Chương 1. Nội Dung Của Bài Giảng Trên Núi, Thái Độ Chuấn Bị

Chương 1: Nội Dung Của Bài Giảng Trên Núi,     Thái Độ Chuấn Bị
Mat 5:3-6
Chương 1. Nội Dung Của Bài Giảng Trên Núi, Thái Độ Chuấn Bị
Chúa Giê-xu giảng bài giảng này trên một đỉnh núi vùng Ga-li-lê, tại đây Ngài thách thức những người tự xưng là môn đồ Ngài để ở vào vị trí giữa tình yêu của Đức Chúa Trời và nỗi đau do con người ở thế gian này gây ra. Ngài thách thức các môn đồ để cùng đồng công với Ngài và là ống dẫn tình yêu của Ngài đến với người khác. Ngài kết thúc bài giảng của mình bằng một lời kêu gọi kết ước mạnh mẽ. Và rồi Ngài lập mười hai người đã lắng nghe bài giảng để làm “sứ đồ” của Ngài hay “những người được Ngài sai đi”. Đó là những sứ đồ đã sống và chết cho Chúa Giê-xu khi họ đi môn đệ hoá nhiều người về cho Ngài trên khắp cả thế giới.
Giờ đây khi đã hiểu được bối cảnh, chúng ta đã sẵn sàng để tìm hiểu về nội dung của bài giảng vĩ đại này. Chúng ta đọc thấy rằng: “Ngài bèn mở miệng mà truyền dạy rằng: Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy! Phước cho những kẻ than khóc vì sẽ được yên ủi! Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất!Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!” (Mat 5:3-6)
Chúa Giê-xu mở đầu bằng việc dạy các môn đồ về tám thái độ, hay còn được gọi là “Các phước lành” hay “Các thái độ được chúc phước” bởi vì chúng đều được mở đầu bằng chữ “Phước cho”. Chúa Giê-xu đang hứa Ngài sẽ chúc phước cho môn đồ nào có được những thái độ như vậy. Chữ “Phước cho” thật ra có nghĩa là “hạnh phúc”, “giàu có về mặt thuộc linh” hay “ân điển”. Mỗi thái độ còn đi kèm theo một lời hứa mô tả hình thức mà phước lành này sẽ đến với đời sống của môn đồ đó.
Tám thái độ được chúc phước này trình bày trình bày về ý thức hệ của một môn đồ theo Chúa Giê-xu. Bối cảnh mà Ngài dạy về những thái độ đó cho thấy rằng với cách nhìn về cuộc sống như vậy môn đồ có thể Ngài dự phần vào giải pháp của Ngài cho tất cả những đau khổ của thế gian thể hiện trong đám đông ở dưới chân núi.
Là môn đồ của Chúa Giê-xu, khi chúng ta quyết định muốn dự phần vào giải pháp của Ngài chứ không còn trong ở trong các nan đề nữa, điều đầu tiên chúng ta nên làm đó là học biết về những thái độ này cho tới khi chúng ta hiểu chúng và rồi tiến tới việc kết ước để sống với chúng mỗi ngày. Như chúng ta đã học được từ phần bối cảnh thì “các phước lành” thật sự là một bài giảng. Những lời dạy dỗ sau đó của Ngài chính là phần ứng dụng cho bài giảng này, hay là cho các thái độ này.
Tiếp theo, trong bài giảng này, Chúa Giê-xu dạy rằng những thái độ đúng đắn chính đem đến khác biệt giữa một đời sống tràn ngập ánh sáng (sự thanh sạch, lẽ thật, và hạnh phúc), và một đời sống tối tăm hay không có hạnh phúc (Mat 6:22,23). Ngài còn giải thích thêm khi đời sống chúng ta đầy dẫy sự tối tăm bởi những thái độ sai trật thì sự u ám, bất hạnh nầy sẽ lớn biết dường nào.
Chúng ta có thể kể đến những người như Adolf Hitle, Joseph Stalin, hay những nhà lãnh đạo gian ác khác, những người đã thực hiện chế độ diệt chủng bởi vì họ có những tư tưởng sai trật và từ đó đem đến sự u ám khủng khiếp trên đời sống của hàng triệu con người. Đó là lý do vì sao Chúa Giê-xu đã giảng và áp dụng trong cuộc thuyết giảng đầu tiên của Ngài điều mà chúng có thể gọi là “Một cuộc đổi mới tư duy”.
Những thái độ chuẩn bị
Tám phước lành chia làm hai phần, mỗi phần bốn thái độ.Trong suốt Kinh Thánh, có một khuôn mẫu xuất hiện khi Đức Chúa Trời lựa chọn những nhà lãnh đạo cho công việc của Ngài. những nhà lãnh đạo đó có cái mà chúng ta gọi là “những kinh nghiệm chuẩn bị” và rồi “những kinh nghiệm ra đi”.Họ có một sự tiếp cận Đức Chúa Trời đầy ý nghĩa để chuẩn bị một sự ra đi đầy kết quả cho Đức Chúa Trời. Bốn phước lành đầu tiên trình bày về những thái độ liên quan đến việc đến với Đức Chúa Trời, và bốn phước lành tiếp theo mô tả về những thái độ ra đi cho Đức Chúa Trời.
Những điều như tài năng có thể vẫn được phát triển khi chúng ta ở trong trạng thái đơn độc, nhưng tính cách thì chỉ được phát triển khi chúng ta ở giữa những nhiều người, hay khi ở trong mối quan hệ với người khác. Bốn phước lành đầu tiên được trình bày trên đỉnh núi, hay trong điều mà Chúa Giê-xu sẽ mô tả sau đó như là những kinh nghiệm “gần gũi” hay riêng tư với Đức Chúa Trời (Mat 6:6). Chúng ta học và trau dồi bốn phước lành đầu tiên trong mối quan hệ riêng tư với Đức Chúa Trời, nhưng bốn phước lành tiếp theo phải được học và phát triển khi chúng ta ở trong mối quan hệ với người khác.
Sự nghèo khó thuộc linh
Phước lành đầu tiên là “Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy.” (Mat 5:3) Thái độ được chúc phước đầu tiên này liên quan đến thái độ mà những nhà lãnh đạo tôn giáo đã hỏi Giăng Báp-tít: “Vậy thì ông là ai?”(Gi 1:22) Nếu không có thái độ đúng đắn về bản thân, chúng ta sẽ không bao giờ có thể dự phần trong giải pháp của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại.
Lời hứa mô tả về phước hạnh này có ý nghĩa rất đơn giản,đó là việc chúng ta có thể tiếp nhận Chúa Giê-xu Christ là Đấng Cứu Thế, là Chúa, là Vua của chúng ta một cách cá nhân. Ở trong nước thiên đàng là một cách khác để nói rằng chúng ta là thần dân của Vua muôn vua, Chúa muôn chúa, Đấng là giải pháp duy nhất cho nhân loại. Đây là thái độ đầu tiên chúng ta phải có nếu chúng ta muốn dự phần trong giải pháp của Đấng Christ đối với nhu cầu của con người. Ngài dùng các môn đồ của Ngài để đem đến giải pháp cho những con người đang bị tổn thương trên thế giới này.
Các học giả cho biết rằng chữ “tấm lòng khó khăn” còn có thể được hiểu là “một tâm linh tan vỡ”. Điều đó có nghĩa là thái độ cho thất một sự tan vỡ, sự tan vỡ mà chúng ta có thể thấy được trong đời sống của những người được Chúa kêu gọi và chuẩn bị cho những công tác đặc biệt.Khi chúng ta đọc trong Kinh Thánh, hãy quan sát cách mà Đức Chúa Trời dạy về phước hạnh đầu tiên này cho những người Ngài đang kêu gọi để làm những công việc vĩ đại vì sự vinh hiển của Ngài. Chẳng hạn như Gia-cốp đã kinh nghiệm về sự tan vỡ khi ông vật lộn cả đêm với một thiên sứ. (Sa 32:24-32)
Những người như Gia-cốp, Môi-se và sứ đồ Phi-e-rơ phải học ba bài học trong khi Đức Chúa Trời khiến họ nghèo khó về mặt tâm linh: Họ học rằng họ chẳng là gì cả, họ học về chính bản thân mình, và rồi họ học biết điều mà Đức Chúa Trời có thể làm với người ý thức rằng mình chẳng là gì cả. Một cách diễn giải phổ biến cho phước lành đầu tiên Chúa Giê-xu dạy đó là: “Con được chúc phước khi con chịu hạ mình đến mức thấp nhất. Con càng hạ mình đi bao nhiêu thì chính Đức Chúa Trời và luật pháp của Ngài càng đầy trọn trong con bấy nhiêu.” (Mat 5:3)
Có thể nói rằng, ân điển mà Chúa Giê-xu mô tả như là sự nghèo khó về mặt tâm linh đó chính là sự khiêm nhường. Khiêm nhường là một khái niệm rất khó hiểu. Nếu bạn nghĩ là mình khiêm nhường thì có thể bạn không thật sự như vậy. Một hội thánh tặng cho mục sư của họ một huân chương khiêm nhường nhưng họ lại lấy lại huân chương ấy bởi vì ông ta đeo nó vào mỗi chúa nhật! Chúng chỉ hiểu được sự khiêm nhường khi chúng ta thật cầu nguyện: “Lạy Chúa, con không thể là một giải pháp. Con thậm chí không thể giải quyết được chính nan đề của mình và dĩ nhiên là con không thể giải quyết nan đề của người khác. Nhưng con biết rằng Ngài có thể! Ngài chính là giải pháp cho những nan đề của chúng con. Nếu Ngài ở trong con, và con ở trong mối quan hệ với Ngài, thì con sẽ có được tiềm lực để trở nên một phương tiện, một kênh dẫn đem đến giải pháp và lời giải đáp của Ngài cho những những nan đề của bao người quanh con.”
Những kẻ than khóc
Thái độ thứ hai được chúc phước là: “Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi.” (Mat 5:4) Chúa Giê-xu đang cho chúng ta một bài học về tiêu chuẩn giá trị. Chúng ta có nhận thấy là mình được phước khi chúng ta đang than khóc không? Tuy vậy, Chúa Giê-xu hứa ban cách rõ ràng cho chúng ta một ơn phước đặc biệt và sự an ủi trong lúc chúng ta than khóc. Ngài thật sự đang công bố nguyên tắc rằng những ai than khóc sẽ được phước!
Vua Sa-lô-môn, người được xem là khôn ngoan nhất của mọi thời đại, cũng đồng tình với Chúa Giê-xu khi ông viết rằng: “Đi đến nhà tang chế hơn là nhà yến tiệc; vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người; và người sống để vào lòng. Buồn rầu hơn vui vẻ, vì nhờ mặt buồn, lòng được vui. Lòng người khôn ngoan ở trong nhà tang chế, còn lòng kẻ ngu muội ở tại nhà sung sướng… Trong ngày thới thạnh hãy vui mừng, trong ngày tai nạn hãy coi chừng; vì Đức Chúa Trời đặt ngày này đối với ngày kia, hầu cho người đời chẳng thấy trước đặng điều sẽ xảy ra sau mình.” (Tr 7:2-4,14)
Hay nói cách khác, “Phước cho những kẻ than khóc.” Vua Sa-lô- môn đang nói tới một kinh nghiệm hoàn toàn nghiêm túc trong việc chúng ta đi dự một đám tang và nhìn thấy thân thể bất động của một người chúng ta yêu mến và biết được rằng người đó đã từ giã cõi đời này. Chúng ta hẳn sẽ xúc động lắm khi nghĩ đến lúc chúng ta cũng là cái thi thể được người ta đem chôn. Vua Sa-lô-môn đang tuyên bố rằng hệ thống giá trị của chúng ta sẽ giống hơn với những giá trị đời đời mà Đức Chúa Trời muốn dạy cho chúng ta khi chúng ta ở tại một đám tang. Do vậy, đi tới một đám tang thì tốt hơn là đi tới một bữa tiệc.
Các tín đồ đôi khi có nhận thức sai lầm là nếu họ tỏ thái độ than khóc cho một người yêu dấu đã qua đời thì có nghĩa là đức tin của họ yếu đuối. Đức Chúa Giê-xu đến dự đám tang của một người Ngài rất yêu mến và đã khóc rất nhiều đến nỗi người ta phải kêu lên rằng: “Kìa, người yêu La-xa-rơ là dường nào!” (Gi 11:35,36). Một cách hiểu và áp dụng đơn giản của phước lành thứ hai này đó là chúng ta đừng nên bao giờ đè nén sự đau buồn của mình.
Phao-lô viết rằng khi chúng ta mất đi một người yêu dấu mà người ấy cũng là tín đồ thì chúng ta không nên đau buồn như những người vô tín, những người không có hy vọng được thấy người yêu dấu của mình một lần nữa (ITe 4:13). Khi vua Đa-vít mất đi một đứa con, ông bày tỏ niềm hy vọng và sự than khóc thương tiếc thiên thượng khi ông nói rằng: “Ta sẽ đi đến nó, nhưng nó không trở lại cúng ta.” (IISa 12:23) Hy vọng của chúng ta đó là chúng ta sẽ được gặp lại những người thân yêu của chúng ta trên thiên đàng, những người đã nhận biết Chúa Giê-xu Christ làm Đấng Cứu Thế và làm Chúa của mình. Tuy nhiên,sự than khóc đúng lẽ của chúng ta phải dựa trên sự thật không thể phủ nhận được đó là chúng ta sẽ sống phần đời còn lại của mình mà không có người yêu dấu đó bên cạnh.
Nếu chúng muốn khám phá phước hạnh và sự an ủi mà Chúa Giê- xu đã hứa ban trong sự than khóc thì chúng ta phải để cho Đức Chúa Trời sử dụng sự than khóc đó để hướng chúng ta theo 3 cách: Trước hết, chúng ta nên để cho sự than khóc đưa chúng ta đến chỗ chúng ta có thể hỏi những câu hỏi đúng đắn (có thể đây là lần đầu tiên trong cuộc đời), chúng ta nên hỏi những câu hỏi đúng đắn. Nhiều người sống hết cuộc đời mà vẫn không bao giờ đặt ra được câu hỏi đúng đắn. Tuy nhiên, có những câu hỏi Đức Chúa Trời muốn chúng ta đặt ra khi chúng ta than khóc.
Gióp là một ví dụ điển hình về điều này. Ông bị mất đi 10 người con, tất cả tài sản và rồi mất luôn cả sức lực mình. Trong suốt kinh nghiệm đau thương mất mát to lớn ấy, ông đã để cho sự than khóc của mình đưa ông đến chỗ ông đặt ra những câu hỏi đúng đắn. Ông đã hỏi những câu hỏi rất tuyệt đó là: “Loài người chết, thì nằm tại đó.Loài người tắt hơi, thì đã đi đâu? Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?” (Giop 14:10-14) Đây là những ví dụ về cách đặt câu hỏi đúng đắn mà Đức Chúa Trời muốn nơi chúng ta.
Cách thứ hai Đức Chúa Trời muốn hướng chúng ta đến khi chúng ta than khóc đó là: Ngài muốn sự than khóc đưa chúng ta đến chỗ chúng ta có thể lắng nghe sự trả lời của Ngài cho những câu hỏi đúng đắn. Gióp đã có được sự trả lời tuyệt vời cho câu hỏi của ông trong thời điểm tệ hại nhất khi ông nhận được một mặc khải về Đấng Mê- si. Ông kêu lên rằng: “Tôi biết rằng Đấng cứu chuộc tôi vẫn sống, đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất.” (Giop 19:25)
Đức Chúa Trời có thể không ban cho chúng ta những khải tượng siêu nhiên như Ngài đã làm với Gióp, nhưng Kinh Thánh chứa đầy sự trả lời của Ngài cho những câu hỏi đúng đắn đó. Đoạn Thi-thiên yêu thích của tôi là đoạn Thi-thiêncó tựa đề “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tác giả” (Thi 23:1-6),tôi có thể tìm thấy rất nhiều câu trả lời từ đoạn Kinh Thánh nầy.
Chúa Giê-xu cho chúng ta một câu trả lời tuyệt vời khi Ngài đến đám tang đó, nơi mà ngài khóc rất nhiều. Bên cửa mộ, Ngài thách thức một người cũng đang than khóc với những lời này: “Ta là sự sống lại và sự sống. Kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mắc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin ta thì không hề chết. Ngươi tin điều đó chăng?” (Gi 11:25,26)
Câu hỏi cuối cùng của Chúa Giê-xu bên cửa mộ dẫn đến cách thứ ba mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta hướng đến trong phước hạnh được hứa ban bởi Chúa Giê-xu khi chúng ta than khóc: Nếu chúng ta muốn khám phá ơn phước và sự an ủi mà Chúa Giê-xu hứa ban cho người than khóc, chúng ta nên để cho sự than khóc đưa chúng ta đến chỗ vững tin và trông cậy nơi sự trả lời của Đức Chúa Trời cho những câu hỏi đúng đắn.
Khi chúng ta tin vào sự trả lời của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ khám phá ra rằng phước hạnh và sự an ủi mà Chúa Giê-xu hứa ban cho kẻ than khóc đó chính là điều mà Kinh Thánh gọi là “sự cứu rỗi”. Từ này đơn giản có nghĩa là “sự giải thoát”. Chúng ta có thể kinh nghiệm được sự giải thoát ban đầu của sự cứu rỗi hay sự giải thoát khỏi nỗi sầu khổ và đau buồn.Chúng ta có thể có được những kinh nghiệm quan trọng nhất trong cuộc đời khi sự than khóc đưa chúng ta đến việc hỏi, lắng nghe và tin cậy.
Bối cảnh của bài giảng này bày tỏ một sự giải thích và ứng dụng khác của phước lành thứ hai này. Ý định của Chúa Giê-xu trong bài giảng này đó là: “Hãy nhìn xuống dưới núi. Các ngươi có nhìn thấy con người ở dưới đó không? Những người đó đang bị tổn thương. Các ngươi có thật lòng nghĩ rằng mình có thể đi xuống đó và là giải pháp, là câu trả lời cho những bi kịch của họ trong khi các người chưa bao giờ bị tổn thương hay không?”Từ ngữ “lòng thương cảm” có nghĩa là “đồng cảm”. Làm sao bạn có thể đồng cảm với người bị tổn thương nếu bạn chưa từng bị tổn thương?
Có ai đó đã nói rằng: “Một nhà truyền giáo là một người ăn mày chỉ cho người ăn mày khác nơi có thức ăn.” Một người chữa lành sự tổn thương, người đã từng bị tổn thương và được an ủi bởi Đức Chúa Trời, là “một tấm lòng tổn thương nói cho một tấm lòng tổn thương khác về Đấng Yên Ủi và nơi để tìm được Đấng ấy.” Nhiều người sẽ nói với bạn rằng họ tin nơi Đức Chúa Trời và hiểu biết về Đức Chúa Trời, nhưng họ không hiểu biết về Ngài cho đến khi họ phải chịu đựng một điều gì đó mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể an ủi họ. Khi họ được dẫn đến việc khám phá về Đấng Yên Ủi, họ đã thiết lập nên một mối quan hệ với Đức Chúa Trời.
Có một lời diễn giải phổ biến diễn đạt hùng hồn cho phước lành thứ hai như thế này: “Ngươi được chúc phước khi ngươi cảm thấy đã bị mất đi một thứ thân thương nhất đối với ngươi. Chỉ khi đó ngươi mới có thể được bồng ẵm trong vòng tay của Đấng thân thương nhất đối với ngươi.” (Sứ điệp của Mat 5:4)
Chúng ta khám phá được một ý nghĩa bên trong khác của phước lành thứ hai này khi chúng ta liên hệ nó với phước lành thứ nhất. Chúng ta thường than khóc khi chúng ta học được rằng chúng ta nghèo nàn về mặt tâm linh. Nỗi sợ bị thất bại cứ ám ảnh và chi phối nhiều người bởi vì việc thất bại là rất đau đớn. Chúng ta than khóc khi chúng ta thất bại. Nhưng sự thất bại cá nhân lại chính là công cụ mà Đức Chúa Trời ưa thích sử dụng để thuyết phục chúng ta rằng chúng ta chẳng thể làm bất cứ việc gì mà không nhờ cậy Ngài.Môi-se và Phi-e-rơ đã than khóc cho sự thất bại đau đớn của mình trong khi họ học được rằng họ thật nghèo nàn về mặt tâm linh trước khi Đức Chúa Trời có thể dùng họ một cách năng quyền.
Kẻ nhu mì
Thái độ được chúc phước tiếp theo phải thực hiện cùng với mong muốn của chúng ta: “Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất!” Nhu mì là gì? Nhu mì có lẽ là khái niệm khó hiểu và khó áp dụng nhất trong tám phước lành. Nhu mì không có nghĩa là yếu đuối. Chúa Giê-xu nói: “Ta có lòng nhu mì.”(Mat 11:29) Khi bạn tiến tới việc biết Chúa Giê-xu trong Kinh Thánh, bạn nhận ra rằng sự nhu mì của không có nghĩa Ngài là người nhẹ nhàng và yếu đuối.
Cựu Ước mô tả Môi-se như là người nhu mì nhất từ trước đến nay (Dan 12:3). Khi bạn đọc Cựu Ước và biết về Môise, bạn có ấn tượng về ông như là một người nhu mì không? Chúa Giê-xu cũng như Môi-se không hề yếu đuối vì sự nhu mì của mình. 
Chúng ta có thể hiểu rõ hơn về ý nghĩa của chữ “nhu mì”trong Kinh Thánh nếu chúng ta nghĩ đến một con ngựa mạnh mẽ nhưng bất kham. Nó là một con vật rất mạnh mẽ và cũng rất hoang dã. Các chuyên viên huấn luyện ngựa sẽ từ từ tròng sợi dây cương quan đầu con ngựa đó, cẩn thận đặt hàm thiết vào trong miệng nó. Kế đó họ chụp cái yên lên trên lưng con ngựa. Cuối cùng khi họ thấy được rằng con ngựa đã được tra hàm thiết và chấp nhận sự điều khiển của hàm thiết cũng như dây cương, người đó sẽ ngồi lên yên. Khi ý chí do của con ngựa đã bị phá vỡ và thuần phục, nó vẫn còn đủ sức mạnh, nhưng giờ đây nó đã trở nên nhu mì, dễ bảo.
Khi Sau-lơ người Tạt-sơ gặp Đấng Christ trên đường đến Đa- mách, đây là lời diễn giải của những điều mà Chúa hỏi Sau-lơ: “Hỡi Saulơ, sao ngươi bắt bớ ta? Tại sao ngươi chống lại cái hàm thiếc? Nó quá cứng cho ngươi ư?”(Cong 9:4,5)
Nhưng khi Sau-lơ hỏi: “Lạy Chúa, Ngài muốn con làm gì?”, ông đã chấp nhận sự điều khiển của cái hàm thiếc, cùng với cái hàm thiếc đó chính là ý muốn của Đấng Christ dành cho cuộc đời ông. Khi Sau- lơ người Tạt-sơ trở nên nhu mì thì đó chính là ý nghĩa chính xác của chữ nhu mì.
Chúa Giê-xu tuyên bố “Ta có lòng nhu mì” khi Ngài ban ra một trong những lời kêu gọi vĩ đại nhất của Ngài: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.” (Mat 11:28-30)
Bản ghi chép đầu tiên của lời mời này cho biết rằng những lời này được dành cho những người đang phải làm việc đến kiệt sức để đương đầu với gánh nặng của họ.
Trong lời mời của mình, Chúa Giê-xu mời gọi những người đang có gánh nặng đến để học biết về gánh nặng, về tấm lòng và về ách của Ngài. Ngài muốn họ học được rằng gánh của Ngài nhẹ nhàng. (Điều này thật đáng ngạc nhiên bởi vì Ngài phải mang cả thế giới trên đôi vai của mình).Ngài muốn họ biết rằng tấm lòng Ngài thật nhu mì và khiêm nhường và Ngài muốn dạy họ rằng chính ách của Ngài đã khiến cho gánh nặng Ngài trở nên nhẹ nhàng và cuộc sống của Ngài cũng dễ dàng hơn.
Một cái ách không phải là một gánh nặng. Cái ách là một công cụ để giúp cho một con vật chẳng hạn như con bò có thể di chuyển những vật nặng. Nhiều người trong chúng ta đã từng thấy một chiếc xe bò chở đầy vật nặng được kéo bởi một con bò. Ách của con bò là để giúp cho con vật cực kỳ khoẻ mạnh ấy có thể kiểm soát được sức mạnh của mình để dịch chuyển gánh nặng khổng lồ một cách thoải mái.
Ví dụ đơn giản và sâu sắc này đã giúp định nghĩa về sự nhu mì. Phước lành thứ ba về sự nhu mì này có nghĩa là sức mạnh ở trong sự kiểm soát. Về cơ bản, Chúa Giê-xu đang dạy rằng: Ta mang lấy ách là ý muốn của Cha ta mỗi ngày. Hãy nhớ rằng Ngài đã từng nói: “Ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài.” (Gi 8:29)Đó là cái ách mà Chúa Giê-xu đã mang. Ngài phục tùng cái ách của Đức Chúa Cha,và Ngài hoàn toàn chịu sự điều khiển của Đức Chúa Cha trong mọi lúc. Đó là phước lành của sự nhu mì mà Chúa Giê-xu đang dạy cho môn đồ Ngài.
Một cái ách tốt, được gọt giũa trơn láng bởi một thợ mộc giỏi, sẽ làm cho cuộc sống của con vất dễ dàng hơn; nó làm cho gánh nặng trở nên nhẹ nhàng hơn. Một người thợ mộc giống như Chúa Giê-xu sẽ làm cho cái ách thật vừa vặn, trơn nhẵn ở bên trong để không làm đau rát đối tượng mang nó.Chúa Giê-xu dạy về phước lành của sự nhu mì bởi vì Ngài biết cái ách mà Ngài đang mang hằng ngày sẽ làm cho các gánh nặng trở nên nhẹ nhàng và cuộc sống dễ dàng hơn cho những ai đang phải vật lộn bởi vì họ không có cái ách nào cả.
Khi Ngài dạy về phước lành thứ ba, Chúa Giê-xu về cơ bản đang nói rằng: “Có một con đường đúng đắn để sống cuộc sống của các ngươi. Nếu các ngươi sống như ta sống, các ngươi sẽ thấy rằng các ngươi chẳng còn phải mang lấy gánh nặng, phải mệt nhọc và làm việc đến kiệt sức để giải quyết những nan đề của mình.” Ngài thật sự đang nói rằng: “Hãy sống như ta sống. Nếu các ngươi chấp nhận cái ách nhu mì của ta, các ngươi sẽ khám phá ra rằng nó có thể khiến cho gánh nặng của các ngươi trở nên nhẹ nhàng và làm cho cuộc sống các ngươi trở nên dễ chịu hơn cho dù những thách thức mà các ngươi phải đối diện có to lớn đến dường nào.”
Tóm lại, về bản chất Ngài đang dạy cho những người ở trên đỉnh núi rằng: “Những người ở dưới kia đang phải chịu đựng đau khổ bởi vì họ không biết làm sao để kéo đi gánh nặng của cuộc sống. Họ không thể mang lấy gánh nặng bởi vì họ không có được cái ách. Nhưng nếu các thừa nhận các tiêu chuẩn của ta, sống với thái độ nhìn nhận cuộc sống của ta, và được huấn luyện bằng kỷ luật thuộc linh thì khi theo ta các ngươi sẽ học biết về gánh nặng, tấm lòng và ách của ta, là những thứ có thể đem đến sự yên nghỉ cho linh hồn các ngươi.”
Sự nhu mì chính là sự kỷ luật đối với những mong muốn hay ý chí của chúng ta. Chữ “môn đồ” và chữ “kỷ luật” đều có cùng một nguồn gốc. Lời hứa của Chúa Giê-xu đi cùng với thái độ được chúc phước này đó là người môn đồ khiêm nhường sẽ hưởng được đất. Điều này đơn giản có hai ý nghĩa: (1) Chúng ta nên mong cho một môn đồ của Chúa Giê-xu sẽ là một người có kỷ luật, và (2) Môn đồ có kỷ luật của Chúa Giê-xu sẽ đạt được mọi thứ khi người đó mang lấy ách của Chúa Giê-xu và Đức Chúa Cha mỗi ngày trong suốt cuộc đời của mình.
Kẻ đói khát sự công bình
Thái độ thứ tư được chúc phước đó là: “Phước cho những kẻ đói khát sự công bình vì sẽ được no đủ.” (Mat 5:6) Khi chúng ta khiêm nhường, hay khi chúng ta có thể nói rằng Chúa Giê-xu là Chúa của chúng ta và chúng ta dâng cuộc sống chúng ta trong sự điều khiển của Ngài, thì Chúa Giê-xu dạy rằng chúng ta giờ đây nên đói và khát sự công bình. Bây giờ chúng ta có thể thấy được một kiểu mẫu rằng các phước lành đều đi theo từng cặp với nhau. Chúng ta than khóc khi biết rằng mình đói khát về mặt tâm linh, và khi chúng ta trở nên nhu mì thì chúng ta sẽ đói khát sự công bình. Sự công bình đơn giản có nghĩa là sự đúng đắn hay làm điều gì là đúng. Đói khát sự công bình nghĩa là đói khát để biết được điều gì là đúng, đặc biệt là biết cái gì là đúng đối với bạn.
Ngay khi Phao-lô trở nên nhu mì trên đường đến Đa-mách,ông muốn biết điều gì là đúng đắn đang dành cho ông. Khi ông gọi Chúa Giê-xu là Chúa và hỏi Ngài muốn ông làm gì, ông không chỉ đang minh hoạ cho sự nhu mì.Ông cũng minh hoạ cho sự đói khát sự công bình.
Lời giải thích cho sự phẫn nộ công chính, hay sự giận dữ của Chúa Giê-xu được chép trong các sách Tin Lành khi các nhà lãnh đạo tôn giáo đang làm những việc hoàn toàn sai trái đối với đền thờ của Đức Chúa Trời. Hãy quan sát lòng khao khát của Chúa Giê-xu để làm theo ý muốn của Cha Ngài. Và rồi nhận ra rằng một tấm lòng khao khát để làm điều đúng còn bao gồm cả lòng khao khát để đối diện và sửa trị những điều sai trật.
Trong bài giảng trên núi, hãy để ý đến sự nhấn mạnh của Chúa Giê-xu về tầm quan trọng thiết yếu của sự công bình: Phước lành thứ tám là: “Phước cho những kẻ chịu bắt bớ về sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy.” (Mat 5:10). Hai trong số tám phước lành nói về sự công bình. Trong phần sau của chương này, Ngài dạy rằng: “Vì ta phán cho các ngươi rằng, nếu sự công bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng.” (Mat 5:20) Mở đầu chương sáu Ngài dạy rằng: “Hãy giữ, đừng làm sự công bình mình trước mặt người ta, cho điều họ thấy.” Trong nửa sau của chương sáu, Ngài dạy về các giá trị. Ngài kết luận cho lời dạy về các giá trị khi Ngài quy định giá trị ưu tiên nhất đó là: “Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài…” (Mat 6:33)
Lời hứa đi kèm với phước lành này là môn đồ nào đói khát sự công bình thì sẽ được no đủ. Bản ghi chép đầu tiên bằng tiếng Hy Lạp có nói đến một ý là họ sẽ được no nê trong sự công bình đến nỗi không thở được. Điều này cũng có nghĩa là họ sẽ được no nê trong Thánh Linh của Đức Chúa Trời, là Đấng Công Bình và sẽ được thoả thích trong sự đói khát ý muốn của Ngài giành cho họ.
Hãy để ý rằng phước lành ở đây không phải là “Phước cho những kẻ đói khát hạnh phúc, vì sẽ được hạnh phúc.” Không phải là “Phước cho những kẻ đói khát sự đầy đủ” Không phải là “Phước cho những kẻ đói khát sự thịnh vượng, vì sẽ được thịnh vượng.” Đó không phải là điều được hứa ở đây. Phước lành đó là “Phước cho những kẻ đói khát sự công bình.” Và lời hứa là những kẻ đó sẽ được no đủ trong sự công chính và lòng khao khát được làm theo điều đúng.
Những chiến sĩ vĩ đại, người luôn chống lại sự bất công (giống như những người đã đạt được sự bãi bỏ chế độ nô lệ) là những môn đồ sốt sắng của Chúa Giê-xu Christ. Cùng với sự đói khát về cái đúng họ cũng có lòng khao khát chống lại những điều sai trật. Những người giành được giải Nobel hoà bình như Martin Luther King và Nelson Mandela đã chứng minh sự đói khát công bình của họ bằng việc kêu gọi chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Nếu bạn tra xem chữ “công bình” trong suốt Kinh Thánh, bạn sẽ thấy rằng Chúa Giê-xu cũng đồng tình với Kinh Thánh khi Ngài nhấn mạnh đến khái niệm rằng người nào no đủ về sự công bình sẽ đối đầu với sự không công bình.
Một trong những câu Kinh Thánh nói về sự công bình yêu thích của tôi đó là: “Hãy dâng sự công bình làm của lễ, và để lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va” (Thi 4:5). Tác giả Thi-thiênkhông thể ngủ được bởi vì ông là một con người thuộc linh nhưng lại đang làm điều gì có lợi cho mình hơn là làm điều đúng. Sau đó ông quyết định rằng của lễ mà ông phải dâng đó là làm theo điều công chính. Chỉ đến khi đó ông mới kinh nghiệm được sự bình an và giấc ngủ thanh thản. Động cơ cho quyết định này của ông đó là ông biết mình đang được bao quanh bởi những người đang tìm kiếm điều đúng. Họ đang tìm kiếm một người sẵn sàng làm điều đúng đắn hơn là điều gì có lợi.
Khi Chúa Giê-xu nhấn mạnh đến sự liêm chính và công bình cá nhân của môn đồ Ngài, Ngài đang đặt ra trường hợp rằng một lý do khiến cho những người ở dưới chân núi khốn khổ và không hạnh phúc là bởi vì họ đang làm điều mà những người khác làm. Họ đang làm theo điều gì có lợi hơn là làm theo điều đúng.
Một câu Kinh Thánh khác mà tôi phải đề cập đến từ hàng tá câu Kinh Thánh nói về sự công bình tuyên bố rằng dân sự của Đức Chúa Trời phải được gọi là “cây của sự công bình, là cây Đức Giê-hô-va đã trồng để được vinh hiển.” (Es 61:3)
Kế hoạch của Đức Chúa Trời và do vậy cũng là ý định của Chúa Giê-xu trong bài giảng này là tuyển mộ những môn đồ sẽ là ống dẫn của sự công chính khi họ quay lại với đoàn dân ở dưới chân núi, đại diện của những con người hư mất trong thế gian này. Kế hoạch của Ngài là những môn đồ của Ngài sẽ được trồng trong thế gian này giống như cây của sự công bình cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

No comments

Powered by Blogger.