rằng phép báp têm là hệ quả cần thiết hay hệ quả tiên quyết để trở thành một phần của thân thể Đấng Christ, rằng một điều gì đó sẽ xảy ra vào thời điểm báp têm bởi Đức Thánh Linh.
Tuy nhiên, việc thừa nhận sự dạy dỗ khó hiểu nầy ở Côrinhtô không có nghĩa là nó có cùng nan đề ở Ê-phê-sô (xem Eph 4:4-6). Chỉ ở đây phép báp têm mới có thể dễ dàng liên hệ đến việc được đem vào thân thể của Đấng Christ. Và rồi Phao-lô nói cùng nhóm người nầy rằng: “Chẳng phải phép báp têm bằng nước đem anh em và những sự huyền nhiệm thuộc linh,nhưng là việc trở thành một người mới trong Đấng Christ.”
Khi Phao-lô luận về phép báp têm trong Ro 6, luận điểm ở đây là sự đồng chết với Đấng Christ, chứ không phải với phép báp têm. (Đặc biệt lưu ý từ “chúng ta”trong Ro 6:1-5,8. Chúng ta hầu việc Đức Chúa Trời trong một tập thể. Đấy không phải bởi phép báp têm đặc biệt của bạn hay là của tôi, nhưng là sự đồng chết của chúng ta với Đấng Christ.)
3. Phép báp têm của Đức Thánh Linh kết hiệp tín hữu vào trong một thân thể. Bởi sự cứu rỗi mọi tín hữu đều nhận lãnh phép báp têm nầy vì nó được ban cho Hội thánh trong ngày lễ Ngũ tuần. Những người có quan điểm nầy hiểu từ ngữ “uống”có nghĩa “bị ướt sũng”hay “bị chìm ngập”và đồng nhất sự tương tự trong ICo 12:13a và 12:13b.Vì vậy, mọi tín hữu đều được báp têm để gia nhập vào thân thể của Đấng Christ và được uống chung một Đức Thánh Linh. Quan điểm nầy cũng cho rằng phép báp têm bằng nước là dấu hiệu bên ngoài của sự kết hiệp đó.
4. Có một kinh nghiệm thứ hai trong Đức Thánh Linh. Hầu hết những người Ngũ tuần đều xem ICo 12:13 là câu Kinh thánh chính nói về sự cứu rỗi. Tuy nhiên, họ cũng nhận thấy Giăng Báp tít nói về một phép báp têm khác, một phép báp têm Đức Thánh Linh và quyền năng (một kinh nghiệm được mô tả rộng ra trong Công vụ).
Một số người cho rằng Phao-lô đang bàn về một kinh nghiệm thứ hai ở đây 12:13a chỉ về sự cứu rỗi (Nhờ một Thánh Linh,tất cả chúng ta đều chịu báp têm để gia nhập vào một thân thể. BDY) và 12:13bchỉ về một kinh nghiệm tách rời của việc được ban quyền năng trong Đức Thánh Linh (“chúng ta đều đã chịu uống chung một Đức Thánh Linh”).
Hơn nữa, ICo 12:13a còn được dịch như là một phương tiện (cũng xem 12:3,9): “Nhờ một Đức Thánh Linh, tất cả chúng ta đều chịu báp têm để gia nhập vào một thân thể.”Đức Thánh Linh báp têm cho chúng ta để chúng ta được đem vào thân thể của Đấng Christ và dự phòng hết thảy mọi phước hạnh cho chúng ta.
Dunn không đồng ý với điểm nầy. Sáu sự sử dụng kia của từ en trong nghĩa phép báp têm bằng Đức Thánh Linh và bằng nước không dùng từ “en”như là một phương tiện, “nhờ”, nhưng như một vị trí, một yếu tố mà “trong đó”một người chịu phép báp têm. Tuy nhiên, trong sáu chổ trưng dẫn nầy, một sự phân biệt giữa phép báp têm bằng nước và phép báp têm bằng Đức Thánh Linh được đưa ra (Mat 3:11; Mac 1:8; Lu 3:16; Gi 1:33; và 1:5; 11:16), và phép báp têm bằng Đức Thánh Linh không liên hệ đến, hoặc bằng với, sự cứu rỗi. Nhưng thay vào đó, ý nghĩa của đoạn văn cho thấy một sự ban quyền năng, một sự phán xét và tẩy sạch,và sự biệt riêng cho sự phục vụ. Vì cớ đó, Đấng Christ đã dầm Cơ Đốc nhân “trong”Đức Thánh Linh. Một chổ khác duy nhất mà Phao-lô sử dụng từ en để chỉ về phép báp têm, dân Ysơraên được Môi-se báp têm “trong”đám mây và “dưới”biển. Việc sử dụng nầy không liên hệ gì với sự cứu rỗi, phép báp têm bằng nước, hoặc sự ban quyền năng, và nó không nên được dùng để đưa ra cách thức dịch ICo 12:13.
Điều gì khiến dịch từ “en”thành “trong”thay vì là “nhờ”?60 Câu Kinh thánh trên sẽ được đọc như sau:“Trong một Thánh Linh, tất cả chúng ta đều chịu báp têm để gia nhập vào một thân thể.”Phải chăng điều nầy ngụ ý rằng mọi người đều được đổ đầy Đức Thánh Linh? Điều đó chỉ có thể ngụ ý như vậy nếu chúng ta cho rằng hai mệnh đề “chúng ta chịu báp têm”và “uống chung một Thánh Linh”có ý nghĩa tương tự nhau. Vậy thì mệnh đề thứ hai có cùng nghĩa với mệnh đề thứ nhất. Nhưng nếu “uống chung một Thánh Linh”là một mệnh đề bổ sung nói về việc đổ các ân tứ xuống sau phép báp têm, thì Phao-lô đang sử dụng phương pháp tương đồng tổng hợp. Chịu báp têm và uống Thánh Linh là phương cách để một người được gia nhập vào thân thể của Đấng Christ “không chỉ là một sự pha trộn kỳ lạ của phép ẩn dụ.”61 Howard Ervin cho rằng việc uống Đức Thánh Linh không thể được xem như là sự cứu rỗi, nhưng chỉ về sự đầy trộn của Đức Thánh Linh. Phương pháp tương đồng của những câu nầy cũng cho thấy kinh nghiệm thuộc linh tương tự của chính Phao-lô: trước tiên được cứu trên đường dẫn đến Đa-mách, kế đó được đổ đầy Đức Thánh Linh sau khi A-na-nia đến.Trong Hội thánh của thế kỷ đầu tiên, kinh nghiệm một sự ban phát quyền năng sau kinh nghiệm cứu rỗi là một qui tắc. Không có gì ngạc nhiên khi nghe Phao-lô nói rằng họ uống chung một Đức Thánh Linh.
Những điểm chính của phân đoạn Kinh thánh trên có thể được tóm tắt như sau: Sẽ không có sự riêng biệt trong thân thể Đấng Christ. Căn cơ của sự hiệp nhất ấy là chúng ta là những tội nhân được cứu chuộc bởi Đức Chúa Giê-xu Christ, được tự do để hưởng các phước hạnh trong Ngài. Không ai được khinh rẽ anh em mình, hay khi những rẽ chính mình. Phao-lô xem mọi Cơ Đốc nhân tại Côrinhtô bằng nhau. Fee chỉ ra rằng “một thân thể”là mục tiêu thật của kinh nghiệm của họ trong Đấng Christ.62 Chúng tta đang hướng đến sự hiệp nhất của người Giu-đa và người Hy lạp, người tôi mọi và người tự chủ.Bây giờ chúng ta đã là thân thể của Đấng Christ, nhưng chúng ta vẫn đang hướng đến sự trưởng thành trọn vẹn. Sự hiệp nhất thật chỉ có thể đạt được qua Thánh Linh của Đức Chúa Trời.
Phao-lô xem sự cứu rỗi như là một sự kêu gọi đến sự phục vụ: sự đổ đầy Đức Thánh Linh là kết quả tự nhiên của sự cứu rỗi. Không cần phải có một khoảng thời gian hoãn lại giữa sự cứu rỗi và sự ban quyền năng. Phao-lô không phân biệt giữa kinh nghiệm của hai sự kiện, mặc dầu chúng có mục đích khác nhau. Thật ra, kinh nghiệm của Phierơ tại nhà của Cọt nây cho thấy rằng sự cứu rỗi và được đổ đầy Đức Thánh Linh có thể xảy ra cùng một lúc. Đối với Phao-lô, trọn đời sống Cơ Đốc phải tỏa ra sự đầy trọn của Đức Thánh Linh (Eph 5:18).
Phao-lô nhấn mạnh trên sự đa dạng để kết luận cho phần nầy (12:14).63 Câu Kinh thánh nầy được dùng như một câu chuyển tiếp:Từ việc tất cả các chi thể chia xẻ chung một kinh nghiệm thuộc linh (12:12-13),Phao-lô chuyển qua nói về một Thân thể và nhiều ân tứ được sử dụng giữa những chi thể (12:15-20). Bất cứ nhóm người nào nghĩ rằng họ cao trọng hơn người khác nên học để hiểu rõ bài học về sự đa dạng nầy.

ICo 12:15-20 Mọi Chi Thể Trong Thân Đều Quan Trọng

15Nếu chơn rằng: Vì ta chẳng phải là tay, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng phải bởi vì đó mà chơn không có phần trong thân. 16Và nếu tai rằng: Vì ta chẳng phải là mắt,nên ta không thuộc về thân, thì tai chẳng phải bởi đó không có phần trong thân.17 Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu? 18 Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã xắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định. 19Và nếu chỉ có một chi thể mà thôi, thì cái thân ở đâu? 20 Vậy,có nhiều chi thể, song chỉ có một thân.
Vấn đề của việc dịch những câu Kinh thánh nầy ở chổ phải chăng Phao-lô sử dụng sự so sánh tương đồng của thân thể để chỉ về các ân tứ hoặc con người. Đoạn văn đang nói về các ân tứ, nhưng sự so sánh lại mô tả các chi trong thân thể. Có phải nan đề ấy là những tín hữu đang tự tôn và dẫn đến việc ca tụng những ân tứ của họ? Có phải những người khác cảm thấy họ yếu kém hơn bởi cớ những biểu hiện của họ ít hấp dẫn hơn? Sự nhấn mạnh là trên nhu cần về sự đa dạng của các ân tứ, hơn là việc ca tụng một hoặc hai ân tứ. Tuy nhiên, ý thức tự tôn tự ti chỉ liên quan đến con người, không phải đến các ân tứ. Có thể 12:15-20 chỉ về các ân tứ và 12:21-26 chỉ về con người; tuy nhiên, sự phân biệt nầy không rõ ràng bởi vì thuật ngữ thân thể được sử dụng lặp lại.
Qua đoạn nầy, chúng ta có thể kết luận như sau: Phao-lô không nói đến sự trưởng thành trong thân thể và những Cơ Đốc nhân mạnh mẽ hơn hoặc yếu đuối hơn. Ông chủ yếu nhấn mạnh trên tính hiệp nhất và tính đa dạng.
Sự đa dạng có thể làm cho một số các ân tứ có vẻ quan trọng hơn những ân tứ khác. Nhưng ngược lại, tất cả đều cần thiết.Đồng thời, những người nghĩ rằng họ cao trọng hơn lại khinh miệt hoặc xem thường những người khác (như trong Lễ Tiệc Thánh trong 11:17-34). Ân tứ tự thân nó không cao trọng hơn hay yếu hèn hơn. Những người sử dụng ân tứ và cách thức ân tứ được sử dụng ảnh hưởng đến việc những người khác tiếp nhận nó như thế nào.
Phao-lô chỉ ra sự sai lầm trong luận lý mà một số người sử dụng liên quan đến những người có ân tứ. Những người Hy lạp biết rõ luận lý suy diễn và có thể dễ dàng nhận ra lỗi lầm trong tư tưởng. Rõ ràng là chân không thể là tay, tai không thể là mắt, nhưng tất cả là những phần trong thân thể. Thật sự, một thân thể cần có sự đa dạng của chi thể. Những tín hữu Côrinhtô coi trọng ân tứ tiếng mới hơn những ân tứ khác. Cơ Đốc nhân có khuynh hướng tôn cao một ân tứ hoặc một chức vụ nào đó như là công tác trong Hội thánh. Họ có thể tin rằng chỉ có một số mục sư, giáo sĩ, hoặc tổ chức truyền giáo làm công tác của Đấng Christ. Tuy nhiên, chẳng phải mọi chi thể đều cần thiết cho một thân thể khỏe mạnh hay sao?
Hai mệnh đề trong 12:15 và 16 có thể được dịch theo nghĩa đen là “không phải vì lý do nầy mà nó không thuộc về thân thể.”Đừng bao giờ nói rằng tôi không phải là tay hoặc là mắt hay việc tôi là chân hoặc là tai, khiến tôi trở thành một phần yếu hèn trong thân. Không một thành viên nào nên cho rằng mình yếu hèn hơn hoặc không ích lợi bằng những người khác, vì Đức Chúa Trời xắp đặt chức năng của mỗi người. Hai mệnh đề cuối trong hai câu Kinh thánh nầy là những câu hỏi cho thấy kết luận vô lý trong luận lý của tín hữu Côrinhtô.
Trong 12:15-20, những chi thể có vẻ yếu hèn hơn thường tự so sánh mình với những chi thể có vẻ cao trọng hơn. Chân ít được chú ý so với tay, và tai rất hiếm khi được lưu tâm đến so với mắt. Thông thường chúng ta nhìn vào những cử chỉ của tai và mắt. Phao-lô tỏ ý mỉa mai trong việc ông mô tả vật kỳ quái mà nó là kết quả nếu như cả thân thể đều là mắt (12:17). Ông vẽ lên một bức tranh về mặt con mắt thật to lăn vào buổi nhóm rồi tự xưng rằng đó là thân thể của Đấng Christ. Sau con mắt là một cái tai cũng tự xưng là thân thể Đấng Christ. Thật hài hước làm sao!
Câu 21 quay lại lập luận nầy. Những chi thể bề ngoài có vẻ cao trọng hơn tỏ ra xem thường những chi thể khác. Mắt được chú ý hơn tai, và đầu được lưu tâm hơn chân. Tuy nhiên, nếu một chi thể không hoạt động được, những chi thể khác là những chi thể tật nguyền.
Sự bất mãn của những thành viên thấp kém hơn và sự kinh thường của những thành viên cao trọng hơn là dấu hiệu của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hời hợt với lợi ích chung của Thân thể Cơ Đốc. Sự không hài lòng cộng với ân tứ của một người hoặc cố gắng đạt được những ân tứ của người khác là không trung thành với Ngài và không tin cậy sự khôn ngoan của Ngài.66
Phao-lô tóm tắt lập luận nầy trong 12:18.Đức Chúa Trời lập thân thể theo ý Ngài và vì sự vinh hiển của Ngài. Chúng ta không được xem thường sự xắp đặt của Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng chủ tể. Nơi Ngài đặt để chúng ta, chúng ta lớn lên cách tốt nhất, Hội thánh sẽ được gây dựng.Điều nầy không phủ nhận rằng chúng ta có thể đóng vai trò của một thành viên khác trong một giai đoạn khác của sự sống Hội thánh. Trưởng lão Ê-tiên và Phi-líp của Hội thánh đầu tiên minh họa cho điều nầy. Giăng Mác lớn lên từ chức vụ phụ tá cho đến một giáo sĩ rồi đến nhà thần học.

ICo 12:21-26 Vị trí của Chi thể Yếu đuối hơn

21Mắt không được nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần đến mầy; đầu cũng chẳng được nói với chơn rằng: Ta chẳng cần đến bẤy. 22Trái lại, các chi thể của thân xem ra rất yếu đuối lại là cần dùng. 23 Chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ hơn, thì chúng ta tôn trọng hơn; chi thể nào chẳng đẹp, thì chúng ta trao dồi hơn, 24còn như cái nào đã đẹp rồi, thì không cần trao dồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn, 25 hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau.26 Lại,trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng.
Không ai được tự xem mình là cao trọng.Những thành viên khác của thân thể cũng không được coi khinh một thành viên nào hay ân tứ của người ấy, vì điều nầy sẽ gây tổn thương cho toàn Thân thể. Thay vào đó, chúng ta nên học biết cách đáp ứng lại và khích lệ mọi người thực hành những ân tứ chức vụ của họ. Chúng ta phải nhận biết tần quan trọng của những thành viên bề ngoài có vẻ yếu đuối hơn. Mỗi thành viên có thể khác nhau về chức năng, quyền hạn, và ảnh hưởng nhưng không khác nhau về giá trị thật. Dáng vẻ bên ngoài sẽ dễ dàng lừa dối. Các ân tứ được ban cho không căn cứ trên việc ống dẫn mạnh mẽ hơn hay yếu đuối hơn, nhưng trên ân điển của Đức Chúa Trời và những nhu cầu của của dân sự Ngài. Sự nhu mì thật bày tỏ khi chúng ta mặc, chiều chuộng và chăm sóc cho những phần kém tôn trọng hơn của thân thể (12:23). Chúng ta cũng nên chăm sóc cho mỗi thành viên trong gia đình của chúng ta trong Đấng Christ.
Đối từ “nhưng”(alla) (12:24) cho thấy sự đối chọi nhau giữa ý tưởng con người với Đức Chúa Trời. Những tín hữu Côrinhtô lơ là với những anh em yếu đuối bởi cớ sự kiêu ngạo ích kỷ, nhưng (“ngược lại”)Đức Chúa Trời nói rằng những thành viên yếu đuối hơn lại không thể thiếu được (12:22). Chúng ta tôn trọng những bộ phận mà chúng ta nghĩ là ít đẹp đẽ hơn,nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt chúng ta (12:24). Từ ngữ “sắp đặt”ngụ ý rằng Đức Chúa Trời đã “trộn, kết hiệp”tín hữu qua những sự bổ túc cho nhau trong đời sống họ và qua mối tương quan lẫn nhau. Những tín hữu Côrinhtô có khuynh hướng sống tách rời nhau và chia rẽ, nhưng Đức Chúa Trời dạy rằng các tín hữu phải quan tâm đến nhau (12:25).
Thông cảm có nghĩa là chung vui và cùng chịu khổ. Đây là một sự chia xẻ sự sống sâu sắc bởi vì chúng ta thuộc về gia đình của Ngài. Khuynh hướng xác thịt ấy là vui mừng khi thấy người khác chịu khổ sở và khổ sở khi thấy người khác vui mừng. Chúng ta dễ nói rằng những người khác phải chịu khổ sở bởi vì họ phạm tội. Sự ghen tương có thể nổi lên khi những người khác được tôn trọng trước mặt chúng ta. Sự thông cảm thật sẽ bỏ qua những tình cảm ích kỷ và quan tâm đến lợi ích của người khác. Phao-lô nói rằng “hãy coi người khác như tôn trọng hơn mình”(Phi 2:3).
Sự thông cảm đừng nên chỉ nhìn vào chính mình hoặc ân tứ của mình. Những người có ân tứ thường hỏi rằng: Ân tứ của tôi là gì? Hoặc, Đây có phải là điều đến từ Đức Chúa Trời không? Nhưng những câu hỏi thật - trước, trong, và sau chức vụ của ân tứ - phải là: Hội thánh được ích lợi bởi chức vụ đó như thế nào? Những nhu cầu có thật sự được đáp ứng không? Những người khác có được khích lệ không? Đức Chúa Trời có được tôn vinh hay là con người? Vì vậy, qua sự nhạy bén với Đức Thánh Linh và với nhu cầu của những người khác, những cá nhân có thể trở thành những ống dẫn phước hạnh cho cả Hội thánh.
Trước nhất, các ân tứ không được ban cho những người thi hành chúng, nhưng cho người được thi hành ân tứ trên. Chẳng hạn như người bịnh được lành, người ấy nhận được sự chữa lành như là một ân tứ,chứ không phải là người đặt tay là cầu nguyện.
Ấy vậy, trọng tâm mà chúng ta cần nhấn mạnh là những nhu cầu và chức vụ, không phải là các ân tứ và những con người sử dụng chúng.

ICo 12:27-31 Những Ân tứ Quyền năng và những Ân tứ Chức vụ

27Vả, anh em là thân thể của Đấng Christ, và là chi thể của thân, ai riêng phần nấy. 28Đức Chúa Trời đã lập trong Hội thánh, thứ nhất là sứ đồ, thứ nhì là đấng tiên tri, thứ ba là thầy giáo, kế đến là kẻ làm phép lạ, rồi kẻ được ơn chữa bịnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng. 29Có phải cả thảy là sứ đồ sao? Cả thảy là tiên tri sao? Cả thảy là thầy giáo sao? Cả thảy đều là kẻ làm phép lạ sao? 30Cả thảy đều được ơn chữa bịnh sao? Cả thảy đều nói tiếng lạ sao? Cả thảy đều thông giải tiếng lạ sao? 31Hãy ước ao cho được sự ban cho lớn hơn hết.Bây giờ tôi sẽ chỉ dẫn cho anh em con đường tốt lành hơn.
ICo 12:27 kết thúc sự phân tích về thân thể và bắt đầu bản liệt kê các ân tứ. Đây là một trong những câu Kinh thánh sâu sắc nhất trong 1Côrinhtô. Từ ngữ nhấn mạnh của câu Kinh thánh nầy là “anh em”,vì mọi Cơ Đốc nhân tạo nên thân thể của Đấng Christ. Phao-lô kêu gọi những động cơ cao cả nhất của người Côrinhtô. Những tín hữu có ân tứ nầy đã có một sự kêu gọi cao cả hơn là sự chia rẽ. Với những tiệc tùng trong đền thờ tà thần, những vấn đề bất pháp, sự vô luân, những khác biệt về giáo lý, vấn đề thịt đã cúng tế thần tượng, và sự sử dụng sai lầm các ân tứ, có lẽ hầu hết những người khác sẽ không viết cho Hội thánh Côrinhtô. Nhưng ngược lại, Phao-lô vẫn nói với họ rằng:“anh em là thân thể của Đấng Christ.”Mặc dầu họ là xác thịt, Đức Chúa Trời vẫn muốn sử dụng họ.
Tiếp theo câu 27, bản liệt kê của Phao-lô không đưa ra tất cả các ân tứ. Các ân tứ có thể chia thành hai lãnh vực cơ bản: Những ân tứ ban quyền năng, như trong Eph 4:11, và những ân tứ chức vụ,như trong ICo 12:8-10. Những ân tứ ban quyền năng được ban cho những con người để họ chuẩn bị những người khác thi hành chức vụ. Những ân tứ chức vụ được ban xuống để đáp ứng những nhu cầu đặc biệt. Ba ân tứ đầu được liệt kê trong 12:28 là những ân tứ ban quyền năng, và năm ân tứ kế tiếp là những ân tứ chức vụ. Bất cứ ai quản trị ba ân tứ đầu đều có thể quản trị năm ân tứ sau. Đức Chúa Trời lập họ trong Hội thánh. Từ ngữ “lập”diễn tả ý muốn cá nhân: Đức Chúa Trời làm điều đó vì cớ Ngài. Ngài có một chương trình để tất cả những tạo vật của Ngài được hòa thuận. Hội thánh đóng một vai trò rất quan trọng trong chương trình nầy,nhưng con người không thể làm công việc cách tốt nhất bởi sức của họ. Đức Chúa Trời phải ban cho họ quyền năng siêu nhiên.
Câu hỏi then chốt trong 12:28 ấy là: Phải chăng từ ngữ “thứ nhất”trả lời cho câu hỏi thứ bậc của tầm quan trọng hay thứ tự lịch sử trong việc thành lập Hội thánh? Có phải các sứ đồ là những người quan trọng hàng đầu, còn tiếng mới là cuối cùng?
Qua suốt chương nầy Phao-lô mô tả cách thế nào mọi tín hữu đều quan trọng như nhau trong việc nhận lãnh cùng một sự cứu rỗi, kinh nghiệm cùng những phước hạnh thuộc linh, và nhận lãnh các ân tứ theo quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Mặc dầu vai trò và trách nhiệm của tất cả chúng ta có thể khác nhau, không ai được phép có thái độ tự tôn hay tự ti đối với những người khác. Vậy thì lẽ nào Phao-lô lại kết luận bằng cách nói rằng các sứ đồ là quan trọng nhất? Thật ra, nan đề tại Côrinhtô ấy là một số người tôn cao một số phẩm tính, chức vụ, và ân tứ hơn những người khác. Phao-lô chỉ có thể đổ thêm dầu vào ngọn lửa tranh luận nếu như ông liệt kê các ân tứ trong thứ tự quan trọng.Người thở mộc không thể nói rằng cái búa quan trọng hơn cái cưa. Mỗi dụng cụ quan trọng theo chức năng và thời điểm thích hợp của nó.
Hơn nữa, thật khó hiểu một ân tứ sẽ ít quan trọng hơn ân tứ được liệt kê trước như thế nào. Chẳng hạn như, có phải ân tứ phép lạ quan trọng hơn ân tứ chữa bịnh hoặc cai quản? Nếu các ân tứ được ban cho bởi ân điển, vậy thì Cơ Đốc nhân làm sao có thể tìm kiếm những ân tứ cao trọng hơn? Thật thú vị, con số dừng lại ở ân tứ thứ ba. Phao-lô không thiết lập một hệ thống giáo chức hay thứ bậc ân tứ trong phân đoạn Kinh thánh nầy cũng như ở Ê-phê-sô4. Nếu ông làm như vậy trong Ê-phê-sô4, thì các giáo sĩ sẽ quan trọng hơn các mục sư.
Phao-lô trả lời cho câu hỏi khi nào bằng ba ân tứ đầu tiên. Các sứ đồ có trước bởi vì không có buổi nhóm nào ngoài buổi nhóm tại Giêrusalem lúc ấy. Nhu cần về các tiên tri và mục sư chưa có. Sau lễ Ngũ tuần, Hội thánh nhanh chóng lớn lên. Hội thánh không có lịch sử Hội thánh để dựa vào, không có Tân ước, không có những bản hướng dẫn cho các mục tiêu của Hội thánh. Các tiên tri đáp ứng nhu cầu nầy bằng cách đem lời của Đức Chúa Trời đến cho Hội thánh. Họ phục vụ trong vai trò nền tảng trong sự xây dựng Hội thánh (Eph 2:20). Rồi thì, khi Hội thánh càng đông lên, cần có sự ổn định hơn. Những mục sư chăm lo và hướng dẫn hội chúng địa phương. Các ân tứ hiện diện để trang bị Hội thánh cho chức vụ. Hội thánh thật sự đang đứng trước bờ mép của sự tăng trưởng.
Hệ thống đền thờ và chức thầy tế lễ đã hết hiệu nghiệm bởi mối bận tâm với việc thực hành vai trò, những chính sách quyền lực, mối lợi kinh tế, và truyền thống. Một lý do khiến Hội thánh trong thời Tân ước lớn lên ấy là khả năng thích ứng với những vấn đề thực của nó. Hội thánh được tổ chức để tăng trưởng. Phao-lô liệt kê các ân tứ theo cách nầy để cho thấy khuynh hướng nghiêng về trách nhiệm thật của Hội thánh. Hội thánh phải được xây dựng, thế giới phải được vươn đến.
Hội thánh là một cơ chế đi ra. Nếu không được tổ chức cách thích hợp, chính tổ chức ấy sẽ trở thành một trở ngại lớn nhất giữa Hội thánh và thế giới đang có nhu cầu nầy và vì vậy, giữa Hội thánh và chức vụ của Hội thánh. Hàng trăm chức vụ sẽ có thể được tạo ra nếu Hội thánh được tổ chức như vậy.
Sự dạy dỗ vững vàng sẽ dẫn đến những kết quả cao nhất cho Đức Chúa Trời. Nó ngăn chặn những sự lung lạc, nhưng lại đem đến sự mặc khải đầy trọn của Đức Chúa Trời. Nó khích lệ sự đa dạng trong chức vụ và xây dựng sự ổn định, sự cáo trách trong uy quyền của Lời Đức Chúa Trời, và sự khoan dung với những vấn đề kém phần quan trọng.
Sự dạy dỗ phát triển một khả năng triết lý và phương pháp luận trong chức vụ. Nhiều người đã nản lòng bởi vì họ không biết làm thế nào để thực hiện chức vụ của họ cách thích hợp. Và rồi họ bỏ cuộc bởi vì họ nghĩ rằng mình đã thất bại. Để làm công việc của Đức Chúa Trời, chúng ta phải học làm theo phương cách của Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, sự tổ chức tốt và sự dạy dỗ tốt chưa phải là hết. Chúng chỉ là những phương tiện để dẫn đến mục đích. Bờ mép tăng trưởng của Cơ Đốc nhân là tìm kiếm sự giống như ảnh tượng của Đấng Christ, vươn đến với những linh hồn hư mất, và cùng đi với Thánh Linh Đức Chúa Trời. Trong khi nhắm về vương quốc của Đức Chúa Trời, chúng ta vươn đến khả năng của mình.
Ba ân tứ ban quyền năng bắt đầu danh sách nầy. Chúng ta cần bàn đến mỗi ân tứ, cũng như ân tứ giáo sĩ (thầy giảng Tin lành) được liệt kê song song trong Eph 4:11. Bốn ân tứ ban quyền năng nầy đại diện cho lãnh vực ân tứ ban quyền năng. Hầu hết các dạng của ân tứ ban quyền năng, cho dù được tạo ra như thế nào đi nữa, đều có thể rơi vào một hoặc hơn trong bốn ân tứ nầy (một ví dụ của điều nầy được trung dẫn sau đây trong sự khác nhau giữa những sứ đồ ban đầu và những sứ đồ khác). Nhưng thiếu định nghĩa cho những lãnh vực nầy sẽ dẫn đến sự sử dụng sai lầm, không hiểu, và ngay cả tà giáo. Bởi vì tôi đã bàn về các ân tứ chức vụ trong chương 2, nên ở đây tôi sẽ chỉ bàn về hai ân tứ thêm vào trong danh sách nầy: cứu giúp và cai quản (12:28).

SỨ ĐỒ

Từ ngữ “sứ đồ”được dùng 80 lần trong Tân ước. Bảy mươi lần được tìm thấy trong các bản văn của Phao-lô và Lu-ca. Từ ngữ nầy được áp dụng cho Chúa Giê-xu một lần trong Hêbơrơ (3:1). Nó có nghĩa là “một người được sai đi”, mang lấy một sứ mạng đặc biệt. Bởi vì Lu-ca chủ yếu theo sau các hoạt động của Phierơ và Phao-lô, nên chúng ta có rất ít tư liệu về những vị sứ đồ khác. Những chổ khác nằm rãi rác và Công vụ chỉ ám chỉ đến nhiều Hội thánh nằm ngoài những vòng truyền giáo của Phao-lô. Vì thế, định nghĩa chính xác của từ ngữ “sứ đồ”rất khó bởi vì hầu như sự hiểu biết của chúng ta về ân tứ nầy chỉ đến từ Phao-lô, và dường như là không phải mọi sứ đồ đều có cùng những chức vụ và quyền hạn như Phao-lô có.
Các tiêu chuẩn cho chức vụ là (1) đã thấy Chúa sau khi Ngài sống lại và (2) đã làm công việc nền tảng (Cong 1:22; ICo 9:1-2; 15:7-9; Eph 2:20). Không một ai ngày nấy có thể tuyên bố mình là một sứ đồ hay một tiên tri theo nghĩa như những người đó trong kỷ nguyên Giao Ước Mới.Ngày hôm nay không ai có thể viết Kinh thánh hoặc tuyên bố khả năng vô ngộ. Dường như sự sử dụng từ ngữ “sứ đồ”của Phao-lô trong 12:28 không ngoại trừ Mười hai sứ đồ mà thôi, bởi vì nhiều chổ trong các thư tín của mình ông dùng từ ngữ trên để chỉ về những người khác được sai đi với một sứ mạng đặc biệt.
Phierơ và Phao-lô là những người nổi tiếng nhất của nhóm đầu tiên nầy. Chức vụ của họ cũng khác như cá tính của họ.Phao-lô đi đầu trong những lãnh vực mới, trong những chiến lược được trù định,và phát triển đội ngũ truyền giáo. Đức Chúa Trời thi hành các phép lạ qua ông,đặc biệt là cho những mục đích truyền giáo. Sứ mạng của Phierơ là thiết lập chứng cớ Cơ Đốc ở Giêrusalem, giúp đỡ Hội thánh đi đúng hướng, và làm cho các tín hữu dân ngoại và tín hữu Giu-đa hòa thuận với Hội thánh Giêrusalem (Công vụ8  Samari; Công vụ 10-11Cọt nây). Chúng ta không biết đến các Hội thánh mà ông đi tiên phong. Phao-lô viết gần một nửa Tân ước; Phierơ viết hai thư tín. Phao-lô là một nhà thần học và một người mạnh mẽ bảo vệ đức tin; Phierơ là một truyền đạo khuyên dạy.
Ngày hôm nay Hội thánh có các sứ đồ không?Mặc dầu thời kỳ Tân ước đã hình thành những chức vụ chuyên biệt, các học giả đồng ý rằng “tổ chức Hội thánh vẫn có thể thay đổi,”rằng không có chức vụ như “kiểu dáng của Hội thánh thời Tân ước”.73 Kinh thánh chú trọng trên chức năng của chức vụ, không trên vai trò của chức vụ. Phao-lô chỉ kể ra ba ân tứ chức vụ ở đây,ông không đóng kín bản liệt kê của mình. Nhiều ân tứ ban quyền năng khác có thể phát triển. Mặc dầu ngày nấy không người nào trong Hội thánh phục vụ theo nghĩa như các sứ đồ của thế kỷ đầu tiên, nhưng vẫn có những con người tiên phong trong lãnh vực truyền giáo và những con người biết cách đem khả năng, khải tượng và sự khôn ngoan của mình đến cho người khác. Uy quyền to lớn ấy phát xuất từ sự kêu gọi, tính hiệu quả, chức vụ rộng rãi hơn, cũng như chức năng của một người.Tuy nhiên, tự xưng là mình có chức vụ sứ đồ hay tiên tri là điều rất nguy hiểm:Kiêu ngạo, sự sùng bái cá nhân, vận động quyền hạn, và những cực đoan trong giáo lý thường đi kèm với những sự lên mình như vậy. Tinh thần chịu trách nhiệm của những người lãnh đạo là điều quan trọng nhất trong Hội thánh thời Tân ước cũng như trong ngày nấy.

TIÊN TRI

Về bản chất thật, chức vụ tiên tri trong Cựu ước cũng giống như trong Tân ước. Các tiên tri qua sự xức dầu của Thánh Linh Đức Chúa Trời kêu gọi mọi người đến sự ăn năn, phục hòa, và sống cách công bình. Lu-ca cẩn thận bày tỏ sự tiếp nối của chức vụ tiên tri giữa Cựu ước và Tân ước. Mathiơ cho thấy thế nào những lời tiên tri trong Cựu ước là nền tảng cho chức vụ của Chúa Giê-xu và chúng chỉ được ứng nghiệm trong Ngài. Cùng một Đức Thánh Linh hành động trong cả hai Giao ước. Những tiên tri thời Cựu ước nói về một ngày khi sự mặc khải vĩ đại hơn sẽ mở ra và sự xức dầu của Đức Chúa Trời sẽ đổ trên mọi người.
Tuy nhiên, có một số các sự khác nhau mà chúng ta không nên bỏ qua. Hầu hết các tiên tri thời Cựu ước được dấy lên để đem dân sự chống nghịch trở lại với luật pháp của Môi-se: Thời đại tiên tri diễn ra chủ yếu bởi vì sự thỏa hiệp thuộc linh và sự bội đạo của các Ysơraên và Giu-đa.
Bởi cớ những kẻ thù chính trị của Ysơraên, những người giải phóng đất nước, hoặc những quan xét (ví dụ như Sam-sôn, Ghi-đê-ôn, Đề-bô-ra), không đủ trong việc thống nhất và lãnh đạo toàn bộ đất nước. Ysơraên đòi hỏi một vị vua như những dân tộc khác. Đại diện cho những vị quan xét cuối cùng và người đầu tiên trong số các tiên tri được dấy lên trong thời các vua là Sa-mu-ên. Vị sứ thần ấy được dấy lên để kêu gọi vua và những người lãnh đạo tôn giáo ăn năn và dân sự của Đức Chúa Trời quay lại với sự tương giao công chính với Ngài. Vị trí của họ được chính thức hóa hơn những người trước họ. Một số người cùng kết hợp với các thầy tế lễ trong sự thờ phượng trong đền thờ, những người khác là những tiên tri viết ra các sách tiên tri, và một số khác ở trong đền vua. Một số tiên tri có những môn đệ (“con trai của các tiên tri,”chẳng hạn như Ê-li và Ê-li-sê). Một số nhân vật quan trọng khác của lịch sử Ysơraên cũng được gọi là những tiên tri: Ap-ra-ham, Môi-se, A-rôn.
Thông thường, chỉ một tiên tri được kêu gọi. Những tiên tri giả chống đối bằng những lời tiên tri của họ. Kết quả là,những thử nghiệm thông thường để xem có phải những tiên tri ấy được Đức Chúa Trời sai đến không như là: Họ có nhơn danh Chúa mà nói không (Phu 18:20-22)? Sứ điệp của họ có hiệp với sự dạy dỗ của Môi-se hay không (Phu 13:1--5)? Những lời tiên tri của họ có ứng nghiệm không? Bởi vì các tiên tri thời Cựu ước nói với dân Ysơraên như là với dân sự của Đức Chúa Trời.
Thời kỳ Tân ước mở ra một thể thức mới cho các tiên tri. Sự giáng xuống của Đức Thánh Linh đại diện cho sự đến của Đấng Mê-si, những thời kỳ cuối cùng. Các tiên tri thời Tân ước nói tiên tri dựa trên uy quyền của Đấng Christ phục sanh, là Đấng, đã bắt đầu vương quốc của Đức Chúa Trờibằng sự hóa thân của Ngài, đã chứng minh bằng sự phục sanh của Ngài. Đem sứ điệp cứu rỗi đến cho thế giới đang chết mất, tất cả dân sự của Đức Chúa Trời bây giờ là một dân tộc tiên tri của Ngài; Đức Thánh Linh đã giáng xuống trên mọi loài xác thịt. Vai trò của họ là giữ mối liên hệ của Đức Chúa Trời trong Hội thánh,công bố vương quốc của Đức Chúa Trời cho những tín hữu cũng như cho những người chưa tin cho đến khi Chúa Giê-xu trở lại.
Mặc dầu mỗi Cơ Đốc nhân trong thời Tân ước đều có cơ hội để thực hành một ân tứ tiên tri, một nhóm người đặc biệt được biệt riêng như là những tiên tri bởi chức vụ có thể nhận biết được của họ (12:28-29; Eph 4:11; Cong 13:1:21:9). Nhưng nhiều học giả không tin rằng đây là một chức vụ phổ thông, đơn giản rằng những người nói tiên tri thường là những tiên tri.
Các tiên tri công bố sứ điệp về sự khuyên răn, sự gây dựng, sự an ủi cho Hội thánh và sứ điệp về sự cứu rỗi, ân điển và sự phán xét cho những người chưa tin. Sứ đồ Giăng đã sử dụng cả chức năng khuyên răn cũng như chức năng tiên báo trong sách Khải thị. A-ga-bút nói tiên tri trong Cong 11:28 và 21:10-11. Khi các tiên tri nói, sứ điệp của họ đến với mọi nhà bởi tính xác thật của chân lý. Đồng thời, sứ điệp của họ cũng phải được thử xem có đúng với Lời Đức Chúa Trời, có rõ ràng, có nhạy bén với tình hình Hội thánh và thế giới hay không?
WẤyne Grudem xác nhận hai loại lời tiên tri. Loại thứ nhất là loại không có nghi vấn, trên mức độ của sự soi sẫn của Kinh thánh, và được chấp nhận bởi những người nói tiên tri là ai. Nếu một người cho rằng chúng là Lời của Đức Chúa Trời, thì lời tiên tri sẽ không bị nghi ngờ và phải được vâng theo. Mức độ của lời tiên tri thứ hai cần có sự lượng giá và không được xem như trên mức độ của sự soi dẫn của Kinh thánh. Loại lời tiên tri nầy đã có trong thời kỳ Kinh thánh, mặc dầu lời tiên tri trên mức độ sự soi dẫn của Kinh thánh đã ngừng lại cho đến thời đại của Đấng Mê-si. Josephus, Philo và các Ra-bi cũng chấp nhận mức độ thứ hai của lời tiên tri là có giá trị, nhưng cần phải có sự lượng giá.
Điều nầy không có ý nói rằng những tác giả Kinh thánh được chấp nhận mà không có sự nghi vấn. Lẽ thật có thể được xác chứng sau nhiều năm sau khi họ chết, nhưng Môi-se, Sa-mu-ên, Giê-rê-mi, và các tiên tri đều phải chịu thách thức trong thời của họ. Chân lý phải luôn luôn được thử nghiệm qua cuộc đời và uy quyền của người đem đến sứ điệp cũng như những lời của người. Tuy nhiên, một khi sứ điệp nầy đã được thử nghiệm và được chấp nhận,đức tin sẽ xuất hiện. Grudem nói rằng: Nếu vị tiên tri công bố là đang nói ra lời của Đức Chúa Trời, một hình thức lượng giá khác sẽ xảy ra. Chỉ có hai khả năng xảy ra, và không có vị trí ở giữa. Câu hỏi sẽ là: “Có phải đây là những lời của Đức Chúa Trời? Nếu phải, tôi phải vâng phục. Nếu không, vị tiên tri nầy không đến từ Đức Chúa Trời và phải bị giết đi”(Phu 18:20). Một khi những lời của người ấy được chấp nhận (không nhất thiết phải bằng cách nào) là lời của Đức Chúa Trời, chúng sẽ vượt qua được những thách thức và nghi vấn.
Mức độ thứ nhất của lời tiên tri chỉ thuộc về Kinh thánh, là những điều được soi dẫn và có uy quyền. Nó chỉ xảy ra cho những tác giả Cựu ước và Tân ước. Loại tiên tri nầy không còn cần đến nữa bởi vì lời mặc khải được viết ra của Đức Chúa Trời cho con người đã trọn vẹn. Giăng cảnh cáo rằng không ai được thêm vào hoặc bớt đi điều gì trong sách tiên tri của ông (Kh 22:19), một lời cảnh cáo có thể được áp dụng cho toàn bộ Kinh thánh (ITi 3:16). Các sứ đồ và các tiên tri lập nên nền tảng của Hội thánh (Eph 2:20)không có nữa; Sự mặc khải trọn vẹn trong Đức Chúa Giê-xu Christ đã đến (He 1:1-2).
Mức độ thứ hai của lời tiên tri là điều được Phao-lô bàn luận trong 1Côrinhtô và là điều chúng ta đối diện ngày hôm nay. Đó là lời tiên tri mà mọi tín hữu đều có thể tham gia - bao gồm cả sự lượng giá. Những lời tiên tri của A-ga-bút và những người khác nói về việc Phao-lô bị bắt tại thành Giêrusalem đã phải được kiểm chứng.
Sự hướng dẫn cho Hội thánh ngày nấy phải giống như sự hướng dẫn trong thời kỳ Tân ước. Tín hữu không còn phải tìm cách đem con người trở lại với luật pháp Môi-se nữa, nhưng dẫn họ đến với Đấng Christ phục sanh và với các lẽ thật của vương quốc trong Đấng Christ. Căn bản cho sự thử nghiệm là cả hai giao ước, toàn bộ Kinh thánh, và sự nhạy bén của tất cả những con người tiên tri của Đức Chúa Trời. Ân tứ lời tiên tri nói cho cả tín hữu và người chưa tin. Nó có chức năng khuyên răn và tiên báo. Một số Cơ Đốc nhân có những chức vụ tiên tri quyền năng đặc biệt, mặc dầu không nhất thiết phải chính thức hóa như một chức vụ. Ngày nay không ai viết Kinh thánh bởi vì những sứ đồ của thế kỷ đầu tiên không còn nữa để lượng giá và chấp nhận những bản văn như vậy. Mọi lời tiên tri đều cần được kiểm chứng.

GIÁO SĨ

Chức vụ giáo sĩ không được kể đến trong ICo 12 trừ khi người ấy đáp ứng với vai trò của một giáo sư lưu động. Về căn bản,giáo sĩ là người công bố phúc âm cho tội nhân. Những tác giả các sách Tin lành được gọi là những giáo sĩ bởi vì họ công bố Tin lành. Mặc dầu tất cả tín hữu đều là những chứng nhân, không phải ai cũng có ân tứ giáo sĩ. A-pô-lô là một giáo sĩ-giáo sư lưu động đầy quyền năng trong Kinh thánh. Ê-pháp-ra là giáo sĩ của vùng Lycus Valley, đi tiên phong đến những Hội thánh tại Côlôse và Lao-đi-xê.Trưởng lão Philíp trở thành một giáo sĩ, thực hiện cả công tác truyền giáo cá nhân và công cọng.
Giáo sĩ là người mang một chức năng hai hhía cạnh: thứ nhất, thúc đẩy các thánh đồ trong công tác truyền giáo và, thứ hai, phát huy phương pháp vươn đến những người hư mất bên ngoài Hội thánh.Không giống như các sứ đồ, những người phải chịu trách nhiệm cho Hội thánh nói chung, các giáo sĩ làm việc dưới sự hướng dẫn của những Hội thánh địa phương. Họ chịu trách nhiệm với thân thể địa phương của các tín hữu là những người đã xác nhận sự kêu gọi của họ. Không nhất thiết phải là những người hùng biện, các giáo sĩ cần học biết để trở thành một chuyên gia truyền đạt phúc âm, làm cho lời Kinh thánh trở nên gần gũi và thích hợp với các tội nhân. Mặc dầu sứ đồ có thể làm công việc của giáo sĩ như là một trong các chức năng của mình, vai trò của người giáo sĩ chỉ bó hẹp trong việc truyền bá tin lành.

GIÁO SƯ

Chức vụ của người giáo sư gắn liền với vai trò của mục sư (Eph 4:11). Jerome nói rằng: “Bất cứ ai là một người chăn bầy phải là một giáo sư.” Ngược lại, trong khi không phải mọi giáo sư đều là mục sư, giáo sư cần có tấm lòng của mục sư. Giáo sư dạy dỗ những lẽ thật sâu nhiệm của cuả Kinh thánh, trang bị các thánh đồ cho chức vụ của họ. Người ấy tìm cách phát triển những cá nhân cho sự phục vụ hiệu quả và cho sự trưởng thành trọn vẹn.Người ấy khải đạo, dạy dỗ, khuyên răn, và cũng truyền đạt những điều ấy cho người khác để họ không chỉ nhận lấy sứ điệp nhưng còn trở thành những người rao truyền sứ điệp đó nữa. Mỗi giáo sư trường Chúa nhật và giáo sư Kinh thánh phải là những người phụ tá cùng làm việc với mục sư trong Hội thánh. Trọng tâm của các giao sư là giải nghĩa Lời của Đức Chúa Trời; trọng tâm của các tiên tri là đem đến Lời từ Đức Chúa Trời.
Một số người có thể có cả hai vai trò của tiên tri và giáo sư, như tại An-ti-ốt (Cong 13:1-2). Nhưng giữa hai chức vụ, những sự khác biệt chính yếu vẫn có thể được nhận thấy. Theo Kinh thánh, người tiên tri nói nhiều hơn về một viễn cảnh thuộc về sự mặc khải. Người ấy có thể là một người có học vấn hay không có học vấn. Người ấy nói ra điều mà Đức Chúa Trời đặt vào lòng ông. Sự thách thức cho người ấy là đem dân sự trở lại cùng Đức Chúa Trời.Chức vụ của người ấy có vẻ như có nhiều quyền năng hơn. Ngược lại, người giáo sư là người được ban ơn để làm công tác dạy dỗ giải nghĩa Kinh thánh, cẩn thận xây dựng một lẽ thật nầy trên một lẽ thật khác, tìm kiếm quyền lợi và sự nuôi dưỡng những nhu cầu thuộc linh cho các tín hữu.
Có sự lẫn lộn giữa các vai trò. Những người lãnh đạo cố gắng trở thành tất cả những gì cho mọi người và chỉ là một số ít người. Những ai có những chức vụ khác, những người đúng ra chỉ làm các công tác khác trong Hội thánh, thường cố gắng trở thành những người lãnh đạo hoặc cố gắng làm các chức vụ không được Chúa ban cho họ. Nếu những người có ân tứ ban quyền năng đều làm tốt công tác của họ, đặt để mỗi tín hữu trong chổ thích hợp trong chức vụ của họ, Hội thánh có thể phát huy được toàn bộ tiềm năng của mình.

NHỮNG NGƯỜI CỨU GIÚP VÀ CAI QUẢN

Cứu giúp và cai quản trong 12:28 là những chức vụ được thêm vào của danh sách trong ICo 12:8-10, Ro 12, và Eph 4. Dường như “cứu giúp”chỉ về những người tỏ ra lòng thương xót và lòng tốt đặc biệt đối với những người khác. “Cai quản”ngụ ý về việc đem đến sự hướng dẫn và ý kiến xây dựng cho cọng đồng hoặc một cá nhân. Ralph Martin xem những người sử dụng những ân tứ nầy là những giám mục và những người trông coi. Theo một nghĩa hẹp,chúng có thể được xem là những ân tứ ban quyền năng, chuẩn bị người khác cho những chức vụ to lớn hơn. Tuy nhiên, hai từ ngữ nầy nên hiểu theo nghĩa rộng bởi vì những chức vụ họ thực hành thường nằm ngoài những chức vụ đã được thiết lập và có thể liên hệ đến chức vụ cá nhân của mỗi tín hữu nhiều hơn.

NHỮNG ÂN TỨ TỐT NHẤT?

Bảy câu hỏi tu từ kết luận cho sự bàn luận về việc ban phát các ân tứ (câu 29-31), bởi vì người Hy lạp muốn có những câu trả lời phủ nhận cho mỗi câu hỏi. Một người có thể được sử dụng trong tất cả các ân tứ, nhưng nó không thực tế, khó xảy ra, cũng như sẽ không tốt cho sự cân đối của thân thể Đấng Christ. Đức Chúa Trời ban cho theo ý Ngài muốn. Một người không làm tất cả những công tác của những người khác. Đấng Christ phân phát các ân tứ để đáp ứng với vị trí và chức năng của môt người trong Hội thánh và với chức vụ của một người đối với thế giới.
Câu hỏi then chốt của phân đoạn nầy là:“Những ân tứ những sự ban cho lớn hơn hết”là gì? Câu trả lời dựa trên sự hiểu biết về động từ của tiếng Hy lạp được dịch là “ao ước”(Bản KJ là “tìm kiếm”),trong câu 31. Hầu hết các dịch giả đều chuyển qua thể mệnh lệnh, mạng lịnh của Phao-lô cho người Côrinhtô tìm kiếm những ân tứ lớn lao hơn. Vậy thì, việc Phao-lô liên hệ đến những ân tứ lớn hơn hết (“những ân tứ tốt hơn”Bản Diễn Ý) sẽ là những ân tứ đã kể trên (được sử dụng trong tình yêu thương và được truyền đạt cách rõ ràng) đáp ứng với nhu cầu của hội chúng. Tuy nhiên, quan điểm nầy sẽ xác nhận sự hiện diện của những ân tứ cao trọng hơn và những ân tứ thấp hèn hơn. Trong đoạn văn nầy, những tín hữu Côrinhtô muốn trở thành những sứ đồ,tiên tri, và giáo sư.
Nhưng Phao-lô không lượng giá các ân tứ để cho chúng ta có thể sắp đặt một thứ bậc cho chúng. Ví dụ như, trong những bản so sánh trong 1Côrinhtô (12:8-10) và Ê-phê-sô (4), “lời tiên tri”/ “tiên tri”xếp hàng thứ sáu và thứ hai theo thứ tự . Ông cũng không nói tình yêu thương là một ân tứ cao trọng hơn, như một số người dạy dỗ; từ ngữ “những ân tứ”- số nhiều -và “tình yêu thương”- là số ít.
Hơn nữa, làm thế nào Đức Thánh Linh phân phát các ân tứ theo kế hoạch và quyền tể trị của Ngài (ICo 12:11) nếu chúng ta được dạy rằng hãy tìm kiếm những ân tứ cao trọng hơn? Nếu ân tứ cứu giúp đến trước ân tứ cai quản, có phải tất cả chúng ta phải tìm kiếm chức vụ cứu giúp trước chăng? Nếu vậy, Hội thánh sẽ thiếu xót trong những lãnh vực khác. Mặc dầu chúng ta có thể nói với Đức Chúa Trời những ân tứ chúng ta mong muốn, chúng ta không đủ khả năng để quyết định những ân tứ nào mà Hội thánh chúng ta cần nhất.Những gì mà chúng ta có thể làm là yêu thương, mở lòng, và lớn lên - sẵn sàng để Đức Chúa Trời sử dụng theo ý muốn của Ngài.
Vấn đề trở nên rõ ràng hơn trong sách Côrinhto nhất chương 13 - đây là phương cách mà bởi đó chúng ta sử dụng những ân tứ quan trọng. Các ân tứ tự thân chúng chỉ là những công cụ của chức vụ. Tình yêu thương là trái của Đức Thánh Linh mà bởi đó công cụ được sử dụng cách tốt nhất. Trong Tân ước, tầm vóc thuộc linh không được đo lường bằng các ân tứ. Một người thuộc linh thật chăm sóc những trẻ mồ côi và người góa phụ trong cơn khốn khó của họ, sống thánh khiết, hòa thuận với những anh em yếu đuối hơn, chia xẻ gánh nặng với những người khác, không coi khinh người khác, và phản chiếu ảnh tượng của Đấng Christ. Nói cách khác, người ấy hành động trong tình yêu thương.
Một số nhà chú giải Kinh thánh chứng minh 12:21 là ở thể mệnh lệnh rằng những người Côrinhtô đang kêu gọi lẫn nhau,hơn là Phao-lô kêu gọi họ. Nghĩa là, Phao-lô đang trả lời những câu hỏi của họ qua thư tín nầy: Những câu hỏi về đạo đức (7:2), về thức ăn cúng tế thần tượng (8:1), về các ân tứ thuộc linh (12:1), v.v. Có thể một người (hoặc hơn) trong số họ đưa ra vấn đề những ân tứ cao trọng hơn. Người ấy sẽ hiểu lời Phao-lô viết rằng:“Anh em nói rằng ‘Hãy ước ao những ân tứ cao trọng hơn,’”và giải quyết câu hỏi bằng cách nói rằng những ân tứ cao trọng hơn không phải là vấn đề,nhưng là những ân tứ được sử dụng trong tình yêu thương (12:31 đến 14:1).
Tuy nhiên, điểm khó khăn trong quan điểm nầy là đoạn văng không chứa đựng những dấu hiệu thông thường mà Phao-lô dùng trong thư tín nầy (“luận đến . . . chúng ta biết . . .”) để cho thấy rằng ông đang trả lời các câu hỏi của họ hoặc đang trích dẫn những mạng lịnh của họ. Và thiếu những dấu hiệu như vậy, chúng ta có thể nhận biết lỗi lầm của người Côrinhtô trong những gì Phao-lô viết và xuất phát từ sự diễn dịch theo ý của mình. Vì vậy, quan điểm nầy tạo ra một điểm yếu. Tuy nhiên, sự phong phú của quan điểm nầy sẽ được thấy trong quan điểm kế tiếp.
Những học giả ngày nấy cho rằng động từ “ước ao”hoặc có thể là thể mệnh lệnh, hoặc có thể là thể trình bày. Sự phát âm đều như nhau. Nếu động từ nầy ở thể trình bày, câu nầy có thể được dịch là “anh em đang nhiệt thành mong ước ...”Trong trường hợp nầy, Phao-lô đang lên án người Côrinhtô vì việc mong ước những ân tứ cao trọng hơn khi vấn đề thật là phương cách mà qua đó các ân tứ được quản trị. Đây là mục đích của 14:2 - Họ không nên ích kỷ, nhưng hãy hướng lòng sốt sắng vì những ân tứ của họ vào việc giúp đỡ những người khác. Họ phải thỏa lòng với quyền tể trị của Đức Chúa Trời khi Ngài phân phát các ân tứ để họ có thể làm trọn những mục đích và chương trình của Ngài,chứ không phải bởi lòng ích kỷ đem phô trương những ân tứ của họ hoặc ganh tị với ân tứ của những người khác.
Đồng thời, chữ “ước ao”trong 14:1 rõ ràng ở thể mệnh lệnh, nhưng nó không bao hàm cả từ “tốt hơn”của 12:31. Khi Phao-lô đưa ra mạng lịnh trong 14:1 và trong 14:39, ông khuyến khích Hội thánh ước ao các ân tứ, nhưng không nhất thiết phải là những ân tứ tốt hơn. Vấn đề của Côrinhtô nhất chương 14 là tính dễ hiểu của các ân tứ, không phải là giá trị tương đối của nó.
Sự đa dạng của các ân tứ và Hội thánh trong cương vị là một sự hiệp nhất trong sự đa dạng là những biểu hiện của bản tánh của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sắp đặt mỗi chi thể trong thân trong vị trí thích hợp và ngài cũng hòa trộn những chức vụ và những cá tính chung với nhau. Mọi ân tứ đều quan trọng. Tất cả chúng ta đều quan trọng như nhau. Tất cả chúng ta đều cần đến nhau. Trong khi yếu đuối cũng như trong lúc mạnh mẽ, Cơ Đốc nhân cùng nhau hiệp thành thân thể của Đấng Christ.
Có người nào có tất cả các ân tứ, hay có phải tất cả mọi người đều có cùng một ân tứ? Không. Chúng ta có nên tìm kiếm những ân tứ cao trọng hơn không? Không. chúng ta nên tìm kiếm “đường lối tốt đẹp nhất,”con đường của tình yêu, để bày tỏ các ân tứ ban Đức Chúa Trời ban phát.

Chương 3: ICô-rinh-tô 13

Chương 13 của sách Côrinhtô thứ nhất đưa ra cơ sở đạo đức cho sự tranh luận trong toàn bộ sách thư tín nầy. Tình yêu thương phải là động lực cho tất cả các hành động của Cơ Đốc nhân, hoặc là khi phải đương đầu với các vấn đề luân lý, kiện tụng, kỷ luật trong Hội thánh, sự tự do cá nhân, hoặc các thể thức trong sự thờ phượng. Chúng ta phải thấy được nó tương quan như thế nào với chương 12 và 14. Bởi sự đa dạng của các ân tứ, chức vụ, và các chi thể (ICo 12), Phao-lô đã chỉ ra nhu cầu tình yêu thương trong việc sử dụng các ân tứ (ICo 13). Không ai có tất cả các ân tứ, hoặc thậm chí có trọn vẹn một ân tứ. Con đường tốt hơn không phải là tình yêu trong sự phân biệt các ân tứ, nhưng là tình yêu trong sự sử dụng các ân tứ. Việc các ân tứ nếu không có tình yêu thương sẽ không đem lại hiệu quả được nhấn mạnh trở lại trong các phân đoạn Kinh thánh khác là Ro 12:9-21, và Eph 4:25-32. Đức Thánh Linh qua Phao-lô ban cho chúng ta một “bản nhạc theo thể thơ được sáng tác để ca ngợi ... một số thuộc tính được xem như thần tính.”80 Tình yêu thương là thuộc tính then chốt của bản tánh Đức Chúa Trời trong hành động của Ngài và nó phải là qui tắc cho những hành vi sống của chúng ta.
ICo 13:1-3
Tình Yêu Thương: Phẩm Chất Không Thể Thiếu Được
1Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chỏa vang tiếng. 2Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm và mọi sự hay biết; dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương thì tôi chẳng ra gì. 3Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi.
Những câu Kinh thánh nầy chứa đựng một loạt ba mệnh đề “dầu - thì”. Mặc dầu từ ngữ “thì”không có trong tiếng Hy lạp,nó vẫn được hiểu như vậy. Phao-lô gợi ý rằng một người có thể thể hiện mỗi ân tứ đến mức độ tối đa. Chúng ta thấy điều nầy trong những thành ngữ sau: các thứ tiếng của loài người và thiên sứ, các sự mầu nhiệm và mọi sự hay biết, có cả đức tin.Các ân tứ trong sự sử dụng thông thường là một phần của những biểu hiện của tâm trí Đức Chúa Trời, khi chúng ta tỏ ra một lời khôn ngoan, một lời tri thức, một sự phân biệt các thần, một sự chữa bịnh.
Nếu Phao-lô nói về mức độ tối đa của các ân tứ, thì nói các thứ tiếng là tiếng của loài người. Lu-ca tường thuật lại rằng các thứ tiếng ở lễ Ngũ tuần là tiếng loài người. Phao-lô nói về các thứ tiếng ở Côrinhtô cũng theo cách ấy. Các thứ tiếng có thể được thông dịch và chỉnh sửa,có một giá trị trong chức vụ ân tứ, liên quan đến sự tương giao với Đức Chúa Trời và con người, là một dấu cho những người chưa tin, và được mọi tín hữu ao ước.Những mục đích nầy vượt xa bất cứ điều gì mà những người thờ phượng tà thần thấy được trong những lời nói cuồng loạn của họ (những mục đích mà nó khó có thể phù hợp với niềm tin của một cố nhà chú giải tin rằng Phao-lô đã bỏ qua những kinh nghiệm cuồng loạn do quá khứ ngoại giáo của những tín hữu Côrinhtô.)
“Các thứ tiếng của thiên sứ”có lẽ mô tả một sự tự do hoàn toàn trong sự tương giao với Đức Chúa Trời. Thuyết tận thế tại Côrinhtô đã khiến một số tín hữu tin rằng họ đã đạt đến chổ tầm vóc thuộc linh.Vì vậy, họ phủ nhận nhu cầu về sự sống lại của thân thể (ICo 15), khuyến khích tránh tình dục trong hôn nhân (ICo 7), ăn tiệc tại những đền thờ tà thần (ICo 8-10), coi khinh một số tín hữu của Hội thánh trong lễ Tiệc thánh (ICo 11),vàvì vậy đã gây nên tinh thần phe đảng bởi cớ họ cho rằng mình cao trọng hơn (ICo 3).
Câu trả lời của Phao-lô ấy là tầm vóc thuộc linh không được đo lường bằng các ân tứ, nhưng bằng tình yêu thương.Chương 13 không phải là một đoạn thơ lạc đề nói về tình yêu; nó là một sự chữa trị cho tình hình tại Côrinhtô.
Nếu không có tình yêu thương, chức vụ chỉ đem lại những kết quả tiêu cực: Người nói các thứ tiếng nếu không có tình yêu thương chỉ đem đến chiếc vòng rỗng (13:1). Có được ân tứ tiên tri, tri thức,và đức tin trong sự trọn vẹn của chúng không làm cho giá trị thật của chúng ta tăng lên trước mặt Đức Chúa Trời (13:2). Ban cho tất cả mọi điều mình có mà động cơ không phải là tình yêu thương sẽ chẳng đem lại phước hạnh nào từ Đức Chúa Trời (13:3). Nhiều cuốn sách đã viết về ý nghĩa của tình yêu mặc dầu (agpe). Ý nghĩa của từ ngữ nầy không có trong chính tiếng Hy lạp. Nó được dùng rất ít trước bản dịch Bảy Mươi và trong thời Tân ước. Sự chết hy sinh của Chúa Giê-xu đem ý nghĩa đến cho từ ngữ nầy. Agape là tình yêu sáng tạo, có mục đích, ban cho và vô vị kỷ của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Ngài yêu chúng ta, không phải vì chúng ta ra gì, nhưng bởi sự dư dật của bản tánh Ngài. Cơ Đốc nhân phải phản chiếu tình yêu nầy cho thế gian. Chúng ta yêu những người khác, không phải vì họ đáng yêu, nhưng bởi tình yêu thương của Đấng Christ ở trong chúng ta.
Sự bàn luận hiện nay của Cơ Đốc nhân về tình yêu thương xoay quanh ý nghĩa của đại mạng lịnh thứ hai. Yêu người lân cận như mình có nghĩa gì? Môn tâm lý học về con người nhấn mạnh rằng phải yêu bản thân trước khi một người có thể yêu người khác. Cơ Đốc nhân phải thấy được sự ích kỷ khả thi trong phương pháp nầy. Ý kiến nầy đúng khi cho rằng từ cơ sở của sự tự tôn trọng lành mạnh chúng ta có thể vươn đến với những người khác. Nhưng nếu chủ nghĩa nhân đạo nhấn mạnh trên sự thực nghiệm bản thân và sự thực hóa bản thân đến chổ quan trọng nhất, chúng ta lạc mất sự nhấn mạnh của Kinh thánh trên sự phục vụ người khác và sự hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời. Viễn cảnh của Tân ước ấy là trong việc yêu thương những người lân cận, chúng ta đang yêu thương chính mình. Chúng ta được làm cho trọn vẹn trong những mối liên hệ không vị kỷ. Đây không phải là loại tình yêu nhục dục, ích kỷ, loại tình yêu có thể được diễn tả qua từ ngữ eros (từ Hy lạp cổ = tình yêu xác thịt). Anders Nygren chỉ ra một sự khác biệt không thể hòa hợp nhau được giữa eros và agape:
Tình yêu xác thịt là một sự ham muốn;tình yêu mặc dầu là một sự ban cho hy sinh. Tình yêu xác thịt là hướng lên,tình yêu mặc dầu là hướng xuống. Tình yêu đầu là cách của con người đối với Đức Chúa Trời; tình yêu thứ hai là cách của Đức Chúa Trời đối với con người. Tình yêu xác thịt là sự tự kỷ trung tâm, cho dù có sự tự khẳng định cao thượng; tình yêu mặc dầu là tình yêu từ bỏ mình, không ích kỷ. Tình yêu xác thịt tìm cách đạt được sự sống đời đời; tình yêu mặc dầu sống sự sống của Đức Chúa Trời và sẵn sàng từ bỏ sự sống của nó cho những người thương yêu.
Trong sách Côrinhtô thứ nhất chương 13, tình yêu agape được đặt trong văn cảnh của phương pháp sử dụng các ân tứ (13:1-3), một sự phụ thuộc lẫn nhau trong Thân thể (13:9 - nếu sự chia xẻ ân tứ của chúng ta mới là “một phần”Bản RSV: “chưa trọn vẹn”thì không ai có trọn các ân tứ; vì vậy, chúng ta cần có sự chia xẻ của những thành viên khác), một sự tập trung trên sự quan trọng của những người khác (13:4-7),ngày phán xét cuối cùng (13:10,12), và sự tạm thời của mọi vật trừ tình yêu thương (13:8-13).
Ba lãnh vực ân tứ trong ICo 12:8-10 được trình bày trong 13:1-3: giảng dạy (sự mầu nhiệm và sự hay biết), chức vụ (tiên tri, đức tin, ban cho, tử đạo), và thờ phượng (các thứ tiếng). (Cũng vậy, những lãnh vực bổ xung thuộc các ân tứ quyền năng, khải thị, và lời nói có thể được trình bày ở đây.)
Từ ngữ “gong”(chalkos)(được dịch là “đồng”trong bản tiếng Việt) có thể chỉ về một số kim loại như vàng, bạc, đồng, nhưng không có chứng cứ về từ ngữ nầy được sử dụng để diễn tả một công cụ của sự thờ phượng trước khi Phao-lô dùng từ nầy. Từ ngữ nầy được các giáo phụ của Hội thánh đầu tiên sử dụng để mô tả các chất liệu dùng để chế tạo các thần tượng. Và một số dạng của từ ngữ nầy được tìm thấy trong những đoạn văn mô tả sự thờ phượng tà thần.Mặc dầu vậy, từ nầy rất tối nghĩa. Chập chỏa là một dụng cụ dùng để gõ phát ra tiếng rất lớn được dùng trong sự thờ phượng trong đền thờ của người Giu-đa.89 Trong những lễ nghi ngoại giáo, chúng được dùng để “kích động những người thờ phượng”
Nhưng thậm chí khi các ân tứ được sử dụng đến mức độ tối đa của chúng, chúng không diễn tả tầm vóc thuộc linh hay sự xứng đáng của các cá nhân tham gia. Con người chỉ là những dụng cụ. Tình yêu thương là đạo đức và động cơ của những con người thuộc linh thật.
“Sự mầu nhiệm”trong Tân ước chủ yếu chỉ về những gì một thời đã bị giấu kín và bây giờ được bày ra trong Đấng Christ. Sự mầu nhiệm vĩ đại nhất ấy là sự mầu nhiệm của sự cứu chuộc và phương cách Đấng Christ làm trọn ý muốn của Ngài qua Hội thánh. Sự sử dụng từ ngữ “sự mầu nhiệm”của Phao-lô rõ ràng khác với những điều huyền bí mà chỉ có những người tham gia trong các nghi lễ tà thần huyền bí mới biết. Mọi chi thể trong thân thể Đấng Christ đều có thể biết và hiểu được những sự mầu nhiệm nầy. Tuy nhiên, không ai trong chúng ta hiểu tất cả các sự mầu nhiệm. Chúng “là những điều bí mật, những điều con người không thể khám phá được bởi lý luận của con người, là những điều chỉ có sự mặc khải thiên thượng mới có thể tỏ ra. Và ân tứ tiên tri là ân tứ khải thị mà bởi đó những sự mầu nhiệm như vậy được truyền đạt; xem 14:30. Tất cả những sự mầu nhiệm . . . chỉ về mọi mục đích bí mật của Đức Chúa Trời liên quan đến sự cứu rỗi.”
Việc Phao-lô trưng dẫn “đức tin có thể dời núi”trong 13:2 (xem Mat 17:20-21; Mac 11:25) và sự bố thí kẻ nghèo trong 13:3 (xem Mat 19:21; Lu 12:33) cho thấy ông rất gần gũi với sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu. Có thể nói rằng Đức Chúa Giê-xu Christ là trung tâm của chương Kinh thánh nầy. Ngài đem đến cho từ ngữ agape ý nghĩa của nó bằng cách chịu treo trên Thập tự giá. Chúng ta có thể viết chữ “Đấng Christ”vào chổ của chữ “tình yêu thương”trong chương nầy mà không lạc mất ý nghĩa.
Đặc tính kiên nhẫn của Đức Chúa Trời đối với một dân tộc cứng lòng trong Cựu ước được lặp lại trong ICo 13:4. Chỉ có tình yêu thương của Ngài không bao giờ hư mất. Chỉ một mình Ngài biết rõ mọi việc.Tình yêu thương là bản tính đời đời của Đức Chúa Trời.
Ân tứ bố thí là một ân tứ bổ sung trong danh sách các ân tứ (13:3). Nếu Phao-lô không trưng dẫn nó như là một ân tứ ở đây, tại sao ông lại sùng nó như một ví dụ? Câu Kinh thánh nầy có thể được giải thích: “Nếu tôi chia tất cả thức ăn của tôi thành những phần nhỏ rồi cẩn thận đặt chúng vào miệng của những người nghèo nhưng không có tình yêu thương, thì chẳng ích lợi gì cho tôi.”Các Ra-bi thường dạy rất nhiều về việc bố thí cho kẻ nghèo, nhưng họ lại không được phép bố thí quá hai mươi phần trăm tài sản của họ trong một năm. Chúa Giê-xu nói về việc bán gia tài của một người để phân phát cho kẻ nghèo. Nhưng ở đây Phao-lô lại nhấn mạnh trên hình ảnh minh họa của ông:Đôi khi các Cơ Đốc nhân sau thế kỷ thứ nhất tự bán mình làm nô lệ để đáp ứng nhu cầu của kẻ nghèo.
Một câu hỏi có thể được đặt ra qua nguyên bản là trong câu “bỏ thân mình để chịu đốt/để tôi có thể tự hào”(Bản NASB và phần ghi chú): Trong tiếng Hy lạp, một khi đọc hơi khác thì từ ngữ nầy hoặc sẽ là “chịu đốt”hoặc “tự hào”. Nếu từ ngữ nầy là “tự hào”, thì có lẽ người chia xẻ ân tứ có một động cơ sai lầm về việc lôi kéo sự chú ý cho mình và tìm mối lợi cho riêng mình. Nhưng đối với Phao-lô, tự hào (khoe mình) không nhất thiết là một hành động tiêu cực. Ông nói về những người cải đạo như là niềm tự hào của ông trong ngày của Chúa (IICo 1:14 BDY), “mão triều thiên vinh hiển của chúng tôi”(ITe 2:19). Tuy nhiên, từ ngữ “chịu đốt”dường như thích hợp hơn so với ý nghĩa của sự tranh luận và làm cho câu văn trở nên mạnh mẽ hơn. Sự chống đối cho cách đọc nầy ấy là vào thời kỳ viết thư tín 1Côrinhtô, Hội thánh chưa phải chịu sự tuận đạo bằng cách hỏa thiêu. Và có thể Phao-lô không nói đến sự tuận đạo. Ông chỉ đơn giản nói rằng: “ngay cả khi tôi hy sinh mạng sống mình bằng những cái chết đau đớn nhất, nhưng nếu không có tình yêu thương, thì tôi chẳng được ích lợi gì.”Cho dù được đọc theo cách nào đi nữa, điểm chính và kết quả đều như nhau.
ICo 13:4-7
Tình Yêu Thương Buông Tha!
4Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kêu ngạo, 5  chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, cẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự giữ, 6chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. 7 Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự.
Trong khổ thơ thứ hai nầy, cả 15 động từ vẽ lên một hành động liên tục. Một số động từ diễn tả thái độ, số khác diễn tả sự liên quan tích cực thay cho những người khác. Tình yêu thương là một lối sống phản chiếu bản tánh và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Nó không phải là một hành vi thương xót trong nhất thời. (Trong bản tiếng Anh NIV, ICo 13:7 là “luôn luôn dung thứ mọi sự, luôn luôn tin mọi sự, luôn luôn trông cậy mọi sự, luôn luôn nín chịu mọi sự.”) Phao-lô sử dụng từ ngữ “luôn luôn”bốn lần để diễn tả một tình yêu thương liên tục. Trong đoạn văn nầy, tình yêu thương được hướng đến những mối liên hệ theo chiều ngang. Hãy lưu ý cách chia cụm các câu thành năm nhóm của Bản NIV, điều nầy nối kết những ý tưởng chính với nhau.
Đây không chỉ là một lời độc thoại êm tai của tình yêu thương. Phao-lô chống đối nan đề của người Côrinhtô phát xuất bởi lòng kiêu ngạo. Nó gây nên sự chia rẽ trong vòng họ và sự chống nghịch với Phao-lô. Câu trả lời duy nhất sẽ dành cho mỗi Cơ Đốc nhân bày tỏ ảnh tượng của Đấng Christ.
Hai từ ngữ cho chữ “nhẫn nhục”được dùng ở đầu và cuối đoạn thơ nầy. Từ đầu tiên, makrothumia, chỉ về một khả năng để nhịn nhục bền bĩ với những người luôn làm điều sai quấy với bạn. Nó nói lên một tính khí trầm tỉnh. Cơ Đốc nhân phải kiểm soát tính khí của mình và để thời gian để hiểu những người khác. Chúng ta nhịn nhục để xác định điều gì là tốt nhất cho người khác cũng như điều gì là tốt nhất cho chúng ta; và dĩ nhiên, Đức Chúa Trời luôn nhịn nhục với chúng ta. Từ ngữ thứ hai là hupomones, được dịch là “nín chịu.”Nó có nghĩa là kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh, chịu đựng những gánh nặng. Chúng ta cần phải nhẫn nhục với cả con người và hoàn cảnh.
Những hoàn cảnh không thuận lợi và những con người chống nghịch là điều không thể tránh khỏi, nhưng cách chúng ta đối diện chúng được xác định bởi tình yêu thương trong chúng ta. Tình yêu ích kỷ sẽ tìm kiếm sự dễ dàng và thuận tiện. Tuy nhiên, lẫn tránh sự chịu đựng có thể là một giải pháp không khôn ngoan. Smedes nói rằng: “Khi tôi chấm dứt sự chịu đựng vì cớ niềm vui của tôi, là tôi đã chấm dứt quá sớm.” Tình yêu của Đức Chúa Trời thách thức chúng ta đương đầu với nó. Mặc khác, nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng chấp nhận những điều gian ác và những sự khổ đau như là ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc đời chúng ta. Chúng ta phải ghét bỏ những điều gian ác,những bịnh tật, những thương tổn bên trong chúng ta. Nín chịu không có nghĩa là trốn chạy hay thối lui, nhưng là giải quyết nan đề trong Đấng Christ.
Tình yêu thương bày tỏ sự nhơn từ (Chresteuetai). Thay vì dùng một tính từ như trong Ga 5:22-23 (Chrestores),Phao-lô sử dụng một động từ chủ động để diễn tả khía cạnh nầy của trái Thánh Linh. Tình yêu thương thực tế vươn đến với những người khác. Cơ Đốc nhân của Hội thánh Đầu tiên nhận biết mối liên hệ giữa từ ngữ nầy (Chresteuetai) và Christ (Christos), là Đấng mà bản tính của Ngài là bày tỏ lòng nhơn từ.100 Hành động vĩ đại nhất của lòng nhơn từ của Chúa Giê-xu được thực hiện ở đồi Gôgôtha. Lòng nhơn từ là một hành động một chiều, không đòi hỏi phần thưởng hay sự đáp ứng từ phía người khác. Nó xuất phát từ một thiên hướng tốt lành.
Sự nhơn từ tìm kiếm sự cứu chuộc và phục hòa (Ro 2:4). Chúng ta không nói đến sự nhơn từ ngoài mặt ở đây. Điều mà có vẻ như nhơn từ có thể là một sự dễ dãi, bỏ qua vấn đề. Sự nhơn từ thật có thể đòi hỏi sự ăn năn của người khác hoặc sự cứng rắn trong một tình huống nào đó. Lòng nhơn từ tìm cách đem lại điều tốt lành lâu bền cho người khác. Như thể người giải hòa tìm kiếm sự hòa bình lâu dài chứ không phải một sự an ổn tạm thời, người có lòng nhơn từ ao ước những gì Đấng Christ ao ước cho người khác.
ICo 13:4 nói về sự ghen tị, khoe mình,và kiêu ngạo. Chúng được nối kết cố định với nhau. Ghen tị có nghĩa là dùng sự sốt sắng vì những lý do ích kỷ. Người Côrinhtô sốt sắng các ân tứ (ICo 12:31;14:1,12). Sự sốt sắng không sai trật khi động cơ là tình yêu, nhưng khi sự ao ước sự ca ngợi cá nhân hiện diện, lòng ghen tị là kết quả. Chúng ta nên vui mừng khi những người khác được Đức Chúa Trời sử dụng. Thật ra, chúng ta nên hớn hở khi những người khác vựơt lên trên chúng ta trong sự phát triển của họ. Điều nầy có nghĩa là họ đang được kỷ luật để hoàn thành công tác của Đức Chúa Trời và được giải phóng để tìm thấy khả năng trọn vẹn của họ trong Đấng Christ.
Tình yêu thương không lôi kéo sự chú ý về phía người bày tỏ ân tứ hay về phía bản thân ân tứ. Mục tiêu là xây dựng thân thể của Đấng Christ và khích lệ những hành động thay đổi đời sống. Ngược với mục tiêu yêu thương nầy là thái độ “kiêu ngạo”(NIV), hoặc “tự cao tự đại”(KJ); điều nầy mô tả sự kiêu căng của một người dựa trên việc tự cho mình là tôn trọng hơn những người khác. Tại Côrinhtô họ chia rẽ với nhau và chống đối Phao-lô. Một số người khoe khoang rằng họ có những khả tượng và tri thức sâu sắc hơn. Lòng kiêu ngạo khiến họ tự cao tự đại.
C. S. Lewis khi nói về lòng kiêu ngạo như là “tranh đua cách quyết liệt”và dẫn đến “mọi thứ gian ác khác,”đã gọi lòng kiêu ngạo là Tội Cực Ác.102 Từ khi con người trong Vườn Ê-đen đã nhượng bộ sự cám dỗ của Satan rằng “hai ngươi ...sẽ trở nên giống như Đức Chúa Trời”(Sa 3:5). Thậm chí một triết gia vô thần người Pháp, ông Jean-paul Sartre chỉ ra rằng sự điên dại nhất của con người là cố gắng để trở thành Đức Chúa Trời.103 Kiêu ngạo thật sự là một nan đề của sự bất an. Đó là điều đẩy một người đến chổ ghen tị với những gì người khác có và nhấc mình lên. Một con người an bình không cần tự ca ngợi mình. Đấng Christ sẽ nhấc người ấy lên vào thời điểm thích hợp. Mặc khác, Đấng Christ đã sẵn sàng từ bỏ mình đi. Trong sự an bình bởi biết mình bằng với Cha, Ngài đã sẵn sàng chiụ sĩ nhục thay cho chúng ta (Phi 2:5-11). Tình yêu xác thịt có khuynh hướng giữ lại cho mình, tình yêu mặc dầu dẫn đến sự bỏ mình.
Ba đặc tính nữa của tín hữu Côrinhtô được kể trong 13:5 - làm điều trái phép, kiếm tư lợi, nóng giận (khiếm nhã, vị kỷ,nhạy giận BDY). Khiếm nhã là nói lên một sự không nhạy bén với người khác, một hành vi đáng xấu hổ. Khiếm nhã cứ khăng khăng cho rằng mình đúng còn những người khác thì sai. Tình yêu thương phải lưu tâm đến tình cảm của những người khác và lòng tự trọng của họ. Dự bàn tiệc của Chúa cách không xứng đáng, ăn mặc không thích hợp, phô trương mức độ sốt sắng cao hơn, đưa ra những quyền lợi cá nhân,và đáp lại điều xấu từ những người khác trong sự giận dữ là những nan đề cần phải đương đầu.
Tình yêu thương không vị kỷ. Phao-lô nói rằng: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”(Phi 2:3-4).Những ai trông cậy và người khác như là một phương tiện cho những nhu cầu của họ sẽ dễ dàng nản lòng; thay vì phải thực hành sự tha thứ, họ cố chấp và trách móc.
Tuy nhiên, mục đích của người tín hữu phải là những gì có lợi cho người khác và cho vương quốc của Đức Chúa Trời,ngay cả đôi khi người ấy phải chịu thương tổn. Người ấy phải luôn xem người khác là những người đã được Chúa Giê-xu cứu chuộc. Người tín hữu phải sẵn sàng chịu thiệt thòi, ngay cả phải chịu mất mát, nếu điều đó đem lại lợi ích tốt lành hơn cho vương quốc của Đức Chúa Trời.104 Mặc dầu con người tự nhiên là muốn được người khác xem là mình đúng, người ấy phải quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về Đức Chúa Trời, không phải vì thanh danh nhỏ nhoi của mình. Danh xưng và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời mới là vấn đề. Cơ Đốc nhân phải học biết phân biệt điều gì làm tổn thương cá nhân mình và điều gì làm tổn thương đến duyên cớ của Đấng Christ. Chúa Giê-xu nói rằng mọi điều ác nói phạm đến Ngài có thể được tha, nhưng với Đức Thánh Linh thì không. Nếu một người cố ý chối bỏ Đức Thánh Linh và phủ nhận tất cả những điều tốt lành, thánh khiết và công bình, người ấy đã đánh mất sự cứu rỗi cho mình. Chúa Giê-xu không nghĩ đến sự minh oan cho Ngài nhưng đến sự cứu rỗi cho con người.
Mặc dầu chúng ta không vị kỷ, chúng ta cũng không xem thường mình. Một người có nhận thức bản thân cách hời hợt sẽ tìm kiếm sự thương hại, ưu thế, sự chú ý, hoặc hành động cách lười biếng, mặc dầu người ấy có thể đi xa hơn cái lối sống từ bỏ mình nầy. Biết chúng ta là ai trong Đấng Christ buông tha chúng ta tự do đến với Đức Chúa Trời, với người lân cận, và với bản thân trong nghĩa đời đời. Nhơn từ và khiêm nhượng buông tha chúng ta để chúng ta tự do đến với khả năng được Đức Chúa Trời xức dầu để phục vụ của chúng ta. Chúng ta không cần phải phung phí thì giờ và sức lực để ca ngợi mình và bảo vệ địa vị của mình.
Kêu ngạo và vị kỷ sẽ trở thành những vấn đề nhỏ nhoi nếu chúng ta nhận biết chúng ta là ai trong con mắt của Đức Chúa Trời.Sau nhiều năm chức vụ, Phao-lô truyền đạt sự hiểu biết của mình trong các thư tín gởi cho các mục sư. Một trong những điều quan trọng nhất là lời đầu tiên trong năm “lời nói đáng đem lòng tin cậy”được tìm thấy trong các thư tín nầy:
“Đức Chúa Giê-xu Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó, ta là đầu. Nhưng ta đã đội ơn thương xót, hầu cho Đức Chúa Giê-xu Christ tỏ mọi sự nhịn nhục của Ngài ra trong ta là kẻ làm đầu,để dùng ta làm gương cho những kẻ sẽ tin Ngài được sự sống đời đời”(ITi 1:15-16).
Phao-lô không nói rằng ông cứ tiếp tục sống trong tội lỗi. Nhưng càng đến gần Đức Chúa Trời, ông càng nhận thấy mình có tội. Trong việc nhận biết bản chất tội lỗi của mình ông có thể nhận biết được ân điển của Đức Chúa Trời. Đây là sự buông tha cho chức vụ. Một số người có thể phản đối điều nầy, nói rằng chúng ta không còn là những tội nhân nhưng là những thánh nhân. Đúng, chúng ta đã được biệt riêng và được thánh hóa để phục vụ Ngài. Nhưng đối với Phao-lô, một thánh nhân là một tội nhân được cứu cách kỳ diệu.Ông đặt trọn cuộc đời mình trên ân điển của Đức Chúa Trời.
Một người dễ nóng giận là người cảm thấy thế giới ngược đãi mình, không chấp nhận mình. Người ấy tìm cách bảo vệ những điều mình có, phải chịu một sự cây đắng bên trong. Ý nghĩ về một sự không hoàn thành gây cho nản lòng ẩn náu bên trong. Mọi người trở thành kẻ thù của người ấy.Mặc khác, Cơ Đốc nhân đứng trên một nền tảng vững chắc, vươn đến những người khác, biết rằng Đức Chúa Trời đang bênh vực mình và không ai có thể làm hại mình. Thậm chí người ấy cũng biết rằng kẻ thù của mình cũng có nhu cầu và cần được yêu thương. Đức Chúa Trời có thể dùng những hành động của kẻ thù để ban năng lực cho tín hữu. Archimedes nói rằng nếu ông có một điểm tựa ở ngoài trái đất, ông có thể nâng cả trái đất lên bằng cái đòn bẩy. Điều nầy có thể là bất khả thi đối với khoa học, nhưng lại là điều khả thi thuộc linh: Chúng ta có một điểm tựa vững vàng trong Đức Chúa Giê-xu Christ; với quyền năng của Đức Chúa Trời trên các nan đề, chúng ta có thể lay động cả thế giới của chúng ta.
Một số người, bởi một nên văn hóa, một hoàn cảnh gia đình, những căng thẳng trong cuộc sống, hoặc do cấu tạo tâm sinh lý, rất dễ dàng nóng giận. Đức Chúa Trời biết rõ mọi cảm xúc của chúng ta,nhưng Ngài vẫn yêu thương chúng ta. Chúng ta có thể dâng sự nóng giận của mình cho Đức Chúa Trời và bắt đầu trưởng thành trong tình yêu. Phao-lô là người rất thực tế: ông không nói rằng chúng ta không dễ dàng nóng giận, nhưng rằng tình yêu thương không dễ dàng nóng giận. Một người đã nói rằng: “Tình yêu của Đức Chúa Trời sẽ không dẫn bạn đến nơi mà ân điển của Ngài không gìn giữ được bạn.”Đức Chúa Trời có thể gìn giữ con cái Ngài trong cảm xúc cho dù có điều gì xảy ra chăng nữa.
Tình yêu thương không chấp trách. Câu Kinh thánh dường như phản chiếu Xa 8:17 “Chớ toan sự dữ trong lòng nghịch cùng kẻ lân cận.”Từ ngữ logizetai có nghĩa là tính toán cách cẩn thận.Nhưng cố chấp chỉ khiến chúng ta trở thành những con người nhỏ mọn mà thôi.
Mặc khác, một số người nói liến thoắng về sự tha thứ và sự quên. Tuy nhiên, ngoài tính không thực tế, lời khuyên đó về mặt tâm lý không thể thực hiện được. Thay vì cố chấp, tìm cách đạt đến sự hiểu biết sâu sắc hơn sẽ có thể giúp đỡ một người nhận thấy được những động cơ tốt của người kia, là điều rất có ích lợi. Và thậm chí khi động cơ là xấu, thì ân điển của Đức Chúa Trời có thể giúp đỡ chúng ta vượt qua nó. Chính trên căn bản của sự hiểu biết sâu sắc hơn, sự tương giao rõ ràng hơn, và trên ân điển của Đức Chúa Trời mà chúng ta có thể thật sự tha thứ. Và khi được giải quyết cách đúng đắn,sự hiểu lầm hoặc sự thương tổn có thể trở thành mối tương quan và tình yêu sâu sắc hơn giữa những người đã từng làm buồn nhau.
Mặc dầu mục đích là sự tha thứ và sự giải hòa, điều gì sẽ xảy ra nếu điều đó là không thể? Chúng ta sẽ che dấu sự thương tổn chăng? Không, chúng ta phải học hỏi qua nó. Dầu cố tình hay vô tình chúng ta bị làm buồn, Đấng Christ cũng có thể đem lại lợi ích cho chúng ta. Thật sự,Ngài có thể dùng việc ác của những người khác để phát triển đặc tính Cơ Đốc trong chúng ta. Cuối cùng chúng ta sẽ thấy được ích lợi của hoàn cảnh đau đớn.Và nếu chúng ta từ chối sống trong nỗi đau của quá khứ, rồi thì chúng ta sẽ được tự do để sống trong hiện tại và cho tương lai. Đây là một hành động của hồn,trí, và ý chí để chọn lấy phương cách của Đức Chúa Trời
hơn là nghe theo cảm xúc của chúng ta.Charles Kingsley Barrett nói: “Vậy thì tình yêu thương sẽ làm gì với điều ác?Câu trả lời cuối cùng phải là nó sẽ mang lấy điều ác đó, và như vậy tình yêu loại bỏ được điều ác đó.” Chúng ta phải hành động như Đức Chúa Trời đã hành động: “...trong Đấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài, chẳng kể tội lỗi cho loài người”(IICo 5:19).
Nỗi đau là điều không thể tránh khỏi.Thay vì lẫn tránh nó, vấn đề là phải giải quyết nó như thế nào. Chấp trách không phải là phương cách giải quyết. Nó khiến cho một người nghi ngờ, khép mình lại, và thù hận.
Câu 6 nói: “Tình yêu thương chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật.”Đó là một thú vui lệch lạc khi chúng ta vui trong việc suy nghĩ rằng chúng ta là cao trọng hơn, hoặc rằng bằng cách phê phán những người khác chúng ta làm ra vẻ mình tốt hơn. Mỗi người đều có những điểm mạnh và những điểm yếu. Chúng ta nhìn thấy những thiếu xót trong những người khác bởi vì chúng ta muốn như vậy. Đôi khi chúng ta vui mừng vì người khác gặp tai họa. Chúng ta nghĩ rằnghọ phải chịu đau khổ bởi vì họ phạm tội. Nhưng tình yêu thương không vui vì những thiếu xót, lỗi lầm, việc xấu xa,những điều không công bình hay tai họa của những người khác.
Mặc khác, vấn đề của điều đúng và điều sai, điều lành và điều dữ, vẫn tồn tại. Khi chúng ta chấp nhận điều dữ, hoặc cố gắng sống hòa bình với nó, chúng ta sẽ vui mừng trong điều dữ. Cuối cùng, điều ác và điều thiện liên quan đến lợi ích giữa ma quỉ và Đức Chúa Trời. Ngược với điều ác là điều thiện. Ngoài Đức Chúa Trời không ai là thiện. Điều ác phải được thay thế không bởi điều gì khác hơn là uy quyền và sự hiện diện của Đức Chúa Trời.Thi 1 cho thấy rõ sự đối nghịch nầy. Chúng ta có thể chọn đường lối của kẻ ác,hoặc chọn sự vui mừng trong luật pháp của Chúa.
Đức Chúa Giê-xu là chân lý. Sự vui mừng của chúng ta là trong chân lý trọn vẹn của Đức Chúa Trời, ngay cả khi chúng ta nhận thấy mình sai lầm trong một vấn đề nào đó. Lẽ thật hơn các sự kiện. Bởi sự kiện mà chúng ta có thể chứng tỏ mình đúng. Lẽ thật của Đấng Christ sẽ thay đổi đời sống của chúng ta, giúp cho chúng ta tha thứ, và khích lệ chúng ta mong ước Đấng Christ ban phước cho những người khác. Lẽ thật buông tha chúng ta (Gi 8:32). Cơ Đốc nhân chờ đợi ngày mà lẽ thật của Ngài được bày tỏ, điều ác bị đánh bại, và Đức Chúa Trời được vinh hiển trên mọi sự.
Phao-lô đặt để lẽ thật với tình yêu.Trong Eph 4:15 ông khích lệ những độc giả của ông “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chơn thật”. Tình yêu nếu không có chân lý sẽ dẫn đến sự dễ dãi. Chân lý nếu không có tình yêu sẽ trở nên cứng nhắc. Chúng ta cần lẽ thật trong tình yêu cho sự chữa lành và sự phục hòa. Chúng ta cần tình yêu trong lẽ thật cho sự gây dựng. Bởi vì Chúa Giê-xu là chân lý nên Ngài là tiêu chuẩn để thử nghiệm tình yêu. Do Ngài đã chết trên Thập giá, Ngài là gương mẫu về thế nào tình yêu được tỏ bày.
Ngược với điều không công bình, chúng ta có thể nghĩ rằng Phao-lô sẽ dùng từ điều công bình: “chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong điều công bình.”Nhưng khi Phao-lô sử dụng từ ngữ nầy, nó mang một ý nghĩa liên hệ đến sự xưng nghĩa và sự cứu rỗi, một chổ đứng công bình trước mặt Đức Chúa Trời - mà Phao-lô không có ý nói như vậy ở đây. Ngược lại, giống như tác giả Thi thiên, ông nói đến con đường của điều không công bình và của lẽ thật và hành động đó sẽ ảnh hưởng đến những người chung quanh chúng ta như thế nào.
Câu 7 đưa ra bốn thái độ cơ bản của tình yêu dẫn đến sự thay đổi lành mạnh và tích cực trong bất cứ hoàn cảnh nào của con người. Thứ nhất, tình yêu thương “luôn luôn dung thứ mọi sự.”Động từ Stego (“dung thứ”) có thể có nghĩa một trong hai điều sau: khoát một sự im lặng lên những gì không tốt trong người khác. hoặc là chịu đựng điều đó.”
Những người thích sự diễn dịch thứ nhất xem IPhi 4:8 như là một câu Kinh thánh nói rõ hơn về điều nầy: “Tình yêu thương che đậy vô số tội lỗi.”Tình yêu thương không tìm cách loan truyền lỗi lầm của những người khác. Điều nầy không có nghĩa rằng tội lỗi sẽ bị bỏ qua, bởi vì tội lỗi có thể lây lan và làm tổn hại cho Thân thể. Tình yêu thương không chịu đựng tội lỗi nhưng vươn đến với tội nhân, kín đáo giải quyết tội lỗi. Đương đầu với tội lỗi cách sai lầm sẽ có thể dựng lên những tấm rào cản. Tình yêu thương sẽ tìm thấy một phương cách đưa ra hướng giải quyết có thể chấp nhận được.
Trọng tâm của quan điểm thứ hai là chịu đng một nan đề hay một nhu cần. Nó chỉ về ý niệm những cây cột nâng đỡ mái nhà.Sự chịu thật sẽ chấp nhận những thiếu xót và giá trị của người khác như họ có.Thái độ đó sẽ tìm cách khỏa lấp những yếu đuối của người khác và làm cho họ trở nên mạnh mẽ, khiến họ sử dụng được những ân tứ của mình. Tình yêu thương tìm cách xác định những điều tích cực trong con người bất cứ khi nào có thể. Tất cả những nơi khác mà Phao-lô sử dụng từ ngữ stego đều mang một ý niệm về sự yêu thương nhiệt thành mong muốn giúp đỡ người khác. Dường như ý nghĩa nầy thích hợp nhất trong đoạn văn nầy.
Triết lý Phương Đông là chịu đựng và chấp nhận người khác nhưng trong cách thụ động. “Hãy để người ta quét tuyết trước cửa nhà họ, đừng lo lắng về tuyết trước nhà người lân cận bạn,”là một câu nói của người Trung Hoa. Confucius nói: “Đừng làm cho người khác điều mà bạn không muốn họ làm cho mình.”Nhưng Chúa Giê-xu nói điều nầy trong ý nghĩa tích cực hơn: Cơ Đốc nhân phải trỗi hơn. Tất cả chúng ta đều biết mình muốn người khác làm cho mình điều gì. Chúng ta hãy làm cho người khác theo cách ấy. Tình yêu thương theo Kinh thánh có nghĩa là tích cực chấp nhận những người khác, bao gồm cả việc chấp nhận họ trong tình thông công. Mặc dầu tình yêu nầy dạy dỗ chúng ta không được để mình bị xét đoán, nó không cho phép chúng ta trở thành những người biệt lập, lạnh lùng với những người khác. Nó đem chúng ta đến vai trò giúp đỡ người khácphát huy khả năng của họ.
Thứ hai, tình yêu thương “luôn luôn tin mọi sự.”Đức tin phải được thể hiện trong một người để rút ra những điều tốt nhất của người đó. Phao-lô không nói đến việc mù quáng chấp nhận tất cả những lời nói và mơ ước của người khác. Nhưng chúng ta thường nhấn mạnh đến điều tiêu cực bởi cớ sự thiếu xót cá nhân của chính chúng ta: Chúng ta khiển trách, chúng ta khinh bỉ, chúng ta vu khống. Chúng ta nghi ngờ những động cơ. Con người cần những con người tin họ. Chúng ta phải cố gắng thấy được điều tốt trong hành động của những người khác. Bởi vì tất cả con người điều được dựng nên trong hình ảnh của Đức Chúa Trời, mỗi một con người đều có một khả năng to lớn. Khả năng ấy còn lớn lao hơn biết bao trong mỗi tín hữu, được cứu và được đổ đầy bằng Đức Thánh Linh!
Liên hệ lẽ thật nầy với các ân tứ,chúng ta phải thấy được động cơ tốt nhất đối với những người chia xẻ ân tứ. Nơi nào bản tánh xác thịt hiện diện, nơi ấy phải có kỷ luật thích hợp đi kèm, nhưng một Cơ Đốc nhân yếu đuối nhất cũng có khả năng to lớn trong sự phục vụ của Chúa. Một số người có vẻ như là kiêu ngạo có thể là họ chưa trưởng thành, nhưng chân thật, khi chia xẻ một ân tứ. Trong những trường hợp như vậy, một sự chỉ dẫn đơn giản sẽ đem đến kết quả đáng kể. Sự kết án đôi khi có thể bị xem là sự chống đối cá nhân. Một người nào đó đã tin chúng ta, và giúp đỡ giải phóng chúng ta cho chức vụ. Chúng ta cũng hãy giải phóng những người khác như vậy.
Thứ ba, tình yêu thương “luôn luôn trông cậy mọi sự.”Như thể đức tin không có việc làm là đức tin chết, thì đức tin nếu không có sự trông cậy là đức tin chết yểu. Tôi yêu thương các con tôi như hiện tại, nhưng tôi cũng hy vọng là chúng sẽ lớn lên và trưởng thành. Sự tăng trưởng xảy ra trong một mối quan hệ vợ-chồng năng động, hay bất cứ một mối quan hệ lành mạnh nào khác. Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta trong hiện trạng của chúng ta, nhưng Ngài cũng có một chương trình cho đời sống chúng ta. Trong ý niệm của con người, tình yêu không có hy vọng là một sự buồn nản. Chính sự trông cậy về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đem đến sự hướng dẫn và ý nghĩa cho đức tin chúng ta.
Có người nói liến thoắng cùng bạn hữu mình rằng: “Tôi tin bạn.”Nhưng Cơ Đốc nhân thì nói rằng: “Tôi tin bạn, rằng hình ảnh của Đấng Christ đang được thành hình trong bạn.”Phao-lô quả quyết rằng những gì Đức Chúa Trời đã bắt đầu trong các tín hữu tại Phi-líp chắc chắn sẽ được trọn (Phi 1:6).
Tình yêu thương tự nó đem đến sự hy vọng đặc biệt. Tình yêu của Đức Chúa Trời đem đến một chương trình đời đời cho cuộc sống chúng ta. Tình yêu mà chúng ta dành cho người khác mang đến cho họ niềm hy vọng. Và mặc cho bị hất hủi và bị vùi dập giữa cuộc đời như thế nào đi nữa, con người đều cảm thấy được chấp nhận trong gia đình của Đức Chúa Trời.
Thứ tư, tình yêu thương “luôn luôn nín chịu.”Một thái độ như vậy rất cần thiết cho sự thay đổi. Đoạn thơ nầy bắt đầu bằng sự nhẫn nhục với người khác; nó kết thúc bằng sự nhẫn nhục với hoàn cảnh. Hình ảnh ở đây không phải là một người đi xiêu vẹo dưới gánh nặng, nhưng là một người xốc vác mang lấy gánh nặng (hupomones) như một chiến binh dũng cảm. Người ấy sẽ cảm thấy được tự do làm sao khi biết trao gánh nặng của mình cho Đức Chúa Trời! Tấm lòng trong sạch sẽ thấy Đức Chúa Trời hành động trong mọi hoàn cảnh: quá khứ,hiện tại, và tương lai.
Phao-lô đã có thể ca ngợi Đức Chúa Trời trong khi chịu tù đày ở La mã - mặc dù những tín tín hữu khác chỉ trích ông,tìm cách gây rối, và lợi dụng tình thế khi ông vắng mặt. Tuy nhiên qua xiềng xích, ông vui mừng vì biết rằng Tin lành vẫn được truyền ra nhiều người mạnh dạn giảng dạy lời của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời được vinh hiển (Phi 1:12-18).Nhưng kết quả cuối cùng ở trong tay của Ngài. Hãy trông cậy nơi Ngài. Rồi thì lời cầu nguyện của chúng ta sẽ là “Con xin làm đất xét trong tay người thợ gốm. Xin hãy dùng con làm một dụng cụ trong sự cứu chuộc của Ngài trong hoàn cảnh nầy.”Chúng ta có thể tìm kiếm sự chiến thắng cho dù phải đối diện với thử thách, mà chúng liên quan đến con người hay hoàn cảnh.
Nín chịu và trông cậy liên hệ mật thiết với nhau. “Trông cậy làm cho sống động và nó được nuôi dưỡng bởi sự chịu đựng.”Bởi vì chúng ta có niềm hy vọng về sự trở lại của Ngài, chúng ta có thể đối diện với mọi khó khăn. Smedes cho thấy sự kết hợp của sự can đảm và sự nhẫn nhục trong từ ngữ nầy. Chúng ta cần cả hai. “Chỉ một mình sự can đảm sẽ phí phạm năng lực của nó bởi chỉ chấp nhận chiến thắng trọn vẹn hiện tại; chỉ một mình sự nhẫn nhục sẽ chấp nhận điều ác như là một số phận không thể tránh khỏi của chúng ta.”110 Ro 5:2-3 nói rằng chúng ta vui mừng trong sự hoạn nạn cũng như trong sự trông cậy. Ro 5:1-5 vẽ ra một chu trình của sự trưởng thành Cơ Đốc mà nó bắt đầu bằng hy vọng và kết thúc bằng sự hy vọng. (Xem hình 3.)
Đức Chúa Trời sử dụng những sự hoạn nạn để sản sinh sự nhịn nhục trong chúng ta. Đáp lại, điều nầy sẽ phát triển đặc tính. Từ ngữ “đặc tính”trong tiếng Hy lạp ra từ chữ dokimos, chỉ về một tính chất được thử nghiệm và được chấp nhận. Những kinh nghiệm của chúng ta sẽ trở thành tích cực nếu chúng ta có sự chịu đựng để thấy được bàn tay của Đức Chúa Trời đem sự chiến thắng đến. Và rồi chúng ta sẽ tăng trưởng trong sự bảo đảm hơn của sự trông cậy về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta có thể vui mừng trong cả sự trông cậy và sự hoạn nạn, thật sự chẳng có điều gì có thể chống lại chúng ta. (Xem Gia 1:4-5; Ro 12:12.)

ĐẶC TÍNH:

ĐƯỢC CHẤP NHẬN (5:4)            ĐẾN          HOẠN NẠN (5:3) 
                                        
 ĐẾN    SỰ NHỊN NHỤC (5:4)

Chu trình của Sự trưởng thành Cơ Đốc
Qua tình yêu của Đức Chúa Trời trong chúng ta, chúng ta có thể chấp nhận người khác, tin vào những gì Đức Chúa Trời đang làm trong họ, thấy được sự trông cậy của ảnh tượng Đức Chúa Trời làm việc qua đời sống họ, và nhẫn nhục trông đợi Đức Chúa Trời. Gia đìng và Hội thánh của chúng ta sẽ không cứ đứng yên một chổ nếu chúng ta để cho tình yêu của Đức Chúa Trời tràn đầy qua đời sống chúng ta. Bởi vì như thể Đức Chúa Trời thấy được điều tốt nhất trong chúng ta và tìm cách phát huy nó, chúng ta nên thấy điều tốt nhất trong người khác và làm cho nó lớn lên. Đây là lẽ thật trong ICo 13:7.
ICo 13:8-13
Tình yêu thương chẳng hề hư mất
8Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ. Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói tiếng lạ sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ. 9Vì chưng chúng ta hiểu biết chưa trọn vẹn,nói tiên tri cũng chưa trọn vẹn; 10 song lúc sự trọn lành sẽ đến, thì sự chưa được trọn lành sẽ bị bỏ. 11Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ,tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhơn, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ. 12 Ngày nay, chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nấy tôi biết chưa hết: đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy. 13 Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.
Bây giờ Phao-lô chỉ ra thế nào các ân tứ phải được sử dụng trong ánh sáng của “sự trọn vẹn.”Ân tứ chỉ là những công cụ,những phương tiện của Đức Chúa Trời cho Hội thánh của Ngài. Bởi vì bản chất các ân tứ là không trọn vẹn và mang tính thế tục (các ân tứ chỉ dành cho chúng ta khi chúng ta còn đang ở trên đất nầy và không một ai - chỉ một mình Đức Thánh Linh - có quyền có hoặc ban phát tất cả các ân tứ), tình yêu thương phải là nguyên tắc hướng dẫn cho việc sử dụng các ân tứ cho đến ngày Đức Chúa Giê-xu Christ trở lại.
Một số người giải nghĩa “lúc sự trọn lành đã đến”(13:10) có nghĩa rằng các ân tứ chỉ cần thiết cho thế kỷ đầu tiên,nghĩa là, cho đến sự hoàn thành của Kinh thánh, vào năm 96 sau Chúa. Quan điểm nầy gặp phải ba điều khó khăn:
Thứ nhất, đoạn văn không hề ám chỉ rằng Phao-lô đang nói về một bản Kinh thánh hoàn chỉnh hay một Hội thánh trọn vẹn. Hội thánh sẽ không đạt đến mức độ sau cùng, không vết không nhơ, cho đến khi Chúa trở lại. Vì vậy, Phao-lô chỉ có thể nói về Ngày Phán Xét.
Thứ hai, theo lối văn phong song song,khi sự trọn vẹn đến, chúng ta sẽ thấy mặt đối mặt và sẽ biết cách rõ ràng. Chưa có điều nào trong hai điều nầy xảy ra, và chúng chỉ có thể được ứng nghiệm khi Chúa đến. Khi tiếng lạ chấm dứt, thì ân tứ tri thức và ân tứ tiên tri cũng ngừng lại. Thứ ba, mặc dầu trên lý thuyết Kinh thánh đã hoàn chỉnh vào trước năm 96 sau Chúa, thực tế mà nói, toàn bộ Kinh thánh đã không được thu thập hoặc được phân phát cho các Hội thánh mãi cho đến khi máy in được phát minh và Kinh thánh được dịch ra các thổ ngữ. ngay cả ngày hôm nay, nhiều quốc gia và nhiều dân tộc vẫn chưa có Lời Đức Chúa Trời.Điều nầy có nghĩa gì đối với quan điểm nói rằng có một bộ Kinh thánh hoàn chỉnh thì không còn cần đến các ân tứ nữa? Nó hàm ý rằng các ân tứ sẽ vận hành trong những nhóm ngôn ngữ mà những nhóm nầy chỉ nhận được một lời chứng của phúc âm chứ không phải là một bản dịch Kinh thánh hoàn chỉnh - một ý tưởng kỳ lạ, nếu không nói là vô lý.
Trong 13:9-12, ba mệnh đề “ngày nấy-đến bấy giờ”đi song song với nhau. Mỗi từ ngữ “ngày nấy”chỉ về một sự tri thức bất toàn và ích lợi của nó trong thời đại nầy. Mỗi từ ngữ “đến lúc bấy giờ”chỉ về một ngày mà chúng ta sẽ hiểu biết rõ ràng, khi mà chúng ta sẽ thấy Ngài mặt đối mặt.Tuy nhiên, 13:11 chứa đựng một từ ngữ “khi”chỉ về thời kỳ con trẻ. Chữ “con trẻ”có thể được diễn giải theo ba cách sau: “Con trẻ”có thể chỉ về (1) Hội thánh trong ngày hôm nay đang cần đến sự trưởng thành, (2) về lứa tuổi mà các ân tứ được ban xuống cho nó, hoặc (3) về những thói tật phải được dứt bỏ.
Quan điểm thứ nhất, rằng Phao-lô chỉ về những tín hữu Côrinhtô như những con trẻ cần sự trưởng thành, rất yếu ớt. Thông thường, Phao-lô không mô tả Hội thánh như một con trẻ, mặc dầu người Côrinhtô hành động giống như những con trẻ. Hành vi con trẻ của người Côrinhtô thuộc về thế giới của những người chưa tin! Đối với Phao-lô, có một lối cư xử Cơ Đốc và cũng có một lối cư xử của những người chưa tin. Khi chúng ta được cứu, chúng ta trở nên những con cái trưởng thành của Đức Chúa Trời, có trách nhiệm đối với sự kêu gọi và những đặc quyền của chúng ta. Sự trưởng thành không phải là vấn đề của phân đoạn Kinh thánh nầy.
Về quan điểm thứ hai, rằng “con trẻ”chỉ về thời kỳ mà các ân tứ thuộc về, dường như có vẻ yếu ớt bởi vì Phao-lô tuyên bố rằng ông đã trở nên bậc thành nhân và đã bỏ qua những điều thuộc về con trẻ.Ngoài ra, từ ngữ chỉ về con trẻ là “trẻ thơ ấu”. Phải chăng những ân tứ cho thời kỳ trẻ thơ ấu ngược lại với thời kỳ trưởng thành? Nếu vậy, câu kết luận tự nhiên sẽ là cố gắng bỏ đi những điều thuộc về con trẻ khi một người tiến đến giai đoạn trưởng thành.
Quan điểm thứ ba ấy là Phao-lô lại phải đương đầu với những vấn đề trẻ con, ích kỷ và xác thịt của tín hữu Côrinhtô.Các ân tứ không phải là những điều thuộc về con trẻ nhưng là cách chúng ta sử dụng chúng.
Bây giờ chúng ta là những người trưởng thành. Một người trưởng thành cần phải suy nghĩ xuyên suốt vấn đề rồi mới nói.Theo nghĩa đen 13:11 nói rằng: “Khi tôi đã trở thành một người lớn, tôi đã bỏ đi những điều thuộc vể thời kỳ trẻ thơ.”Thì hoàn thành của mỗi động từ cho thấy rằng nó đã xảy ra, và kết quả phải rõ ràng: Tôi sẽ phải cư xử như vậy. Bây giờ chúng ta là những người trưởng thành, nhưng chưa trọn vẹn. Chúng ta hiểu biết và chia xẻ các ân tứ chỉ một phần. Bản chất thật của các ân tứ cho thấy rằng chúng chỉ được dành cho thời kỳ nầy, vì vậy, Cơ Đốc nhân phải sử dụng các ân tứ theo cách của một người Cơ Đốc và một người trưởng thành, không phải như là hành vi của những người chưa tin, nhưng trong ánh sáng của ngày phán xét của Đấng Christ. Quan điểm nầy có vẻ là lối diễn giải thích hợp nhất cho câu Kinh thánh nầy.
Ân tứ chỉ là các công cụ, nói cho cùng chỉ là những phương tiện. Lời tiên tri, tiếng lạ, và một lời tri thức được kể đến ở đây như là những ví dụ của ba lãnh vực ân tứ: chức vụ, thờ phượng, và giảng dạy.Tất cả các ân tứ chỉ là tạm thời. Duy chỉ có tình yêu thương là không hư đi.Trên thiên đàng, câu hỏi sẽ không là: Con đã bày tỏ những ân tứ nào? Con đã giảng bao nhiêu bài giảng? Con theo nhóm nhánh nào? Vấn đề sẽ là sự vinh hiển của Đức Chúa Trời khi nó được làm cho trọn vẹn trong và qua dân sự của Ngài. Bây giờ chúng ta cần phải đưa ra những câu hỏi đúng.
Chúng ta chỉ thấy cách phiến diện (13:12). Phao-lô nói về những tấm gương bằng đồng nổi tiếng của người Côrinhtô,những tấm gương tốt nhất trong thời của ông. Hình ảnh trong gương không khác lắm so với hình ảnh bên ngoài. Chúng ta nhìn qua (dia) tấm gương, bởi vì hình ảnh dường như nằm ở mặt bên kia của nó. Barrett cùng với Alice qua cuốn Qua Tấm Gương Soi (Through the Looking Glass) đã nói rằng nơi mà hình ảnh được tạo ra bởi mặt của tấm gương có vẻ như nằm ở mặt bên kia. “Nhìn trong một cái gương”có thể chỉ về sự mặc khải lời tiên tri. Không phải là sự mặc khải khó hiểu hay bị che khuất đi, nhưng là một ngày kia chúng ta có được kinh nghiệm trực tiếp là thấy được Đức Chúa Trời mặt đối mặt.
Phao-lô nói rằng ngày nấy chúng ta xem như nghe một lời đố (một điều bí ẩn). Câu Kinh thánh liên hệ ở trong Dan 12:6-8, nơi mà Đức Chúa Trời nói chuyện với Môi-se “miệng đối miệng, một cách rõ ràng, không lời đố”(câu 8, cũng xem Phu 34:10). Truyền đạt với những tiên tri khác Đức Chúa Trời dùng những khải tượng và những giấc mơ. Những gì các tiên tri nói ra thường phải được giải thích. Đây là tình trạng của mức độ hiểu biết của chúng ta hiện nay khi so sánh với một sự tri thức trực tiếp, đầy đủ lúc chúng ta thấy Đấng Christ mặt đối mặt.
Sự mặc khải nầy vĩ đại hơn khải tượng mà Môi-se đã nhận lãnh trên núi Si-nai. Khi Môi-se thấy Đức Chúa Trời mặt đối mặt,sự vinh hiển của Đức Chúa Trời chiếu trên mặt Môi-se khi ông đến trước dân sự.Môi-se phải che mặt lại. Phao-lô đưa ra hai lý do của việc che mặt nầy. Thứ nhất,dân sự không chịu được sự vinh quang ấy. Thứ hai, đó là một sự vinh quang sẽ bị lu mờ (IICo 3:17-18). Hơn nữa, bây giờ chúng ta nhình cách gián tiếp trong một tấm gương. Một ngày kia chúng ta sẽ thấy mặt đối mặt và hiểu biết cách đầy trọn.Bây giờ, mặc cho khải tượng rõ ràng đến đâu, sự hiểu biết của chúng ta vẫn giới hạn.
Phao-lô đặt mình vào trong một vị trí trong tương lai, nhìn lui lại tình trạng hiện tại của mình (13:12).118 Một ngày kia chúng ta sẽ biết Đấng Christ rõ ràng như Ngài đang biết chúng ta. Từ ngữ “như”luôn luôn được Phao-lô sử dụng với nghĩa “rõ ràng như.”119 Trên thiên đàng sẽ không có sự méo mó, sự tối nghĩa, hoặc sự gián tiếp. Từ ngữ được dịch là “biết”trong 13:12 là epignosis nói về một tri thức trọn vẹn. đây, có lẽ Phao-lô đang ám chỉ những người nói rằng những khải tượng đặc biệt của họ là đến từ Đức Chúa Trời.Ông nói rằng chỉ ở thiên đàng chúng ta mới có một tri thức trọn vẹn. Phao-lô không nói về mức độ của tri thức, nhưng về loại tri thức: Không ai trong chúng ta sẽ biết nhiều như Đức Chúa Trời, nhưng loại tri thức phải thuộc về thiên đàng và của thiên đàng (nghĩa là, thuộc về sự mặc khải).
Câu kết luận ở trong 13:13. Đức tin, Hy vọng và tình yêu thương sẽ còn lại trong cõi đời đời. Nhưng tại sao tình yêu thương lại là điều cao trọng nhất trong cả ba?
Trước nhất, đức tin và hy vọng chỉ đơn thuần là những phương tiện. Chúng ta được cứu bởi đức tin. Đây là bước đầu tiên của chúng ta tiến đến Đức Chúa Trời. Và rồi chúng ta sống bởi năng lực của niềm hy vọng. Đức tin và niềm hy vọng sẽ hướng chúng ta về mục đích là làm cho mối tương giao yêu thương của chúng ta với Đấng Christ trở nên trọn vẹn. “Tình yêu thương là điểm cuối của mối quan hệ mà trong đó hai phẩm chất kia chỉ là những phương tiện, và mối quan hệ nầy sẽ còn lại ngay cả trong cõi trọn vẹn.”
Thứ hai, đức tin và sự hy vọng là luôn là một phần của tình yêu. Nhưng nếu đức tin là “sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy”(He 11:1), thì tại sao chúng ta cần phải có đức tin trên thiên đàng? Và nếu “khi người ta đã thấy điều mình trông rồi, ấy không phải là trông nữa”(bởi vì “có ai hy vọng điều mình đã có”), tại sao chúng ta còn cần hy vọng trên thiên đàng (Ro 8:24)?
Đức tin là sự tin cậy đơn sơ và đầu phục quyền cai trị của Đức Chúa Trời. Đó là dấu ấn đời đời trong mối tương giao của chúng ta với Ngài. Trên thiên đàng chúng ta không nói về một đức tin nhỏ hay lớn,một đức tin mạnh mẽ hay yếu đuối. Chúng ta sẽ tôn vinh chương trình và dân sự của Đức Chúa Trời trong sự thành tín của Ngài. Bây giờ đức tin tốt nhất của chúng ta là chưa trọn vẹn. Nó sẽ được trọn vẹn ở đó.
Trên đất nầy, sự hy vọng bị phủ đầy sự lo âu và không chắc chắn, là những điều không phù hợp với bản chất thật của sự hy vọng. Sự hy vọng có thể lớn lên ngẤy từ lúc nầy. Gia 1:2-4 cho thấy thế nào những sự thử thách sanh ra sự nhịn nhục, và sự nhịn nhục sanh ra sự trưởng thành và trọn vẹn. Với sự trưởng thành chúng ta có thể thấy được sự đầy đủ của Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta. Trong thơ Hêbơrơ, Đấng Christ được nói đến như là một sự mặc khải cao trọng hơn của các thiên sứ, Môi-se, Ap-ra-ham, các thầy tế lễ trong thời Cựu ước, hòm giao ước, và các của lễ. Dựa trên căn bản của sự mặc khải cao trọng hơn nầy, chúng ta có sự hy vọng cao trọng hơn. He 2:1-4 khuyên giục chúng ta không được bỏ qua sự cứu rỗi cao trọng dường ấy.
Trên thiên đàng niềm hy vọng của chúng ta sẽ lớn lên. Thân thể vinh hiển của chúng ta sẽ đem đến những khả năng to lớn hơn để thông hiểu Đức Chúa Trời. Tâm trí của chúng ta sẽ không còn thụ động,nhưng sẽ truyền ra sự vinh hiển của Đức Chúa Trời về vũ trụ và những lẽ thật trong vương quốc của Ngài. Cũng vậy, chúng ta sẽ không có tất cả tri thức, vì nếu như thế, chúng ta sẽ là Đức Chúa Trời. Đức tin và hy vọng là những phẩm chất không thay đổi của một mối tương giao đời đời.
Tình yêu thương đặt nền tảng trên một tri thức đầy đủ hơn và một khả năng kỳ diệu hơn để truyền đạt tình yêu. Chúng ta không cần phải che dấu những cá tính của mình, bởi vì chúng ta sẽ biết rõ nhau. Một tri thức tốt hơn sẽ dẫn đến một sự tương giao tốt hơn và một sự hy vọng lớn hơn trong Đức Chúa Trời và với nhau. Chúng ta sẽ lớn lên để yêu thương cách sâu sắc và chan chứa hơn bao giờ hết. Tình yêu thương kết hợp cả với đức tin và hy vọng.
Bản chất thật đời đời của tạo vật ấy là nó không có tài sản gì của chính mình, nghèo ngặt và không có sự giúp đỡ; mỗi giây phút nó phải nương tựa vào Đức Chúa Trời bằng đức tin, là điều nắm chắc các sự bày tỏ mà Ngài đã ban sẵn, và bằng hy vọng, là điều chuẩn bị để nắm lấy những sự bày tỏ mới của Ngài. Điềy nầy không phải là một lần cho tất cả; một cách liên tục trong cõi đời đời đức tin biến đổi thành những khải tượng và hy vọng thành tài sản. Vì vậy, hai phẩm hạnh nầy sẽ lại sống không ngừng.
Thật tuyệt vời cho những mối liên hệ nầy trên thiên đàng, vậy thì lẽ thật về sự tương quan giữa đức tin, tình yêu và hy vọng được áp dụng trên đất nầy như thế nào? Chúng ta không thể nói rằng: “Bạn có đức tin, còn tôi có tình yêu thương.”Cả ba điều nầy phải cùng có trong mỗi người. Bằng cách tính toán trở lại, chúng ta sẽ thấy được sự vô lý của việc tách rời ba phẩm hạnh nầy.
Điều gì sẽ xảy ra nếu người chồng nói với vợ của mình rằng: “Anh tin em, và anh rất hy vọng trong mối tương giao của chúng ta, nhưng anh không yêu em”? Chúng ta có thể hình dung được sự khó chịu,sự khô khan, và sự vô vọng trong một gia đình như vậy. Một Hội thánh với một giáo lý vững vàng, những công việc quyền năng của đức tin, và một sự hy vọng sâu xa vào sự trở lại của Chúa vẫn phải cần đến tình yêu thương để cột chặt những điều ấy với nhau. Ga 5:6 nói về một đức tin được thúc đẩy bởi tình yêu.
Đức tin + Hy vọng - Tình yêu = Không có mối tương giao vững bền.
Lại nếu người chồng nói cùng vợ mình rằng:“Anh tin em và anh vô cùng yêu em, nhưng anh không hy vọng vào chúng ta,”chúng ta có thể thấy được sự tuyệt vọng như thế nào. Một hội chúng có thể tuyên bố về đức tin và tình yêu, nhưng nếu không nhìn về kế hoạch tối hậu của Đức Chúa Trời cho tương lai, họ dễ dàng bị ám ảnh bởi hiện tại. Khi phải đối diện với sự thử thách liên tục họ sẽ đầu hàng. Họ giống như hạt giống được trồng nơi đất nông mọc lên rồi bị tàn héo cách nhanh chóng. Nó như thể là họ đã quên sứ điệp trọng đại về sự đến lần thứ hai của Đức Chúa Giê-xu. Niềm hy vọng lớn sẽ dẫn đến sự trưởng thành và những chức vụ to lớn. Chính Lewis nhận thấy rằng
những Cơ Đốc nhân làm nhiều nhất cho thế giới nầy là những người làm nhiều nhất cho thế giới sẽ đến ... Chính bởi Cơ Đốc nhân ngừng lại để suy nghĩ về thế giới sẽ đến mà họ trở thành kém hiệu quả trong thế giới nầy. Nhắm về thiên đàng bạn sẽ “có thêm”những điều thuộc về trái đất nầy, nhắm về trái đất bạn sẽ chẳng có gì cả.
Đức tin + Tình yêu - Hy vọng = Sự tuyệt vọng
Thể nào người chồng có thể nói rằng:“Anh yêu em và anh thật sự hy vọng về cuộc hôn nhân nầy, nhưng thật tình anh không tin em”? Nếu không có sự tin cậy hàng ngày, tình yêu chỉ là sự suy nghĩ nuối tiếc. Nó trở thành một mối quan hệ tình cảm, mà hai người trong cuộc hy vọng rằng cuộc hôn nhân sẽ được giải quyết. Một Hội thánh có thể có một giáo lý về những ngày tận thế chính xác và những thành viên có thể yêu thương nhau, nhưng nếu trong những trở ngại hàng ngày họ không tin cậy Đức Chúa Trời, thì niềm hy vọng sẽ dễ dàng bị phai mờ. Hơn nữa, nếu các chi thể trong Thân thể Đấng Christ không tin cậy lẫn nhau, thì sự chỉ trích, nghi ngờ, thiếu tin cậy sẽ xé nát Hội thánh.
Tình yêu + Hy vọng - Đức tin = Suy nghĩ Tiếc nuối
Mối tương quan của đức tin, hy vọng, và tình yêu thương với các ân tứ của Thánh Linh trở nên rất rõ ràng. Đức Chúa Trời có thể sử dụng những người mà chúng ta thường bỏ qua (1Sa 16:6-7). Người ấy có thể là một Cơ Đốc nhân non trẻ hoặc một người với một cá tính không hay; có thể người ấy không được xem là người thuộc linh nhất - nhưng người ấy có ân tứ lời nói. Vậy thì chúng ta có thể nói được rằng: “Cảm tạ Chúa đã ban ân tứ nầy,nhưng xin Chúa hãy sử dụng một người khác lần đến”hay sao? Thể nào chúng ta nói với người bày tỏ ân tứ rằng: “Tôi yêu anh và tôi hy vọng ở anh, nhưng xin anh hãy ngồi xuống ghế trở lại đi”hay sao? Chúng ta không thể phủ nhận địa vị và chức vụ thích đáng của người nào trong thân thể của Đấng Christ được.
Ngược lại, Cơ Đốc nhân phải cảm tạ Đức Chúa Trời về người bày tỏ ân tứ cũng như về chính ân tứ đó. Một số người cố gắng đánh giá các ân tứ qua ống dẫn trưởng thành hoặc chưa trưởng thành được sử dụng,nhưng tình yêu thương cho phép mỗi ân tứ góp phần của nó trong sự xây dựng thân thể của Đấng Christ. Một ống dẫn yếu đuối cũng có thể mạnh mẽ khích lệ Hội thánh. Điều đó kéo người thể hiện ân tứ và phần còn lại của Hội thánh gần nhau hơn. Nó làm cho mối thông công của chúng ta sâu sắc hơn và sự thờ phượng của chúng ta được Đức Chúa Trời chấp nhận. Chúng ta phải bày tỏ đức tin, hy vọng,và tình yêu với mọi người. Điều nầy sẽ phát xuất các ân tứ.
Thứ ba, tình yêu thương là một thuộc tính quan trọng của Đức Chúa Trời (IGi 4:18). Theo như Barrett giải thích, Đức Chúa Trời không cần tin cậy hay hy vọng. Thật sự, nếu Ngài làm như vậy, Ngài không phải là Đức Chúa Trời. “Nhưng”, Barrett viết, “nếu Đức Chúa Trời không yêu thương, thì Ngài không phải là Đức Chúa Trời.” Martin dịch 13:13 rằng: “Vậy nên, chỉ có ba điều nầy còn lại: đức tin, hy vọng, tình yêu thương. Nhưng điều vĩ đại hơn trong ba điều nầy là tình yêu thương (của Đức Chúa Trời).” Vậy thì, cao trọng hơn các ân tứ mà Đức Chúa Trời ban cho, đức tin sự hy vọng và tình yêu thương mà chúng ta sẽ phải sử dụng với nhau trong tình yêu vinh hiển, cứu chuộc và đời đời của Đức Chúa Trời mà tình yêu đó hướng dẫn chúng ta trong tất cả những việc chúng ta làm và đem đến cho chúng ta sự chắc chắn.
Một lãnh vực khác cần được thảo luận trong sự liên hệ với đức tin, hy vọng và tình yêu trong Hội thánh ngày nấy. Tôi nhận thấy rằng một nhóm đức tin, một nhóm tình yêu, và một nhóm hy vọng đã phát triển toàn bộ trong sự đáp ứng với các vấn đề thật, nhưng vô tình đã gây chia rẽ trong Hội thánh.
Nhóm đức tin phát xuất từ những phản ứng của những tín hữu đối với quan điểm tiêu cực về con người và những thành kiến chống điều siêu nhiên biểu hiện qua một số nhóm nhánh của Cơ Đốc giáo. Cơ Đốc nhân thường nói về việc phục vụ một Đức Chúa Trời vĩ đại, nhưng nhiều người đã không làm gì để thực hóa khả năng đó. Nhóm đức tin chỉ muốn công bố cơ nghiệp của họ trong Đấng Christ.
Nhóm hy vọng phát xuất từ những phản ứng của những tín hữu đối với sự hời hợt mà họ cho rằng họ đã thấy rất nhiều trong Cơ Đốc giáo. Họ dạy dỗ về sự ăn năn, đời sống thánh khiết, một lối sống đơn giản,giúp đỡ kẻ nghèo, và chuẩn bị đối diện với những hoạn nạn, cho dù chúng thuộc về kinh tế, chính trị hoặc thiên nhiên. Cơ Đốc nhân phải mang lấy Thập tự giá và đi theo Đấng Christ. Nhóm hy vọng nhấn mạnh trên chức năng tiên tri của Hội thánh.
Nhóm tình yêu phản ứng chống lại sự nhấn mạnh trên bản chất tội lỗi của con người và chủ nghĩa hợp pháp lan tràn trong thế giới truyền giáo trong suốt những năm 1960. Họ thấy rằng phải hoàn toàn chấp nhận con người trong hiện trạng của họ, những tội nhân có thể được ân điển của Đức Chúa Trời tha thứ, và để Cơ Đốc nhân có thể cởi mở và thật thà với nhau. Họ tin rằng chỉ trong một bầu không khí hoàn toàn được chấp nhận con người mới có thể được thúc đẩy để thay đổi.
Mỗi nhóm chỉ trích lỗi lầm của hai nhóm kia. Nhóm tình yêu xem nhóm đức tin là ích kỷ, không theo Kinh thánh, bị ràng buộc bởi nền văn hóa phương tây, và tự phụ và nhóm hy vọng không có tình yêu thương và đáng bị phê phán. Nhóm đức tin coi thường hai nhóm kia vì đã lạc mất ý nghĩa thật của Kinh thánh, sống dưới những đặc quyền của họ, và bị trói buộc với truyền thống. Nhóm hy vọng cảm thấy hai nhóm kia đã đặt sai trọng tâm: Nhóm tình yêu quá dễ dãi và không thực sự chuẩn bị Hội thánh cho những thử thách sắp đến và nhóm đức tin quá chú trọng trên những phước hạnh vật chất.
Hội thánh cần một sự cân bằng giữa đức tin, hy vọng và tình yêu thương. Đi đến một cực đoan là chống đối phần còn lại của Thân thể. Cách chúng ta liên hệ với những tín hữu khác quan trọng hơn đúng hay sai trong những vấn đề nầy nhiều. Có phải chúng ta đang cô lập họ? Có phải chúng ta xem thường họ? HẤy là, trong sự nhẫn nại, chúng ta tìm cách giúp đỡ họ lớn lên trong sự giống với ảnh tượng của Đấng Christ? Chúng ta có sẵn sàng học hỏi từ những chi thể khác trong thân thể Đấng Christ? Phao-lô, khi chào thăm Hội thánh tại Têsalônica, đã nói về “công việc của đức tin, . . . công lao của lòng yêu thương, . . . sự bền đỗ về sự trông cậy”của họ (ITe 1:3). Cơ Đốc nhân phải coi trọng mọi phần của ba điều nầy như là điều tương quan, điểm chính yếu trong những mối tương giao và sự hầu việc Đức Chúa Trời.
Hơn nữa, ICo 12 đến 13 đưa ra ít nhất là chín lý do cho thấy tình yêu thương là trái quan trọng giữa vòng các tín hữu.
1. Bởi vì tất cả chúng ta cùng trong một Thân thể bởi ân điển Ngài, vì vậy không có những chi thể cao trọng hơn hoặc thấp hèn hơn. Chúng ta phải yêu nhau cách bình đẳng (12:13).
2. Đức Chúa Trời bởi quyền chủ tể của Ngài sắp đặt mỗi chi thể trong Thân thể theo các mục đích của Ngài, vì vậy,tình yêu thương sẽ bỏ qua sự phàn nàn hay khoe khoang (12:18-24).
3. Chúng ta phải quan tâm đến nhau như nhau (12:25-26).
4. Vấn đề không phải là những ân tứ cao trọng hơn, nhưng là thực hành ân tứ trong tình yêu thương (12:31): không phải sự bày tỏ ân tứ cách tối đa, nhưng là việc bày tỏ ân tứ bởi động cơ đúng (13:1-3).
5. Thái độ và hành vi phải tương xứng nhau (13:4-7).
6. Ân tứ là những công cụ mà đến một ngày nào đó sẽ không còn cần đến nữa, nhưng tình yêu sẽ luôn luôn cần thiết (13:8,13).
7. Hiện tại, những cố gắng tốt nhất của chúng ta trong sự tương giao với nhau rất hạn chế. Tuy nhiên tình yêu thương che đậy những thiếu xót nầy và phát triển những mối tương giao thích hợp và sâu sắc hơn với những tín hữu khác (13:9).
8. Hiện nẤy, chúng ta bị giới hạn trong kiến thức và sự hiểu biết (13:12); nhưng chúng ta không cần phải bị giới hạn trong tình yêu thương.
9. Đức tin, hy vọng, và tình yêu thương được nối kết với nhau (13:13).
Hãy sử dụng những ân tứ trong tình yêu thương. Đây là con đường tốt lành nhất. Khi chúng ta nhìn xem toàn bộ những lẽ thật nầy, chúng ta sẽ phải lùi lại trong sợ hãi bởi sự sáng tạo của Đức Chúa Trời và khả năng của dân sự Ngài. Tình yêu thương giải phóng khả năng nầy. Barth đưa ra một lời tóm tắt thích hợp cho ba khổ thơ trong chương nầy là: “Chỉ có tình yêu mới là đáng kể, chỉ có tình yêu mới chiến thắng, và chỉ có tình yêu mới chịu đựng.”
Chương 4: Hội Thánh Sống
Ro 12, ICo 12 đến 14, và Eph 4 chứa đựng một vài tư tưởng hay nhất của Phao-lô về Hội thánh. Hội thánh trong thế kỷ thứ nhất theo phong trào ân tứ từ sau lễ Ngũ tuần. Dựa trên sách Công vụ và các dạy dỗ cũng như các thuật ngữ Phao-lô dùng trong các bản văn của ông, chúng ta thấy rằng các Hội thánh mà Phao-lô thành lập đã bắt đầu qua công tác vĩ đại của Đức Thánh Linh trong những hoàn cảnh khó khăn.
Phao-lô dạy cho những Hội thánh nầy cứ tiếp tục trong quyền năng và sự bày tỏ của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Ai sẽ là người dạy dỗ họ, và làm thế nào họ có thể biết được cách vận hành các ân tứ thuộc linh? Tương ứng với sự dạy dỗ của Phao-lô trên Hội thánh là sự hiểu biết rõ ràng các ân tứ của Đức Thánh Linh. Sự nghiên cứu cẩn thận cho thấy rằng các thư tín của Phao-lô, ở nhiều mức độ khác nhau, đem đến nhiều khía cạnh trên vấn đề nầy. Hội thánh Côrinhtô không phải là nơi duy nhất vận hành các ân tứ của Đức Thánh Linh, nhưng chủ yếu là sự sử dụng ân tứ cách sai lầm. Mặc dầu Rôma,1Côrinhtô và Ê-phê-sô cho thấy những hoàn cảnh lịch sử, những nan đề, và những nền văn hóa khác nhau, những chương đã kể của các sách nầy chứa đựng một sứ điệp,thích hợp cho Hội thánh trên khắp hoàn cầu. Ba đoạn văn trên cùng chung một dàn ý; cùng có những điểm tương tự. Mặc dầu nhiều câu Kinh thánh có những sự dạy dỗ làm cho thư tín chứa đựng chúng trở thành đặc biệt, những câu khác của ba đoạn Kinh thánh nầy liên hệ chặc chẽ với nhau mặc dù được viết cách khác nhau. Và một số câu gần như đúng nguyên văn với những câu khác trong các đoạn Kinh thánh kia.
Ro 1 đến 11 thiết lập một giáo lý đầy đủ về sự cứu rỗi và sự thánh hóa. Và rồi, Ro 12 bắt đầu với những áp dụng thực tiễn,chuyển từ giáo lý sang những mối liên hệ và chức vụ đúng đắn.
Trong ICo 12 đến 14, Phao-lô phải đối diện với những thái độ của người Côrinhtô với các ân tứ, đưa ra những nguyên tắc tích cực cho việc sử dụng chúng. Phao-lô đã dạy dỗ Hội thánh về các ân tứ từ khi thành lập.
Trong khi trong những thư tín khác,giáo lý dẫn đến cung cách sống, thì trong Ê-phê-sô, sự thờ phượng (chương 1 đến 3) dẫn đến cung cách sống (chương 4 đến 6). Cả giáo lý và sự thờ phượng đều cần thiết. Cách sống của một tín hữu là sự bày tỏ giáo lý và sự thờ phượng của người ấy. Trong Eph 4 và 5, Phao-lô bàn luận các nguyên tắc của chức vụ chung qua các ân tứ.
Những nhà chú giải nhận thấy những điểm liên hệ trong các chương nầy trong bản so sánh giữa chi thể trong thân thể và các ân tứ. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng Ro 12 phải đi trước như là một luận lý phát huy sự thánh hóa thực tế và hành vi đạo đức. Sau đó, các ân tứ có vẻ như tình cờ được đặt trong Ro 12:6-8. Eph 4:1-16 không liên hệ với 4:17-32, và cũng không phải là đoạn nối kết giữa Rôma và Côrinhtô ngoại trừ việc liệt kê các ân tứ. Những học giả ngày nấy đã thắp sáng lên một hướng giải nghĩa mới, cho thấy cả ba đoạn Kinh thánh trên liên hệ chặc chẽ với nhau như thế nào.
Những đoạn Kinh thánh nầy cho thấy Hội thánh là gì qua những biểu hiện của các ân tứ. Chúng dạy dỗ về bối cảnh, điều kiện tiên quyết, và những hiểu biết để Hội thánh được tự do sử dụng các ân tứ.Thay vì chỉ nhấn mạnh trên các ân tứ, chúng còn cho thấy bản chất cần yếu của tất cả các ân tứ và sự sử dụng các ân tứ thường xuyên.
Những đoạn Kinh thánh nầy được viết trong một văn cảnh đạo đức để bày tỏ Cơ Đốc nhân phải sống như thế nào. Tín hữu sống trong Vương quốc đã đến nhưng còn phải chờ đợi ngày cứu chuộc cuối cùng.Ngày đó được nói đến như là “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời”(Ro 12:19); “song lúc sự trọn lành đã đến ... Đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy”(ICo 13:9,12); “cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin ... được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ”và “ngày cứu chuộc”(Eph 4:13,30). Các mối liên hệ giữa Hội thánh học (nghiên cứu về Hội thánh), đạo đức (hành vi của chúng ta), và ngày tận thế (sự trở lại của Đấng Christ) thật rõ ràng và không thể tách rời.
Ernst Kasemann cho rằng Ro 12 liên hệ đến cộng đồng của những người theo phong trào ân tứ. Ông đưa ra dàn ý như sau:
Ro 12:1-2
Sự thờ phượng trên thế giới
       12:3-8
Lời khuyên cho những người theo phong trào ân tứ đứng tách rời
       12:9-21
Cộng đồng của những người theo phong trào ân tứ 127
Markus Barth nghĩ rằng Eph 4 liên quan đến những người theo phong trào ân tứ đang tham gia sự phán xét trong ngày tận thế của Đức Chúa Trời. Mặc dầu từ ngữ “Hội thánh”không được dùng ở đây, nhưng qua những câu Kinh thánh nầy, thì bối cảnh Hội thánh tại sự thờ phượng và trong hành động được tập trung nhấn mạnh cách rõ ràng.128 Nói về mối liên hệ giữa Eph 4:1-16 và 4:17-32, ông nói rằng:
Trong khi nửa đoạn đầu nhấn mạnh trên thứ tự, mục đích, và sự sống của cả Hội thánh, nửa thứ hai đặt trọng tâm trên tất cả những điều thay thế cho hành vi và động cơ của mỗi cá nhân thánh đồ. Nhưng hai phần không tách rời nhau: Hội thánh học là đạo đức, và đạo đức là Hội thánh học .... cả hai được thiết lập trên sự đến và sự công bố về Đấng Christ.
Max Turner đưa ra bốn lý do cho sự tương quan giữa Ro 12 và ICo 12:
1. “Phao-lô dạy về charisma (ân tứ)trong charis (ân điển) (Ro 12:3,6; 15:15; ICo 1:4-7).
2. Các ân tứ được thảo luận trong một văn cảnh đạo đức (Ro 12:1-3,9 và những câu tiếp theo).
3. “Sự hiệp nhất và sự đa dạng trong một thân thể là hình ảnh chính yếu.”
4. “Phao-lô nhấn mạnh nhu cầu ... hiểu được vai trò của mỗi chi thể là sự đóng góp cho cả thân thể .... biết được giới hạn và chức năng của (các) ân tứ của một người và sử dụng chúng tối đa trong ánh sáng của sự kiện rằng chúng là những biểu hiện riêng biệt của ân điển Đức Chúa Trời”.
Dàn ý tiếp theo sẽ hướng dẫn chúng ta qua sự bàn luận những điểm song song.
Những đoạn Kinh thánh song song



Bản chất hóa thân của các ân tứ

SỰ KHUYÊN BẢO
“Vậy,hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em”(Ro 12:1).
“Hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết về các sự ban cho thiêng liêng”(ICo 12:1).
“Vậy,tôi là kẻ tù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em”(Eph 4:1).
Bởi vì các ân tứ có bản chất hóa thân,nên con người có trách nhiệm trong sự sử dụng chúng. Phao-lô nhiệt thành khuyên giục: “tôi khuyên anh em”(Ro 12:1; Eph 4:1); “tôi không muốn anh em chẳng biết”(ICo 12:1). Lời kêu gọi dành cho mọi tín hữu hãy sống cách đầy trọn nhất trong sự trông chờ Đấng Christ trở lại. Sự kêu gọi và những mạng lịnh của Đức Chúa Trời không phải là gánh nặng cho chúng ta, nhưng làm cho chúng ta được tự do phản chiếu phúc âm. Chúng ta sống con người thật của chúng ta trong Đấng Christ.
Cách sử dụng thể mệnh lệnh cho thấy nội dung, phong cách, và đặc điểm của những lời khuyên bảo của những giáo sư Do Thái khôn ngoan. Markus Barth nhận thấy rằng Phao-lô nói về Hội thánh như là một ngôi trường của Đấng Mê-si nơi mà chúng ta được huấn luyện để trở nên giống Chúa Giê-xu và học cách thi hành chức vụ trong quyền năng của Ngài.131 Ngôi trường không chỉ là nơi học hỏi những kiến thức trong đầu về Đấng Christ, nhưng là học hỏi để nhận lấy sự sống, quyền năng và khải tượng của Ngài. Phao-lô không huấn luyện những người đồng lao của ông về các sứ mạng, ông huấn luyện họ trong các sứ mạng. Sự sống trong cương vị là một chi thể trong thân thể khỏe mạnh của Đấng Christ phải dẫn đến sự đào luyện môn đệ cách tự nhiên. Việc Phao-lô nhấn mạnh trên thực tế và khuynh hướng đạo đức là điều rất rõ ràng. Những gì Phao-lô thừa hưởng trong Đạo Do thái không cho phép ông trở thành “chỉ nghĩ đến những điều ở trên trời như thể trên đất không có điều gì tốt.”Thật ra, mọi câu trong các lẽ thật thần học của Phao-lô đều được đi kèm bởi một mạng lịnh tiên tri chỉ về cách phải sống ngày nấy như thế nào. Việc ông chịu ảnh hưởng của sự khôn ngoan của Cựu ước trong chức vụ và các bản văn của ông thật rõ ràng.
THÂN THỂ
Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em(Ro 12:1).
Anh em biết khi mình còn là người ngoại đạo, bị khuyên dỗ hướng về các thần tượng câm, tùy ý người ta dẫn dụ mình(ICo 12:2).
Ba câu đầu của mỗi đoạn (Ro 12,1Côrinhtô, và Eph 4) bày tỏ thế nào Cơ Đốc nhân phải dâng thân thể, tâm trí,hành vi, và các thái độ suy nghĩ của mình cho Chúa. Thân thể con người không phải là “nơi ẩn trú của linh hồn”như người Hy lạp nói, nhưng là phần thấy được của cá tính và sự sống của một người. Chúng ta không thể biết được một người nào đó ngoài sự hiện diện của người ấy trong thân thể. Thân thể không xấu, nhưng tương quan đến của lễ thật với Đức Chúa Trời. Phao-lô sử dụng của lễ và những tế lễ để vẽ lên toàn bộ sự sống như là một sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Bản Kinh thánh NIV dịch từ latreia là “sự thờ phượng thuộc linh”. Chúng ta phải quyết định trong tâm trí của mình và dâng thân thể của chúng ta như là những của lễ sống.
TÂM TRÍ ĐỔI MỚI
“Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”(Ro 12:2).
“Bởi đó, tôi tỏ cùng anh em, chẳng ai cảm Thánh Linh của Đức Chúa Trời, mà nói rằng:Đức Chúa Giê-xu đáng nguyền rủa! Nếu không cảm Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng Đức Chúa Giê-xu là chúa:(ICo 12:3).
“Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhơn, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ”(ICo 13:11).
“Hỡi anh em, về sự khôn sáng, chớ nên như trẻ con; nhưng về sự gian ác, thật hãy nên như trẻ con vậy. Còn về sự khôn sáng, hãy nên như kẻ thành nhơn”(ICo 14:20).
“Phải khiêm nhường đến đều, mềm mại đến đều, phải nhịn nhục, lấy lòng yêu thương mà chìu nhau, dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh”(Eph 4:2-3).
Vậy, nầy là điều tôi nói và điều tôi nhơn danh Chúa mà rao ra: ấy là anh em chớ nên ăn ở như người ngoại đạo nữa, họ theo sự hư không của ý tưởng mình, bởi sự ngu muội ở trong họ, và vì lòng họ cứng cõi nên trí khôn tối tăm, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời. Họ đã mất cả sự cảm biết, đành bỏ mình trong một đời buông lung, đem lòng mê đắm không biết chán mà phạm hết mọi điều ô-uế. Nhưng anh em học cho biết Đấng Christ thì chẳng phải như vậy, vì anh em đã nghe đạo Ngài, và được dạy dỗ trong Ngài (y theo lẽ thật trong Đức Chúa Giê-xu) rằng anh em phải bỏ cách ăn nếp ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, mà phải làm nên mới trong tâm trí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật (Eph 4:17-24)
Phao-lô cảnh cáo Cơ Đốc nhân tại Rôma về những thái độ lầm lạc của họ đối với những người khác. Ông muốn họ thỏa lòng mà quản trị các ân tứ Đức Chúa Trời đã ban cho họ. Mặc dầu chúng ta không biết những nan đề chính ở Rô ma vào lúc Phao-lô viết thư tín nầy, tình trạng tại Côrinhtô đang hết sức cần đến sự chữa lành. Và tuy là bối cảnh khác nhau như vậy, những nguyên tắc để giải quyết tình trạng đều như nhau.
Tâm trí phải được đổi mới. ngay cả trong hiện tại Đức Chúa Trời đang biến đổi chúng ta từ vinh hiển qua vinh hiển (IICo 3:18). Vì vậy, Cơ Đốc nhân phải suy nghĩ như người trưởng thành, tâm thần được đổi mới. Giá trị phẩm chất của tư tưởng được đòi hỏi. Tâm trí được thánh hóa sẽ phân biệt được những giáo lý sai lầm (“chẳng ai cảm Thánh Linh của Đức Chúa Trời, mà nói rằng: “Chúa Giê-xu đáng nguyền rủa”) và thuận phục quyền làm Chúa của Đức Chúa Giê-xu Christ (“Nếu không cảm Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng Đức Chúa Giê-xu là Chúa”ICo 12:3). Phao-lô vui mừng mà nói rằng: “tôi là kẻ tù trong Chúa”(Eph 4:1). Không có sự kêu gọi nào cao cả hơn là trở thành kẻ nô lệ cho tình yêu của Đức Chúa Giê-xu Christ.
Hai từ ngữ cho chữ “mới”là neos (mới vào một thời điểm, như là một bộ áo quần mới mẤy) và kainos (mới trong phẩm chất và đặc tính, như một Cơ Đốc nhân được tái sai).133 Cơ Đốc nhân được đổi mới trong cả hai cách. Có B. C., trước Đấng Christ, và A. C., sau Đấng Christ. Có một thời điểm mà sự sống mới được ban cho. Đó là sự sống đời đời và có đặc tính khác với mọi điều trước đây. Bởi tâm trí thuộc thể nầy tìm kiếm sự bình an trong tương lai và thế giới quan của chính nó, nó không thể nào hiểu được tâm trí được đổi mới nầy.
Sự sống Cơ Đốc không chỉ đơn giản là một đời sống tốt hơn, nhưng là một cách sống cao cả hơn và khác biệt, mà chỉ có ân điển của Đức Chúa Trời mới làm được điều đó. Trước kia họ đã từng là người ngoại đạo (ICo 12:2; Eph 4:17-19), nhưng bây giờ họ không được “làm theo đời nầy”nữa (Ro 12:2). Đoạn văn trong Ê-phê-sô rất đặc biệt mô tả những điều thuộc về đời nầy:trộm cắp, nói dối, cây đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc (Eph 4:17-32).
KHIÊM NHƯỜNG
Vậy, nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm tình tầm thường, y theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người(Ro 12:3).
Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận,chẳng nghi ngờ sự dữ (ICo 13:4-5).
Phải khiêm nhường đến đều, mềm mại đến đều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau(Eph 4:2).
Đối với Phao-lô, mọi phước hạnh đều được đặt nền tảng trên ân điển của Đức Chúa Trời. Sự cứu rỗi, sự lựa chọn, sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, chức vụ, Hội thánh, và các ân tứ của Đức Thánh Linh - tất cả đều được ban cho bởi lòng rộng rãi của Ngài, ấy là ân điển của Ngài.134 Như một người đã nói: “Đối với Phao-lô, nền thần học là ân điển, và đạo đức là lòng biết ơn.”Chức vụ, sự sống, và đạo đức của Cơ Đốc nhân là những sự biết ơn Đức Chúa Trời. Không ai được dối mình, nhưng phải khiêm tốn tự xét mình (Ro 12:3).
Lòng thương xót của Đức Chúa Trời đã thúc đẩy sự cứu chuộc của chúng ta: “Trong khi dân ngoại thường có khuynh hướng hy sinh để đạt được sự thương xót, thì đức tin vào Kinh thánh dạy dỗ chúng ta rằng lòng thương xót thiên thượng trang bị cho chúng ta nền tảng để hy sinh như là một phản ứng thích hợp.” Như thể dân Ysơraên cần bánh mana mỗi ngày thế nào, chúng ta cũng cần phải phụ thuộc vào Đức Chúa Trời mỗi ngày như vậy. Những ân tứ chúng ta nhận được không trọn vẹn (theo “lượng”đức tin, Ro 12:3; nói tiên tri “chưa trọn vẹn” ICo 13:9; có “các ân tứ khác nhau”ICo 12:4; ân điển ... “theo lượng ban cho của Đấng Christ”Eph 4:7). Đức Chúa Trời đặt để những chi thể trong Thân thể nơi Ngài muốn,và phân phát các ân tứ tùy theo ân điển của Ngài.136 Đây là công việc của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời sẽ nhận tất cả mọi sự vinh hiển.
Bởi ân điển nầy, Phao-lô vui mừng chịu đựng những sự chỉ trích, ngược đãi, bất công, nói hành, và bắt bớ. Ông dùng những thuật ngữ như “kẻ tù trong Đấng Christ”, “ăn ở cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em”và “khiêm nhường đến đều”để mô tả thái độ tâm trí nầy. Nghiên cứu ân điển vô lượng của Đức Chúa Trời, sự kêu gọi thánh khiết của Ngài, chương trình của Ngài cho đời sống chúng ta, và tình yêu của Ngài trong sự giải hòa với con người sẽ giúp chúng ta nhận thấy được chúng ta không xứng đáng với ân huệ của Ngài như thế nào.
Chính Chúa Giê-xu đã trở thành một tấm gương trọn vẹn về sự khiêm nhường bằng cách lìa bỏ ngôi thiên đàng để chịu chết trên đồi Gôgôtha. Tâm trí chúng ta phải như vậy. Cảm xúc của chúng ta không phải là vấn đề. Sự bình đẳng và quyền lợi không phải là vấn đề. Chỉ có sự vinh hiển của Đấng Christ mới là quan trọng. Nếu chúng ta ao ước được Đức Thánh Linh tiếp tục tuôn trào trong chúng ta, thái độ của người tôi tớ là điều không thể thiếu.
Người Hy lạp không xem sự khiêm nhường là một đức hạnh, nhưng Cơ Đốc nhân rất xem trọng đặc tính nầy. Chúng ta phải đến với Đức Chúa Trời bằng một tâm thần khiêm nhu, biết rằng chúng ta là tội nhân cần đến ân điển của Đức Chúa Trời. Và rồi Đức Chúa Trời sẽ đổ những ân phước của Ngài trên chúng ta. Eph 4:1-3 phản chiếu ba phước lớn: có tâm linh nghèo khổ,nhu mì, làm cho người hòa thuận (Mat 5:3,5,9). Sự khiêm nhường thật biết rằng Đức Chúa Trời đang cai trị. Ngài đang chiến đấu cho chúng ta.
SỰ NHU MÌ HẤY LÀ MẤT TỰ CHỦ
“Vậy,hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”(Ro 12:1-2).
“Anh em biết khi mình còn là người ngoại đạo, bị khuyên dỗ hướng về các thần tượng câm, tùy ý người ta dẫn dụ mình. Bởi đó, tôi tỏ cùng anh em, chẳng ai cảm Thánh Linh của Đức Chúa Trời mà nói rằng: Đức Chúa Giê-xu đáng nguyền rủa. Nếu không cảm Đức Thánh Linh , cũng chẳng ai xưng Đức Chúa Giê-xu là Chúa”(ICo 12:2-3).
Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ, tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận,chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật.Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự (ICo 13:4-7).
“Phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng yêu thương mà chìu nhau”(Eph 4:2).
“Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà lay động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc, nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chơn thật, để trong mọi việc chúng ta được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Chris”(Eph 4:14-15).
Những ân tứ thuộc linh không làm cho một người mất đi khả năng tự chủ của mình. Thay vào đó, khi một người đầu phục trọn vẹn dưới sự kiểm soát của Đức Thánh Linh, người ấy nhận biết rằng mình có thể sử dụng các ân tứ thuộc linh cách hiệu quả nhất cũng như các khả năng tự nhiên của mình. Sự tự chủ thật đến khi Đức Thánh Linh hướng dẫn, dạy dỗ, khuyên bảo và uốn nắn những hành động và tư tưởng của chúng ta, và khi chúng ta tôn xưng Đức Chúa Giê-xu là Chúa.
Sự nhu mì và sự chịu khổ là một phần trong cách sống của Cơ Đốc nhân. “Nhu mì”nói lên hình ảnh của một con thú hoang đã được thuần hóa, và ở trong sự kiểm soát thường xuyên. Con thú có khả năng để làm điều xấu hoặc điều tốt, nhưng sử dụng nó để làm điều tốt. Môi-se và Chúa Giê-xu được nói đến như những người nhu mì. Chúa Giê-xu phán: “phước cho những kẻ nhu mì”(Mat 5:5). Với sự nhu mì, chúng ta sử dụng các ân tứ tùy theo lượng đức tin. Không phải là mất tự chủ, nhưng là “tâm thần của các đấng tiên tri suy phục các đấng tiên tri”(ICo 14:32). Nếu chúng ta có sự hiểu biết và những thái độ đúng đắn, Đức Thánh Linh có thể làm việc cách hiệu quả nhất trong các lãnh vực của chức vụ của chúng ta. Đức Chúa Trời không chỉ ban cho chúng ta đức tin để được cứu rỗi, nhưng còn ban cho chúng ta đức tin hiệu quả để làm trọn các trách nhiệm của chúng ta (Ro 12;3).
Một phần của sự nhu mì là chịu khổ. Eph 4:2 liên hệ từ ngữ makrothumia ám chỉ về sự nhẫn nhục đối với các anh chị em trong Chúa của chúng ta. Đây là điều trước nhất. Nhẫn nhục trong các hoàn cảnh thử thách hoạn nạn sẽ không có ích lợi gì nếu chúng ta không nhẫn nhục với con người. Trong ICo 13:4-7, Phao-lô bắt đầu với từ makrothumia, nhẫn nhục với người khác, và kết thúc với từ hupomones, nhẫn nhục với hoàn cảnh. Trong Ro 12:12-21,Phao-lô tập trung trên cả hai loại nhẫn nhục (câu 12: hupomones, và câu 17 đến 21: makrothumia). Khi chúng ta nhìn người khác như Đức Chúa Trời nhìn họ, chúng ta sẽ tin cậy Đức Chúa Trời rằng Ngài đang chăm xem mọi hoàn cảnh và làm mọi sự vì ích lợi của chúng ta. Sự nhẫn nhục theo ý Đức Chúa Trời không phải là thái độ tin ở định mệnh. Đó là một thái độ tích cực, năng động về con người và / hoặc về hoàn cảnh và Đức Chúa Trời.
Eph 4 bàn rộng ra về sự nhu mì từ phương diện cá nhân đến Hội thánh. Không chỉ mỗi cá nhân phải phát huy sự tự chủ,nhưng cả thân thể của Đấng Christ phải bỏ đi những thành kiến, tổn thương và sự thiển cận để thấy được những điều tốt đẹp hơn trong sự phục vụ vương quốc Đức Chúa Trời. Sự khiêm nhu (Eph 4:1-2) sẽ dẫn đến sự hiệp một (câu 3-6), hầu cho Hội thánh được trưởng thành, đạt được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ (Eph 4:13).
Phao-lô kêu gọi sự hiệp một (câu 1-3),mô tả nền tảng Kinh thánh của nó là phương cách mà Đức Chúa Trời hành động (câu 4-6), sự đa dạng của nó trong các ân tứ (câu 7-12), và thế nào nó có thể được trọn vẹn để phản chiếu sự hiệp nhất của Đức Chúa Trời (câu 13-32). Trong bối cảnh của sự hiệp một nầy, Hội thánh có thể đạt đến hiệu quả cao nhất. Sự nghiên cứu về chức vụ thầy tế lễ trong xứ Palestine trong thời Kinh thánh sẽ cho thấy một sự bại hoại, tham lam, và tranh giữ những quyền lực chính trị. Kết quả là những người bình thường phải chịu khốn khổ. Họ chờ đợi một vị giáo sư công chính người sẽ chỉ cho họ con đường đến với tôn giáo thật. Chức vụ tế lễ đó là một gương điển hình của sự thiếu quyền năng thuộc linh. Những người khao khát quyền lực sẽ phá hỏng sự hiệp một của Hội thánh. Tuy nhiên, khi Hội thánh Đầu tiên đứng trước sự tranh cãi liên quan đến những người góa phụ Hê-lê-nít (Cong 6), những người lãnh đạo đã tìm kiếm sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và giải quyết tình trạng cách êm dịu. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu trong Gi 17 là cho sự hiệp một mà nó sẽ khiến cho các môn đệ của Ngài thấy được vinh hiển của Ngài và để thế giới sẽ hiểu được tình yêu của Đức Chúa Cha đối với con người. Nhìn qua sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sẽ làm cho chúng ta có thể vượt qua những khác biệt của con người.
Phao-lô xây dựng trên ý nghĩa tích cực của sự nhẫn nhục và khuyên giục tín hữu hãy “dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh”(Eph 4:3). Chúng ta phải trông đợi những kết quả tích cực.Chúng ta có sự bình an trong Đấng Christ, nhưng chúng ta cũng phải canh giữ và bảo vệ nó trong mối liên hệ với nhau. Từ ngữ hòa bình trong tiếng Hy lạp là eirene, có nghĩa là đem những gì đã bị phân rẽ ra trở lại với nhau. Phao-lô dùng từ ngữ hòa bình cũng có nghĩa là salom của tiếng Hêbơrơ, có nghĩa là một sự toàn vẹn, một tình trạng khỏe mạnh. Mục đích của Thập tự giá là giải hòa với Đức Chúa Trời trước, sau đó với nhau. Điều nầy sinh ra ý nghĩa về sự toàn vẹn và sự đem lại cùng nhau.
Sự hòa bình trong Kinh thánh không phải là áp đặt một cách giải quyết giữa hai phe nhưng là tìm cách phục hồi những mối quan hệ. Có những điểm khác nhau giữa con người với nhau. Những cá tính, cái nhìn, và sự hiểu biết khác nhau. Phao-lô rất thực tế: “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người”(Ro 12:18). Chúng ta phải thực hiện bổn phận của mình. Chúng ta không thể ép buộc người khác phải đáp ứng theo một cách nào đó.
Trong việc vận hành các ân tứ, trong việc tổ chức Hội thánh, trong việc giải quyết những sự tranh cãi cá nhân, chúng ta phải tìm kiếm sự hòa bình. Đây không phải là sự hòa bình với bất cứ giá nào hoặc sự trung thành mù quáng với một người lãnh đạo. Đó không phải là sự hòa bình bởi vì chúng ta có cùng một nền văn hóa hoặc một cái nhìn thần học. Nhưng đó phải là sự hòa bình của Kinh thánh, đặt nền tảng trên ân điển của Đức Chúa Trời được bày tỏ tại Gôgôtha.
Chúng ta không được đầu hàng sự kiểm soát. Những câu Kinh thánh sau ở thể thụ động, cho thấy hành động được làm cho một người: bị giữ theo những khuôn mẫu của đời nầy (Ro 12:2 KJV), bị khuyên dỗ hướng về các thần tượng câm (ICo 12:2), bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành là cho lầm lạc, mà (bị) lay động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc (Eph 4:14). Trong câu “lay động và dời đổi”Phao-lô sử dụng hình ảnh một cơn bão để cho thấy thế nào những giáo sư giả để lôi kéo sự hiểu biết non nớt của tín hữu và làm lay động sự vững vàng của họ.138 Hãy lưu ý đến thể song song trong ba chương Kinh thánh nầy.
Rôma: Hãy dâng thân thể và tâm trí của anh em làm sự thờ phượng thuộc linh. Chứng tỏ được đâu là ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.
1Côrinhtô: Đừng mất sự tự chủ thân thể anh em. Đừng chấp nhận những giáo lý giả nhưng hãy để Đấng Christ là Chúa.
Ê-phê-sô: Ăn ở cách xứng đáng với sự kêu gọi của Đức Chúa Trời. Hãy có thái độ đúng đắn. Hãy được đổi mới trong tâm thần của tâm trí anh em.
Những câu Kinh thánh đầu của mỗi phân đoạn cho thấy tầm quan trọng của chúng ta trong việc sử dụng các ân tứ. Điểm trọng tâm ấy là chúng ta là ai hơn là chúng ta làm điều gì. Đức Chúa Trời mong muốn các phẩm chất trong những con người thực hiện ý muốn của Ngài. Chúng ta có thể thấy được lẽ thật nầy bằng cách nhìn qua năm từ ngữ nền tảng trong Tân ước nói về chức vụ: thông công, thờ phượng, giảng dạy, công bố và phục vụ. Những từ ngữ nầy có thể chia thành hai nhóm: nhóm “làm”: giảng dạy, công bố, phục vụ; và nhóm “là”: thông công, thờ phượng (xem hình 5). Mọi chức vụ phải được cân bằng trong hai lãnh vực nầy. Hầu hết các Cơ Đốc nhân đều tập trung trên việc “làm”cho Đức Chúa Trời và đưa ra một vài sai lầm về việc “là”- hoặc đơn giản bỏ qua khía cạnh nầy trong đời sống của họ. Để “làm”cách trọn vẹn, chúng ta phải “là”. Chẳng hạn như, Đức Thánh Linh ban quyền năng cho chúng ta để chúng ta có thể “trở thành”những chứng nhân (Cong 1:8).
 LÀ                                                                                    LÀM
                  Thờ phượng                                                               Giảng dạy
                                                                                                      Công bố
                  Thông công                                                               Phục vụ

Hình 5. Chức vụ trong sự Cân bằng
Hội thánh tại An-ti-ốt là một ví dụ điển hình. Hàng ngũ lãnh đạo đến từ nhiều nơi khác nhau, gồm cả Phi châu, Sy-ren,Palestine, và Tạt-sơ. “Đương khi môn đồ thờ phượng Chúa và kiêng ăn”(Cong 13:2), Đức Thánh Linh xác nhận sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời về việc Ba-na-ba và Phao-lô. Phong trào sứ mạng nầy của Hội thánh được khai sinh trong sự thờ phượng và sự thông công giữa nhiều thành phần văn hóa (Cong 13:1-3).
Sự thờ phượng giải phóng chúng ta khỏi những hoàn cảnh. Nó phản chiếu ước muốn của chúng ta sống mỗi ngày vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Sự thờ phượng thật dẫn đến sự thông công câu sắc hơn.Chúng ta không thể công bố tình yêu của Đức Chúa Trời nhưng lại ghét anh em mình (IGi 4:19-21). Họ là một món quà của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, là chi thể trong Thân thể, là người mà Đấng Christ đã chết thế cho, và là người có thể được Đức Chúa Trời sử dụng để quản trị các ân tứ cho chúng ta. Vì vậy, sự thờ phượng thật phải dẫn đến một sự hiểu biết sâu sắc, một mối tương giao, và tình yêu trong gia đình của Đức Chúa Trời. Chúng ta cùng nhau tiến lên Si-ôn. Đồng thời, sự thông công sâu sắc đó làm cho chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời càng hơn.Khi những người khác quản trị các ân tứ của Đức Thánh Linh, chúng ta cảm tạ Đức Chúa Trời vì các ân tứ và vì người chia xẻ chúng. Chúng ta xem trọng nhau, tìm cách bảo vệ phẩm hạnh của nhau và tránh cho nhau sự kiêu ngạo.
Bằng cách tập trung trên lãnh vực “làm”trước, chúng ta đặt những mục tiêu phía trước con người, chúng ta thách thức hơn là nuôi dưỡng, chúng ta cảm thấy kiệt sức và mòn mõi hơn là được mạnh mẽ và được Đức Thánh Linh hà hơi. Bí quyết của phong trào lễ Ngũ tuần là đặt trên lãnh vực “là”. Trong sự thờ phượng chúng ta nhìn xem Đức Chúa Trời như là nguồn sức mạnh của chúng ta. Sự truyền giáo của chúng ta phát xuất bởi dòng sông phước hạnh của Ngài. Chính lòng nhiệt thành của tình yêu, sự làm chứng, và tình thân thiện hấp dẫn những người khác.
Lãnh vực “là”ở trong bối cảnh Hội thánh nhóm lại cùng nhau. Ở đây chúng ta học hỏi cách sử dụng các ân tứ và quản trị lẫn nhau. Chúng ta học về những đường lối của Đức Chúa Trời. Chúng ta chấp nhận sự khác nhau, chúng ta học hỏi từ những lỗi lầm của mình, chúng ta cười với nhau và khóc với nhau. Chúng ta học làm dân sự của Đức Chúa Trời.
Lãnh vực “làm”ở trong bối cảnh Hội thánh đi ra, làm muối và ánh sáng, quản trị trong quyền năng của Đức Thánh Linh. Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể thật sự đi vào thế gian như là dân sự của Đức Chúa Trời nếu chúng ta không xuất phát từ sự nhóm nhau lại trong một bầu không khí chấp nhận, kết ước, yêu thương, bình an và khích lệ nhau học hỏi các ân tứ? Đó là lý do sự khiêm nhường, nhu mì, nhịn nhục, và cố gắng gìn giữ sự hiệp một là điều hết sức quan trọng. Chúng ta cùng nhau học hỏi. Chúng ta tự tin trong sự sử dụng các ân tứ. Chúng ta tìm thấy được chổ đứng và sức mạnh của mình trong Thân thể Đấng Christ.
Lãnh vực “là”nếu không có lãnh vực “làm”sẽ trở thành sự tự ám kỷ. Lãnh vực “làm”nếu không có lãnh vực “là”sẽ trở thành mối ám ảnh công việc làm cho kiệt sức. Chỉ sử dụng các ân tứ trong nhà thờ sẽ không đi vào trọng tâm. Ở đây chúng ta được “dạy bảo”, được huấn luyện làm môn đệ (ICo 14:31). Theo sự hiểu biết về các môn đồ là ai và làm gì trong Tân ước,rõ ràng là những môn đệ nầy sau đó đi ra là khiến những người khác trở thành môn đệ trong quyền năng của Đức Chúa Trời (Mat 28:18-20 và cả sách Công vụ).Chúng ta mắc phải sai lầm về dụng ý của Phao-lô trong ICo 12-14 khi xem các ân tứ chủ yếu là ở trong Hội thánh. Bởi vì Phao-lô phải đương đầu với những nan đề,nên ông tập trung trên việc giải quyết các nan đề trong Hội thánh. Trong Rôma,giáo lý đúng (chương 1 đến 11) dẫn đến việc sống đúng (chương 12 đến 16).Trong Ê-phê-sô, sự thờ phượng (chương 1-3) dẫn đến sự làm chứng và hành vi sống (chương 4 đến 6). Tất cả những điều nầy phải được đặt trong bối cảnh khải tượng của Phao-lô để vươn đến những người chưa được cứu (Ro 15:18-24; 16:26; Eph 6:19-20). Đặc biệt hãy lưu ý đến ICo 14:21-25 và sự nhấn mạnh của Phao-lô trên những cơ hội truyền giáo của giờ thờ phượng.
Phao-lô không nói về những chuẩn mực của sự thánh khiết, sự sống thuộc linh sâu sắc, và những sự mặc khải vĩ đại, nhưng về những trách nhiệm cơ bản của Cơ Đốc nhân trong sự sử dụng các ân tứ. Nan đề của mỗi Hội thánh khác nhau, nhưng nguyên tắc thì giống nhau trong những chương Kinh thánh nầy: Chúng ta phải dựa trên Kinh thánh, yêu thương, hạ mình, thuận phục nhau, thừa nhận quyền làm Chúa của Đấng Christ và mang lấy trách nhiệm về phương cách mà các ân tứ được sử dụng để chúng xây dựng Hội thánh; nói tóm lại,chúng ta mang lấy tâm tình của Đấng Christ.
Tính hiệp một và Tính riêng biệt trong Ba Ngôi
Ba Ngôi là một sự riêng biệt trong sự hiệp nhất. “Bởi vì Đức Chúa Trời là ba ngôi trong một, Ngài là sự hiệp nhất. Một Đức Chúa Trời của một ngôi không thể là sự hiệp nhất. Trừ khi Đức Chúa Trời là ba ngôi trong một, thì việc gọi Ngài là ‘một’ không có ý nghĩa gì cả.”140 Ý tưởng nầy làm nền tảng thần học cho điều sau đây. Hội thánh có chức năng phản chiếu bản tánh của Đức Chúa Trời. Eph 1 đến 3 dạy rằng Cơ Đốc nhân phải là những lời ca ngợi vinh hiển của Ngài và bày tỏ sự giàu có của ân điển Ngài. Trong Eph 4, Hội thánh, bằng công tác của mình, bày tỏ phương cách Đức Chúa Trời làm việc. Ba câu đầu dạy dỗ về vai trò của chúng ta trong các ân tứ.
Vấn đề về tính hiệp nhất và tính riêng biệt thần thượng cũng là điểm then chốt trong các đoạn Kinh thánh Côrinhtô và Ê-phê-sô. Cả hai thư tín đều cho thấy Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Linh cùng tham gia chương trình cứu chuộc, làm việc cho cùng một mục đích và chức vụ. Ro 12 không nói về Ba Ngôi nhưng, cả về mặt văn phong và nội dung,dạy về tính hiệp nhất và tính riêng biệt trong thân thể của Đấng Christ.
Eph 4:4-6 có lẽ là một bài thánh ca hay một bài tín điều của Hội thánh Đầu tiên. Những điểm giống nhau giữa ICo 12:4-6 và đoạn Kinh thánh nầy thật đáng lưu ý. Thứ tự giống nhau: Đức Thánh Linh,Chúa, Đức Chúa Trời.141 Trong 1Côrinhtô Phao-lô nhận thức được Ba Ngôi với cùng “một Đức Thánh Linh,”“một Chúa,”“một Đức Chúa Trời.”Trong Eph 4:4-6 ông mô tả một sự hiệp nhất trọn vẹn có bảy khía cạnh qua bảy lần sử dụng từ ngữ “một”(xin xem bản Kinh thánh Diễn Ý). Chỉ có một Đức Thánh Linh, một Chúa, một Đức Chúa Trời là Cha.
Bằng cách so sánh những đoạn Kinh thánh nầy chúng ta sẽ thấy được những hoạt động của Đức Thánh Linh, Chúa, và Cha trong vấn đề các ân tứ và toàn bộ chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời.
ĐỨC THÁNH LINH
“Vả,có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh” (ICo 12:4).
“Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi” (Eph 4:4).
Đức Thánh Linh, cáo trách và kêu gọi chúng ta đến sự cứu rỗi, đem chúng ta vào trong thân thể của Đấng Christ (ICo 12:13),ban quyền năng cho chúng ta sống trong niềm hy vọng về sự kêu gọi của Ngài (Eph 4:4). Đức Thánh Linh ban phát các ân tứ theo ý Ngài muốn (ICo 12:4,11). Các ân tứ là những biểu hiện của Đức Thánh Linh (ICo 12:7). Nếu được quản trị cách thích hợp, các ân tứ sẽ bày tỏ một sự hiệp nhất sáng tạo, phối hợp, và sự khôn ngoan và quyền năng mà Đức Thánh Linh hòa trộn vào nhau. Các ân tứ là những sự bày tỏ của cá tính của Đức Thánh Linh. Đồng thời chúng còn mang một khía cạnh về tương lai, bởi vì các ân tứ được tỏ bày bây giờ chỉ là một sự ứng nghiệm chưa trọn vẹn.
Đức Thánh Linh được nói đến như là Đức Thánh Linh được hứa ban (Lu 24:49; Eph 1:13). Ngài là sự ứng nghiệm của các lời hứa trong Cựu ước và của Đấng Christ trong việc hứa ban quyền năng. Về mặt ngữ pháp, Eph 1:13 cũng có thể đọc là: “Đức Thánh Linh của lời hứa.”Sự đến của Đức Thánh Linh không chỉ làm ứng nghiệm lời tiên tri, nhưng Đức Thánh Linh còn mang đến với Ngài những lời hứa quyền năng, sự bảo vệ, sự hướng dẫn và phước hạnh của Đức Chúa Trời cho đến ngày cứu chuộc. Qua Đức Thánh Linh, tín hữu được ban năng lực, Hội thánh được gây dựng, và thế giới được thay đổi.
CHÚA
“Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa” (ICo 12:5).
“. .. một Chúa, một đức tin, một phép báp têm” (Eph 4:5).
Chúa Giê-xu là trung tâm của cả hai bản liệt kê các ân tứ trong Côrinhtô và Ê-phê-sô. Ngài là Chúa và là chủ của đời sống chúng ta. Chúng ta đến với Ngài bằng đức tin để tiếp nhận sự cứu rỗi, để trở thành một phần của thân thể Đấng Christ, và để cùng chịu đau đớn, sự chết, và sự sống lại với Ngài. Hơn nữa, chính Ngài là Đấng ban các ân tứ cho Hội thánh.
Phép báp têm chỉ về sự kết hợp vào trong thân thể của Đấng Christ (Eph 4:5; ICo 12:13). Những nghi thức không kết hiệp nên thân thể của Đấng Christ. Sự thật, đôi khi chúng dẫn đến những sự mâu thuẩn - và đến sự chia rẽ. Kinh thánh nói đến nhiều phép báp têm, nhưng văn cảnh trong đoạn Kinh thánh nầy chỉ nói đến việc gia nhập vào thân thể của Đấng Christ.
Hầu hết các nhà giải nghĩa Kinh thánh đều liên hệ phép báp têm nầy với phép báp têm bằng nước. Hội thánh Đầu tiên không có thời gian chờ đợi giữa sự cứu rỗi và phép báp têm. Phép báp têm là sự công bố trước nhiều người rằng ai đó đã trở thành một tín hữu từ bỏ nếp sống cũ của mình. Trên việc trở thành một Cơ Đốc nhân, người ấy chịu phép báp têm và được gia nhập vào Hội thánh.
Đấng Christ ban cho các ân tứ và chức vụ;Ngài gọi chúng ta đến sự phục vụ (Eph 4:8,12). Tính riêng biệt của các chức năng của các thành viên trong Thân thể bày tỏ sự sáng tạo của Ngài trong việc đổ đầy các nhu cầu của nó (ICo 12:12 và tiếp theo). Chúng ta phản chiếu ảnh tượng của Ngài.
Eph 4:8 được trích dẫn từ Thi 68. Có thể thi thiên nầy nói về một vị vua chiến thắng quay về Giêrusalem sau khi đã đánh bại kẻ thù của dân Ysơraên và nhận lãnh những chiến lợi phẩm từ kẻ thù của mình cũng như từ đám dân chúng ngưỡng mộ. Hoặc là nói về một buổi lễ đăng quang của vị vua mới lên ngôi, hoặc thi thiên nầy có thể là lời tiên tri về một Đấng Mê-si công chính. Hội thánh đầu tiên thấy được điều nầy đã ứng nghiệm trong Đấng Christ. Thay vì nhận lãnh các ân tứ, Ngài ban chúng. Ngài đã chết và đã sống lại,vượt lên trên mọi chủ quyền và thế lực, vì cớ Hội thánh chứ không phải vì cớ Ngài.
Thật thú vị, Thi 68:18 đi kèm với lễ Ngũ tuần trong các sách niên giám trong nhà hội. Thật thích hợp rằng Chúa phục sinh đổ Thánh Linh xuống trong lễ Ngũ tuần. Chắc chắn Ngài xứng đáng và sẽ nhận các ân tứ từ con người, nhưng điều Ngài quan tâm trước nhất là Hội thánh. Chúa Giê-xu tiếp tục làm một đầy tớ, ngay cả sau khi Ngài đã phục sinh và thăng thiên. Ngài đã là một Đấng chiến thắng. Ngài đã được cất lên bên phải của Đức Chúa Cha, và từ đó ban Đức Thánh Linh xuống (Cong 2:23). Chiến thắng nầy có nghĩa rằng một ngày kia mọi đầu gối sẽ quì xuống và mọi lưỡi đều xưng Giê-xu là Chúa. Nhưng trước khi đến ngày đó, trong sự chuẩn bị cho nó, Ngài thành lập Hội thánh và trang bị cho dân sự của Ngài bằng các ân tứ của Đức Thánh Linh.
ĐỨC CHÚA CHA
“Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người” (ICo 12:6).
“. .. một Thượng Đế là Cha mọi người, cao quý hơn mọi người, tác động trên mọi người,và sống trong mọi người” (Eph 4:6 BDY).
Đức Chúa Trời là Đấng “trên cả mọi người”;Ngài là Đấng chủ tể, chăm sóc cho muôn loài. Chúng ta không đến với một Đức Chúa Trời bị giới hạn trong quyền năng. Ngài vượt lên trên mọi hoàn cảnh, nhu cầu,và thành kiến. Những mục đích của Ngài vượt quá những điều chúng ta có thể tưởng tượng.
Tuy nhiên, Ngài lại đối xử với dân Ngài như một người cha đối cùng con cái mình: Ngài làm việc “giữa mọi người và ở trong mọi người.”“Giữa mọi người”có nghĩa là Ngài sử dụng học vấn, ân tứ, cá tính và hoàn cảnh sống của mỗi người. Đức Chúa Trời ấn định các ân tứ để làm trọn các mục đích của Ngài. “Ở trong mọi người”nhấn mạnh đến sự chọn lựa mỗi cá nhân chúng ta của Đức Chúa Cha. Những cá tính của chúng ta không bị mất đi nhưng được tôn cao và được đặt trong vị trí của phẩm hạnh.
Chỉ một mình Đức Chúa Trời là tuyệt đối và vượt trỗi hơn tất cả. Tuy nhiên Ngài ở trong mỗi tín hữu. Vì vậy, bất cứ ai sử dụng ân tứ đều phải hạ mình. Thật là một đặc ân và cũng là một trách nhiệm đáng sợ cho chúng ta khi được Cha Chủ tể kêu gọi để tôn vinh Ngài !
Đức Chúa Trời chọn chúng ta trước khi sáng thế (Eph 1:4-5). Ngài đặt để chúng ta trong Thân thể theo ý muốn tối thượng của Ngài (ICo 12:18). Ngài làm việc qua các ân tứ trong tất cả mọi người (ICo 12:6). Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người (Eph 4:6). Điều kết luận ở đây là Ngài chăm xem những chức vụ của chúng ta từ lúc bắt đầu cho đến những kết quả cuối cùng.
Bản liệt kê các ân tứ - Sự riêng biệt của các chức vụ
Có một mối liên hệ giữa các ân tứ trong các bản liệt kê ân tứ. Trong ICo 14, lời tiên tri được dùng như là đại diện cho tất cả các ân tứ lời nói bằng ngôn ngữ hiểu được. Nhận diện được những ân tứ đặc biệt thuộc về các ân tứ lời nói không phải lúc nào cũng luôn luôn xảy ra tức thì. Lời tiên tri thoạt đầu có thể được xem như một ân tứ nào khác, hay là sự kết hợp của một vài ân tứ. Ân tứ ban cho có thể được bày tỏ qua sự tỏ lòng thương xót, giúp đỡ, khích lệ, hoặc ngay cả tử đạo. Ân tứ đức tin, chữa lành và các phép lạ liên hệ chặc chẽ với nhau. Cũng dễ dàng nhận thấy mối liên hệ của ân tứ giảng dạy trong Ro 12 và ân tứ lời khôn ngoan và lời tri thức trong 1Côrinhtô.Thật sự, không mấy khó khăn để nhận thấy thế nào các ân tứ trong bản liệt kê nầy bổ sung cho các ân tứ trong bản liệt kê kia.
Toàn bộ các ân tứ có thể được áp dụng cho những chức vụ cá nhân. Các ân tứ trong 1Côrinhtô và Ê-phê-sô đã được bàn đến trong Chương 1, bây giờ chúng ta hãy lấy bản liệt kê ân tứ trong Rôma là ví dụ và áp dụng nó vào trong chức vụ khuyên bảo. Vào một giai đoạn nào đó của tiến trình khuyên bảo, một lời được xức dầu để đối diện với tội lỗi có thể rất cần thiết; trong một giai đoạn khác, sự khích lệ có thể đến bởi sự phục vụ, sự giảng dạy Kinh thánh, sự khuyên răn, sự ban cho các nhu cầu vật chất, hoặc đơn giản chỉ đến bởi ân điển và sự thương xót của Đức Chúa Trời. Sự nhận diện đặc biệt chỉ có thể đến sau khi lượng giá các tác động của chức vụ trên thân thể của Đấng Christ và trên những linh hồn hư mất. Cơ Đốc nhân không thể chờ đợi cho đến khi biết rõ họ có những ân tứ gì trước khi ân tứ đó được sử dụng. Họ phải sẵn sàng để đáp ứng các nhu cầu khi có cần. Sau đó, trong một buổi học hỏi thích hợp, vị mục sư có thể giúp đỡ hội chúng lượng giá các ân tứ hiệu quả như thế nào và tập trung trên trong sự biểu hiện của ân tứ.
Kinh thánh Tân ước đưa ra bản chất chức năng của các ân tứ cũng như những hướng dẫn trong việc vận hành chúng.
BẢN CHẤT CHỨC NĂNG
“Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được ban cho nói tiên tri, hãy tập nói theo lượng đức tin; ai được gọi đến làm chức vụ, hãy buộc mình vào chức vụ; ai dạy dỗ, hãy chăm mà dạy dỗ; ai gánh việc khuyên bảo, hãy khuyên bảo; ai bố thí, hãy lấy lòng rộng rãi mà bố thí; ai cai trị, hãy siêng năng mà cai trị; ai làm sự thương xót, hãy lấy lòng vui mà làm”(Ro 12:6-8).
“Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, ban phát sự ban cho riêng cho mỗi người”(ICo 12:11).
“Có phải cả thảy đều là sứ đồ sao? Cả thảy là tiên tri sao? Cả thảy là thầy giáo sao? Cả thảy đều làm phép lạ sao? Cả thảy đều được ơn chữa bịnh sao? Cả thảy đều nói tiếng lạ sao? Cả thảy đều thông giải tiếng lạ sao?”(ICo 12:29-30).
“Nhưng đã ban ân điển cho mỗi một người trong chúng ta theo sự ban cho của Đấng Christ”(Eph 4:7).
Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ,kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng tin lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư (Eph 4:11).
Bản liệt kê trong Ê-phê-sô nói về các ân tứ của Đấng Christ cho Hội thánh: những người có một chức vụ lãnh đạo đặc biệt và có những ân tứ thích hợp để làm trọn sự kêu gọi của họ. Những người đó có thể có sự kết hợp các ân tứ trong các bản liệt kê trong Rôma và Côrinhtô. Peter Wagner bàn về “các sự pha trộn ân tứ”là để dẫn đến sự tăng trưởng Hội thánh; những người lãnh đạo bày tỏ một vài sự kết hợp ân tứ nào đó là để giúp đỡ Hội thánh,trong một vài giai đoạn khác nhau, đạt đến khả năng của mình.149
Một số người phân biệt ba lãnh vực ân tứ:những ân tứ thúc đẩy (Ro 12:6-8), những ân tứ quyền năng (siêu nhiên hơn những ân tứ khác về vẻ bên ngoài, không phải về bản chất; ICo 12:7-11), và những ân tứ lãnh đạo (Eph 4:11-13). Bởi cớ thiếu sự hổ trợ mang tính quyết định của Kinh thánh cho những lãnh vực nầy và bởi sự trùng lặp của các chức năng trong mỗi bản liệt kê ân tứ, nên vấn đề rất khó khăn để nêu lên các giáo lý ở đây. Tuy nhiên,mỗi cố gắng nhằm mang các ân tứ vào sự vận hành thực tiễn là điều đáng ca ngợi.Bất cứ sự phân chia các ân tứ ra thành từng lãnh vực nào cũng đòi hỏi phải liên quan đến chức năng của chúng.150 Nhưng có lẽ quan trọng hơn hết là nhạy bén với phương cách Đức Thánh Linh sử dụng mỗi cá nhân. Vấn đề không nên quá đặt nặng nền thần học như là về những động lực của Hội thánh. Chúng ta nên hỏi rằng Đức Chúa Trời đang làm điều gì trong thời điểm nầy trong lịch sử của Hội thánh và trong đời sống của cá nhân mỗi tín hữu?
Ro 12:6-7 mô tả các chức vụ của việc nói tiên tri và giảng dạy. Dường như Kinh thánh Tân ước phân biệt rõ ràng giữa chức vụ tiên tri và chức vụ giảng dạy: Các tiên tri luôn sẵn sàng để ban phát lời của Đức Chúa Trời. Các giáo sư xây dựng sự dạy dỗ của mình trên Kinh thánh Cựu ước, sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu, và những tài liệu có sẵn trong cộng đồng các Cơ Đốc nhân vào thời điểm đó.151
Ân tứ phục vụ (diakonia Ro 12:7 BDY) được Tân ước rất coi trọng. Ân tứ nầy chỉ về chức vụ nói chung cũng như sự phục vụ đặc biệt. Mặc dầu từ ngữ nầy được dùng để chỉ về tất cả các loại chức vụ, điểm trọng tâm ở đây là trên việc quản trị các nhu cầu vật chất. Thật ra, ba chức năng cuối trong Ro 12:8 cũng có thể liên hệ đến sự giúp đỡ thực tế: lo lắng cho nhu cầu của những người khác, quản trị chức vụ lãnh đạo, và tỏ lòng thương xót. Thuật ngữ diakonia có thể được dùng cho các chấp sự (được mô tả trong Cong 6), nhưng không nên chỉ hạn chế ở chức vụ đó. Ân tứ khuyên bảo (parakalon 12:8) có thể chỉ về nhiều việc khác nhau. Nghĩa đen của tiếng Hy lạp có nghĩa là “gọi đến bên cạnh.”Ân tứ nầy khuyên giục chúng ta công bố chiến thắng và những phước hạnh của Lời Đức Chúa Trời trong những hoàn cảnh đặc biệt của chúng ta.
Hội thánh Đầu tiên thừa nhận trách nhiệm của việc lo lắng cho nhu cầu của kẻ nghèo, người góa bụa, kẻ bịnh, và những người đơn côi. Rõ ràng chức vụ nầy không chỉ nằm trong mối thông công của Cơ Đốc nhân. Từ ngữ trong Tân ước được dịch là “tiếp đãi nhau”philoxenoi có nghĩa là “yêu mến những người lạ hoặc khách lạ.”Trong khi quan sát các Cơ Đốc nhân, những người bên ngoài Hội thánh có thể thấy được tình yêu mà nó vượt quá trí hiểu của họ.
Sự thực hành lòng hiếu khách quan trọng cách đặc biệt trong thế kỷ đầu tiên, bởi vì Hội thánh không có các khu nhà ở hoặc bên ngoài không có những quán trọ đàng hoàng. Những Cơ Đốc nhân từ xa đến phải nhờ vào lòng rộng rãi của các tín hữu. Mặc dầu tín hữu không cần phải thực hành lòng hiếu khách cách không phân biệt, họ phải nhớ rằng mình là những khách cư ngụ trên thế giới nầy và phải cố gắng bày tỏ lòng yêu thương lẫn nhau.
NHỮNG HƯỚNG DẪN
“Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được ban cho nói tiên tri, hãy tập nói theo lượng đức tin; ai được gọi đến làm chức vụ, hãy buộc mình vào chức vụ; ai dạy dỗ, hãy chăm mà dạy dỗ; ai gánh việc khuyên bảo, hãy khuyên bảo; ai bố thí, hãy lấy lòng rộng rãi mà bố thí; ai cai trị, hãy siêng năng mà cai trị; ai làm sự thương xót, hãy lấy lòng vui mà làm”(Ro 12:6-8).
“Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung”(ICo 12:7).
“Vả,như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều,cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi. Đấng Christ khác nào như vậy. . . . Nếu chỉ có một chi thể mà thôi, thì cái thân ở đâu?”(ICo 12:12,19).
“Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn, hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau”(ICo 12:24-25).
“Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chỏa vang tiếng. Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm và mọi sự hay biết; dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì. Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt,song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi”(ICo 13:1-3).
“Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng tin lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ”(Eph 4:11-12).
Người nầy người khác phải tiếp đãi nhau, chớ có cằn rằn. Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời. Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Giê-xu Christ, là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. Amen (IPhi 4:9-11).
Mặc dầu Ro 12, ICo 12 đến 13, Eph 4 và IPhi 4 dường như nhấn mạnh đến điểm khác nhau, ít nhất có mười ba sự hướng dẫn được đưa ra ở đây để áp dụng cho các ân tứ.
Rô-ma 12
1. Chúng ta phải sử dụng chức vụ của mình theo lượng đức tin của chúng ta.152
2. Chúng ta phải tập trung trên những chức vụ thấy được của chúng ta và phát huy chúng.
3. Chúng ta phải duy trì những thái độ đúng đắn: ban cho cách rộng rãi, lãnh đạo cách siêng năng, vui vẻ tỏ lòng thương xót.
ICô-rinh-tô12
4. Tất cả chúng ta đều có những chức năng khác nhau trong thân thể Đấng Christ và phải hiểu được mối liên kết và sự thông công với toàn Thân thể.
5. Các ân tứ phải được sử dụng cho sự gây dựng của cả thân thể, không phải chỉ cho một chi thể.
6. Chúng ta không được cảm thấy mình tôn trọng hơn hoặc hèn hạ hơn, vì mỗi một chi thể đều quan trọng như nhau.
7. Các ân tứ được ban cho chúng ta: Ý muốn và quyền tể trị của Đức Chúa Trời quyết định sự ban phát.
8. Đồng thời, đây là những sự bày tỏ của Đức Chúa Trời, không phải là các tài năng của con người. Đức Chúa Trời ban các ân tứ theo ý Ngài muốn. Chúng ta phải mở lòng mình ra. Chúng ta có thể biết được chúng ta là phần nào của thân thể và chức vụ của chúng ta là gì và bằng cách nầy sẽ làm cho các ân tứ được sử dụng cách hiệu quả và thực tế.
ICô-rinh-tô13
9. Mặc dầu chúng ta có thể bày tỏ các ân tứ cách hoàn hảo, nếu không được làm trong tình yêu thương thì cũng vô ích.ngay cả khi được sử dụng với tình yêu thương, các ân tứ cũng chỉ được bày tỏ một phần; chúng ta hiểu được các việc thuộc về trời cách gián tiếp. Đồng thời, các ân tứ vẫn còn tiếp tục tùy theo lượng đức tin. Nhưng chúng phải được thử, bởi vì chúng được bày tỏ qua con người. Chúa là Đấng ban ân tứ. Điều mà Phao-lô muốn nói đến là sự trưởng thành trong việc sử dụng ân tứ chớ không phải sự cao trọng của ân tứ. Những lẽ thật đó dẫn chúng ta đến sự khiêm nhu, tôn trọng Đức Chúa Trời và những người khác, cũng như sốt sắng vâng phục Ngài.
Ê-phê-sô4
10. Các chức vụ ban quyền năng có vai trò đặc biệt trong việc giải phóng những người khác để họ tự do sử dụng những chức vụ cá nhân của họ và phát triển sự trưởng thành. Sứ đồ, tiên tri, giáo sĩ,mục sư-giáo sư (theo thứ tự lịch sử, tương tự như ICo 12:28) là những ân tứ ban quyền năng cho Hội thánh.
IPhi-e-rơ 4
11. IPhi 1:6 chỉ về các Cơ Đốc nhân mà Phierơ viết cho họ có lẽ đang phải chịu sự đau đớn từ những “sự thử thách trăm bề”. Dù cho trong hoàn cảnh nào, ông bảo đảm với họ rằng Đức Chúa Trời có một ân điển đặc biệt trong mỗi sự thử thách. Tuy nhiên ân điển đó tuôn chảy từ người qua người. Kết quả là, tín hữu cần phải nhạy bén với thời điểm, nơi chốn và phương cách tốt nhất trong việc quản trị ân điển của Đức Chúa Trời trong “những hình thức khác nhau của nó”trong các “sự thử thách trăm bề”đó.
12. Chúng ta không được nhu nhược với chức vụ của mình hoặc quá tự tin với sức mình. Thay vào đó, chúng ta phải quản trị chức vụ cách tự tin trong sức lực của Chúa. Điều nầy tương tự với Ro 12:6, “theo ơn đã ban cho chúng ta”“theo lượng đức tin”. Chẳng hạn, Phierơ nói rằng nếu ai nói, hãy nói ra lời của Đức Chúa Trời (IPhi 4:11), chớ không phải lời của thế gian (so sánh Cong 7:38, và Ro 3:2).
13. Cuối cùng, sự vinh hiển phải về nơi Đức Chúa Trời: Các ân tứ/ chức vụ là tất cả các ân điển của Đức Chúa Trời mà Ngài dùng chúng để ban phước cho Hội thánh Ngài.
Một Thân, Nhiều Chi Thể
Vả, như trong một thân chúng ta có nhiều chi thể, và các chi thể không làm một việc giống nhau, thì cũng vậy, chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Đấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau (Ro 12:4-5).
Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể,và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi,Đấng Christ khác nào vậy. Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc,hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa. Thân cũng chẳng phải có một chi thể, bèn là nhiều chi thể. Nếu chơn rằng: Vì ta chẳng phải là tay, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng phải bởi đó chơn không có phần trong thân. Và nếu tai rằng: Vì ta chẳng phải là mắt, nên ta không thuộc về thân, thì tai chẳng phải bởi đó không có phần trong thân. Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu? Nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định. Nếu chỉ có một chi thể mà thôi, thì cái thân ở đâu? Vậy, có nhiều chi thể, song chỉ có một thân. Mắt không được nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần đến mày; đầu cũng chẳng được nói với chơn rằng: Ta chẳng cần đến bẤy. Trái lại, các chi thể của thân xem ra rất yếu đuối lại là cần dùng. Chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ hơn,thì chúng ta tôn trọng hơn; chi thể nào chẳng đẹp, thì chúng ta lại trau giồi hơn, còn như cái nào đã đẹp rồi, thì không cần trau giồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn, hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau.Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái kkhác đều cùng được vui mừng. Vả, anh em là thân của Đấng Christ, và là chi thể của thân, ai riêng phần nấy (ICo 12:12-27).
Nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chơn thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ. Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương (Eph 4:15-16).
Như vậy, mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lân cận mình, vì chúng ta làm chi thể cho nhau.Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma quỉ nhơn dịp. Kẻ vốn hay trộm cắp chớ trộm cắp nữa;nhưng thà chịu khó, lấy chính tay mình làm nghề lương thiện, đặng có vật chi giúp cho kẻ thiếu thốn thì hơn. Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến (Eph 4:25-29).
Chúng ta là một thân thể bởi vì tất cả chúng ta đều có cùng kinh nghiệm của sự cứu rỗi. Việc Phao-lô so sánh Hội thánh với thân thể vật lý dường như có vẻ xác thịt đối với một số người Côrinhtô có khuynh hướng thiêng liêng. Tuy nhiên, chưa có hình ảnh nào tốt hơn minh họa về mối tương quan và phụ thuộc lẫn nhau của Hội thánh. Chúng ta có bổn phận phải xây dựng nhau. Chúng ta tìm kiếm lợi ích chung qua sự tương giao với nhau, bởi sự sẵn sàng quản trị các ân tứ, qua sự kết ước với nhau, chia sẽ nhu cầu của người khác trong tình yêu thương, và bằng cách đem người khác đến với chức vụ (Ro 12:6,10,13; ICo 12:7; Eph 4:12,15-16,29).
SỰ GÂY DỰNG
Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được ban cho nói tiên tri, hãy tập nói theo lượng đức tin; ai được gọi đến làm chức vụ, hãy buộc mình vào chức vụ;ai dạy dỗ, hãy chăm mà dạy dỗ; ai gánh việc khuyên bảo, hãy khuyên bảo; ai bố thí, hãy lấy lòng rộng rãi mà bố thí; ai cai trị, hãy siêng năng mà cai trị; ai làm sự thương xót, hãy lấy lòng vui mà làm. Lòng yêu thương phải cho thành thật.Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành. Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính nhường nhau. Hãy siêng năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt sắng, phải hầu việc Chúa. Hãy vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện. Hãy cung cấp sự cần dùng cho các thánh đồ; hãy ân cần tiếp khách. Hãy chúc phước cho kẻ bắt bớ anh em; hãy chúc phước, chớ nguyền rủa. hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc. Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau; đừng ước ao sự cao sang, nhưng phải ưa thích sự khiêm nhượng. Chớ cho mình là khôn ngoan (Ro 12:6-16).
Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người,cho ai nấy đều được sự ích chung (ICo 12:7).
Còn như kẻ nói tiên tri, thì nói với người ta để gây dựng, khuyên bảo và yên ủi. Kẻ nói tiếng lạ, tự gây dựng lấy mình; song kẻ nói tiên tri gây dựng cho Hội thánh. Tôi ước ao anh em đều nói tiếng lạ cả, song tôi còn ước ao hơn nữa là anh em nói tiên tri. Người nói tiên tri là trọng hơn kẻ nói tiếng lạ mà không giải nghĩa để cho Hội thánh được gây dựng.Hỡi anh em, ví bằng tôi đến cùng anh em, nói các thứ tiếng lạ, mà lời nói tôi chẳng tỏ sự kín nhiệm, chẳng có sự thông biết, chẳng có lời tiên tri, chẳng có sự khuyên dạy, thì ích gì đến anh em? (ICo 14:3-6).
. . . để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ, cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời,mà nên bậc thành nhơn, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ(Eph 4:12-13).
Nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chơn thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ. Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương(Eph 4:15-16).
Như vậy, mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lân cận mình, vì chúng ta làm chi thể cho nhau.Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma quỉ nhơn dịp. Kẻ vốn hay trộm cắp chớ trộm cắp nữa;nhưng thà chịu khó, lấy chính tay mình làm nghề lương thiện, đặng có vật chi giúp cho kẻ thiếu thốn thì hơn. Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.Anh em chớ làm buồn cho Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc. Phải bỏ khỏi anh em những sự cây đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác khác. Hãy ở với nhau cách nhơn từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy (Eph 4:25-32).
Cơ Đốc nhân trước nhất phải gây dựng mình để có thể gây dựng những người khác. Phần chính của sự sử dụng tiếng lạ phải là trong đời sống thờ phượng cá nhân của một người trong sự chuẩn bị cho chức vụ.Giu-đe nói: “về phần anh em, hãy tự lập lấy trên nền đức tin rất thánh của mình, và nhơn Đức Thánh Linh mà cầu nguyện”(Giu 20). Phao-lô nói: “Kẻ nói tiếng lạ tự gây dựng lấy mình”(ICo 14:4), và “Vì nếu tôi cầu nguyện bằng tiếng lạ, thì tâm thần tôi cầu nguyện”(ICo 14:14).
Vấn đề không phải là sự gây dựng cá nhân nghịch với sự gây dựng Hội thánh. Sự gây dựng cá nhân là nhằm gây dựng Hội thánh. Những ai chỉ tìm kiếm những phước hạnh cá nhân có thể trở thành bọt biển thuộc linh. Và mặc dầu họ cảm thấy mình thuộc linh hơn, họ dễ dàng chỉ trích những người khác là không thuộc linh. Mặc khác, những ai chỉ tìm kiếm sự gây dựng Hội thánh sẽ dễ dàng mất đi sự bén nhạy thuộc linh.
Mục đích thật rõ ràng: Cơ Đốc nhân không được làm cho những người khác vấp ngã nhưng là gây dựng họ. “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến”(Eph 4:29). Một thân thể khỏe mạnh tự gây dựng mình, và có thể tự chữa lành các vết thương của mình.
Thế giới tội lỗi nầy đang rên xiết và lao khổ trong đau thương. Con người cần có sự khích lệ. Sự gây dựng phải là mục đích cao nhất của Hội thánh. Tình yêu thương sẽ gây dựng. Mục đích của các ân tứ là để gây dựng. Hội chúng phải giúp đỡ nhau, cởi mở, tha thứ, và vươn đến với người khác. Một Hội thánh như vậy sẽ là một gương mẫu cho gia đình và cho thế giới.
CẢM THÔNG
Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính nhường nhau. . . . Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc (Ro 12:10,15).
. . . hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau. Lại, trong các chi thể,khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng(ICo 12:25-26).
Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắc léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương(Eph 4:16).
Sự thông công thật phải được xây dựng trên sự cảm thông trong sáng. Nói theo cách của con người, thật dễ dàng để thấy sự bất hạnh của người khác khi Đức Chúa Trời đoán phạt họ hơn là khóc vơí họ.Thay vào đó, chúng ta phải vượt qua những thái độ xét đoán để hiểu được những tình cảnh và nhu cầu của người khác. Ro 12:5 mô tả một thân thể mà trong đó các chi thể tương trợ lẫn nhau như là một vậy. Đó là lý do khiến Phao-lô nói rằng “các phần chi thể của nhau”154
Thể song song trong ICo 12:26 cho chúng ta thấy rằng sự đau đớn của một chi thể là sự đau đớn cho tất cả. cũng vậy, sự vui mừng của một chi thể cũng là sự vui mừng cho tất cả. Khi một Cơ Đốc nhân trưởng thành, phát triển chức vụ của mình, sống đắc thắng cho Chúa, và đem những người khác về cho Đấng Christ, cả Hội thánh nhận được năng lực và sự khích lệ.Những gương mẫu sáng ngời cho chúng ta là Lillan Trasher và công tác trẻ mồ côi của cô tại Ai-cập, David du Plessis và việc ông bắt những chiếc cầu nối ngang qua biên giới của các giáo phái để chia xẻ sứ điệp lễ Ngũ tuần, và Mark Buntain và chức vụ vĩ đại của ông ở Calcutta
Mặc khác, nếu một người rơi vào mưu chước của ma quỉ, bị thất bại, cây đắng, hoặc phạm tội, kết quả là cả Hội thánh phải đồng chịu đau đớn. Chúng ta không sống những cuộc đời độc lập với nhau. Bất cứ điều gì chúng ta làm hoặc trở thành sẽ ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến phần còn lại của thân thể Đấng Christ.
Thể song song trong Ê-phê-sô vẽ lên điểm cuối cùng của sự thông cảm. Thân thể tự xây dựng mình. Mỗi cái lắt léo làm công tác nuôi dưỡng. Nếu mỗi người đều làm tròn trách nhiệm của mình, thì kết quả sẽ là một Thân thể khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Sự thông công nầy sẽ sinh ra quyền năng. Phép lạ và sự chữa lành có thể xảy ra trong bầu không khí như vậy.Khả năng để thông cảm và giúp đỡ cũng như cởi mở với nhau có thể giải phóng Cơ Đốc nhân được tự do vươn đến những giải pháp của Đức Chúa Trời.
Hơn nữa, sự cảm thông làm cho chúng ta kính trọng anh em mình là những người khác với chúng ta về những cá tính, chức vụ. Nó bắt đầu bằng sự kết ước phục vụ lẫn nhau. Cơ Đốc nhân không chỉ đi nhà thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng cũng đến để học biết nhu cầu của người khác và khởi xuất những ân tứ của họ.155 Điều nầy cần có thời gian. Khi chúng ta học hỏi về những người khác, chúng ta sẽ bắt đầu kính trọng họ, cùng họ lớn lên trong sự thông công, và xem họ tôn trọng hơn mình (Ro 12:10).
Tuy nhiên, sự cảm thông tự thân nó không bảo đảm quyền năng thuộc linh. Chúng ta thực hiện bổn phận của mình, Đức Thánh Linh làm công việc của Ngài; các ân tứ sẽ tuôn tràn. Thế gian sẽ thấy rằng Đấng Christ đang ở giữa chúng ta.
Tình Yêu Thương Thật
Tiếp theo những bài luận về các ân tứ trong Ro 12:1-8, ICo 12, và Eph 4:1-6, Phao-lô đã khéo léo hướng cả ba đoạn Kinh thánh nầy vào tình yêu thương. Không phải mọi điểm đều giống nhau từng li từng tí, vì Thánh Linh trong Phao-lô là Đấng sáng tạo. Tuy nhiên, những điểm chính trong các đoạn văn giống nhau. Nygren nói về Ro 12 rằng: “Một người chỉ cần đặt ‘tình yêu thương’ làm chủ đề của Ro 12:9-21 để thấy được nội dung của nó gần gũi với ICo 13.”
Văn phong và nội dung trong Ro 12:1-8,9-21 hiệp với nhau; những phân đoạn nầy không nói về hai chủ đề tách rời nhau (nghĩa là các ân tứ và đạo đức). Như vậy, điều Phao-lô muốn nói ấy là Cơ Đốc nhân phải nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của mình để sử dụng các ân tứ và để xác chứng các ân tứ đó trong nếp sống hằng ngày của mình. Bối cảnh của Ro 12 ấy là chúng ta đang sống trong niềm hy vọng Đấng Christ sẽ trở lại. Dân sự của Đức Chúa Trời phải sống trong những mối quan hệ đúng đắn.
Trong ICo 13 tình yêu thương là chủ đề chủ ngữ và các động từ chủ động đi sau. Tình yêu thương đẹp lòng Đức Chúa Trời không thụ động nhưng là sự khởi xuất. Các ân tứ chỉ là những công cụ tạm thời,nhưng tình yêu thương còn lại đời đời. Một ngày kia chúng ta sẽ hiểu biết cách rõ ràng. Cho đến lúc ấy, tình yêu thương cũng phải nhẫn nhục với con người và với hoàn cảnh. Mặc dầu không ai có tất cả các ân tứ, nhưng tất cả đều có thể có tình yêu thương. Một số người xem ICo 13 là một bản nhạc tình yêu.
Trong Ê-phê-sô, lẽ thật và tình yêu có mối tương quan mật thiết với nhau. Chỉ nói ra lẽ thật có thể chỉ là cứng nhắc,chết chóc. Lẽ thật trong tình yêu sẽ tìm cách truyền đạt để nó có thể được đón nhận. Nó đòi hỏi những động cơ cao cả nhất của chúng ta. Ân điển và chân lý là hai mặt của một đồng tiền (xem Gi 1:14). Tình yêu và lẽ thật cũng vậy. Phao-lô áp dụng nguyên tắc nầy giữa đời sống hiện tại và trước đây của tín hữu. Trước đây họ dại dột và bị dẫn dụ (ICo 12:1-2), bởi trí khôn tối tăm nên họ xa cách Đức Chúa Trời và cứng cõi (Eph 4:18). Chúng ta có thể thấy được điều tương tự trong Ro 1:18-32.
Ba đoạn văn phát triển những chủ đề riêng rẽ. Tuy nhiên, lấy điều tốt để khỏa lấp điều xấu, tình yêu thương trong sự sử dụng các ân tứ, và lẽ thật trong tình yêu là ba biểu hiện mạnh mẽ của tình yêu thương. Quân đội của Đấng Mê-si hành quân bằng những phương pháp khác nhau.
Ro 12:9-21 thêm vào mười hai ý tưởng về tình yêu. (Ro 12:15 đã bàn trong chương trước về sự cảm thông nên không bàn lại ở đây, và Ro 12:2-21 sẽ bàn đến trong chương kế tiếp về sự phán xét cuối cùng.)Bây giờ hãy lưu ý đến những điểm tương tự của chúng trong 1Côrinhtô và Ê-phê-sô.
GHÉT ĐIỀU DỮ; YÊU MẾN ĐIỀU LÀNH
Lòng yêu thương phải cho thành thật.hãy gớm sự dữ mà mến sự lành (Ro 12:9).
Tình yêu thương chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật (ICo 13:6).
Như vậy, mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lân cận mình, vì chúng ta làm chi thể cho nhau(Eph 4:25).
Tình yêu thương chân thật là chủ đề ở đây. IGi 3:1 mô tả tình yêu nầy là điều kỳ lạ đối với thế gian. Nói theo nghĩa đen, nó là loại tình yêu “ngoài thế giới nầy”. Nó bắt đầu bằng việc ghét điều dữ,và tiến đến việc yêu mến các thánh đồ và chúc phước cho kẻ thù của chúng ta. Nó được xây dựng trên việc biết rằng Đức Chúa Trời đang chịu trách nhiệm. Đó là lý do mà chúng ta có thể yêu thương và không rủa sả. Đức Chúa Trời sẽ thi hành công lý thay cho chúng ta.
Trong Rôma, cho dù điều dữ là gì, thì Cơ Đốc nhân phải thật lòng ghê gớm nó. William BarlẤy nói: “Sự an toàn của chúng ta đối với tội lỗi là việc chúng ta cảm thấy ghê sợ nó.”159 Điều lành là một công cụ dùng để chiến thắng điều ác (Ro 12:9,21). Dùng điều ác để đánh trả điều ác là cách của con người. Cơ Đốc nhân tin cậy vào điều thiện. Điều thiện tối hậu là Đức Chúa Trời. Hãy chống trả ma quỉ trong quyền năng của Đấng Christ thì nó sẽ chạy trốn. “Tình yêu thương không vui về điều không công bình nhưng vui trong lẽ thật”(ICo 13:6). Điểm song song trong Eph 4:25 là “hãy chừa sự nói dối.”
Sự lừa dối ghê sợ nhất là sự lừa dối con người của ma quỉ. Phao-lô đưa ra hai lý do để nói ra điều chơn thật: ngăn chặn sự lừa dối ấy và xây dựng thân thể của Đấng Christ (Eph 4:17-25). Những điều đạo đức mà Phao-lô bàn luận không chỉ xoẤy quanh những điều gì là đúng, hoặc sai, hoặc thuận tiện. Chúng ta không lương thiện bởi vì nó là một chính sách tốt nhất, hoặc là nó sẽ là một chính sách tốt nhất trong một ngày kia. Cũng không phải sự lương thiện chỉ đơn giản là vâng theo một mạng lịnh. Nhưng ấy là sống cuộc đời của Đấng Christ.
SỰ MỀM MẠI
Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính nhường nhau(Ro 12:10).
Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ (ICo 13:4-5).
Hãy ở với nhau cách nhơn từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy (Eph 4:32).
Tình yêu của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua dân sự của ngài. Họ sẽ phải thể hiện sự mềm mại, sự nhơn từ, và sự thương xót. Đoạn Kinh thánh trong Rôma sử dụng từ ngữ cho tình yêu thương anh em (philadelphia) và lòng yêu mến trong gia đình (storge) để màn về các mối liên hệ.Trong Ê-phê-sô Phao-lô dùng một từ ngữ rất lạ để chỉ về sự tha thứ (charizomenoi),một phân từ hiện tại từ một động từ có nghĩa là “ban cho cách rộng rãi như là một ân huệ.”160 Chúng ta không tha thứ bởi vì chúng ta cao thượng hoặc bởi người khác xứng đáng. Chúng ta tha thứ bởi vì Đấng Christ đã tha thứ cho chúng ta.Đây là tin lành. Tình yêu nầy tìm kiếm điều tốt nhất cho người khác. Sự phòng thủ thông thường của con người bị đặt qua một bên để chúng ta có thể đáp ứng với nhu cầu của những người khác phát triển khả năng của họ. Đó là một sức mạnh kết hiệp, thúc đẩy, chữa lành, cần thiết.
 Những điểm song song trong Côrinhtô tập trung trên bản chất của tình yêu agape và các thái độ và hành động của Cơ Đốc nhân trong việc bày tỏ tình yêu. Sự mềm mại của tình yêu kéo mọi người quay trở lại. Bởi sự khiêm nhu và nhạy bén của tình yêu nầy mà một người có thể tập trung trên người khác chứ không phải trên chính mình.
LÒNG SỐT SẮNG
Hãy siêng năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt sắng; phải hầu việc Chúa (Ro 12:11).
Tình yêu thương . . . vui trong lẽ thật(ICo 13:6).
Phải ăn ở cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em. . . . và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật(Eph 4:1,24).
Tình yêu thương thật là một tình yêu năng động. Chúng ta phải siêng năng và không lười biếng. “Lòng sốt sắng”vẽ lên hình ảnh của một dòng suối nóng đang sôi. Nó thật tương phản với sự hâm hẩm của Hội thánh Lao-đi-xê. Nếu chúng ta là những người mới trong Đấng Christ, đã nhận lãnh sự kêu gọi của Ngài, đã mặc lấy bản chất mới, thì trách nhiệm của chúng ta là tôn vinh Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ theo đuổi sự công bình và sự thánh khiết.Chúng ta sẽ vui mừng trong lẽ thật, không phải trong điều dữ.
Trong khi các triết gia Đông phương nói cách thụ động rằng: “Đừng làm cho người khác điều gì bạn không muốn họ làm cho bạn,”Cơ Đốc giáo thách thức chúng ta làm theo lời dạy của Chúa bằng chức vụ cứu chuộc, xông xáo. Phong cách đó không phải là điều tự động có; chúng ta cần phải để Đức Chúa Trời làm cho mới lại lòng trung thành của chúng ta.
Lòng sốt sắng có thể bị dập tắt bởi sự sai lạc, tự thương hại, tội lỗi, sự cãi lẫy, lạc mất khải tượng, hoặc sự lười biếng. Phao-lô nói: “Phải ăn ở sống cách xứng đáng ...”Thái độ của ông là một lời chứng hùng hồn: Ông vui lòng làm kẻ tù của Chúa. Lòng sốt sắng của ông không dựa trên cảm xúc nhưng trên ân điển của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi và sự kêu gọi.Sự vui mừng của Chúa là năng lực của ông; sự đáp ứng của Phao-lô với Đức Chúa Trời là lòng biết ơn.
VUI MỪNG, VỮNG VÀNG, CẦU NGUYỆN
Hãy vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện(Ro 12:12).
Tình yêu thương hay (luôn luôn) dung thứ mọi sự, luôn luôn tin mọi sự, luôn luôn trông cậy mọi sự, luôn luôn nín chịu mọi sự (ICo 13:7).
Ro 12:12 đưa ra một lẽ thật tam diện - sự vui mừng, sự nhẫn nhục, sự cầu nguyện - và nó có những điểm tương đồng với ICo 13. Lẽ thật tam diện nầy là sự hy vọng được đặt nền tảng trên công tác của Chúa Giê-xu trên đồi Gô-gô-tha. Bởi vì Ngài đã chết và đã sống lại nên chúng ta có những phước hạnh trong hiện tại và có sự trông cậy trong tương lai. Sự vui mừng đến bởi hy vọng rằng chúng ta sẽ thấy mặt đối mặt và sẽ biết rõ như Chúa biết chúng ta vậy (ICo 13:11-12).
Một từ ngữ được dịch là “nhịn nhục”là hupomones, chịu đựng hoàn cảnh. Từ nầy cũng được dùng trong Ro 12:12 “nhịn nhục trong sự hoạn nạn,”và ICo 13:7: “nín chịu mọi sự.”Trong hai câu Kinh thánh nầy Phao-lô nói về việc vui mừng trong sự hy vọng và đồng thời nhịn nhục trong sự hoạn nạn. Hoạn nạn có thể là một công cụ có ích trong việc xây dựng phẩm tính.Nhưng sự hoạn nạn mà không có hy vọng sẽ làm cho chúng ta trở thành kẻ khốn nạn nhất trong mọi người. Tại điểm nầy ý tưởng của hai câu Kinh thánh tách rời ra:Thay vì sự trung tín trong sự cầu nguyện được nhấn mạnh trong Rôma, 1Côrinhtô dạy về tình yêu thương không hề hư mất.
Như thể đức tin, hy vọng và tình yêu liên hệ mật thiết với nhau, sự vui mừng, sự vững vàng và sự cầu nguyện cũng liên hệ với nhau như vậy. Nếu chúng ta vui mừng (VM) trong niềm hy vọng và vững vàng (VV) trong hoạn nạn, nhưng không trung tín trong sự cầu nguyện (CN), chúng ta không thể sử dụng được quyền năng của Đức Chúa Trời để đánh bại kẻ thù.Chúng ta chỉ dựa vào thái độ vui mừng của lý trí chúng ta và cố gắng thành công bởi sức lực của chúng ta. Nhiều Cơ Đốc nhân bỏ qua nơi trú ẩn đạt được bởi sự cầu nguyện. Nó là dây cứu mạng của ân điển Đức Chúa Trời và là giải pháp cho những gì chúng ta phải đương đầu. Sự cầu nguyện rất quan trọng trong việc duy trì sự vững vàng và sự vui mừng.
VM + VV - CN = Không có quyền năng
Nếu chúng ta vui mừng trong sự hy vọng và bền đỗ trong sự cầu nguyện, nhưng không vững vàng trong sự hoạn nạn, chúng ta dễ bị lung lạc và đầu hàng. Lời cầu nguyện của chúng ta trở thành những ước muốn có một loại đời sống chiến thắng mà không phải trả giá. Cơ Đốc nhân phải cảm tạ Đức Chúa Trời trong bất cứ hoàn cảnh nào bởi vì Đức Chúa Trời sẽ sử dụng nó để làm điều lành cho chúng ta.
VM + CN - VV = Sự nhút nhát
Bền đỗ trong sự cầu nguyện và vững vàng trong hoạn nạn nhưng không vui mừng trong sự hy vọng sẽ dẫn đến thái độ “cắn răng chịu đựng”như thể đó là định mệnh. Trọng tâm chỉ đặt trên sự chịu khổ của Chúa Giê-xu thay vì là sự vui mừng trong Chúa. Chúng ta mang dáng vẻ âu sầu trong khi cố gắng làm ra vẻ thuộc linh.
CN + VV - VM = Tâm trí khổ sở
THÔNG CÔNG VỚI NHỮNG NGƯỜI CÓ CẦN
. . . ai gánh việc khuyên bảo, hãy khuyên bảo; ai bố thí, hãy lấy lòng rộng rãi mà bố thí; ai cai trị, hãy siêng năng mà cai trị; ai làm sự thương xót, hãy lấy lòng vui mà làm. . . . Hãy cung cấp sự cần dùng cho các thánh đồ; hãy ân cần tiếp khách(Ro 12:8,13).
Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi (ICo 13:3).
Kẻ vốn hay trộm cắp chớ trộm cắp nữa;nhưng thà chịu khó, chính tay mình làm nghề lương thiện, đặng có vật chi giúp cho kẻ thiếu thốn thì hơn (Eph 4:28).
Theo Kinh thánh, “thông công”có thể chỉ về sự cứu rỗi, sự chịu khổ, sự tương giao chung của chúng ta với những tín hữu khác, sự đồng công trong việc chia xẻ phúc âm, dâng hiến, và quan tâm đến nhu cầu của các thánh đồ. Chúng ta không được coi khinh những người khác bởi họ có nhu cần, bởi họ có nhu cần, nhưng phải vui mừng khi được chia xẻ nhu cầu của họ trong tình yêu thương. Chức vụ nầy được áp dụng trong phương pháp và động cơ cũng như trong hành động. Tình yêu chân thật có nghĩa thông công với các thánh đồ trong nhu cầu của họ và tiếp đãi khách (Ro 12:13).
Kẻ trộm cắp trở thành Cơ Đốc nhân được ban cho một lý do để làm việc (Eph 4:28). Không phải để họ thỏa mãn, để được tôn trọng, để trả lại những gì họ đã đánh cắp, hay đơn giản là để nuôi mình. Mặc dầu những động cơ nầy là tốt, Phao-lô nâng người từng là kẻ trộm lên khỏi sự ích kỷ đến một động cơ cao hơn ấy là sự phục vụ: Làm việc để giúp đỡ những người có cần.
Tiếp đãi khách lạ và rộng rãi là những điểm nổi bật của Hội thánh Đầu tiên.162 Nó càng trở nên quan trọng cách đặc biệt trong những thời kỳ bị bách hại.
KHÔNG NÓI LỜI DỮ
Hãy chúc phước cho kẻ bắt bớ anh em;hãy chúc phước, chớ nguyền rủa (Ro 12:14).
Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhơn, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ (ICo 13:11).
Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn. . . . Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói, hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến (Eph 4:26,29).
Ro 12:13-16 dạy dỗ về việc không ích kỷ không chỉ với các thánh đồ, không chỉ với những người nghèo khổ của thế giới nầy,nhưng còn với những kẻ thù của chúng ta. Một số bản Kinh thánh dịch rằng: “hãy chúc phước cho kẻ bắt bớ anh em,”và những bản khác chỉ dịch: “hãy chúc phước cho kẻ bắt bớ.”Mặc cho chúng ta là nạn nhân của sự bắt bớ hay không,chúng ta phải chúc phước cho những kẻ thù nghịch mình. Ở đây phản chiếu mạng lịnh của Chúa Giê-xu trong Bài giảng trên Núi (Mat 5:11). Cơ Đốc nhân phải sống khác thế gian. Một người đã nói rằng: “Thắp lên một cây đèn cầy tốt hơn là rủa sả bóng tối.”Cơ Đốc nhân là sự sáng của thế gian.
Những người bắt bớ chúng ta tỏ ra rồ dại,tổn thương và bất an của họ. Cho dù khó khăn đến đâu, vai trò của chúng ta là phải chia xẻ tin mừng cho họ, không phải để phô trương sự khôn ngoan của chúng ta, nhưng là để chia xẻ những nhu cầu của họ. Chúng ta không cần đánh lại; Đức Chúa Trời là Đấng bảo vệ của chúng ta. Khuynh hướng của con người là nói cho người khác rằng người ấy xứng đáng như thế nào, nhưng miệng họ chỉ tuôn ra những lời độc hại. Phao-lô nói rằng “những lời dữ”không được ra từ miệng của chúng ta.
Tư tưởng và phản ứng trẻ con (ICo 13:11,14:20) có thể khiến chúng ta nghĩ đến việc trả thù. Sự trưởng thành giúp chúng ta nhìn xem Đức Chúa Trời trong sự kiểm soát đời sống chúng ta. Chúng ta không cần phải phản ứng lại với mỗi lời nói hay hành động của người khác. Thay vào đó, chúng ta có thể tin cậy sự công bình và sự quan phòng của Đức Chúa Trời cho đời sống của chúng ta.
Động cơ đúng đắn là điều cần thiết để đạt được sự hiệu quả của các ân tứ. ICo 13 bàn về tình yêu thương như là động cơ đúng đắn. Eph 4:28 luyện lọc động cơ của chúng ta, không nhấn mạnh trên việc làm thỏa mãn bản thân nhưng trên việc làm thỏa mãn người khác. Ấy là, được yêu thương hoặc cảm thấy được yêu thương thì chưa đủ. Tình yêu chung chung và hời hợt không thể thỏa đáng nhu cầu của người khác. Nó phải được hướng dẫn. Đây là chổ mà các trái và các ân tứ của Thánh Linh làm việc cùng nhau. Các trái Thánh Linh phát triển phẩm chất và sự nhạy bén của tín hữu để được Đức Chúa Trời sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu thật của những người khác.Vì vậy, Eph 4:28 nhấn mạnh đến phẩm chất, động cơ, và kết quả. Kết quả cho thấy chúng ta là ai. Các ân tứ cho thấy chúng ta làm gì trong quyền năng của Đức Thánh Linh.
TÂM TRÍ KHIÊM NHƯỢNG
Trong vòng anh em phải ăn ở cho hiệp ý nhau; đừng ước ao sự cao sang, nhưng phải ưa thích sự khiêm nhượng. Chớ cho mình là khôn ngoan (Ro 12:16).
. . . hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau(ICo 12:25).
Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo (ICo 13:4).
. . . mà phải làm nên mới trong tâm chí mình (Eph 4:23).
Sự khiêm nhường là chủ đề chính của Phao-lô. Trong Phi 2:2,5, Phao-lô khuyên giục chúng ta phải có tâm tình của Đấng Christ. Đấng Christ bằng lòng bỏ sự vinh hiển của mình vì sự vinh hiển cao trọng hơn trong kế hoạch của Đức Chúa Trời. Ngài mang lấy tâm trí của một người đầy tớ khiêm nhu. Ê-yô-đi và Sin-ty-cơ là những người vì cớ tin lành cùng với Phao-lô (Phi 4:2-3). Họ là những tín hữu mạnh mẽ. Họ đã giúp đỡ Phao-lô trong những ngày đầu khó khăn thành lập Hội thánh tại Philíp. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những cá tính mạnh có thể mâu thuẩn với nhau, cho dù mục đích của họ là tôn vinh Đức Chúa Trời. Phao-lô không quở trách họ, nhưng khích lệ sự đóng góp của họ cho công việc của Đức Chúa Trời. Bởi vì để những người phụ nữ nầy có cùng một tâm tình thì họ phải có tinh thần khiêm nhường của người đầy tớ.
Ghen tị, kiêu ngạo, khoe khoang không có phần trong sự khiêm nhường hoặc tình yêu (ICo 13:4). Đức Chúa Trời mong muốn một tâm trí hoàn toàn khiêm nhường (Eph 4:2,23); đây phải là động cơ và mục đích của chúng ta. Nếu mọi người đều sử dụng ân tứ cách khiêm nhường, mọi người đều có thể cùng nhau học hỏi, sự chỉ trích sẽ ít đi, và Đức Chúa Trời sẽ được tôn vinh. Cơ Đốc giáo không chỉ làm cho chúng ta tốt hơn, nó cũng làm cho chúng ta khác đi.
Ro 12 nói về một tâm trí được biến đổi.Phao-lô cầu nguyện để các Cơ Đốc nhân có cùng một tâm trí (Ro 12:5). Tâm trí là chiến địa thuộc linh. Chính trong tư tưởng mà chúng ta chiến thắng hoặc thất bại.Chính tại đây Đức Chúa Trời sử dụng vũ khí của Ngài để tiêu diệt những đồn lũy kiên cố (IICo 10:4-5).
Nhưng chìa khóa của quyền năng là sự hiệp một. Cơ Đốc nhân phải hiệp một trên nhiều phương diện. Sự khiêm nhường khiến cho tín hữu không khoa trương tầm quan trọng của mình nhưng thấy được sức mạnh của những người khác và giúp đỡ họ phát triển chức vụ của họ. Những tham vọng cá nhân phải bị trừ đi cho lợi ích chung của mọi người.
Một câu chuyện của người Trung hoa kể về một người cha có mười người con trai luôn cãi cọ nhau và ông đang hấp hối. Ông muốn dạy dỗ họ về sự đoàn kết trước khi qua đời. gọi các con đến bên giường,ông bảo các con lần lượt bẽ từng chiếc đũa. Mỗi người con, hớn hở tỏ ra tài năng của mình, bẽ gẫy chiếc đũa cách dễ dàng. Sau đó, người cha lấy mười chiếc đũa và buộc chặt với nhau. Cho dù cố gắng hết sức, những người con vẫn không thể bẽ gẫy bó đũa được. Người cha mới ôn tồn nói với các con mình rằng: “Nếu các con chia rẽ, thì hoàn cảnh sẽ quật ngã các con. Nhưng nếu các con đoàn kết làm một, không gì có thể chống lại các con.”
Sự hiệp một đem lại sức mạnh biết bao !Đức Chúa Trời phán hứa với dân Ysơraên rằng: “Năm người trong các ngươi sẽ đuổi theo một trăm; một trăm trong các ngươi sẽ đuổi theo một muôn, và quân nghịch sẽ bị gươm sa ngã trước mặt các ngươi”(Le 26:8).Chúng ta cần phải học bài học nầy.
KHÔNG TRẢ THÙ
Chớ lấy ác trả ác cho ai; hãy chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người (Ro 12:17).
Tình yêu thương chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ(ICo 13:5).
Phải bỏ khỏi anh em những sự cây đắng,buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc cùng mọi điều hung ác(Eph 4:31).
Ro 12:17-21 đưa ra những nguyên tắc cơ bản của các mối thông công, đặc biệt đối với những người có thể làm tổn thương chúng ta. Chúng ta phải luôn làm điều thiện trước tất cả mọi người. Chúng ta không chỉ là những người đạo đức trong một số tình huống. Chúng ta không được chấp trách hoặc lấy ác trả ác. Luật pháp Môi-se là “mắt đền mắt, răng đền răng”- ngược với sự lầm tưởng phổ thông rằng nó hàm ý về sự trả thù - là để hạn chế sự trả thù, nhường bước cho công lý. Chẳng hạn như thay vì để cho con người tự do trả thù và nó không tương ứng với nguyên nhân, Đức Chúa Trời ban sự hướng dẫn qua Môi-se mà chúng phản chiếu phẩm chất và giá trị của mọi cá nhân.163 Nhưng ân điển Cơ Đốc vượt xa Luật pháp. Nó đem sự thương xót vào trong công lý, tìm cách chúc phước người khác.
Tuy nhiên, làm điều thiện và tỏ lòng thương xót thường bị ngăn trở bởi những tội lỗi trong chúng ta: cây đắng, giận dữ, tức mình, mắng nhiếc, kêu rêu, nói hành, và độc ác. Mắng nhiếc, nói hành và độc ác xuất phát từ sự ích kỷ và những động cơ gian ác. Những điều nầy thuộc về bản chất cũ. Sự cây đắng phát xuất từ sự thiếu lòng tha thứ.
Chúng ta không tha thứ bởi nhiều lý do.Thứ nhất là chúng ta không có được sự tha thứ mà Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Chúng ta tha thứ không bởi chúng ta rộng lượng nhưng bởi bản tánh của Đức Chúa Trời là tha thứ. Nếu chúng ta không tha thứ cho anh em mình, thì Đức Chúa Trời cũng không tha thứ cho chúng ta (Mat 6:14-15).
Thứ hai, chúng ta không tha thứ vì chúng ta quên đi bài học của Giô-sép “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi”(Sa 50:20).
Thứ ba, do bản chất cũ trong chúng ta -muốn chứng tỏ mình đúng và người khác là sai. Nhưng Đức Chúa Trời là quan án công bình.
Thứ tư, chúng ta không tin rằng những người khác xứng đáng được xưng nghĩa. Tuy nhiên, Đấng Christ đã đến để cứu chuộc họ và đem họ vào trong thân thể của Ngài. Tinh thần không tha thứ của chúng ta có thể khiến người khác vấp ngã và bị tổn thương thuộc linh. Rễ cây đắng ngăn trở và làm cây đắng nhiều người (He 12:15). Và rồi chúng ta tìm cách trả thù.
Thứ năm, chúng ta không tha thứ bởi vì chúng ta không nhận thức được việc không tha thứ tổn hại cho chúng ta như thế nào. Phao-lô nói rằng nó phá vỡ những khả năng của chúng ta, khiến chúng ta trở thành những người nhỏ mọn. Chúng ta không được để ma quỉ nhơn dịp.
Ở HÒA BÌNH
Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người (Ro 12:18).
Dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh (Eph 4:3).
Bình an không chỉ là một trạng thái của tâm trí. Nó tìm cách đem những điều bị tách rời lại với nhau. Chúng ta phải hòa thuận với mọi người (Ro 12:18).Tuy nhiên, tình yêu là một thực tại: chúng ta không thể bắt ép người khác yêu hay khiến họ bình an. Nhưng chúng ta không được trở thành hòn đá vấp chân. Chúng ta phải tìm kiếm sự giải hòa và phát triển những khả năng bắt những chiếc cầu nối. Nếu bên kia cứ cự tuyệt những cố gắng hòa giải của chúng ta, chúng ta đã làm xong bổn phận của mình.
GIẢI QUYẾT SỰ GIẬN DỮ
Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng(Ro 12:19).
. . .Tình yêu thương chẳng nóng giận,chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình(ICo 13:4-5).
Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn. . . . Phải bỏ khỏi anh em . .. mọi điều hung ác (Eph 4:26,31).
Sự nóng giận tự thân nó không phải là một điều ác. Chẳng hạn, sẽ là điều tốt nếu giận dữ với tội lỗi và điều không công bình. Cơn giận của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua Kinh thánh trong sự phán xét cuối cùng. Nhưng sự giận dữ trong con người có thể trở thành dịp cho ma quỉ. Vì vậy Phao-lô cảnh cáo: “Lúc nóng giận, đừng để cơn giận đưa anh em đến chổ phạm tội”(Eph 4:26).Sự giận dữ phải được dàn xếp nhanh chóng, trước khi tổn hại lâu dài xảy ra. Giải pháp của Đức Chúa Trời không ở trong sự kiềm chế, nhưng trong sự kiểm soát cơn giận. Bằng cách nhìn cuộc đời qua lăng kính ân điển,bình an, và tha thứ của Ngài, chúng ta học được sự tin cậy Ngài rằng Ngài sẽ chăm lo cho những mối quan tâm của chúng ta.
Nóng giận và ngã lòng có thể phản ảnh việc không thể giải quyết được những cảm xúc của mình. Nóng giận hướng cảm xúc ra ngoài, thường làm tổn thương anh em chúng ta. Ngã lòng hướng cảm xúc vào bên trong, làm tổn thương chính mình. Nhưng nóng giận cũng làm tổn hại cho chúng ta nữa. Nghi ngờ sự dữ hoặc chấp trách và vui mừng khi thấy người khác chịu bất hạnh (ICo 13:5-6) làm cho chúng ta trở thành nhỏ mọn. Và điều nầy làm xấu đi mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời. Cám dỗ của sự nóng giận ấy là chúng ta thường cảm thấy thỏa mãn lập tức: chúng ta tin rằng sự nóng giận làm cho chúng ta công bình và chứng minh người khác là sai lầm. Nhưng chúng ta chỉ giải quyết vấn đề ở mức độ cảm xúc, không phải ở mức độ sự việc. Nhưng ngược lại,tình yêu thương kiểm soát cơn giận hầu cho nó tìm thấy giải pháp thích hợp.
Sự Phán Xét Cuối Cùng
. . . hãy nhường cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng.Vậy, nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy,khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người. Đừng để điều ác thắng mình, nhưng phải lấy điều thiện thắng điều ác(Ro 12:19-21).
Song lúc sự trọn lành đã đến, thì sự chưa được trọn lành sẽ bị bỏ. . . . Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nấy tôi biết chưa hết, đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy (ICo 13:10,12).
. . . thảy đều hiệp một trong đức tin .. . mà nên bậc thành nhơn, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ. .. . để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ. . . . Anh em chớ làm buồn cho Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc(Eph 4:13,15,30).
Cả ba phân đoạn Kinh thánh nói về tình yêu đều được viết trong bối cảnh hành vi của Cơ Đốc nhân dưới ánh sáng của sự tái lâm của Chúa. Những nhà thần học gọi đó là cách sống của vương quốc.164 Chúng ta không xây dựng đạo đức của mình dựa trên những triết lý, nền văn hóa,hoặc sự thuận lợi, nhưng dựa trên sự công bình của Đức Chúa Trời và trong quang cảnh của sự phán xét cuối cùng của Ngài. Tôi tách chủ đề nầy ra khỏi phần “Tình yêu thương Chân thật”bởi vì tầm quan trọng của nó trong những đoạn Kinh thánh nầy.
Ro 12:20 trích dẫn sự khôn ngoan trong Cựu ước (Ch 25:21-22). Trong những đoạn Kinh thánh nói về tình yêu nầy, Phao-lô trích dẫn Chúa Giê-xu, Luật pháp, sự khôn ngoan, và chia xẻ với kẻ nghèo và người có nhu cần Đây là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.
Than lửa đỏ có lẽ cho thấy phong tục của người Ai-cập, chỉ về sự ăn năn sám hối, khi một người đặt chậu than lửa đỏ lên đầu mình. Nếu như vậy, Phao-lô có ý nói rằng qua tình yêu, chúng ta có thể hướng dẫn một người đến sự ăn năn (cũng xem IPhi 3:1-2). Cho dù ý nghĩa của hình ảnh nầy là gì chăng nữa, chúng ta được ban cho mạng lịnh là phải cho kẻ thù nghịch mình ăn và uống: Hãy để kẻ thù nghịch nhận biết rằng họ đang chống lại với Đức Chúa Trời chứ không phải với chúng ta. Chúng ta không muốn đánh bại kẻ thù nghịch mình. Thay vào đó, chúng ta mong muốn đem họ về cho Chúa. Chúng ta không cần phải đầu hàng những áp lực của ma quỉ. Chiến trận đang diễn ra giữa điều lành và điều dữ. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng điều dữ bằng điều lành.
Côrinhtô thứ nhất chỉ ra một thời kỳ khi chúng ta hiểu biết cách trọn vẹn như Chúa hiểu biết chúng ta vậy. Đó là ngày Chúa trở lại. Đó là ngày phán xét. Mọi hành động của chúng ta sẽ được xét xử bởi những tiêu chuẩn của Ngài.
Trong Ê-phê-sô, Phao-lô nói về một thời điểm trong tương lai của sự trưởng thành trọn vẹn và ngày cứu chuộc. Chúng ta được đóng ấn bằng Thánh Linh cho đến ngày ấy (Eph 4:30). Các ân tứ vẫn được sử dụng cho đến khi Chúa Giê-xu trở lại. Kỳ hạn muôn vật được hội hiệp trong Đấng Christ (Eph 1:10). Của cầm về cơ nghiệp của chúng ta cho đến ngày cứu chuộc (Eph 1:14). Những mạng lịnh đòi hỏi phải có sự thay đổi. Lợi dụng thì giờ (Eph 5;16). Đấng Christ tỏ mình trong Hội thánh (Eph 5:27). Tôi tớ và chủ phải thưa trình với một Chủ ở trên trời (Eph 6:9). Và cuối cùng có thể là sự trưng dẫn về những ngày cuối cùng khi những ngày khốn nạn đến (Eph 6:13).
Trong những năm gần đây, các giáo sĩ thường tập trung trên một trong hai quan điểm sau. Quan điểm thứ nhất nói về một sự cứu rỗi mà trong đó mọi việc đã được hoàn tất, bao gồm việc đã được ấn chứng bằng Thánh Linh. Điểm trọng tâm của quan điểm nầy nhấn mạnh trên sự xưng nghĩa,sự thánh hóa, sự cứu chuộc, và sự bình an đời đời. Tuy nhiên, quan điểm nầy bỏ qua nền thần học hướng về sứ mạng của Phao-lô. Nó không kết hiệp những sự dạy dỗ thực tiễn hiện tại của những phân đoạn Kinh thánh nầy cho sự chiến thắng của mỗi cá nhân, sự ban quyền năng bằng Đức Thánh Linh, những ân tứ để xây dựng Hội thánh, và việc truyền giáo cho cả thế giới.165
Quan điểm thứ hai tập trung trên tương lai. Khi nào thì Đấng Christ trở lại? Có phải nó xảy ra trước, trong, hoặc sau Cơn Đại Nạn? Những dấu hiệu của sự trở lại của Ngài là gì? Tôi phải làm thế nào để chuẩn bị cho ngày đó?
Những câu hỏi của Phao-lô vượt quá cả hai quan diểm trên. Hội thánh là gì? Những ai là dân sự của Đức Chúa Trời? Mục đích và sự kêu gọi của dân sự của Đức Chúa Trời là gì? Làm thế nào thân thể tín hữu sống trong ánh sáng của sự phán xét cuối cùng của Đức Chúa Trời?
Chúng ta hãy công bố rằng mình được ban quyền năng, chỗi dậy khỏi những sự tranh cãi vụt vặt và những bất an, sống cho cơ nghiệp của chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời, và hãy bắt tay làm việc.Chính trong ánh sáng của sự Chúa trở lại rằng các ân tứ được vận hành để gây dựng tín hữu và tiến vào sự tối tăm. Mọi điều Cơ Đốc nhân làm phải nhắm vào Vương quốc của Ngài. trong hiện tại và trong tương lai. Đó là lý do chúng ta phải sốt sắng trong Thánh Linh, chăm sóc kẻ nghèo, yêu mến kẻ thù, giữ gìn sự hiệp một, và sống xứng đáng với sự kêu gọi của chúng ta.166 Chúng ta là những chứng nhân cho bản chất và quyền năng của Vương quốc Ngài trong thế giới gian ác nầy.

No comments

Powered by Blogger.