BÀI 6: NGƯỜI ĐÁNH MẤT THẬP TỰ GIÁ
BÀI 6: NGƯỜI ĐÁNH MẤT THẬP TỰ GIÁ
người đánh mất thập tự giá
Đôi vai trĩu nặng, một người lê bước nặng nề trải qua suốt cuộc đời, từng bước nặng nề, mệt nhọc với gánh nặng trên lưng mình. Nó là ‘bạn đồng hành’ của người ấy cả ngày lẫn đêm. Không một lần người ấy biết được sự giải tỏa khỏi gánh nặng không thương xót ấy.
Tên của người ấy là Cơ-đốc đồ, nhân vật chính câu chuyện hình bóng nổi tiếng của ông John Bunyan, tựa đề “Thiên Lộ Lịch Trình” Trong một cảnh cảm động, Cơ-đốc đồ tìm được con đường cứu rỗi, đi đến Thiên thành. Anh vất vả leo lên đồi cho đến khi đạt đến đỉnh, và tại đó, anh nhìn thấy một thập tự giá bằng gỗ, ngay bên dưới nó là một ngôi mộ trống. Đang khi anh tiến đến gần thập tự giá, thì một phép lạ xảy ra. Gáng nặng buộc chặt trên lưng anh bấy lâu nay tự nhiên rơi ra, lăn vào ngôi mộ đang há miệng chờ đợi, và không bao giờ nhìn thấy nó nữa.
Một cảm giác thú vị của sự nhẹ nhàng tràn ngập thân thể của Cơ-đốc đồ, và nước mắt vui mừng của sự giải thoát chảy dài trên má anh ta. Tiếp theo có ba Đấng Sáng Chói tiến đến cùng anh. Đấng thứ nhất tuyên bố: “Tội lỗi của con đã được tha;”Đấng thứ hai lột đi chiếc áo dơ bẩn của anh và mặc cho cho anh bộ áo rạng ngời;Đấng thứ ba trao cho cuộc sách có đóng ấn, để anh trình ra khi bước vào cổng Thiên Thành.
Tràn ngập với sự tự do mới, Cơ-đốc đồ hát một bài ca về một linh hồn được giải phóng như sau:
“Từ xa tôi đến với gánh nặng của tội lỗi tôi; / Không có điều gì làm giảm được sự đau buồn tôi đang gánh chịu, / Cho đến khi tôi đến chỗ này: Đây là chỗ gì vậy?/ Có phải là chỗ khởi đầu của niềm hạnh phúc của tôi không? / Có phải đây là chỗ gánh nặng của tôi lìa khỏi không? / Có phải đây là chỗ sợi dây từng cột chặt gánh nặng của tôi đứt ra không? / Phước hạnh thay là thập tự giá! / Phước hạnh thay là ngôi mộ trống xưa! / Phước hạnh hơn thế nữa là người đã mang sự sĩ nhục của tôi!”
Quý vị hãy thử tượng tượng đang ngồi trong xà lim của khu tử tội, vất vả với tất cả mọi cảm xúc dằn vật, vặn xoáy trong trí đang khi sự chết ngày càng gần. Mọi sự khiếu nại, mọi đơn nài xin ân xá, giảm án đều bị từ chối, quý vị gánh chịu từng phút của sự thống khổ trong sự vô vọng của những cảm xúc bị kết án. Hoàn toàn không lối thoát. Tuyệt vọng. Trường hợp của quý vị đã bị đóng ấn.
Bất ngờ, có tiếng bước chân tiến đến phá tan sự yên lặng. Âm thanh của cánh cửa sắt được mở vang vọng lên, và trước sự kinh ngạc của quý vị, cánh cửa xà lim của quý vị mở ra. Xiềng của quý vị được mở khóa, và quý vị được lệnh rời xà lim.Trong hổn loạn của sự bối rối quý vị nghe được những lời này: “Anh được trả tự do. Anh nhận được sự tha thứ. Một người khác sẽ chết thay chỗ của anh.”
Ba-ra-ba khi xưa đã kinh nghiệm điều đó. Sử dụng sự kỳ lạ pháp lý của hoàn cảnh, sứ đồ Ma-thi-ơ vẽ lên một bức tranh sáng chói về sự chết thay trên thập tự giá của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đang khi theo dõi những biến cố được mô tả trong đoạn 27 của Phúc Âm Ma-thi-ơ, chúng ta sẽ bắt gặp một quang cảnh đầy kích động đâm sâu vào trái tim của Phúc Âm: Bởi sự chết bất công của một người công bình, một thế giới bị kết án của tội nhân được tự do.
Tôi muốn mời quý vị xem phân đoạn Kinh Thánh này được ký thuật trong Phúc Âm Mat 27:15-26
“Phàm đến ngày lễ Vượt qua, quan tổng đốc thường có lệ tha một tên tù tùy ý dân muốn.
Đang lúc ấy, có một tên phạm nổi tiếng, tên là Ba-ra-ba.
Khi chúng đã nhóm lại, thì Phi-lát hỏi rằng: Các ngươi muốn ta tha người nào,Ba-ra-ba hay là Jêsus gọi là Christ?
Vì quan ấy biết bởi lòng ghen ghét nên chúng đã nộp Ngài.
Quan tổng đốc đương ngồi trên tòa án, vợ người sai thưa cùng người rằng: Đừng làm gì đến người công bình đó; vì hôm nay tôi đã bởi cớ người mà đau đớn nhiều trong chiêm bao.
Song các thầy tế lễ cả và các trưởng lão dỗ chúng hãy xin tha Ba-ra-ba và giết Đức Chúa Jêsus
Quan tổng đốc cất tiếng hỏi rằng: Trong hai người nầy, các ngươi muốn ta tha ai?Chúng thưa rằng: Ba-ra-ba.
Phi-lát nói rằng: Vậy, còn Jêsus gọi là Christ, thì ta sẽ xử thế nào? Chúng đều trả lời rằng: Đóng đinh nó trên cây thập tự!
Quan hỏi: Song người nầy đã làm việc dữ gì? chúng lại kêu la lớn hơn rằng: Đóng đinh nó trên cây thập tự!
Phi-lát thấy mình không thắng nổi chi hết, mà sự ồn ào càng thêm, thì lấy nước rửa tay trước mặt thiên hạ, mà nói rằng: Ta không có tội về huyết của người nầy; điều đó mặc kệ các ngươi.
Hết thảy dân chúng đều đáp rằng: Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi!
Phi-lát bèn tha tên Ba-ra-ba cho chúng; và khiến đánh đòn Đức Chúa Jêsus, đoạn giao Ngài ra để đóng đinh trên cây thập tự.”
Trong những lần trước, chúng ta đã để khá nhiều thì giờ phân tích về các phiên xử của Chúa Giê-xu và một số kinh nghiệm vây quanh thập tự giá. Hôm nay, một lần nữa,chúng ta muốn nhìn vào Lời Đức Chúa Trời và tìm kiếm sự soi sáng, hướng dẫn và dạy dỗ trong những trang Thánh Kinh. Chúng ta chọn đoạn nói về phiên xử thứ sáu của Chúa Giê-xu. Không phải Chúa Giê-xu chỉ trải qua một phiên tòa, nhưng đến sáu phiên. Và trong mỗi phiên đều bất hợp pháp, một phần hay hoàn toàn. Không một mảnh nhỏ của bằng cớ, Ngài đã trải qua từ phiên tòa này đến phiên tòa kế, với những định kiến cho rằng Ngài có tội. Một lần nữa, tôi xin nhắc quý vị nhớ rằng đây chỉ là ý kiến, và nó hoàn toàn thiếu bằng chứng thật.
Khi chúng ta đến với phân đoạn Kinh Thánh trong Phúc Âm Mat 27:15-26, là chúng ta đến với phiên tòa thứ sáu mà Chúa Giê-xu đã gánh chịu. Cho phép tôi nhắc quý vị nhớ rằng tất cả những phiên tòa này đều đã diễn ra tại những giờ giấc bất hợp pháp trong ngày. Theo luật thời đó, thì các phiên tòa phải được công khai thông báo, nhưng đã không hề có chuyện đó. Các phiên tòa không được diễn ra lúc ban đêm, nhưng bốn trong số ấy đã diễn ra lúc ban đêm. Quý vị thấy đấy, tất cả các phiên tòa ấy là sự coi thường luật pháp và sự công bình mà một người có thể hình dung ra. Khi đến với phiên tòa thứ sáu, chúng ta nhìn thấy một nhân vật đặc biệt mà chúng ta chỉ nhìn lướt qua khi đọc phân đoạn này, tên của nhân vật đó là Ba-ra-ba. Tôi có thể hình dung ra rằng nếu bảo chúng ta viết một bài về nhân vật Ba-ra-ba này, thì hầu hết chúng ta sẽ chỉ có thể viết nó chỉ trong một câu ngắn mà thôi. Ông ta là người đã được tha thay chỗ của Chúa Giê-xu ngay trong buổi sáng ngày bị đóng đinh. Nhưng còn nhiều điều hơn thế nữa như chúng ta thấy trong bài học hôm nay.
Nhưng để hiểu rõ được bối cảnh, là điều tôi nghĩ rất quan trọng khi nghiên cứu Kinh Thánh, tôi muốn chúng ta để thì giờ tìm hiểu thêm về Ba-ra-ba.Chúng ta xem lại câu 15,
“Phàm đến ngày lễ Vượt qua, quan tổng đốc thường có lệ tha một tên tù tùy ý dân muốn.”
Không một ai trong chúng ta là người Do-thái. Không một ai trong chúng ta là dân cư của thành Giê-ru-sa-lem. Cũng như không ai trong chúng ta quen thuộc với truyền thống văn hóa của người Do-thái do bản chất, hay do sinh ra. Không một ai trong chúng ta từng sống trong thế kỷ thứ nhất để thật sự bước vào bối cảnh của giai đoạn này. Cho nên chúng ta cần phải xây dựng lại bối cảnh câu chuyện.
Trước hết, tôi muốn quý vị chú ý thấy trong câu 15 có đề cập đến vị quan tổng đốc. Tổng đốc, hay tổng trấn, như một số bản dịch khác gọi, giống như chức vụ quan toàn quyền thời Pháp thuộc ở Việt Nam chúng ta vậy. Tên của ông ta là Phi-lát. Ông ta không phải là Sê-sa, cũng như không phải là hoàng đế. Ông ta là quan toàn quyền, hay tổng trấn. Hoàng đế La-mã lúc đó là Tiberius. Tiberius là vua của cả thế giới cổ thời đó. Nhưng Phi-lát chỉ là tổng trấn xứ Giu-đê.Ông ta chịu trách nhiệm cai trị trên một vùng đất nhỏ ở vùng trung đông, mà ngày nay chúng ta gọi là Palestine. Ông ta cai trị trên một vùng đất nổi tiếng được gọi là Giu-đê. Phi-lát chỉ rời khỏi dinh thự tiện nghi và đẹp đẽ của mình ở Sê-sa-rê khi có nhu cầu đặc biệt. Và một trong những trường hợp ấy là Lễ Vượt Qua diễn ra tại thành Giê-ru-sa-lem, thành phố của vua Đa-vít.
Tôi nghĩ chúng ta cần phải hiểu thêm vài điều về Phi-lát. Bởi vì có ít sự quan tâm ngày nay, nhất là giữa các học giả Thánh Kinh về nhân vật này, và về sự khác nhau trong cách ông ta nhìn Thánh Kinh và cách ông ta được kể trong lịch sử.Những gì tôi muốn nói là: Trong phân đoạn Kinh Thánh trước mặt chúng ta và trong ba sách Tin Lành khác, Phi-lát là người không dứt khoát, thiếu kiên định.Ông ta hay dời đổi. Ông ta khó chịu. Ông ta chìu theo dân chúng. Và người hoài nghi sự kiện lịch sử cho chúng ta biết rằng điều này không phù hợp với nhân vật Phi-lát trong lịch sử. Bởi vì Phi-lát của lịch sử trong các trang sách trong bách khoa tự điển của chúng ta hoàn toàn không giống như thế chút nào cả. Ông ta không phải là hạng người không dứt khoát.
Trên hết mọi sự, Phi-lát là một người La-mã bài Do-thái. Điều này có nghĩa là ông ta là một người ngoại ghét người Giu-đa. Ông ta không phải là một người Giu-đa.Là người ghét Do-thái, ông không hề có bất cứ cố gắng nào để làm vui lòng họ cả. Nếu Rô-ma có ý muốn đối phó với dân thuộc địa bằng bàn tay mang găng nhung,thì Phi-lát cũng không hề làm như thế. Ông ta không chịu trách nhiệm trước nghị viện Rô-ma, nhưng trước chính hoàng đế Tiberius. Viên toàn quyền, theo hệ thống chính trị thời đó, không chịu trách nhiệm trước bất cứ ai khác ngoài hoàng đế.Vì vậy, muốn cất ông ta đi, cần phải có quyết định của hoàng đế.
Phi-lát không phải là một người thiếu kinh nghiệm. Để trở nên một thống đốc, người ấy phải trải qua nhiều cấp bậc khác nhau. Trước hết, người ấy phải được nổi tiếng là một chiến sĩ La-mã dũng cảm. Thứ hai, người ấy phải là một nhà chỉ huy giỏi.Thứ ba, người ấy phải là một người quản lý tốt và sau đó là một người thành thạo luật pháp. Ông ta phải là một người của quyết định. Phi-lát không phải là người ngu. Người trẻ tuổi nhất làm thống đốc tìm thấy trong sử sách là 27 tuổi.Nếu Phi-lát nhậm chức tổng trấn ở tuổi 26, hoặc nếu ông ta cai trị sớm ở tuổi 27, thì ông ta cùng thời với Chúa Giê-xu; ông ta cùng tuổi với Ngài. Tuy nhiên,thật nghi ngờ khi cho rằng Phi-lát nhận lãnh chức tổng trấn Giu-đa khi mới 27 tuổi. Đúng ra thì ông ta già hơn nhiều. Cho nên có lẽ lúc đó Phi-lát ở vào tuổi giữa khoảng từ 40 đến 50. Ông ta là một người “tóc hoa râm.” Trải qua những năm trong cuộc đời, ông ta là một người rất chững chạc.
Tôi đọc được một lá thư rất lý thú do sử gia Philo ghi lại trong các tài liệu của ông. Đó là một lá thư do vua Agrippa gửi cho hoàng đế Caligula. Caligula là hoàng đế kế vị Tiberius. Hoàng đế Caligula nhận được một lá thư từ vua Agraippa liên hệ đến Phi-lát, đó là một lời chứng gay gắt, bất lợi cho quan tổng trấn.Lá thư có nội dung như sau: “Phi-lát là một người khó uốn nắn và táo bạo. Hắn ta là một người có tiếng xấu, hung bạo và cực kỳ tàn ác, đầy thành kiến, bạo lực dã man và giết người không gớm tay.” Kết quả của lá thư này đưa đến việc Phi-lát bị “báo cáo,” nói theo từ ngữ quân đội. Ông ta bị điều tra. Vị hoàng đế cử người theo dõi, điều tra nhân vật này, cho nên tại thời điểm xét xử Chúa Giê-xu, Phi-lát đang ‘ở dưới họng súng,’ đe dọa đến địa vị của ông ta. Điều này giải thích tại sao ông ta thiếu kiên quyết trong ghế quan chánh án. Điều này giải thích tại sao Phi-lát không đuổi các trưởng lão và thầy tế lễ Giu-đa khi mới hừng sáng họ kéo đến yêu cầu kết án tử hình Chúa Giê-xu. Ông ta đang lo sợ cho chiếc ghế của mình. Điều này cũng giải thích cho việc ông ta đã tụ tử ở Gaul sau khi bị hoàng đế Caligula cách chức do kết quả của lá thư nói trên.Nhưng mặc dù thế, Phi-lát là một người ngoại bang thù ghét người Giu-đa, một người ở độ tuổi 50, và một người không hề quan tâm đến ý kiến của quần chúng,ngoại trừ trong trường hợp khi thòng lọng sắp tròng vào cổ. Và trong trường hợp này, quả đúng như thế. Chúng ta đã nói khá nhiều về quan tổng trấn trong câu 15.
Tiếp theo chúng ta cũng đọc thấy vài điều về tập tục, phần cuối câu 15 cho biết rằng lúc đó
“.. . có lệ tha một tên tù tùy ý dân muốn.”
Đây là một tập tục trong ngày Lễ Vượt Qua, và thật khó để biết rằng tập tục này bắt đầu từ người Giu-đa hay do người La-mã. Nhưng nó trở một tập tục cho quan tổng trấn trong của xứ, thả một tù nhân mà dân chúng chọn. Giống như ngày nay, thời đó có rất nhiều tù nhân đang bị giam giữ. Tại thời điểm chợt hứng, dân chúng có thể cùng nhau quyết định thả Aristobulus. Và họ sẽ kéo đến gặp tổng trấn bảo:“Năm nay chúng tôi muốn quan thả Aristolulus cho chúng tôi.” Bất kể Aristobulus đang ở tù vì phạm tội gì, anh ta vẫn được trả tự do. Đó chính là tập tục của họ trong thời đó. Nhưng trong trường hợp này, như quý vị biết, thì không phải là Aristobulus. Mà nó là một người tên Ba-ra-ba, như câu 16 cho biết,
“Đang lúc ấy, có một tên phạm nổi tiếng, . . .”
Bây giờ thì có lẽ quý vị tự hỏi không biết tại sao Phi-lát đồng ý theo yêu cầu của họ. Nếu ông ta là một người thù ghét Do-thái, nếu ông ta là một người bài Do-thái, thì tại sao ông ta lại chìu theo một kế hoạch như thế của họ chứ? Có hai nguyên do.
Thứ nhất, như chúng ta đã nói, ông ta lo sợ. Ông ta sợ. Ông ta biết rằng họ giải Chúa Giê-xu đến đây chỉ vì lòng ganh tỵ của họ mà thôi. Một trước giả Phúc Âm cho chúng ta biết như thế. Nhưng dầu như vậy, ông ta cũng biết rõ rằng nếu như không hợp tác với họ, thì sẽ có một bản báo cáo nữa ghi: “Một lần nữa Phi-lát gây cớ tạo nên một cuộc nổi loạn trên đường phố.” Và không bao lâu, ông ta có thể bị cách chức khỏi ghế tổng trấn ấy. Cho nên ông ta lo sợ.
Nguyên do thứ hai khiến Phi-lát đã hợp tác với kế hoạch ấy, và quan trọng hơn thế nữa,là ông ta không bao giờ tin rằng Chúa Giê-xu có tội cả. Theo ý tôi, thì trong những người mà Chúa Giê-xu đang đứng trước mặt họ, thì chỉ có Phi-lát là người đã cho Ngài nửa cơ hội để công bố sự vô tội của Ngài. Ông ta đã thực sự nhìn vào các sự kiện. Và khi ông ta khám phá ra sự kiện, ông ta đã tuyên bố: “Người này vô tội!” Nhưng dân chúng không chấp nhận điều đó. Và Phi-lát, một người đang ở trong sự lo sợ, đã rửa tay mình khỏi sự việc và trao Chúa Giê-xu cho họ để đem đi đóng đinh.
Chúng ta đã nói khá nhiều về phong tục rồi. Cho phép tôi nói thêm một điều nữa, bởi vì thành thật mà nói, tôi tin rằng Phi-lát đã cảm thấy rằng đây là một cơ hội để giải thoát Chúa Giê-xu. Tôi thành thật tin rằng Phi-lát nghĩ có lẽ một vài người trong dân chúng, và có thể họ sẽ thuyết phục thêm một số người khác nữa,để muốn đóng đinh Ba-ra-ba, và như thế Chúa Giê-xu có thể được bảo vệ. Nhưng điều đã không xảy ra. Họ đã muốn thả Ba-ra-ba và đóng đinh Chúa Giê-xu.
Ông James Stalker là người đã viết một tiểu sử ngắn của Chúa Giê-xu. Ông là một người Anh và là người ít lời. Tôi nghĩ ông ta đã rất cô đọng khi nói về những cảm xúc của Phi-lát và trường hợp này của Ba-ra-ba. Ông viết: “Tiếng kêu tên của Ba-ra-ba từng một lần được Phi-lát chào mừng như là một lối thoát cho sự bất đồng ý của ông ta. Tuy nhiên, nó lại biến thành một cái thòng lòng mà tự ông ta đã tròng vào cổ mình.” Đó chính xác là những gì đã xảy ra cho Ba-ra-ba.
Và bây giờ, phần chính của sứ điệp xoay quanh nhân vật có tên xuất hiện trong câu 16. Hắn ta là một tội phạm, tên Ba-ra-ba.
“Đang lúc ấy, có một tên phạm nổi tiếng, . . .”
Từ “nổi tiếng” có nghĩa là “đánh dấu lên.” Nguyên ngữ Hy Lạp là Episemown.Semown có nghĩa là “đánh dấu” và epi có nghĩa là “lên trên.”Chúng ta có thể gọi hắn là một người bị đánh dấu. Ngày nay chúng ta thường dùng cụm từ “kẻ thù số một của công chúng.” Cụm từ này có lẽ thích hợp với Ba-ra-ba.Hắn ta là một người bị đánh dấu, một tội phạm nổi tiếng. Và họ đang có hắn ta trong tay, câu 16 cho biết hắn đang bị giam trong khu tử tội tại thời điểm đó.
Bây giờ thì chúng ta hãy phân tích về nhân vật này. Một trong các trước giả Phúc Âm nói rằng người nào đó trong dân chúng, hoặc một số người trong bọn họ, muốn Ba-ra-ba. Và đúng như thế. Cho nên họ bắt đầu gào lên:“Cho chúng tôi Ba-ra-ba!” Tại sao Phi-lát đã lắng nghe họ? Có lẽ lúc đó tên của một số tù nhân khác cũng được kêu lên tại thời điểm của Lễ Vượt Qua. Điều gì về Ba-ra-ba đã thu hút Phi-lát? (AIFL-866,TS). Đó chính là những gì kích thích sự tìm hiểu của chúng ta trong bài học hôm nay. Và nó dẫn chúng ta bước vào những gì tôi cảm thấy trở nên phần rất lý thú của sự ký thuật Phúc Âm.
Trước hết, tôi nghĩ do tên của hắn ta. Tên của hắn ta rất quan trọng. Xin quý vị chú ý là ông ta được gọi là “Bar-abbas.” Đó không phải là một cái tên Hy Lạp, và đó cũng không phải là một cái tên Hê-bơ-rơ. Nó là một cái tên A-ram. Đó là ngôn ngữ đàm thoại phổ thông thời đó. Chúa Giê-xu nói tiếng A-ram. Và các môn đồ của Ngài cũng vậy. Nó là ngôn ngữ thường ngày trong thời đó. Và tên của nhân vật này rất phổ thông trong tiếng A-ram, Barabbas. Nếu quý vị chú ý đến cái tên,quý vị sẽ dễ dàng nhận ra nó được chia ra làm hai phần – “Bar” và “abbas.” Thí dụ như trong một lần nói về Phi-e-rơ, Chúa Giê-xu gọi ông là “Si-môn Barjona”(Si-môn, con Giô-na). Quý vị còn nhớ không? Si-môn Barjona. Điều đó có nghĩa gì?Thưa, Si-môn là tên tục của ông. Còn Barjona là họ của ông. Các con của tôi đều được đặt cho một cái tên riêng, nhưng đi kèm với tên của chúng là một cái họ,họ Nguyễn giống như tôi. Nó là họ của chúng. Khi đặt tên con trong thời Kinh Thánh, người ta đặt tên theo tên của ông cha họ. Thí dụ, Si-môn Barjona có nghĩa là “Si-môn, con Giô-na.” “Bar” có nghĩa là “con trai.”
Nhưng phân đoạn Kinh Thánh này cho chúng ta biết rằng tên của Ba-ra-ba là ‘Bar-abbas.’ Và quý vị đang hỏi như vậy không biết tôi sẽ giải đáp những gì cho điều này sắp tới đây. Tên của ông ta ở đâu? Đó là phần hấp dẫn nhất. Chúng ta chỉ có họ của hắn mà thôi. Có nghĩa là “con trai.” Còn “abbas” là gì? Tôi nghĩ một số quý vị sâu nghiệm Kinh Thánh biết rõ chữ “abba,” hay “abbas” rồi phải không? Cho nên bây giờ chúng ta sẽ giúp đỡ nhau trên khía cạnh này.
Mac 14:36 sẽ giải đáp điều này cho chúng ta. Chúng ta có thể mở ra trong thư Ga-la-ti 4, hoặc Rô-ma 8, và sẽ tìm thấy câu trả lời, bởi vì chữ này xuất hiện ở đấy. Nhưng ở đây nó đã được dịch ra cho chúng ta. Mời quý vị hãy giữ phần Kinh Thánh ở Phúc Âm Ma-thi-ơ và lật sang Mác trong chốc lát để tôi chỉ cho quý vị thấy. Mac 14:36,
“Ngài rằng(đây là lúc Chúa Giê-xu ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê): A-ba lạy Cha, mọi việc Cha làm được cả; xin Cha cất chén nầy khỏi con; nhưng không theo điều con muốn,mà theo điều Cha muốn.”
Khi Chúa Giê-xu cầu nguyện lời này, Ngài đã không cầu nguyện: “A-ba, Cha.” Nhưng khi Mác ghi lại lời cầu nguyện này, ông ghi chú thêm chữ “Cha,” hầu cho chúng ta có thể hiểu được. Vì vậy, lời cầu nguyện chính xác của Chúa Giê-xu lúc đó là: “Abba, mọi việc Cha đều làm được cả.” Phân đoạn này cho chúng ta biết rằng chữ “a-ba” có nghĩa là “cha.” Vì vậy tên “Bar-abbas” có nghĩa là “con trai của cha.” Nhưng điều này cũng chưa giúp chúng ta được gì cả phải không? Rõ ràng thì hắn là con trai của cha hắn rồi. Nhưng còn có điều khác nữa. Chữ “abbas” này trong tiếnh Anh có “s” là cách rất thường được sử dụng trong thế kỷ thứ nhất và thứ nhì với sự ám chỉ các thầy rabbi. Thực sự thì dường như người Công giáo nắm lấy ý này để gọi các vị linh mục tên chung là “Abbas,” ngoại trừ khi dịch tiếng Việt là “Cha. . . Cha.”
Chúng ta trở lại với Phúc Âm Ma-thi-ơ. Tôi cho rằng Bar-abbas là con trai của một vị rabbi rất nổi tiếng, hay ít nhất là người cha nổi tiếng thời ấy. Vì vậy hắn ta càng thêm nổi tiếng hơn nữa. Tôi có thể giải thích tại sao. Khi một đứa con bình thường quậy, nó là một vấn đề nhức óc rồi. Nhưng khi một đứa con của một Mục sư quậy, nó càng nổi tiếng hơn. Trong trường hợp của Bar-abbas, hắn ta đã nổi tiếng ngay cả trước khi bị bắt nữa. Thực sự chính sử gia Josephus cũng giúp chúng ta hiểu về điều về bối cảnh quá khứ thời của ông bằng sự kiện đơn giản rằng Ba-ra-ba là một tội phạm nổi tiếng ngay cả trước khi hắn bị bắt nữa. Tôi cho rằng, dựa trên tên của hắn, thì hắn là một người ai cũng biết đến, một tội phạm lừng danh, đơn giản chỉ vì hắn đạp đổ mọi điều đã được huấn luyện, dạy dỗ để sống của đời của một tội phạm.
Nhưng chúng ta hãy trở lại với cái tên. Tên của hắn là gì? Mời quý vị hãy xem điều này trong Mat 27:17,22. Quý vị có chú ý thấy vài điều trong đó không? Phi-lát liệt Ba-ra-ba và Chúa Giê-xu chung với nhau. Nhưng tôi muốn quý vị chú ý cách ông ta điều đó như thế nào.
Câu 17,
“Khi chúng đã nhóm lại, thì Phi-lát hỏi rằng: Các ngươi muốn ta tha người nào,Ba-ra-ba hay là Jêsus gọi là Christ?”
Câu 22,
“Phi-lát nói rằng: Vậy, còn Jêsus gọi là Christ, thì ta sẽ xử thế nào? . . .”
Tại sao ông ta gọi Chúa Giê-xu như thế? Mỗi khi quý vị đọc Kinh Thánh và chú ý thấy những điều quan trọng và quý vị cố gắng rút ra điều gì đó từ Kinh Thánh, thì quý vị nên chú ý đến điều đó.
“.. . Phi-lát hỏi rằng: Các ngươi muốn ta tha người nào, Ba-ra-ba hay là Jêsus gọi là Christ?”
Điều đó rất quan trọng. Thật sự thì nó quan trọng đến độ tôi đã để thì giờ đào sâu vào và tìm thấy vài điều mà tôi cho là câu trả lời cho chúng ta.
Trong một vài bản văn cổ của Phúc Âm Ma-thi-ơ có ghi tên tục của Ba-ra-ba. Quý vị biết tên ông ta là gì không? Tên của ông ta là “Giê-xu.” Theo một vài bản văn cổ của Phúc Âm Ma-thi-ơ, đặc biệt là trong hai bản, thì tên tục của Ba-ra-ba là “Yeshua,” tức Giê-xu, dịch ra theo tiếng Việt của chúng ta. Điều đó giải thích lý do tại sao Phi-lát hỏi đám đông: “Ta sẽ tha cho ai? Yeshua Barabbas, hay là Yeshua Christ?” Bây giờ thì câu hỏi tự nhiên chúng ta đặt ra là tại sao điều này lại không xuất hiện trong các bản dịch Kinh Thánh của chúng ta ngày nay?
Tiến sĩ Wilson, một học giả rất sắc bén về Thánh Kinh Tân ước, viết về nguyên do tên tục của Ba-ra-ba bị mất trong các bản dịch mới nhu sau.
“Dường rất khó để bất cứ người thơ ký Cơ-đốc nào vô tình thêm tên của Chúa Giê-xu vào thời điểm này của kinh văn, nhưng rất dễ để nhìn thấy tại sao các nhà sao chép Cơ-đốc nhân cố tình bỏ đi tên Giê-xu trước họ của tên giết người Ba-ra-ba.”
Khi những kinh văn này được sao chép tay, rõ ràng là các nhà sao chép sẽ rất cẩn thận ghi chú mỗi khi đến tên của Chúa Giê-xu. Họ sẽ chú thích đầy đủ là:“Giê-xu, Người được gọi là Đấng Chịu Xức Dầu.” Nhưng cũng rất rõ ràng rằng khi đến tên của Ba-ra-ba, họ đã không muốn gắn cái tên “Yeshua” và họ của ông ta.Đó chính là những gì tiến sĩ Wilson muốn nói. Chúng ta tiếp tục.
“Tên Giê-xu là một cái tên rất phổ thông trong thế kỷ đầu tiên ở vùng Giu-đê, giống như tên James hay John (hoặc Thanh, Đức, Tâm trong tiếng Việt)ngày nay vậy. Cho nên rất có khả năng, ngay cả chính xác nữa, là Ba-ra-ba có tên tục trùng với Chúa Giê-xu. Nhưng bởi vì tên Giê-xu đặc biệt rất thánh khiết đối với Hội Thánh đầu tiên, nên tự nhiên là các Cơ-đốc nhân sẽ tách nó ra khỏi tên giết người Ba-ra-ba. Điều này được hoàn tất khi ký thuật lại phiên xử. Nếu ý kiến này là đúng, thì một ít bản văn hiếm hoi còn ghi lại tên Giê-xu Ba-ra-ba là bằng cớ duy nhất còn lại cho biết tên họ đầy đủ của tên nổi loạn này.”
“.. . Các ngươi muốn ta tha người nào, Ba-ra-ba hay là Jêsus gọi là Christ?”
Đó là lý do tại sao Phi-lát bị thu hút với tên Ba-ra-ba. Ông ta nghĩ: “Đây là một tên có trùng tên với Ngài. Chắc chắn họ sẽ không muốn thả tên giết người. Chắc chắn họ sẽ muốn thả Người xưng là Đấng Messiah hơn.” Nhưng sự việc đã đi ngược lại và gậy ông đã đập lưng ông. Cho nên bất ngờ Phi-lát thấy cái thòng lọng đã tròng vào cổ mình rồi.
Nhưng còn điều khác nữa. Trong câu 16 của phân đoạn này nói rằng: “Đang lúc ấy, có một tên phạm nổi tiếng.” Điều này đêm chúng ta đến với một sự hết sức quan trọng, đó là tội của người đàn ông này. Tôi mời quý vị mở trở lại trong Mac 15:6. Chúng ta hãy xem tội trạng của người này. Nó dường như rất phù hợp để chúng ta làm điều này bởi vì hai tên cướp bị đóng đinh hai bên Chúa Giê-xu. Tôi cho rằng đây cũng là những tên nổi loạn đồng bọn với Ba-ra-ba.
Mac 15:6,
“Vả,hễ đến ngày lễ Vượt Qua, quan vốn quen thói tha cho dân một tên tù, tùy theo dân xin.
Bấy giờ có một đứa tên là Ba-ra-ba bị tù với kẻ làm loạn, vì trong khi nổi loạn,chúng nó phạm tội giết người.”
Quý vị có chú ý thấy danh sách các tội phạm ở đây không? Thứ nhất, hắn ta bị tù vì tội làm loạn. Làm loạn có nghĩa gì? Xin thưa, làm loạn tức là nổi loạn, phá làng phá xóm. Đó là ý nghĩa của từ này trong nguyên ngữ. Hắn ta dẫn đầu một cuộc nổi loạn. Hơn thế nữa, câu 7 cho chúng ta biết rằng đang khi nổi loạn, hắn cũng đã giết người. Cho nên hắn là một kẻ sát nhân, một người nổi loạn chống lại chính quyền, và do bởi hành động giết người ấy, nên hắn bị bỏ tù. Nơi Ba-ra-ba đang bị giam cũng rất quan trọng mà chúng ta sẽ xem trong chốc lát đây. Nhưng tôi xin đọc cho quý vị nghe phần trích đoạn của nhà giải kinh Barclay.
“Ba-ra-ba không phải là một tên ăn cắp vặt, hay một tên trộm thường. Hắn là một tên cướp,và chắc chắn đã có rất nhiều lời đồn đãi về sự táo bạo của hắn giữa đám đông.Như quý vị thấy, xứ Palestine đầy dẫy những kẻ nổi loạn lúc đó. Nó là một vùng đất đang rực lửa căm thù. Đặc biệt có một nhóm người Giu-đa gọi là Sicarri, có nghĩa là những người mang dao găm, hay “Đảng Dao găm.” Họ là những người hung bạo, cuồng tín, giống như hình ảnh chúng ta thường thấy tên tivi, báo chí ngày nay ở vùng đất ấy. Đảng Dao găm thề quyết ám sát và giết người với bất cứ hình thức nào có thể được. Họ mang dao găm bên trong áo khoát và sử dụng nó mỗi khi có dịp. Cho nên rất có thể Ba-ra-ba là một người như thế.”
Và vì vậy, theo Mac 15:7, hắn ta bị giam trong tù. Điều này đem chúng ta đến với lãnh vực thứ ba của cuộc đời người đàn ông này, đó là chỗ hắn đang bị giam.
Tôi muốn cho quý vị thấy vị trí chính xác nơi Ba-ra-ba đang bị giam và việc nó có liên hệ như thế nào với phân đoạn Kinh Thánh chúng ta đang học đây. Cả hai sách Phúc Âm Ma-thi-ơ và Mác đều nói rằng hắn đang bị giam giữ, hay đang bị xiềng.Do bởi chúng ta không quen thuộc với chỗ một người bị giam giữ thời đó và bởi vì nó đem đến một sự thích thú nhất trong Phúc Âm Ma-thi-ơ, nên tôi muốn quý vị nhìn thấy vị trí hắn bị giam.
Rất tiếc trong bản Kinh Thánh cũ chúng ta không có bản đồ thành phố Giê-ru-sa-lem cổ. Nhưng các bản in mới gần đây đều có. Quý vị thính giả nào đang sử dụng bản Kinh Thánh mới in gần đây, có thể mở ra bản đồ số 5 (hay số 7, tùy bản) và xem thành phố Giê-ru-sa-lem. Chú ý quý vị sẽ thấy vườn Ghết-sê-ma-nê ở sát bên phía tay phải. Đối diện bên trái là đồi Gô-gô-tha, không chính xác lắm, nhưng có thể như thế.
Chúng ta đọc thấy trong sách Phúc Âm bảo rằng Ba-ra-ba đang bị giam. Rất có thể hắn đang bị cầm tù trong pháo đài Antonia, đó là nơi các tù nhân bị giam. Pháo đài Antonio nằm bên góc trái của nội thành Giê-ru-sa-lem. Trong thời gian Lễ Vượt Qua, các đường phố Giê-ru-sa-lem rất náo nhiệt, rất đông người, rất dễ gây nên hổn loạn, đó là lý do tại sao Phi-lát phải từ Sê-sa-rê đi xuống Giê-ru-sa-lem để giữ gìn an ninh, trật tự. Khi Phi-lát đi xuống Giê-ru-sa-lem, ông ta đem theo một đại đội lính La-mã. Và họ cần phải có chỗ để trú đóng. Cho nên trại của họ đóng trong pháo đài Antonio. Đó cũng chính là nơi Ba-ra-ba đang bị giam giữ.
Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết rằng Phi-lát đang có mặt ở đó. Cho nên câu hỏi được đặt ra là Phi-lát ngụ ở đâu? Có ba chỗ có khả năng Phi-lát trú ngụ trong thời gian ấy. Thứ nhất là ông ta có thể ở trong pháo đài. Điều này đáng nghi ngờ, do bởi Phi-lát muốn có sự riêng tư và yên tịnh, và pháo đài chắc chắn không phải là chỗ của sự yên tịnh hay riêng tư, nhất là trong thời gian Lễ Vượt Qua. Nó là một nhà tù. Cho nên có lẽ ông ta không ngụ tại pháo đài Antonio đâu.
Vị trí khả dĩ thứ hai mà Phi-lát có thể trú ngụ là cung Hasmonian. Bản đồ trong Kinh Thánh tiếng Việt của chúng ta không có ghi, nhưng cung Hasmonian nằm bên trái thành cổ, phía trên, gần Công Đồng và Cổng Ép-ra-im. Tuy nhiên, theo hai sử gia đáng tinh cậy, thì cung Hasmonian là chỗ vua Agrippa ngự mỗi khi đến Giê-ru-sa-lem. Vua Hê-rốt An-ti-pa đang ở Giê-ru-sa-lem trong thời gian Lễ Vượt Qua, theo Lu 23:7 cho biết. Ông ta ở đó cùng thời gian Chúa Giê-xu bị xét xử.Quý vị chắc còn nhớ phiên xử thứ năm của Chúa Giê-xu, Ngài ở trước mặt vua Hê-rốt Antipas. Và chúng ta đọc thấy trong sách sử ghi rằng chỗ cư ngụ của ông ta là cung Hasmonian. Đó là chỗ ở của vua Hê-rốt. Quân lính thì ở pháo đài Antonio.
Chỗ thứ ba Phi-lát có thể ngụ là cung Hê-rốt. Tôi cho rằng đó chính là chỗ Phi-lát ngụ trong thời gian Lễ Vượt Qua ở Giê-ru-sa-lem và đó là chỗ Chúa Giê-xu bị Phi-lát xét xử. Ông ta rời nội cung và đi ra bên ngoài tiền đình để chủ tọa phiên tòa.
Mời quý vị cũng hãy mở sang Phúc Âm Giăng đoạn 19. Có thể một số quý vị đang nghĩ:“Sao ông Mục sư lại mất thì giờ đi lòng vòng với những chuyện vớ vẫn, không liên quan gì đến phân đoạn Kinh Thánh đang học hết vậy?” Xin thưa với quý vị,tất cả mọi chi tiết tôi vừa nói đều có liên hệ đến bài học của chúng ta hôm nay. Chúng ta xem trong Gi 19:16.
“Người bèn giao Ngài cho chúng đặng đóng đinh trên thập tự giá. Vậy, chúng bắt Ngài và dẫn đi.”
“Người”đây chính là Phi-lát. Còn “Ngài” chính là Chúa Giê-xu. Phi-lát giao Ngài cho chúng đem đi đóng đinh.
“Đức Chúa Jêsus vác thập tự giá mình, đi đến ngoài thành, tại nơi gọi là cái Sọ,tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Gô-gô-tha.”
Quý vị hãy lên bên trên chỗ cung Hê-rốt trong bản đồ, sẽ thấy vị trí của Gô-gô-tha.Gi 19:13,
“Phi-lát nghe lời đó bèn dẫn Đức Chúa Jêsus ra ngoài, . . .”
Mời quý vị xem. Phi-lát đem Chúa Giê-xu ra khỏi cung Hê-rốt. Ông ta đem Ngài ra bên ngoài một khu vực gọi là “Vĩa Hè,” trong tiếng Hê-bơ-rơ là Gabbatha. Gabbatha có nghĩa là “khảm hay đá.” Nó là một khu vực lát đá bên ngoài cung điện. Đó chính là chỗ Phi-lát đem Ngài ra. Phi-lát hỏi cung Chúa Giê-xu ở bên trong. Và ông ta đem Ngài ra ngoài giao cho đám đông đang chờ đợi. Quý vị còn nhớ là họ không vào bên trong cung, bởi họ không muốn bị ô uế trong thời gian Lễ Vượt Qua.
Ba-ra-ba đang bị giam giữ trong pháo đài Antonio. Phiên xử do Phi-lát chủ trì diễn ra ở cung Hê-rốt. Khoảng cách giữa hai nơi này là 600 mét. Quý vị thính giả nào thích bóng đá, hãy tưởng tượng trận chung kết đang diễn ra, quý vị đi hơn trễ nên phải đậu xe rất xa, và quý vị đi bộ vào cổng. Từ khoảng cách xa hàng cây số, quý vị đã nghe tiếng reo hò ầm ĩ. Không phải quý vị nghe tiếng của một người, nhưng là tiếng ồn ào, náo nhiệt của đám đông. Quý vị nghe tiếng reo hò,nhưng quý vị không biết chuyện gì đang xảy ra. Xin hãy giữ điều đó trong trí.
Chúng ta trở lại Phúc Âm Ma-thi-ơ. Tôi muốn quý vị thấy cách nào nó phù hợp với nhau.Ba-ra-ba ở trong pháo đài không thể biết những gì Phi-lát mói. Tất cả những gì hắn ta nghe được là tiếng hò hét của đám đông. Bây giờ, mời quý vị hãy hình dung Ba-ra-ba, đang bị cùm chung với những tên cướp của giết người trong tù ở pháo đài Antonio. Hình dung đám đông đang ở cung Hê-rốt. Bây giờ, mời quý vị xem câu 17. Ba-ra-ba có thể nghe được điều này,
“Khi chúng đã nhóm lại, thì Phi-lát hỏi rằng: Các ngươi muốn ta tha người nào,Ba-ra-ba hay là Jêsus gọi là Christ?
Vì quan ấy biết bởi lòng ghen ghét nên chúng đã nộp Ngài.”
Câu 20,
“Song các thầy tế lễ cả và các trưởng lão dỗ chúng hãy xin tha Ba-ra-ba và giết Đức Chúa Jêsus
Quan tổng đốc cất tiếng hỏi rằng: Trong hai người nầy, các ngươi muốn ta tha ai?Chúng thưa rằng: Ba-ra-ba.”
Tôi nói điểm này là bởi vì trong sự ký thuật của sách Phúc Âm khác có nói đến việc đám đông hô to “Ba-ra-ba.” Điều trước hết Ba-ra-ba nghe được từ đám đông là tên mình “Ba-ra-ba.” Bây giờ mời quý vị xem câu kế,
Câu 22,
“Phi-lát nói rằng (hắn không thể nghe Phi-lát): Vậy, còn Jêsus gọi là Christ, thì ta sẽ xử thế nào? . . .”
Cả đám đông gào to: “Đóng đinh hắn trên cây thập tự!” Nếu quý vị là Ba-ra-ba, đang ở trong pháp đài, thì chắc chắn quý vị sẽ rất kinh hãi khi nghe điều đó. Quý vị nghe đám đông gào to tên mình và tiếp theo quý vị nghe họ thét: “Đóng đinh hắn trên cây thập tự!” Và nếu điều đó chưa tệ đủ, mời quý vị đọc tiếp.
Câu 23,
“Quan hỏi(họ không thể nghe tiếng của Phi-lát): Song người nầy đã làm việc dữ gì?chúng lại kêu la lớn hơn rằng: Đóng đinh nó trên cây thập tự!
Phi-lát thấy mình không thắng nổi chi hết, mà sự ồn ào càng thêm, thì lấy nước rửa tay trước mặt thiên hạ, mà nói rằng: Ta không có tội về huyết của người nầy; điều đó mặc kệ các ngươi.”
Và họ cũng không thể nghe được điều đó nữa.
“Hết thảy dân chúng đều đáp rằng: Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi!”
Tại thời điểm này, trong pháo đài Antonio, có một người đang đổ mồ hôi hột, trong sự kinh hãi, tên của hắn ta là Ba-ra-ba. Nhưng điều lý thú là Ba-ra-ba đang chờ đợi lính canh đến mở cửa ngục, dẫn hắn ta đem đi đóng đinh, nhưng lại thấy lính đến và hắn được thả.
Câu 26,
“Phi-lát bèn tha tên Ba-ra-ba cho chúng; và khiến đánh đòn Đức Chúa Jêsus, đoạn giao Ngài ra để đóng đinh trên cây thập tự.”
Hôm nay tôi muốn chỉ cho quý vị thấy rằng Ba-ra-ba,hơn bất cứ cá nhân nào tại quang cảnh của Gô-gô-tha, đã có được một sự chết thay tại thập tự giá. Hắn ta chính là người đúng ra phải chịu chết trên ấy cùng với hai tên trộm cướp kia. Hắn ta gắn liền với họ. Và khi lính canh đến, dẫn hắn ra và hắn sẵn sàng để đi đến Gô-gô-tha, thì bất ngờ họ bảo: “Ngươi được tự do.Ngươi được tha.” (AIFL-867, TS).
Có rất nhiều truyền thuyết về Ba-ra-ba, nếu quý vị có thì giờ và cơ hội, cũng nên tìm đọc những câu chuyện truyền thuyết về nhân vật này. Nó rất thích thú, nhưng chỉ là truyền thuyết thôi. Nhưng một chút tưởng tượng thánh khiết cũng chẳng hại ai. Tôi nghĩ rằng Ba-ra-ba không hề rời khỏi thành Giê-ru-sa-lem ngày hôm ấy.Tôi nghĩ chắc chắn hắn ta đã phải đi đến Gô-gô-tha. Và chắc chắn đã nhìn thật lâu vào Người đã chết thay chỗ của hắn. Tiên tri Ê-sai nói trong Es 53:6 rằng,
“Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; và Chúa, Đức Chúa Cha, đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người, Đức Chúa Con.”
Điều đó được gọi là giáo lý của sự chết thay. Chúa Giê-xu, thay cho chúng ta, mang lấy mọi tội lỗi của chúng ta, là những tội đáng ra chúng ta phải nhận lấy. Ngài đã nhận lấy cây thập tự mà đáng ra thì chính chúng ta phải bị đóng đinh trên ấy. Và trong chỗ của chúng ta, những người bị kết án tử hình, dưới sự kết án của tội lỗi, được thả tự do bởi dòng huyết của Đấng chết thay cho chúng ta.
Mục sư A. T. Robertson viết: “Họ chọn Ba-ra-ba vào chỗ của Chúa Giê-xu và rõ ràng Chúa Giê-xu đã chết trên chính cây thập tự đã được dành cho Ba-ra-ba.”
Kính mời quý vị cúi đầu nhắm mắt lắng lòng yên lặng trong giây lát.Có thể hôm nay là lần đầu tiên quý vị đến tại chỗ Chúa Cứu Thế Giê-xu được nói đến hay công bố cho quý vị. Có lẽ những điều này xa lạ đối với quý vị. Đây là lần đầu tiên quý vị làm một cuộc phân tích sự kiện cách thật lòng và khôn ngoan. Tôi nghĩ hôm nay quý vị hiểu được vài điều về cảm xúc của Ba-ra-ba,người đang bị cầm tù và bị kết án, để rồi bất ngờ khám phá ra mình được trả tự do. Hôm nay, nếu quý vị đang mang tội lỗi và nghe được tiếng Đức Chúa Trời phán rằng: “Con bị hư mất. Con đáng bị chết mất. Đời sống của con kết án con,” thì tôi cũng muốn quý vị biết rằng có một tiếng phán êm dịu nhỏ nhẹ rằng: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương quý vị nên đã ban Con một của Ngài, hầu cho nếu quý vị tin nhận Con ấy, quý vị sẽ không bị hư mất, mà được sự sống đời đời.”
Tôi thúc giục quý vị hãy mở lòng mình ra tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu ngay giờ này đi. Chỉ đơn giản mời Ngài ngự vào cuộc đời của quý vị. Ngài là Đấng lịch sự và Ngài chờ lời mời của quý vị. Ngài phán rằng: “Nầy Ta đứng ngoài cửa và tiếp tục gõ. Nếu bất cứ ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho, Ta sẽ vào cùng người ấy.” Nếu cuộc đời của quý vị chưa hề Chúa Chúa Giê-xu, thì hiện nay Ngài đang đứng ngoài cửa lòng của quý vị, chờ quý vị mở cửa mời Ngài ngự vào. Quý vị chỉ cần cầu nguyện đơn giản như thế này: “Kính lạy Cha yêu thương, con xin tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu giờ này. Con dâng đời sống và ý muốn của con cho Ngài. Con mời Ngài chiếm ngự, không phải chỉ tâm trí con, mà cả cuộc đời con nữa. Cám ơn Cha đã ngự vào.”
Lạy Cha kính yêu, trong danh vô đối của Chúa Giê-xu, đối tượng của sự thương xót của chúng con, Đấng đã trả nợ tội thay cho Ba-ra-ba, trên phương diện lịch sử,và trả nợ tội cho mỗi người chúng con, trên phương diện thuộc linh, chúng con cám ơn Chúa Cứu Thế Giê-xu. Cha ơi, xin làm cho sự thờ phượng Chúa của chúng con trở nên đầy ý nghĩa. Xin cho chúng con kết thúc chương trình phát thanh hôm nay không phải chỉ với một loạt các ý tưởng trong trí, nhưng với sự yêu thương và hi sinh của chính Chúa Cứu Thế Giê-xu. Là danh mà chúng con dựa vào để dâng lời cầu nguyện này. A-men!
BÀI 5 BÀI 7
BÀI 5 BÀI 7
Leave a Comment