NGỠ LÀ YÊU
NGỠ LÀ YÊU
ngỡ là yêu |
Chuyện tình yêu hôn nhân, chuyện “tình dục thoáng”, chuyện nạo phá thai... đã tốn biết bao giấy mực lâu nay. Ý kiến cũng trái ngược nhau, kẻ phản đối người ủng hộ, ai cũng nêu ra nhiều lý do để bảo vệ quan điểm của mình.
Đã có biết bao chương trình tư vấn, thảo luận, tuyên truyền, trao đổi trực tuyến, giải đáp thắc mắc trên báo chí; tuy nhiên có một điểm chung đáng nói là các sinh hoạt nêu trên đều nhằm tuyên truyền và cổ xuý cho quan điểm “tình dục an toàn”.
Hiện nay nhan nhản trên đường phố và trong bệnh viện, tranh cổ động sử dụng bao cao su được in khổ lớn treo nơi dễ nhìn thấy nhất, bao cao su được phát không trong những dịp Tháng Quốc tế phòng chống AIDS. Người ta hô hào cần phải giáo dục giới tính trong học đường, nhưng cũng không ngoài mục đích “vẽ đường cho hươu” biết mà chạy.
Nói chung, mọi biện pháp đưa ra không nhằm ngăn chận (vì cho rằng không thể ngăn chận) nhưng yêu cầu có kiến thức “tình dục an toàn” để hy vọng không dính bầu, từ đó nạn nạo phá thai sẽ giảm, sẽ không còn trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, bệnh AIDS không lây lan và xã hội bớt gánh nặng.
Đứng về mặt xã hội thì những biện pháp trên là cần, nhưng về khía cạnh đạo đức, những tổn thương tinh thần, sang chấn tâm lý, những rắc rối trong hôn nhân... thì sao? Tất cả đều được đẩy ngược về cho cá nhân gánh chịu. Xã hội nhẹ gánh nhưng cá nhân xệ vai!
Khi nói “tình dục an toàn” là hàm ý chấp nhận tình dục thoáng, đồng tình với việc “ăn cơm trước kẻng”, thoải mái trong quan hệ tình dục ngoài hôn nhân mà không lo gì hậu quả vì đã có thuốc ngừa thai và bao cao su như một lá bùa hộ mệnh bảo đảm an toàn! Chưa hết, nếu có chút kiến thức thì sẽ phá thai sớm một cách nhẹ nhàng, đơn giản, được nguỵ trang dưới hình thức “hút điều hoà kinh nguyệt”! Như vậy, xét cho kỹ chúng ta sẽ thấy các chương trình tư vấn đó của xã hội tưởng giải quyết được vấn đề nhưng thực chất chẳng giải quyết gì mà còn làm cho vấn đề trầm trọng hơn, vì những tổn thương tâm lý thường là những vết thương khó lành và hậu quả cũng không lường được.
Có bạn nào nghĩ rằng những chương trình tư vấn tình yêu lâu nay là tuyệt hảo? Có bạn nào đã kể thuốc ngừa thai, bao cao su và “hút điều hoà kinh nguyệt” là phương cách tối ưu? Có ai đồng tình với phương châm “tình dục an toàn”?...
Xin hãy nghĩ suy…
Câu chuyện hoàng tử Am-nôn và công chúa Ta-ma được Thánh Kinh Cựu Ước ghi lại cùng những hậu quả họ phải gánh chịu là một tiếng chuông cảnh báo vẫn còn giá trị đến ngày nay và cho cả mai sau.
“Hoàng tử Áp-sa-lôm con vua Đa-vít có một em gái rất đẹp tên là Ta-ma. Am-nôn, anh cùng cha khác mẹ của nàng,phải lòng nàng. Bị tình yêu dày vò, Am- nôn sinh bệnh. Nhưng vì công chúa Ta-ma là một trinh nữ nên Am-nôn khó lòng tiếp xúc với nàng. Am-nôn có một người bạn khôn ngoan xảo quyệt tên là Giô- na-đáp (con Si-mê-i, anh Đa-vít). Một hôm Giô-na-đáp hỏi Am-nôn: “Sao hoàng tử không cho tôi biết lý do khiến hoàng tử mỗi ngày một tiều tụy?” Am-nôn tâm sự: “Tôi yêu Ta-ma, em của Áp-sa- lôm.” Giô-na-đáp bàn kế: “Hoàng tử giả ốm, nằm trên giường, khi vua cha đến thăm, hoàng tử nói: “Xin cho Ta-ma đến đây nấu nướng,săn sóc miếng ăn cho con” “ Vậy, Am-nôn theo kế thi hành. Khi vua đến,Am-nôn xin vua cho Ta-ma em gái mình đến làm bánh cho mình ăn.
Đa-vít sai người gọi Ta-ma, bảo nàng đến nhà Am-nôn, nấu ăn cho anh. Ta-ma đến, lấy bột nhồi, làm bánh đem nướng trước đang nằm trên giường. Nhưng khi nàng đem bánh lên, Am-nôn từ chối không ăn, bảo: “Mọi người khác ra khỏi đây.” Họ vâng lời, ra hết. Am-nôn nói với Ta-ma: “Bưng bánh vào phòng cho anh ăn.” Ta-ma vâng lời anh. Nhưng khi nàng đem bánh tới, Am-nôn nắm lấy nàng, nói: “Em nằm với anh.” Nàng phản đối: “Đừng anh, đừng ép tôi.Trong Y-sơ-ra-ên không ai làm chuyện ô nhục điên rồ như thế. Phần tôi, tôi sẽ mang nhục này đi đâu? Còn anh, sẽ bị coi là phường phóng đãng. Vậy, xin thưa với phụ vương, chắc phụ vương sẽ không cấm anh cưới tôi đâu.” Nhưng Am-nôn không chịu nghe nàng và dùng sức mạnh cưỡng hiếp nàng.
Rồi bỗng nhiên, Am-nôn đổi yêu ra ghét.Bây giờ Am-nôn ghét nàng hơn yêu nàng khi trước, nên quay sang đuổi nàng: “Đi ra khỏi đây!”” (Thánh Kinh IISa 13:1-15)
YÊU HAY CHỈ LÀ HAM MUỐN?
“Hoàng tử Áp-sa-lôm con vua Đa-vít có một em gái rất đẹp tên là Ta-ma. Am-nôn, anh cùng cha khác mẹ của nàng,phải lòng nàng. Bị tình yêu dày vò, Am-nôn sinh bệnh. Nhưng vì công chúa Ta-ma là một trinh nữ nên Am-nôn khó lòng tiếp xúc với nàng.”
Ngày xứa anh em họ yêu nhau và lấy nhau là chuyện hợp pháp, nhưng anh em cùng cha khác mẹ thì không được phép lấy nhau (Le 18:9). Hoàng tử Am- nôn thấy cô em cùng cha khác mẹ của mình là Ta-ma rất xinh đẹp nên phải lòng. Chàng Am- nôn khẳng định mình yêu cô Ta- ma, nhưng có phải chàng Am-nôn yêu nàng thật không? Câu chuyện ghi lại cho thấy chàng Am-nôn không yêu cô Ta-ma mà chỉ ham muốn, khao khát chiếm đoạt nàng mà thôi. Vì cô Ta-ma là một công chúa, lại là một trinh nữ nên chàng Am-nôn không thể “xơ múi”chi được, chàng sinh bệnh không phải vì thất tình, tương tư nhưng chỉ vì không thoả mãn được ham muốn tình dục của mình.
Tình yêu chân chính luôn khao khát tìm mọi cách làm cho người mình yêu được hạnh phúc, vui thoả. Người chỉ mong muốn chiếm đoạt bạn tình bằng mọi giá là người chỉ yêu mình, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân nên sẵn sàng gây phương hại cho người khác để chính mình được thoả mãn. Đó không phải là tình yêu đích thực.
Ngày nay không ít bạn trẻ lầm lẫn tình yêu và tình dục nên đã dùng tình dục hoặc đòi hỏi tình dục như là một bằng chứng để chứng tỏ tình yêu, từ đó tệ nạn phá thai tràn lan, sinh ra biết bao khổ đau trong cuộc sống. Tình dục đã giết chết tình yêu.
Tình yêu có phát sinh ham muốn tình dục,nhưng chủ tâm đòi hỏi thoả mãn tình dục thì chắc chắn đó không phải là tình yêu.
BỆNH MỘNG MƠ
“Bị tình yêu dày vò, Am-nôn sinh bệnh.”
Hoàng tử Am-nôn sinh bệnh vì không có cách nào để chàng thoả mãn đòi hỏi xác thịt với công chúa Ta-ma.
Trước nan đề của tình yêu đúng ra là nan đề của dục vọng, hoàng tử Am-nôn ôm lấy một mình đến nỗi sinh bệnh. Chàng không tâm sự nan đề nầy với ai mà cứ vò võ một mình ôm mối tình si; căn bệnh tình ái chuyển sang bệnh thể xác, bệnh luôn cả tinh thần, suy nhược toàn diện.Khi chúng ta ôm ấp nan đề thì nan đề sẽ sinh sôi nảy nở không ngừng.
Có cảm tình với người khác phái là sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của thanh thiếu niên bắt đầu từ tuổi dậy thì,người sớm kẻ muộn mà thôi; vì nếu gần hết tuổi teen mà cứ coi người khác phái như cành cây, khúc gỗ thì mới là điều lạ. Do sự phát triển của cơ thể nên sự thu hút nam nữ thường khởi đầu bằng sự ham muốn, tò mò, khám phá..., do đó trong giai đoạn nầy mối quan hệ nam nữ thường có lắm nan đề. Hoàng tử Am-nôn cứ để nan đề gặm nhấm mình nên sinh bệnh.
Các bạn trẻ ngày nay cũng chẳng khác hoàng tử kia, nếu cứ để lòng ham muốn phát triển, rồi âm thầm một mình, tự tìm cách giải quyết bằng nhiều cách hoặc cứ loay hoay với chuyện nam nữ, nữ nam qua sách báo, qua internet..., thì coi chừng, suốt ngày cứ mộng mộng mơ mơ... rồi sinh bệnh, bệnh mộng tưởng, bệnh hoang tưởng, bệnh biếng học, bệnh lười ăn hay ngược lại, ăn liên miên, bệnh tránh né cha mẹ... Nan đề liên tục nảy sinh, rất nguy hiểm nếu không thức tỉnh kịp thời.
CỐ VẤN HÔN NHÂN
“Am-nôn có một người bạn khôn ngoan xảo quyệt tên là Giô- na-đáp (con Si-mê-i, anh Đa-vít). Một hôm Giô-na-đáp hỏi Am- nôn: “Sao hoàng tử không cho tôi biết lý do khiến hoàng tử mỗi ngày một tiều tụy?” Am-nôn tâm sự: “Tôi yêu Ta-ma, em của Áp- sa-lôm.” Giô-na-đáp bàn kế: “Hoàng tử giả ốm, nằm trên giường,khi vua cha đến thăm, hoàng tử nói: ‘Xin cho Ta-ma đến đây nấu nướng, săn sóc miếng ăn cho con.’ Vậy, Am-nôn theo kế thi hành.”
Sau thời gian bệnh hoạn vì mộng mơ ám ảnh,thì đúng lúc ấy, một nhà tư vấn hôn nhân “trẻ tuổi tài cao” đầy mưu mô xảo quyệt là Giô-na-đáp xuất hiện và đã hiến kế cho chàng: ‘Giả bệnh nằm trên giường để khi vua cha đến thăm thì xin vua cho em là công chúa Ta-ma đến chăm sóc.
Khi vua cha đồng ý, và khi công chúa Ta-ma xinh đẹp đến thì hoàng tử sẽ dùng sức mạnh để cưỡng hiếp công chúa.’ Hoàng tử nghe theo lời “tư vấn”, hay nói đúng hơn là lời xúi giục của một bạn đồng trang lứa lắm mưu mô, nhiều xảo quyệt đó. Am-nôn cho rằng người bạn nầy “trên cả tuyệt vời”, là người hiểu ông hơn ai hết, giúp ông giải quyết được bài toán hóc búa đã khiến ông sinh bệnh lâu nay. Những tưởng nan đề đã được giải quyết, ai ngờ nghe theo lời bàn của “thầy dùi”, mọi chuyện lại trở nên phức tạp hơn sau đó.
Ngày nay, một trong những chương trình giải đáp thắc mắc hấp dẫn và thường kéo dài nhất là giải đáp thắc mắc về tình yêu và hôn nhân. Câu hỏi tới tấp khiến người tư vấn muốn ngộp thở, nguyên nhân là trong chuyện “xưa như trái đất” nầy vẫn luôn ẩn chứa lắm nan đề. Ngại ngùng không dám tâm sự với ai để cứ một mình ôm lấy nan đề cũng “tiêu tùng”; ngược lại,nghe theo lời cố vấn của những người không đáng tin cậy cũng “tiêu đời”.
Hơn ai hết, chính hoàng tử Am- nôn biết rõ vua cha là người có nhiều kinh nghiệm trong chốn tình trường, thành công cũng như thất bại, từng ngã xuống và cũng đã đứng lên, vì vậy, lẽ ra ông có thể xin ý kiến vua cha, hoặc nhờ sự cố vấn của những người lớn tuổi đáng tin cậy,nhưng không, ông lại nghe theo lời bạn bè để rồi lún sâu vào con đường sai trái.
Có lẽ không ít bạn trẻ đã đi hay đang mon men theo con đường của hoàng tử Am-nôn: khi gặp nan đề trong tình yêu và hôn nhân thì, hoặc là tâm sự với bạn bè để tìm sự cảm thông, hoặc nghe theo lời xúi giục của bạn bè, hoặc nhìn theo gương bạn bè mà đi... Đến với bạn bè xấu,các bạn thường nghe những lời khiêu khích “thì cứ làm như tao nè...” hoặc “Không dám hả? Đồ nhát gan!” hoặc “Giữ gìn hả! Xưa rồi Diễm ơi!” hoặc “Thế kỷ 21 rồi mầy ơi!” v.v và v.v...
Đến với cha mẹ ư? Ông bà khó tính lắm,lại cũng lạc hậu rồi! Đến với Mục sư ư? Mục sư đem Lời Chúa ra ngăn cản là cái chắc, hơn nữa, ông biết gì giới trẻ mà giúp đỡ! Đến với những người lớn tuổi có kinh nghiệm ư? Ôi! liệu họ có cảm thông không? Chỉ có bạn bè là hiểu ta thôi, bạn thật cũng như bạn ảo!
Bạn bè, người cố vấn hôn nhân, mà luôn bàn đúng theo ý mình thì cũng cần coi lại kẻo “tiêu tùng” và “tiêu đời” luôn đó!
THOẢ MÃN HAY VỠ MỘNG
“Khi vua đến, Am-nôn xin vua cho Ta-ma em gái mình đến làm bánh cho mình ăn. Đa-vít sai người gọi Ta-ma,bảo nàng đến nhà Am-nôn, nấu ăn cho anh. Ta- ma đến, lấy bột nhồi, làm bánh đem nướng trước mặt anh mình. Lúc ấy Am-nôn đang nằm trên giường. Nhưng khi nàng đem bánh lên, Am-nôn từ chối không ăn, bảo: “Mọi người khác ra khỏi đây.”Họ vâng lời, ra hết. Am- nôn nói với Ta-ma: “Bưng bánh vào phòng cho anh ăn.”Ta-ma vâng lời anh. Nhưng khi nàng đem bánh tới, Am-nôn nắm lấy nàng, nói: “Em nằm với anh.” Nàng phản đối: “Đừng anh, đừng ép tôi. Trong Y-sơ-ra-ên không ai làm chuyện ô nhục điên rồ như thế. Phần tôi, tôi sẽ mang nhục này đi đâu?Còn anh, sẽ bị coi là phường phóng đãng. Vậy, xin thưa với phụ vương, chắc phụ vương sẽ không cấm anh cưới tôi đâu.” Nhưng Am-nôn không chịu nghe nàng và dùng sức mạnh cưỡng hiếp nàng. Rồi bỗng nhiên, Am-nôn đổi yêu ra ghét. Bây giờ Am-nôn ghét nàng hơn yêu nàng khi trước, nên quay sang đuổi nàng: “Đi ra khỏi đây!”
Theo mưu mô của người bạn thầy dùi,hoàng tử Am-nôn đã chiếm đoạt công chúa Ta-ma bằng sức mạnh của mình. Sau khi thoả mãn xác thịt, tưởng đâu tình yêu thăng hoa nảy nở, ai ngờ chàng hoàng tử nhìn nàng Ta-ma xinh đẹp trước đây, người đã hớp hồn chàng làm chàng điêu đứng,nay sao mà xấu xí lạ lùng, chẳng còn chi hấp dẫn, thu hút cả! Hoàng tử Am-nôn đang yêu bỗng đổi thành ghét, mà cái ghét bây giờ còn dữ dội hơn cả cái yêu lúc trước nữa! Tại sao vậy? Chính sự đòi hỏi tình dục trước hôn nhân đã giết chết tình yêu.
Vừa qua, trên các diễn đàn của báo chí,đã có biết bao lý do được nêu lên để biện minh cho chuyện “ăn cơm trước kẻng”;cũng có vài ý kiến phản bác nhưng dường như quan điểm “tình dục thoáng” có vẻ áp đảo hơn. Nhóm nầy đang chống đối việc coi vấn đề trinh tiết là quan trọng (cho cả nam lẫn nữ). Họ cho rằng chỉ cần tình yêu là đủ, còn những chuyện trinh tiết, tình dục trước hôn nhân, thậm chí sống thử với nhau như vợ chồng bất cần đám cưới... có là gì đâu mà quan trọng.
Đây không phải là quan niệm mới mẻ,cũng chẳng phải là chuyện của thế kỷ 21. Ngày xưa hoàng tử Am-nôn cũng đã quan niệm như vậy, ông nghĩ rằng ông yêu Ta- ma và muốn chiếm đoạt nàng tức khắc, bất cần lễ nghi phong tục. Thế nhưng sau khi thoả mãn dục tình rồi tình yêu chẳng thấy đâu mà chỉ thấy lòng chán ghét và thất vọng ê chề.
Vết xe cũ vẫn còn đó. Tình dục trước hôn nhân có thể thoả mãn thân xác trong giây lát nhưng sau đó là vỡ mộng với vết hằn tinh thần đeo đuổi suốt đời.
NÀNG CÔNG CHÚA MẪU MỰC
“Nhưng khi nàng đem bánh tới, Am-nôn nắm lấy nàng, nói: “Em nằm với anh.” Nàng phản đối: “Đừng anh, đừng ép tôi. Trong Y-sơ-ra-ên không ai làm chuyện ô nhục điên rồ như thế. Phần tôi, tôi sẽ mang nhục này đi đâu? Còn anh, sẽ bị coi là phường phóng đãng. Vậy, xin thưa với phụ vương, chắc phụ vương sẽ không cấm anh cưới tôi đâu.”
Công chúa Ta-ma quả là một thiếu nữ mẫu mực. Chỉ tiếc là nàng không thể làm gì khác hơn để thoát khỏi móng vuốt của người anh háo sắc. Cung điện rộng lớn, người hầu bị đuổi ra hết, có la lên cũng chẳng ai nghe, có người nghe chưa chắc đã dám vào, có người vào chưa chắc đã dám cứu,hơn nữa Am-nôn đã nắm chặt lấy nàng không buông ra và dùng sức mạnh để cưỡng hiếp.Tuy nhiên nàng vẫn biết mình còn một vũ khí không ai tước mất, đó là lời nói.Khi bị anh bắt ép quan hệ tình dục, công chúa đã bình tĩnh phân tích thiệt hơn.Nàng nói với hoàng tử Am-nôn rằng:
- Đừng anh, đừng ép tôi;
- Trong Y-sơ-ra-ên không ai làm chuyện ô nhục điên rồ như thế;
- Khi tôi bằng lòng thì tôi sẽ là người mang nhục;
- Khi anh ép tôi thì anh là người phóng đãng.
ĐỪNG ANH, ĐỪNG ÉP TÔI
Đây là một lời từ chối, một cách nói KHÔNG, một thái độ dứt khoát rằng tôi không đồng ý, một lời khẳng định tôi không đồng tình, một quyết định rõ ràng tôi không chấp nhận, anh đừng làm như thế, đừng ép uổng tôi.
Trong vấn đề “ăn cơm trước kẻng”, người nam thường chủ động đòi hỏi và gợi ý trước, nhưng cũng không ít trường hợp người nữ chủ động “hiến dâng” để mong “trói” được người mình yêu. Trong cả hai trường hợp đó, không thể nói ai là người đáng trách hơn, vì cả hai đều sai. Người nam đã dụ dỗ bằng những luận điệu hữu lý, ngon ngọt, tính toán trước mọi tình huống để đưa người nữ vào tròng, chủ động tấn công... Người nữ dù ở trong trường hợp nào cũng coi như đồng tình quan hệ vì không dám mạnh dạn nói “Đừng anh, đừng ép tôi!” như công chúa Ta-ma.
Trên thực tế, khi bị người nữ từ chối quyết liệt thì người nam cũng phần nào chùn bước, nhưng trong phần lớn trường hợp người nữ sợ nếu từ chối thì bạn trai tự ái, bỏ mình nên đành yên lặng bằng lòng, nhắm mắt xuôi tay.
Vũ khí mạnh nhất của người con gái chính là TỪ CHỐI, nói KHÔNG với tình dục trước hôn nhân. Nếu do chuyện nầy mà bạn trai bỏ mình thì phải cám ơn Chúa đã cho mình thấy rõ bộ mặt thật của người ấy trước khi quá muộn, vì chúng ta đã biết, đòi hỏi quan hệ trước hôn nhân, chỉ là tình dục chứ không phải là tình yêu đích thực.
Nếu nghĩ rằng hiến dâng thân xác để ràng buộc tình yêu thì đó là suy nghĩ hết sức sai lầm, vì người nữ chỉ cho người nam tình dục chứ không cho tình yêu. Khi tự nguyện hiến dâng, người nữ đã huỷ đi một hứng thú lớn nhất của người nam là khám phá và chinh phục.
“Đừng anh, đừng ép tôi” là vũ khí cần thiết phải trang bị cho tất cả chúng ta, nữ cũng như nam, nếu muốn bảo vệ, duy trì và phát triển tình yêu đích thực.
CHUYỆN Ô NHỤC, ĐIÊN RỒ
Sau khi khẳng định lập trường “Đừng anh, đừng ép tôi!”, từ chối ăn nằm với hoàng tử Am-nôn, công chúa Ta-ma nói tiếp:“Trong Y-sơ-ra-ên không ai làm chuyện ô nhục điên rồ như thế.”
Thời ấy, trong thế giới ngoại bang có thể đang chủ trương sống bê tha trác táng, làm chuyện đồi bại v.v... nhưng trong dân Y-sơ- ra-ên, là dân tộc chọn lựa của Đức Chúa Trời, là dân thánh thì không ai có thể làm chuyện như thế nầy, ai cứ làm là làm chuyện ô nhục và điên rồ.
Ô nhục - vì tình dục trước hôn nhân không phải chỉ ảnh hưởng đến hai người nhưng là chuyện
nhục nhã cho hoàng tộc và cho cả dân tộc thánh.
Điên rồ - vì đây là một việc làm bị xác thịt thôi thúc, là con người mà hành động theo bản năng chẳng khác nào con vật,thật là chuyện mất nhân tính.
Thánh Kinh xác nhận: “Anh chị em là dân tộc được lựa chọn, vị tế lễ của hoàng gia, một dân thánh, con dân thuộc về Đức Chúa Trời để anh chị em rao truyền các công việc lạ lùng của Ngài là Đấng đã kêu gọi anh chị em ra khỏi chốn tối tăm để vào nơi sáng láng diệu kỳ của Ngài.” (IPhi 2:9), vậy thể nào ngày nay chúng ta lại dám làm chuyện ô nhục và điền rồ như vậy?
Nhiều người chủ trương chuyện tình dục,chuyện hôn nhân thuộc quyền tự do cá nhân. Đúng, nhưng không phải chuyện cá nhân mà không ảnh hưởng đến gia đình, Hội Thánh. Cơ Đốc nhân không thể sống đơn lẻ một mình, nhưng là chi thể của một thân mà Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đầu. Khi sống theo bản năng xác thịt, chẳng những chúng ta đang hành động điên rồ thiếu suy nghĩ nhưng còn làm ô nhục một dân tộc thánh mà chúng ta đang thuộc về.
Nhận thức rằng chúng ta đang ở trong một cộng đồng được lựa chọn, là vị tế lễ của hoàng gia, là dân thánh, dân thuộc về Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không dám để cho sự tự do điên rồ của mình làm ô nhục cộng đồng.
Công chúa Ta-ma phản đối: “Đừng anh,đừng ép tôi. Trong Y-sơ-ra-ên không ai làm chuyện ô nhục điên rồ như thế...”Đây là một gương sáng và là mẫu mực cho chúng ta noi theo nếu muốn có được tình yêu đích thực.
TÔI MANG NHỤC
Sau khi nói không với tình dục trước hôn nhân và phân tích rằng con dân Chúa không nên làm chuyện ô nhục và điên rồ như thế, Công chúa Ta-ma nói lên hậu quả cá nhân nàng phải gánh chịu: Khi tôi bằng lòng quan hệ với anh thì tôi sẽ là người mang nhục và nỗi nhục nầy tôi sẽ mang đi đâu, tôi phải gánh chịu suốt đời.
Một thông tin trên báo Tuổi Trẻ: “Bác sĩ Dương Phương Mai - trưởng khoa kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện phụ sản Từ Dũ - cho biết chín
tháng đầu năm 2007 bệnh viện đã thực hiện khoảng 19.000 ca nạo phá thai. Hằng năm, tỉ lệ số ca sinh trên số ca nạo phá thai tại bệnh viện này là bằng nhau.
Điều đáng lo ngại là những năm trước, tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên (từ 13 đến dưới
19 tuổi) chiếm 5-7% tổng số ca nạo phá thai thì năm nay đã tăng lên 10%. Trong số ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên có 60-70% là học sinh, sinh viên. Trong khi đó, theo bác sĩ Vũ Thị Nhung - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, từ đầu năm 2007 đến nay bệnh viện đã thực hiện gần 25.000 ca nạo phá thai, số ca nạo phá thai chưa thấy có dấu hiệu giảm so với năm trước.”
Chỉ riêng tại hai bệnh viện lớn tại Saigon mà đã có gần 50.000 ca nạo phá thai trong năm 2007, trong đó tuổi teen chiếm khoảng 10%! Và điều đáng nói là Việt Nam là một trong ba nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, mỗi năm có khoảng 1,2 đến 1,6 triệu ca nạo phá thai!
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng nạo phá thai tại Thành phố Hồ Chí Minh đang có chiều hướng gia tăng, trong đó đáng báo động ở lứa tuổi vị thành niên
Năm 2008, trong số 116.087 người nạo phá thai toàn thành phố (thêm 5.225 người so với năm 2007) và số ca bị tai biến,biến chứng do nạo hút thai trong năm 2008 tăng gần gấp đôi so với năm 2007.
Khi nạo phá thai, ngoài vấn đề đạo đức là phạm tội giết người, các bạn gái có cảm thấy mình còn mang thêm một nỗi nhục như công chúa Ta-ma chăng? Và vết thương nầy chắc chắn sẽ hằn sâu trong tâm khảm suốt cuộc đời, không thể nào xoá được. Tại sao nhục?
Nhục vì mình đã hành động nông nổi theo bản năng xác thịt; nhục vì cả hai người đã để cho ham muốn tình dục chiến thắng mà chẳng thấy trách nhiệm khi đến với nhau; nhục vì không dám mở miệng nói “Đừng anh!” như công chúa Ta-ma; nhục vì sau đó không thấy niềm vui của tình yêu mà chỉ thấy nỗi lo canh cánh dính bầu; nhục vì phải đi nạo phá thai do áp lực của “bạn tình” hoặc của chính bản thân; nhục vì nhẫn tâm giết bỏ đứa con vô tội; nhục vì phải tránh né ánh mắt của nhiều người... Một nỗi nhục quá lớn không biết mang đi đâu!
Có thể nhiều người phản đối: “Tôi bất cần,tôi tự do sống theo ý thích của tôi! Tôi không thấy nhục!” Tuy nhiên nỗi nhục vẫn tiềm ẩn đâu đó trong thâm tâm, sẽ có ngày bộc phát và chắc chắn cũng sẽ mang theo suốt cả cuộc đời. Xin chớ coi thường.
Thấy được nỗi nhục sẽ mang nếu chấp nhận “ăn cơm trước kẻng” sẽ giúp các bạn gái cảnh giác hơn trong quan hệ tính dục.Mong các bạn ghi khắc hình ảnh của công chúa Ta-ma trong chuyện tình yêu của mình.
PHƯỜNG PHÓNG ĐÃNG
Công chúa Ta-ma nhận định tiếp về hậu quả hoàng tử Am- nôn phải gánh chịu: Khi tôi bằng lòng quan hệ với anh trước hôn nhân thì tôi sẽ là người mang nhục, còn anh cũng bị coi là phường phóng đãng.
Người phóng đãng là người sống tự do buông thả không kiềm chế mình trong các mặt sinh hoạt.
Hoàng tử Am-nôn là phường phóng đãng vì anh ta đã buông thả, không kiềm chế dục vọng mình trong quan hệ nam nữ; phóng đãng vì anh ta tìm mọi cách dụ dỗ công chúa Ta-ma đến vớimình nơi phòng riêng,phóng đãng vì anh ta đuổi hết người hầu để chỉ còn lại hai người trong một không gian hoàn toàn vắng vẻ hầu dễ bề thực hiện ý đồ tội lỗi; phóng đãng vì anh ta đã lôi kéo, cám dỗ công chúa Ta-ma “Em nằm với anh!”; phóng đãng vì anh ta chỉ thèm khát chiếm đoạt thân xác người anh ham muốn chứ chẳng phải yêu thương; phóng đãng vì trong đầu anh ta chỉ chất chứa toàn là chuyện dâm ô và bằng mọi giá thực hiện cho kỳ được...
Thật đáng buồn khi ngày nay nhan nhản trong công viên, những nơi vắng vẻ, trong quán cà phê chòi và ngay cả khi đèo nhau trên xe gắn máy... từng cặp, từng cặp có những hành vi kích thích nhục dục với nhau một cách tự nhiên như trong phòng riêng. Chàng thường xuyên hẹn hò bạn gái đến những nơi “thuận lợi”. Khách sạn thì công khai mời gọi: cho thuê phòng theo giờ! Từ “tìm hiểu” đã bị lạm dụng, thay vì tìm hiểu nhau để tiến tới hôn nhân thì lại chỉ “tìm hiểu thân xác của nhau” khi cả hai chưa chính thức kết hôn. Phần lớn những trường hợp nầy bạn trai thường chủ động và bạn gái thì...im lặng!
Nhận định của công chúa Ta- ma vẫn đúng cho ngày nay, người nữ để cho người nam lợi dụng thân xác của mình có cảm thấy nhục? Và người nam quyến dụ bạn gái thực hiện những hành vi thiếu kiềm chế như vậy có thấy mình là người phóng đãng?
Cuộc đời của hoàng tử Am- nôn sau đó là sống chỉ để chờ chết, vì anh ruột của công chúa là hoàng tử Áp-sa-lôm đã lên kế hoạch trả thù: giết người đã hại em mình.
Mong câu chuyện của hoàng tử Am-nôn sẽ thức tỉnh những người trẻ. Chúng ta cương quyết nhờ cậy Chúa sống trong sạch, kỷ luật bản thân để không đi vào vết xe đổ của chàng trai phóng đãng Am-nôn.
Sống trong sạch theo Lời Chúa dạy tình yêu sẽ thăng hoa; sống phóng đãng theo dục vọng cuộc đời chỉ đi đến chỗ bế tắc,lưu tiếng xấu mãi mãi.
ĐÁM CƯỚI
Sau khi phân tích thiệt hơn cho hoàng tử Am-nôn, công chúa Ta- ma bình tỉnh đưa ra một đề nghị: “Vậy, xin thưa với phụ vương, chắc phụ vương sẽ không cấm anh cưới tôi đâu”.
Công chúa Ta-ma yêu cầu hoàng tử Am-nôn thưa với phụ vương. Làm con, phải thưa với cha mẹ về chuyện tình yêu của mình,trình bày với cha mẹ về người mình muốn yêu, xin phép cha mẹ về việc mình muốn cưới. Có người cho rằng sao lạc hậu thế, mình cưới vợ lấy chồng cho mình chứ có phải cho cha mẹ đâu, luật pháp cũng quy định mình đã đủ tuổi để tự kết hôn rồi,cùng lắm là thông báo mọi chuyện khi “đâu đã vào đấy hoặc ván đã đóng thuyền”,cha mẹ có “bổn phận sự và trách nhiệm vụ” phải lo đám cưới cho con thôi. Đúng là quan niệm mới (?!): “Con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó”, hoặc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, nhưng trong nhờ đục… ‘chạy’!”
Công chúa Ta-ma tiếp tục đề nghị một đám cưới. Đó chính là khía cạnh pháp lý, công khai, hợp pháp của việc sống chung, trong đó có chung một thịt. Coi thường đám cưới cũng chính là coi thường người mình yêu và coi thường cả chính mình.
Các bạn gái nên học gương công chúa Ta-ma, đề nghị đám cưới khi bạn trai đòi quan hệ tình dục, nếu anh chàng tránh né hoặc “quất ngựa truy phong” thì hãy cám ơn Chúa vì Ngài cho thấy đây không phải là một nửa của mình.
NGƯỜI CHA HỜI HỢT
Chúng ta đã cùng nhau phân tích hai nhân vật chính của câu chuyện: Hoàng tử Am-nôn và công chúa Ta-ma. Giờ đây,chúng ta quay về với vua Đa-vít để học biết trách nhiệm của cha mẹ trong vấn đề tình yêu và hôn nhân của con cái qua câu chuyện trên.
Vua Đa-vít là người có nhiều kinh nghiệm trong chiến trường cũng như tình trường, thế nhưng ông đã thiếu quan tâm đến con cái. Khi nghe con là hoàng tử Am- nôn bệnh, ông đến thăm, nhưng khi nghe lời thỉnh cầu của hoàng tử, vua đã vội vã đồng ý ngay. Lẽ ra vua Đa-vít phải sáng suốt để nhận biết đây là một lời thỉnh cầu đáng ngờ vực. Tại sao bệnh muốn ăn bánh mà lại phải là bánh do công chúa Ta-ma đến nấu trực tiếp tại chỗ? Tại sao hoàng tử không yêu cầu việc gì khác ngoài việc xin cho công chúa đến chăm sóc miếng ăn? Tại sao không là người hầu mà phải là cô Ta-ma xinh đẹp? Sự thiếu quan tâm đến con cái đã khiến vua Đa-vít lãnh hậu quả là con gái mang nhục, con trai chém giết nhau, lòng cha buồn rầu, tan nát.
Cha mẹ cần luôn luôn quan tâm đến con cái. Khi con đến tuổi dậy thì, cần hướng dẫn con cái biết nhờ cậy Chúa dẫn dắt trong tình yêu và hôn nhân; cũng cần chia sẻ kinh nghiệm thành công và thất bại của mình để con cái học tập hay phòng tránh.
Hời hợt thiếu quan tâm đến con cái cũng thất bại; khó tính bắt ép con cái theo ý mình cũng thất bại. Cha mẹ cần ý thức con cái là cơ nghiệp Chúa ban và nhớ mình đã hứa thế nào khi dâng con cho Chúa... để thường xuyên cầu nguyện, quan tâm, chăm sóc và hướng dẫn con cái, nhất là trong lãnh vực tình yêu và hôn nhân.
Dĩ nhiên không phải cứ ở cương vị làm cha mẹ là có đủ quyền và khả năng để dạy dỗ con cái chuyện trăm năm, nhưng khi cha mẹ biết nhờ cậy Chúa và hướng dẫn con cái nhờ cậy Chúa thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo chúng ta phải đi, các việc chúng ta phải làm.
Vết xe đổ của vua Đa-vít đang còn đó,xin các bậc làm cha làm mẹ hãy cẩn trọng.
Và dĩ nhiên, bài học nầy cũng dành cho các cha mẹ tương lai nữa chứ!
THAY LỜI KẾT
Khát vọng yêu và được yêu là niềm khao khát tiềm ẩn nhưng luôn khuấy động con người suốt cả cuộc đời . Nó là nguồn động lực lèo lái mọi suy nghĩ hành động của nhân loại, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Thế kỷ 21 là kỷ nguyên của công nghệ thông tin, của thời đại tốc độ. Ngày nay, mọi sự việc -kể cả tình yêu- đều có thể diễn ra trong tích tắc. Chỉ là giây phút sôi nổi của dục tình, với nhựa sống đầy tràn, người trẻ tuổi bị cuốn vào vòng xoáy của lòng ham muốn chiếm hữu đối tượng mà cứ ngỡ là mình yêu, để rồi chuốc lấy những chuỗi ngày dài đầy nhục nhã và đau buồn không lối thoát.
Câu chuyện của nàng công chúa Ta-ma và hoàng tử Am-nôn ngày xưa không phải là chuyện cổ tích để kể cho trẻ con nghe vào những đêm trăng thanh gió mát, cũng không phải là chuyện cá biệt chỉ xảy ra trong cung điện thời phong kiến, nhưng câu chuyện nầy đã và đang xảy ra từng ngày trong giới trẻ thời nay.
Khi không đặt niềm tin vào sự tể trị của Đức Chúa Trời Toàn Năng, Toàn Ái; khi không tin Chúa là Đấng sáng lập hôn nhân luôn có một chương trình tốt đẹp đối với tình yêu và hôn nhân dành cho con cái Ngài; khi không dành thời gian lắng nghe Lời Chúa và tìm hiểu ý muốn Chúa để thuận phục thi những người đang yêu sẽ không bao giờ biết cách yêu hay biết đâu là tình yêu đích thực mà Thiên Chúa đã ban tặng cho mình, để rồi cứ ngỡ là yêu nhưng hoàn toàn không phải vậy.
Thật đáng sợ vì lúc nhận ra thì đã quá muộn màng và hậu quả phải gánh chịu hết sức nặng nề.
Yêu hay ngỡ là yêu hưởng được vị ngọt của tình yêu hay phải nhăn mặt vì chỉ nếm toàn vị đắng là do quyết định của bạn.
Kinh Thánh khẳng định “Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ” (ICo 13:7), nhưng nếu chỉ Ngỡ là yêu thì tất cả sẽ nhanh chóng tan thành mây khói, chỉ còn lại nỗi đau khổ mà mỗi cá nhân -và đôi lúc, cả hậu duệ nối tiếp - đành phải gánh chịu mà thôi.
Xin Chúa cho các bạn trẻ đã yêu, đang yêu và sẽ yêu luôn biết nhờ cậy Chúa, cẩn trọng trên đường vào tình yêu để không ai đi lạc vào vết xe đổ của hoàng tử Am-nôn.
Chúc cho tình yêu của các bạn là tình yêu “Ovantine không Melamine”!
CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Nêu những điểm khác nhau giữa tình yêu chân chính và ham muốn tình dục.
2. Bạn nghĩ gì về vấn đề “ăn cơm trước kẻng”?
3. Công chúa Ta-ma có những điểm nào đáng khen để bạn noi theo?
4. Bạn bè, cha mẹ, Hội Thánh giữ vai trò nào trong tình yêu và hôn nhân của giới trẻ?
5. Ưu và khuyết điểm của các Chương trình tư vấn tình yêu và hôn nhân mà bạn biết.
6. Làm thế nào để ta không đi vào vết xe đổ của hoàng tử Am-nôn?"
Ánh Dương
Leave a Comment